GOSPELNET
 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


CHÚA NHẬT 11 A THƯỜNG NIÊN

TIN MỪNG: Mt 9, 36 - 10, 8

Khi ấy Ðức Giê-su thấy đám đông, Người chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. Bấy giờ, Người nói với môn đệ rằng: "Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về". Rồi Ðức Giê-su gọi 12 môn đệ lại, ban cho các ông được quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền. Sau đây là tên của 12 Tông Ðồ: đứng đầu là ông Si-mon, cũng gọi là Phê-rô, rồi đến ông An-rê, anh của ông; sau đó là ông Gia-cô-bê con ông Dê-bê-đê và ông Gio-an, em của ông; ông Phi-líp-phê và ông Ba-tô-lô-mê-ô; ông Tô-ma và ông Mát-thêu người thu thuế; ông Gia-cô-bê con ông An-phê và ông Ta-đê-ô; ông Si-mon thuộc nhóm Quá Khích, và ông Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, chính là kẻ nộp Người.

Ðức Giê-su sai 12 ông ấy đi và chỉ thị rằng: "Anh em đừng đi về phía các dân ngoại, cũng đừng vào thành nào của dân Sa-ma-ri. Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Ít-ra-en. Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần. Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma quỷ. Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy."

SUY NIỆM 1:

LÚA CHÍN ÐẦY ÐỒNG...

1. TẠI SAO ÐỨC GIÊ-SU CHỌN VÀ SAI 12 TÔNG ÐỒ ÐI RAO GIẢNG ?

Phúc Âm ghi lại rất rõ tại sao Ðức Giê-su chọn và sai 12 Tông Ðồ đi rao giảng Nước Trời: "Ðức Giê-su thấy đám đông, Người chạnh lòng thương vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt." Cũng chính vì yêu thương thế gian mà Chúa Cha đã ban Con Một cho thế gian, mà Ngôi Lời đã nhập thể làm người để chia sẻ kiếp người và để chỉ vẽ cho con người con đường tìm được Hạnh Phúc thật. Vì yêu thương con người mà Ðức Giêsu đã lặn lội khắp hang cùng ngõ hẻm xứ Ga-li-lê, Giu-đê và cả Sa-ma-ri, vừa chữa lành bệnh hoạn tật nguyền, vừa rao giảng và dạy dỗ dân chúng. Vì yêu thương con người mà Ðức Giê-su đứng về phía những người nghèo hèn trong xã hội, những người bị khinh miệt và loại trừ, những người bị coi là tội nhân. Chính vì chọn lựa ấy mà Ðức Giê-su đã bị người ta ghen ghét, bắt bớ, kết án và giết chết trên thập giá như một tên tử tội! Tình yêu vô bờ ấy cứu độ chúng ta!

Ðức Giê-su muốn các Tông Ðồ chia sẻ sứ mạng của mình nên Người đã chọn 12 ông và sai họ đi. Nhưng trước hết và trên hết điều Ðức Giê-su muốn truyền lại cho các ông là lòng yêu thương đồng loại. Lòng yêu thương ấy phải là động lực của mọi hoạt động của người Tông Ðồ.

2. ÐƯỠC CHÚA GIÊ-SU SAI ÐI RAO GIẢNG CÁC TÔNG ÐỒ PHẢI LÀM NHỮNG GÌ ?

Ngoài lòng yêu thương là động lực hoạt động Tông Ðồ, Nhóm Mười Hai còn được Ðức Giê-su căn dặn đủ điều trước khi lên đường thực thi Sứ Vụ:

2.1 Cầu nguyện cho Cánh Ðồng Truyền Giáo: Cánh Ðồng đã chín vàng cần thợ gặt, người TôngÐồ phải biết chia sẻ với mối bận tâm của Ông Chủ mà xin Ông gửi thêm thợ gặt đến, vì công việc rất nhiều, không ai có thể làm hết được. "Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về."

2.2 Không đến các làng mạc thuộc dân ngoại, mà chỉ đến với con cái nhà Ít-ra-en mà thôi vì lúc này chưa phải là lúc đem Tin Mừng đến cho dân ngoại. Việc ấy sau này các Tông Ðồ sẽ phải thực hiện: "Các con sẽ nhận được sức mạnh của Chúa Thánh Thần khi Người ngự xuống trên các con. Bấy giờ các con sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất" ( Cv 1, 8 ).

2.3 "Dọc đường hãy rao giảng rằng: "Nước Trời đã đến gần": nội dung của lời rao giảng là sự hiện diện của Nước Trời giữa trần thế, trong xã hội con người. Nước Trời xuất hiện cùng với và nơi Ðức Giê-su Na-da-rét.

2.4 "Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh, và trừ khử ma quỷ": Lời rao giảng phải được việc làm đi kèm. Ðó là những việc cứu nhân độ thế, đáp ứng nhu cầu và sự mong đợi của những người nghèo khổ trong xã hội.

2.5 "Ðừng sắm vàng bạc hay tiền đồng để giắt lưng. Ði đường, đừng mang bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi giày hay cầm gậy": Hành trang của người Tông đồ không được cồng kềnh mà phải gọn nhẹ cho dễ bước. Hành trang đó là một nếp sống thanh thoát đối với của cải vật chất vàng bạc và tin cậy phó thác ở Ðấng đã chọn và đã sai đi.

3. CHÚNG TA THỰC THI MỆNH LỆNH CỦA CHÚA NHƯ THẾ NÀO NGÀY HÔM NAY ?

Trong sứ điệp Ngày Thế Giới Truyền Giáo năm 1995, Ðức Gio-an Phao-lô II nhắn nhủ toàn thể các tín hữu: "Giáo Hội đón nhận Tin Mừng như một lời loan báo, như một niềm vui và nguồn cứu độ. Giáo Hội đón nhận Tin Mừng như ân sủng từ Ðức Giê-su, Ðấng được Cha sai đến "để mang Tin Mừng cho người nghèo khó" ( Lc 4, 18 ). Giáo Hội đón nhận Tin Mừng nhờ các Tông Ðồ mà Chúa đã sai đi khắp thế gian ( x. Mc 16, 15; Mt 28, 19 - 20 ). Ðược sinh ra từ hành động loan báo Tin Mừng này, Giáo Hội cảm thấy hàng ngày vang lên lời cảnh cáo của Thánh Tông đồ: "Khốn thân tôi, nếu tôi không loan báo Tin Mừng !" ( 1 Cr 9, 16 )".

