GOSPELNET
 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


CHÚA NHẬT 8 A THƯỜNG NIÊN - LỄ CHÚA BA NGÔI

TIN MỪNG: Ga 3, 16 - 18

Khi ấy, Ðức Giê-su nói cùng ông Ni-cô-đê-mô rằng: "...Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa...."

SUY NIỆM 1:

CHÚA CHA, CHÚA CON VÀ CHÚA THÁNH THẦN

Giáo Hội vừa hân hoan mừng các đại lễ Phục Sinh, Thăng Thiên và Hiện Xuống. Tất cả những lễ này diễn tả lại chặng đường xuyên suốt của Chúa Giê-su Ki-tô trong lịch sử cứu rỗi nhân loại. Những biến cố chịu nạn, sống lại, lên trời và ban Thánh Thần làm nổi bật sự kiện duy nhất của Chúa Ki-tô: qua Thập Giá mới tới vinh quang. Chúa Giê-su đã kinh qua con đường khổ nạn theo ý Chúa Cha để rồi khải hoàn vinh quang trên nước trời, ngự bên hữu Cha của Ngài. Hôm nay, Giáo Hội lại cho toàn thể dân Chúa chiêm ngắm Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi như niềm tin lớn lao, niềm yêu thương sâu xa, thăm thẳm vì Chúa đã sống trong sự duy nhất: "Cha, Con và Thánh Thần".

Trong niềm tin, cậy, mến, mỗi người chúng ta hãy biểu tỏ sự gắn bó của ta như dấu chứng chắc chắn của người Ki-tô hữu qua dấu Thánh Giá: "Nhân danh Chúa Cha, nhân danh Chúa Con và nhân danh Chúa Thánh Thần".

I. CHÚA GIÊ-SU MẶC KHẢI VỀ CHA CHO NHÂN LOẠI:

"Thiên Chúa là tình yêu" ( 1 Ga 4, 8 ). Trước hết Chúa Giê-su cho ta biết Thiên Chúa của Ðức Giê-su là Chúa Cha. Là Cha, Thiên Chúa hiểu thấu mọi nhu cầu của con người, Ngài lo lắng cho con người mọi sự, Ngài quan phòng con người. Từ sợi tóc trên đầu, từ nhu cầu ăn uống, ngủ nghỉ đến sự kín ẩn của tâm hồn, Thiên Chúa đều biết và lo lắng cho con người. Hình ảnh của Chúa Cha là hình ảnh của người Cha tốt lành, thánh thiện, đầy xót thương. Dụ ngôn về đứa con hoang đàng cho thấy Chúa Cha là Ðấng Tốt Lành, thánh thiện biết chừng nào ! Ðể tóm tắt mọi nét về Chúa Cha, Chúa Giê-su đã nói: "Chúa Cha là Cha chúng ta". Ngài nói khi cầu nguyện, hãy thưa: "Lạy Cha chúng tôi, Ðấng ngự trên trời, ước gì danh Cha hiển thánh" ( Mt 6, 7 - 14 ). Như thế, lời rao giảng về Chúa Cha của Chúa Giê-su luôn luôn được vang lên trong Tin Mừng.

Tuy nhiên, Chúa Giê-su không chỉ rao giảng về mình Chúa Cha mà thôi, nhưng Ngài còn xác nhận Ngài là Thiên Chúa, trong Thiên Chúa, Ngài là Con. Sự liên hệ giữa Ngài và Cha Ngài có ý nghĩa khác với ta. Ngài nói với chúng ta: "Cha các ngươi", nhưng về Ngài, Ngài minh định "Cha Ta". Ngài cư xử với Cha Ngài các rất hiếu thảo: "Không làm theo ý Ta mà là theo ý Cha" ( Ga 6, 38 ). Trong lời nguyện tế hiến, Ngài nói: "Cha ở trong Con và Con ở trong Cha" ( Ga 17, 21 ) và "Chúng Ta là một" ( Ga 17, 22 ).

Ðức Giê-su Ki-tô tuy sống cách rất hiếu thảo với Cha, nhưng Ngài cũng rất thần thiêng và tràn đầy thần khí của Cha. Chúa Giê-su luôn tràn đầy Thánh Thần, Thần Khí của Cha ở trong Chúa Giê-su và làm cho Ngài đầy đủ mọi sự để hoàn thành đầy đủ ý định của Chúa Cha: "Thần khí sự thật tự Cha xuất ra" ( Ga 15, 26 ). Thánh Thần là sự kết hợp tình yêu giữa Cha và Con. Nói cách nào đó, chính Ðức Giê-su đã dùng cuộc sống và lời nói mặc khải Thiên Chúa Cha. Ðồng thời, Ngài cũng tự mặc khải là Con bình đẳng với Cha và Thiên Chúa cũng là Thánh Thần, Ngài đến để thông truyền cho ta về Ba Ngôi. Vậy, Thiên Chúa của Ðức Giê-su Ki-tô là Cha, là Con và là Thánh Thần.

II. MẦU NHIỆM CHÚA BA NGÔI GIÚP GÌ CHO TA ?

Khi tin Chúa Giê-su là Ðường, tức ta tin vào Chúa Ba Ngôi, tự vì Ðường dẫn tới Thiên Chúa Ba Ngôi. Nhưng làm sao để ta có thể hiểu phần nào về Chúa Ba Ngôi. Ta có thể lấy hình ảnh gia đình để diễn tả phần nào về Chúa Ba Ngôi. Sự duy nhất giữa Chúa Cha và Chúa Con diễn tả tình yêu hỗ tương trong Thánh Thần, có thể so sánh với sự duy nhất của vợ chồng, diễn tả tình yêu nơi đứa con. Hay hình ảnh cộng đoàn xã hội do con người lập ra đều hướng về một sự duy nhất của Chúa Ba Ngôi, như lời của chính Ðức Giê-su xác nhận: "Ðể hết thảy chúng nên một... Lạy Cha, như chúng Ta là một. Ðể chúng nên một" ( Ga 17, 21 - 22 ).

Ðọc các bài Sách Thánh hôm nay, ta hiểu được rằng trong thời xuất hành, Thiên Chúa đã thương nhân loại, đặc biệt dân Israen qua Mô-sê, mặc dù dân luôn phản bội, đúc bò vàng, thờ ngẫu tượng. Thiên Chúa hay ghen, nhưng cũng đầy tình xót thương, bao dung, tha thứ và hết mực yêu thương những người tội lỗi. Ngài đã hứa thực hiện kế hoạch cứu rỗi nhân loại, đưa nhân loại, giải thoát nhân loại ra khỏi vòng nô lệ, u mê, tội lỗi. Ngài thánh thiện, công minh, nhưng vẫn một mực yêu thương Ít-ra-en tội lỗi. Lời hứa của Thiên Chúa chỉ được thực hiện trong thời Tân Ước khi Ni-cô-đê-mô tới gặp Chúa Giê-su trong đêm, chính Chúa Giê-su đã vén lộ cho ông luật sĩ này thấy: "Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con một của Người, để tất cả những ai tin vào Con của Ngài, thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời..." ( Ga 3, 16 ).

