GOSPELNET
 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


SỐ ÐẶC BIỆT:   LỄ KÍNH THÁNH GIU-SE

TIN MỪNG: Lc 2, 41 - 51a

Hằng năm, cha mẹ Ðức Giê-su trẩy hội đền Giê-ru-sa-lem mừng Lễ Vượt Qua. Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, theo tập tục ngày lễ. Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giê-su thì ở lại Giê-ru-sa-lem, mà cha mẹ chẳng hay biết. Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc. Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giê-ru-sa-lem mà tìm.

Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Ðền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. Ai nghe câu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đáp của cậu. Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: "Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy ? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con !" Người đáp: "Sao cha mẹ lại tìm con ? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao ?"

Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói. Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài.

SUY NIỆM 1:

THÁNH GIU-SE, NGƯỜI LAO ÐỘNG CẦN CÙ

Dừng lại khía cạnh lao động để nói về Thánh Giu-se Người Công Chính, tôi muốn cùng mọi người trong đó có anh chị em Dân tộc K'Hor chiêm ngưỡng một người cha, một người gia trưởng đầy lạ lùng, nhưng khiêm tốn và im lặng trầm lắng. Thánh Giu-se được Giáo Hội ca tụng là người quản gia trung tín và khôn ngoan, Chúa đã đặt lên coi sóc gia đình Chúa ( Lc 12, 42 ).

MỘT CÁI DUYÊN

Tìm về nguồn gốc, người K'Hor có thần thoại Xơ-rơ-đen. Ðây là ông tổ của người K'Hor. Xơrơđen thuộc dòng dõi con cháu của các nữ thần mặt trời. Ðây là nguồn gốc có tính thần kỳ của những cư dân Nam Á. Dòng tộc của người K'Hor có khác biệt với người Việt: Con Rồng Cháu Tiên. Người K'Hor trước kia thường thờ nhiều thần: thần núi, thần đá, thần sông, thần suối, thần cây, thần rơmơs ( thuồng luồng) v.v... Sau những năm phục vụ người Dân Tộc K'Hor ở Fyan và tìm tòi học hỏi, một hôm có một già làng đã kể cho tôi câu chuyện, một câu chuuện có tính thần thoại nhưng nói lên niềm tin và cái tinh túy của người K'Hor:

"Trước kia, nghĩa là đã từ lâu lắm ( bơh kut bơh ku, bơh yu bơh yău ), các già làng, tổ tiên ( pàng yău ) của người K'Hor đã muốn chọn một ngọn núi ở Phú Mỹ, Fyan ( vì họ cho là trung tâm ) để cúng tế trời đất, cúng tế các thần ( yang ). Người K'Hor tổ tiên ( pàng yău ) quan niệm trời giống như một cái nong lớn ( vũ trụ ). Người K'Hor cho mình là khôn ngoan, nên coi mình là cái rún của vũ trụ và cái núi chọn để cúng tế tượng trưng cho cái rún của trời. Sau này, các tộc trưởng, các già làng đã chọn ngọn núi Lăng Biăng ở Ðàlạt làm nơi cúng tế, làm nơi giao hòa trời đất. Ðó là cái rún của người K'Hor".

Qua câu chuyện này làm ta suy nghĩ tới cái tinh túy, cái rún của Ki-tô Giáo: Khi rao giảng Tin Mừng cho người Dân Tộc, đặc biệt là người K'Hor, các vị Thừa Sai đã đưa họ về nguồn gốc của vũ trụ. Ki-tô Giáo có Thiên Chúa Ba Ngôi ( Bàp yang pe hê ) và Chúa Giê-su ( Yang Jesus ) là Ngôi Hai Nhập Thể đã có một người cha và một người mẹ như mọi người ở trần gian. Ði từ hình thức rất đơn giản và thông thường như vậy, người Dân Tộc K'Hor đã biết cha của Chúa Giê-su là Thánh Giu-se và mẹ là Ðức Ma-ri-a.

Thánh Giu-se theo Kinh Thánh sinh tại Na-da-rét, một thôn làng nhỏ bé và nghèo nàn. Ðiều này quả thực rất phù hợp với người Dân Tộc K'Hor vì hầu hết họ xuất thân từ các bản làng nằm trong rừng, nằm trong vùng sâu vùng xa. Cuộc đời của họ gắn bó với thiên nhiên, gắn bó với núi, rừng, suối nước, cây, cỏ v.v... Ðời sống của người Dân Tộc thật là đơn giản, bình dị và chân chất núi rừng, hoang dã. Thánh Giu-se thuộc hoàng tộc Ða-vít, nhưng vì gia cảnh nhiều đời sa sút, nên ngài sống trong cảnh nghèo, làm nghề lao động, làm thợ mộc để sinh sống và nuôi gia đình Na-da-rét.

Hoàn cảnh của Thánh Giu-se, mẹ Ma-ri-a và Chúa Giê-su rất gần gũi với anh chị em Dân Tộc K'Hor vì hầu hết mọi gia đình người Dân Tộc đều sống bằng nghề trồng rẫy, trồng nương, sau này làm nghề lúa nước và trồng cây công nghiệp. Thánh Giu-se làm nghề lao động, một nghề phổ thông của hầu hết con người. Trước mắt thế gian, Thánh Giu-se chỉ là một con người lao động, đến nỗi khi thấy Chúa Giê-su rao giảng, những người đồng hương đã nói một cách rất tự nhiên, nhưng đầy mỉa mai: "Ông ấy lại không phải là con bác thợ mộc sao ?" ( Mt 13, 55 ) và khi Chúa Giê-su làm nghề thợ mộc, nghề của Thánh Giu-se, cha Người hì họ lại khinh chê, chế diễu không thương tiếc: "Ông ấy không phải là bác thợ mộc đó ư ?" ( Mc 6, 3 ).

Nhưng, Thiên Chúa, như thánh Phao-lô viết: "Sự điên rồ nơi Thiên Chúa thì khôn ngoan hơn loài người" ( 1 Cr 1, 25 ), Người có đường lối riêng của Người mà thế gian vô phương hiểu thấu. Thiên Chúa đã dùng Thánh Giu-se với công việc lao động để thánh hoá giá trị của công ăn việc làm. Thánh Giu-se đã cho thấy vẻ đẹp của lao công, của những lo âu, vất vả, của mồ hôi mới có miếng cơm manh áo và như thế công việc dù tay chân hay trí thức đều góp phần vào việc kiến tạo một thế giới mới, một trời mới, đất mới, góp tay vào Công Trình Cứu độ của Thiên Chúa.

Và người Dân Tộc đã được cắt nghĩa họ có dòng dõi còn cao, còn quý hơn cả thần mặt trời nữa, vì họ có một Cha trên Trời, Người là Thiên Chúa yêu thương con người và yêu thương đến sai con một của mình là Ðức Giê-su Ki-tô đến trần gian, mặc xác phàm trong lòng Ðức Trinh Nữ Ma-ri-a bởi phép Chúa Thánh Thần và như mọi con người ở trần gian, Chúa Giê-su đã có một người cha là Thánh Giu-se. Ðược học Giáo Lý, được các vị Thừa Sai và nhiều người hướng dẫn, khai mở, người Dân Tộc K'Hor đã rất mến yêu cội nguồn của mình là Thiên Chúa Ba Ngôi, yêu kính trọng Thánh Giu-se và Mẹ Ma-ri-a. Ðó là cái duyên, một cái duyên xem ra bình thường, nhưng cũng rất lạ lùng và kỳ diệu vì biết được cha mẹ của Chúa Giê-su, người Dân Tộc đã hết mình tôn kính và kêu cầu khấn nguyện với Thánh Giu-se và Mẹ Ma-ri-a.

THÁNH GIU-SE CÓ THẦN THẾ TRƯỚC MẶT ÐỨC CHÚA TRỜI

Thánh Tê-rê-xa thành Avila đã viết: "Tôi thấy không lần nào xin sự gì cùng Thánh Giu-se mà không được như ý. Dường như Thiên Chúa ban ơn cho các Thánh giúp ta việc này việc nọ nhưng kinh nghiệm cho tôi biết Thánh Giu-se giúp chúng ta trong mọi trường hợp. Tôi lấy Danh Chúa mà xin những ai không tin lời tôi hãy thử mà xem".

Tôi còn nhớ trong một lớp Giáo Lý cho người Dân Tộc, bài hôm hôm đó được trình bầy như sau: Chúa Giê-su là Chúa nhưng để làm người, Người đã có mẹ, có cha. Một em Dân tộc hỏi tôi: "Thưa Cha, làm sao Chúa Giê-su là Thiên Chúa, dựng nên trời đất, vũ trụ, con người mà lại có cha có mẹ".

Tôi ngạc nhiên vì câu hỏi hết sức thông minh ấy, tôi nói với em và cả lớp rằng sở dĩ Chúa là Thiên Chúa nhưng lại có mẹ có cha vì Người chấp nhận làm người, mặc xác phàm làm người, nên phải có mẹ có cha, nếu Người tự trời rơi xuống hoặc tự dưới đất chui lên thì con người sẽ khó gần gũi Người được. Người làm người, có mẹ có cha để con người dễ dàng gần gũi và tôi nói tiếp Chúa Giê-su có mẹ là Ma-ri-a, làm nội trợ, có cha là Giu-se làm nghề thợ mộc, làm nghề lao động. Như thế, mọi người dễ biết Người, dễ tới với Người như con cũng có cha mẹ sống trong bản làng, nên ai trong bản làng thấy con, cũng biết tên cha mẹ của con. Em bé Dân Tộc và cả lớp vỗ tay tán thưởng...