Cũng chính Ðức Gio-an Phao-lô II, trong "Tông Huấn Giáo Hội tại Châu Á", nhấn mạnh hai điều quan trọng sau đây đối với công cuộc loan báo Tìn Mừng ở Châu Á:

3.1 Vừa loan báo vừa cầu nguyện:

"Cộng đoàn Ki-tô hữu càng đâm rễ sâu trong kinh nghiệm về Thiên Chúa... thì cộng đoàn ấy càng đáng tin hơn khi loan báo cho người khác về Nước Thiên Chúa đã được hoàn thành nơi Ðức Giê-su Ki-tô" ( số 23 ). Loan báo Tin Mừng là chúng ta tiếp nối công việc và Sứ Vụ của Chúa Giê-su. Vì thế mà lời loan báo của chúng ta luôn luôn phải xuất phát từ một đời sống cầu nguyện, từ một mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa.

3.2 Loan báo bằng chính cuộc sống:

"Việc công bố Tin Mừng là một sứ mạng đòi phải có những người nam nữ thánh thiện, để có thể làm cho người khác nhận biết và yêu mến Ðấng Cứu Thế qua chính đời sống của mình" ( số 23 ). Ðời sống thánh thiện của người Tông Ðồ không thể thiếu 3 tính chất này (1) Siêu thoát đối với của cải vật chất (2) Tin tưởng, phó thác đối với Chúa là Ðấng đã giao Sứ Vụ cho chúng ta và (3) Cảm thông với nỗi khổ của tha nhân và xả thân vì anh em đồng loại là con một Cha, anh em một nhà !

Ðược ơn biết Chúa cứu đời,

Ta chia sẻ với khắp nơi mọi nhà.

Tạ ơn lòng Chúa thương ta,

Ra đi loan báo Chúa là Cứu Tinh.

Lạy Cha là Chủ Ruộng, là Chủ Vườn Nho, là Ðấng đã sai Con Một Cha đến trần gian để loan báo và xây dựng Nước Trời. Chúng con cảm tạ Cha vì đã cho chúng con hồng ân đón nhận Con Cha và Lời Rao Giảng của Người. Chúng con cảm tạ Cha vì Cha đã chọn chúng con làm thợ gặt, thợ vườn nho của Cha trong xã hội Việt Nam thân yêu hôm nay. Chúng con xin Cha ban cho chúng con: Sự Nhiệt Thành, Lòng Cậy Trông và Ðời Sống Thánh Thiện... để chúng con thực hiện Sứ Vụ Con Cha đã giao.

Giê-rô-ni-mô NGUYỄN VĂN NỘI

SUY NIỆM 2:

SỨ MẠNG CỦA CÁC TÔNG ÐỒ

Trong suốt thời gian tại thế,nhất là ba năm rao giảng về Nước Trời, Chúa Giê-su đã gặp gỡ dân chúng, tiếp xúc với dân, Ngài đã hiểu rõ đời sống thực tế của dân, càng gần gũi dân, Chúa Giê-su càng hiểu rõ họ, càng yêu mến họ và càng lúc Ngài càng lưu tâm, để ý tới họ. Dân chúng trong thời Chúa Giê-su sống cũng gặp biết bao thảm cảnh: đói khát về thể xác, thiếu thốn về tinh thần. Tin Mừng thánh Mát-thêu trong trích đoạn hôm nay đã cho chúng ta thấy rõ nhu cầu của dân chúng: "Ðức Giê-su thấy đám đông, Người chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt" ( Mt 9, 36 ). Rõ ràng Chúa Giê-su chạnh lòng thương dân chúng vì họ bơ vơ, đói khát, nên Ngài gợi ý với các môn đệ đang ở bên Ngài: "Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít" ( Mt 9, 37 ).

I. CHÚA GIÊ-SU CHỈ RA CHO MÔN ÐỆ THẤY DÂN CHÚNG THẬT ÐÁNG THƯƠNG:

Khi theo Chúa, nghe Chúa giảng dạy, chứng kiến các phép lạ Chúa làm, dân chúng như say mê với lời Chúa, hăng hái ngồi nghe Chúa, quên hết mọi Ưu tư, phiền muộn. Tuy nhiên, Chúa Giê-su thấy rõ đám đông, Ngài đã tiếp xúc với họ, đã chia sẻ với họ cả niềm vui lẫn nỗi buồn, Ngài đã hiểu thấu nỗi bận tâm của dân chúng. Dân đang nghe Chúa giảng, đang trố mắt nhìn Chúa với tâm hồn nhiệt tình, đạo đức. Họ đói lòng, nhưng tai họ thì tràn đầy Lời Chúa. Chúa hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của họ. Họ thích đón nhận nước trời, họ muốn nghe Lời Chúa và muốn có người hướng dẫn. Chúa thấy rõ điều ấy, nên Ngài thương họ thật tình, tình thương phát xuất tự con tim đầy yêu thương của Chúa.