Ðây là một mặc khải rất đặc biệt, vì chính Chúa Giê-su đã tỏ lộ cho Ni-cô-đê-mô cũng như nhân loại có thể hiểu được mối tương quan giữa Chúa Giê-su và Cha của Ngài. Nơi chính Chúa Giê-su đã có Cha: "Cha và Con là một". Hiểu được mối tương quan Cha Con như thế, ta đồng ý với thánh Phao-lô dùng lời để khuyên nhủ các tín hữu của Ngài.

Ơn đầu tiên thánh Phao-lô nhận được trên đường Ða-mát là được thấy và được đầy tràn Thánh Thần của Chúa. Trước kia Phao-lô chỉ mới hiểu được Cựu Ước và nghiệm ra thần khí đã được đổ xuống trên Mô-sê và các ngôn sứ. Nhưng, bản thân của Ngài chưa cảm nghiệm được về Chúa Thánh Thần. Nên, khi Anania đặt tay trên Phao-lô, Phao-lô đã được tràn đầy Thánh Thần và ôâng đã bắt đầu rao giảng công khai về Chúa Giê-su, về mối tương quan giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Chính trong mối tương quan ấy, mọi người đã được cứu độ. Hoa quả của Thánh Thần là mến yêu, vui mừng, bình an, bao dung, huệ ái.

Hiểu thế, ta mới thấy lời của thánh Phao-lô kết thúc trong thư thứ hai gửi tín hữu Cô-rin-tô đoạn 13, câu 11 tới 13 quả có liên quan mật thiết với sự mặc khải của Chúa Giê-su về Chúa Ba Ngôi: "Nguyện xin ân sủng Ðức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, và tình yêu của Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh em". Chúa Giê-su không nói đến Chúa Cha trước nhưng nòi đến chính Ngài vì nơi bản tính Ngài đã có Chúa Cha rồi. Ơn thông hiệp mà thánh Phao-lô nguyện xin cho mọi người là để mọi người được mọi ân sủng phong phú của Chúa Thánh Thần khiến mọi người được kết hiệp trong Ba Ngôi duy nhất. "Thiên Chúa là tình yêu" ( 1 Ga 4, 8 ). Là tình yêu, Chúa Cha yêu thương Chúa Con sinh ra Chúa Thánh Thần để ta được sống trong yêu thương.

Trong mầu nhiệm Ba Ngôi duy nhất: Thiên Chúa là Lòng Mến. Mọi Ki-tô hữu đều được mời gọi sống trong nguồn mặch của Chúa Ba Ngôi. Ước gì mỗi lần làm dấu Thánh Giá: "Nhân danh Chúa Cha, nhân danh Chúa Con và nhân danh Chúa Thánh Thần", mọi người sẽ hiểu rõ Chúa Ba Ngôi đã ở trong mọi người.

Xin Chúa Giê-su, Mẹ Ma-ri-a và thánh cả Giu-se giúp mỗi người chúng ta biết chiêm ngắm mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi trong tình yêu của Chúa để tất cả nên một như Cha ở trong Con và Con trong Cha. Amen.

Lm. Giu-se NGUYỄN HƯNG LỠI, DCCT, Fyan - Lâm Ðồng

SUY NIỆM 2:

CỘNG ÐOÀN HIỆP THÔNG TRONG CHÚA BA NGÔI

1. "Ðạo Chúa là Ðạo mặc khải"

Trong thế giới có nhiều tôn giáo. Mỗi tôn giáo là một ước vọng và đồng thời là một nỗ lực của con người tìm gặp Thượng Ðế, vị thần linh siêu việt mà trí khôn con người có thể khám phá ra được, khi nhìn vào vũ trụ vạn vật và suy gẫm về nó. Trong các tôn giáo ít nhiều đều có ánh sáng của Chúa Thánh Linh, và đều chứa đựng một phần chân lý về Thiên Chúa, về con người và về vạn vật. Vì thế mà tôn giáo chân chính nào cũng có thể dẫn con người đến cùng Thiên Chúa và đem đến cho họ hạnh phúc đích thực.

Trong các tôn giáo thì Ki-tô giáo không chỉ là một tôn giáo của con người mà còn là và nhất là một Ðạo mặc khải, một tôn giáo được chính Thiên Chúa tỏ mình ra. Ngoài từ "mặc khải", người ta còn quen dùng từ "mạc khải", theo nguyên ngữ, nghĩa là kéo, là vén bức màn chắn ngang giữa khán giả và sân khấu để khán giả nhìn thấy sân khấu và các diễn viên diễn xuất trên sân khấu ấy. Mặc khải theo nghĩa tôn giáo là vén bức màn che chắn giữa Thiên Chúa và con người để con người nhìn thấy bí mật của Thiên Chúa. Người vén bức màn bí mật ấy chỉ có thể là chính Thiên Chúa mà thôi, vì bí mật Thiên Chúa là thuộc về Thiên Chúa và việc bộc lộ bí mật ấy cho con người cũng hoàn toàn do thiện ý của Thiên Chúa.

Loài người không có quyền gì mà đòi hỏi và tự sức mình hay có cố gắng mấy đi nữa con người cũng không có khả năng khám phá ra hay lọt vào thế giới bí nhiệm ấy của Thiên Chúa. Chỉ có Con Một Thiên Chúa từ Trời đến mới có khả năng vén bức màn bí mật và dẫn đưa chúng ta vào trong thế giới huyền bí của Thiên Chúa mà thôi !

Thật vậy, thời Cựu Ước, Thiên Chúa đã tỏ mình ra cho ông Áp-ra-ham, là người mà Thiên Chúa đã chọn để khai sinh một dân tộc mới, dân Ít-ra-en làm dân riêng của Chúa. Rồi Thiên Chúa lại đã tỏ mình ra cho ông Mô-sê là vị lãnh tụ của dân Ít-ra-en, đã được chọn để thực hiện sứ mạng cứu dân ra khỏi cảnh nô lệ Ai-cập. Thiên Chúa tự mặc khải mình cho ông Mô-sê là "ÐỨC CHÚA ! ÐỨC CHÚA ! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giầu nhân nghĩa và thành tín... "

Mặc khải ấy được tiếp tục và hoàn chỉnh trong thời Tân Ước, nơi Ðức Giê-su, Con Một Thiên Chúa nhập thể làm người: "Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ"

Trọng tâm của mặc khải là Lòng Yêu Thương khôn lường của Thiên Chúa đối với nhân loại cứng đầu cứng cổ và bất tín bất trung. Vì yêu thương con người vô bờ bến, nên Thiên Chúa chẳng những không oán giận tội lỗi, thiếu sót của loài người mà còn muốn cho mọi người được sống hạnh phúc, sống muôn đời !

Chúng ta chỉ có thể hiểu một phần nào và đón nhận mặc khải của Thiên Chúa khi được Thánh Thần Thiên Chúa soi sáng, hướng dẫn và tác động.