Thánh Giu-se quả thực đã sống trọn vẹn Tin Mừng, đã giữ và đã sống Lời Chúa cách sâu xa, tuyệt đối. ngài là cha nuôi Ðức Giê-su Ki-tô, nhưng thực tế Chúa Giê-su coi ngài như chính cha của mình và Thánh Giu-se có một chỗ đứng rất cao vời trong Lịch Sử Cứu Ðộ, trong gia đình Na-da-rét. Trong những năm tháng sống với Chúa Giê-su và mẹ Ma-ri-a tại Na-da-rét, Thánh Giu-se đã không được Thánh Sử nào ghi lại một lời vì tất cả các lời của Thánh Giu-se đều bình thường, đều có giá trị, sách vở ghi chép sẽ không có chỗ để ghi lại.

Tuy nhiên, Thánh Giu-se luôn có một tấm lòng như Ma-ri-a "ghi nhớ và suy đi nghĩ lại trong lòng". Thánh Giu-se đã được nhiều người biết tới, chạy đến kêu cầu, khẩn xin. "Hãy tới với Giu-se". Anh chị em Dân Tộc đã được biết Thánh Giu-se rất nhiều vì tất cả các Nhà Thờ, Nhà Nguyện, Ðiểm Ðọc Kinh do các cha, các thầy Dòng Chúa Cứu Thế phụ trách đều có trưng ảnh Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp và Thánh Giu-se. Các cha các thầy cũng luôn nhắc nhớ cho anh chị em Dân Tộc biết về vai trò, chỗ đứng của Thánh Giu-se và Ðức Mẹ trong Lịch Sử Cứu Rỗi, nhờ đó họ có lòng sùng kính rất đặc biệt đối với Thánh Giu-se và Ðức Mẹ.

Nơi tôi phụ trách, có một số Khu Giáo trong tháng 3 kính Thánh Giu-se, giáo dân Kinh cũng như Dân Tộc cứ mỗi tối luân phiên đọc kinh từng nhà để kính Thánh Giu-se. Lòng sùng kính ấy còn được biểu lộ khi các anh chị em Dân Tộc thường hái hoa rừng tiến dâng Thánh Cả Giu-se trên bàn thờ gia đình, trên chỗ có ảnh tượng kính Thánh Giu-se.

Tôi còn nhớ, một lần nọ, trong lớp Giáo Lý Tân Tòng cho người K'Hor, tôi đã kể cho họ nghe câu chuyện con chồn hoang được thuần hóa trong tác phẩm "Hoàng Tử Nhỏ" ( Le Petit Prince ) của văn hào Pháp Saint-Exupéry, tôi nói với họ rằng: "Con chồn hoang được bắt từ rừng về, được huấn luyện, làm cho nó quen với con người, được thuần hóa, hoàng tử nhỏ rất thích nó và mến nó. Về phía chúng ta, chúng ta còn hơn con chồn hoang gấp bội vì khi biết Chúa, chúng ta được Chúa, được mẹ của Chúa là Ma-ri-a và cha của Chúa là Thánh Giu-se mến chuộng, yêu quý và giữ gìn, vì thế chúng ta phải biết tôn kính các Ðấng..." Thế là tất cả lớp vui vẻ, tán thành. Tôi còn cắt nghĩa cho người Dân Tộc hiểu rằng: "Trên Nước Trời bây giờ và ngay khi Thánh Giu-se còn sống ở trần gian, ngài có quyền thế, ngài truyền lệnh hơn là van xin, vậy anh chị em hãy mau chạy tới với Thánh Cả Giu-se, anh chị em sẽ được toại nguyện, hài lòng..."

"Lạy Chúa, Chúa đã giao phó Ðức Giê-su cho Thánh Cả Giu-se, và thánh nhân đã trung thành gìn giữ trong giai đoạn đầu của công trình cứu độ. Xin nhận lời thánh nhân cầu thay nguyện giúp, cho Giáo Hội biết luôn cộng tác với Ðức Giê-su, để hoàn tất công trình Người đã khởi đầu" ( Lời Nguyện Nhập Lễ, Lễ Thánh Giu-se ).

Lm. Giu-se NGUYỄN HƯNG LỠI, DCCT, Giáo Ðiểm Fyan, Giáo Phận Ðà Lạt

SUY NIỆM 2:

THÁNH GIU-SE - NGƯỜI CÔNG CHÍNH

"Ông Giu-se, bạn bà là Người công chính và không muốn làm ố danh bà, nên đã định bỏ bà cách kín đáo" ( Mt 1, 19 ). Ðây là câu chuyện duy nhất trong Tân Ước diễn tả trực tiếp về con người của vị Thánh mà toàn thể Giáo Hội mừng kính hôm nay: Thánh Giu-se, bạn Ðức Trinh Nữ Ma-ri-a, bổn mạng của Giáo Hội Việt Nam, và cũng là bổn mạng của mỗi cộng đoàn, mỗi gia đình chúng ta.

Ðược gọi là "công chính", theo ý nghĩa của Kinh Thánh, là được Thiên Chúa cho thông dự vào chính sự công chính, sự thánh thiện của Người. Ở đây, Thánh Giu-se là người không những luôn ngay thẳng chân chính trước mặt Thiên Chúa, mà còn trung thành tận tụy chu toàn mọi bổn phận của một người chồng và một người cha trong cuộc sống gia đình và xã hội. Ngài được Thiên Chúa công chính hóa và yêu thương cách đặc biệt, vì thật sự Ngài xứng đáng được như thế.

Lần giở lại những trang Tân Ước có liên quan đến Thánh Giu-se, chúng ta có thể khám phá và học hỏi những đức tính nổi bật làm cho Ngài trở nên một con người công chính vĩ đại.

Trước tiên, là đức tính hoàn toàn Vâng Phục Thánh Ý Chúa. Kinh Thánh thuật lại việc thiên thần thông báo cho Ngài biết Ý Chúa, nhờ vậy, Ngài đã bỏ ý định ly dị Ðức Ma-ri-a cách kín đáo ( Mt 1, 19 ). Ngược lại, Ngài đã trỗi dậy ngay trong đêm khuya để đem Con Trẻ và Mẹ Người trốn sang Ai-cập ( Mt 2, 14 ), cũng như sẽ lại vâng theo Ý Chúa mà đem Con Trẻ và Mẹ Người trở về Pa-lét-tin ( Mt 2, 21 ), đến sinh sống tại làng Na-da-rét, âm thầm và ân cần lấy sức lao động nuôi sống cả gia đình qua những tháng năm dài sau đó.

Tiếp đến, Tân Ước thuật lại câu chuyện Thánh Giu-se thất lạc và tìm gặp lại Ðức Giê-su trong Ðền Thánh ( Mt 1, 44 - 49 ). Qua đó, chúng ta khám phá ra một đặc tính khác của Ngài, hay nói đúng hơn, một đức tính mà các Thánh viết Phúc Âm chú ý nhấn mạnh nơi Thánh Giu-se: Không một lời nói nào của Ngài được ghi lại trong Tân Ước. Thế nhưng, chính Ngài lại là một nhân chứng hùng hồn của Ðức Vâng Lời và Niềm Tin trong hành động, những hành động xem ra vô lý và đầy nguy hiểm, thì Ngài đã khiêm tốn, can đảm và kiên trì để thực hiện hoàn toàn theo đúng Thánh Ý của Thiên Chúa.

Quả thật, với những đức tính như thế, Thánh Giu-se xứng đáng là chủ gia đình của Na-da-rét, một gia đình thánh thiện, vì gồm ba tâm hồn luôn sẵn sàng lắng nghe và thực hành những gì Thiên Chúa muốn. Thiết nghĩ, chỉ thế thôi, Thánh Giu-se đúng là một gương mẫu sống động và cụ thể cho mỗi người chúng ta trong gia đình và trong cộng đoàn.

Kinh Thánh Cựu Ước sách Sáng Thế có kể chuyện Tổ Phụ Giu-se trong hoàn cảnh đói khổ mất mùa của toàn dân, nhà vua Ai-cập đã bảo với thần dân của mình: "Hãy đến với ông Giu-se, người dạy sao, hãy làm như vậy". Và từ đó, "hằng ngày ông Giu-se đã mở công lẫm để phân phát thực phẩm cho dân" ( St 41, 35 - 36 ). Hôm nay, chúng ta cũng nhìn nhận hình ảnh Tổ Phụ ấy nơi Thánh Cả Giu-se để đến với Ngài. Thiên Chúa như thể muốn nhắc bảo chúng ta: "Hãy đến với Thánh Giu-se, Người dạy sao hãy làm như vậy".

