GOSPELNET
 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


CHÚA NHẬT 2 A MÙA VỌNG

TIN MỪNG: Mt 3, 1 – 12

ÔNG GIO-AN TẨY GIẢ RAO GIẢNG

Hồi ấy, ông Gio-an Tẩy Giả đến rao giảng trong hoang địa miền Giu-đê rằng: "Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần." Ông chính là người đã được ngôn sứ I-sai-a nói tới: Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường cho Ðức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Ông Gio-an mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, lấy châu chấu và mật ong rừng làm thức ăn.

Bấy giờ, người ta từ Giê-ru-sa-lem và khắp miền Giu-đê, cùng khắp vùng ven sông Gio-đan, kéo đến với ông. Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Gio-đan. Thấy nhiều người thuộc phái Pha-ri-sêu và phái Xa-đốc đến chịu phép rửa, ông nói với họ rằng:

"Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy ? Các anh hãy sinh hoa quả xứng với lòng sám hối. Và đừng tưởng có thể nghĩ bụng rằng: "Chúng ta đã có tổ phụ Áp-ra-ham." Vì, tôi nói cho các anh hay, Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Áp-ra-ham. Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa. Tôi, tôi làm phép rửa cho các anh trong nước để giục lòng các anh sám hối. Còn Ðấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho các anh trong Thánh Thần và lửa. Tay Người cầm nia, Người sẽ rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi."

SUY NIỆM 1

hướng lòng về Ngày Con Người sẽ đến

Các bài Kinh thánh hôm nay cho chúng ta hiểu rõ hơn về Ðấng sẽ đến và khuyên chúng ta có thái độ thích hợp với Người.

A.ÐẤNG SẼ ÐẾN

Bài sách I-sai-a tiếp nối tư tưởng Chúa nhật 1 Mùa Vọng : khi Ðấng Thiên Sai đến, Ngài sẽ phân xử mọi nước và thiết lập thời đại thái bình. Hai tư tưởng này sẽ được khai triển thêm. Khi xét xử, Ðấng Thiên Sai tỏ ra nhân ái một cách đặc biệt với những người nghèo khó. Còn đối với hạng bất nhân vô đạo, thì hơi thở của Ngài sẽ làm họ tiêu tan. Ðang khi ấy, những nét tả về thời đại thái bình thật là thi vị. Người ta quên sao được hình ảnh: chó sói sống chung với chiên non, sư tử gặm cỏ như bò và trẻ em giỡn với rắn lửa mà chẳng hề chi?

Tuy nhiên chủ yếu của bài sách I-sai-a hôm nay không nhằm quảng diễn những tư tưởng của Chúa nhật trước. Nhà Tiên tri còn muốn đi xa hơn và nói một cách cụ thể hơn. Ngay những hàng chữ đầu tiên đã đề cập tới "chồi sẽ xuất từ gốc Giê-sê"; và câu kết còn nhắc lại danh hiệu ấy. Tức là với bài sách I-sai-a hôm nay, Phụng vụ muốn cho chúng ta hiểu hơn về Ðấng sẽ đến sau này. Ngài thuộc tộc Yêssê, thân phụ của Ðavít. Ngài sẽ là "Con Vua Ða-vít". Ngài sẽ đến đầy Thánh Linh, đến nỗi không nơi nào trong Kinh thánh nói đến bảy ơn Chúa Thánh thần như trong đoạn I-sai-a này. Ngài sẽ xét xử mọi người, và rộng rãi cách đặc biệt với người nghèo khó. Ngài sẽ lập thời đại thái bình và muôn dân sẽ đến thỉnh ý Ngài.

Nhưng người nào trong tộc Ða-vít sẽ là Ðấng Thiên Sai? Gio-an Tẩy Giả trong bài Tin Mừng hôm nay đã trả lời cho dân It-ra-en. Họ tuốn đến với ông. Họ xin ông làm phép rửa cho họ. Họ chấp nhận cả những lời khiển trách nặng nề. Nhưng Gio-an vẫn chưa bằng lòng. Ông bảo mọi người phải thống hối thêm, để chịu được phép Rửa bởi Thánh Thần và bằng lửa. Chịu rửa bằng nước chưa phải là khó. Chịu rửa bằng lửa sẽ đau đớn hơn vì lửa mới làm cho những dơ bẩn ở trong chảy ra, đang khi nước chỉ rửa được những bụi bặm bám ở ngoài. Thế mà Ðấng sẽ đến là Ðấng đầy Thánh Thần. Ngài còn khỏe hơn Gio-an, tức là đầy Thần lực hơn, đầy thánh thiện hơn, đầy đòi hỏi hơn, Ngài sẽ quan sát mọi người và thấu đạt tâm can như người sàng thóc hay rê lúa. Không ai lọt được sự phán xét của Ngài.

Như vậy, cả bài tiên tri I-sai-a, cả bài Tin Mừng Mát-thêu đều muốn cho chúng ta hiểu hơn về Ðấng sẽ đến. Ngài sẽ là Ðấng xét xử mọi người. Ðó là viễn tượng về ngày thế mạt hơn là về ngày Giáng sinh. Chủ yếu của Mùa Vọng vẫn là hướng lòng chúng ta về Ngày Con Người sẽ đến trong những ngày sau hết. Tuy nhiên Mùa Vọng cũng hướng ta nhìn vào Ngày Chúa Giáng sinh như tương lai gần, để chuẩn bị tương lai cuối cùng. Và chúng ta cũng phải nhìn thấy việc Chúa sinh ra như để phán xét mọi người.

B.ÐẤNG PHÁN XÉT

Nhiều người thường nghĩ chỉ có phán xét khi linh hồn lìa xác về trước Tòa Chúa và đặc biệt lúc sống lại sau hết, mọi người sẽ phải trình diện trước mặt Ðấng Chí Công. Nhưng không phải! Cả I-sai-a, cả Gio-an không nghĩ như vậy đâu. Theo các ngài, khi Ðấng Cứu Thế đến, dù là đến trong thế gian để làm công việc cứu chuộc, Ngài đã là Ðấng Thẩm Phán Chí Công rồi.