2. Tin Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta phải thực hiện những điều mà Lời Chúa gợi ý, mời gọi trong ba bài đọc của Phụng vụ hôm nay:

2.1 Việc đầu tiên chúng ta phải làm là bắt chước thái độ và tâm tình của Mô-sê khi ông phủ phục mà ca tụng ngợi khen Thiên Chúa khi ông đón nhận mặc khải của Thiên Chúa. Chúng ta hãy không ngừng dâng lên Thiên Chúa lời cảm tạ chân tình và xin Chúa hãy luôn đồng hành với chúng ta. Thật ra thì dù chúng ta có cảm tạ, ngợi khen, chúc tụng Chúa ngày này qua ngày khác... thì chúng ta vẫn chưa đền đáp nổi một phần hồng ân mà Thiên Chúa khứng ban cho chúng ta. Vả lại, chúng ta càng tỏ ra biết ơn đối với Thiên Chúa thì chúng ta càng nhận được thêm nhiều hồng phúc của Người.

2.2 Việc thứ hai mà chúng ta phải làm là thực hành điều mà Thánh Phao-lô đã khuyên các tín hữu Cô-rin-tô: "anh em hãy vui mừng và gắng nên hoàn thiện." Vui mừng vì chúng ta được Thiên Chúa yêu thương mặc dù chúng ta bất xứng. Gắng nên hoàn thiện để xứng đáng hơn với Thiên Chúa vì Thiên Chúa là Ðấng Toàn Thiện, là Ðấng Cực Thánh. Gắng nên hoàn thiện có nghĩa là chúng ta nỗ lực để mỗi ngày mỗi trở nên giống ( đồng hình đồng dạng ) Ðức Giê-su Ki-tô, Con yêu dấu của Cha nhiều hơn: trong tâm tình, lời nói cũng như hành động của chúng ta.

2.3 Việc thứ ba mà chúng ta phải làm là thực thi đức bác ái huynh đệ và xây dựng sự hiệp thông mà Thánh Phao-lô đã khuyên các tín hữu Cô-rin-tô: "Hãy khuyến khích nhau, hãy đồng tâm nhất trí, ăn ở thuận hòa và hãy hôn chào nhau cách thân thiện." Quả vậy nếu chúng ta đã tin vào Thiên Chúa Yêu Thương và Cứu Ðộ thì chúng ta phải đối xử với nhau như những người anh chị em con cùng một Cha. Không lẽ nào anh chị em một nhà mà sống thờ ơ, không quan tâm giúp đỡ lẫn nhau. Trái lại anh chị em một nhà thì phải tương thân tương ái và giúp đỡ lẫn nhau, san sẻ cho nhau.

Hơn nữa tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi chúng ta còn được mời gọi xây dựng sự "hiệp thông cộng đoàn" tức sự hiệp thông của cộng đoàn, trong cộng đoàn, giữa các cộng đoàn Dân Chúa là nhóm, là Hội Ðoàn, là Giáo Xứ, là Dòng Tu, là Giáo Phận của chúng ta. "Hiệp thông cộng đoàn" là một chiều kích được Giáo Hội nhấn mạnh rất nhiều ngày hôm nay vì chiều kích này chẳng những là hệ quả đương nhiên xuất phát từ Mầu Nhiệm Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần thông hiệp với nhau, mà còn là chiều kích căn bản nhất, quan trọng nhất của người và Giáo Hội Công Giáo.

"Hiệp thông cộng đoàn" phải được thể hiện bằng niềm Tin Cậy Mến và cụ thể bằng đời sống yêu thương, san sẻ, liên đới trách nhiệm giữa các Ki-tô hữu và các cộng đoàn Ki-tô với nhau cũng như giữa các Ki-tô hữu và các cộng đoàn Ki-tô với những người và các cộng đồng dân cư chung quanh.

Lạy Thiên Chúa là Cha, chúng con cảm tạ Cha đã cho chúng con nhận biết một phần nào mầu nhiệm cao siêu của Cha. Xin Cha giúp chúng con biết đón nhận mặc khải của Cha và sống theo ý muốn của Cha.

Lạy Chúa Giê-su Ki-tô là Con Một Cha, là Ðấng đã được Cha gửi đến trần gian để cho chúng con được sống, xin Chúa ban sự sống thần linh cho chúng con và đưa chúng con vào thế giới mầu nhiệm của Thiên Chúa.

Lạy Chúa Ngôi Ba là Thánh Thần Thông Hiệp, xin Chúa hãy nối kết chúng con một cách chặt chẽ, keo sơn và bền vững với Thiên Chúa Cha Con và Thánh Thần; Cũng xin Chúa nối kết chúng con với nhau và với mọi người một cách chặt chẽ, keo sơn và bền vững, bằng một Niềm Tin Cậy Mến và bằng một đời sống yêu thương và liên đới. Amen.

Gs. Giê-rô-ni-mô NGUYỄN VĂN NỘI

CẢM NHẬN 1:

NƠI CHÚA GIÊ-SU, THIÊN CHÚA TỎ MÌNH

Làm sao giải thích được Thiên Chúa Ba ngôi ? Chỉ một Chúa duy nhất, nhưng lại có Ba Ngôi phân biệt rõ ràng: Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh thần. Ba Ngôi phân biệt, tách biệt, khác biệt đến nỗi không hề lẫn lộn, không bao giờ hòa trộn, nhưng lại chỉ là một Chúa. Làm sao giải thích ? Hình như càng giải thích càng khó hiểu !

Nhưng dẫu cho cố gắng của ta có khó khăn đến đâu đi nữa, dẫu cho mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi vẫn chỉ là một huyền nhiệm đối với trí khôn hạn hẹp, suy nghĩ non nớt của ta, thì không phải vì thế mà ta không thể biết gì về mầu nhiệm cao cả và là mầu nhiệm nền tảng của Ki-tô giáo này.

Trong những năm rao giảng Tin Mừng, Chúa Giê-su rất nhiều lần tỏ bày mầu nhiệm Thiên Chúa: Người gọi Thiên Chúa là Cha của mình, nhưng đồng thời Người cũng cho biết: "Ta và Cha Ta là một". Khi mặc khải Chúa Thánh Thần, Chúa Giê-su cho thấy Thánh Thần là Tình yêu, là quyền năng của Thiên Chúa, là mối hiệp thông, là sự sống và sức sống... giữa Cha và Con. Dựa trên lời mặc khải của Chúa Giê-su, chúng ta hiểu rằng:

Nơi Chúa Giê-su, Ðấng hóa thân làm người, ta nhận ra Thiên Chúa cụ thể hơn, dễ hiểu hơn. Thiên Chúa tỏ mình nơi khuôn mặt của Chúa Giê-su là Thiên Chúa Tình Yêu, nhân hậu, tha thứ, Thiên Chúa đau khổ vì tội lỗi nhân loại, đau khổ khi nhân loại đau khổ... Ðặc biệt, khuôn mặt đầy lòng thương xót, vị tha của Thiên Chúa được khắc sâu nơi khuôn mặt Thập Giá của Chúa Giê-su. Cũng chính nơi Thập Giá, Chúa Giê-su khắc sâu khuôn mặt quằn quại, đau khổ của cả nhân loại một cách tuyệt hảo.

