GOSPELNET
 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


CHÚA NHẬT 9 A THƯỜNG NIÊN - LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA

TIN MỪNG: Ga 6, 51 - 58

Khi ấy Ðức Giê-su nói: "Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống." Người Do-thái liền tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói: "Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được ?"

Ðức Giê-su nói với họ: "Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Ðấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy. Ðây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời."

SUY NIỆM:

THÁNH THỂ CHÚA GIÊ-SU

1.  Thánh Thể là Man-na mới của Giao Ước Mới với Ít-ra-en Mới: 

a) Trong cuộc hành từ Ai-cập xuyên qua sa mạc khô cằn và nóng cháy hướng về miền đất hứa, dân Ít-ra-en đã gặp phải những đe dọa nghiêm trọng đến sự sống. Họ thiếu cả nước uống lẫn lương thực. Và giữa cơn khốn khó ấy, họ chẳng biết trông cậy vào ai khác ngoài Gia-vê Thiên Chúa, Ðấng đã ký kết giao ước và đã luôn trung tín với họ. Thiên Chúa đã ban cho họ nước mát cũng như đã ban cho họ man-na là một thứ của ăn lạ mà chính họ cũng như cha ông họ chưa bao giờ biết tới. Nhờ có nước và man-na Thiên Chúa ban mà họ có đủ sức tiếp tục cuộc hành trình. Nhận man-na mỗi buổi sáng, người Ít-ra-en ý thức rằng cuộc sống của họ tùy thuộc vào Thiên Chúa. Họ cũng hiểu ra rằng con người sống không phải chỉ nhờ cơm bánh mà còn nhờ vào Lời Hằng Sống của Thiên Chúa.

b) Ðức Giê-su đã dựa vào kinh nghiệm độc đáo ấy của dân mà nói về Thánh Thể. Thánh Thể là Man-na mới cho một giai đoạn mới của lịch sự là Giao Ước Mới. Man-na cũ nuôi dân qua sa mạc. Man-na mới nuôi người tín hữu trong cuộc lữ hành về Quê Trời. Man-na cũ là một loại thức ăn nuôi dưỡng thể xác. Man-na mới là lương thực thiêng liêng, nuôi dưỡng đời sống tâm linh. Man-na cũ là lương thực chóng hư. Man-na mới là lương thực không bao giờ hư nát.

2. Thánh Thể là sự thể hiện Tình Yêu và Quyền Năng của Con Một Thiên Chúa làm người:

a) Nếu chỉ vì yêu thương và trung tín với dân riêng mà Thiên Chúa đã ban man-na để cho họ khỏi bị đói trong sa mạc, thì cũng chỉ vì yêu thương và trung tín với dân được tuyển chọn trong Giao Ước mới mà Ðức Giê-su ban Mình Máu mình cho chúng ta. Trước hết và trên hết, Thánh Thể là sự kỳ diệu của Tình Yêu của Con Một Thiên Chúa làm người, một Tình Yêu đầy quyền năng và sáng tạo. Khi nghe Ðức Giê-su công bố về ý định thiết lập Thánh Thể, các người Do-thái đã rất có lý khi nêu thắc mắc trong sự kinh ngạc tột cùng: "làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được ? - làm sao ông này có thể cho chúng ta uống máu ông ta được ?"

Ðức Giê-su đã làm được điều mà con người không thể làm được. Ðức Giê-su đã làm được điều mà con người không thể nghĩ ra được. Tình Yêu và Quyền Năng làm nên Phép Thánh Thể. Vì thế khi rước Mình và Máu Ðức Giê-su là chúng ta đón nhận Tình Yêu và Quyền Năng của Người, để Tình Yêu và Quyền Năng ấy biến đổi chúng ta ! Chúng ta thử suy nghĩ và tự hỏi: tại sao tôi đã Rước Lễ không biết bao nhiêu lần mà đời sống của tôi không thay đổi được bao nhiêu, mà "vẫn như cũ": hẹp hòi, ích kỷ, ươn lười, biếng nhác, đắm say tội lỗi, ghen tương, đố kỵ người khác ?

b) Nhưng chúng ta không chỉ đón nhận Tình Yêu và Quyền Năng của Thiên Chúa cho riêng chúng ta và "nhốt chặt" Tình Yêu và Quyền Năng ấy nơi chúng ta. Chúng ta phải sống Tình Yêu và Quyền Năng ấy trong đời sống thường ngày của mình, bằng cách làm cho Tình Yêu ấy lan tỏa ra chung quanh và làm cho Quyền Năng thần linh ấy tác động trên những người mà chúng ta gặp gỡ tiếp xúc, trên các thực tại trần thế mà chúng ta đụng tới.

3. Thánh Thể làm nên cộng đoàn hiệp nhất những người cùng ăn một Bánh và cùng uống một Chén:

a) Trong bài đọc 2 có lời này của Thánh Phao-lô: "Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể." Hệ quả đương nhiên của Thánh Thể là tình hiệp thông, là sự hợp nhất, là sự đoàn kết yêu thương gắn bó giữa những người cùng rước Mình và Máu Ðức Ki-tô. Vì thế mỗi hội đoàn Giáo Dân, mỗi cộng đoàn Dòng Tu, mỗi Giáo Xứ, mỗi Giáo Phận phải là một cộng đoàn làm nổi bật sự "đồng tâm nhất trí" giữa những con người rất khác nhau xét về mặt tự nhiên.

b) Ðối chiếu với thực tế, chúng ta phải thừa nhận rằng Rước Lễ thì dễ, nhưng thực hiện "đòi hỏi hiệp nhất" của Thánh Thể là một việc vô cùng khó. Không phải vì khó mà chúng ta nghĩ sai rằng Thiên Chúa đòi hỏi ở chúng ta điều mà chúng ta không thể làm được. Thật ra thì việc chúng ra cần làm là ý thức đòi hỏi ấy mỗi khi đến gần Bàn Thánh và khẩn khoản nài xin Chúa Giê-su Thánh Thể thực hiện sự hiệp nhất giữa những con cái Chúa.

4. Thánh Thể còn là sự thể hiện một Tình Yêu Chia Sẻ của những người đã được ăn Bánh và uống Chén của Chúa Ki-tô:

a) Thánh Thể không chỉ là sự thể hiện Tình Yêu và Quyền Năng của Thiên Chúa làm người, cũng không chỉ là nguyên lý tạo nên một cộng đoàn hiệp nhất giữa những người cùng ăn một Bánh và cùng uống một Chén, mà còn là sự thể hiện một Tình Yêu Chia Sẻ của những người tín hữu. Chia sẻ tất cả những ân phúc mà chúng ta đã nhận được từ nơi Chúa, cách trực tiếp hay gián tiếp. Chia sẻ với hết mọi người, nhất là với những người nghèo sống chung quanh. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo số 1397 viết: "Bí Tích Thánh Thể đòi buộc chúng ta phải chăm sóc người nghèo. Ðể thực sự lãnh nhận Mình và Máu Ðức Ki-tô đã phó nộp vì chúng ta, chúng ta phải nhận ra Người trong những người nghèo nàn nhất, những anh em của Người."

Thánh Gio-an Kim Khẩu đã giảng dạy như sau: "Anh đã rước Máu Thánh Chúa, thế mà anh đã không nhận ra người anh em của mình. Anh đã hạ giá Bàn Tiệc Thánh, khi những người được Thiên Chúa coi là xứng đáng tham dự Tiệc Thánh, lại bị anh coi là không xứng đáng chia sẻ cơm áo với anh. Thiên Chúa đã giải thoát anh khỏi mọi tội lỗi và mời anh vào bàn tiệc mà anh đã không tỏ ra nhân từ hơn chút nào"

b) Rõ ràng một tâm hồn và cách sống ích kỷ, thủ đắc cá nhân, không chịu chia sớt những gì mình có cho kẻ túng thiếu hơn mình, không phù hợp với Thánh Thể là lễ vật tự hiến của một Tình Yêu cho đi, không biết tính toán thiệt hơn.