Chúa biết rõ dân xưa trong thời Cựu Ước, Thiên Chúa Cha của Người đã sai nhiều vị lãnh đạo tới hướng dẫn, chỉ vẽ, hướng dẫn dân. Một Áp-ra-ham với một dòng tộc lớn lao, Thiên Chúa tặng ban cho Ông để qua Ông 12 dòng tộc Ít-ra-en được thiết lập. Thiên Chúa đã dùng Mô-sê, Ða-vít để chăn dắt, lãnh đạo dân như những mục tử thật tốt lành. Ðời sống của dân ngày nay cũng rất cần các mục tử dẫn dắt, hướng dẫn, lãnh đạo. Các ngôn sứ thời cựu ước đã loan báo chính Chúa sẽ đến và trở thành người dẫn dắt dân, trở thành Mục Tử tốt lành, yêu thương chiên, hy sinh mạng sống vì chiên của mình ( Ga 10, 11 ). Dân đông đảo, dân bơ vơ, dân đói khát nhưng họ có thể tin tưởng vững bước vì Chúa là Mục Tử của họ. Hình ảnh đồng lúa chín vàng gợi lên cánh đồng truyền giáo bao la, mênh mông, rộng lớn. Chúa đã đi bước trước khi Người rảo khắp các làng mạc, thành phố, rao giảng trong các hội đường. Công bố Tin Mừng Nước Thiên Chúa, chữa mọi bệnh hoạn, tật nguyền, xua trừ ma quỉ ( x. Mt 9, 35 ). Nước Chúa đã đến: thế giới rộng mênh mông, nhiều người, nhiều linh hồn muốn trở về với Chúa.

II. CHÚA KÊU GỌI 12 MÔN ÐỆ TIẾP NỐI SỨ MẠNG CỦA CHÚA GIÊ-SU:

Trước một cánh đồng lúa chín vàng, thế giới gồm biết bao nhiêu người rải rác khắp nơi, Chúa muốn con người cộng tác vào việc cứu thế của Chúa. Công việc cứu độ một mình Chúa là đủ, nhưng Người muốn con người tiếp tay với Người trong công việc truyền giáo cho một thế giới bao la. Nên, Chúa đã kêu gọi một số môn đệ đi theo Ngài để tiếp tục công việc của Ngài loan báo Tin Mừng Cứu Ðộ. Chúa Giê-su đã chọn nhóm 12 làm môn đệ, Ngài đã gọi đích danh từng người và nhất nhất các môn đệ được gọi, được chọn đã cương quyết theo Ngài. Tuy nhiên, Chúa Giê-su kêu gọi các môn đệ một cách nhưng không, Ngài muốn chọn ai tùy ý Ngài và ơn gọi, sự chọn lựa chỉ được thực hiện, sau khi Chúa Giê-su đã cầu nguyện lâu giờ, hỏi ý Chúa Cha. Chọn môn đệ, gọi họ là Tông Ðồ ( Apostoloi ), nghĩa là được sai đi.

Các môn đệ vì tùy thuộc vào Chúa, họ phải thực thi lệnh truyền của Chúa. Si-mon gọi là Phê-rô, được Chúa đặt làm đầu nhóm và trở nên vị giáo hoàng tiên khởi của Hội Thánh do Chúa thiết lập. Tất cả các tông đồ đều thực hiện lời gợi ý của Chúa: "Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít" ( Mt 9, 37 ) và các ông đều hướng về lệnh của Chúa trước khi Ngài về trời tại Ga-li-lê: "Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ..." ( Mt 28, 19 ).

Còn bây giờ, các môn đệ, những người được Chúa sai đi đã tới trước hết với "những con chiên lạc nhà Ít-ra-en". Các môn đệ tiếp nối sứ mạng của Chúa Giê-su: loan báo Nước Trời đã đến, thực hiện những điều Chúa Giê-su đã làm, giảng dạy, chữa lành bệnh hoạn tật nguyền, xua trừ ma quỉ và ban bình an cho con người. Các Ngài đã được trao sứ vụ phục vụ con người như Chúa Giê-su đã phục vụ: "Thầy đến để phục vụ, chứ không để được hầu hạ". Các môn đệ muôn người như một đã luôn noi gương Thầy mình "vác thập giá để theo Chúa Giê-su" và các ông đã luôn hướng về đồng lúa thế giới mênh mông để xin Chúa Cha sai thợ ra gặt lúa về ( Mt 9, 38 ). Các môn đệ luôn ý thức rằng các ông đã nhận nơi Chúa nhiều ân huệ nhưng không, các ông cũng phải cho lại nhưng không. Sứ mạng của các Tông Ðồ sẽ trải dài mãi cho đến ngày cùng tận và mọi người đều vững mạnh, tin vào lời Chúa hứa: "Ta sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế" ( Mt 28, 20 ).

Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con luôn biết yêu mến Giáo Hội, xây dựng Giáo Hội và cầu nguyện luôn cho Giáo Hội. Xin cho mỗi người chúng con luôn noi gương bắt chước các Tông Ðồ để loan báo Tin Mừng và giới thiệu Chúa Kitô cho mọi người. Xin cho chúng con luôn biết cầu nguyện cho Ðức Giáo Hoàng, các Ðức Giám Mục, các Linh Mục và các phẩm trật của Hội Thánh.

Lm. NGUYỄN HƯNG LỠI, DCCT, Fyan, Lâm Ðồng

 

 

CÂU TRUYỆN:

CUỘC THÁNH DU KHẮP ÐỊA CẦU

Lúc sinh thời, nữ tu Tê-rê-xa Hài Ðồng Giê-su ( Thérèse de l'Enfant Jésus ) đã ao ước được đi truyền giáo tại vùng Viễn Ðông, trong đó có đất nước Việt-nam, nhưng Chị đã không hề đi ra khỏi bốn bức tường Dòng Kín. Thế nhưng, 100 năm sau khi lìa đời, ước nguyện của Chị Thánh lại được thực hiện quá sức mong đợi, khi hài cốt của Chị đã và đang được nhiều Giáo Hội ở khắp các lục địa long trọng đón tiếp và thành kính chiêm bái. Cuộc thánh du đã khởi sự từ ngày 14.10.1994 tại chính quê hương của Chị là nước Pháp, nơi đã chọn Chị là Thánh Bảo Trợ thứ nhì sau Nữ Thánh Anh Hùng Dân Tộc Jeanne d'Arc. Chặng đầu là đến Lyon, rồi Marseille, Paris và các giáo phận khắp nước Pháp.

