CHÚA NHẬT 2 PHỤC SINH - LỄ ÐỨC MẸ TRUYỀN TIN 8 . 4

TIN MỪNG: Ga 20, 19 - 31

ÐỨC GIÊ-SU HIỆN RA VỚI CÁC MÔN ÐỆ

Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Ðức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an cho anh em !" Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Người lại nói với các ông: "Bình an cho anh em ! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em." Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ."

Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Ði-đy-mô, không ở với các ông khi Ðức Giê-su đến. Các môn đệ khác nói với ông: "Chúng tôi đã được thấy Chúa !" Ông Tô-ma đáp: "Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin." Tám ngày sau, các môn đệ Ðức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Ðức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an cho anh em !" Rồi Người bảo ông Tô-ma: "Ðặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Ðưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Ðừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin." Ông Tô-ma thưa Người: "Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con !" Ðức Giê-su bảo: "Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin !"

Ðức Giê-su đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Ðức Giê-su là Ðấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người.

SUY NIỆM 1:

ÐỨC GIÊ-SU SỐNG LẠI

1.  Sau khi sống lại Ðức Chúa Giê-su đã hiện ra nhiều lần

Mặc dầu đã được Kinh Thánh cũng như chính Ðức Giê-su báo trước về Ngài, các môn đệ vẫn tỏ ra bàng hoàng sợ hãi khi chứng kiến cuộc khổ nạn và cái chết của Ðức Giê-su. Ông Phê-rô thì chối Chúa, các môn đệ hầu hết đã bỏ trốn chỉ còn một số ít theo Người xa xa. Bao nhiêu mộng ước của các ông dường như đã tiêu tan cùng với cái chết của Thầy mình. Khi được báo tin Chúa sống lại, các ông vẫn còn bán tín bán nghi. Ðức Giê-su đã phải hiện ra nhiều lần để trấn an, giải thích và củng cố niềm tin cho các ông.

Tin Mừng Thánh Gio-an hôm nay thuật lại hai lần hiện ra của Ðức Giê-su với các môn đệ trong phòng cửa đóng kín và lời đầu tiên của Ngài là lời chúc bình an cho các ông. Trong cả hai lần gặp gỡ, Ðức Giê-su đã lập lại lời chúc này tới ba lần. Ngài đã cho các ông xem tay và cạnh sườn Ngài, các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa, nhưng lần hiện ra này vắng mặt ông Tô-ma. Tám ngày sau các môn đệ lại tụ họp trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó nữa. Trong khi các cửa đều đóng kín, Ðức Giê-su đến đứng giữa các ông, và sau lời chúc bình an Ngài bảo ông Tô-ma: "Ðặt ngón tay vào đây và hãy nhìn xem Thày. Ðưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thày. Ðừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin." ( Ga 20, 27 ) Xem ra Chúa có ý trách ông Tô-ma vì sự cứng lòng của ông, nhưng chính nhờ đó mà các môn đệ và các thế hệ sau này là chúng ta có thêm một bằng chứng mạnh mẽ về việc Chúa sống lại. Ở những lần hiện ra khác, Ðức Giê-su cũng tỏ ra ân cần và thân mật khi gặp gỡ, giải thích Kinh Thánh hoặc cùng ăn uống với các ông.

2. Ðức Giê-su sống lại: bảo chứng cho phần rỗi chúng ta

Quả vậy, Thánh Phao-lô, trong thư gởi các tin hữu Cô-rin-tô, có viết: "...Nếu Ðức Ki-tô đã không chỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng, ...lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em" ( 1 Cr 15, 14 - 17 ). Việc Ðức Giê-su sống lại cho chúng ta một bảo đảm chắc chắn chúng ta cũng sẽ được sống lại như Người. Thư thứ nhất của Thánh Phê-rô hôm nay giới thiệu cho chúng ta một "gia tài không thể hư hoại, không thể vẩn đục và tàn phai... Gia tài đó chính là ơn cứu độ Người đã dành sẵn và sẽ bày tỏ trong thời sau hết" ( 1 Pr 1, 3 - 9 ). Nhưng không nhất thiết phải đợi lâu như thế, vì nhờ đức tin, chúng ta có thể nếm trước được niềm vui ơn cứu độ và có được sức mạnh để kiên trì trong thử thách. Và ngược lại chính những thử thách đó tinh luyện, làm cho đức tin của chúng ta nên tinh ròng hơn: Vàng là của phù vân, mà còn phải thử lửa, huống hồ là đức tin là thứ quí giá hơn vàng gấp bội ( 1 Pr 1, 7 )

3. Ðức Giê-su sống lại: khởi đầu cho một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của Chúa Thánh Thần.

Ðức Giê-su, sau khi sống lại, Ngài đã gặp gỡ các môn đệ và tiếp tục sai các ông đi rao giảng Tin Mừng. Ngài đã ban cho các ông Chúa Thánh Thần: "Anh em hay nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; Anh em cầm giữ ai thì, người ấy bị cầm giữ." ( Ga 20, 22 ). Từ đây, khởi đầu một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của Chúa Thánh Thần, Ðấng áp dụng ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại.

Chúa Thánh Thần, với bảy ơn của Ngài, đã biến đổi các Tông Ðồ từ những người nhút nhát trở nên can đảm, từ những người thuyền chài ít học thành những nhà thuyết giảng hùng hồn ( Cv 2, 14 - 41 ). Các ông đã can đảm, sẵn sàng chịu mọi thử thách gian lao, đem Tin Mừng của Chúa đến với mọi người, không phân biệt Do-thái hay dân ngoại. Chúa Thánh Thần cũng hoạt động trong Hội Thánh: Ðoạn sách Công Vụ hôm nay cho chúng ta thấy những ân huệ của Ngài sinh hoa kết trái nơi cộng đồng Ki-tô hữu đầu tiên: "Họ chuyên cần nghe các Tông Ðồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng... Họ để mọi sự làm của chung, bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu... Họ đồng tâm nhất trí... và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ ( Cv 2, 42 - 47 ). Thật là một hình ảnh tuyệt vời về một xã công bằng và đầy tình nhân ái, hình ảnh của Nước Trời.

Lạy Cha, nhờ sự chết và phục sinh vinh hiển của Ðức Giê-su Con Cha, Cha đã ban cho chúng con một gia tài vô cùng quí giá là được trở nên con của Cha, được sống cuộc sống vĩnh cửu chan chứa niềm vui. Xin cho chúng con luôn ý thức ơn huệ cao cả này và luôn biết ca ngợi tình yêu bao la Cha đã dành cho chúng con.

                         P. Ða-mi-a-nô ÐINH NGỌC THIỆU

SUY NIỆM 2:

TÔ-MA VÀ CON MẮT THỨ BA

Cách xử sự của Tô-ma cũng là cách xử sự thông thường của nhiều người. Người ta chỉ chấp nhận là có thật những gì mà người ta có thể xem bằng mắt, bắt bằng tay, những gì cân, đo, đong, đếm... được. Còn những gì người ta không thấy, bị xem như là không có. Khi tôi hỏi bạn bè: Tại sao bạn không tin Thiên Chúa, không tin có linh hồn, không tin có sự sống đời sau ? Họ trả lời thật đơn giản: "Có thấy đâu mà tin !"