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể, chúng con cảm tạ Chúa đã ban chính Thịt Máu Chúa cho chúng con. Xin giúp chúng con nhận ra Tình Yêu và Quyền Năng của Chúa. Xin Chúa liên kết chúng con với các chi thể khác thành một Tấm Bánh và một Chén Rượu của Chúa. Chúng con ước ao trở thành những mẩu bánh nhỏ được ăn, những ly rượu ngon được uống, để được giống như chính Chúa và để người khác được no say và hạnh phúc trường sinh. Amen.

Giê-rô-ni-mô NGUYỄN VĂN NỘI

CHỨNG TỪ:

CUỘC XUẤT HÀNH MỚI, THIÊN CHÚA ÐƯA CHÚNG TÔI LẠI VỚI NHAU

Giết người, hãm hiệp, nạn mãi dâm, nghiện ngập ma túy cần xa, lạm dụng tính dục, bạo loạn trong gia đình, nghèo đói và bệnh ung thư. Trên đây là những tâm tình và câu truyện mà các người tham dự khóa học Giáo Lý người lớn đã kể lại cho nhóm trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh năm nay, khi chúng tôi đang sửa soạn cho ngày Chúa Phục Sinh. Và khi họ mang tâm sự này tới với nhóm tức là họ cũng muốn mang những mẫu truyện này cho Chúa, và Chúa - qua chúng tôi - đang ấp ủ mỗi người một cách thân thiết gần kề trên con đường tái sinh của họ vào ngày Chúa Phục Sinh.

Có khoảng 12 người trong nhóm chúng tôi từ các xứ đạo khác nhau, người gốc Phi châu, người gốc Âu, người gốc Á, tuổi từ 23 tới 99, họ tụ họp nhau lại để tìm hiểu về ý kghĩa Khai Tâm Ki-tô Giáo ( RCIA - Nhập Ðạo ) là như thế nào. Một số biết rõ rằng họ muốn trở thành người Công Giáo, số khác còn nhiều vấn nạn cần phải hỏi trước khi họ dấn thân trên bước đường mới này.Một vài người muốn biết cách lần chuỗi Môi Khôi (lần hạt) ra sao, số khác cảm thấy như mình đang muốn ca vang bài ca Ha-lê-lui-a vui mừng lên tuốt tận trời cao, cũng có những người khác nhận là mình còn muốn thực hành Thiền Phật Giáo "bên lề" khi vào Ðạo, và họ tự hỏi không biết là vào đạo như vậy có phải bỏ thói quen này hay không ?

Lập tức tôi thấy mình ngập lụt trong một nhóm mà có nhiều dị biệt như vậy. Tôi tự hỏi: Làm thế nào mà tạo thành một cộng đoàn khi mà chúng tôi quá khác lạ như thế để rối có thể sống Ðức Tin giữa chúng tôi ? Chúng tôi có thể làm cuộc hành trình cùng nhau tiến về Phục Sinh được không ? Chúng tôi sẽ thành một nhóm nòng vốt khắng khít hay là lại là một nhóm có khoảng cách và mỗi người một nẻo ? Trước đây khi chúng tôi bắt đầu đến với nhau, tôi tự thú một cách khiêm nhường rằng, nếu tùy thuộc vào tiôi thì tôi thấy không bao giờ chúng tôi có thể thành một cộng đoàn thực sự được.

Thế nhưng hình như ý Chúa đã sẵn có chương trình là chính chúng tôi sẽ trở thành một cộng đoàn sống động. Và đến khi một bà cụ già ngồi xe lăn phát biểu vào một ngày mấy tuần trước đây làm tôi rất bỡ ngỡ là: "Ðây thực sự là một nhóm người tuyệt hảo mà tôi chưa từng thấy - tuyệt hảo hơn cả nhóm các bà ngoại bà nội chống lại ma túy mà tôi đã từng tham dự". Tôi biết ngay là Chúa đã thực hiện việc là lùng nơi chúng tôi.

Trong một buổi học đầu vào tháng 09/2001 vừa qua, lúc đó chúng tôi rất lịch thiệp nhưng không đồng đều chia sẻ cảm nghiệm. Thế rồi một tuần khác khi chúng tôi suy niệm và chia sẻ về câu truyện Phúc âm của Thánh Lu-ca về Người Sa-ma-ri nhân hậu, một người tham dự đã cảm động bật khóc. Người đó nói: "Tuần này tôi hết tiền xài và tôi không thể mua đồ ăn cho con tôi. Tôi đến hai nơi phân phát đồ ăn từ thiện nhưng người ta từ chối tôi vì tôi không thuộc về địa phương đó. Nhưng người phân phát đồ ăn ở nơi thứ ba đứng thật là người Sa-ma-ri nhân lành". Sau khi bà ta phát biểu thì là giây phút yên lặng linh thiêng. Khi cuộc họp kết thúc, tôi quan sát thấy một người khác đã dí vào tay bà 20 USD, tôi biết rằng cuộc Xuất Hành của chúng tôi đã thực sự bắt đầu.

Vài tuần sau đó, một người trong nhóm dạy Giáo Lý chúng tôi say sưa diễn giải về Ðức Tin Công Giáo và về Chúa. Chị chia sẻ một cách hăng say, chị nói tính dục là một cái gì thánh thiện, vì thân xác chúng ta là đền thờ của Chúa Thánh Thần và bởi vì Ngài tỏ hiện trong chúng ta và qua thân xác chúng ta. Sau đó một tuần lại có một tham dự viên đến với tôi và cho tôi biết rằng chị ta rất cảm xúc bởi bài trình bày tuần vừa qua, bởi vì chị ta khi còn bé đã bị cha của mình vi phạm tính dục, rồi về sau lại bị người thân quen hãm hiệp, và chị nói bài chia sẻ đó đã cho chị thấy được bàn tay chữa lành của Chúa lần đầu tiên đã động đến chị trong suốt 20 năm qua.

Chị nói rằng chị đã từng muốn tin rằng việc tính dục của chị là một ân huệ, nhưng chị chưa bao giờ từng học biết để kính trọng thân xác và yêu mến chị, sau khi chị trở thành nạn nhân của tình dục cả. Khi đến với tôi, chị nói là chị cảm nhận được ý nghĩa là Chúa cùng chia sẻ miềm đau và thương tâm với chị vì chị bị hãm hiệp. Và chị muốn nghe nhiều hơn về Thiên Chúa vì Ngài muốn chị được chữa lành và trở thành người hoàn toàn trở lại. Từ tuần đó, chị cảm nghiệm được sự chữa lành vô biên vì biết rằng Chúa hằng ở với chị và chị nhìn lại quá khứ trong tinh thần cầu nguyện.