Trên hết mọi sự, Thiên Chúa tỏ mình là Thiên Chúa Cứu Ðộ, để trong tất cả mọi hành động, mọi lời mặc khải đều nhằm vào cứu độ con người. Nơi Chúa Giê-su, Thiên Chúa là Cha chúng ta, và ngược lại Người nhận ta làm con của Người. Nhưng ta chỉ là con Thiên Chúa trong tương quan với người Con Một duy nhất là Ðức Giê-su. Tách rời người Con Một này khỏi đời mình, ta sẽ đánh mất Thiên Chúa, mất ơn nghĩa mà qua người Con, Thiên Chúa ban cho ta. Nói tóm lại: Chúng ta là những người con trong Người Con ( filii in Filio ).

Nơi Chúa Giê-su, Thiên Chúa cho ta biết Thánh Thần của Người. Trước khi bước vào cuộc tử nạn, Chúa Giê-su hứa ban Thánh Thần là "Ðấng Bảo Trợ" từ nơi Chúa Cha cho các môn đệ ( Ga 14, 26 ). Sau khi sống lại, Người hiện ra nhiều lần, và thổi hơi ban Thánh Thần, trao nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng cho các môn đệ ( Ga 20, 22 ). Và trong ngày Lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần đã hiện đến trên các môn đệ, biến các ông từ những kẻ nhút nhát trở nên những người mạnh dạn loan báo Tin Mừng. Ðối diện với Thiên Chúa, con người quá bé bỏng. Mầu nhiệm về Thiên Chúa như một bầu trời mênh mông, trí tuệ con người như một cánh chim tung mình trong mênh mông ấy. Cánh chim không thể che phủ cả bầu trời. Nếu muốn che phủ bầu trời, cánh chim phải lớn bằng cả bầu trời. Ðiều này không thể tưởng tượng. Thiên Chúa là huyền nhiệm. Nơi Thiên Chúa thật là khó hiểu. Trí tuệ con người không thể hiểu tường tận mọi mặc khải về Thiên Chúa. Muốn hiểu Thiên Chúa cách tường tận, trí tuệ phải bằng Thiên Chúa, điều này không thể tưởng tượng.

Tuy nhiên, nhờ mặc khải, ta nhận ra rằng, Thiên Chúa nơi từng Ngôi một: là Chúa Cha, là Chúa Con, là Chúa Thánh Thần. Ta cũng nhận ra Thiên Chúa duy nhất "không phải trong một ngôi đơn độc nhưng trong Ba Ngôi cùng một bản thể" ( Lời Tiền Tụng lễ Chúa Ba Ngôi ): Cha - Con - Thánh Thần. Con đã từng đến trong trần gian. Mọi hoạt động nhằm cứu độ trần gian đều có Cha và Thánh Thần cùng hiện diện và hoạt động nơi Con.

Lm. JB. NGUYỄN MINH HÙNG

 

CẢM NHẬN 2:

THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU, YÊU THƯƠNG LÀ GIỚI LUẬT CỦA NGÀI

"NGÔ ÐẠO NHẤT DĨ QUÁN CHI"

Nếu có cuộc thi giáo lý yêu cầu ta chỉ được phép dùng mỗi một câu Kinh Thánh để diễn đạt cái lẽ quán xuyến bao quát toàn bộ tôn giáo của chúng ta, để nói lên "sợi chỉ đỏ xuyên suốt" toàn bộ lẽ đạo thì thiết nghĩ ta có thể trả lời bằng câu sau: "Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời" ( Ga 3, 16 ).

Ðức Thánh Cha Phao-lô VI đã diễn giải cái lẽ "ngô đạo nhất dĩ quán chi" ấy như sau: "Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một" để cứu thế gian. Toàn bộ đạo của chúng ta là một sự mạc khải về lòng nhân hậu, thương xót và yêu thương của Thiên Chúa đối với chúng ta. "Thiên Chúa là Tình Yêu" ( 1 Ga 4, 16 ), một tình yêu bao la tuôn đổ dạt dào. Tất cả được tóm kết trong chân lý tối thượng này, chân lý giải thích và soi sáng mọi sự. Câu truyện của Ðức Giê-su phải được nhìn xem dưới ánh sáng này. Thánh Phao-lô viết: "( Ngài ) yêu mến tôi". Mỗi người trong chúng ta có thể và phải tự mình lập lại - Ngài yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi" ( Gl 2, 20 )" ( Bài giảng Lễ Mình Máu Thánh Chúa Ki-tô ngày 13.6.1976 ).

Thiên Chúa luôn có sáng kiến trong tình yêu và luôn đi bước trước ( Ga 1, 11; 4, 7; 15, 16; 1 Ga 4, 10 ). Ðiều này cho thấy Ngài yêu rất nhiều, Ngài yêu rất thiết tha. Khi yêu, người ta thích tặng trao và ta có thể đo lường tình yêu bằng giá trị của món quà được tặng. Thiên Chúa đã tặng chúng ta điều Ngài quý nhất, trân trọng nhất, là Con của Ngài: "Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một" ( Ga 3, 16 ), Ðấng được Ngài phán "Ðây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người" ( x. Mt 3, 17 ).

Hy Tế Thập Giá là đỉnh cao của sự thể hiện tình yêu nói trên, là sự biểu lộ tình yêu ấy lên đến cùng tột. Khi Áp-ra-ham cầm lấy dao chuẩn bị sát tế "đứa con một yêu dấu" của mình, Thiên Chúa đã can thiệp, chặn đứng bàn tay của ông lại. Ấy vậy mà khi Con Một của Ngài bị đóng đinh Thập Giá thì Ngài chẳng hề cản ngăn - sự kiện ấy đã khiến Phao-lô phải thốt lên với niềm hy vọng chứa chan: "Ðến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta  ?" ( Rm 8, 32 )

GIỚI LUẬT YÊU THƯƠNG

Tình yêu bao giờ cũng là vô giá nên chỉ có thể lấy tình yêu đáp trả tình yêu. Kinh Thánh mạc khải rằng con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa ( St 1, 27 ), mà Thiên Chúa là Tình Yêu ( 1 Ga 4, 8 ). Từ đó ta có thể rút ra hệ luận: Trái tim con người được tạo dựng là để yêu thương. Càng yêu nhiều, con người càng trở nên giống Thiên Chúa. Càng yêu nhiều, con người càng hiệp nhất với Thiên Chúa. Càng yêu nhiều, con người càng hạnh phúc. Chỉ khi yêu, con người mới hạnh phúc. Thiên Chúa muốn chúng ta hạnh phúc, không những chỉ hạnh phúc trong cuộc sống đời này nhưng còn được vĩnh phúc trong Nhà Cha, nơi Ðức Giê-su đã đi trước để dọn chỗ.

Trái tim con người được Thiên Chúa tạo dựng để yêu thương. Thánh Âu-tinh khám phá ra điều ấy sau khi đã tận hưởng đời chán chê, "miệt mài trong cuộc truy hoan", buông thả theo các đam mê làm tán loạn tâm hồn, để mặc cho các lý thuyết tha hồ chi phối, lôi kéo trí khôn. Chỉ trong tình yêu của Thiên Chúa và trong sự vâng phục Ðức Tin, con người mới tìm được sự yên tĩnh đích thực cho tâm trí. Thánh nhân cầu nguyện: "Lạy Chúa, Chúa đã dựng tạo chúng con cho Chúa, nên tâm hồn chúng con xao xuyến, khắc khoải không yên cho đến khi được an nghỉ trong Chúa".