Cụ già Simêon chia sẻ quan niệm đó. Nhìn thấy Hài Nhi ở trong Ðền thờ, ông đã cất tiếng loan báo: Trẻ này sẽ làm cớ cho nhiều người bổ nhào và chỗi dậy, nghĩa là hư đi hay được cứu rỗi.

Và thật sự hễ Ðức Kitô đến nơi nào là ở chỗ đó có người tin theo và có người chống đối. Giáo lý Ngài truyền ra tức khắc làm cho nhiều kẻ thấy chói tai và nhiều người khác đón nhận như Tin mừng cứu rỗi. Ở nơi thân mật với các tông đồ, Ngài đã khiến Yuđa trở thành tên phản phúc và các người dân chài kia trở nên kẻ đi chài lưới người.

Ở nơi công cộng trên đỉnh đồi Núi Sọ, Ngài cũng làm cho một tên trộm phải lộng ngôn, đang khi người trộm khác được vào nơi an nghỉ.

Ðấng Thiên Sai là Ðấng Xét Xử. Bản chất Ngài là vậy, vì như I-sai-a và Gio-an nói: Ngài là Ðấng đầy Thánh Linh. Mà Thánh Linh là tình yêu. Ðấng Thiên Sai mang tình yêu Thiên Chúa nhập thế giáng trần vì Chúa Cha đã yêu loài người đến nỗi đã ban Con Một Ngài cho ta. Ðức Kitô là Tình yêu của Chúa Cha gửi đến cho loài người. Và tình yêu không chấp nhận dửng dưng. Người ta chỉ có thể đáp trả lại bằng yêu thương hay bằng từ khước, vì dửng dưng đã là từ khước rồi.

Thế nên, đang khi dọn mình mừng lễ Chúa Giáng sinh, chúng ta phải sẳn sàng đón nhận Ðấng đến để phán xét, để phân biệt những người yêu mến Người và những kẻ từ chối Người. Và như vậy cũng là sẵn sàng để đón nhận Ðấng sẽ đến phán xét sau này. Chúng ta phải biết ơn I-sai-a và Gio-an. Cả hai đã cho chúng ta hiểu điều đó. Có điều hai ông dường như mâu thuẫn với nhau: I-sai-a nói đến một Ðấng phán xét dịu dàng, còn Gio-an lại trình bày Ngài như người sàng thóc, để bỏ trấu vào lửa. Dung hòa hai ông thế nào? Chúng ta phải nghe ai?

C.THÁI ÐỘ ÐẠO ÐỨC

Thật ra, như lời thư Rô-ma nói, mọi điều đã viết xưa kia, thì đã được viết để dạy dỗ ta. Thế nên ta không tìm cách bỏ mất điều nào. Ðấng phán xét của I-sai-a sở dĩ sẽ phân xử công minh cho người hèn yếu và đoán định ngay chính cho kẻ nghèo hèn, là vì Ngài không phân xử theo mã mắt thấy hay đoán định phỏng chừng tai nghe. Ngài thắt đai lưng bằng công chính và nịt hông bằng tín thành. Nghĩa là Ngài là Ðấng chính trực và thông suốt. Ðứng trước một Ðấng Thiên Chúa thánh thiện như vậy, và nhất là phải dọn đường cho Ngài tới giữa một dân tộc còn nhiều tội lỗi, Gio-an không thể làm khác hơn là kêu gọi người ta ăn năn thống hối. Ông là người mà tiên tri I-sai-a đã ám chỉ. Ông tiếp nối sứ mệnh của I-sai-a. Nhà tiên tri đã báo trước rất xa về Ðấng xét xử sẽ đến. Gio-an biết Ðấng đó đã gần đến rồi. Chính ông đã phải sống cuộc đời tu hành khắc khổ với thức ăn, áo mặc khác thường để mong được cứu độ. Lời ông giảng phát xuất từ đời sống chân thật, khiến người nghe chấp nhận như lẽ đương nhiên phải vậy. Chúng ta không thể nói ông đòi hỏi hơn I-sai-a hay một tiên tri nào khác. Cả ông lẫn I-sai-a chỉ nói lên một sự thật: Ðấng đang đến sẽ xét xử rất công minh. Thế nên ai nấy hãy thống hối tội lỗi.

Thánh Phao-lô không những được kinh nghiệm của I-sai-a và của Gio-an, ngài còn đã được biết về cuộc đời của Ðức Yêsu. Ngài thấy các việc lành Cựu Ước dạy làm chưa đủ để giúp ta được ơn thánh hóa. Các của lễ đền tội ngày xưa không đủ sức xóa bỏ tội lỗi. Duy chỉ có lòng thương xót của Chúa. Việc ta thống hối tội lỗi vẫn cần, nhưng tha thứ vẫn là hành vi hoàn toàn quảng đại của Chúa. Mà rõ ràng Chúa muốn quảng đại. Chúa muốn cứu cả giới cắt bì lẫn lương dân. Ngài muốn thi hành lòng thương xót cho mọi người miễn là người ta muốn đón nhận. Và chỉ ai muốn tha thứ mới đón nhận ơn tha thứ. Có tìm được mảnh đất thích hợp, ơn Chúa mới kết quả như hạt giống rơi vào đất tốt. Thế nên trong ngày Phụng vụ giới thiệu cho ta biết, Ðấng sẽ đến là Ðấng đến để xét xử, thì không những Giáo hội muốn cho ta thi hành việc thống hối tội lỗi; nhưng để ta chắc chắn nhận được ơn cứu độ thứ tha, dùng lời Thánh Phao-lô, Giáo hội khuyên ta hãy có thái độ chấp nhận nhau, tha thứ cho nhau và sống thuận hòa với nhau. Bức họa về thời đại thái bình trong bài sách I-sai-a thúc giục chúng ta xây dựng một nếp sống xã hội thuận hòa để chứng tỏ Nước Chúa đã đến giữa chúng ta và chúng ta sẵn sàng cho Ngày Ngài trở lại.

Chúng ta sẽ sống thuận hòa trong mọi ngày chờ đón Chúa đến. Chúng ta cần tinh thần hoà thuận ngay trong lúc này để đi vào Thánh lễ, vì nếu khi mang lễ vật tới bàn thờ mà nhớ đang còn xích mích với ai, hãy đặt của lễ đó, về làm hòa đã rồi sẽ trở lại dâng của lễ sau.