Trong một buổi học khác, một diễn giả nói rằng 20 năm trước đây. Ông đã trải qua một giai đoạn rất là giận dữ tức tối với Chúa. Có một người phụ nữ trong nhóm phát biểu là bà ta cảm nghiệm được kinh nghiệm của ông ta, vì tuần trước đây cháu của bà đã bị chết vì chứng bệnh ung thư. Diễn giả vừa nói xong và rời khỏi thì chị nhìn chung quanh và la lên: "Tôi quá giận đi, tôi giận Chúa quá  ! Tôi đã sống quá nửa đời người nghiện ngập trên vỉa hè đường phố và 10 nay năm tôi đã cai nghiện. Vừa mới đây thì tôi mới bắt đầu sống lại và cảm thấy vui đời. Nhưng sao Chúa lại để cho tôi như thế ? Chị đã gầm lên như đứa trẻ thơ trên lòng mẹ, thất vọng và sụt xùi trong niềm cay nghiệt. Thấy thế chúng tôi vây chị vào giữa vòng tròn, mọi người đặt tay trên chị và cầu nguyện, mọi người nhẹ nhàng với tâm tình kính trọng an ủi chị.

Nếu trong những tháng vừa qua tôi rất đỗi ngạc nhiên vì mức độ đau khổ và những kinh nghiệm thương tâm mà những người trong nhóm đã chia sẻ cho nhau, thì tôi còn ngạc nhiên hơn bởi vì sự chia sẻ không chỉ ngưng tại đó. Mặc dầu chúng tôi có những khó khăn, và có thể bởi vì nhựng khó khăn khăn này mà nhóm đã cảm nhận được lòng nhân lành và trung tín của Ngài trong cuộc sống của họ. Những mẫu truyện về bạo động thương tích, truyện về thiếu thốn túng quẫn và về nghiện ngập, các cuộc chia sẻ luôn luôn tiếp tục với niềm ngỡ ngàng kỳ diệu là bàn tay Thiên Chúa vẫn còn tiếp tục hành động ngày nay, tháng này, tuần này, ngày này.

Thực vậy, người đàn bà cần của ăn cho con cái đã được Chúa ban cho, nạn nhân tính dục đã được giải thoát và cảm thấy tự do, tình yêu và tha thứ, người bệnh ung thư đã được chăm sức khi đau ốm... Nhóm 12 người dù là khác biệt xa vời, nhưng chúng tôi đã lớn lên trong tình yêu và một cách sâu xa quan tâm cho nhau.

Khi tôi mường tượng ra nhóm chúng tôi làm cuộc hành trình Xuất Hành ra khỏi Ai-cập, tôi nhớ tới lời Chúa nói cho ông Mô-sê trong hành trình dáng dáng của dân Ít-ra-en qua sa mạc như sau: "Ta sẽ thực thi những kỳ diệu mà chưa từng bao giờ thể hiện trên mặt đất hay tại bất cứ dân nước nào; và tất cả các dân tộc mà các người chung sống với sẽ nhận biết ra kỳ công của Thiên Chúa; vì chính đây là điều kinh thiên động địa mà Ta sẽ thực thi với các ngươi" ( x. Xh 34, 10 ).

Nếu đây là một sa mạc thì tôi không còn chần chừ gì nữa mà hối hả vượt qua vào Ðất Hứa.

Bài viết của ANN NAFFZIGER, trích từ National Reporter ngày 10.5.2002, Thiên-Ân, VietCatholic

CHIA SẺ:

KHÔNG CHỈ BẰNG CƠM BÁNH...

Ethiopia đã trải qua một nạn đói kinh khủng trong những năm 1984 - 1986. Hồng Y Hume của Giáo Phận Westminter kể lại một tình tiết đã xảy ra khi ngài viếng thăm đất nước này giữa nạn đói những năm ấy. Một trong những nơi ngài đã viếng thăm là một khu định cư nằm trên những ngọn đồi nơi mà cư dân đang chờ lương thực tiếp tế nhưng không thể nào tới được. Một chiếc trực thăng đã đưa ngài đến đó.

Khi ngài vừa bước xuống trực thăng thì có một cậu bé độ mười tuổi, chạy đến và nắm tay ngài. Cậu bé chẳng mặc gì cả ngoại trừ đóng một chiếc khố. Cậu bé không rời vị Hồng Y nửa bước và không chịu bỏ tay ngài ra từ lúc ngài đến nơi này. Khi mọi người đi dạo quanh thì thằng bé đã làm hai cử chỉ : một tay nó chỉ vào miệng của nó, còn tay kia nó nắm lấy tay của vị Hồng Y và xoa trên gò má của nó.

Sau đó vị Hồng Y nói tiếp: "Ðây là một cậu bé mồ côi bị lạc và bị đói. Song qua hai cử chỉ đơn giản, cậu bé đã biểu lộ hai nhu cầu hay hai ước muốn căn bản của chúng ta. Với một cử chỉ, cậu bé chứng tỏ cho tôi biết nó đang đói cần ăn uống, và cử chỉ kia bày tỏ ước muốn được yêu thương. Tôi không bao giờ quên tình tiết này, và đến ngày hôm nay, tôi không biết cậu bé đó có còn sống hay không nữa. Tôi nhớ rằng khi tôi bước lên phi cơ, cậu bé đứng đó và nhìn theo tôi một cách hờn giỗi".

Một người nào đó đã từng nói: tiền là một loại giấy thông hành có thể giúp ta đi khắp nơi trừ Thiên Ðàng. Tiền có thể giúp ta mua được mọi thứ, trừ hạnh phúc... Và Chúa Giê-su cũng đã từng dạy ta rằng người ta sống không chỉ bằng cơm bánh nhưng còn bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra ( x. Mt 4, 1 - 11 ). Không phải chỉ có tiền, có cơm ăn áo mặc là chúng ta có đủ hạnh phúc, chúng ta còn cần một thứ khác đáng quí hơn: tình yêu – hạnh phúc.

Dĩ nhiên chúng ta không thể phủ nhận việc cơm áo gạo tiền hàng ngày vì đó là những gì giúp chúng ta phát triển về thể lý. Song chúng ta cũng cần có một tinh thần lành mạnh bên trong - một tinh thần lành mạnh trong thể xác tráng kiện. Ðứa bé mà vị Hồng Y kể trên cũng nhận thức được điều đó. Nó rất đói và cần cái ăn, song nó cũng cần một điều quan trọng khác nữa, một cử chỉ yêu thương.

Lạy Chúa, nhiều lúc con đã đánh mất Chúa khi con chỉ biết chăm lo cái bên ngoài - thứ mà mối mọt có thể đục khoét và dễ dàng tiêu vong. Xin cho con cần biết quan tâm đến một thứ khác quý giá hơn, thứ mà kh6ng ai có thể lấy mất được đó là tình yêu, lòng mến Chúa. Xin cho con có một sự quân bình trong cuộc sống: Lời Chúa và cơm bánh. Ðiều quan trọng là con phải biết nhận ra đâu là lẽ sống của đời con. Amen.

Tu sĩ TRẦN XUÂN SANG, SVD

TÌM HIỂU:

TÔN SÙNG THÁNH TÂM CHÚA GIÊ-SU

Nhân dịp vào tháng 6, tháng Kính Thánh Tâm, người viết xin trình bày đôi điều học hỏi hầu chia sẻ cùng quý giáo hữu về Tôn sùng Thánh Tâm, với lòng khiêm tốn góp phần gia tăng lửa yêu mến Chúa Giê-su trong mỗi người, mỗi gia đình, cũng như mỗi đoàn thể Công Giáo Tiến Hành, đặc biệt xin gởi đến quý vị, quý bạn trong Ðoàn Liên Minh Thánh Tâm.

Bài viết không phải ý kiến hay cảm nghiệm cá nhân mà nội dung căn cứ vào giáo huấn của Giáo Hội được ghi lại trong Giáo Lý Công Giáo hoặc qua các Tông Huấn, Tông Thư của các vị Giáo Hoàng, và được phân tích, giảng giải bởi một số hàng giáo phẩm, chuyên về Thần Học và Thánh Kinh. Quý độc giả có thể tham khảo thêm qua mạng lưới thông tin mang tên "June, the month of Sacred Heart" hay Tháng Sáu, tháng kính Thánh Tâm. 