Thế nhưng, có nhiều điều chúng ta không thấy nhưng chúng ta vẫn phải nhận là chúng hiện hữu. Người ta không thể nhìn thấy tình mẫu tử nơi người mẹ, không nhìn thấy ý chí kiên cường nơi bậc anh hùng, không nhìn thấy trí khôn tuyệt vời của nhà khoa học ( bởi vì tình yêu, ý chí, trí tuệ... là những thực tại vô hình, không màu sắc, không trọng lượng, không khối lượng )... nhưng không ai dám phủ nhận rằng những thực tại nầy không có.

Với đôi mắt trần nầy, tầm nhìn của người ta rất hạn hẹp, như "ếch ngồi đáy giếng coi trời bằng vung".

Với đôi mắt trần nầy, chúng ta chỉ nhận thấy một ít sự vật phù du mà thôi. Còn những điều quan trọng, những điều chính yếu thì không thể nhận thấy. Nhà văn Saint-Exupéry đã khám phá ra điều nầy, ông viết: "L'essentiel est invisible pour les yeux" ( Thực tại thiết yếu thì mắt trần không thấy được ). Do đó, nhân loại cần đến những con mắt khác, những con mắt thứ ba để nhận thức những thực tại cao siêu. Con mắt nầy giúp người ta nhìn xa, nhìn rộng, nhìn sâu, nhìn thấy điều thiết yếu, nhìn thấy chân lý...

Con mắt thứ ba của các nhà vi trùng học là ống kính hiển vi. Nhờ con mắt nầy, nhà nghiên cứu có thể nhìn thấy vi trùng và những siêu vi cực nhỏ... Con mắt thứ ba của các nhà thiên văn là ống kính thiên văn, nhờ đó các nhà khoa học có thể thấy được những ngôi sao cách mặt đất đến mười tỉ năm ánh sáng... Con mắt thứ ba của các nhà quân sự là màn ảnh ra-đa, là vệ tinh quan sát... Chúng giúp các nhà quân sự nắm rõ địa hình cũng như các bí mật quân sự của đối phương nhằm đạt tới chiến thắng.

Trong Phật giáo, con mắt thứ ba của nhà tu hành đạt đạo là 'huệ nhãn', giúp người ta thấy được những thực tại tâm linh siêu hình. Ðối với Ðức Giê-su, con mắt thứ ba mà Ngài mong muốn các môn đệ Ngài phải có là Ðức Tin. Nhờ "Con Mắt Ðức Tin", nhân loại có thể nhận ra Thiên Chúa là Cha yêu thương, nhận ra Ðức Giê-su là Ðấng Cứu Ðộ, nhận ra mình có hồn thiêng bất tử, biết mình có cuộc sống mai sau, có thiên đàng hoả ngục...

Tông đồ Tô-ma chưa có con mắt thứ ba. Anh chỉ tiếp cận với thế giới qua đôi mắt trần. Anh chủ trương chỉ những gì được xem thấy tận mắt, được sờ tận tay... mới là điều có thực. Chính vì thế, khi nghe các môn đệ bảo anh: "Nầy Tô-ma, Thầy đã sống lại và đã hiện ra với chúng tôi", Tô-ma cho là chuyện đùa.

Cho dù Tô-ma có thấy Chúa tận mắt đi nữa, chắc gì anh đã tin, vì biết đâu đó chỉ là bóng ma của Chúa Giê-su hiện về. Anh đòi phải kiểm chứng bằng cách xỏ ngón tay vào lỗ đinh, đặt bàn tay vào cạnh sườn... thì anh mới tin ! Chúa Giê-su không hài lòng với quan điểm đó. Ngài nói: "Tô-ma, vì anh đã thấy Thầy nên anh mới tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin."

Như thế, phúc cho những ai không dùng đôi mắt trần, nhưng dùng con mắt thứ ba, "Con Mắt Ðức Tin" để nhận ra Chúa.

Lạy Chúa Giê-su, Chúa luôn tuyên dương những ai có Ðức Tin vì đó là con mắt tối cần giúp thấy được những thực tại siêu nhiên và đạt tới ơn cứu độ. Chúa luôn khiển trách các môn đệ khi các ông yếu lòng tin. Chúa buồn phiền vì dân chúng thiếu lòng tin. Chúa khiển trách Tô-ma là kẻ cứng lòng tin. Xin khai mở cho chúng con con mắt thứ ba, con mắt Ðức Tin, để chúng con nhận biết Thiên Chúa Cha là Cha yêu thương, nhận biết Ðức Giê-su là Ðấng cứu độ nhân loại và nhận biết Thánh Thần Chúa là Ðấng thánh hoá mọi người, cùng nhận biết mọi người là anh em thật của chúng con trong Chúa Ki-tô. Amen.

Linh mục Inhaxiô TRẦN NGÀ

SUY NIỆM 3:

LỜI "XIN VÂNG" TRONG LỄ TRUYỀN TIN

Năm nay, Lễ Truyền Tin được dời vào ngày mồng 8 tháng 4 năm 2002.

Trong ngày lễ Truyền Tin, Hội Thánh kính nhớ một biến cố quan trọng. Thiên thần báo tin cho Ðức Mẹ rằng: Thiên Chúa muốn chọn Ðức Mẹ làm Mẹ Ðấng Cứu Thế. Tin đó quá bất ngờ, vượt mọi suy nghĩ, mọi tưởng tượng, mọi đợi chờ. Phản ứng của Ðức Mẹ bắt đầu là bỡ ngỡ bàng hoàng lo sợ, nhưng tiếp đó là xin vâng ( Lc 1, 38 ).

Xin vâng là xin tuân phục ý Chúa. Xin vâng là xin cộng tác vào chương trình cứu độ của Chúa, với sự từ bỏ mình, với sự tuyệt đối phó thác đời mình trong tay Chúa.

Lập tức sau lời "xin vâng" của Ðức Mẹ, Ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống thế nhập thể trong lòng Ðức Mẹ. Tất cả đều diễn tiến một cách âm thầm, khiêm tốn. Từ đó "xin vâng" đã được coi như một giao ước mới, một bài ca mới, một con đường mới, của con người mới.

Khi nói xin vâng được coi như một giao ước mới, tôi nhớ lại việc Ðức Mẹ vội vã lên đường đi thăm viếng bà Ê-li-da-bét ( Lc 1, 39 - 45 ). Ði thăm để chia sẻ, để phục vụ, để nâng đỡ khích lệ bà Ê-li-da-bét. Theo Ðức Mẹ, thì mình được Chúa thương, là để mình biết thương người khác. Mình được Chúa chọn cộng tác với Chúa trong việc cứu độ, thì mình phải quyết tâm dấn thân góp phần cứu độ người khác. Mình nhận ơn Chúa ban, thì mình sẽ cố gắng chia sẻ ơn đó cho người khác.

Thiết tưởng đó là một giao ước mới về bác ái liên đới phát sinh từ lời xin vâng.

Khi nói xin vâng được coi như một bài ca mới, tôi nhớ lại tâm tình Ðức Mẹ trong kinh Tạ Ơn "Linh hồn tôi tung hô Chúa" ( Lc 1, 46 - 55 ). Tâm tình Ðức Mẹ là lời nói chân thành của người con bé nhỏ, đầy khiêm tốn, ngỡ ngàng biết ơn và phó thác đối với Chúa. Tâm tình Ðức Mẹ là khát vọng cứu độ tỏa ra sức nóng của tình yêu thương xót, nhưng lại khiêm nhường tế nhị đối với đồng bào, nhân loại. Tâm tình Ðức Mẹ là cái nhìn tiên tri sâu sắc của trái tim khiêm nhường về tương lai dành cho những kẻ khiêm tốn.

