GOSPELNET
 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


CHÚA NHẬT 32 C THƯỜNG NIÊN

TIN MỪNG: Lc 20, 27 38

KẺ CHẾT SỐNG LẠI

Có mấy người thuộc nhóm Xa-đốc đến gặp Ðức Giê-su. Nhóm này chủ trương không có sự sống lại. Mấy người ấy hỏi Ðức Giê-su: "Thưa Thầy, ông Mô-sê có viết cho chúng ta điều luật này: Nếu anh hay em của người nào chết đi, đã có vợ mà không có con, thì người ấy phải cưới lấy nàng, để gầy dựng một dòng giống cho anh hay em mình. Vậy nhà kia có bảy anh em trai. Người anh cả lấy vợ, nhưng chưa có con thì đã chết. Người thứ hai, rồi người thứ ba đã lấy người vợ goá ấy. Cứ như vậy, bảy anh em đều chết đi mà không để lại đứa con nào. Cuối cùng, người đàn bà ấy cũng chết. Vậy trong ngày sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ ai, vì cả bảy đều đã lấy nàng làm vợ !"

Ðức Giê-su đáp: "Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng. Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại. Còn về vấn đề kẻ chết chỗi dậy, thì chính ông Mô-sê cũng đã cho thấy trong đoạn văn nói về bụi gai, khi ông gọi Ðức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Áp-ra-ham, Thiên Chúa của tổ phụ I-xa-ác, và Thiên Chúa của tổ phụ Gia-cóp. Mà Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống".

SUY NIỆM 1:

"TÔI TRÔNG ÐỠI KẺ CHẾT SỐNG LẠI"

Trong Thánh Lễ ngày Chúa Nhật và Lễ Trọng, sau khi nghe Lời Chúa và nghe giảng, người tín hữu Ki-tô có thói quen lập lại lời tuyên xưng Ðức Tin của mình. Lời tuyên xưng này được trình bày tóm tắt mà chúng ta gọi là Kinh Tin Kính. Trong Kinh Tin Kính, câu cuối cùng được ghi như sau: "Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau. Amen". Không có sự sống lại, thì sự chết sẽ là tiếng nói sau cùng. Không có sự sống lại, thì những hy sinh cố gắng để trung thành với đức tin sẽ thành vô nghĩa. Lẽ dĩ nhiên, sự sống lại là niềm tin của Giáo Hội, và đó cũng là niềm tin của mỗi người trong chúng ta; nhưng chúng ta phải hiểu sự sống lại như thế nào đây ? Chúng ta cùng tìm hiểu về điều này qua các bài Thánh Kinh hôm nay.

Bài Sách Thánh thứ nhất, trình thuật về cuộc tử đạo của bảy anh em nhà Mác-ca-bê, đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong truyền thống Cựu Ước. Nó chứng tỏ niềm tin ngày càng gia tăng; rằng sau khi chết, mỗi người vẫn tiếp tục sống. Lần đầu tiên các vị tử đạo của thời Cựu Ước đã khẳng định xác kẻ lành sẽ sống lại. Sở dĩ các vị này chối từ sự sống trần thế vì họ tin chắc rằng Thiên Chúa đủ quyền năng để phục sinh họ vĩnh viễn.

Thánh Kinh và giáo huấn của Giáo Hội, dạy chúng ta rằng: chết không phải là chấm dứt cuộc sống, mà chẳng qua chỉ là thay đổi cuộc sống. Nó là sự khởi đầu của cuộc sống mới, cuộc sống tối hậu mà Thiên Chúa đã dọn sẵn cho con người ngay từ khi Ngài tạo dựng nên con người. Kinh Thánh tuyệt đối xác quyết sự kiện có cuộc sống bên kia cái chết, nhưng Kinh Thánh dường như không nói rõ cuộc sống đó ra sao; ngoại trừ bằng một số từ ngữ chung chung, như chúng ta thấy trong các bài đọc Thánh Kinh hôm nay. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su xác nhận có cuộc sống mai sau, nhưng Ngài không nói rõ cuộc sống đó ra sao. ở chỗ khác Chúa Giê-su cũng từng đề cập đến hai cảnh khác nhau xảy ra trong ngày sau hết: đó là Thiên Ðàng và hỏa ngục. Chúng ta cùng tìm hiểu vắn tắt về hai cảnh trên:

Trước hết là Thiên Ðàng hay còn gọi một cách bình dân là trời. Tin Mừng theo thánh Gio-an, Chúa Giê-su đề cập đến Nước Trời như là cuộc sống vĩnh cửu trong câu: "Ta là bánh hằng sống từ trời xuống, ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời" ( Ga 6, 51 ), và Chúa Giê-su còn quả quyết một cách mạnh mẽ hn rằng: "Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì sẽ ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy" ( Ga 6, 56 ).