Trước khi khai triển ý nghĩa "Tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giê-su", chúng ta hãy điểm lại những việc đạo đức chính yếu trong việc tôn thờ Trái Tim Chúa Giê-su.

TÔN THỜ THÁNH TÂM

1. Về Tháng Sáu, tháng kính Thánh Tâm Chúa:

Nhiều tài liệu cho biết Thánh Tâm Chúa Giê-su đã được nói đến từ núi Can-vê khi môn đệ hạ xác Ðức Ki-tô xuống khỏi Thập Giá, tỏ cho thấy vết "giáo đâm vào cạnh sườn Người thâu đến trái tim" mà thánh Gio-an kể rõ "Tức thì máu cùng nước chảy ra" ( Ga 19, 34 ). Nhưng, từ thế kỷ 11 - 12, tôn sùng Thánh Tâm mới được phát triển nhờ các Dòng Tu Biển-đức, Xi-tô. Và, vào thế kỷ 16 - 17, được thịnh hành nhờ các Dòng Phan-sinh, Ða-minh và nhất là Liên Dòng Huynh Ðệ Thánh Tâm. Trong số biết bao vị Thánh nêu gương và cổ võ lòng tôn sùng Thánh Tâm có Thánh Méc-tin-đê, Ger-tru-đê, Ca-ta-ri-na thành Sienna, Lu-y de Blois, Gio-an Avila, Phan-xi-cô de Sales, Phan-xi-cô Borgia, Lu-y Gonzaga. Ðặc biệt thánh nữ Ma-ri-a Mar-ga-ri-ta Alacoque ( 1647 - 1690 ), sốt sắng suy niệm về lòng yêu thương của Chúa, và cổ võ dành cả Tháng Sáu để kính Trái Tim Chúa. Pháp, Ðức, Ba-lan là những nước có phong trào nhiệt thành tôn sùng Thánh Tâm.

2. Lễ kính Thánh Tâm

Lễ được tổ chức lần đầu tiên vào 31.8.1670 tại thành phố Rennes, Pháp, và Ðức Giáo Hoàng Pi-ô IX ( 1846 -1878 ) đã chính thức thiết lập lễ kính Thánh Tâm Chúa Giê-su vào tháng 6-1856, ngày Thứ Sáu sau Lễ Mình Thánh Chúa. Năm nay 2002, Lễ Thánh Tâm Chúa Giê-su, lễ trọng, vào Thứ Sáu 7-6 và cũng là Thứ Sáu đầu tháng.

3. Thứ Sáu đầu tháng:

Thánh nữ Mar-ga-ri-ta Ma-ri-a Alacoque ( 1647 - 1690 ) là vị tông đồ sốt sắng tuyên rao lòng tôn sùng và phạt tạ Thánh Tâm để đền tội loài người hững hờ hoặc xúc phạm đến Chúa. Bà kêu gọi giáo hữu thực hiện các việc đạo đức, như siêng năng rước lễ, và chầu giờ thánh để tôn sùng và phạt tạ Trái Tim Chúa; cách riêng, hãy sốt sắng xem lễ và rước lễ Thứ Sáu đầu tháng, theo lời Chúa Giê-su đã mặc khải cho Thánh nữ: "Trong niềm thương xót vô biên của Trái Tim Ta, Ta hứa với con rằng tình yêu thương đầy quyền năng của Ta sẽ ban cho những ai rước lễ Thứ Sáu đầu tháng trong chín tháng liên tiếp, được hồng ân thống hối sau cùng; họ sẽ không phải chết trong tình trạng làm mất lòng Ta và được chịu các phép Bí Tích. Thánh Tâm Ta sẽ là nơi trú ẩn an toàn cho họ trong lúc sau hết của cuộc đời họ." ( The First Friday Devotion, p. 2 )

Những việc đạo đức trong ngày Thứ Sáu đầu tháng để tôn vinh Thánh Tâm Chúa gồm: Tham dự Thánh Lễ; thờ lạy Bí Tích Thánh Thể; Dâng mình cho Rất Thánh Trái Tim Chúa Giê-su; phạt tạ; Kinh cầu Trái Tim Chúa Giê-su; Bí Tích Hòa Giải.

4. Dâng cả loài người cho Thánh Tâm Chúa Giê-su:

Ðức Giáo Hoàng Lê-ô XIII đã thực hiện vào ngày 11.6.1899, việc hiến dâng được gọi là biến cố vĩ đại trong giáo triều ( 1878 - 1903 ). Ngài đã thi hành theo ý Chúa Giê-su mặc khải cho nữ tu Ma-ri-a Droste ( 1863 - 1899 ) vào năm 1894 và dì phước trình Bề Trên vào tháng 6.1898. Sắc Lệnh Dâng Hiến mở đầu bằng câu được dùng trong "Kinh dâng loài người cho Rất Thánh Trái Tim Chúa Giê-su" mà cả Ðức Gíao Hoàng Pi-ô XI, Gio-an XXIII và Gio-an Phao-lô II đều kêu gọi giáo hữu hãy đọc trong gia đình mỗi tối:

"Lạy Ðức Chúa Giê-su rất dịu ngọt là Ðấng Cứu Chuộc loài người. Xin Chúa đoái nhìn chúng con đang khiêm nhượng sấp mình trước bàn thờ Chúa. Chúng con là người của Chúa, cùng muốn thuộc về Chúa, và để kết hiệp cùng Chúa vững bền hơn, thì hôm nay mỗi người chúng con tự ý dâng mình cho Rất Thánh Trái Tim Chúa. Có nhiều người không hề nhìn biết Chúa, lại nhiều kẻ khinh mạn điều răn Chúa, và khước từ Chúa. Lạy Ðức Chúa Giê-su nhân từ, xin thương xót cả và hai, và đưa dẫn mọi người về cùng Rất Thánh Trái Tim Chúa..." 

5. Tông Thư Haurietis Aquas về "Tôn sùng Thánh Tâm":

Tông Thư được Ðức Giáo Hoàng Pi-ô XII ban hành ngày 15.5.1956, kỷ niệm 100 năm công bố lễ Kính Thánh Tâm Chúa Giê-su ( 1856 ). Văn kiện này được nhiều nhà thần học xem như sách gối đầu của Liên Minh Thánh Tâm. Tháng 6-1999, kỷ niệm 100 năm Ðức Gíao Hoàng Lê-ô dâng cả loài người cho Rất Thánh Trái Tim Chúa Giê-su, Ðức Gio-an Phao-lô II lại long trọng hiến dâng cả nhân loại cho Trái Tim Chúa.