Xin Chúa cho tâm hồn chúng con được thật sự bình an để dâng lễ vật này. Nghĩa là xin Chúa tha thứ những nỗi bất hòa giữa chúng con, để hôm nay dâng lễ vật bình an này về, chúng con sẽ nỗ lực xây dựng xã hội thuận hòa để chờ đón Chúa.

Gm Ba-tô-lô-mê-ô Nguyễn Sơn Lâm

( Theo VietCatholic )

SUY NIỆM 2

xác quyết Thiên Chúa đang sống

Hằng năm cứ mỗi lần mùa vọng trở về là chúng ta có dịp gặp lại một trong những khuôn mặt rất đặc biệt của Tin Mừng. Tôi muốn nói đến Gioan Tẩy Giả

I.                    Hồi ấy Gioan xuất hiện trong hoang địa miền Giu-đê-a

 Ông xuất hiện với một cung cách rất đặc biệt. Tin Mừng nói về Ông như sau: "Ông mặc áo lông lạc đà, thắt lưngh bằng dây da thú, ăn châu chấu và uống mật ong rừng".

Chúng ta tự hỏi: Tại sao ông lại làm thế?  Phải chăng ông lập dị, muốn khác người? Không, ông không lập dị muốn khác người. Ông làm thế là vì ông mang một sứ mệnh cao cả. Ông từ bỏ hết mọi thứ mà người đời thường tìm kiếm để sống và chết cho sứ mệnh của mình.

a/ Aên - Mặc

- Làm người ai mà chẳng muốn ăn ngon mặc đẹp? Gioan có đủ và còn có dư điều kiện để làm việc đó. Ông là người con duy nhất của một gia đình giầu có. Cha mẹ ông là người có địa vị, có thế giá trong xã hội. Vì cha của Gioan thuộc giai cấp tư tế. Thế nhưng Gioan đã hy sinh. Của ăn thức uống của ông không phải là những thứ cao lương mỹ vị.  Tin Mừng cho chúng ta biết ông ăn châu chấu và thêm vào đó có một chút mật ong trong rừng.

Áo mặc của ông cũng không phải là thứ đắt tiền. Tin Mừng bảo ông áo ông mặc làm bằng lông da thú, một thứ áo mặc thường dùng của những người mục tử nghèo khó. Ðôi dép ông mang ở dưới chân cũng thế. Tất cả đầu bằng da thú - vừa sẵn có vừa rẻ tiền.

b/ Về cuộc sống thường ngày của ông thì Thánh Luca bảo ngay từ thuở còn niên thiếu ông đã chọn chốn hoang vu làm nơi cư ngụ cho mình. Ông tự nguyện sống một cuộc sống khắc khổ khó khăn như thế để tự rèn luyện mình nên một con người sắt đá hầu có đối mặt, đương đầu với những thách đố do sứ mệnh của ông đòi buộc.

Claude Tassin nói về ông như thế này:"Ông không lập dị nhưng ông coi thường những tiện nghi vật chất. Ông muốn sống hoàn toàn tự do, không để cho mình bị ràng buộc vào bất cứ một thứ gì mà người trần thế coi trọng". Ta có thể tóm lại trong bằng một ít tiếng sau đây: Ông muốn sống siêu thoát để ông được tự do hành động theo sứ mạng của mình.

II. BÂY GIỜ  CHÚNG TA HÃY NGHE LỜI ÔNG TUYÊN BỐ:

a/ Những lời ông tuyên bố thật quan trọng. Nó liên hệ đến một Ðấng mà các tiên tri trước ông đã loan báo.

- Ông nói với mọi người: "Nước Trời đã kề bên" Hãy ăn năn sám hối. Hãy dọn đường Chúa - Sửa đường Chúa cho ngay thẳng".

- Ông cảnh cáo nặng lời đối với những người có nhiều thành tích bất công: "Hỡi nòi rắn độc. Dừng hòng tránh cơn thịnh nộ của Thiên Chúa - Cái rìu đã để sẵn gốc cây - Thiên Chúa sẽ cầm nia mà sảy sân lúa của Người rồi thu lúa vào kho còn rơm thì Người đốt đi.

- Ông khuyên mọi người hãy làm việc lành cho xứng với lòng sám hối.

b/ Nhiều người đã đến với ông. Nghe những lời ông giảng. Họ cảm thấy bức xúc nơi cõi lòng. Họ đã thành khẩn sám hối và để cụ thể hóa những khát vọng muốn đổi mới của mình, họ đã xin ông làm phép rửa sám hối cho họ.

- Tất cả những việc đó chỉ nhắm duy nhất có một điều đó là được nhận ra Ðấng mà ông nói:"Người đến sau tôi nhưng có trước tôi. Phần tôi tôi không xứng đáng cúi xuống cởi dép cho Người"

III. Áp dụng.

Kính thưa anh chị em

a/ Ðấng mà Gioan loan báo Ngài đã đến rồi. Ðó là Ðức Giêsu Kitô Chúa của chúng ta.

Chúng ta đã biết rõ nơi Ngài đã sinh ra

Chúng ta đã biết những nơi Ngài đã sống

Chúng ta đã biết những lời Ngài đã dạy dỗ chúng ta

Chúng ta đã biết những việc Ngài đã làm

Chúng ta đã biết những đau khổ Ngài đã chịu 

Chúng ta đã biết cái chềt đau thương của Ngài ỡ trên cây Thánh giá

Chúng ta đã biết sự Phục sinh vinh hiển của Ngài

Trước khi về trời, Ngài còn tuyên bố một lời mà tất cả chúng ta vẫn không thể quên: "Thầy sẽ ở với chúng con mọi ngày cho đến tận thế"

b/ Ngài vẫn ỡ giữa chúng ta những rất nhiều người trong chúng ta vẫn không nhận ra Ngài. Tại sao thế?

Có nhiều lý do nhưng trước hết có một lý hết sức quan trọng đó là con người hôm nay quá bám víu vào những giá trị của trần thế.