Suy cho cùng, Giới Luật Yêu Thương của Thiên Chúa là con đường hạnh phúc, con đường bình an, con đường đưa đến niềm vui đích thực, thuần khiết.

MẦU NHIỆM CHÂN ÐẠO LÀ MẦU NHIỆM TÌNH YÊU

Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm lớn. Mầu nhiệm không phải là điều chúng ta hoàn toàn không hiểu, nhưng là điều luôn đầy ắp ý nghĩa đến nỗi cho dù có cố gắng đào sâu đến đâu chăng nữa, ta sẽ chẳng bao giờ chạm tới đáy. Chẳng khác nào đứa trẻ nhỏ lấy vỏ sò mà đòi tát cạn cả đại dương. Trước mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, thông minh duệ trí như Thánh Âu-tinh kia mà còn phải bái phục - cả khẩu phục lẫn tâm phục.

Tuy nhiên, ta cũng không nên khiếp sợ trước mầu nhiệm cao cả này bởi vì Thiên Chúa Ba Ngôi là một "Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín" ( Xh 34, 6 ), một Thiên Chúa có tên là TÌNH YÊU, sẵn sàng ban cho ta "đầy tràn ân sủng của Chúa Giê-su Ki-tô, đầy tình thương của Thiên Chúa ( Cha ), và ơn hiệp thông của Thánh Thần" ( 2 Cr 13, 13 ).

Gio-an là môn đệ yêu dấu của Ðức Giê-su, được Thánh Âu-tinh mô tả "đã tựa vào lòng Ðức Giê-su trong Bữa Tiệc Ly, nghĩa là đã nếm những bí mật thâm sâu nhất trong lòng Chúa". Thánh Tô-ma A-qui-nô xem Gio-an là người đã có những kinh nghiệm rất đặc biệt về tình yêu của Ðức Giê-su và vì vậy Gio-an có những lời dạy bảo rất độc đáo cho chúng ta về việc làm thế nào để được Ðức Giê-su yêu mến cũng như làm thế nào để yêu mến Chúa. Ðến đây ta bước sang khía cạnh thực hành.

SỐNG ÐỨC ÁI LÀ THỰC HÀNH CHÂN ÐẠO

Ðể thực hành đức ái, trong Thư thứ nhất của mình, Thánh Gio-an đưa ra ba nguyên tắc:

1. "Phần chúng ta, chúng ta hãy yêu thương, vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước" ( 4, 19 ).

2. "Ðức Ki-tô đã thí mạng vì chúng ta, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em" ( 3, 16 ).

3. "Chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm" ( 3, 18 ).

Phao-lô thì ngắn gọn hơn: "Anh em hãy có những tâm tình như chính Ðức Ki-tô Giê-su" ( Pl 2, 5 ).

Người Việt Nam ta nói nôm na: "Con nhà tông chẳng giống lông cũng giống cánh". Chúng ta có thể nói và hãy nói: "Con nhà tông phải giống lông lẫn giống cánh".

Ðức Hồng Y Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận trong kỳ giảng tĩnh tâm cho giáo triều Rô-ma năm 2000 có nói đại ý người thời nay chẳng ai dám mướn Chúa Giê-su đi coi thi vì Chúa mà làm giám khảo, thí sinh chưa vô oral đã lộ đề mất rồi. Vào thi, chắc chắn trúng tủ. Tuy nhiên, khi người thông luật trả lời trúng "đáp án" câu hỏi do Ngài đặt ra sau khi thuật xong dụ ngôn người Sa-ma-ri nhân hậu, Chúa Giê-su bảo ông ta: "Ông hãy đi, và cũng hãy LÀM như vậy" ( Lc 10, 37 ). Ở chỗ khác, khi nghe người ta báo cho biết có mẹ và anh em Ngài đang đứng ngoài kia, muốn gặp Ngài, Chúa Giê-su đáp lại: "Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra THỰC HÀNH" ( Lc 8, 20 - 21 ).

Lâu đài nội tâm của tôi, sự sống mai hậu của tôi đang xây trên cát hay trên đá ? Tôi có thuộc loại "năng thuyết bất năng hành", "mồm miệng đỡ tay chân" không ? Cần thành khẩn tự vấn tâm để sửa chữa. Chẳng vị thánh nào không có quá khứ phía sau lưng. Không tội nhân nào chẳâng có tương lai ở phía trước. Thà trễ còn hơn không bao giờ !

ÐAN QUANG TÂM

CẦU NGUYỆN:

VÀ NGƯỜI BẢO...

Bạn nói       : Không thể được !

Chúa bảo    : Mọi sự đều có thể được đối với Thiên Chúa ( Lc 18, 27 )

Bạn nói       : Con quá mệt rồi !

Chúa bảo    : Tôi sẽ cho bạn được nghỉ ngơi bồi dưỡng ( Mt 11, 28 – 30 )

Bạn nói       : Chẳng có ai thực sự yêu thương con !

Chúa bảo    : Tôi vẫn luôn yêu thương bạn ( Ga 3, 16; 13, 34 )

Bạn nói       : Con không thể tiếp tục đuợc !

Chúa bảo    : Ơn của tôi ban luôn đủ cho bạn ( 2 Cr 12, 9; Tv 91, 15 )

Bạn nói       : Con nghĩ không ra !

Chúa bảo    : Tôi sẽ hướng dẫn những bước đường bạn đi ( Cn 5 – 6 )

Bạn nói       : Con không làm đuợc !

Chúa bảo    : Bạn sẽ làm đuợc mọi sự ( Pl 4, 13 )

Bạn nói       : Con không có khả năng !

Chúa bảo    : Tôi có đủ quyền tuôn đổ xuống trên bạn mọi thứ ân huệ ( 2 Cr 9, 8 )

Bạn nói       : Con không thể tha thứ cho chính mình được !

Chúa bảo    : Tôi tha thứ cho bạn ( 1 Ga 1, 9 ). Bạn không còn bị lên án nữa ( Rm 8, 1 )

Bạn nói       : Con không thể xoay sở được !

Chúa bảo    : Tôi sẽ thỏa mãn mọi nhu cầu của bạn một cách tuyệt vời ( Pl 4, 19 )

Bạn nói       : Con sợ !

Chúa bảo    : Tôi đâu có cho bạn một Thần Khí làm cho bạn trở nên nhút nhát ! ( 2 Tim 1, 7 )

Bạn nói       : Con luôn lo lắng và giận dữ !

Chúa bảo`   : Mọi lo âu, hãy trút cả cho Tôi vì Tôi luôn chăm sóc bạn ( 1 Pr 5, 7 )

Bạn nói       : Con không đủ lòng tin !

Chúa bảo    : Tôi đã ban cho mọi người một lượng Ðức Tin đúng mức ( Rm 12, 3 )

Bạn nói       : Con không đủ thông minh !