Ý NGHĨA TÔN SÙNG THÁNH TÂM

1. Nền tảng đức tin:

Cha William G. Most, chuyên gia thần học, giảng giải: Tôn sùng Thánh Tâm là một phần của nền tảng đức tin căn cứ vào lòng Chúa yêu thương, được biểu hiện nơi Trái Tim Chúa Giê-su, nhờ đó chúng ta mới hiện hữu và được cứu rỗi. Phát biểu của Ðức Giáo Hoàng Pi-ô XI trong Tông Thư Miserentissimus Redemptor ( Ðấng Cứu Chuộc rất yêu thương ), được Ðức Pi-ô XII trích lại trong Tông Thư Haurietis Aquas: "Phải chăng sự tôn sùng Thánh Tâm tóm lược tất cả đạo giáo của chúng ta và hướng dẫn mọi người đến một cuộc sống hoàn hảo hơn? Ðó là những gì dẫn dắt tâm trí chúng ta hiểu biết Chúa Ki-tô cách mật thiết, làm cho tâm hồn chúng ta yêu mến Chúa cách nhiệt tình hơn và noi gương Ngài cách trọn vẹn hơn." ( HA, 36 )

Tôn thờ Trái Tim là tôn thờ chính Chúa Giê-su, tôn thờ chính Thiên Chúa. Theo Thánh Kinh - Cựu Ước cũng như Tân Ước, trái tim biểu hiệu yêu thương mà "Thiên Chúa là tình yêu" ( 1 Ga 4, 8 ). Trái tim là trung tâm nghị lực tinh thần và tư tưởng, nói thông thường là "lòng người", như câu "Gia-vê đã tìm lấy một kẻ vừa lòng Người" ( 1 Sm 13, 14 ), hoặc "tin hết lòng" ( Cv 8, 37 ), hay "lòng chai dạ đá" ( Mc 10, 5 ), hoặc rõ ràng nhất là lời Chúa Giê-su phán: "Ngươi phải yêu Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi" ( Mt 22, 37 ).  

2. Nền tảng Giáo Lý:

- Trái Tim của Ngôi Lời nhập thể: Theo giáo huấn của Giáo Hội: "Con Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta với trái tim loià người của Ngài. Vì lẽ đó, Trái Tim cực thánh Chúa Giê-su bị đâm thấu qua vì tội lỗi chúng ta và vì ơn cứu độ của chúng ta, được coi là dấu hiệu và biểu tượng tuyệt đỉnh của tình yêu mà Chúa Con dành cho Chúa Cha, và Chúa Cứu Thế dành cho tất cả mọi người, không trừ một ai" ( Giáo Lý, 478 )

- Thánh Tâm và chúng ta: "Trái tim là lòng, tức tâm hồn, trung tâm bí ẩn, lý trí và tha nhân không thể lãnh hội được; chỉ mình Thần Khí Chúa có thể đo và biết được" ( Giáo Lý 2563 ).

Vì thế, sám hối nội tâm phải nhờ ân sủng của Chúa: "Tâm hồn con người nặng nề và chai đá, cần được Thiên Chúa ban kẻ tọi nhân một tâm hồn mới, một trái tim mới. Sự trở lại trước hết là công việc của ân sủng Thiên Chúa lôi kéo tâm hồn ta lại với Ngài" ( Giáo Lý 1432 ).

- Thánh Tâm, Bí Tích và Thánh Lễ: Khi nói đến "máu nước", Th. Gio-an giúp hiểu thêm về bí tích Thánh Thể và Rửa Tội, theo ý nghĩa "nước hóa thành rượu" trong tiệc cưới Ca-na ( Ga 2, 1 - 11 ); hoặc được "vào Nước Thiên Chúa nhờ sinh ra bởi nước và Thần Khí" ( Ga 3, 5 ); hoặc cả 3 Bí Tích Rửa Tội, Thánh Thể và Thêm Sức, khi thánh sử nói đến nguồn mạch Ðức Tin: "Chính Ðức Ki-tô, Con Thiên Chúa, là Ðấng đã đến nhờ nước và máu; không phải chỉ trong nước mà thôi, nhưng trong nước và trong máu. Chính Thần Khí là chứng nhân... Thần Khí, nước và máu, cả ba cùng làm chứng một điều: Thiên Chúa đã ban cho chúng ta sự sống đời đời và sự sống ấy ở trong Con của Người" ( Ga 5, 6 - 1 ).

"Việc tham dự Thánh Lễ đồng hóa chúng ta với Trái Tim Chúa Giê-su, nâng đỡ chúng ta trên đường lữ hành của cuộc đời, khiến chúng ta ước ao sự sống vĩnh cửu, kết hiệp ta với Giáo Hội trên trời, và Mẹ Ma-ri-a cùng các Thánh" ( Giáo Lý 1419 ). Về hồng ân Bí Tích Thánh Thể, Thánh Tô-ma A-qui-nô nói: "Khi rước Mình Máu Chúa vào lòng, thì quyền năng thiêng liêng của Thánh Tâm trở nên của chúng ta, khiến chúng ta nài xin Chúa Giê-su thanh luyện lòng khỏi mọi mưu chước ma quỷ, chấm dứt mọi đam mê xấu xa để mặc lấy bác ái, nhẫn nại, khiêm nhượng, vâng lời, bình an."

- Thánh Tâm và Giáo Hội: Giáo Lý Công Giáo minh định: "Giáo Hội được sinh ra do sự hoàn toàn hiến thân của Chúa Ki-tô cho ơn cứu độ của chúng ta, một sự hiến thân được thực hiện trước trong việc lập phép Thánh Thể và được thực hiện trên Thập Giá." Công Ðồng Vaticano II hướng dẫn: "Sự khởi đầu và tăng trưởng của Giáo Hội được biểu thị bằng nước và máu chảy ra từ cạnh sườn bị mở ra của Chúa Giê-su chịu đóng đinh trên Thập giá" ( Hiến Chế Giáo Hội, Lumen Gentium 3 ). "Từ cạnh sườn Chúa Ki-tô đang thiếp đi trên Thập Giá, bí tích mầu nhiệm của tất cả Giáo Hội được sinh ra" ( Hiến Chế Phung Vụ, SC 5 )

- Tôn sùng đích thực: Từ gương các Thánh và giáo huấn của Giáo Hội, các Ðấng kế vị Tông Ðồ Phêrô, trong số có Ðức Giáo Hoàng Lê-ô XIII, Pi-ô IX, Pi-ô XII, Gio-an XXIII, Phao-lô VI, Gio-an Phao-lô II, đều hướng đến sự tôn sùng Thánh Tâm đích thực dựa vào yêu thương. Nhận biết cách thấu đáo "lòng Chúa yêu thương loài người""chúng ta phải yêu mến Chúa, yêu thương tha nhân như Chúa dạy." Tôn sùng Thánh Tâm là hiến dâng và phát tạ, như lời Ðức Lê-ô XIII nhắc bảo: "Tận hiến là nhận biết Chúa, Ðấng Tạo Hóa và Cứu Chuộc, có mọi quyền năng trên chúng ta; chúng ta hoàn toàn thuộc về Chúa và nài xin Chúa cho chúng ta dược yêu mến và phụng sự Chúa".

Ðức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II khuyên bảo: "Khi làm việc đạo đức kính Thánh Tâm hãy dùng Kinh Cầu Rất Thánh Trái Tim Ðức Chúa Giê-su để nhờ đó suy gẫm và theo gương Ðức Ki-tô, hầu nên công chính, trọn lành. Xin Thánh Tâm Giê-su thương xót chúng con vì Ngài là "lò hằng cháy lửa kính mến Chúa, mạch thường sinh và căn bổn mọi đức tròn lành, và phần đến vì tội chúng con." ( Huấn Từ tại Ba-lan, 6.6.1999 )

Ks. TRẦN VĂN TRÍ, Hoa Kỳ 6.2002

CẢM NGHIỆM:

DÂNG HIẾN LỄ

Có lần trong một nhóm, gồm toàn những người trẻ, tôi đã đặt câu hỏi cho các bạn: "Trong thánh lễ, lúc nào là lúc cộng đoàn được nghỉ ngơi thoải mái ?" Hầu hết các bạn đều tròn xoe mắt ngạc nhiên nhìn tôi: Dự Thánh Lễ mà có chuyện nghỉ ngơi thoải mái ư ? Nhưng rồi các bạn như hiểu ra trong lời hỏi của tôi có chứa ẩn ý, vài người đứng lên trả lời: "Thưa cha, đó chính là lúc Linh Mục giảng Lễ !" Thói thường, ai cũng nghĩ như thế: Nếu không thích nghe giảng, thì bài giảng là lúc được nghỉ ngơi. Tệ hơn, rất nhiều người còn  bỏ ra khỏi Nhà Thờ khi Linh Mục giảng...