Thánh Tê-rê-xa thành Avila đã tâm sự: "Chưa bao giờ tôi cầu xin sự gì cùng Thánh Cả Giu-se mà không được như ý. Kỳ diệu thay, những ơn đặc biệt mà Thiên Chúa đã ban đầy tràn cho tôi, và đã giải thoát tôi khỏi mọi nguy hiểm phần hồn cũng như phần xác, do lời cầu bàu của Vị Thánh Cả vinh phúc này". Thánh nữ tha thiết mời gọi tất cả những ai không tin hoặc chưa tin, hãy thử mà cậy nhờ, hãy thử cầu khẩn Thánh Cả Giu-se vinh hiển, thì đoan chắc không có ơn nào mà ngài lại từ chối !

Chúng ta hãy dâng lời cảm tạ Chúa đã trao tặng Thánh Giu-se cho mỗi người chúng ta, cho gia đình chúng ta, và đặc biệt cho Giáo Hội Việt Nam. Nhờ lời cầu bầu của Thánh Cả Giu-se, xin Chúa chúc lành cho chúng ta là những người chồng, những người cha, giúp chúng ta thêm can đảm và kiên tâm chu toàn bổn phận trong gia đình. Xin Chúa cũng chúc lành cho mọi gia đình và Giáo Hội Việt Nam, giúp mọi người sống xứng đáng với ơn gọi làm chứng nhân cho Tình Yêu Chúa trong hoàn cảnh hiện tại nơi quê hương Việt Nam.

Cũng xin gợi thêm một vài ý suy tư nho nhỏ nhân năm nay là Năm Thánh Hóa Gia Ðình theo lời kêu gọi của Ðức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô 2:

-     Sự kiên nhẫn trung thành chu toàn bổn phận của Thánh Cả Giu-se trong gia đình Na-da-rét có làm cho tôi suy nghĩ về cách cư sử của mình trong gia đình không ?

-    Tôi đãù bao giờ kêu cầu với Thánh Giu-se, xin Ngài bầu cử và ban ơn để chu toàn nghĩa vụ làm chồng, làm cha trong gia đình tôi không ?

-    Trước những cam go thử thách của gia đình, tôi biết cậy nhờ ai trước nhan Thiên Chúa hơn là chạy đến với Thánh Cả Giu-se ?

Lm. Giu-se NGUYỄN HUY TẢO, Giáo Phận Bắc Ninh

SUY NIỆM 3:

THÁNH GIU-SE, CHA NUÔI CỦA ÐỨC GIÊ-SU

Ðức Chúa Thánh Thần nói rất ít về những nhân vật nổi tiếng trong Kinh Thánh, điển hình là Thánh Giu-se. Giu-se là nhân vật nổi bật nhất trong Phụng Vụ, chỉ sau Ðức Trinh Nữ Ma-ri-a. Ấy vậy mà Kinh Thánh không hề trích dẫn hoặc ghi lại bất kỳ lời nói nào của ngài.

Trong bài này chúng ta chỉ nêu ra 5 nhân đức của Thánh Giu-se. Mỗi nhân đức sẽ được đề cập vắn tắt để rồi rút ra những bài học áp dụng cho chúng ta.

1. ÐỨC KHIÊM TỐN CỦA THÁNH GIU-SE

Khiêm tốn là biết nhận chân, nhìn nhận sự thật. Nhân đức khiêm tốn giúp ta nhận ra chân giá trị của mọi sự và hành động theo sự nhìn nhận mối tương quan thực của chúng ta, trước hết, là đối với Thiên Chúa và rồi với tha nhân. Theo tiêu chuẩn này, Thánh Giu-se là một người rất khiêm tốn. Ngài nhận ra vị trí của mình đối với Ðức Ma-ri-a và Chúa Giê-su. Ngài biết mình thua kém về mặt ân sủng so với cả hai đấng. Ấy vậy mà ngài chấp nhận vai trò người chồng của Ðức Ma-ri-a và người bảo trợ Con Thiên Chúa.

Bài học cho chúng ta là nếu ta khiêm tốn thật, ta sẽ không tìm cách tỏ ra ta đây tài giỏi hơn, đạo đức hơn con người thật của mình. Ðồng thời, ta cũng không đánh giá thấp bản thân mình. Một người khiêm tốn không đánh giá mình quá cao nhưng cũng chẳng đánh giá thấp bản thân mình.

Nếu ta khiêm tốn thật, ta sẽ không giả bộ tỏ ra tài giỏi, đạo đức hơn con người thật của mình. Ðó là thái độ kiêu ngạo. Ta cũng không phủ nhận khả năng thật của mình hoặc cho rằng mình tài hèn sức mọn, thua kém mọi bề. Ðó là khiêm tốn giả tạo.

Khiêm tốn là nhân đức luân lý giữ ta khỏi đi quá trớn. Ðức khiêm tốn giúp ta không khao khát quá mức và thèm muốn vô độ danh vọng cho bản thân, trái lại khiêm tốn dẫn đưa ta vào trong một tình yêu bản thân có trật tự, dựa trên sự đánh giá đúng về vị trí của mình trong tương quan với Thiên Chúa và với tha nhân. Sự khiêm tốn của người tôn giáo nhìn nhận con người hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa và mọi người đều là thụ tạo bình đẳng với nhau. Khiêm tốn không chỉ đối nghịch với kiêu ngạo mà còn đối nghịch với sự tự ti không dám nhận mình được Thiên Chúa ban cho các tài năng để mình sử dụng theo Thánh Yù Chúa.

2. ÐỨC KHIẾT TỊNH CỦA THÁNH GIU-SE

Truyền thống Hội Thánh luôn cho rằng Thánh Giu-se sống cuộc đời khiết tịnh thánh hiến. Một số sách ngụy thư mô tả Giu-se như một ông già, thậm chí còn là một người đàn ông goá vợ. Tuy nhiên, đây không phải giáo huấn của Hội Thánh.

Ta tin rằng Giu-se là người khiết tịnh, đã sống đời hôn nhân khiết tịnh với Ðức Ma-ri-a nhằm bảo vệ phẩm giá và danh tiếng của Ma-ri-a và Người Con của Mẹ.

Chúng ta có thể học được điều gì ? Ðó là Ðức Khiết Tịnh có một mục đích Tông Ðồ. Ðức Khiết Tịnh giúp ta chinh phục các tâm hồn. Ðức Khiết Tịnh được Thiên Chúa đánh giá cao. Người quan phòng sắp xếp một loạt các phép lạ liên quan đến Ðức Khiết Tịnh:

§     Sự thụ thai của Ðấng Cứu Thế

§     Sự kiện Con Thiên Chúa sinh ra bởi một trinh nữ

§     Cuộc hôn nhân giữa Ma-ri-a và Giu-se

§     Cuộc đời Chúa Giê-su Ki-tô.

Khiết tịnh là nhân đức điều hoà, chế ngự thú vui xác thịt theo các nguyên tắc của Ðức Tin. Với người lập gia đình, đức khiết tịnh điều hoà ước muốn ấy cho phù hợp với cuộc sống của mình. Với người độc thân muốn lập gia đình, ước muốn phải bị chế ngự cho đến khi lập gia đình. Với những ai có ý định không lập gia đình, ước muốn ấy bị hy sinh hoàn toàn.

Khiết tịnh có nghĩa là chế ngự mọi hành vi hoặc tư tưởng không phù hợp với giáo huấn của Hội Thánh về việc sử dụng cơ quan truyền sinh. Ðặc biệt, Ðức Khiết Tịnh nhấn mạnh đến việc xa lánh những gì làm cho tâm hồân trở nên nhơ uế.

3. ÐỨC VÂNG LỜI CỦA THÁNH GIU-SE

Ðức vâng lời của Giu-se bao trùm mọi khía cạnh trong đời sống của ngài. Ngài vâng lời mọi lúc mọi nơi: Ngài vâng lời khi bước vào đời hôn nhân với Ðức Trinh Nữ Ma-ri-a. Ngài vâng lời khi đến Bê-em đăng ký sổ bộ cùng với Ma-ri-a và chấp nhận cảnh Ðức Giê-su sinh trong hang bò. Ngài vâng lời khi đem Hài Nhi và Mẹ Người đang đêm lánh sang Ai-cập.

Ngài vâng lời khi đem Hài Nhi lên Giê-ru-sa-lem theo quy định của Lề Luật, chấp nhận Thánh Ý nhiệm mầu của Thiên Chúa khi Hài Nhi bị lạc, và chấp nhận Thánh Ý còn nhiệâm mầu hơn nữa của Thiên Chúa khi Trẻ Giê-su tuyên bố với Ðức Ma-ri-a rằng: Người còn phải lo việc Cha Người - dẫu rằng điều ấây hết sức làm phiềân lòng người cha nuôi Giu-se của mình, để vâng phục Cha Người trên Trời.

Bài học cho chúng ta là gì ? Vâng lời là một trắc nghiệm về tình yêu của ta đối với Thiên Chúa. Lề luật của Người là phương thế giúp ta chứng minh tình ta yêu Người. Ở đâu không có vâng phục, ở đấy không có tình yêu. Ở đâu có sự vâng phục nhiều, ở đấy có tình yêu nhiều.