* Ðây là một trong những kinh nghiệm mà Jacque Maritain và Réxa là 2 triết gia của Pháp vào đầu thế kỷ này kể lại. Họ là những con người xết về phương diện trần thế thì quả thực họ không thiếu một thứ gì trên đời. Họ rất yêu thương nhau, đã tích trữ cho mình được một gia sản khếch xù ít có ai sánh bằng, thế nhưng họ vẫn cảm thấy cuộc đời thật vô nghĩa. Họ thiếu một cái gì đó mà họ vẫn chưa tìm ra. Thế rồi một hôm họ cùng nhau đến một công viên. Và chính từ trong công viên này mà họ đã đi tới một quyết định rất táo bạo ít có ai dám làm như thế. Họ thề với nhau rằng nếu trong một năm mà họ không tìm ra được một ý nghĩa cho cuộc sống của mình thì họ sẽ cùng nhau tự tử. Rất may, sau 12 tháng, họ đã tìm ra. Ý nghĩa ấy nằm trong hai tiếng Yêu thương và ân sủng của Thiên Chúa.

Họ đã thực sự gặp được Thiên Chúa, cảm nghiệm được Tình yêu của Thiên Chúa trong cuộc đời của mình. Từ đó trở đi hai người dùng cả quãng đời còn lại 50 năm trời để làm chứng cho một cuộc đời có Chúa ở cùng.

Trong một tác phẩm "Thủ lãnh của thế gian" nổi tiếng của mình, Bà Réxa đã viết những lời rất cảm động này: "Ma quỉ đã tung ra một màng lưới ảo tưởng trên chúng ta. Màng lưới này tuy vô hình nhưng rất mãnh liệt. Nó làm cho chúng ta yêu thích những giây phút chóng qua hơn vĩnh cửu. Nó khuyên dụ chúng ta chạy theo sự vô định hơn là chân lý. Nó bảo chúng ta rằng ta chỉ có thể yêu mến tạo vật bằng cách thờ lạy nó mà thôi." Và chính vì thế mà người ta không thể nhận ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời của mình. 

* Thứ đến như Gioan nói trong bài Tin Mừng hôm nay: Muốn thấy Chúa, muốn gặp được Ngài con người phải dẹp qua một bên những chướng ngại làm cho con đường gặp gỡ không được khai thông. Gioan đã nói đến hố sâu của hận thù, nói đến nuí cao của kiêu ngạo, nói đến quanh co của những nẻo đường bất chính gian dối.

Một hôm thần dữ Satan triệu tập tất cả các sứ giả của mình lại để sai đến trần gian với sứ mạng duy nhất này là giải thích cho con người biết Thiên Chúa đã chết rồi.

Các sứ giả ra đi. Nhưng không bao lâu sau tất cả đều trở về. Thần dữ Satan ngạc nhiên hỏi:

-Tại sao các ngươi thực hiện công tác nhanh như thế? Hay là có chuyện gì trục trặc?

Các sứ giả đồng thanh đáp:

- Thưa Ngài, chúng tôi không còn việc gì để làm nữa. Bởi vì tất cả những nơi chúng tôi đi quan trên trần gian, nơi nào con người cũng sống như thể Thiên Chúa đã chết rồi. Họ hận thù, chém giết nhau, gian tham, trộm cắp. Không có gì xấu mà con người không làm. Dù nhiều người vẫn còn xưng mình là kẻ tin Thiên Chúa, nhưng cách sống của họ không hề biểu lộ niềm tin này mà ngược lại như là loan báo Thiên Chúa đã chết rồi. Như vậy chúng ta đâu cần tốn công thuyết phục con người nữa.

Ðó là những chướng ngại ngăn cách làm cho Chúa và con người không thể gặp nhau.

Con người sống như Thiên Chúa đã chết. Ðó là một thảm cảnh đáng thương cho tất cả mọi người nhất là những người còn bảo rằng mình vẫn tin có Chúa. Sống mà coi như Thiên Chúa đã chết thì làm sao có thể "GẶP" được Ngài.

Xã hội chúng ta, đất nước, quê hương chúng ta đang cần những chứng nhân của Chúa.

Mỗi người chúng ta đều có sứ mệnh làm chứng cho Thiên Chúa hằng sống. Chúng ta phải dùng chính cuộc sống tốt lành của mình để xác quyết Thiên Chúa đang sống và hành động trong trần gian này. Amen.

Lm ÐINH TẤT QUÝ, Bùi Phát – Sài Gòn

SUY NIỆM 3

một lối sống, một lối nghĩ của Tin Mừng

        Trong " Người phu quét lá" Cha Nguyễn Khảm đã ví von đời Linh mục như người phu quét lá.Ngài mượn bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để diễn tả đời Linh mục : " Người phu quét lá bên đường. Quét cả nắng chiều quét cả mùa thu"

        Người phu quét lá, hàng ngày dù mưa dầm hay nắng hạn vẫn luôn có mặt từ sáng sớm tinh sương trên mọi nẻo đường thành phố để dọn đường sạch sẽ cho ngàn ngàn con người sắp đi qua. Linh mục mỗi ngày cũng dọn đường tâm hồn cho con người đi đến với Thiên Chúa và để Thiên Chúa đến với con người. Trong ý nghĩa đó có thể nói Gio-an Tiền Hô cũng là "Người phu quét lá" dọn đường cho Chúa Cứu Thế đến với nhân loại.

                Chúa nhật II Mùa vọng, Giáo hội giới thiệu cho chúng ta khuôn mặt của Gio-an Tẩy Giả, vị Ngôn sứ cuối cùng của Cựu Ước. Sau 5 thế kỷ vắng bóng Ngôn sứ, nay Gio-an xuất hiện với sứ mạng dọn đường cho Ðấng Cứu Thế. Cuộc đời của Gio-an là một thiên anh hùng ca : bất khuất trước cường quyền và bao dung với tội nhân.

                Gio-an có một cuộc sinh  ra kỳ lạ, một lối sống khác thường.Gio-an chọn con đường tu khổ chế : ăn châu chấu với mật ong rừng, uống nước lã và mặc áo da thú, sống nơi hoang địa vắng người trơ trụi. Nhưng chính nơi đó mà Gio-an đã lớn lên và trưởng thành trong sự gặp gỡ thâm trầm với Thiên Chúa.