Linh Mục Raymond Zambelli, cha chính địa phận Lisieux quê hương của Chị Thánh, kể lại rằng: "Các đám đông tuôn đến với Chị để tạ ơn Chị, để mở tấm lòng ra với Chị, gửi gấm cho Chị những gánh nặng, những niềm vui, những ưu phiền của họ..."

Từ năm 1995 đến 1997, cuộc thánh du của Thánh Nữ Tê-rê-xa được tiếp tục tại Bỉ, Luxembourg, Ðức và Ý. Trong thời gian Ðại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Paris tháng 8.1997, hàng vạn thanh niên thiếu nữ đã ngày đêm đến kính viếng hài cốt của Chị được đặt tại Vương Cung Thánh Ðường Ðức Bà Chiến Thắng.

Kế đó, ngày 19.10.1997, Chị lại hiện diện ở quảng trường Thánh Phê-rô, nơi Ðức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô đệ nhị long trọng tôn vinh Chị Tê-rê-xa là Tiến Sĩ Hội Thánh, vị Nữ Tiến Sĩ trẻ nhất, chỉ có 24 tuổi, trong 33 vị của Hội Thánh. Sau Rô-ma, cuộc hành trình tiếp tục đến Milano, rồi băng qua các nước Thụy-sĩ, Áo và Slovénia. Trong cả năm 1998, hài cốt của Chị được kiệu đi khắp đất nước Brasil rộng lớn, cũng là nước đông người Công Giáo nhất thế giới, và cách đây 70 năm, Giáo Hội Brasil đã dâng kính Chị chiếc hòm rương để đựng hài cốt.

Ðầu năm 1999, Giáo Hội Hà-lan đã đón tiếp Chị. Kế đó, từ ngày 27.2 đến 30.6, chuyến thánh du được tổ chức trong toàn nước Nga, trên một lộ trình dài 30.000 cây số đến tận Sibéria, ghé qua Kazakhstan giáp biên giới với Trung-quốc. Từ ngày 1.7 đến 4.10.1999, hài cốt của Chị được rước đi khắp Argentina, và sau đó, tới phiên 112 thành phố của Hoa Kỳ sẽ đón tiếp Chị.

Sang năm 2000, cuộc thánh du chưa chấm dứt, vì vào tháng giêng, từ đảo Hawạ, hài cốt Thánh Nữ sẽ được rước đến Phi-luật-tân, Ðài-loan, Hồng-kông. Ðể rồi, đúng vào Ðại Hội Giới Trẻ Thế Giới tháng 8.2000, Chị sẽ quay về Rô-ma, và sau đó sang Mê-hi-cô trong 4 tháng, cho đến đầu năm 2001. Kế đó, suốt năm 2002, Chị sẽ viếng thăm các nước Ái-nhĩ-lan, Liban, các nước vùng Cận Ðông, Canada, Phi châu và Polynésie...

Theo Cha Sở chính tòa Raymond Zambelli, thì đây chính là một cuộc thánh du truyền giáo, bởi: "Người ta không đến để nhìn ngắm một bộ hài cốt, nhưng là để gặp gỡ một con người mà họ yêu mến, một con người mà cuộc đời đã gắn bó với Tin Mừng".

Từ những cuộc gặp gỡ như thế, nhiều người đã sám hối quay về với Chúa, có cả những người được chữa lành về thể xác. Cuộc thánh du của hài cốt Thánh Nữ Tê-rê-xa đã như là một cơn mưa hồng ân, đúng như ý nguyện của Chị là được đi truyền giáo, và cũng như lời hứa của Chị là khi về Trời, Chị sẽ rải hoa hồng cho khắp muôn dân nước trên địa cầu.

Theo ÐÌNH KHẢI, báo CGDT số 1227, 1.10.1999.

CHỨNG TỪ:

GIÁM MỤC XÓM Ổ CHUỘT

Dom Helder Camara sinh ra ở Fortaleza, nước Brasil, ngày 7.2.1909. Khi còn là Linh Mục trẻ tuổi, ngài đã được giao phó trọng trách lo mục vụ cho các thành phần trí thức ở Fortaleza, rồi về sau trở nên thành viên của Hội đồng cao cấp ngành giáo dục của Rio de Janeiro. Ngài nổi tiếng là người có sức lôi cuốn quần chúng, nên được cơ quan hành chánh địa phương, báo chí, bộ quốc gia giáo dục nói đến rất nhiều... làm cho ngài trở nên một trong những nhân vật bình dân nổi tiếng của thủ đô bấy giờ. Nhưng ngài lại muốn phục vụ cho hàng giáo sĩ và nền đạo đức.

Khi được chọn làm Giám Mục Phụ Tá của Rio de Janeiro năm 1952, ngài hợp với một số các Giám Mục khác, bắt tay vào việc thành lập Hội Ðồng Giám Mục Brasil - mà ngài giữ chức chủ tịch trong vòng 12 năm - và trở nên Tổng Giám Mục Rio de Janeiro năm 1955. Từ đó ngài được vài nhân vật giáo sĩ khuyến khích nên lo cho số phận của những người nghèo trong nước. Vì thế, ngài không ngừng lên tiếng bênh vực kẻ nghèo và kẻ bị áp bức đến nỗi ngài đã được mệnh danh là "Giám Mục các nhà ổ chuột". Ngài đã thành lập một tổ chức cứu trợ mang tên "Nhà Băng của Chúa Quan Phòng"

Năm 1964, vào lúc mà quân đội lên nắm chính quyền và bắt bớ những phần tử "phá hoại", ngài được phong lên chức Tổng Giám Mục địa phận Olinda và Recife. Hơn bao giờ hết, ngài ước muốn liên kết xã hội trần gian với Giáo Hội để bênh vực cho người nghèo, cho nên ngài tố cáo công khai những bất công trong nước, cho ra đời "Chiến Dịch Hy Vọng" nhằm giáo dục và làm cho dân chúng nghèo, biết nhận lãnh trách nhiệm của mình. Ngài vừa là hiện thân cho tinh thần chống đối nạn độc tài của chính phủ quân nhân đã gieo tang tóc cho Brasil từ năm 1964 đến 1985, vừa là người cố gắng tìm một hình thức mới mẻ trong sự liên hệ giữa tôn giáo và xã hội. Ngài chỉ tin tưởng nơi Giáo Hội và người tín hữu là khi cả hai biết dấn thân tranh đấu cho sự bất công. Ngài đã thành lập nhiều hệ thống, đặc biệt là các cộng đồng cơ bản để "đọc lại" Phúc âm và những hoạt động hướng về việc cải tổ sinh hoạt xã hội, đưa Tin Mừng thấm nhập cách tinh vi vào đời sống xã hội...