Giu-se là người gia trưởng. Ngài đứng đầu Thánh Gia. Trên ngài không có ai để ngài tuân phục. Như vậy. sự vâng phục của Giu-se chủ yếu là vâng phục nội tâm.

Mỗi lần cần phải vâng phục, Giu-se lại được linh hứng. Chính sự linh hứng của Thiên Chúa bảo Giu-se hãy kết hôn cùng Ðức Trinh Nữ Diễm Phúc. Chính sự linh hứng nội tâm bảo Giu-se hãy kết hôn cùng Ðức Ma-ri-a sau khi ngài phát hiện Ma-ri-a đang mang thai. Cũng chính sự linh hứng của Thiên Chúa bảo Giu-se hãy cùng Ma-ri-a chạy sang Ai-cập. Chính sự linh hứng của Thiên Chúa bảo Giu-se hãy trở về Pa-lét-tin. Cuối cùng cũng chính được Thiên Chúa linh hứng mà Giu-se được chỉ thị hãy sống cùng Giê-su và Ma-ri-a tại Pa-lét-tin.

Sự vâng phục của Giu-se có nguồn gốc sâu xa từ bên trong. Ngài vâng phục Thiên Chúa bằng một bản năng siêu nhiên. Giu-se vâng phục không phải chỉ vì hễ được bảo gì thì cứ vậy mà làm mà còn do tâm trí của ngài luôn luôn hoà hợp với tâm trí của Thiên Chúa.

4. ÐỨC KHÔN NGOAN CỦA THÁNH GIU-SE

Ðức Khôn Ngoan của Thánh Giu-se thể hiện rõ nét nhất nơi việc ngài thực hành đức thinh lặng. Dĩ nhiên Giu-se có nói. Tuy nhiên, Phúc Âm không ghi lại một lời nào của ngài, hẳn nhiên muốn dạy ta rằng nếu ta muốn thực hành nhân đức khôn ngoan, ta phải biết thực hành Ðức Thinh Lặng.

Ta cần giữ thinh lặng khi có người muốn nói và ta thực hành Ðức Bác Aùi bằng sự tự chế ấy. Ta cần giữ thinh lặng khi đã rõ đành rành cần bắt tay hành động và thôi nói về việc cần làm. Một số người có thói quen cứ nói đi nói lại mãi như thể đó là phương thế để thực hiện Thánh Ý Chúa. Tuy nhiên lời nói không thể thay thế cho việc làm được.

Thánh Giu-se dạy ta rằng khôn ngoan là hiểu biết đúng đắn việc gì cần làm, việc gì phải tránh. Khôn ngoan là nhân đức của trí khôn giúp ta biết phân tích vấn đề, biết nhận chân phân biết phải trái, tốt xấu. Theo nghĩa này, khôn ngoan là nhân đức luân lý giúp ta biết suy tính, biết lựa chọn và biết chuẩn bị các phương thế thích hợp để tránh điều xấu. Khôn ngoan là có đầu óc thực tiễn, và ta thủ đắc nhân đức khôn ngoan bằng cách hành động vừa do được thấm nhuần ơn thánh sủng. Có thể nói rằng đức khôn ngoan vừa mang tính tự nhiên tận nhân lực, vừa mang tính siêu nhiên vì được Thiên Chúa tiếp sức.

Là một nhân đức, sự khôn ngoan bao gồm ba bước: suy tính kỹ, bàn hỏi với người khác; biết nhận định, phán đoán trên cơ sở những chứng cứ thu thập; và bắt tay hành động sau khi đã đi đến quyết định.

5. ÐỨC YÊU THƯƠNG CỦA THÁNH GIU-SE ÐỐI VỚI CHÚA GIÊ-SU VÀ MẸ MA-RI-A

Các nhân đức khác của Thánh Giu-se rất đáng ta ngưỡng mộ, tuy nhiên tình yêu đặc biệt mà ngài dành cho Chúa Giê-su và Mẹ Ma-ri-a rất đáng ta noi theo. Thiên Chúa quan phòng đã đặt ngài sống với Chúa Giê-su và Mẹ Ma-ri-a và ngài đã sống đúng lòng kỳ vọng của Thiên Chúa bằng cách tận tình yêu thương, chăm sóc Chúa Giê-su và Mẹ Ma-ri-a.

Ðiểm đáng quan tâm ở đây không phải việc Thánh Giu-se được kề cận bên Chúa Giê-su và Mẹ Ma-ri-a trong nhiều năm, mà là việc ngài biết thực hành Ðức Yêu Thương. Thánh Giu-se không chỉ nói với Chúa Giê-su và Mẹ Ma-ri-a rằng ngài yêu cả hai vị lắm mà ngài thể hiện tình yêu bằng hành động. Ngài sống đức yêu thương.

Ðó là bí quyết của tình yêu chân chính. Ta tôn sùng Chúa Ki-tô và Mẹ Người đích thực khi ta thực hiệân điều mà ta biết là Chúa Ki-tô và Mẹ Ma-ri-a muốn ta làm. Nghĩa là ta nhận ra sự quan phòng của Thiên Chúa mọi lúc, mọi sự trong cuộc đời của ta:

§     nơi những thất vọng và thất bại

§     nơi những biến cố xảy ra bất ngờ

§     nơi những trì hoãn, trục trặc

§     nơi những dấu chỉ của thời đại

§     nơi những hành vi kỳ quặc của một số người

§     nơi sự im lặng nhiệm mầu của Thiên Chúa, là Ðấng thường ẩn giấu ý định của Người đối với ta, mà lại sử dụng những người khác - mấu chốt là ở đây, nghĩa là thông qua những người khác - để nói với ta điều mà Người muốn ta làm.

Thánh Giu-se rất đáng để ta học hỏi và chạy đến khẩn cầu. Vậy, ta hãy thưa cùng ngài:

Lạy Thánh Giu-se, cha nuôi Chúa Giê-su và người bảo bọc Ðức Trinh nữ Ma-ri-a, xin dạy chúng con bài học khó nhất mà chúng con cần phải học trong cuộc sống: xin dạy chúng con biết yêu thương như ngài đã yêu bằng cách thực hành đức ái, bằng cách thực thi các tình cảm mà chúng con thường biểu lộ ra trong khi cầu nguyện. Xin dạy chúng con hiểu điều Mẹ Ma-ri-a muốn nói khi Mẹ thưa: "Xin thành sự nơi con theo ý chỉ của Chúa". Và điều Chúa Giê-su muốn nói khi Người dạy: "Nếu anh em yêu mến Thầy thì anh em sẽ giữ lệnh truyền của Thầy".

Lm. JOHN A. HARDON, Dòng Tên ( Catholic Faith, March – April 1999 )

Bản dịch của Gs. ÐAN QUANG TÂM

CHIA SẺ:

GIU-SE, VỊ THÁNH THẦM LẶNG

Nếu bạn hỏi 10 người, xem vị Thánh lớn nhất đối với họ là ai, thì có đến 6, 7 người sẽ nói rằng: đó là Thánh Giu-se. Nhưng nếu lại đề nghị họ hãy kể cho bạn nghe những gì Thánh Giu-se đã làm, thì rất ít người có thể nói được một điều gì mới lạ, ngoại trừ việc Thánh Giu-se là cha nuôi của Chúa Giê-su, hoặc một vài truyện truyền kỳ về ngài mà chúng ta không biết đúng sai đến độ nào. Ví dụ như câu truyện chàng thanh niên Giu-se được chọn làm hôn phu của cô Ma-ri-a chỉ vì cây gậy của chàng trổ hoa !

Chúng ta hãy trở về với Kinh Thánh để xem các tác giả Tin Mừng viết gì về Thánh Giu-se. Trước tiên, Thánh Mát-thêu giới thiệu về ngài như sau:

"Bà Ma-ri-a, mẹ của Ðức Giê-su, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: "Này ông Giu-se, là con cháu Ða-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ"... Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà." ( Mt 1, 18 - 21 . 24 )

Bạn thuộc đoạn văn trên đến độ tôi rất do dự khi phải chép lại. Mọi chuyện đã rõ: Thánh Giu-se có do dự đấy chứ, nhưng sứ thần của Chúa đã đến sắp xếp mọi việc và đâu lại vào đấy, đúng với "chương-trình-mầu-nhiệm-của-Thiên-Chúa"

Thế mọi sự có thật sự xảy ra dễ dàng như vậy không ? Tôi không chắc đâu ! Hình ảnh Thánh Giu-se luôn luôn là một cụ già râu tóc uy nghi, một người cha nhân lành và không hề biết thế nào là những đam mê tuổi trẻ !?!

Xin các bạn nhớ lại cho: cô Ma-ri-a lúc ấy là một cô gái vào khoảng 15, 17, thế thì chàng hôn phu không thể là một ông già. Chàng Giu-se lúc ấy có lẽ là một chàng trai đầy sức sống ở lứa tuổi đôi mươi thì đúng hơn. Chàng Giu-se và nàng Ma-ri-a yêu nhau thắm thiết. Cặp tình nhân đẹp tuyệt vời, nhất là ở nét đẹp tâm hồn. Và Giu-se đã thật hạnh phúc và bình an: một người như cô Ma-ri-a thì không thể có gì bất trắc xảy ra khiến cho cuộc sống gia đình tương lai của họ có thể bị đe dọa...