Như thế Chúa Giê-su chỉ diễn tả về Nước Trời bằng những từ ngữ chung, hay chúng ta có thể hiểu cách cắt nghĩa theo sách bổn Giáo Lý cũ. Trời, hay Thiên Ðàng, là nơi hưởng phúc thanh nhàn vui vẻ vô cùng và cái phúc lớn nhất trên Thiên Ðàng chính là xem thấy mặt Ðức Chúa Trời liên. Trời cũng là nơi chúng ta được chia sẻ sự sống với Thiên Chúa mãi mãi, hay nói cách khác: "Chúng ta được sống trong sự sống của Thiên Chúa". Thánh Phao-lô diễn tả bằng những hình ảnh sau: "Ðiều mắt chưa hề thấy, tai chưa hề nghe, lòng chưa hề cảm nhận đã được Chúa dọn sẵn cho những kẻ yêu mến Ngài. Ðây là điều Chúa dùng thần khí mặc khải cho chúng ta" ( 1 Cr 2, 9 10a ).

Bây giờ chúng ta bước sang cảnh thứ hai của ngày phán xét đó là hỏa ngục. Trong Phúc Âm, Chúa Giê-su đã đề cập đến điều này nhiều lần; một trong số nhiều chỗ được Chúa Giê-su đề cập đến đó là dụ ngôn "Chiên và dê" ( xem Mt 25, 32 33 ).

Dụ ngôn kể rằng ngày phán xét cuối cùng, người ta sẽ bị chia làm hai nhóm Ðức Vua sẽ đến nói nhóm bên phải rằng ( tức là nhóm chiên ): "Hỡi những kẻ được Cha Ta chúc phúc, hãy đến mà nhận lấy nước Thiên Ðàng đã sắm cho anh em từ khi tạo thành trời đất. Vì Ta đói, anh em đã cho ăn; Ta khát, anh em đã cho uống; Ta không có chỗ trú, anh em đã cho trọ; Ta mình trần, anh em đã cho mặc... " ( Mt 25, 34 36 )

Ðoạn, Ðức Vua phán bảo với những người bên trái rằng ( tức là nhóm dê ): "Hỡi những kẻ khốn nạn ! Hãy xéo đi khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, đã sắm cho ma quỷ và các thần dữ. Vì Ta đói, các ngươi không cho ăn; Ta khát, các ngươi không cho uống; Ta không chỗ trú, các ngươi không đón tiếp; Ta mình trần, các ngươi không cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi không thăm viếng... " ( Mt 25, 41 43 ).

Dụ ngôn trên cho ta thấy: hỏa ngục là sự xa cách vĩnh viễn Thiên Chúa, hay nói một cách khác, hỏa ngục là nơi không bao giờ ta còn được xem thấy Thiên Chúa nữa.

Như vậy, Thiên Chúa thưởng phạt rất công minh trong ngày sau hết, nhưng Ngài cũng rất từ bi nhân ái và bao dung, ngay còn ở trần gian này; Giáo Hội dạy cho chúng ta biết còn một nơi trung gian, đó là luyện ngục. Ðây là nơi thanh luyện những người sau khi chết mà bản thân không quá tội lỗi, hay không trong sạch cho đủ để được nhận ngay vào Nước Trời. Ðiều này đã được công đồng Florencia và Trento xác nhận dựa vào một số bản văn Thánh Kinh và truyền thống của Giáo Hội.

Và giờ đây bổn phận của chúng ta, những người còn sống, là phải năng dâng lễ và cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện ngục, và nhất là trong tháng Mười Một này là tháng mà Giáo Hội dành riêng để tưởng nhớ người quá cố. Ðây là tháng chúng ta đặc biệt có dịp để báo hiếu ông bà, tổ tiên, cha mẹ, anh chị em. Ðây là một việc làm đạo đức có nền tảng trong Thánh Kinh, sách Mác-ca-bê quyển thứ hai cho biết rằng: "Giu-đa thủ lãnh nhà Mác-ca-bê sau một trận chiến đã quyên và gửi tiền về Giê-ru-sa-lem để xin lễ và cầu nguyện cho những người đã tử trận" ( 2 Mcb 12, 43 ).