Thế là ngài đã đóng một vai trò thiết yếu trong việc khơi dậy lên một nền văn hóa đạo đức mới trong tất cả Châu Mỹ La-tinh, mà về sau được gọi là "Thần Học Giải Phóng". Dựa vào tinh thần bất bạo động, ngài cho ra đời phong trào Hành Ðộng cho Công Lý và Hòa Bình dựa trên áp lực luân lý và giải phóng ( pression morale et libératrice ). Khi ngài bị tố cáo là "Giám Mục đỏ", ngài đã khôn khéo trả lời: "Khi tôi cho người nghèo ăn, thì người ta cho tôi là một vị thánh. Khi tôi hỏi tại sao người nghèo không có gì ăn, thì người ta cho tôi là một người thân cộng".

Cho đến chết, Dom Helder Camara tự cho mình có nhiệm vụ chiến đấu chống nghèo đói tủi nhục và dai dẳng, đang hoành hành trong nước. Ngài phẫn uất khi thấy trước thềm năm 2000, nhiều người còn ở trong cảnh sống càng ngày càng đồi tệ, đến nỗi họ không có được cái tối thiểu để sống một đời sống cho ra con người và được kính nể, trong khi thế giới ngày nay có thừa đủ phương thế để san bằng các hố bất công chênh lệch về kinh tế và xã hội. Ðiều này làm cho ta nhớ đến Abbé Pierre biệt danh "Linh Mục của người vô gia cư" ở Pháp.

Ðối với giáo dân trong địa phận mới của ngài, Dom Helder Camara cho thấy ngài là người "giao du với những phần tử mà người ta cho là bất xứng và tội lỗi". Ngài tố cáo những sự bất công, những hình thức thuộc địa và cho rằng người bị đàn áp, có quyền được tự vệ.

Ðó cũng là thời buổi mà một người bạn của ngài, cha Pereira Neto, bị ám sát, mà ngài giảng về sự phân phối của-cải một cách công bằng hơn, mà ngài cất xây nhà cửa, thành lập trạm thông tin cho người nghèo... Cái "giấc mộng xã hội vĩ đại đó", quan niệm một Giáo Hội "bạn của người nghèo" đồng nhịp với các phong trào phản đối của tất cả những hình thức thống trị và đàn áp con người, đã làm cho Tòa thánh phản ứng không thuận lợi. Thánh Bộï Ðức Tin đã 2 lần ra chỉ thị can thiệp: về một vài hình thức của Thần Học Giải Phóng (1984 ); về sự tự do Ki-tô Giáo và giải phóng ( 1986 ). Phải chăng Ðức Gio-an Phao-lô II sợ rằng người ta sẽ lẫn lộn giữa ý nghĩa giải phóng người nghèo một cách siêu nhiên theo Phúc Âm với ý nghĩa giải phóng người nghèo theo cách trần gian, bằng việc đấu tranh giai cấp..., bởi vì họ dùng những hình thức phân tích mác-xít gây lẫn lộn giữa một nhà tu hành ( le religieux ) với một nhà chính trị ( le politique ).

Trong thời gian đó, Dom Camara được cho về hưu và Tòa thánh bổ nhiệm Dom José Cardoso thay thế. Ðó là một người hoàn toàn có quan niệm ngược hẳn Dom Camara, nên vị tân bổ nhiệm đã không duy trì những cơ sở, tổ chức của ngài, kể cả chủng viện ngài lập ở Olinda, vì bị tình nghi là nơi dạy thuyết mác-xít, cũng như Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình. Dẫu bị đặt trong tình trạng "im hơi lặng tiếng", ngài tuyên bố là "sa mạc sinh hoa trái", ngài tin tưởng vững chắc vào tương lai, nên vào năm 1990, ngài tung ra chiến dịch "Năm 2000, Năm hết nghèo khổ". Xưa kia, ngài đặt kỳ vọng vào các cơ chế đạo đức, chính trị và học đường, thì nay ngài hiểu từ đây là "giấc mộng cho một thế giới dễ thở và nhân đạo" chỉ có thể thực hiện đựơc bởi ý muốn và lòng phục vụ của một nhóm nhỏ, sẵn sàng tin và đặt hy vọng vào cả lúc không còn hy vọng !

Dẫu vậy, uy tín tinh thần của ngài vẫn còn ảnh hưởng trên hàng triệu đồng bào và rất nhiều người trên thế giới, vì các cơ cấu ngài thành lập trước kia, những cộng đoàn nhỏ trong các khu xóm biết tìm phương thế để nắm lấy vận mệnh của mình: 130.000 cơ cấu như thế, gồm có hơn 2 triệu người, ngày nay vẫn còn ở Brasil.

Dom Helder Camara đã qua đời 27.8.1999 tại Recife, hưởng thọ 90 tuổi, nhưng ngài vẫn còn sống, qua các tổ chức không thuộc chính quyền do ngài khơi dậy nhờ sức mạnh tình thương của ngài, bất chấp những sợ sệt, quyền thế và những định chế.