Thiết tưởng  đó là một bài ca mới về khiêm tốn khởi đi từ lời xin vâng.

Khi nói xin vâng được coi là một con đường  mới, tôi nhớ lại biến cố Ðức Mẹ sinh Chúa Giê-su tại hang đá Bê-lem ( Lc 2, 1 - 7 ). Ðang khi hầu hết mọi người đều coi giàu sang chức quyền danh vọng là những bậc thang giới thiệu gía trị con người, thì Ðức Mẹ đã không nghĩ như vậy, đã không vận động chút nào để được như vậy. Trái lại, Ðức Mẹ đã lặng lẽ đi vào con đường khó nghèo. Con đường đó đã khởi đi từ hang đá Bê-lem và kéo dài từng ngày, từng tháng, từng năm, suốt cả cuộc đời Ðức Mẹ. Trên con đường đó, Ðức Mẹ đã cầu nguyện, đã suy gẫm trong lòng, đã lắng nghe Chúa, đã thông hiệp với sự sống Chúa.

Thiết tưởng đó là một con đường mới về sự nghèo khó được vạch ra từ lời xin vâng.

Con đường mới đó, bài ca mới đó, giao ước mới đó đều nói lên Ðức Mẹ là con người mới. Mới về nhiều phương diện, nhưng nhất là về phương diện Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Ðức Mẹ, để đổi mới con người của Mẹ ( Lc 1, 35 ).

Qua việc Ngôi Hai xuống thai trong lòng Ðức Mẹ, Chúa Thánh Thần đã đưa tình yêu thương xót của Thiên Chúa vào nhân loại, đã mạc khải Thiên Chúa là tình yêu, đã khai mở một nguồn mạch ơn thánh cứu độ vô cùng phong phú cho mọi người thiện chí.

Do đó, Ðức Mẹ là con người mới, là tác phẩm tuyệt vời của Chúa Thánh Linh. Với đặc điểm là Ðức Mẹ có một trái tim giống trái tim Chúa Giêsu, trong sạch, hiền lành, khiêm nhường, cháy rực lửa tình yêu thương xót.

Những chia sẻ vắn tắt trên đây có thể giúp chúng ta phần nào, để chuẩn bị mừng Lễ Truyền Tin một cách sống động sát với thời sự.

Thời sự hiện nay, nếu nhìn về góc độ xin vâng ý Chúa, thì đó là cả một vấn đề đáng phải lo ngại. Bởi vì có những người coi trọng ý Chúa và xin vâng ý Chúa. Cũng có những người coi thường ý Chúa và chống lại ý Chúa. Có những người hiểu sai ý Chúa, vô tình hoặc cố tình. Có những người gán cho ý Chúa những ý riêng của mình. Có những người muốn ý Chúa hợp theo ý riêng mình, cho dù ý riêng mình là quái gở.

Thời sự hôm nay là Ít-ra-en, quê hương của Ðức Mẹ, đang là mảnh đất diễn ra vòng xoáy hận thù và đổ máu. Vòng xoáy kinh hoàng này càng ngày càng mở rộng trên đất, đồng thời càng xoáy sâu vào lòng dân. Từ mảnh đất này hằng ngày truyền đi khắp năm châu những tin đau đớn, gây nên băn khoăn nặng nề cho hoà bình thế giới. Thời sự này làm cho rất nhiều người phải khóc, phương chi Ðức Mẹ.

Nhưng theo tôi, thời sự hiện nay quan trọng nhất chính là chuyện của bản thân ta. Ta có lắng nghe ý Chúa không ? Và ta có xin vâng ý Chúa thực không ? Ðoạn Phúc Âm sau đây sẽ gợi ý cho ta thấy rõ ý Chúa về ta trong thời sự hôm nay:

"Cùng lúc ấy, có mấy người đến kể lại cho Ðức Giê-su nghe chuyện những người Ga-li-lê bị tổng trấn Phi-la-tô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng. Ðức Giê-su đáp lại rằng: "Các ông tưởng mấy người Ga-li-lê đó tội lỗi hơn mọi người Ga-li-lê khác, bởi lẽ họ đã chịu đau khổ như vậy sao ? Tôi nói cho các ông biết: Không phải thế đâu. Nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy". "Cũng như mười tám người kia bị tháp Si-lô-e đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giê-ru-sa-lem sao ? Tôi nói cho các ông biết: Không phải thế đâu. Nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết như vậy" ( Lc 13, 1 - 5 ).

Suy gẫm đoạn Phúc Âm trên, tôi có cảm tưởng là Chúa muốn báo tin cho từng người chúng ta biết rõ ý Chúa. Ðó là đừng quá bận tâm xét đoán người khác, nhưng hãy ưu tiên lo phần rỗi của mình. Lo bằng cách sám hối ăn năn, đổi mới chính mình. Cách đó là cách tốt nhất để góp phần vào việc cứu độ người khác.

Chúa báo tin cho chúng ta ý Chúa là như thế đó. Rất rõ ràng. Ở Fatima Ðức Mẹ cũng báo cho chúng ta tin đó. Cũng rất rõ ràng. Chúng ta hãy đáp lại bằng lời xin vâng.

Xin vâng của chúng ta là một hành trình dài đi về với Chúa. Hãy bước đi với những bước nhỏ. Như hằng ngày cầu nguyện bằng kinh Kính Mừng và chuỗi Mai Khôi. Như hằng ngày đến bên trái tim Ðức Mẹ, để xin trái tim Ðức Mẹ chia sẻ cho ta bầu khí thinh lặng, chiêm niệm, lửa bác ái nồng nàn và sức mạnh lạ lùng của khiêm nhường nghèo khó. Như hằng ngày thực hiện đôi ba việc bác ái, thương cảm liên đới với những người nghèo, bệnh tật, xa Tin Mừng, bị xã hội loại trừ. Như hằng ngày tập nói và làm những gì mang tính cách phục vụ hoà bình hiệp nhất trong yêu thương và tế nhị. Như hằng ngày dùng lòng tin mến biến những mệt mỏi khổ đau của mình thành của lễ đền tội tạ ơn, và xin ơn an bình cho gia đình quê hương và thế giới.

Nếu lời xin vâng của chúng ta được hiệp thông sâu sắc với lời xin vâng của Ðức Mẹ, thì đây sẽ là một hy vọng mới cho tương lai bản thân ta, cho Hội Thánh ta, cho quê hương Việt Nam chúng ta, và cho tất cả nhân loại.

Gm. BÙI TUẦN, Giáo Phận Long Xuyên

 

SUY NIỆM 4:

LỄ TRUYỀN TIN, THỨ HAI 8.4.2002: SUY NIỆM NĂM SỰ VUI

Mẹ thân yêu của con, con rất yêu thích đọc kinh Mai Khôi mà Mẹ đã dạy và hằng luôn nhắc nhở chúng con siêng năng nguyện gẫm. Nhưng Mẹ ơi, xưa nay con chỉ có quen đọc thôi, chứ không nhớ hoặc đôi khi không biết suy gẫm các mầu nhiệm Mai Khôi như thế nào. Thật là thiếu sót khi chỉ đọc mà không suy gẫm các mầu nhiệm, phải không Mẹ ? Hôm nay, con viết thư này cho Mẹ để xin Mẹ giúp con suy niệm các mầu nhiệm cho sốt sắng hơn, hầu thêm lòng mến yêu Mẹ và kính yêu Chúa nhiều hơn. Xin Mẹ giúp con. Con xin viết ra đây Năm Sự Vui để xin Mẹ dạy dỗ con thêm.