Thế mà, đùng một cái, người hôn thê thánh thiện của Giu-se lại đã mang thai ! Chàng có giàu óc tưởng tượng đến đâu cũng không tài nào tưởng tượng được một tiếng sét giữa trưa hè chói chang như thế.

Sự thể hiển nhiên là như vậy. Tuy nhiên, tự thâm sâu, tình yêu của Giu-se vẫn trổi vượt. Chàng không hề quay lại bản thân mình để cảm thấy bị lừa dối xúc phạm, nhưng chỉ hướng về người yêu để tiếp tục tin rằng vị hôn thê của mình vẫn thật sự trong sạch vẹn tuyền. Chàng không hề tra hỏi cô Ma-ri-a một lời nào, chàng chỉ im lặng ôm lấy nỗi đau, và âm thầm trả Ma-ri-a về với bí mật của nàng. Bạn sẽ bảo rằng tình yêu đó đã được thưởng, bởi sau đó, sứ thần của Chúa đã đến trình bày mọi sự. Bạn có đi quá xa thực tế chăng ?

Kinh Thánh ghi rõ: "Sứ thần Chúa hiện đến báo mộng..." Bạn thử sống trong hoàn cảnh của Giu-se lúc ấy mà xem: Bạn có một người hôn thê, người hôn thê ấy có mang, rồi bạn nằm mộng thấy thiên thần đến bảo rằng hôn thê của mình chưa bao giờ liên hệ với một thanh niên nào, và bào thai trong lòng cô là do phép lạ của Thiên Chúa. Khi thức giấc, bạn có tin không ? Tôi thì dứt khoát không ! Thế mà Giu-se đã làm gì nào ? "Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà." Ðơn giản chỉ có thế. Ðơn giản đến độ vô lý !

Vâng, thế đấy, sự vâng phục Thánh ý Thiên Chúa của Giu-se thật chóng vánh, quyết liệt và dứt khoát đến độ vô lý. Giu-se chỉ cần một dấu hiệu cỏn con là đã đọc được Thánh ý Thiên Chúa và thực thi ngay lập tức. Và đó là lý do mà ông được gọi là "Người-Công Chính".

Còn bạn và tôi thì sao ? Chúng ta có tự coi mình là công chính chăng ? Chúng ta có sẵn sàng đón nhận Thánh ý Thiên Chúa qua một dấu hiệu thật nhỏ bé và rồi tuân theo mà không bàn cãi chăng ? Hay chúng ta chờ đợi những phép lạ nhãn tiền, và sau đó là lý luận, mặc cả trước khi hành động ?

"Người-Công-Chính" Giu-se hình như là một người suốt cả cuộc đời luôn luôn thức tỉnh trước Thánh ý Thiên Chúa, thức tỉnh ngay cà trong giấc ngủ. Bằng chứng ? Ðó là: cứ mỗi lần Thiên Chúa tỏ ý là mỗi lần ông lại nằm mộng. Ngoài lần nằm mộng ở Na-da-rét thì ít nhất còn ba lần khác:

§   Ở Bê-lem: "Sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giu-se rằng: "Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi đấy !" Ông Giu-se liền chỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập." ( Mt 2, 13 - 14 )

§   Ở Ai-cập: "Sứ thần Chúa lại hiện ra với ông Giu-se bên Ai-cập, báo mộng cho ông rằng: "Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en, vì những kẻ tìm giết Hài Nhi đã chết rồi. "Ông liền chỗi dậy đưa Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en." ( Mt 2, 19 - 21 )

§   Ở Giu-đê: "Vì nghe biết Ác-khê-lao đã kế vị vua cha là Hê-rô-đê, cai trị miền Giu-đê, nên ông Giu-se sợ, không dám về đó. Rồi sau khi được báo mộng, ông lui về miền Ga-li-lê, và đến ở tại một thành kia gọi là Na-da-rét." ( Mt 2, 22 - 23 )

Sở dĩ Giu-se xác tín rằng các giấc mộng của mình đúng là Thánh Ý Thiên Chúa, vì cứ mỗi lần ông nằm mộng là mỗi lần phải quyết định ngược hẳn với ý định riêng của mình.

Khi ông dự định âm thầm rời bỏ cô Ma-ri-a thì Thiên Chúa lại bảo ông ở lại với người hôn thê của mình. Ngược lại, khi 3 nhà chiêm tinh ( hoặc đạo sĩ ) đến xác nhận vương quyền của Hài Nhi, và hẳn là người cha nuôi nghĩ rằng mình sẽ được thoải mái ở lại Bê-lem cho đến khi con mạnh và mẹ khỏe, thì chính lúc đó, Thiên Chúa bảo ông trỗi dậy đi ngay giữa đêm khuya, không hành trang, không tiền bạc, cũng chẳng phải là về quê hương mình mà là sang Ai-cập để sống kiếp lưu đày.

Giu-se đã nghĩ gì khi trước mặt là đường dài vạn dặm mà vợ yếu con sơ ? Giu-se đã nghĩ gì khi ở xứ lạ quê người, tương lai cũng tối đen như trời khuya hôm ấy ? Kinh Thánh nói rất gọn: "Ông Giu-se liền chỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập." Cũng lại thật đơn giản. Ðơn giản đến độ vô lý !

Khi đã tạm yên thân ở Ai-cập sau những ngày đầu khó khăn, Giu-se hẳn đã sắp xếp ổn định cuộc sống gia đình, thì một lần nữa, Thiên Chúa lại bảo ông phải bỏ tất cả mà ra đi. Ông đã nghĩ thế nào khi nhìn lại những gì đã vun quén xây dựng được từ hai bàn tay trắng ? Ông đã nghĩ gì khi nhìn lại cái nơi chốn quê hương đã muốn hại con mình, mà bây giờ ông lại phải trở về, rồi không biết sẽ ở đâu ?

Nhưng Giu-se vẫn là Giu-se. "Ông liền trỗi dậy đưa Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en." Cũng lại đơn giản đến độ vô lý !

Tất cả những truân chuyên mà Giu-se gánh chịu, rốt cuộc để làm gì ? Phải chăng vì lợi ích cho bản thân mình ? Tuyệt nhiên là không ! Tất cả là để bảo vệ Hài Nhi, một Hài Nhi mà có một lần trong mộng, ai đó đã bảo rằng đó sẽ là Ðấng Cứu Tinh cho dân tộc. Giu-se không bao giờ đặt lại vấn đề. Không bao giờ ông lại cho rằng Hài Nhi đã gây cho ông quá nhiều rắc rối. Trong mọi tính toán dự liệu hằng ngày, ông chỉ một mực canh giữ Hài Nhi, Người Con do Chúa Thánh Thần.

Bạn và tôi, chúng ta có sẵn sàng trả giá để Chúa Giê-su luôn cư ngụ mãi trong tâm hồn mình không ? Hay nhiều khi quá mệt mỏi, chúng ta chỉ muốn yên thân để lo toan chuyện của mình và bỏ mặc Chúa Giê-su ra sao thì ra ?

Giu-se đã trả mọi giá để giữ gìn Chúa Giê-su. Nhưng, cũng đôi khi sức người cũng có hạn. Trong chuyến đi Giê-ru-sa-lem, khi trẻ Giê-su mới 12 tuổi, ông đã để Giê-su vuột khỏi tầm tay. 3 ngày ròng ông kiếm tìm, 3 ngày ròng cả hai ông bà đã phải "cực lòng tìm con". Thế rồi, ngay khi vừa tìm thấy thì ông được gì ? Như thể một gáo nước lạnh tạt vào mặt: "Sao cha mẹ lại tìm con ? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao ?" ( Lc 2, 48 - 49 ).

Cậu bé Giê-su ấy, khi ra đời chỉ là một Hài Nhi nằm gọn trong máng cỏ, 12 năm trời chịu kham chịu khổ để cho cậu khôn lớn như thế này. 12 năm trời tình thương để thêm thịt thêm da, cho thành một thiếu niên nặng cân như thế. Mà tình thương thì có nặng gì cho cam, phải tốn bao nhiêu tình thương để tạo thành một con người như thế ? Vậy mà một tiếng kêu "cha ơi" âu yếm Giu-se cũng không được nghe. Ông không hiểu gì cả, nhưng ông vẫn lặng thinh đón nhận.

Và đấy cũng là chiều kích bất ngờ của Thánh Giu-se. Trong suốt 4 cuốn sách Tin Mừng, không có một câu nói nào của Thánh Giu-se. Ðức Ma-ri-a được coi là mẫu mực của sự thinh lặng nguyện cầu, Mẹ luôn luôn ghi nhớ và suy niệm trong lòng. Thế nhưng cũng còn có đến 6 lần Mẹ đã lên tiếng: 2 lần ngày được sứ thần truyền tin, 1 lần trước bà Ê-li-sa-bét, 1 lần khi tìm lại được trẻ Giê-su, 2 lần trong tiệc cưới ở Ca-na.

Còn Thánh Giu-se thì tuyệt đối không nói một lời nào ! Ngay cả trong lần lại được con ở Ðền Thờ Giê-ru-sa-lem thì chính người mẹ đã lên tiếng chứ không phải là ông: "Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy ? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con !" ( Lc 2, 48 ).