Trở lại với bài Tin Mừng của Chúa Nhật hôm nay, từ những thắc mắc của nhóm Xa-đốc: đây là một nhóm tư tế cao cấp trong Do-thái giáo. Họ có quyền cả về sinh hoạt tôn giáo lẫn chính trị, từ trước thời Ðức Ki-tô. Họ chỉ chấp nhận 5 sách của ông Mô-sê ( Ngũ Kinh ). Họ không tin có sự sống lại...

Từ những vấn nạn của nhóm Xa-đốc, Ðức Giê-su đã xác quyết rõ Giáo Lý của Ngài: có đời sau, có sự sống lại, có thiên thần, ở đời sau không còn có chuyện dựng vợ gả chồng.

Do hậu quả của tội nguyên tổ và nhất là tội lỗi của chính mình, con người phải chịu những đau khổ nơi cuộc sống hiện tại. Tuy nhiên, với tình yêu vô biên, Thiên Chúa vẫn luôn phù trợ con người cách đặc biệt qua nhiều phương thế, vừa cụ thể vừa nhiệm màu: Giáo Hội Bí Tích Ân Sủng... Nhờ đó con người có thể chu toàn trách nhiệm mà Ngài đã trao ban cách này hay cách khác. Dù ở cưng vị và hoàn cảnh nào, với tình yêu cao cả của Ngài, chúng ta yên tâm và quyết tâm sống theo lời Ngài dạy. Chúng ta phải là người xây nhà trên đá ( Mt 7, 24 ), là hạt giống rơi vào đất tốt ( Mc 4, 8 ), là hạt giống chấp nhận thối mục đi ( 1 Cr 15, 42 ). Khi sống được như vậy thì ngay trong cuộc sống trần gian này chúng ta đã cảm nhận được bao tình thương mến, hay nói một cách khác, chúng ta được nếm trước cuộc sống vĩnh cửu. Và tất nhiên, chúng ta còn được kết hợp với Thiên Chúa trong cuộc sống vĩnh cửu mai sau.

Lm. BÙI NGỌC TUẤN, Hà Nội.

SUY NIỆM 2:

SỰ SỐNG VÀ CÁI CHẾT

Con người sinh ra để làm gì ? Con người có chết không ? Chết rồi đi về đâu ? Con người có sống lại không ? Có sự sống đời đời không ? Ðó là những vấn nạn được con người đặt ra từ muôn đời. Ngay từ thời cựu ước đã có người tin vào sự sống vĩnh cửu như trích đoạn sách Mác-ca-bê đọc sáng nay nói về bảy anh em kiên trì thà chịu chết chứ không ăn thịt heo vì sợ mất cõi phúc là chống lại vua vũ trụ. Thời Chúa Giê-su cũng có người tin vào sự sống lại, có hạng người không tin vào sự phục sinh sau khi chết. Nhóm Xa-đốc, một phái quá khích, đứng trước mặt Chúa Giê-su là Ðấng Hằng Sống, nhưng họ vẫn không tin vào sự phục sinh, trái lại họ đã thử thách Chúa Giê-su xem Người quan niệm thế nào về sự sống lại vì họ biết rằng Người đang rao giảng về sự Phục Sinh.

Ðối với người Ki-tô hữu: Sống là tạm bợ, Chết là trường sinh.

I.   CON NGƯỜI AI CŨNG PHẢI CHẾT.

Chết là định luật tất yếu của con người. Sinh ký tử quy. Có sinh có tử. Ai cũng phải trải qua một lần được sinh ra và một lần phải từ giã cõi đời, bỏ lại tất cả. Con người từ cổ chí kim với đà tiến của văn minh, của tiến bộ khoa học kỹ thuật, của y khoa đã tìm hết phương thuốc này tới phương thuốc nọ hầu kéo dài thêm tuổi thọ. Họ cố tìm ra phương thuốc trường sinh để làm cho đời sống bất tử. Nhưng tất cả đều vô ích. Con người không tài nào làm được sự sống vì như thánh Phao-lô nói: "...Tội lỗi gây nên sự chết;như thế sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội". ( Rm 5, 12 ) hoặc "...Thay vì Thiên Chúa vinh quang bất tử, họ đã thờ hình tượng người phàm là loài phải chết". ( Rm 1, 23 ).