"Mỗi sáng, khi thức dậy, tôi chọn tình yêu", đó là lời nói đầy lạc quan tin tưởng của Dom Helder Camara, như trao cho nhân loại cái chìa khóa mở cửa một thế giới tốt đẹp hơn.

Theo HOÀNG LONG, Vietcatholic 6.2002

 

CHIA SẺ:

THIÊN CHÚA NÓI "KHÔNG !"

Có một bài thơ của một tác giả vô danh mà Hồng Y Jaime Sin, Tổng Giám Mục Manila, Philippines, lấy làm ưng ý nhất và thường trích dẫn trong các bài giảng của ngài. Bài thơ ấy như sau:

Tôi đã xin Chúa cất khỏi sự kiêu hãnh của tôi và Chúa trả lời: "Không". Ngài nói rằng không phải Ngài là ngườI cất khỏi mà chính tôi mới là người phấn đấu để vượt thắng nó.

Tôi đã xin Chúa làm cho đứa con tàn tật của tôi được lành lặn và Chúa trả lời: "Không". Ngài nói rằng tinh thần mới lành lặn, còn thể xác chỉ là tạm bợ.

Tôi đã xin Chúa ban cho tôi sự kiên nhẫn và Chúa đã trả lời: "Không". Ngài nói rằng kiên nhẫn là trái của thử thách. Ngài không ban cho tôi trái ấy mà để tôi tự tìm lấy.

Tôi đã xin Chúa ban cho tôi được hạnh phúc và Chúa đã trả lời: "Không". Ngài nói rằng Ngài ban ân phúc cho tôi, còn hạnh phúc hay không là tùy tôi.

Tôi đã xin Chúa gia tăng tinh thần cho tôi và Chúa đã trả lời: "Không". Ngài nói rằng tôi phải tự lớn lên, nhưng Ngài sẽ cắt tỉa để tôi mang nhiều hoa trái.

Tôi đã xin Chúa đừng để tôi đau khổ và Ngài đã trả lời: "Không". Ngài nói rằng đau khổ giúp tôi được xa cách với những vướng bận trần gian và mang tôi đến gần Ngài.

Tôi đã hỏi: "Liệu Ngài có yêu tôi không ?" và Ngài đã trả lời rằng: "Có". Ngài nói rằng Ngài đã ban cho tôi Người Con Một, Ðấng đã chết vì tôi và một ngày nào đó, tôi sẽ được lên Thiên Ðàng vì tôi đã tin.

Tôi đã xin Chúa giúp tôi yêu mến tha nhân như Ngài yêu thương tôi và Chúa nói: "Cuối cùng con đã xin đúng điều ta chờ đợi".

Nhìn lên thập giá Ðức Ki-tô, chúng ta được mời gọi để tin nhận rằng Thiên Chúa đã yêu thương con người, Ngài đã yêu thương đến độ đã ban Người Con Một của Ngài cho thế gian. Tình Yêu của Thiên Chúa nhiệm màu thẳm sâu đến độ sự thất bại, cái chết ô nhục đã trở thành Một Dấu Chứng. Tình yêu ấy nhiệm màu thẳm sâu đến độ ngay cả khi Thiên Chúa xem ra nói không với chúng ta, Ngài vẫn yêu thương chúng ta. Ngài nói không khi chúng ta xin được khỏe mạnh, và bệnh hoạn vẫn bám lấy chúng ta. Ngài nói không khi chúng ta xin được thành công và thất bại lại đến với chúng ta. NgàI nói không khi chúng ta xin được cơm bánh hằng ngày và đóI khổ lại cấu xé chúng ta. Qua những cái không ấy, Thiên Chúa vẫn tiếp tục yêu thương chúng ta...

 Xin cho chúng ta cảm nhận được tình yêu ấy mỗi khi chúng ta nhìn lên cái chết ô nhục của Người Con Một Thiên Chúa trên thập giá. Và cũng giống như Người Con Một ấy, xin cho chúng ta vẫn tiếp tục dâng lời chúc tụng ngay giữa niềm đau tưởng chừng như không còn chịu đựng nổị Và giữa trăm nghìn đắng cay chua xót, xin cho chúng ta cũng được tiếp tục thốt lên lời xin tha thứ như Ngài... Mãi mãi, xin cho chúng ta luôn phó thác như Ngài.

MK DIỄM THU ( Hoa Kỳ ) sưu tầm và gửi về.

TÌM HIỂU:

GIẢI ÐÁP CÁC CÂU HỎI TUẦN TRƯỚC

1.     Ðại ý đoạn Phúc Âm Mt 9, 36 - 10, 8: Chúa Giê-su động lòng thương xót đàn chiên bơ vơ lạc lỏng nên trước khi hiến thân để chỉ "một đàn chiên, một chủ chiên" ( Ga 10, 16 ), Người đã chọn và sai nhóm 12, thủ lãnh của một dòng dõi những kẻ phục vụ Tin Mừng, để họ rao giảng Tin Mừng, xua đuổi tà thần, chữa lành bệnh tật, nghĩa là ban phát cho toàn thể con người ơn cứu độ mà Ngài đã tạo được nhờ lao nhọc gieo vãi và cứu chuộc.

2.     Con số 12: có ý muốn trình bày Giáo Hội Chúa lập được đặt trên cơ sở 12 móng, mỗi móng mang tên của một trong 12 Sứ Ðồ của Con Chiên ( Kh 21, 14 ), có trách nhiệm tiếp tục cho đến tận thế sứ mạng rao giảng Tin Mừng và ân cần săn sóc hết những ai đau khổ.

3.     Thành phần cấu tạo Nhóm 12: Trong nhóm 12 sứ đồ có các tên Hy-lạp và Do-thái cho thấy mấy ông thuộc nhiều miền khác nhau trong xứ Palestine; vài ngư phủ chất phác bên cạnh một đảng viên đảng cấp tiến tên là Nhiệt Thành ( Si-mon Nhiệt Thành ). Tóm lại nhóm mang thật nhiều sắc thái chứng tỏ Chúa Giê-su không tìm cách qui tụ quanh mình các phần tử dễ tính và học thức, cũng chẳng liên kết với những kẻ nịnh bợ xu thời.