Thứ nhất thì ngắm: Thiên Thần truyền tin cho Ðức Bà chịu thai, ta hãy xin cho được ở khiêm nhượng.

"Kính mừng Ma-ri-a đầy ơn phúc..." Khi lặp đi lặp lại lời kinh này, con muốn cùng với Thiên Thần Gáp-ri-en xưa kia kính mừng Mẹ "đầy ơn phúc" vì Thiên Chúa ở cùng Mẹ. Hơn nữa, Mẹ thật sự "có phúc hơn mọi người phụ nữ" khi được Chúa chọn làm Mẹ của Ngôi Hai Thiên Chúa. Mặc dù vậy, Mẹ đã hết sức khiêm tốn khi nói lên lời "Xin vâng" theo Thánh ý Chúa. Con cầu xin Mẹ giúp con sống đơn sơ khiêm nhượng, không được như Mẹ hoàn toàn, nhưng ít ra cũng giống như Mẹ một phần nào đó.

"Thánh Ma-ri-a Ðức Mẹ Chúa Trời...". Sau khi nghe Thiên Thần báo tin như vậy, thì Thánh Thần Chúa đã ngự xuống trong Mẹ tràn đầy, và bấy giờ Mẹ đã bắt đầu là Mẹ của Thiên Chúa Ngôi Hai. Vậy con xin Mẹ thương cầu cho chúng con là những kẻ tội lỗi "khi nay và trong giờ lâm tử" để chúng con luôn xứng đáng là con cái Chúa.

Thứ hai thì ngắm: Ðức Bà đi viếng Bà Thánh Ê-li-sa-bét, ta hãy xin cho được lòng yêu người.

"Kính mừng Ma-ri-a đầy ơn phúc..." Con nhớ lại khi xưa Mẹ đã không quản đường xa khó nhọc để đi thăm Thánh Ê-li-sa-bét, người chị họ của mình. Lúc đó, Chúa Giê-su đã ở trong lòng Mẹ, nên con thật sự vui mừng khi kính chào Mẹ "đầy ơn phúc Ðức Chúa Trời ở cùng Mẹ". Và khi đọc "...Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ và Giê-su con lòng Bà gồm phúc lạ", con cũng không quên những lời của Thánh Nữ Ê-li-sa-bét đã nói với Mẹ khi Mẹ vừa bước vào nhà. Vì tình chị em, Mẹ đã tận tình giúp đỡ chị mình. Con xin Mẹ giúp con sống bác ái và yêu thương tha nhân, luôn biết xả kỷ giúp đỡ mọi người vì tình yêu.

"Thánh Ma-ri-a Ðức Mẹ Chúa Trời..." Xin Mẹ cầu cho con là kẻ có tội, đặc biệt là các lỗi về đức bác ái. Nhiều khi con đã ích kỷ, chỉ bo bo suy tính cho mình mà không biết nghĩ cho người khác. Lại có lúc con thờ ơ không giúp đỡ người đang cần sự giúp đỡ của con. Xin Mẹ cầu cho chúng con !

Thứ ba thì ngắm: Ðức Bà sinh Ðức Chúa Giê-su nơi hang đá, ta hãy xin cho được lòng khó khăn.

"Kính mừng Ma-ri-a đầy ơn phúc..." Một đêm đông lạnh giá, trong một hang đá ở Bê-lem, Mẹ đã hạ sinh Chúa Giê-su. Hòa cùng niềm vui của Mẹ, và cùng với các Thiên Thần và các Thánh, con xin "kính mừng Ma-ri-a đầy ơn phúc…". Và chính lúc này, Mẹ là người có phúc hơn hết tất cả các người phụ nữ trên trần gian: Mẹ là người đầu tiên nhìn thấy Ðức Ki-tô con của Mẹ, Ðấng Cứu Ðộ của loài người.

"Thánh Ma-ri-a Ðức Mẹ Chúa Trời..." Bên máng cỏ, nơi Hài Nhi Giê-su đang say giấc ngủ, xin Mẹ cầu cho chúng con là những kẻ tội lỗi. Vì tội lỗi chúng con, Chúa đã xuống thế làm người, một con người nghèo khó. Xin Mẹ giúp chúng con sống tinh thần nghèo khó như Chúa đã dạy, xin giúp chúng con sống thanh đạm để ngày càng trở nên giống Chúa nhiều hơn.

Thứ bốn thì ngắm: Ðức Bà dâng Ðức Chúa Giê-su vào Ðền Thánh, ta hãy xin cho được vâng lời chịu lụy.

"Kính mừng Ma-ri-a đầy ơn phúc..." Với Chúa Giê-su Hài Ðồng ẵm trên tay, Mẹ thật sự đầy ơn phúc vì chính Ðức Chúa Trời đang ở cùng Mẹ. Mẹ đã vâng theo ý Chúa, thể hiện qua việc tuân theo Luật Chúa dâng con vào Ðền Thờ. Con còn nhớ lời tiên báo của Thánh Si-mê-on nói với Mẹ. Chắc lúc ấy, Mẹ cũng đã suy nghĩ, nhưng không nói ra mà chỉ suy gẫm trong lòng. Có thể Mẹ chưa thấy được những viễn cảnh mà Chúa Giê-su sẽ gặp phải sau này, nhưng chỉ nguyện trong lòng một điều là xin vâng theo thánh ý Chúa. Xin Mẹ giúp con luôn biết nói "Vâng" với Chúa, ngõ hầu mọi thánh ý của Ngài được thực hiện toàn vẹn nơi con.

"Thánh Ma-ri-a Ðức Mẹ Chúa Trời..." Xin Mẹ cầu cho chúng con là những kẻ đã nhiều lần phạm tội bất phục tùng, không nghe theo tiếng Chúa mời gọi trong tâm hồn, không sống theo những gì Ngài đã dạy. Mẹ biết con yếu đuối, nên xin Mẹ, hãy giúp con dám can đảm sống "xin vâng" như Mẹ. Con không dám xin Chúa đừng gửi đến cho con những thử thách khó khăn, vì chính những thử thách mới giúp linh hồn con được tôi luyện, nhưng con chỉ xin Chúa, nhờ lời cầu bầu của Mẹ, ban cho con được thêm nhiều ơn thánh để con đủ nghị lực vượt qua mọi thử thách ấy và sống trung thành mến yếu Chúa suốt đời con.

Thứ năm thì ngắm: Ðức Bà tìm được Ðức Chúa Giê-su trong Ðền Thánh, ta hãy xin cho được giữ nghĩa cùng Chúa luôn.

"Kính mừng Ma-ri-a đầy ơn phúc..." Với mầu nhiệm này, con hân hoan kính mừng Mẹ vì Mẹ được Thiên Chúa ( cậu bé Giê-su của Mẹ ) ở cùng đã tròn 12 năm. Một lần, Mẹ đã để lạc mất Chúa Giê-su, Mẹ đã hết sức lo lắng đi tìm. Và khi tìm lại được Chúa rồi, Mẹ vui mừng xiết bao. Cùng mừng với Mẹ, con xin dâng lên những lời kinh Kính Mừng này.