Chết là cái bi đát nhất của con người. Cái chết không dung tha cho bất cứ ai và cho bất cứ người nào.

Mãi mãi không tài nào con người có thể níu kéo được sự sống, không bao giờ con người có thể chế ra được loại thuốc trường sinh bất tử vì "nọc của sự chết là tội lỗi đã lan tràn nơi trần gian" ngay từ lúc ông bà nguyên tổ A-đam và E-và phạm tội phản nghịch, quay lưng lại với Thiên Chúa ( St 3, 16 17 ).

II.     LỜI CHÚA SOI CHIẾU

Thiên Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống chứ không phải Thiên Chúa của kẻ chết vì như thánh Phao-lô nói: "...Nếu tội lỗi đã thống trị bằng cách làm cho người ta phải chết, thì ân sủng cũng thống trị bằng cách làm cho người ta nên công chính để được sống đời đời, nhờ Ðức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta". ( Rm 5, 21 ). Lời Chúa trong trích đoạn Lc 20, 27 38 hôm nay nói về việc người Xa-đốc đưa ra một câu chuyện không có thật để thử Chúa Giê-su xem Chúa quan niệm thế nào về sự sống lại. Câu chuyện giả tưởng mập mờ nhằm che mắt Chúa Giê-su.

Nhưng Chúa Giê-su đã biết rõ tư tưởng, ý thâm sâu của tấm lòng độc địa của họ. Người không nói rõ sống lại thế nào, sống lại làm sao. Ở đây Chúa Giê-su có ý xác định rõ ràng Người là Chúa ban sự sống, Người là Ðấng tác sinh khi Người mượn sách Ngũ Thư của Cựu Ước mà nói với nhóm Xa-đốc rằng mọi người Do-thái lúc đó và cũng chính ngay họ cũng đã chấp nhận. Nếu Thiên Chúa là bạn của Áp-ra-ham, I-xa-ác, Gia-cóp không phải trong giây lát, phút giây, tạm bợ mà là bạn vĩnh viễn, đời đời. Chúa là Ðấng làm cho sống: "...cùng chết với Ðức Ki-tô... cũng sẽ cùng sống với Người..." ( Rm 6, 8 ). Chính cái chết trên Thập Giá của Chúa Giê-su đã làm cho sự sống lên ngôi, thống trị: "Người đã chết, là chết đối với tội lỗi, và một lần là đủ. Nay, Người sống lại, là sống cho Thiên Chúa " ( Rm 6, 10 ).

Như thế, Chúa Giê-su Ki-tô là Chúa của sự sống: đó là niềm tin của mọi người Ki-tô hữu. Người Xa-đốc dựng nên một câu chuyện giả tưởng, mập mờ đánh lận con đen hầu gài bẫy Chúa Giê-su. Họ đang đứng trước Ðấng tác sinh mà họ không nhận ra Người vì mắt họ đã ra mù tối như Phi-la-tô đứng trước Ðấng là Sự Thật mà ông không bao giờ có thể nhận ra. Ông hỏi Chúa Giê-su một cách ngô nghê: "Sự thật là gì ?" ( Ga 19, 38 )

Lạy Chúa Giê-su, bảy anh em trong sách Mác-ca-bê trích đọc trong thánh lễ sáng nay đã tuyên xưng lòng tin trước mặt vua Chúa quan quyền thế gian vì Vua Chúa trần gian chỉ có thể giết thân xác và không giết được linh hồn. Chính Thiên Chúa mới có quyền ban sự sống. Xin Chúa cho chúng con luôn cảm nghiệm rằng: "Sống là tạm bợ", "đời sống vĩnh cửu mai sau mới quan trọng" để chúng con luôn biết sống lành thánh, biết sống vâng phục ý Chúa hầu chúng con được hưởng hạnh phúc đời đời.

Xin Chúa ban cho chúng con luôn tin tưởng rằng: "Nếu chúng con cùng chết với Chúa, chúng con cũng sẽ được sống lại với Người" ( Rm 6, 8 ). Xin cho chúng con luôn hiểu thấu Chúa muốn qui tụ tất cả mọi người, không phân biệt ai cả để "mọi người được sống và sống dồi dào" ( Ga 10, 10 ). Và như thế đời sống chúng con sẽ thăng hoa tốt đẹp vì chính chúng con đã mặc lấy Ðức Ki-tô, chứ không như nhiều người đang sống mà như đã chết vì họ ích kỷ, co cụm chỉ nghĩ tới mình, cuộc đời của họ quả thực đã chết ngay khi còng đang sống.