                Càng lúc Gio-an càng ý thức về sứ mạng của mình, nhưng Oâng đã kiên nhẫn đợi chờ nhiều năm tháng cho đến ngày Oâng nghe thấy Thiên Chúa ngỏ lời với Oâng. Lời của Chúa đưa Oâng ra khỏi hoang địa để đến gặp gỡ con người qua mọi vùng ven sông Giođan. Lời Chúa Oâng nghe đã trở thành Lời Chúa Oâng công bố. Tiếng Chúa gọi Oâng đã trở thành tiếng Oâng mời gọi mọi người.

                Gio-an đã sống trong dòng lịch sử của Ðạo và Ðời : Thời hoàng đế Ti-bê-ri-ô, hai Thượng tế Khan-na và Cai-pha, một Phi-la-tô tham lam tàn bạo -Tổng trấn Giu-đê-a, một Hêrôđê tiểu vương Ga-li-lê-a -kẻ giết Gio-an sau này. Gio-an đã đón nhận toàn bộ dòng lịch sử ấy để làm trọn sứ mạng Tiền Hô – Dọn Ðường cho Ðấng Cứu Thế.

                Gio-an đã kêu gọi dân chúng "Hãy sám hối vì Nước trời đã gần đến".Oâng đã mạnh dạn mời gọi mọi hạng người, từ kẻ cao sang quyền thế cho đến người dân thường : hãy sống cách ngay chính theo địa vị của mình để sẵn sàng đón Chúa đến.Không thể tiếp tục sống như xưa nữa. Ðã đến lúc phải đổi đời, đổi lối nhìn, đổi lối nghĩ. Phải sửa lối cho thẳng để Chúa đi.Dân chúng lũ lượt đến với Oâng, họ thú tội và Oâng làm phép rửa cho họ trong sông Gio-đan. Ðúng là Gio-an đang "quét dọn" tâm hồn mọi hạng ngưòi cho sạch sẽ tội lỗi xứng đáng đón Ðấng Cứu Thế.

                Ðường quan trọng nhất là đường đi vào cõi lòng. Mỗi người chúng ta không ít thì nhiều đều có những đồi núi kiêu ngạo, những thung lũng ích kỷ hẹp hòi, những cây cầu tự ái khoe khoang, những mấp mô ghồ ghề trong mối quan hệ với người khác như kỳ thị, gian dối, thiếu công bằng, nói hành nói xấu …Cũng có bao lối nghĩ quanh co, có bao tính toán lệch lạc, có những lũng sâu tăm tối thiếu vắng ánh sáng tình yêu.

                Sửa cho thẳng, lấp cho đầy, uốn cho ngay,san cho phẳng, bạt cho thấp. Ðó là sứ điệp mà Thánh Gio-an gởi đến cho chúng ta trong Mùa vọng này, giúp chúng ta dọn lòng mình thành đại lộ thênh thang mở về Chúa Cứu Thế. Ðiều đó cũng chẳng dễ dàng chút nào vì nó thường gây đau đớn. Không phải trong Mùa vọng chỉ đi xưng tội qua loa sau khi xét mình 5-10 phút cho yên ổn lương tâm, mà quan trọng là một lối sống, một lối nghĩ của Tin Mừng : Uốn nắn những quanh co, san phẳng gò cao hay hố thẳm và dẹp bỏ chướng ngại trong tâm hồn từng ngày  để có chổ cho Chúa đến và ở lại.

                Gio-an Tiền Hô là một Ngôn sứ bất khuất, bao dung và khiêm tốn , chỉ một tâm nguyện là làm " Người phu quét lá" dọn lòng người khác cho Chúa đến. Mỗi người chúng ta cũng theo mẫu gương của Gio-an trở thành " Người phu quét lá" cho chính tâm hồn mình, cho gia đình mình và rồi cho người khác nữa. Dọn đường cũng chính là lên đường theo Chúa Cứu Thế, cho nên dọn đường cho Chúa vừa là một hồng ân vừa là trách nhiệm đòi hỏi mỗi người thi hành nghiêm túc trong cuộc sống hàng ngày của mình.

Lm. Giuse Nguyễn Hữu An (Phú Cường)

CẦU NGUYỆN

Dẫn vào cầu nguyện: "Hãy sinh hoa kết quả để chứng tỏ lòng sám hối" [1]. Ðó là lời mời gọi đầu tiên mà Giáo Hội muốn gởi tới Dân Chúa hôm nay. Ta cầu xin Chúa giúp đỡ để đời ta mang lại nhiều hoa trái, nên sốt sắng nguyện xin.

1.               Ðất đai / sông núi hùng vĩ / là hình ảnh đẹp và hấp dẫn, / cho nên người xa quê hương về nước / lòng không khỏi nôn nao. / Thánh vịnh gia / như muốn gợi lên sự nôn nao đó / khi mô tả Triều đại Vị Cứu Tinh / như một mùa nở rộ hoa công lý / và thái bình thịnh trị đến muôn đời [2]./ Ta hãy xin Chúa ban ơn giúp sức / để càng tiến vào Mùa Vọng / đời ta càng nở rộ hoa trái / đáp lại lời mời gọi của Chúa. Chúng con cầu xin Chúa...

2.               Lời mời gọi của Chúa hôm nay/ xuyên qua cuộc rao giảng của ông Gio-an Tẩy Giả / nơi hoang địa / là Hãy dọn sẵn con đường của Ðức Chúa / sửa lối cho thẳng để Người đi [3]./ Lời mời gọi ấy / trở nên sống động / và hiện tại / qua Thư Chung năm 2001 của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam / gởi cộng đồng Dân Chúa./ Ta hãy xin Chúa giúp đỡ / để ta mang lại hoa trái đáng kể / bằng cách sống / và làm chứng / cho Ðức Ki-tô / là Ðấng Cứu Ðộ trần gian. Chúng con cầu xin Chúa...