"Thánh Ma-ri-a Ðức Mẹ Chúa Trời..." Xin Mẹ cầu cho chúng con là những tội nhân, là những kẻ lắm lúc lầm đường lạc lối. Mẹ ơi, xin Mẹ giúp con đừng để con lạc mất Chúa bất kỳ giây phút nào trong cuộc đời đầy thử thách cám dỗ nàyï.

Con xin tạm dừng tại đây, hẹn gặp lại Mẹ thư sau, con sẽ xin Mẹ chỉ dạy con suy niệm Năm Sự Thương Khó của Chúa Giê-su. Nhân Lễ Truyền Tin, con chúc mừng Mẹ vì ân sủng làm Mẹ Thiên Chúa mà Mẹ đã lãnh nhận; và cùng với Mẹ, con xin dâng lên Chúa tâm tình thành kính tạ ơn vì Chúa đã thương ban cho Mẹ ân sủng trọng đại này. Con của Mẹ.

Lm. Don Bosco TRẦN ÐỨC QUÝ

SUY NIỆM 4:

MẦU NHIỆM VUI THỨ NHẤT - THIÊN THẦN TRUYỀN TIN CHO ÐỨC BÀ MA-RI-A

Trong chương đầu Phúc Âm của mình, Thánh Lu-ca thuật lại biến cố Ðức Ma-ri-a được truyền tin về sứ mạng của mình: "Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Ða-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a" ( c. 26 – 27 ).

LỜI CHÀO CỦA THIÊN THẦN

"Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: "Mừng vui lên, hỡi Ðấng đầy ân sủng, Ðức Chúa ở cùng bà." Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì" ( c. 28 - 29 ).

Ma-ri-a được sứ thần gọi bằng một tên mới. Ðây là điều Chúa thường làm đối với những người Ngài gọi để lĩnh sứ mạng trọng yếu trong Chương Trình của Ngài ( x. St 17, 5.15; 32, 29; Mt 16, 18 ). Tên mới này của Ma-ri-a là "Ðấng đầy ân sủng", điều này cho thấy Ma-ri-a đã được Thiên Chúa chọn để lĩnh sứ vụ trọng yếu và được ban ân sủng cần thiết để hoàn thành sứ vụ.

"Ðức Chúa ở cùng bà" như vẳng lại lời chào của thiên thần cho Ghít-ôn khi ông được Chúa gọi trở thành vị thủ lãnh giải phóng dân Ít-ra-en khỏi ách thống trị của quân Ma-đi-an ( Tl 6, 11 - 18 ). Không chỉ là lời chào, "Ðức Chúa ở cùng bà" còn là lời khẳng định một sự kiện có liên quan mật thiết đến mầu nhiệm Nhập Thể. Thánh Âu-tinh bình luận lời đó bằng cách đặt vào miệng thiên thần câu sau đây: "Ngài ở với bà còn nhiều hơn ở với tôi: Ngài ở trong tâm hồn bà, định hình và trở thành nhục thể trong người bà, Ngài tràn ngập linh hồn bà, Ngài ngự trong cung lòng bà" ( Sermo de Nativitate Domini, 4 ).

TIN MỪNG

Rồi thiên thần bèn nói cùng Ma-ri-a: "Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Ðức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Ða-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận" ( c. 30 - 33 ).

Tổng thiên thần Gáp-ri-en loan báo cho trinh nữ Ma-ri-a rằng trinh nữ sẽ trở nên Mẹ Thiên Chúa bằng cách lặp lại lời ngôn sứ I-sai-a loan báo từ xa xưa rằng Ðấng Mê-si-a sẽ sinh bởi một người trinh nữ, lời tiên tri ấy nay được hoàn thành nơi Ðức Ma-ri-a ( x. Mt. 1, 22 - 23; Is 7, 14 ). I-sai-a mô tả việc hoàn thành lời hứa ấy cho chúng ta thấy trong một đoạn văn có thể nói là diễm lệ nhất trong Kinh Thánh, mà chúng ta nghe đọc trong đêm Giáng Sinh:

"Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi. Chúa đã ban chứa chan niềm hoan hỷ, đã tăng thêm nỗi vui mừng. Họ mừng vui trước nhan Ngài như thiên hạ mừng vui trong mùa gặt, như người ta hỷ hoan khi chia nhau chiến lợi phẩm. Vì cái ách đè lên cổ dân, cây gậy đập xuống vai họ, và ngọn roi của kẻ hà hiếp, Ngài đều bẻ gãy như trong ngày chiến thắng quân Ma-đi-an. Vì mọi giầy lính nện xuống rần rần và mọi áo choàng đẫm máu sẽ bị đem thiêu, làm mồi cho lửa.

Vì một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta. Người gánh vác quyền bính trên vai, danh hiệu của Người là Cố Vấn kỳ diệu, Thần Linh dũng mãnh, người Cha muôn thuở, Thủ Lãnh hoà bình. Người sẽ mở rộng quyền bính, và lập nền hoà bình vô tận cho ngai vàng và vương quốc của vua Ða-vít. Người sẽ làm cho vương quốc được kiên cố vững bền trên nền tảng chính trực công minh, từ nay cho đến mãi muôn đời. Vì yêu thương nồng nhiệt, Ðức Chúa các đạo binh sẽ thực hiện điều đó" ( Is 9, 1 - 6 ).

Ðức Giêsu tuyên bố Ngài hoàn thành lời hứa này khi Ngài ban cho các môn đệ sứ vụ lớn lao: "Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế" ( Mt 28, 18 - 20 ).

QUYỀN NĂNG CỦA THIÊN CHÚA

Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: "Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng !" Sứ thần đáp: "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Ðấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Ðấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được" ( c. 34 - 37 ).

Ðối với Chúa thì không có gì mà không thể thực hiện được! Ngài tạo dựng trời đất và mọi cư dân ( St 1 ). Ngài có thể đem sự sống vào trong cung lòng người nữ đã có tuổi, có tiếng là son sẻ và cũng có thể gieo sự sống vào trong một cung lòng trinh trong. Ngài có thể hóa nước thành rượu ( Ga 2, 1 - 11 ). Ngài có thể lấy phần ăn của một em nhỏ mà nuôi những cả một đám đông quần chúng ( Mt 14, 15 - 21; 15, 32 - 39; Mc 6, 34 - 44; 8, 1 - 10; Lc 9, 10 - 17; Ga 6, 1 - 15 ). Ngài có thể chữa kẻ què đi được, người mù được sáng mắt. Ngài có thể biến đổi bánh và rượu trở thành mình và máu Ngài ( Mt 16,16 - 28; Mc 14, 22 - 23; Lc 22, 17 - 20 ) nhằm cung cấp cho chúng ta của ăn đem lại sự sống đời đời ( Ga 6, 35.48 - 58 ).

TIẾNG XIN VÂNG CỦA MA-RI-A

"Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: "Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói." Rồi sứ thần từ biệt ra đi" ( c. 38 ).