Chúa bảo    : Tôi cho bạn trí khôn ngoan ( Cr 1, 30 ) và ơn thông hiểu mọi sự ( 2 Tim 2, 7 )

Bạn nói       : Con cảm thấy cô đơn quá !

Chúa bảo    : Tôi sẽ không bỏ rơi, Tôi sẽ không ruồng bỏ bạn đâu ( Dt 13, 5 )

Gs. Tê-rê-xa Nguyễn Thị Tiến dịch theo Feelgoodpages

CHỨNG TỪ:

Ðược Trở Thành Con Cái Thiên Chúa

Ngày 1.10.2000, Ðức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II đã phong thánh cho một phụ nữ Sudan ở Châu Phi tên là Josephine Bakhita với những lời nhận định thấm thía: "Cô gái khiêm tốn Châu Phi này đã nhắc nhở cho thế giới một nhu cầu khẩn thiết phải giải phóng phụ nữ khỏi sự đàn áp, bất công và bạo lực, phục hồi phẩm giá của họ trong việc thực thi hoàn toàn các quyền lợi của mình..."

Chi Josephine Bakhita sinh năm 1869 tại nước Sudan. Năm lên bảy, chị bị bắt cóc và bán đi làm nô lệ. Chị phải chịu bao cay đắng cực hình cho đến năm 1882, lúc chị được ông lãnh sự Calisto Lgnani mua về. Sau đó chị được ông đưa về nước Ý. Ở đây, chị được gia nhập Công Giáo. Một niềm vui tràn ngập cuộc đời chị. Chị thường đến hôn lên chiếc giếng Rửa Tội và nói: "Ðây là nơi tôi đã được trở nên con cái Thiên Chúa".

Sau đó, chị được vào Dòng Canossian và suốt đời chị được phân công làm những công việc âm thầm nhỏ nhặt. Tuy vậy, sự thánh thiện của chị ngày càng được mọi người biết đến. Chị đón tiếp mọi người rất niềm nở, luôn có những lời nâng đỡ ủi an khích lệ, sẵn sàng trả lời các câu hỏi thắc mắc của trẻ em. Chị chia sẻ: "Nếu tôi gặp lại người buôn nô lệ đã bắt cóc tôi, và ngay cả những người đã đánh đập tra tấn tôi, tôi sẽ xin quỳ xuống và hôn lên tay họ, bởi nếu những điều đáng buồn ấy không xảy ra thì chắc hôm nay tôi đã không có được cơ hội trở thành một Ki-tô hữu, trở thành một Nữ Tu..."

Khi chị qua đời vào ngày 8.2.1947, hàng ngàn người đã đến viếng linh cữu chị. Quả thật, ngọn lửa Thần Linh Ðức Giê-su đã ném vào trần gian đã làm cuộc đời chị Josephine Bakhita bừng cháy lòng yêu mến và tha thứ, tha thứ cho cả những ai đã từng làm hại chị...

Trích NỐI LỬA CHO ÐỜI số 8

CÂU TRUYỆN:

TIN VÀO THIÊN CHÚA

Có một bà nổi tiếng đạo đức, nhân hậu và luôn bình tâm trước mọi thử thách. Một bà khác ở cách xa ít dặm, nghe nói thì tìm đến, hy vọng học được bí quyết để sống bình tâm và hạnh phúc. Bà ta hỏi: "Thưa bà, có phải bà có một đức tin lớn lao hay không ?" Bà kia trả lời: "Ồ không, tôi không phải là người có đức tin lớn lao, mà chỉ là người có Ðức Tin bé nhỏ đặt vào một Thiên Chúa lớn lao."

Trích SỠI CHỈ ÐỎ của Lm. Ca-rô-lô

THIÊN CHÚA MỜI GỌI

Một tu sĩ tên là Rublev đã vẽ một bức tranh rất đặc biệt về Ba Ngôi Thiên Chúa. Ba Ngôi ngồi quanh một cái bàn, và trên bàn có một đĩa thức ăn. Nhưng nét đặc biệt là có một chiếc ghế trống. Chiếc ghế trống ấy ngụ ý một sự mời mọc, một sự sẵn sàng. Bàn ăn của Ba Ngôi còn một chiếc ghế trống nghĩa là Ba Ngôi sẵn sàng đón tiếp bất cứ ai đến thông chia sự thân mật và tình yêu thương của các Ngài.

THIÊN CHÚA Ở TRONG TA

Một người dân Gypsy đứng gần một cái giếng uống rượu. Chốc chốc ông lại nhìn xuống giếng như nhìn một người nào đó. Một cậu bé nảy giờ quan sát người Gypsy này, ngạc nhiên hỏi: "Ai ở dưới đó vậy ?" - "Thiên Chúa." - "Vậy cháu có thể nhìn Chúa không ?" - "Ðương nhiên rồi." Thế rồi người Gypsy bế cậu bé lên để cậu nhìn xuống giếng. Cậu bé thắc mắc: "Nhưng cháu chỉ thấy mặt cháu thôi." - "Ðó cũng là mặt Chúa. Chúa ở trong chúng ta mà !"

Trích GÓP NHẶT CÁT ÐÁ

THÔNG TIN:

VỀ CÁC KHOẢN TIỀN ÂN NHÂN MỚI TRỠ GIÚP

- Nhóm Tình Thương ( Hoa Kỳ ), qua cha Phạm Huy Lãm, DCCT, giúp người nghèo và khuyết tật ......................  500 USD

- Hai bạn MK Thế Ðịnh – Minh Châu ( Việt Nam ) giúp học bổng trẻ em nghèo ..............................................  500.000 VND

- Bà Cécile Ưng Long thuộc hội ASSORV ( Pháp ) giúp người nghèo ............................................................................  50 USD

- Lớp Linh Hoạt Viên nâng cao, DCCT ( Việt Nam ) giúp chị Ðỗ Thị Kim Giai bị ung thư ...........................  1.500.000 VND

VỀ MỘT GIA ÐÌNH KHUYẾT TẬT Ở SÀI-GÒN

Anh Phạm Văn Lượng, Huynh Ðoàn Ki-tô Người Bệnh và Khuyết Tật, giới thiệu trường hợp gia đình anh TRẦN QUÝ ( sinh 1955 ) và chị TRƯƠNG THỊ BÍCH THỦY ( sinh 1965 ), ngụ tại nhà thuê số 1724 tổ 164, phường 19, quận Tân Bình, Sài-gòn. Anh Quý bị cụt hai chân từ nhỏ. Chị Thủy bị liệt hai chân từ nhỏ, lại bị thêm bệnh tiểu đường và bệnh tim kéo dài. Anh chị không có nhà riêng phải đi thuê để trọ, đồng lương thu nhập của anh không đủ để lo thuốc men chạy chữa cho chị. Tuy vậy, ai cũng phải công nhận anh chị sống hạnh phúc và đạo đức, thường xuyên tham gia các buổi cầu nguyện của nhóm mặc dù phải đi lại rất vất vả. Gospelnet xin trợ giúp anh chị một chiếc xe lăn trị giá 550.000 VND.