3.               Ai cũng ước ao sống hạnh phúc / Chúa Giê-su đến lấp đầy khát vọng đó của con người. / Nơi Người chỉ có yêu thương, tha thứ, / chỉ có bao dung và rộng mở./ Không có bất cứ điều gì / có thể ngăn cách Người với bất cứ ai, / dù là tiền bạc, tiện nghi hay địa vị xã hội. / Bằng một cuộc sống tinh ròng, / trong suốt / Người đến lãnh đạo loài người trở về với Thiên Chúa / và trở về với tình người. / Ðó là Nước của Thiên Chúa / được khai trương nơi Ðức Giê-su Con Thiên Chúa làm người / để trở nên người anh em với ta. / Ta hãy xin Chúa Thánh Thần thúc đẩy ta, lôi cuốn ta / để ta hưởng hạnh phúc Chúa ban. Chúng con cầu xin Chúa...

4.               Hoa trái đầu tiên / là việc ta hoán cải / để tin vào Tin Mừng của Nước Thiên Chúa đã đến với ta. / Ta hãy xin Chúa giúp sức / để ta thể hiện ơn hoán cải đó / bằng cách nhìn nhận những vấn đề / kinh tế, chính trị, xã hội, giáo dục / không như những người ngoại cuộc [4], / khởi đi từ vấn đề giáo dục con em ta / làm sao cho hôm nay tốt đẹp hơn hôm qua. Chúng con cầu xin Chúa...

5.               Nước Thiên Chúa phải trở nên sống động trong lòng Hội Thánh / giữa các thành phần Dân Chúa. / Ta hãy xin ơn Chúa Thánh Thần giúp sức / để ta biết khiêm tốn lắng nghe / biết trao đổi yêu thương / và chính ta trở nên tiếng nói hy vọng / khơi nguồn cho cuộc đối thoại với rất nhiều người trong cũng như ngoài Hội Thánh. Chúng con cầu xin Chúa...

6.               Trong Mùa Vọng / ta hãy chạy đến với Ðức Mẹ Mân Côi / xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa cho ta / có sự bén nhạy về yêu thương / để ta nhiệt thành mến Chúa và yêu người trên con đường chính Chúa Giê-su lãnh đạo ta. Chúng con cầu xin Chúa...

Kết thúc: Lạy Chúa, Chúa là thân nho, chúng con là nhành nho. Xin thương giúp chúng con sống gắn bó với Chúa, để bảo đảm đời sống chúng con mang lại hoa trái. Chúng con cầu xin nhờ Ðức Ki-tô Chúa chúng con.

Nhóm tác giả "CÙNG NHAU TÌM HIỂU VÀ CHIA SẺ ÐỜI SỐNG TIN MỪNG"

CHỨNG TỪ

DÁM NHẬN LỖI

Georges Washington, tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ, người có công đưa nước Mỹ đến độc lập, tự do và phồn thịnh. Georges cũng nổi tiếng là người luôn biết phục thiện và yêu sự thanh liêm. Một ngày kia, khi còn nhỏ, cậu Georges ra vườn làm cỏ, vô tình chặt đứt mất cây anh đào mà bà mẹ rất quý.

Cha cậu thấy cây anh đào bị chặt, liền hỏi: "Con có biết ai là người chặt cây anh đào không ?" Georges suy nghĩ rồi trả lời: "Chính con là người chặt cây anh đào, xin cha cứ phạt con !

Và Georges rất ngạc nhiên khi nghe cha nói: "Ðiều con làm là một điều lỗi, nhưng con đã chữa được điều lỗi đó là khi con dám nhận lỗi".

Trích NỐI LỬA CHO ÐỜI số 8

CÂU TRUYỆN

1. Ðức Thích Ca Và Vua Pacitrice

Bằng lòng với chính mình, của cải vật chất không hẳn mang lại hạnh phúc.

Một hôm, Ðức Thích Ca đi vào thủ đô của vua Pracitrice, nhà vua đã đích thân ra đón Ngài, nhà vua là bạn của thân phụ Ðức Thích ca, ông đã theo dõi sự giác ngộ và cuộc sống khắc kỷ của Ðức Thích ca, cho nên khi gặp Ngài ông đã cố gắng thuyết phục Ngài từ bỏ cuộc sống lang tháng khất thực và trở về cung điện. Nhà vua nghĩ mình đang làm một nghĩa cử cho một người bạn thân của mình.

Sau khi nghe những lời tuyết phục của nhà vua, Ðức Thích ca nhìn sâu vào mắt của nhà vua và nói: "Xin Ngài hãy thành thật mà nói với tôi. Trong tất cả những thú vui mà Ngài đang có, Ngài có thực sự được một ngày hạnh phúc không? " Vua Pracitrice cuối nhìn xuống đất và giữ thinh lặng ".

2. Aên Bánh Với Chúa

    Chuyện xảy ra tại một công viên nọ như sau:

    Một cậu bé nghe nói về Chúa, nó không biết Chúa là ai. Một hôm, nó quyết định tự mình đi tìm gặp Chúa, với cái cặp nhỏ có đựng một ít bánh và nước ngọt, nó liền tìm đến một công viên bên cạnh nhà. Vừa bước vào công viên, cậu bé đã gặp ngay một bà lão đang ngồi trên ghế đá, cụ bà say sưa nhìn ngắm mấy con bồ câu đến nhặt thức ăn. Cậu bé liền đến ngồi bên cạnh bà rồi mở cặp lấy nước và bánh ra, không chút do dự, cậu bé liền lấy nước và bánh mời bà cụ, cụ bà vui vẻ đón nhận và mỉm cười với nó. Nụ cười của bà lão đẹp đến độ cậu bé muốn nhìn lại một lần nữa, nó liền lấy lon nước ra và lại mời bà. Một lần nữa, bà lão đón nhận và mỉm cười với nó. Chưa bao giờ cậu bé cảm thấy hân hoan bằng lúc này. Cả buổi chiều hôm đó bà cháu ngồi bên nhau chia sẻ từng miếng bánh, mỉm cười với nhau mà không cần phải nói với nhau lời nào.