Bình luận về các câu trên, Ðức Gio-an Phao-lô II nói:

"Virgo fidelis, đức nữ trung tín thật thà. Ðức trung tín của Ma-ri-a nghĩa là gì ? Trung tín bao gồm các chiều kích gì ? Chiều kích thứ nhất gọi là tìm kiếm. Trước hết, Ma-ri-a tỏ ra trung tín khi ngài bắt đầu tìm kiếm ý nghĩa sâu xa của chương trình Thiên Chúa nơi mình và cho thế giới. Quomodo fiet ? Sự việc xảy ra như thế nào ? Ngài hỏi Sứ Thần Truyền Tin ( ... ).

Chiều kích thứ hai của trung tín gọi là tiếp nhận, chấp nhận. Lời Quomodo fiet ? trên môi Ma-ri-a chuyển thành một lời fiat: Xin cứ làm cho tôi như lời sứ thần truyền, tôi sẵn sàng, tôi chấp nhận. Ðây là giờ phút hệ trọng của đức trung tín, giờ phút mà con người cảm thấy mình sẽ không bao giờ hiểu thấu được từ "như thế nào"; trong kế hoạch của Thiên Chúa có các khu vực mang tính nhiệm mầu nhiều hơn là tính sáng sủa, rõ ràng; cho dù có ra sức phấn đấu đến đâu chăng nữa thì cũng chẳng tài nào lĩnh hội đầy đủ sự việc ( ... )

Chiều kích thứ ba của đức trung tín là sự kiên định, kiên trì sống theo những điều mình tin tưởng, sẵn sàng điều chỉnh cuộc đời mình cho phù hợp với mục tiêu mình theo đuổi. Sẵn sàng chấp nhận bị hiểu lầm, bắt bớ còn hơn ngôn hành bất nhất, tin một đàng mà làm thì một nẻo; điều này gọi là tính kiên định ( ... )

Tuy nhiên, mọi sự trung tín đều phải trải qua cuộc thử nghiệm khốc liệt nhất: sự thử thách của thời gian. Do đó, chiều kích thứ tư là tính thuỷ chung như nhất. Kiên trì ngày một ngày hai thì dễ. Kiên trì trong suốt cuộc đời thì khó và đây mới là điều quan trọng. Kiên trì đang khi hào hứng, hồ hởi phấn khởi thì dễ, còn vẫn giữ được sự kiên trì trong cơn thử thách khốn quẫn mới khó. Và chỉ có sự kiên trì kéo dài cho đến suốt đời mới là tín trung. Lời thưa"fiat" xin vâng của Ðức Ma-ri-a trong buổi Truyền Tin trở nên viên mãn trong tiếng ‘fiat’ xin vâng âm thầm mà Mẹ lập lại dưới chân Thập Giá" ( Ðức Gio-an Phao-lô II, i giảng tại Vương Cung Thánh Ðường Mexico City, 26 tháng 1 năm 1979 ).

KẾT LUẬN

Chúng ta vừa cung chiêm Ðức Ma-ri-a tràn đầy thánh thiện, có một không hai ngay từ lúc mới được thụ thai, Ðức Trinh Nữ thành Na-da-rét được Thiên Thần vâng lệnh Thiên Chúa đến truyền tin và kính chào là "Ðấng đầy ân phúc" ( x. Lc 1, 28 ). Và Trinh Nữ đã đáp lời sứ thần rằng: "Này tôi là Tôi Tá Chúa, xin hãy xảy ra cho tôi theo lời ngài" ( Lc 1, 38 ). Như thế, Ðức Ma-ri-a, con cháu A-đam, vì chấp nhận lời cứu độ của Thiên Chúa, đã trở nên mẹ Chúa Giêsu. Hết lòng đón lấy ý định cứu rỗi của Thiên Chúa, vì không một tội nào ngăn trở ngài.

Ðức Ma-ri-a đã tận hiến làm tôi tớ Chúa, phục vụ cho thân thế và sự nghiệp của Con ngài, và nhờ ân sủng của Thiên Chúa toàn năng, phục vụ mầu nhiệm cứu chuộc dưới quyền và cùng với Con ngài. Bởi vậy, các Thánh Giáo Phụ đã nghĩ rất đúng rằng: Thiên Chúa đã không thu dụng Ðức Ma-ri-a một cách thụ động, nhưng đã để ngài tự do cộng tác vào việc cứu rỗi nhân loại, nhờ lòng tin và sự vâng phục của ngài.

Thực vậy, Thánh I-ren-nê nói: "Chính ngài, nhờ vâng phục, đã trở nên nguyên nhân cứu rỗi cho mình và cho toàn thể nhân loại". Và cùng với Thánh I-ren-nê còn có rất nhiều Thánh Giáo Phụ thời xưa cũng không ngần ngại giảng dạy rằng: "Nút dây đã bị thắt lại do sự bất tuân của E-và, nay được gỡ ra nhờ sự vâng phục của Ðức Ma-ri-a; điều mà E-và đã buộc lại bởi cứng lòng tin, Ðức Ma-ri-a đã tháo ra nhờ lòng tin; và so sánh với E-và, các ngài gọi Ðức Ma-ri-a là "Mẹ kẻ sống", và thường quả quyết rằng: "Bởi E-và đã có sự chết, thì nhờ Ma-ri-a lại được sống" ( Vatican II, Lumen gentium, 56 ).

Truyền Tin cho Ðức Ma-ri-a và Nhập Thể của Ngôi Lời là mầu nhiệm thâm sâu nhất về mối quan hệ giữa Thiên Chúa và loài người và là biến cố quan trọng nhất trong lịch sử nhân loại: Thiên Chúa làm người và ở cùng chúng ta mãi mãi. Ấy vậy mà khi Ngôi Hai Thiên Chúa xuống làm người, nhập thể trong cung lòng tinh khiết của Ðức Trinh Nữ Ma-ri-a, thì biến cố lẽ ra phải long trời lở đất lại diễn ra trong âm thầm, không kèøn không trống.

Ta thấy rằng Thánh Lu-ca đã thuật câu truyện trên bằng một ngôn ngữ hết sức bình dị. Thái độ của ta trước đoạn Lời Chúa là hãy trân trọng và năng sử dụng những lời Phúc Âm này, chẳng hạn như ta có thể thực hành tập quán Ki-tô giáo đọc kinh Truyền Tin mỗi ngày và suy niệm năm mầu nhiệm vui của Kinh Mai Khôi.

ÐAN QUANG TÂM

Viết theo:

1. A Scriptural Reflection on the Rosary: the First Joyful Mystery, Maryann Marshall, www.petersnet.net

2. The Navarre Bible St Luke, Nhà Xuất Bản Four Courts Press, Kill Lane, Blackrock, Co. Dublin, Ireland, 1997.

CÂU TRUYỆN:

NÊN TIN NGƯỜI SỐNG

Có hai thanh niên da đen làm nô lệ cho một ông chủ Hồi giáo ở Bắc Phi. Ông thường hay dạy hai đứa phải tin lời tiên tri Mahomed. Ông cũng kể cho hai đầy tớ biết thi hài của Mahomed hiện đang được lưu giữ trong một chiếc hòm ở thành Medine bên xứ Ả-rập.

Một ngày kia, hai đứa trẻ nghe một nhà truyền giáo nói về sự chết và sự sống lại của Ðức Giê-su. Ðêm hôm đó, hai thiếu niên bàn với nhau: "Anh nghĩ sao, ông chủ chúng ta nói Mahomed đã chết và xác vị tiên tri này đang được giữ trong một chiếc hòm. Còn vị giáo sĩ da trắng lại dạy chúng ta rằng: Ðức Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa, Ngài đến trần gian chịu chết cho chúng ta và đã sống lại, hiện đang sống ngự bên hữu Chúa Cha trên trời, như vậy biết tin bên nào ?"