Nhưng có một bạn trả lời: "Ðó chính là lúc dâng lễ vật. Lúc đó Linh Mục nâng dĩa, nâng chén, đọc lâm râm như đọc thần chú, ca đoàn thì hát, chỉ có cộng đoàn là rảnh rỗi nhất, có muốn tham gia cũng không biết tham gia cách nào ?!?" Rồi bạn bông đùa: "Nhưng tiếc là thời gian dâng lễ vật lại ngắn quá !"

Câu trả lời của bạn trẻ này chính là điều mà tôi mong muốn. Quả thật, lúc dâng lễ vật là lúc giáo dân nghỉ ngơi thoải mái nhất ? Là lúc mà chỉ có ca đoàn và Linh Mục chủ tế cử hành ? Tôi không nghĩ thế. Tất cả những ai hiểu biết, chắc cũng sẽ đồng ý với tôi. Vì sao khi dâng lễ vật, ngồi làm thinh mà lại không phải nghỉ ngơi ?

Nhớ lại hành động và lời đọc của Linh Mục chủ tế trong phần Phụng Vụ này, ta sẽ tìm thấy câu trả lời. Cùng với việc nâng dĩa trên đó có bánh, nâng chén trong đó có rượu trên tay mình, Linh Mục đọc: "Lạy Chúa là Chúa Tể càn khôn, chúc tụng Chúa đã rộng ban cho chúng con bánh này là hoa màu ruộng đất ( rượu này là sản phẩm từ cây nho ) và công lao của con người. Xin dâng lên Chúa để bánh ( rượu ) này trở nên bánh trường sinh nuôi dưỡng chúng con ( của uống thiêng liêng cho chúng con )".

Hành động nâng dĩa và chén cùng lúc với lời nguyện ấy có nghĩa là gì, nếu không là hành động dâng hiến bánh rượu cho Chúa ? Nhưng nếu dừng lại ở chỗ chỉ dâng hiến bánh rượu thôi, chưa là điều đáng nói. Bởi xét cho cùng, đó chỉ là một hành vi dâng lễ vật không đáng dâng: một chút rượu trong chén, một tấm bánh mỏng manh trên dĩa: quá tầm thường, quá nhỏ nhoi.

Nhưng đâu phải bất cứ cái gì nhỏ nhoi đều tầm thường ! Hành động dâng hiến bánh rượu là để xin Ơn Thánh Hiến. Dâng lên Chúa bánh rượu nhưng không chỉ là bánh rượu, mà là tất cả sức lao động, là sự oằn nặng, là nỗi nhọc nhằn của một đời người vất vả. Ðâu phải nhỏ nhoi, đâu phải tầm thường. Lời chúc tụng Chúa "đã ban cho chúng con bánh này là hoa màu ruộng đất, rượu này là sản phẩm từ cây nho" phải luôn luôn đi liền với cụm từ: "và công lao của con người".

Sức mạnh của lời chúc tụng, của Ơn Thánh Hiến là ở chỗ đó, hoa màu ruộng đất không phải tự mình sản sinh kết quả. Nó chỉ có thể được sản sinh ra từ công lao của con người. Cho nên trong sự dâng hiến lễ vật, tưởng chừng nhỏ nhoi, tầm thường ấy, ta lại thấy những giọt mồ hôi của bác nông dân, óc sáng tạo của anh kỹ sư, sự miệt mài chế biến thành phẩm của cô công nhân... Ta cũng thấy cả đôi tay chai sần của chính bản thân mình để có của ăn, của mặc. Ta cũng thấy nỗi vất vả của mẹ cha ngày nào tạo cho ta nên vóc, nên hình. Và ta thấy sự sống của cả nhân gian trong lễ vật hiến dâng.

Dâng lên Chúa lễ vật phàm trần, dẫu trước mắt mọi người, chỉ là một chút bánh, một chút rượu, nhẹ tênh trên đôi tay Linh Mục, lại chất chứa cả một khối đời của từng người trong nhân loại. Bởi đó, dâng lên Chúa lễ vật để xin Ơn Thánh Hiến, không chỉ là thánh hiến bánh rượu, nhưng trong sự thánh hiến bánh rượu, để trở nên Mình Máu Chúa Ki-tô, là tất cả cuộc đời của mỗi người, là sự sống của muôn người quanh ta cộng góp vào đó.

Vì thế, hành động và lời chúc tụng của Linh Mục, vô cùng ý nghĩa, rất gần gũi. Nó trở thành một lời cầu nguyện đáng yêu, đáng mến của từng người chúng ta: chúc tụng Chúa đã ban kết quả của ruộng vườn và công lao của con người, để giờ đây hiến dâng lên Chúa, xin Ơn Thánh Hiến trở thành Thánh Thể Chúa Ki-tô, lương thực trường sinh cho ta Sự Sống của chính Thiên Chúa.

Quý giá biết bao nhiêu khi bánh rượu, bé nhỏ vô cùng, lại trở nên Thịt Máu Chúa chúng ta. Quý giá biết bao nhiêu khi hiến tế đời ta, lại được Chúa Ki-tô chấp nhận trong Hiến Tế Cứu Chuộc của Người. Quý giá biết bao nhiêu vì lễ vật phàm trần lại có sức lôi kéo ơn thiêng từ trời và mang lại Ơn Cứu Ðộ đời đời cho tất cả những ai tin mà kết hợp với Chúa Ki-tô trong Bí Tích Thánh Thể. Quý giá biết bao nhiêu vật chất trở nên linh thánh tuyệt vời.

Hiểu được như thế, mỗi một lần dâng Thánh Lễ, bạn và tôi hãy dâng cả cuộc đời của mình, cả niềm đau và nỗi hạnh phúc, cả cái xấu và cái tốt, cả quá khứ đã qua, cả giây phút này, và tương lai phía trước... Dâng tất cả để hy tế cuộc đời ta nên trọn vẹn trong hiến tế cuộc đời Chúa Ki-tô. Hiểu như thế, bạn và tôi sẽ không ai còn nói rằng: "Lúc dâng lễ vật là lúc nghỉ ngơi thoải mái". Hiểu như thế, bạn và tôi sẽ nhận ra rằng, dẫu cho Linh Mục có đọc thầm lời cầu nguyện, dẫu cho ca đoàn cất cao tiếng hát, thì thái độ im lặng của chúng ta lại là một lời cầu nguyện chìm đắm trong sốt mến. Sự thinh lặng của ta là sự Thinh Lặng Thánh: Sự thinh lặng hòa cùng lời cầu nguyện của Linh Mục, sự thinh lặng hiệp cùng ca đoàn cất cao tiếng hát dâng hy tế của Chúa Ki-tô và chính cuộc đời mình.

Cha Francois Varillon đã từng kể rằng: mỗi một lần chuẩn bị dâng Thánh Lễ, nếu có giờ, cha thường cầm trong tay một tấm bánh chưa truyền phép để chiêm ngắm tấm bánh ấy và suy gẫm cầu nguyện. Mỗi lần như thế, cha đều thấy có hình ảnh của những con người trong đó. Trong thinh lặng của cõi lòng, cha cũng ước mơ đừng có ai vì miếng cơm manh áo, vì tấm bánh vật chất này mà trở thành kẻ bị tha hóa, bất chấp lương tri con người, để chỉ lo làm giàu bất chính mà quên mất vận mạng siêu nhiên của mình.