    Chiều đến sợ cha mẹ sốt ruột cậu bé đứng lên ra về, nhưng đi được một quãng nó chợt quay lại chạy đến bá cổ bà lão rồi hôn vào má bà lão. Cụ bà đáp trả cái hôn ấy bằng một nụ cười đẹp hơn bao giờ hết. Khi cậu bé vừa mở cửa bước vào nhà, người mẹ nhận ra ngay trên mặt nó niềm vui mà bà chưa từng thấy bao giờ. Người mẹ liền hỏi con:

  -  Hôm nay con làm gì mà vui thế ?

Nó đáp:

   - Hôm nay con đã ăn uống với Chúa.

Người mẹ ngỡ ngàng chưa biết nói gì, thì cậu bé nói tiếp:

    - Má biết không, con chưa bao giờ thấy ai có nụ cười đẹp như Chúa.

Trong khi đó với niềm vui rộn rã trong tâm hồn, cụ bà cũng ra về. Nhận ra vẻ thanh thản khác thường trên gương mặt của người mẹ, người con hỏi:

    - Hôm nay mẹ làm gì mà vui thế ?

Người đàn bà trả lời:

    - Mẹ đã ăn bánh với Chúa.

Và trước sự ngỡ ngàng của người con, bà lão nói tiếp:

    - Con biết không, Chúa trẻ hơn là mẹ nghĩ.

Lm ÐINH TẤT QUÝ

3. NẾU CHÚA GIÊ-SU ÐẾN THĂM NHÀ BẠN

Nếu Chúa Giê-su đến thăm nhà bạn một cách bất ngờ, tôi tự hỏi bạn sẽ làm những gì ?

Tôi biết bạn sẽ sửa soạn căn phòng đẹp nhất dành cho vị thượng khách này. Và bạn sẽ mời Ngài dùng những thức ăn ngon nhất. Rồi bạn sẽ quả quyết là rất vui mừng vì được đón tiếp Ngài trong nhà bạn và đây là một niềm hạnh phúc không gì sánh bằng.

Nhưng thử hỏi, khi Ngài đến liệu có thấy bạn đang đứng dang tay đón Ðấng từ Trời ngự xuống không ? Hay bạn phải thay trang phục, hay dấu đi vài tạp chí, rồi vội đặt cuốn Kinh Thánh vào chỗ đáng lẽ phải đặt. Bạn có tắt nhạc và hy vọng Ngài chưa nghe thấy không ?

Còn nữa, bạn có ước ao giá mà minh đừng vừa thốt ra những lời nóng nảy, to tiếng với hàng xóm không ? Bạn có cất đi những bản nhạc của trào lưu hiện đại rồi thay vào đó những bài Thánh Ca không ? Bạn có dám để cho Ngài đi thăm khắp nhà bạn không ?

Rồi tôi tự hỏi, nếu Ðấng Cứu Thế ở cùng bạn một hay hai ngày thì bạn có tiếp tục làm những gì bạn thường làm, nói những gì bạn thường nói không ? Cuộc sống của bạn có tiếp diễn ngày qua ngày như trước kia chăng ? Cách nói năng giữa các thành viên trong gia đình có đổi khác chút nào không ? Bạn có thấy thật khó nói lời tạ ơn Chúa trước mỗi bữa ăn không ? Bạn có hát những bài quen thuộc và xem các sách báo hay chương trình ti-vi bạn thường xem không ? Bạn có dám nói cho Ngài biết món ăn tinh thần của bạn là gì không ?

Và bạn có đồng ý để Giê-su đồng hành đến tất cả những nơi bạn định đến hay sẽ phải cắn răng thay đổi kế hoạch của những ngày Ngài sống với bạn ? Bạn có sẵn sàng cho Ngài gặp những bạn bè thân thiết nhất của bạn không, hay bạn lại mong họ đi vắng cho đến khi cuộc viếng thăm của Chúa kết thúc ?

Bạn có sung sướng vì có Chúa ở với bạn bây giờ và mãi mãi không, hay sẽ thở phào nhẹ nhõm khi Ngài cất bước ra đi ? Thật thú vị, nếu biết bạn sẽ làm gì khi Chúa Giê-su, trong thân phận con người, Ngài đang đến cùng bạn...

MỘT BẠN TRẺ HÀ-NỘI

THÔNG TIN

THÔNG TIN VỀ KHÓA PHỤC SINH II

Cách đây không lâu, trên Ephata Việt Nam đã thông tin về Khóa Phục Sinh I, giúp cai nghiệm ma túy bằng phương pháp tâm linh, do cha An-tôn Nguyễn Ngọc Sơn, thư ký HÐGMVN và sơ Hồng Quế, Dòng Ða Minh cũng nhiều cộng tác viên khác thực hiện. Vừa qua, từ 10 đến 30 tháng 11.2001, cha An-tôn tiếp tục cùng với những người cộng sự mở khóa Phục sinh II, tại Viện Y dược học dân tộc.

Ðây là lần đầu tiên một cơ sở của nhà nước hợp tác với người Công giáo để hổ trợ cai nghiện ma túy cho giới trẻ kết hợp Tân linh trị liệu và Y học trị liệu. Khác với lần trước, trong quá trình cai nghiện chỉ có những người trợ giúp và thân nhân lui tới với thân chủ, kỳ này có thêm các nhóm giáo dân thuộc giáo xứ Tân Ðịnh và Thanh Ða thường xuyên đến chia sẻ và hổ trợ.

Ðược biết trong suốt 10 ngày của khóa Phục sinh II, Bác sĩ Trương Thìn, Viện trưởng, đã tạo mọi thuận lợi về phòng óc sinh họat và điều trị cho các thân chủ và những người hướng dẫn, nên dù là bệnh viện nhà nước, quý cha đã đến để dâng lễ hàng ngày và tổ chức những họat động tôn giáo cần thiết cho khóa.

 

THÔNG TIN VỀ Em Nguyễn Phương Toàn

Thầy Lê văn Hoàng OFM, cộng tác viên xã hội thường xuyên của Gospelnet cho biết: "Em Nguyễn Phương Toàn, 22 tuổi. Ngụ tại 64/85, Nguyễn Khoái, P.2, Q.4. thuộc giáo xứ Vĩnh Hội.