4.     Chúa Giê-su nói đừng đến với dân ngoại: Lời nói này của Chúa Giê-su không phải là một nguyên tắc ngàn đời của việc Truyền Giáo, nhưng phải xem nó như là diễn tả một kế hoạch tạm thời mà tất cả thái độ của Chúa Giê-su đã minh chứng điều đó, một kế hoạch mà theo đó Tin Mừng phải được dành riêng cho "con cái của Vương quốc" ( 8, 12 ) trong một thời gian đầu, nghĩa là cho đến cuộc chiến thắng Phục sinh.

5.           Ðiều quan trọng nhất trong việc Truyền Giáo: Giữa bao lao nhọc Truyền Giáo và mục vụ, ta chớ bao giờ quên rằng: điều quan trọng không phải là số lượng công việc đã làm, đường xa đã đi, số người đã ảnh hưởng, tính cách bao la của công trình, nhưng là thi hành Thánh ý Thiên Chúa trong các giới hạn mà Thánh ý Ngài đã định.

6.     Tại sao Chúa Giê-su lại cần có con người cộng tác trong việc Truyền Giáo: Như Thánh Âu-tinh nói "Ðể tạo dựng nên con, Chúa không cần đến con, nhưng để cứu chuộc con, Chúa lại cần có con". Cũng thế, trong việc Truyền Giáo, Chúa cần đến con người để tiếp nối hành động cứu thế của Ngài trong thế gian và cho con người được tham dự vào chương trình rao giảng Tin Mừng.

7.     Ơn Thiên Triệu: Thiên Chúa gọi ai thì Ngài gọi cách tự do, chứ không chiếu theo tiêu chuẩn đặc biệt nào như giai cấp, màu da, chính kiến, kiến thức. Tuy nhiên, Ngài ưu tiên lưu tâm đến những người đơn sơ chất phác, nghèo hèn, ít học, cởi mở, quảng đại, nhiệt tình.

8.     Phương cách Truyền Giáo mà ai cũng làm được: đó là cầu nguyện.

 

CHUẨN BỊ CHO TIN MỪNG CHÚA NHẬT 12 A THƯỜNG NIÊN ( Mt 10, 26 - 33 )

1.     Ðại ý bài Phúc âm này ?

2.     Ý nghĩa nổi bật nhất của hai tiếng "môn đồ" của Chúa Giê-su là gì ?

3.     Những thái độ nào mà một môn đồ đích thực của Chúa Giê-su phải có ?

4.     Lời nói "Anh em đừng sợ người ta" của Chúa có ý nghĩa gì ?

5.     Vì những lý do gì mà Chúa Giê-su bảo các môn đồ đừng sợ ?

6.     Câu: "Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy..." phải hiểu thế nào cho đúng ?

7.     Trên con đường Ðức Tin, người Ki-tô hữu phải chấp nhận những gì ?

8.     Ta sống Ðạo vì sợ hay vì Ðức Tin ?

QUÊ NGỌC

THÔNG TIN:

VỀ CÁC KHOẢN TIỀN ÂN NHÂN MỚI CHIA SẺ

- Một ân nhân ( Sài-gòn ) giúp người dân tộc ở Fyan, tỉnh Lâm Ðồng.......................... 2 bao lớn quần áo và 250.000 VND

- Chị Tuyết Lưu ( Hoa Kỳ ) giúp người nghèo .....................................................................................................................  200 USD

- Một gia đình ẩn danh ( Việt Nam ) giúp người nghèo .....................................................................................................  100 USD

- Một Linh Mục ẩn danh ( Việt Nam ) giúp người nghèo ....................................................................................................  50 USD

- Một Giáo Dân ẩn danh thuộc Giáo Xứ ÐMHCG ( Việt Nam ) giúp người nghèo ............................................  100.000 VND

VỀ CÁC TRƯỜNG HỠP NGHÈO Ở CẦN THƠ

Chị Bùi Thị Hồng Nga, Câu Lạc Bộ Khuyết Tật Cần Thơ, giới thiệu 3 trường hợp sau đây cần trợ giúp:

1. Em TRƯƠNG THỊ CẨM TÚ, sinh năm 1979, học vấn 2/12, bán vé số, nhà ở 664A, ấp Thạnh Lợi A­2, Tân Long, huyện Phụng Hiệp, thành phố Cần Thơ. Cha mẹ em Tú đã bỏ nhau, em phải tự mưu sinh rất vất vả bằng việc bán vé số. Em Tú bị liệt cả 2 chân, bị mạch lươn đã 16 năm nay nhưng vì không có tiền chạy chữa, nay đã chuyển sang một dạng ung thư, đã mổ một lần, nhưng bệnh tình quá nặng, nay bác sĩ gọi mổ lần thứ hai nhưng em không đủ tiền đóng Viện phí. Gospelnet xin trợ giúp 1.000.000 VND.

2. Em TRẦN THANH TÙNG, sinh năm 1989, học lực 4/12, nhà ở 8/10, tổ 8, ấp 7, xã Hưng Thạnh, thành phố Cần Thơ. Gospelnet xin trợ giúp một xe lăn ( loại không xếp được ) trị giá 550.000 VND.

3. Chị NGUYỄN THỊ THU, sinh năm 1959, học cấp 1, bán bún riêu, nhà ở số 265 đường 30 tháng 4, phường Xuân Khánh, thành phố Cần Thơ. Gospelnet xin trợ giúp một xe lắc trị giá 850.000 VND.

Tổng cộng 3 trường hợp này là 2.400.000 VND được trích ra từ khoản tiền ân nhân NGUYỄN THANH QUỲNH ( Hoa Kỳ ) mới chia sẻ với Quỹ Gospelnet. Xin thay mặt các bệnh nhân tỏ lòng biết ơn đến quý ân nhân.