Lm. Giu-se NGUYỄN HƯNG LỠI, DCCT, Ðiểm Truyền Giáo Fyan, Ðà Lạt

SUY NIỆM 3:

NIỀM TIN VÀO SỰ SỐNG LẠI

1. Niềm tin vào sự sống lại của người xưa và của người hôm nay

Sách 2 Mác-ca-bê được biên soạn vào khoảng năm 124 trước Công nguyên, có một tầm quan trọng đáng chú ý vì sách này chứa đựng những khẳng định rõ ràng về sự phục sinh, về thưởng hạt đời sau, về việc cầu nguyện cho người chết, về công trạng của các vị tử đạo, sự chuyển cầu của các thánh. Bài đọc 1 là câu chuyện tử đạo của bẩy anh em của một gia đình đã chết dưới bàn tay vua An-ti-ô-khô vì họ nhất quyết tuân giữ Lề Luật của Thiên Chúa và xác tín rằng: sau khi chết, họ sẽ được Thiên Chúa cho sống lại. Ðó là niềm tin vào sự sống lại của người xưa.

Ngày nay, cũng không thiếu gì người tin chắc chắn rằng chết không phải là hết, mà chết chỉ là một chuyển tiếp từ cuộc sống hiện tại sang cuộc sống vĩnh hằng, từ cuộc sống đời này sang cuộc sống đời sau. Ðó là các tín đồ các tôn giáo trên thế giới. Nhưng không chỉ có những tín đồ các tôn giáo tin vào sự sống mai hậu mà còn có nhiều người khác ở ngoài các tôn giáo cũng tin vào điều ấy.

Nhưng chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng: bên cạnh những người tin vào sự sống lại, ngày nay cũng như ngày xưa có rất nhiều người không tin vào sự sống ấy. Tin hay không tin vào sự sống lại là quyền của mỗi người, nhưng để chứng minh lòng tin hay lòng không tin của mình là một vấn đề không đơn giản vì rất khó đưa ra những lý lẽ đủ sức thuyết phục, theo nhãn quan người trần.

2. Có nhiều cách thể hiện niềm tin vào sự sống lại ?

Nếu chúng ta quan sát cách sống của các tín đồ các tôn giáo, tức của những người tin vào sự sống lại, chúng ta dễ dàng nhận ra có nhiều cách thể hiện khác nhau:

Vì tin vào sự sống đời sau, nhiều người sống thụ động, cam chịu tất cả mọi khó khăn, thử thách, thiệt thòi của cuộc sống đời này. Nhưng cũng vì tin vào sự sống lại, nhiều người vượt qua được những khó khăn thử thách và chấp nhận những hy sinh từ bỏ một cách lạc quan, tích cực và tin tưởng chứ không chỉ thụ động và cam chịu. Vì tin vào sự sống đời sau và cho rằng đó mới là sự sống thật, nhiều người tìm cách xa lánh "thế gian" tức khinh rẻ và trốn tránh các thực tại trần thế như gia đình, nghề nghiệp, xã hội loài người để đi tìm một đời sống ẩn dật, thanh thoát, càng tách ra khỏi cuộc đời bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Nhưng cũng vì tin vào sự sống đời sau và cho rằng đời sống ấy là tiếp nối và là kết quả của cuộc sống đời này nên nhiều người sống dấn thân vào các công việc của trần thế: gia đình, nghề nghiệp, xã hội. để xây dựng thế giới này theo các giá trị của Tin Mừng.

Lạy Chúa Giê-su Ki-tô Phục Sinh, chúng con tin vào sự sống lại và xin hứa với Chúa là từ nay chúng con sẽ cố gắng hết sức mình để đem tinh thần của Chúa vào trong gia đình, khu xóm, xã hội của chúng con và thể hiện tinh thần ấy bằng các việc làm cụ thể như yêu thương, phục vụ, đoàn kết, xây dựng.

Giê-rô-ni-mô NGUYỄN VĂN NỘI

SUY NIỆM 4:

CÙNG CHẾT VÀ SỐNG LẠI VỚI ÐỨC KI-TÔ

Ðức Cha Fulton J. Sheen trong tác phẩm "Trên đỉnh caoThập Giá" đã kể rằng: Sau khi bị Thiên Chúa đuổi ra khỏi Ðịa Ðàng và gánh chịu hình phạt lao dịch, A-đam đã phải vất vả khổ cực tìm kiếm của ăn.