Ðứa bé kia trả lời: "Tôi nghĩ, chúng mình nên tin vào người đang sống hơn là tin vào một kẻ chết."

Trích NỐI LỬA CHO ÐỜI tập 8

THÔNG TIN:

THÔNG TIN VỀ CÁC KHOẢN TIỀN ÂN NHÂN MỚI GIÚP

- Bà Chín Sự Bình Triệu ( Hoa Kỳ ) qua cô Lê Anh Hiền, giúp người nghèo ..............................................................  150 USD

- Một ân nhân ẩn danh ở Tràng Thi ( Hà Nội ) giúp người nghèo và người dân tộc ở Kontum ................... 2.000.000 VND

- Một ân nhân ( Sài-gòn ) gửi qua Bưu Ðiện, giúp người nghèo ............................................................................  500.000 VND

- Một ân nhân ẩn danh ( Hoa Kỳ ) qua cha Bùi Quang Diệm, giúp người nghèo ........................................................  100 USD

THÔNG TIN VỀ MỘT GIA ÐÌNH NGHÈO Ở CỦ CHI

Cha Mai Văn Hiền DCCT, giới thiệu trường hợp gia đình chị Ma-ri-a LÊ THỊ NGA, sinh năm 1954, hiện ngụ tại xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, thuộc Giáo Xứ Tân Thông của cha Phao-lô Nguyễn Văn Khi. Gia đình không có đất, chỉ dựng chòi ở nhờ trên đất của người quen. Chị Nga bị bệnh hậu sản suốt 3 năm qua sau khi sinh đứa con thứ 6. Danh sách các con của chị là: NGUYỄN Ý HẬU, sinh năm 1987, học lớp 8 trường Trung Học Cơ Sở Tân Thông Hội, NGUYỄN ÐỖ HOÀI NAM, sinh năm 1989, đang học lớp 6 trường nêu trên, NGUYỄN ÐỖ HOÀI PHƯƠNG, sinh năm 1990, học lớp 4 trường Tiểu Học Tân An Hội, NGUYỄN ÐỖ HOÀI TÂN, sinh năm 1994, học lớp 2 trường nêu trên, NGUYỄN ÐỖ HOÀI GIANG, sinh năm 1996, học ở trường Mẫu Giáo Bông Sen, NGUYỄN ÐỖ HOÀI SƠN, sinh năm 1999.

Gospelnet xin trợ giúp chị Nga lo liệu cho các con, mỗi cháu bé 50.000 VND một tháng trong 2 tháng, tổng cộng: 600.000 VND. Rất mong quý độc giả gần xa nhận trợ giúp lâu dài cho gia đình chị.

THÔNG TIN VỀ CHUYẾN ÐI CHIA SẺ VỚI ÐỒNG BÀO DÂN TỘC Ở PLEIKU

Từ ngày 22 đến 24 tháng 3 vừa qua, một nhóm ca đoàn thuộc xóm 7 và xóm 8 Giáo Xứ Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp Sài-gòn cùng một số anh chị em thiện nguyện đã lên thăm điểm truyền giáo Pleichuet, Giáo Phận kontum, do một cộng đoàn anh em DCCT phụ trách. Sr. Nguyễn Thị Chung, 1 thành viên trong nhóm, đã ghi lại các cảm nhận về chuyến đi chia sẻ ngay trong Tuần Thánh này...

Ôi, làm sao tôi kể cho hết và diễn tả cho đúng những khuôn mặt thánh thiện kia. Tất cả như một cuốn phim cứ từ từ trải ra trong đầu tôi, hơi lộn xộn một chút, bị ngắt từng khúc, chắp nối với nhau, lúc là cảnh vui nhộn với những cuộc chơi, lúc vui đùa thân ái bên nhau, có lúc là những cảnh đau thương vì có những bệnh nhân đủ loại đến để được khám bệnh, nhổ răng và phát thuốc, lúc lại là cảnh trang nghiêm của Lễ Lá ngay dưới bầu trời Tây Nguyên trữ tình... Và tôi chỉ việc thuyết minh cho cuốn phim mà không cần theo một thứ tự nào.

Ðó là những khuôn mặt với làn da đen sạm, có cả chút phấn hồng của bụi đất ba-dan. Ðó là những nụ cười rạng rỡ thật vô tư với những hàm răng trắng như những hạt bắp nằm sát nhau. Ðó là những cặp mắt hiền lành với làm mi cong, dày và huyền mị, có cả những cái mũi xinh xinh với giòng nước... xanh xanh... Tất cả những hình ảnh đó được sắp xếp lại thật trật tự trong một buổi sáng long trọng, linh đình và rầm rộ của Chúa Nhật Lễ Lá, ngày 24.4.2002.

Dẫn đầu là cha Vương Ðình Tài với mái đầu chỉ còn lơ thơ vài sợi tóc bạc phơ, dáng người thấp bé, vẻ mặt đơn sơ. Tôi nghĩ: Ôi, ông Chúa Chiên Lành đang tiến vào Ðền Thánh Giê-ru-sa-lem, hiên ngang mà dịu dàng, đơn sơ, khiêm tốn và quá ư con người nữa. Cành lá dừa non ông đang cầm thật là có một không hai, nó được một em thanh niên khéo tay trong ca đoàn từ Sài-gòn lên đây, kết thành một chùm với một hình Thánh Giá làm nền, xung quanh là hoa hồng, hoa cúc, có cả những con cào cào, cả một con rắn uốn quanh nữa, giống như thể các môn đệ đang quây quần bên Chúa Giê-su. Và kìa, những môn đệ bằng xương bằng thịt lúc này đang hô vang: Hô-san-na ! Hô-san-na ! Con Vua Ða-vít... nhưng bằng tiếng J’rai và với âm điệu đặc thù Tây Nguyên...

Bên cạnh ông cha già là ông thầy sáu Nguyễn Ðức Thịnh, to lớn, khỏe mạnh, trẻ trung như một cành tre non tràn đầy sức sống và hy vọng. Ông mới lên đây phục vụ mấy năm mà tiếng dân tộc đã không thua ai. Ông cha đã từng chọc ông thầy: "Ông này khá... Chịu khó nói tiếng dân tộc lung tung tầm bậy nên mới mau giỏi vậy đó !"

Thế là ông cha, ông thầy và đoàn dân lũ lượt tiến lên, lời ca vang cả một vùng trời Tây Nguyên. Trong đám đông ấy đa số là con nít, mới lúc nãy còn chơi trò co giò co cẳng để chọi nhau hết mình, vậy mà bây giờ khuôn mặt đứa nào đứa nấy đều nghiêm trang trịnh trọng.