Trong xã hội Do-thái lúc bấy giờ, người phụ nữ là hạng người không đáng kể. Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu ghi lại 2 lần Chúa Giê-su làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, lần đầu để nuôi 5.000 người không kể đàn bà và trẻ con ( x. Mt 14, 21 ); lần thứ hai cho 4000 người cũng người không kể đàn bà và trẻ con ( x. Mt 15, 38 ). Vậy mà Thánh Giu-se dẫu biết mình là chủ gia đình, nhưng ông vẫn không nói gì cả, người lên tiếng vẫn là Ðức Ma-ri-a.

Thánh Giu-se sống một cuộc sống càng ngày càng mờ đi để cho Chúa Giê-su càng ngày càng sáng lên. Ông sống mờ nhạt đến độ những người trong thị trấn Na-da-rét không buồn nhớ tới tên ông, mà chỉ gọi là "ông-thợ-mộc". Theo Thánh Mát-thêu và Thánh Mác-cô, ngày Chúa Giê-su trên đường rao giảng, trở về Na-da-rét, người đồng hương đã bàn tán: "Ông ta không phải là con bác thợ mộc đó sao ? Mẹ của ông ta không phải là bà Ma-ri-a đó sao ?" ( Mt 13, 55; Mc 6,3 ). Sau này, khi viết lại sách Tin Mừng, Thánh Lu-ca hẳn đã thấy cái chua chát đó nên đã ghi cách khác: "Ông này không phải là con ông Giu-se đó sao ?" ( Lc 4, 22 )

Dù sao đi nữa, sự âm thầm của Thánh Giu-se quả là một đặc trưng của ngài. Âm thầm đến độ mà khi Chúa Giê-su bắt đầu lên tiếng trong cuộc đời công khai, thì Thánh Giu-se không còn được nhắc đến mẩy may nào, thậm chí, ngài chết bao giờ, thế nào, ở đâu thì cũng chẳng ai biết. Trong cuộc đời công khai của Chúa Giê-su thì Thánh Giu-se có vẻ như bị xem nhẹ hơn cả bà nhạc của ông Phê-rô hay đứa con gái của ông Giai-rô.

Thế nhưng, chính điều đó đã biến Thánh Giu-se thành một vị Thánh lớn, bởi vì ngài đã đem cuộc đời mình biến thành một Lời Chúa sống động. Thánh Gio-an Tẩy Giả đã khiêm tốn rao giảng rằng: "Người phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi" ( Ga 3, 30 ). Thánh Giu-se đã sống điều đó mà không nói một lời nào. Tiếng "xin vâng" của Mẹ Ma-ri-a ở Na-da-rét và tiếng "xin vâng" của Chúa Giê-su ở vườn Ghết-sê-ma-ni đã được hòa âm trong trọn vẹn cả cuộc đời Thánh Giu-se.

Và Thánh Giu-se sẽ mãi mãi là tấm gương cho bạn và tôi.

Tấm gương của một con người luôn thao thức lắng nghe tiếng Thiên Chúa, và khi nghe được rồi thì đáp lại không chần chừ, dù cho phải trả giá.

Tấm gương của một con người luôn luôn làm đủ mọi cách gìn giữ Chúa Giê-su bên mình. Và nếu chẳng may lạc nhau thì không đi tìm không ngưng nghỉ cho đến khi gặp lại mới thôi.

Tấm gương của một con người "công chính" chỉ làm có một điều duy nhất là trình bày Chúa Giê-su cho mọi người, rồi âm thầm xóa mình đi khi Chúa Giê-su bắt đầu lên tiếng...

Gs. TRẦN DUY NHIÊN

TÀI LIỆU:

"QUAMQUAM PLURIES", THÔNG ÐIỆP CỦA ÐỨC THÁNH CHA LÊ-Ô 13

VỀ VIỆC TÔN SÙNG THÁNH GIU-SE

Những lý do đặc biệt vì đó mà Thánh Giu-se được tuyên xưng là Quan Thầy Hội Thánh và vì đó mà Giáo Hội tìm kiếm lợi ích phi thường từ sự che chở của ngài, đó là vì Thánh Giu-se là hôn phu của Ðức Ma-ri-a và là Cha nuôi Chúa Giê-su Ki-tô. Từ những nguồn này đã phát xuất phẩm giá, sự thánh thiện và vinh quang của ngài. Sự thực, phẩm giá cao quý của Mẹ Thiên Chúa cao cả đến độ tạo vật hư không có thể trổ vượt lên trên. Nhưng bởi vì Thánh Giu-se đã được liên kết với Ðức Trinh Nữ Ðược Chúc Phúc bởi dây hôn nhân, không còn nghi ngờ gì nữa, là Người đã tiến gần hơn bất cứ ai tới phẩm giá tột đỉnh mà vì thế Mẹ Thiên Chúa vượt xa trên tất cả mọi tạo vật một cách cao sang nhường ấy.

Bởi vì hôn nhân là điều mật thiết nhất trong mọi mối liên hệ, mà từ bản chất nó truyền đạt một cộng-đoàn trao ban giữa những người được nối kết với nhau. Vì thế khi ban Ðức Trinh Nữ Ma-ri-a cho Giu-se, Thiên Chúa đã chỉ định ngài không chỉ làm bạn trăm năm, chứng cớ cho thời kỳ thiếu nữ của Mẹ, người bảo vệ danh dự của Mẹ, mà vì sự ràng buộc hôn nhân, ngài còn là một người dự phần vào phẩm giá cao vời của Mẹ. Và Thánh Giu-se toả sáng giữa tất cả nhân loại vì phẩm giá uy nghi của ngài từ khi do ý muốn của Thiên Chúa, ngài đã là Ðấng coi sóc Con Thiên Chúa và là cha của Chúa Giê-su giữa con người.

Kể từ đó xảy ra là Ngôi Lời Thiên Chúa khiêm nhường lệ thuộc vào Giu-se, vâng lời thánh nhân và làm trọn đối với Thánh Nhân tất cả những nhiệm vụ mà mọi con cái bị ràng buộc với cha mẹ. Từ phẩm giá này phát xuất nghĩa vụ mà thiên nhiên giao trách nhiệm cho người chủ gia đình, đến độ Thánh Giu-se đã trở nên người anh giữ, điều khiển và là người bảo vệ hợp pháp của Thánh Gia Thất mà ngài đứng đầu. Và trọn cuộc sống, ngài đã chu toàn những trách nhiệm và công việc ấy. Ngài quyết tâm bảo vệ vị hôn thê của ngài và Hài Nhi Rất Thánh với một tình yêu lớn lao và sự quan tâm lo lắng ngày ngày.

Rất đều đặn, ngài đã kiếm tiền bằng công việc của mình để chăm lo cái ăn cái mặc của hai mẹ con. Ngài bảo vệ giữ gìn Hài Nhi bị bạo vương Hê-rô-đê đe doạ vì ghen ghét và tìm cho Hài Nhi Giê-su một chốn tị nạn. Ngài luôn là một bạn đồng hành, trợ giúp và trụ cột cho Ðức Trinh Nữ và Hài Nhi trong những khổ cực của cuộc hành trình và nỗi cay đắng của cuộc biệt xứ.

Bây giờ, gia đình mà Thánh Giu-se điều khiển với quyền uy của một người cha, chứa đựng trong các giới hạn của nó Hội-Thánh Chúa Ki-tô. Từ cùng sự việc Ðức Trinh Nữ Rất Thánh là Mẹ Chúa Giê-su Ki-tô, Mẹ cũng là mẹ của mọi Ki-tô-hữu mà Mẹ đã sinh ra trên Núi Can-vê, giữa những nỗi thống khổ tột cùng của Ðấng Cứu Chuộc. Chúa Giê-su Ki-tô, một cách nào đó, là con đầu lòng giữa các Ki-tô-hữu vốn trở nên anh em nhờ sự nhận nuôi và nhờ Ơn Cứu Chuộc.

Và vì những lý do ấy, Vị Tổ Phụ Thánh Thiện coi đông đảo Ki-tô-hữu lập nên Giáo Hội như là được trao phó đặc biệt cho ngài trông coi - cái gia đình không biên giới này lan toả khắp thế gian, mà vì là hôn phu của Ðức Ma-ri-a và là Cha của Chúa Giê-su Ki-tô, ngài nắm giữ, như đã từng, quyền uy của một người cha.

Với Thánh Giu-se, dòng dõi vương tộc, được nối kết bằng hôn nhân với người nữ cao sang va thánh thiện nhất trong mọi người nữ, được gọi là cha của Con Thiên Chúa, đã trải qua cuộc đời lao động và bằng công việc vất vả nặng nhọc mà tìm miếng cơm manh áo cho gia đình.

Như vậy, đúng là điều kiện thấp hèn chẳng có gì là đáng xấu hổ và công việc của người lao động chẳng những không làm mất danh giá, mà nếu được kết hợp nhân đức, sẽ làm cho cao quý một cách phi thường. Thánh Giu-se, hài lòng với những tài sản ít oi của mình, chịu những thử thách hậu quả tất nhiên của một gia tài nhỏ mọn dường ấy, với sự cao cả của tâm hồn, bắt chước Con của ngài, Ðấng sau khi đã mặc thân phận nô lệ, dù là Thiên Chúa của sự sống, đã từ bỏ ý riêng để chấp nhận bị hủy diệt và mất hết mọi sự...