Không phải Linh Mục nào cũng có thể làm được như cha Francois Varillon. Không phải Linh Mục nào cũng có sẵn bánh trên tay để mà chiêm ngắm. Dẫu có, nhưng không phải ai cũng có thời gian đủ để mà thinh lặng. Nếu làm được điều đó là tốt. Chắc chắn Thánh Lễ ta dâng sẽ sốt sắng lắm. Nhưng điều mà mọi người có thể thực hiện là: Hãy phó thác cuộc đời mình cho Chúa, và hãy dâng Thánh Lễ nghiêm túc. Hãy siêng năng rước lấy Mình Thánh Chúa để làm tăng trưởng Sự Sống Thần Linh của mình.

Một lần nữa xin hãy cùng lặp lại lời nguyện của chúng ta: "Chúc tụng Chúa đã rộng ban cho chúng con bánh và rượu là sảm phẩm từ ruộng đất và công lao của con người. Xin dâng lên Chúa để trở thành của ăn, của uống thiêng liêng cho chúng con..."

Lm. NGUYỄN MINH HÙNG

THÔNG TIN:

VỀ MỘT KHOẢN TIỀN ÂN NHÂN MỚI TRỠ GIÚP

- Ông Nguyễn Thanh Quỳnh, Huntington Park, CA 90255, ( Hoa Kỳ ) giúp bệnh nhân nghèo ............................  1.000 USD

VỀ MỘT NGƯỜI GIÀ CẦN MỔ CƯỜM MẮT

Như Gospelnet số 61 đã đưa tin, bà HUỲNH THỊ SÁU, 61 tuổi, ngụ tại 343 / 296 đường Trần Văn Kiểu, phường 7, quận 6, Sài-gòn, bị lòa cả hai mắt do bệnh cườm, đã được Gospelnet giới thiệu đến gặp bác sĩ Nguyễn Chi Lan, bệnh viện Mắt Ðiện Biên Phủ. Chi phí được miễn giảm tối đa, thay vì 2.600.000 VND chỉ còn 1.500.000 VND. Bác sĩ Chi Lan lại nhận lời trích quỹ xã hội giúp 1.000.000 VND.

Ngày thứ hai 13.5.2002, bà đến bệnh viện Mắt để được giải phẫu thì các bác sĩ phát hiện bà còn bị bệnh bướu cổ nên phải đi bệnh viện Nguyễn Trãi xét nghiệm trước khi mổ mắt, sợ bị ảnh hưởng đến tim. Chi phí xét nghiệm hết 115.000 VND. Ngày thứ hai 20.5.2002, sau khi có kết quả chỉ là bướu giáp, bà đã được chính bác sĩ Chi Lan bệnh viện Mắt giải phẫu thành công tốt đẹp.

VỀ CHUYẾN ÐI KHÁM BỆNH - NHỔ RĂNG - PHÁT THUỐC Ở GIÁO XỨ CHÍNH TÂM

Chúa Nhật 26.5.2002, Gospelnet đã tổ chức một đoàn khám bệnh, nhổ răng và phát thuốc về Giáo Xứ Chính Tâm của cha Người Văn Sáng và cha Nguyễn Hữu An phụ trách, tại xã Gia Tân, huyện Ðức Linh, tỉnh Bình Thuận, thuộc Giáo Phận Phan Thiết, cách Sài-gòn 122 km. Ðoàn gồm 12 bác sĩ, 12 nha sĩ, 5 sinh viên trường Ðại Học Nha Khoa, một số là người Công Giáo, một số khác là Phật Giáo và Tin Lành, một y sĩ là Nữ Tu Dòng Nữ Tử Bác Ái, 4 y tá trong đó có 2 Nữ Tu Dòng Saint Paul Sài-gòn, cùng một số anh chị em tình nguyện lo khâu phát thuốc.

Ðoàn đã khám bệnh cho khoảng hơn 1.000 bệnh nhân, nhổ răng cho hơn 200 bệnh nhân, trị giá tiền thuốc phát ra khoảng 8.000.000 VND, và tặng thêm 300 cuốn tập vở 100 trang cho các em nhân ngày Quốc Tế Thiếu Nhi sắp tới. Tiền thuốc và chi phí di chuyển tổng cộng khoảng 10.000.000 VND đều do các bác sĩ Việt Nam ở Paris trong Hội ASSORV trợ giúp. Chúng tôi cũng được cha xứ cho phép dâng Thánh Lễ buổi chiều cho khoảng 1.000 Thiếu Nhi Thánh Thể của Giáo Xứ. Khởi hành buổi sáng tại DCCT Sài-gòn lúc 6 giờ 30, đoàn chúng tôi đã về lại vào lúc 21 giờ cùng ngày.

Gospelnet xin thay mặt Giáo Xứ Chính Tâm bày tỏ lòng biết ơn đến bác sĩ Vũ Bích Ðào cùng các ân nhân trong Hội ASSORV và các bác sĩ và nha sĩ đã tham gia chuyến đi. Cũng xin cám ơn nha sĩ Mai Tấn Phúc ( Giáo Xứ Tân Ðịnh ) tuy không thể đi được nhưng đã hỗ trợ thuốc ngâm dụng cụ, một số lớn thuốc tê ngoại nhập và các phương tiện cần thiết để khám nhổ răng khác.

VỀ "HỌC BỔNG KẺ DỪA" CHO CÁC EM HỌC SINH NGHỆ AN

Cha Gio-an Bao-ti-xi-ta Ðinh Công Ðoàn giới thiệu một danh sách 25 em học sinh nghèo học giỏi, gia đình đều làm nghề nông, cư ngụ tại Giáo Xứ Kẻ Dừa, Giáo Phận Vinh, tỉnh Nghệ An.