VỀ ÐỒ CHƠI CHO TRẺ EM ÐƯỜNG PHỐ NGÀY QUỐC TẾ THIẾU NHI

Nhân dịp lễ Quốc Tế Thiếu Nhi 1.6.2002, Nhóm Thảo Ðàn kêu gọi quyên góp các đồ chơi cũ, từ trái banh nhựa, con búp-bê, hoặc một đôi giày các cháu bé dùng đã bị chật... Cũng có thể chỉ cần chia sẻ 1.000 VND cũng có thể mua được một món đồ chơi tuy nhỏ nhưng lại đem đến một niềm vui không nhỏ cho các "trẻ em đường phố" vốn chịu nhiều thiệt thòi bất hạnh trong cuộc sống. Xin quý vị độc giả gần xa, trước ngày 2.6.2002, có thể mang đồ chơi hoặc các số tiền quyên góp và chia sẻ đến một trong các địa điểm sau đây:

- Web Trẻ Thơ: 123 đường Trương Ðịnh, Quận 3, Sài-gòn.

- Nhóm Thảo Ðàn: 452 / 1 đường Hai Bà Trưng, Phường 8, quận 3, Sài-gòn.

- Số nhà 173 / 7 đường Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 1, Sài-gòn.

- Lm. Lê Quang Uy: Tu Viện DCCT, 38 Kỳ Ðồng, Phường 9, Quận 3, Sài-gòn.

Ngoài ra, quý độc giả có thể gọi số điện thoại 08.9.321.408 hoặc 0903.778.883, hoặc 0913.725.375, sẽ có người tình nguyện đến tận nhà nhận quà chuyển đi nếu số lượng quyên góp nhiều.

Về Một Trường Hợp Bệnh Ngặt Nghèo Ở Cần Thơ

Chị Bùi Thị Hồng Nga, Câu Lạc Bộ Người Khuyết Tật Cần Thơ, giới thiệu trường hợp chị PHAN THỊ LƯỠM, sinh năm 1958, bị liệt 2 chân và 1 tay, đang ở nhờ nhà chị Nga để làm đồ thêu. Chị Lượm bị bệnh nặng, phổi tràn dịch, ho rất nhiều, rất cần được trợ giúp để đi bệnh viện rút dịch. Gospelnet xin trợ giúp 300.000 VND nhờ chị Nga chuyển cho chị Lượm để lo liệu thuốc thang chạy chữa.

VỀ QUÀ TẶNG CHO CÁC EM HỌC SINH KHU BÃI RÁC ÐÔNG THẠNH, HÓC MÔN

Sáng Chúa Nhật 19.5.2002, Gospelnet đã cùng với chị Cécile, được các cô giáo trường PTCS Ðông thạnh, huyện Hóc Môn, hướng dẫn đi thăm và tặng quà cho 100 em học sinh nghèo cư trú quanh khu vực bãi rác Ðông Thạnh. Mỗi phần quà trị giá 20.000 VND, gồm có: 1 Kg đường cát trắng, 1 hộp sữa và 4 cuốn tập 100 trang. Tổng cộng: trị giá 2 triệu VND. Ða số các em đều có hoàn cảnh gia đình đông người, thu nhập dựa vào nghề moi rác bán ve chai, thể trạng của các em đều gầy gò, còi cọc, tuy nhiên các em đều ngoan ngoãn, lễ phép và có học lực từ khá đến xuất sắc. Hàng tháng, trong suốt 1 năm qua, có 21 em học sinh ở đây vẫn nhận được học bổng 50.000 VND. Sau dịp này, bà Cécile Ưng Long hứa sẽ vận động quyên góp giúp thêm cho các em ở đây một số học bổng tương tự.

VỀ CÁC TRƯỜNG HỠP KHUYẾT TẬT Ở LONG KHÁNH

Sr. Tuyết Trinh, Dòng Ða-minh Rosa Lima, giới thiệu 3 trường hợp khuyết tật sau đây:

- Chị NGUYỄN THỊ MỪNG, sinh Năm 1950, thuộc Giáo xứ Xuân Bình, Giáo Phận Xuân Lộc, ngụ tại xã Xuân Phu, huyện Xuân Lộc, tỉnh Ðồng Nai. Chị Mừng bị tai nạn xe, đã chạy chữa khắp nơi, 2 chân chị bây giờ rất yếu, hay bị té. Chị cần cha và quí vị ân nhân giúp cho một chiếc xe lắc để có thể đi bán vé số. Gospelnet xin trợ giúp một xe lắc trị giá 750.000 VND.
- Ông NGUYỄN MINH CHÂU, 54 tuổi, thuộc Giáo Xứ An Bình, Giáo Phận Xuân Lộc, ngụ tại ấp Hòa Bình, xã Bảo Hòa, huyện Xuân Lộc, tỉnh Ðồng Nai. Từ một năm nay, ông Châu bị bệnh bướu phổi và thần kinh, chân tay co quắp, không đi lại được. Hiện tại ông đã chuyển sang chữa trị bằng thuốc Bắc, mỗi tháng hết 60.000 VND. Nay gia đình ông đang rơi vào tình trạng kiệt quệ. Ông Châu đã từng được Gospelnet giúp cho 500.000VND thuốc và một chiếc xe lăn để di chuyển trong nhà. Nay Gospelnet xin trợ giúp thêm một xe lăn trị giá 500.000 VND.

- Anh NGUYỄN VĂN CHIỂÅU, sinh năm 1971, vợ và hai con, thuộc Giáo Xứ Ngọc Lâm, ngụ tại ấp 3, xã Phú Thanh, Huyện Tân Phú, tỉnh Ðồng Nai. Gia đình anh rầt nghèo, không đất đai canh tác. Anh đi làm mướn, Do tai nạn anh bị té gẫy xương gần 2 năm nay, phải điều trị nhiều tháng tại Bệnh Viện Thống Nhất. Cộng đoàn Dòng Ða-minh đã giúp anh trong thời gian nằm viện. Nay anh đã trở về gia đình, hai tay 2 chân yếu, không đi lại được. Gia đình anh lúc này rất thiếu thốn, đang cần có một chiếc xe lắc và một chút vốn để gia đình buôn bán. Gospelnet xin trợ giúp 1 xe lắc trị giá 750.000 VND200.000 VND làm vốn sinh nhai.

VỀ EM MAI HUY HOÀNG BỊ XUẤT HUYẾT TIÊU HÓA

Sr. Nguyễn Thị Thảo, Dòng Ða-minh Rosa Lima, giới thiệu trường hợp cháu MAI HUY HOÀNG, 16 tuổi, con chị Nguyễn Thị Bích Ngọc, ngụ tại ấp 4, xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc, tỉnh Ðồng Nai. Gospelnet đã giới thiệu đến bác sĩ Hoàng Ðức Quyền, Phòng Khám Ða Khoa quận Phú Nhuận, chẩn đoán siêu âm và định bệnh: xuất huyết tiêu hóa và thiếu máu. Gospelnet đã trợ giúp 300.000 VND cho chị Ngọc để mua thuốc điều trị cho cháu.