Ðức Giáo Hoàng LÊ-Ô 13, ban hành ngày 15.8.1889, NGUYỄN THẾ BÀI dịch từ bản tiếng Anh

THÔNG TIN:

NHỮNG KHOẢN TIỀN VÀ QUÀ ÂN NHÂN MỚI CHIA SẺ

- Gia đình cô Trúc ( Gx. ÐMHCG Sài-gòn ) giúp học bổng trẻ em nghèo . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . 200.000 VND

- Một số Giáo Dân ( Gx. ÐMHCG Sài-gòn ) giúp người nghèo . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . 250.000 VND

- Một Linh Mục ( Sài-gòn ) giúp người nghèo . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .  200.000 VND

- Một Giáo Dân ( Sài-gòn ) qua cha Nguyễn Trường Xuân, DCCT, giúp người nghèo . . . . . . . . . . . . . . . 200.000 VND

- Cha Uông Quang Lượng, DCCT ( Hoa Kỳ ) giúp người nghèo . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . 200 USD

- Cô Bích Thủy ( Palawan - Philippines ) giúp học bổng trẻ em nghèo . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . 100 USD

- Cha Trịnh Tuấn Hoàng ( Help The Poor - Hoa Kỳ ) giúp người nghèo . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . 500 USD

- Thầy Ðinh Công Minh, DCCT ( Nhật-bản ) giúp người nghèo . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . 20.000 YEN

- Một cựu sinh viên ( Nhật-bản ) giúp học bổng trẻ em nghèo . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . 20.000 YEN

NHỮNG KHOẢN TIỀN VÀ QUÀ TRỠ GIÚP ÐÍCH DANH

- Giúp tiền xét nghiệm cho một bệnh nhân SIDA. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .  500.000 VND

- Giúp tiền trợ giúp "Bảo Vệ Sự Sống" cho một cô gái lỡ lầm ( tháng 3.2003 ) . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .  200.000 VND

- Giúp tiền xe cho một người khiếm thị về quê . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . 50.000 VND

- Một ân nhân giúp anh Ðoàn Văn Long ( gx. Thừa Ðức, Xuân Lộc ) lâm trọng bệnh . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . 450.000 VND

- Giúp mua thuốc đặc trị bệnh máu nhiễm chất đồng cho một em bé ( Bà Rịa ) . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .  300.000 VND

- Help The Poor ( qua cha Vũ Khởi Phụng, DCCT ) giúp các bệnh nhân phong miền Bắc . . . . . . . . . . . .  1.000 USD

TRỠ GIÚP XE LĂN VÀ GẬY CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT Ở BUÔN MA THUỘT

Gospelnet vừa nhận được một lá thư của Sr. Marie Nguyễn Thị Thật, Dòng Thánh Phao-lô Ðà Nẵng, gửi qua Linh Mục Trần Xuân Thứ, Giáo Phận Nha Trang, nội dung trích đăng như sau:

Con là Nữ Tu Marie Thật, hiện đang phụ trách TRƯỜNG VỊ NHÂN, số 125 Phan Chu Trinh, thành phố Buôn Mê Thuột. Nhà chúng con gồm 5 chị em: coi sóc, phục vụ Nhà Khuyết Tật, gồm 20 em khiếm thị và 100 em khiếm thính, và một số em bị lòa... Có tất cả 90 em được nội trú, trong đó có 20 em người dân tộc bị suy dinh dưỡng nặng. Các khoản tiền chia sẻ trợ giúp của các ân nhân gần xa không thấm vào đâu so với nhu cầu chi dùng trợ giúp mỗi ngày cho các em. Chúng con cũng lo hết mình mà thấy "hụt hơi" quá cha ơi. Vì thế, có cách nào xin cha thương giúp đỡ chúng con với. Con biên thư này tới cha, cụ thể xin cha lo liệu cho chúng con 2 trường hợp khuyết tật đặc biệt sau đây:

01. TRẦN ANH PHI, sinh 1986, bị liệt cả 2 chân, em ước mong có được một chiếc xe lăn, để có thể kiếm việc làm bằng đôi tay.

02. PHẠM THỊ THUÝ TRÂM, sinh năm 1988, học lớp 7, rất thông minh, học giỏi. Nhưng ngoại trừ cái đầu, còn mọi bộ phận khác, kể cả tứ chi, đều bị teo tóp, thân thể chỉ như một em bé 3 tuổi, nhưng rất ham học, có nghị lực. Hiện em đang học Trường Vị Nhân của chúng con. Kính xin cha giúp em một chiếc xe lăn, để tiện ngồi học và đi lại.

Ngoài ra, con cũng xin gửi danh sách 19 em khiếm thị cần có gậy để tập đi lại trong trường:

01. LÊ HOÀNG GIA HƯNG, sinh 1977, ngụ tại thôn 5, huyện Tân Hà, Ðăk Lăk

02. MAI XUÂN LONG, sinh 1986, ngụ tại xã Hòa Hiệp, huyện Krông Ana, Ðăk Lăk

03. CAO QUANG BÁU, sinh 1983, ngụ tại thôn Nghĩa Lập, huyện Êaquang, Ðăk Lăk, mồ côi cha.

04. PHẠM ÐÌNH TRƯỜNG, sinh 1978, ngụ tại thôn Phước Tân, Êaquang, Ðăk Lăk, mồ côi mẹ.

05. NGUYỄN VĂN THƯƠNG, sinh 1994, ngụ tại xã Bình Hòa, Krông Ana, Ðăk Lăk, mồ côi mẹ.

06. NGUYỄN XUÂN PHÙNG, sinh 1994, ngụ tại Gia Lai, không có cha.

07. NGUYỄN XUÂN DƯNG, sinh 1994, ngụ tại Ðăk Sắk, Ðăk Mil.

08. BÙI THỊ LỆ HỒNG VƯƠNG, sinh 1982, ngụ tại 173 Lê Hồng Phong, Kontum.

09. TRẦN THỊ NGỌC NƯƠNG, sinh 1985, ngụ tại Thanh Bình, Gò Bầu, Tây Ninh.

10. PHẠM VĂN LIÊM, mồ côi mẹ, sinh 1989, ngụ tại thôn 6, Ðăk Song, cha bị tâm thần.

11. CÀ HUY HOÀNG, người dân tộc, 1986, ngụ tại thôn 7, xã Hòa Phú.

12. K'PA HÙNG, người dân tộc J'rai, sinh 1987, ngụ tại xã Kim Tân, tỉnh Gia Lai.

13. Y NHAI, người dân tộc, sinh 1974, ngụ tại Êagiêng - Krông Păk, Ðăk Lăk, mồ côi cha mẹ.

14. Y TRANG, người dân tộc, sinh 1984, ngụ tại phường Tân Lợi, thị xã Buôn Mê Thuột, Ðăk Lăk.

15. DRACH, người dân tộc Banar, sinh 1988, ngụ tại xã Ia Têu, Kontum.

16. ÐẶNG THỊ TUYẾT MAI, sinh 1964, ngụ tại 22 Nguyễn Văn Bé, thị xã Buôn Mê Thuột.

17. NGUYỄN THỊ HỒNG HOA, sinh 1964, ngụ tại 23 Nguyễn Chí Thanh, thị xã Buôn Mê Thuột.

18. NGUYỄN KIM SƯƠNG, sinh 1985, ngụ tại Êkao, Buôn Mê Thuột.

19. NGUYỄN VĂN HIẾU, sinh 1981, ngụ tại số 390 Hoàng Diệu, Buôn Mê Thuột.

Gospelnet xin trợ giúp ngay 2 chiếc xe lăn màu vàng, loại không xếp được, trị giá mỗi chiếc là 550.000 VND, và trao tặng thêm 19 cây gậy do Mái Ấm Thiên Ân sản xuất chuyên dùng cho người khiếm thị, mỗi cây trị giá 60.000 VND, tổng cộng cả 2 khoản là 2.240.000 VND.

HỌC BỔNG CHO 12 EM Ở AN THỚI ÐÔNG, CẦN GIỜ

Gospelnet số 105 xin tiếp tục trợ giúp tháng 3.2003 cho 12 em học sinh nghèo ở Ðiểm Truyền Giáo An thới Ðông, huyện Cần Giờ, ngoại thành Sài-gòn, do cha Hoàng Minh Ðức, DCCT, phụ trách, tổng cộng: 12 em x 50.000 VND = 600.000 VND, số tiền do cô Bích Thủy ( Philippines ) mới chia sẻ. Xin thay mặt cha Ðức và gia đình các em tỏ lòng biết ơn đến quý ân nhân.