VỀ MỘT TRƯỜNG HỠP TAI NẠN Ở HÀ TĨNH

Thầy Nguyễn Công Duyệt, DCCT, giới thiệu trường hợp ông HOÀNG TỊNH, ngụ tại Ðội 4, ấp Quảng Dụ, xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Trong khi làm việc, ông Tịnh bị máy cưa xẻ gỗ cắt đứt gân đùi. Vết thương chưa lành hẳn thì khi đi xe đò tốc hành ông lại bị một người lơ xe cố tình đạp lên, đùi lại bị gãy, phải ra Hà Nội giải phẫu chốt 10 cây đinh. Nay ông hoàn toàn phải nằm một chỗ.

Ðược biết ông Tịnh là người rất đạo đức, lâu nay vẫn thường lo liệu cho các em muốn theo đuổi Ơn Gọi Tận Hiến có thể ra Hà Nội, hoặc vào Huế để gặp gỡ tìm hiểu các Dòng Tu Nam Nữ. Gospelnet xin trợ giúp cho ông số tiền 1.000.000 VND trích từ số tiền ân nhân Nguyễn Thanh Quỳnh ( Hoa Kỳ ) mới chia sẻ với Quỹ Gospelnet.

VỀ "HỌC BỔNG XUÂN HIỆP"

Như Gospelnet số 61 đã thông tin, nay xin tiếp tục gửi số tiền 2.100.000 VND đến Sr. Nguyễn Thị Ánh, Dòng Ða-minh Rosa Lima, để phân phối đến gia đình 14 em học sinh nghèo trong chương trình mang tên "Học Bổng Xuân Hiệp" trong ba tháng 6, 7 và 8 của năm 2002.

VỀ GIA ÐÌNH MỘT NGƯỜI KHIẾM THỊ Ở SÀI-GÒN

Như Gospelnet số 53 đã thông tin về trường hợp gia đình anh Phao-lô HOÀNG VĂN THÚY ( 36 tuổi ) bị mù,đi bán vé số, nguyên quán tại khu 9, ấp Hiệp Ðồng, thị trấn Ðịnh Quán, tỉnh Ðồng Nai, tạm trú tại 4 / 14 tổ 4, ấp 9, xã Bình Hưng Hòa, quận Bình Chánh, Sài-gòn. Gospelnet đã giúp từ tháng 3 đến hết tháng 5.2002 cho 4 người con: HOÀNG VĂN THANH, sinh 1980, đang học lớp 6; HOÀNG THANH TÂN, sinh 1993, đang học lớp 2; HOÀNG THỊ MỸ DUNG, sinh 1996, đang học lớp 1; HOÀNG THANH TÂM, sinh 1998, chưa được vào mẫu giáo. Nay Gospelnet xin tiếp tục trợ giúp gia đình anh Thúy mỗi cháu 50.000 VND mỗi tháng, trong 3 tháng, kể từ tháng 6 đến hết tháng 8.2002, tổng cộng: 50.000 VND x 4 cháu x 3 tháng = 600.000 VND. Xin gửi đến anh Phạm Văn Lượng thuộc Huynh Ðoàn Ki-tô để chuyển giúp đến gia đình anh Thúy. Kính mong quý độc giả gần xa nhận trợ giúp lâu dài cho gia đình anh.

VỀ CHƯƠNG TRÌNH "HỌC BỔNG LONG KHÁNH"

Gospelnet số 50 đã thông tin về 11 em trong chương trình "HỌC BỔNG LONG KHÁNH". Gospelnet đã trợ giúp trong 3 tháng, từ tháng 3 đến hết tháng 5.2002, mỗi em 50.000 VND một tháng. Nay Gospelnet xin tiếp tục trợ giúp 3 tháng, từ tháng 6 đến hết tháng 8.2002, tổng cộng: 50.000 VND x 11 em x 3 tháng = 1.650.000 VND. Xin chuyển đến chị Quách Thị Quế Châu thuộc cộng đoàn Thiên Phúc để phân phối cho gia đình các em. Kính mong quý độc giả gần xa nhận trợ giúp lâu dài cho chương trình này.

VỀ "HỌC BỔNG AN THỚI ÐÔNG"

Như Gospelnet số 49 đã thông tin về chương trình "HỌC BỔNG AN THỚI ÐÔNG", cho 12 em học sinh nghèo tại điểm truyền giáo An Thới Ðông thuộc huyện Cần Giờ, mỗi em 50.000 VND một tháng. Nay Gospelnet xin tiếp tục gửi đến các em 1.800.000 VND cho 3 tháng, kể từ tháng 6 đến hết tháng 8.2002.

THÔNG BÁO QUAN TRỌNG

Trong thời gian gần đây có nạn dịch về Virus ( W32.Klez.H@mmW32.Klez.V201.Worm ) hoành hành dữ dội, với các địa chỉ mạo danh các Dòng Tu nam nữ, các vị Hồng Y, các đức Giám Mục, vị Linh Mục, và cả của Trung Tâm Mục Vụ DCCT chúng tôi... để gửi đi các nơi, gây ra nhiều ngộ nhận đáng tiếc. Xin quý độc giả thận trọng tối đa bằng cách cài đặt và truy quét mỗi ngày với chương trình Norton Antivirus được cập nhật mỗi tuần, cộng với D32 ( Diagnose and Destroy Viruses ), cộng với BKAV 2002 được cập nhật ngày 6.5.2002 ( có thể vào www.fpt.vn/bkav hoặc www.vnn.vn/vnn1/bkav ). Ngoài ra, khi nhận E-Mail, dù là địa chỉ người gửi đến mình là chỗ quen biết, nếu thấy phần Subject có nội dung tiếng Anh hoặc Việt hơi lạ thường hoặc rất là vớ vẩn, không có đầu đuôi gì cả, lại có thêm các files attached ( gửi kèm ) có đuôi là .bat hoặc .exe hoặc .pif, xin lập tức delete ( xóa bỏ ) trong Inbox và cả Deleted Items.