VỀ CĂN NHÀ CHO GIA ÐÌNH BÀ TRẦN THỊ KHOẢNH Ở BẾN TRE

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trong trận bão khủng khiếp số 5 năm 1997, gia đình bà Trần Thị Khoảnh, thuộc Giáo Xứ Thạnh Phú, Giáo Phận Vĩnh Long, thuộc tỉnh Bến Tre, đã phải gánh chịu một bất hạnh quá lớn: người chồng, con trai và con rễ đã chết tức tưởi. Người con dâu duy nhất còn sống sau đó cũng không chịu nổi cảnh nghèo túng, đã bỏ đi biệt tích, để lại cho bà Khoảnh, một cụ già 67 tuổi phải một thân một mình chăm sóc cho 7 đứa cháu côi cút. Ðứa bé nhất, mới 3 tuổi, đã phải gửi vào trại mồ côi của Huyện Thạnh Phú. Từ dạo đó đến nay, hàng ngày, bà Khoảnh làm nghề chèo đò, mỗi lượt người đi chỉ lấy 500 VND. Nếu lại gặp trẻ em học sinh hoặc người nghèo, bà đều vui vẻ đưa qua sông miễn phí, hoặc ai muốn đưa bao nhiêu cũng được.

Một gia đình độc giả ẩn danh của báo Gospelnet đã từ lâu nhận trợ giúp cho gia đình bà Khoảnh mỗi tháng 200.000 VND, cùng với áo dài để bà mặc đi lễ, quần áo cũ và bánh kẹo cho các cháu nhỏ vào các dịp Noel hoặc Tết. Nay, gia đình này lại quyết định dùng số tiền để dành được đã lâu là 500 USD để giúp bà dựng lại căn nhà đã quá giột nát. Gospelnet đã liên hệ với cha Trần Quốc Hùng ở Giáo Xứ Hàm Luông, với cha Nguyễn Văn Thượng và vợ chồng anh Ngô Vũ Tâm ở Giáo Xứ Thạnh Phú để nhận đứng ra lo liệu việc dựng lại nhà cho bà Khoảnh trước khi mùa mưa tới.

VỀ CHỊ ÐỖ THỊ KIM GIAI BỊ UNG THƯ

Sr. Oanh, Dòng Nữ La-san ở Mai Thôn, giới thiệu trường hợp chị Ðỗ Thị Kim Giai, 30 tuổi, nguyên là y tá bệnh viện Nhi Ðồng 1, bị bệnh Ung Thư, phải vào điều trị tại bệnh viện phụ sản Từ Dũ, Sài-gòn. Gia đình chị Giai chỉ còn người cha già yếu, các anh chị trong nhà đều là giáo viên đồng lương thấp. Chị đã qua 2 lần phẫu thuật và nạp hóa chất với chi phí mỗi lần hết 9.000.000 VND. Tuy chị đã được Bảo Hiểm Y Tế thanh toán 50 %, nhưng gia đình cũng không thể cáng đáng nổi sau nhiều tháng chữa trị, nên hiện tại đã lâm vào cảnh kiệt quệ, chị sợ không tiếp tục theo đuổi.

Gospelnet đã mở lời kêu gọi trong Lớp Linh Hoạt Viên nâng cao tại DCCT Sài-gòn, các bạn trẻ đã nhiệt tình quyên góp được 1.500.000 VND. Gospelnet cũng xin trích quỹ thêm số tiền 200 USD của các anh chị Tân Tòng tại Giáo Phận Los Angleles mới gửi về. Tất cả được khoảng 4.500.000 VND. Kính mong quý độc giả và ân nhân gần xa chia sẻ thêm với gia đình chị Giai.

VỀ TẬP VỞ CHO CÁC EM HỌC SINH NGHÈO

Nhân dịp Lễ Quốc Tế Thiếu Nhi 1.6.2002, Gospelnet xin trích quỹ 2 triệu VND để mua 1.400 cuốn tập 100 trang tặng cho các em học sinh nghèo lương và giáo tại các nơi như sau:

- Qua cha Ðỗ Văn Thừa, DCCT: 300 cuốn tập cho các em ở Giáo Xứ Tân Châu, Giáo Phận Phan Thiết.

- Qua cô giáo Phan Mỹ Linh: 400 cuốn tập cho các em trường PTCS Ðông Thạnh, Hóc Môn, Sài-gòn.

- Qua cha Nguyễn Hữu An: 300 cuốn tập cho các em ở Giáo Xứ Chính Tâm, Giáo Phận Phan Thiết.

- Qua cha Nguyễn Văn Thượng 100 cuốn tập cho các em ở Giáo Xứ Thạnh Phú, Giáo Phận Vĩnh Long.

- Qua cha Trần Quốc Hùng, DCCT: 100 cuốn tập cho các em ở Giáo Xứ Hàm Luông, Giáo Phận Vĩnh Long.

- Qua cha Nguyễn Quang Duy, DCCT: 100 cuốn tập cho các em ở Giáo Xứ Long Hưng, Giáo Phận Vĩnh Long.

- Qua cha Nguyễn Văn Hiền: 100 cuốn tập cho các em Giáo Xứ Hòa Long, Giáo Phận Vĩnh Long.

 

VỀ MỘT GIA ÐÌNH NGHÈO VÀ BỆNH TẬT

Cha Vũ Khởi Phụng, DCCT, giới thiệu gia đình bà VÕ THỊ KIM HOA, 63 tuổi, bị bệnh đau khớp xương hông và đau mắt ( đã mổ một bên mắt ) và người con trai duy nhất là anh NGUYỄN PHƯỚC TIẾN, 30 tuổi, bị bệnh viêm xoang và thần kinh. Lâu nay hai mẹ con phải thuê nhà trọ ở Sài-gòn và đi bán vé số, không có tiền ễ­a trị bệnh tật. Gospelnet xin trợ giúp 300.000 VND để làm vốn mở xạp ngồi bán báo và 200.000 VND mua thuốc theo toa bác sĩ. Tổng cộng: 500.000 VND.

THÔNG BÁO QUAN TRỌNG

Trong thời gian gần đây có nạn dịch về Virus ( W32.Klez.H@mmW32.Klez.V201.Worm ) hoành hành dữ dội, với các địa chỉ mạo danh các Dòng Tu nam nữ, các vị Hồng Y, các đức Giám Mục, vị Linh Mục, và cả của Trung Tâm Mục Vụ DCCT chúng tôi... để gửi đi các nơi, gây ra nhiều ngộ nhận đáng tiếc. Xin quý độc giả thận trọng tối đa bằng cách cài đặt và truy quét mỗi ngày với chương trình Norton Antivirus được cập nhật mỗi tuần, cộâng với D32 ( Diagnose and Destroy Viruses ), cộng với BKAV 2002 được cập nhật tháng 5.2002 ( có thể vào www.fpt.vn/bkav hoặc www.vnn.vn/vnn1/bkav ). Ngoài ra, khi nhận E-Mail, dù là địa chỉ người gửi đến mình là chỗ quen biết, nếu thấy phần Subject có nội dung tiếng Anh hoặc Việt hơi lạ thường hoặc rất là vớ vẩn, không có đầu đuôi gì cả, lại có thêm các files attached ( gửi kèm ) có đuôi là .bat hoặc .exe hoặc .pif, xin lập tức delete ( xóa bỏ ) trong Inbox và cả Deleted Items.