01.    Phê-rô PHẠM VĂN VƯỠNG, con ông bà Phê-rô Phạm Văn Ðông, học lớp 11 trường PTTH Bắc Yên Thành.

02.    Ma-ri-a NGUYỄN THỊ THÁI, con ông bà Phê-rô Nguyễn Văn Quỳ, học lớp 11 trường PTTH Lê Doãn Nhã, Yên Thành.

03.    Phê-rô NGUYỄN VĂN NHÀN, con ông bà Phê-rô Nguyễn Văn Thơi, học lớp 11 trường PTTH Lê Doãn Nhã, Yên Thành.

04.    Phê-rô NGUYỄN VĂN TRUYỀN, con ông bà Phê-rô Nguyễn Văn Dũng, học lớp 10 trường PTTH Trần Ðình Phong, Yên Thành.

05.    Phê-rô NGUYỄN VĂN THUẬN, con ông bà Phê-rô Nguyễn Văn Phi, học lớp 10 trường PTTH Trần Ðình Phong, Yên Thành.

06.    An-tôn NGUYỄN QUỐC HƯNG, con ông bà An-tôn Nguyễn Văn, học lớp 10 trường PTTH Trần Ðình Phong, Yên Thành.

07.    Phê-rô PHẠM VĂN THƯƠNG, con ông bà Phê-rô Nguyễn Văn Từ, học lớp 9 trường THCS Thọ Thành.

08.    Phê-rô PHẠM VĂN NGUYÊN, con ông bà Phê-rô Phạm Văn Hành, học lớp 9 trường THCS Thọ Thành.

09.    Tê-rê-xa ÐINH THỊ LỠI, con ông bà Giu-se Ðinh Ngọc Thám, học lớp 9 trường THCS Thọ Thành.

10.    Phê-rô NGUYỄN VĂN PHÙNG, con ông bà Phê-rô Nguyễn Văn Nghị, học lớp 8 trường THCS Thọ Thành.

11.    Giu-se ÐINH NGỌC PHƯỚC, con ông bà Giu-se Ðinh Ngọc Phán, học lớp 7 trường THCS Thọ Thành.

12.    Phê-rô NGUYỄN VĂN NGHIÊM, con ông bà Nguyễn Văn Trân, học lớp 6 trường THCS Thọ Thành.

13.    Ma-ri-a TẠ THỊ HOÀ, con ông bà Phê-rô Tạ Văn Hướng, học lớp 6 trường THCS Thọ Thành.

14.    Phê-rô TẠ THỊ HỒNG, con ông bà Phê-rô Tạ Văn Bình, học lớp 6 trường THCS Thọ Thành.

15.    Phê-rô NGUYỄN VĂN THĂNG, con ông bà Phê-rô Nguyễn Văn Huấn , lớp 6 trường THCS Thọ Thành.

16.    Phê-rô NGUYỄN VĂN ÐẠT, con ông bà Nguyễn Văn Ðịnh, học lớp 5 trường Tiểu học Thọ Thành.

17.    Ma-ri-a NGUYỄN THỊ MAI, con ông bà Nguyễn Văn Ðại, học lớp 5 trường Tiểu học Thọ Thành.

18.    Ma-ri-a NGUYỄN THỊ THỨC, con ông bà Phê-rô Nguyễn Văn Quế, lớp 5 trường Tiểu học Thọ Thành.

19.    Ma-ri-a NGUYỄN THỊ HUỆ, con ông bà Phê-rô Nguyễn Văn Tuyết, lớp 5 trường Tiểu học Thọ Thành.

20.    Ma-ri-a NGUYỄN THỊ HOÀN, con ông bà Phê-rô Nguyễn Thị Song, học lớp 4 trường Tiểu học Thọ Thành.

21.    Phê-rô PHẠM VĂN LỆ, con ông bà Phạm Văn Phú, học lớp 3 trường Tiểu học Thọ Thành.

22.    Phê-rô TẠ VĂN SINH, con ông bà Phê-rô Tạ Văn Ðề, học lớp 3 trường Tiểu học Thọ Thành.

23.    Phê-rô TRẦN ÐÌNH HÙNG, con ông bà Phê-rô Trần Ðình Miên, học lớp 2 trường Tiểu học Thọ Thành.

24.    Ma-ri-a NGUYỄN THỊ CÔNG, con ông bà Phê-rô Nguyễn Văn Cần, học lớp 2 trường Tiểu học Thọ Thành.

25.    Phê-rô NGUYỄN VĂN ÐÀM, con ông bà Phê-rô Nguyễn Văn Mãn, học lớp 2 trường Tiểu học Thọ Thành.

Cha Ðinh Công Ðoàn cũng giới thiệu 2 trường hợp người tàn tật, già cả neo đơn trong Giáo Xứ Kẻ Dừa, cần được trợ giúp: Ông Phan-xi-cô Sa-lê-di-ô Ngô Tiến Tài, 45 tuổi, thuộc xã Lăng Thành, huyện Yên Thành, bị bệnh tắc động mạch, phải cưa cả 2 chân, gia đình rất đói khổ. Ông Phê-rô Nguyễn Văn Tín, 73 tuổi, già yếu lại bị còng lưng, quá nghèo.

Gospelnet xin mở ra chương trình học bổng mang tên "HỌC BỔNG KẺ DỪA", trước mắt, xin trích quỹ trợ giúp 25 em trên đây trong tháng 5 là tháng cuối của năm học này, mỗi em 50.000 VND. Tổng cộng: 1.250.000 VND. Rất mong quý độc giả gần xa, nhất là những vị đồng hương Giáo Phận Vinh, hưởng ứng học bổng này để trợ giúp lâu dài cho các em kể từ tháng 9 năm 2002.

Riêng với 2 trường hợp ngặt nghèo nêu ở trên, Gospelnet xin trợ giúp mỗi gia đình số tiền là 400.000 VND. Tổng cộng: 800.000 VND. Như vậy, chúng tôi sẽ tìm cách tốt nhất và sớm nhất để gửi số tiền 2.050.000 VND về tận tay cha Ðinh Công Ðoàn để ngài phân phối.


VỀ MỘT GIA ÐÌNH NGHÈO VÀ BỆNH TẬT

Như đã thông tin trên Gospelnet 63, bà VÕ THỊ KIM HOA, 63 tuổi, bị bệnh đau khớp xương hông và đau mắt ( đã mổ một bên mắt ) và người con trai duy nhất là anh NGUYỄN PHƯỚC TIẾN, 30 tuổi, bị bệnh viêm xoang và thần kinh đã được Gospelnet giới thiệu đến khám ở bác sĩ Hoàng Ðức Quyền, Phòng Khám Ða Khoa quận Phú Nhuận. Sau một tuần uống thuốc, căn bệnh có phần thuyên giảm. Sáng thứ ba 27.5, hai mẹ con đã được bác sĩ Quyền tái khám và kê toa. Gospelnet đã trợ giúp thêm 200.000 VND mua thuốc và lo sinh kế.

VỀ MỘT BỆNH NHÂN NGHÈO Ở BẢO LỘC CẦN MỔ TIM

Cha Nguyễn Ðức Mừng, DCCT, phục vụ tại cộng đoàn Lộc Tân, Bảo Lộc, giới thiệu trường hợp chị NGUYỄN THỊ THẮM, sinh 1963, ngụ tại số 303 / 2 Khu Phố 4, Phường Lộc Tiến, Thị Xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Ðồng. Chồng là anh Phạm Văn Thịnh đi làm thuê thu nhập chỉ được 30.000 VND / ngày để nuôi 4 đứa con nhỏ. Nay chị Thắm bị bệnh đau tim, phải mổ thay van với chi phí được báo là 2.711 USD. Gia đình nghèo không thể lo được số tiền khổng lồ này. Gospelnet xin trích quỹ trợ giúp 500.000 VND để chị Thắm tạm thời lo thuốc thang và bồi dưỡng trong khi chờ đợi được mổ, đồng thời Gospelnet cũng xin mở ra Quỹ Mổ Tim cho chị Nguyễn Thị Thắm, rất mong quý ân nhân gần xa chia sẻ trợ giúp chị, mặt khác chúng tôi cũng cố gắng vận động Viện Tim cho chị được miễn giảm đặc biệt theo diện nghèo.

VỀ GIA ÐÌNH TÌNH THƯƠNG STEPHAN Ở PHÚ NHUẬN

Như Gospelnet số 63 đã thông tin, chúng tôi nhận được 500 USD của cha Phạm Quang Hậu, DCCT Houston, Texas, và quý ân nhân trong Nhóm Tình Thương ( The Abandoned Little Angels ) với ý chỉ tặng cho các em mồ côi khuyết tật. Chúng tôi đã đến số nhà 469 / 17 C đường Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, thăm GIA ÐÌNH TÌNH THƯƠNG STEPHAN theo sự giới thiệu của một độc giả Việt Nam tại Hà-lan và gặp được thầy Hoàng Văn Bình, một cựu chủng sinh của Giáo Phận Kontum. Từ 17 năm qua, trải bao khó khăn trong ngoài, thầy Bình đã và đang nuôi dạy rất chu đáo cả về tinh thần lẫn vật chất cho 40 em mồ côi bại não và khuyết tật, trong đó có một em hiện đã là sinh viên đại học. Thầy Bình đã gửi thư tri ân về số tiền 500 USD trợ giúp của Nhóm Tình Thương. Gospelnet cũng đã làm giấy biên nhận ( Report upon Receipt of Donation ) cho Nhóm Tình Thương.