Hiện đang nằm điều trị tại khoa E2, Viện Bài Lao Phạm Ngọc Thạch. Nhập viện từ 4/9 vì ngộp thở, tức ngực. Qua khám nghiệm, phát hiện em bị Lao, phổi có mủ, tràn dịch tràn khí. Phải phẩu thuật cấp cứu, rút mủ. Với 3 lỗ thông để đút ống thông cho mủ chảy. Kết quả, Toàn đã qua cơn hiểm nghèo. Nhưng một lá phổi của em đã bị hư. Ðang tiếp tục điều trị công thức lao. Mẹ em đang ở nuôi em.

Hoàn cảnh gia đình khó khăn. Mẹ và cha đi bán vé số dạo. Anh trai làm công cho một cơ sở sơn mài ở Tân Bình. Em trai của Toàn thất nghiệp. Còn đứa em gái 8 tuổi học lớp 3. Có thể sẽ phải nghĩ học vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn.

Kính mong Cha giới thiệu quí ân nhân giúp đỡ cho Em Toàn và gia đình trong cơn hoạn nạn."

Trong khi chờ đợi quý ân nhân giúp đỡ, Gospelnet xin chuyển đến gia đình em Nguyễn Phương Toàn 500.000 đồng để hổ trợ khẩn cấp.

 

THÔNG TIN VỀ BỐN HỌC SINH BỎ HỌC

Như thông tin đã đưa ở Gospelnet số 37, Ban biên tập rất mong quý ân nhân có thể nhận hổ trợ học bổng cho một em nào đó có thời hạn theo ý định của quý vị. Trước mắt, Gospelnet xin hổ trợ cho bốn em như sau:

1.       Em Nguyễn Thị Thanh Nhạn, SV năn 2 ÐHSP :  200.000 đồng

2.       Em Nguyễn Thành Nhân, HS công nhân kỹ thuật năm 1 :  200.000 đồng

3.       Và hai em Nguyễn Thanh Cao và Nguyễn Thị Kim Ngân, HS tiểu học ở Phú giáo Bình Dương mỗi em 100.000 đồng

( Tổng cộng 600.000 đồng ).

 

THÔNG TIN VỀ DỰ ÐỊNH HỠP TÁC GIỮA CÁC TRÍ TỨC TRẺ NGƯỜI KINH VÀ NGƯỜI K’HO, NGƯỜI  MẠ

Chúa nhật I Mùa Vọng vừa qua, một nhóm trí thức Công giáo trẻ Sài gòn đã có cuộc "hội thảo" bỏ túi với nhóm trí thức trẻ người K’ho và người Mạ tại cao nguyên Lâm viên.

Buổi gặp gỡ quy tu những anh chị đã cùng nhau học đại học ở Sài gòn mà nay đang phục vụ trong vùng dân tộc của mình. Nội dung của những dự định rất nhiều, nhưng trước mắt, nhóm Sài gòn sẽ hổ trợ hai dự án nhó: một là hổ trợ cho các học sinh nghèo người dân tộc đang có nguy cơ bỏ học; và hai là hổ trợ cho các phụ nữ dân tộc có thể bảo vệ thai nhi và sinh nở an toàn.

Tuy chỉ là hai dự án nhỏ, nhưng chắc chắn một nhóm nhỏ ở Sài gòn tiến hành "hội thảo" hôm ấy sẽ không đủ sức hòan thành một mình, mà cần rất nhiều sự tiếp tay của những người khác. Ðược hỏi tại sao các bạn lại chọn thực hiện hai dự án đó trước, một linh mục tháp tùng với đòan cho biết: "Các bạn Sài gòn quan tâm đến việc khơi lên một nội lực trong chính cộng đồng những người dân tộc. Mà cách đơn giản có thể thực hiện trong lúc này là xây dựng các chương trình hổ trợ giáo dục và y tế ".  Gospelnet rất mong khi thông tin này đến với bạn đọc sẽ làm có thêm những sáng kiến cụ thể hơn để giúp đỡ cho các nhóm đồng bào dễ bị bỏ quên này. Chúng tôi sẳn sàng làm cầu nối để quý vị hổ trợ nhóm trí thức trẻ này thực hiện các dự định tốt đẹp này.

THÔNG TIN VỀ CHÁU Trần Minh Hoàng

Cháu Trần Minh Hoàng, sinh 11/04/1998 ở Bắc Ninh, cha Trần Quang Vinh giới thiệu về cháu và gia cảnh cháu như sau: " Cháu Hòang chưa biết nói, tai giữa bị viêm, do ngóay nhiều nên hỏng màng nhỉ. Hiện nay cháu bị điếc câm. Bố mẹ cháu đã mua môt máy trợ thính, nhưng cháu đã làm hỏng. Cháu thông minh, nghịch ngợm.

Bố cháu mồ côi cha từ nhỏ, không có nghề nghiệp gì, mẹ cháu mồ côi mẹ, chỉ làm ruộng phụ gia đình. Nơi ở của gia đình là một túp lếu lá nhỏ che nắng mưa cho hai vợ chồng và hai con cùng một mẹ già. Em của Hòang năm nay mới một tuổi.

Hiện nay gia đình rất muốn chữa trị cho cháu và muốn cháu được học sớm để có thể sớm thóat khỏi chứng bệnh này".

Gospelnet sẽ liên lạc với một số cơ sở chuyên hổ trợ các trẻ em điếc câm của người Công giáo để sớm có thể hộ trợ cho em Hòang. Riêng về tài chánh, hiện nay Gospelnet dã hết, rất mong quý vị ân nhân chia sẻ với cháu Hòang và gia đình.

 

ÐÍNH CHÍNH

Bài dịch "Phương pháp Nguyện gẫm theo thánh An-phong" của Lm Nguyễn Minh Ðức và tu sĩ Lâm Ðức Hùng, DCCT, mà trên Gospelnet số 37 chung con đã ghi tên Lm Lê Ðình Phương. Vậy xin quý cha quý thầy thua tứ cho điểm thiếu xót nay và xin vui long điều chỉnh lại cho đúng.

 



[1] Mt 3,8.

[2] Tv 71,7.

[3] Mt 3,3.

[4] Thư Chung 2001, số 9.