HỌC BỔNG CHO 20 EM Ở THỪA ÐỨC, ÐỒNG NAI

Như Gospelnet số 96 đã thông tin, cha Nguyễn Ðình Khanh, Giáo Xứ Các Thánh Tử Ðạo, và Sr. Tuyết Trinh, Dòng Ða-minh, có giới thiệu một danh sách 20 em học sinh nghèo đang học Tiểu Học, gia đình cha mẹ đều phải đi làm thuê hoặc làm nghề cạo mủ cây cao-su, ngụ tại ấp 4, xã Thừa Ðức, huyện Xuân Lộc, tỉnh Ðồng Nai, thuộc Giáo Họ Thừa Ðức, Giáo Xứ Các Thánh Tử Ðạo. Nay Gospelnet số 105 xin tiếp tục trợ giúp tháng 3.2003, tổng cộng: 20 em x 50.000 VND = 1.000.000 VND, số tiền do cha Uông quang Lượng, DCCT, và Giáo Dân của ngài tại Hoa Kỳ, mới chia sẻ. Xin thay mặt cha Khanh và gia đình các em tỏ lòng biết ơn đến cha Lượng và quý ân nhân.

HỌC BỔNG HÀ NAM 2 CHO 16 EM GIÁO XỨ HẠ TRANG, HÀ NAM

Như Gospelnet số 92 và 97 đã thông tin, cha Nguyễn Văn Phủ, Giáo Xứ Hạ Trang, Giáo Phận Hà Nội, thầy Nguyễn Văn Phượng, DCCT, sau danh sách đợt thứ 1 gồm 25 em, nay giới thiệu thêm đợt thứ hai gồm 15 em học sinh nghèo nhưng hiếu học, ngụ tại làng Thượng Trang, xã Liêm Phong, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, thuộc Giáo Xứ Hạ Trang, Giáo Phận Hà Nội. Ðến nay danh sách này có bổ sung em NGUYỄN VĂN TRUYỀN, học lớp 3, gia đình quá nghèo. Tất cả là 16 em. Gospelnet số 105 xin tiếp tục trợ giúp tháng 3.2003, tổng cộng: 16 em x 50.000 VND = 800.000 VND, số tiền do cô Bích Thủy ( Philippines ) mới chia sẻ. Xin thay mặt cha Phủ, thầy Phượng và gia đình các em tỏ lòng biết ơn đến quý ân nhân.

HỌC BỔNG CHO 21 EM Ở THIẾT NHAM, BẮC GIANG

Như Gospelnet số 80 ra ngày 13.10.2002 đã thông tin, Sr. Thân Thị Thanh, Dòng Ða-minh Bắc Ninh, giới thiệu một danh sách gồm 21 em học sinh nghèo ở Giáo Phận Bắc Ninh, tỉnh Bắc Giang. Hoàn cảnh gia đình các em đều rất khó khăn, có nguy cơ phải cho các em nghỉ học ngang để lao động đỡ đần thêm cho sinh kế như chăn trâu, cấy gặt mướn... Gospelnet đã trợ giúp được từ tháng 9 đến hết tháng 11.2002, rồi bị gián đoạn một thời gian. Nay Gospelnet số 105 xin tiếp tục trợ giúp 2 tháng 4 và 5.2003 cuối năm học, tổng cộng: 21 em x 50.000 VND x 2 tháng = 2.100.000 VND, số tiền do cha Uông quang Lượng, DCCT, và Giáo Dân của ngài tại Hoa Kỳ, mới chia sẻ. Xin thay mặt Sr. Thanh cùng gia đình các em tỏ lòng biết ơn đến quý ân nhân.

HỌC BỔNG CHO 4 EM Ở GIÁO XỨ KIM CHÂU, BUÔN-MÊ-THUẬT

Cha Nguyễn Quốc Loan, Giáo Xứ Kim Châu, Giáo Phận Buôn-mê-thuật, giới thiệu gia đình anh Giu-se Nguyễn Văn Huyên và chị Ma-ri-a Vũ Thị Huệ, hiện ngụ tại khu Thánh Tâm, Giáo Xứ Kim Châu, số 113, thôn Kim Châu, xã Hòa Hiệp, huyện Krông Ana, tỉnh Dăk Lăk. Do hoàn cảnh túng bấn, anh Huyên phải vào Sài-gòn tìm việc làm thuê nhưng vẫn không đủ lo liệu cho 4 đứa con đi học. Gospelnet số 105 xin tiếp tục trợ giúp ba tháng liền, từ tháng 3 đến hết tháng 5.2003 ( cuối năm học ). Tổng cộng: 4 em x 50.000 VND x 3 tháng = 600.000 VND, xin nhờ anh Phạm Văn Lượng, Huynh Ðoàn Ki-tô Bệnh Nhân và Người Khuyết Tật Sài-gòn, chuyển giúp đến gia đình anh Huyên.

01. Giu-se NGUYỄN CAO NGUYÊN, sinh 1988, lên lớp 9, trường THCS Ðinh Bộ Lĩnh.

02. Ma-ri-a NGUYỄN THỊ THANH VÂN, sinh 1990, lên lớp 7, trường THCS Ðinh Bộ Lĩnh.

03. Giu-se NGUYỄN KHÁI HƯNG, sinh 1993, lên lớp 4, trường Tiểu Học Kim Châu.

04. Giu-se NGUYỄN ÐÌNH HUY, sinh 1996, lên lớp 2, trường Tiểu Học Kim Châu.

HỌC BỔNG CHO 6 EM CỦA HAI GIA ÐÌNH KHUYẾT TẬT Ở SÀI-GÒN

Như Gospelnet số 94 đã thông tin về hai gia đình khuyết tật ở Sài-gòn: Gia đình anh VÕ THANH TOÀN ( bị liệt hai chân ) chị TRẦN THỊ NỮ, ngụ tại số 111 / 88 / 8 B Lạc Long Quân, phường 3, quận 11, Sài-gòn, có 3 con nhỏ đang đi học. Gia đình anh NGUYỄN VĂN ÐỐI ( gãy cột sống, liệt cả hai chân ) chị BÙI THỊ TUYẾT, ngụ tại số 1455 / 7 Huỳnh Văn Chính, phường 19, quận Tân Bình. Anh chị có 5 con, trong đó có 3 con nhỏ còn được đi học. Gospelnet số 105 xin tiếp tục trợ giúp trong ba tháng 3, 4 và 5.2003, tổng cộng: 6 em x 50.000 VND x 3 tháng = 900.000 VND.

HỌC BỔNG CHO 30 EM Ở CÁI RẮN, CÀ MAU

Cha Nguyễn Tấn Ðạt, Họ Ðạo Cái Rắn, tỉnh Cà Mau, thuộc Giáo Phận Cần Thơ, giới thiệu một danh sách 30 em học sinh nghèo. Gospelnet số 105 xin tiếp tục trợ giúp tháng 3.2003, tổng cộng: 30 em x 50.000 VND = 1.500.000 VND. Kính nhờ cha Phan đức Hiệp, DCCT chuyển giúp tiền về Cái Rắn.

HỌC BỔNG CHO 30 EM GIÁO XỨ PHÙ MỸ, QUY NHƠN

Cha Ðinh Duy Toàn, DCCT, Giáo Xứ Phù Mỹ, Giáo Phận Quy Nhơn, giới thiệu danh sách 30 em học sinh có hoàn cảnh gia đình hết sức nghèo, hiện cư ngụ trong địa bàn của Giáo Xứ. Gospelnet số 105 xin tiếp tục trợ giúp hai tháng 2 và 3.2003, tổng cộng: 3.000.000 VND.

HỌC BỔNG CHO 4 EM GIÁO XỨ LẠC QUANG, SÀI-GÒN

Cha An-tôn Mai Ðức Huy, Giáo Xứ Lạc Quang, Giáo Phận Sài-gòn ( ÐT: 08.7.190.754 ), giới thiệu trường hợp gia đình ông Mát-thi-a Nguyễn Văn Truyền, sinh 1948 và bà Ma-ri-a Nguyễn Thị Ngoãn, sinh 1951, nhà không số, tổ 34, khu phố 2, phường Tân Thới Nhất, quận 12, Sài-gòn. Gia đình thuộc diện xóa đói giảm nghèo, có 8 người con, trong đó có một người bị khuyết tật, người mẹ lại bị bệnh tim và suyễn nặng, người cha đạp xích-lô, thu nhập thấp, nhưng vẫn cố gắng cho con đi học. Gospelnet số 105 trợ giúp ba tháng 3, 4 và 5.2003: tổng cộng: 600.000 VND.

HỌC BỔNG CHO 14 EM DÂN TỘC GIÁO XỨ PLEI RƠHAI, KONTUM

Cha Mi-ca-e Võ Văn Sự, Nhà Thờ Plei Rơhai, Giáo Phận Kontum, giới thiệu một danh sách 14 em học sinh dân tộc có hoàn cảnh gia đình hết sức nghèo, ở rải rác tại các buôn làng xa, được cha giúp tập trung về ở nội trú tại Giáo Xứ Plei Rơhai để các em có thể theo học tại thị xã Kontum. Gospelnet số 105 xin trợ giúp tháng 3.2003, tổng cộng: 14 em x 50.000 VND = 700.000 VND. Kính nhờ cô Lê Thị Thu Nguyệt ( Cửa Hàng Nguyệt Cầm ) 22 Lê Lai, quận 1, điện thoại: 08.8.272.467 và 0903.838.170, chuyển giúp lên Kontum.