Lại có một nhóm các bà mẹ địu con trên lưng bằng một tấm vải, có đứa còn sơ sinh, chưa đủ một tuần tuổi. Những đứa lớn hơn một tý thì lon ton đi theo nắm váy mẹ, đứa bên phải, đứa bên trái... Mới hôm trước, khi gặp những bà mẹ "giàu" con này, tôi rất ngạc nhiên vì thấy họ không có chút gì là lo âu phiền muộn, ngược lại ai cũng hớn hở hãnh diện vì đã được Chúa ban cho đông con nhiều cháu. Có bà sinh đôi, mẹ bế một đứa, và con bé chị của nó bế giúp một đứa, đứa nào cũng xanh xao vì suy dinh dưỡng, khuôn mặt dường như chỉ thấy có hai con mắt to tròn, kế nữa là cái mũi nhỏ xíu lòng thòng "hai giòng sông với đôi bờ cẩm thạch !" Tôi hỏi bà mẹ còn trẻ măng: "Có bao giờ kế hoạch hóa sinh sản không ?" Bà ta không hiểu là gì. Khi tôi cắt nghĩa rồi thì bà có vẻ ngạc nhiên nhìn tôi như thể muốn nói: Toàn là chuyện kỳ quặc, làm như vậy là trái với đạo dân tộc và cả đạo Chúa nữa. Cha mẹ tôi, ông bà nội ngoại tôi, cả dân tộc tôi đều như thế cả, mà vẫn vui, vẫn sống hạnh phúc. Chúng tôi có ao ước gì khác đâu... Thế rồi họ chỉ cười !

Trở lại với cảnh đám rước. Tôi chú ý đến đám thanh niên thiếu nữ, những khuôn mặt thật khôi ngô tuấn tú và xinh đẹp, thêm vào nữa là nét hồn nhiên trong sáng, như thể hoàn toàn ở bên này bức rào cản của đồng tiền, của chuyện đua đòi ăn chơi xả láng hoặc lười biếng gian tham. Người ta có thể đọc được ở đó một tâm hồn trung hiếu, ngay thẳng, nhạy cảm trước những vấn đề tâm linh sâu sắc.

Tôi lại quay ống kính sang các em ca đoàn người dân tộc ở đây, tôi thấy họ diễn tả những bài hát âm điệu Tây Nguyên của họ thật hay và sống động, với hết cả tâm hồn. Mà kìa, cả đến cha mẹ ông bà của các em cũng thế, họ tỏ ra hay nhường hay nhịn, chịu thua chịu thiệt, vui vẻ với phận nghèo, đơn sơ chất phác, không thích bon chen theo kiểu... người Kinh. Niềm tin của họ vào Thiên Chúa thì khỏi phải bàn nữa. Tôi nghe nói, có lần cả Nhà Thờ đầy tràn người, tất cả lớn bé già trẻ đều khóc sướt mướt khi ông cha giảng về Tình Yêu của Thiên Chúa đối với con người... Và tôi nghĩ đây là những giọt nước mắt yêu thương và no tròn hạnh phúc, luôn bồi đắp cho Niềm Tin, vun trồng cho cuộc sống tâm linh và mối tương giao với Thiên Chúa và tha nhân. Họ thật sự đang sống tràn đầy 8 mối Phúc của Thiên Chúa.

Ống kính máy ảnh giờ đây cũng quay sang những khuôn mặt người Sài-gòn chúng tôi, lạ thay, cũng đang rực sáng Niềm Tin. Sau một chặng đường gian truân và thử thách, dài gần 13 giờ đồng hồ xe chạy, từ 20g30 đêm đến 9g30 sáng hôm sau, ai cũng mệt nhừ tử. Thế mà vừa tới nơi, chưa kịp ăn sáng, cả nhóm đã chia ra từng cụm để phục vụ ngay. Người dân tộc đã đến đầy cả sân, chờ đợi từ sáng tinh mơ. Trước hết là một nhóm phát thẻ, rồi nhóm nha 7, 8 bạn sinh viên sắp ra trường bắt đầu chữa răng, 2 bác sĩ thì lao vào khám bệnh, một nhóm lo phát thuốc theo toa, lại có một nhóm chia ra hớt tóc và cắt móng tay. Mọi người đều hăng say làm việc cho đến khi được "tiếp tế" những tô mì ăn liền để lót lòng tại chỗ. Sau đó lại tiếp tục "chiến đấu" đến quá 12g mới ăn bữa trưa với cơm hộp. Trời xập tối, chúng tôi mới giúp được hết gần một ngàn bệnh nhân để thu dọn đi ăn bữa chiều. Vừa ăn ngấu nghiến vì đói, chúng tôi vừa nhanh miệng "phỏng vấn" ông cha, nhờ vậy mà chúng tôi biết được bao công khó của những người tiên phong lên truyền giáo nơi đây để hôm nay hoa trái được xum xuê như thế.

Tôi chợt nghĩ, khi xưa ông Áp-ra-ham đã mặc cả với Chúa về số người công chính để xin Ngài tha thứ cho thành Xô-đô-ma khỏi bị hủy diệt, vậy mà ông đã không tìm ra nổi 10 người. Còn qua chuyến đi này, tôi khám phá ra rất nhiều người công chính, chắc cũng phải đủ để cứu cho cả đất nước Việt Nam này thoát khỏi thiên tai, khỏi mọi sự dữ do tội lỗi hoành hành và tác hại...

Có một điểm không thể bỏ qua là, cho dù chuyến đi quá mệt nhọc vất vả, mọi người vẫn sốt sắng đọc chung được mỗi ngày một chuỗi Kinh Mai Khôi, xen kẽ bằng các bài hát về Mẹ Ma-ri-a. Chớ gì những ơn thiêng được Thiên Chúa ban cho đoàn chúng tôi, cho điểm truyền giáo Pleichuet thân thương này, sẽ còn kéo theo nhiều ơn khác, để Tin và Yêu luôn gắn liền và tăng trưởng mãi mãi đến muôn ngàn đời. Amen.

Nữ Tu NGUYỄN THỊ CHUNG, Phục Sinh 2002

THÔNG TIN VỀ CHƯƠNG TRÌNH CHIA SẺ PHỤC SINH VỚI ÐỒNG BÀO DÂN TỘC Ở KONTUM

Gospelnet xin hưởng ứng đợt thứ nhất với chiến dịch "Chén Cơm Ấm Lòng Chúa Giê-su" ( đã được thông tin trên Gospelnet số 52 ) chia sẻ niềm vui Phục Sinh với khoảng 30.000 đồng bào dân tộc tại Giáo Phận Kontum, do các anh em cựu chủng sinh Kontum đứng ra phối hợp tổ chức, bằng cách quyên góp Giới Trẻ Giáo Xứ Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp Sài-gòn, Dòng Ðức Bà Truyền Giáo ở Thị Nghè, Học Viện và Tu Viện Dòng Chúa Cứu Thế ở Sài-gòn cùng một số anh chị em Giáo Dân. Số vật phẩm của Gospelnet quyên góp đã được gửi đi vào sáng Thứ Bảy Tuần Thánh gồm: 1.100 cuốn vở 100 trang dành cho học sinh, 1.200 gói mì tôm, và khoảng 7 bao quần áo cũ.

Gospelnet đang chuẩn bị đợt thứ hai để chia sẻ thêm. Rất mong quý độc giả gần xa cùng hưởng ứng. Xin liên hệ với chúng tôi trước ngày Chúa Nhật 14.4.2002 theo địa chỉ Linh Mục Lê Quang Uy, DCCT, 38 Kỳ Ðồng, Quận 3, điện thoại số 0903.34.09.14, địa chỉ E-Mail: ttmvdcct@fptnet.com, hoặc liên hệ trực tiếp với ông bà Nguyễn Thếá Bài ( Nha Trang ) địa chỉ E-Mail: credo67@dng.vnn.vn