Một lần kia, trên đường ra nương rẫy, A-đam vấp phải thân xác bất động của A-ben. A-đam nâng dậy vác con lên vai đưa về nhà đặt trong vòng tay E-và. Ông Bà lay gọi nhưng A-ben không đáp trả. Trước đây A-ben là đứa con ngoan, lanh lợi, không có trầm lặng như vậy. Ông Bà nâng tay A-ben lên, bàn tay lại rơi xuống đất bất động, trước đây A-ben không hề như thế. Ông Bà nhìn vào đôi mắt của con: lạnh lùng, trắng dã, vô tư một cách bí mật, trước đây đôi mắt của A-ben có vô tình như vậy bao giờ đâu. Ông Bà kinh ngạc, nỗi kinh ngạc tăng dần lên. Thế rồi hai Ông Bà chợt nhớ lời Thiên Chúa: "Ngày nào ngươi ăn trái cây này, ngươi sẽ phải chết".

Cái chết của A-ben là cái chết đầu tiên của nhân loại. Khi Nguyên tổ phạm tội, Ðịa Ðàng đã đóng ngõ cài then. Ðau khổ và sự chết đã tràn vào thế giới và chảy dọc theo thời gian.

Thiên Chúa đã sinh ra sự sống, nhưng tội lỗi đã khởi phát ra sự chết. Sống và chết là hai thái cực đối chọi nhau. Sự sống và sự chết là một kỳ công của Thiên Chúa. Con người không thể làm ra được sự sống cũng không tài nào ngăn cản được sự chết. Thế giới càng văn minh thì Tử Thần càng xuất hiện dưới muôn hình vạn trạng khác nhau. Có cái chết êm đềm thư thái, có cái chết đau đớn khốn khổ, muốn chết không được, muốn sống không yên. Càng chạy trốn Tử Thần, thì Tử Thần càng đến gần. Càng tránh đau đớn thì đau đớn càng nhiều.

Ở mọi thời đại, cái chết vẫn là một mầu nhiệm thách thức lý trí con người. Tại sao con người lại phải chết ? chết là gì ? Ðó luôn luôn là những câu hỏi làm xao xuyến tâm não con người trong mọi không gian và thời gian. Sự chết là một đề tài suy niệm phong phú. Mỗi tôn giáo, mỗi con người nhìn và hiểu một cách tuỳ theo quan niệm của mình, tuỳ theo niềm tin, tuỳ theo chọn lựa và thái độ cuộc sống.

Ðối với Ki-tô giáo chúng ta, Thiên Chúa là Chúa của sự sống, ý định của Người là thông ban sự sống chứ không phải sự chết. Vậy sự chết bởi đâu mà có ? Kinh Thánh trả lời rằng: sự chết là hậu quả của tội lỗi ( Rm 5, 12; 6, 23 ). Nhưng Thiên Chúa, "vì quá yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài để những ai tin vào Người Con ấy sẽ không phải chết nhưng được sống muôn đời" ( Ga 3, 16 ) và lời tuyên bố của Chúa Giê-su trước khi làm cho La-da-rô sống lại là một trong những lời kỳ diệu nhất: Thầy là sự sống lại và là sự sống.

Lời mặc khải này có nhiều người tin vào Chúa, nhưng cũng không ít người nghi ngờ, không tin. Bài Phúc Âm hôm nay kể về phái Xa-đốc không tin có sự sống lại, họ đặt ra những vấn nạn vô lý để chất vấn Chúa Giê-su. Họ trích sách Ðệ nhị luật 25, 5 6 để hỏi Người:Nhà kia có 7 anh em trai. Người anh cả cưới vợ rồi chết không con. Theo luật Mô-sê, người em phải lấy chị goá để có con nối dõi, và cả 7 anh em đều chết không con. Khi sống lại, chị goá đó vợ sẽ là của ai ?

Những câu trả lởi của Ðức Giê-su đã vén mở phần nào bức màn đời sau. Ðời sau khác đời này. Người ta không lấy vợ gả chồng, không cần con nối dõi, nhưng sống như các thiên thần, chỉ lo phụng sự và ca ngợi Chúa. Ðời sau không còn bóng dáng của Thần Chết. Con người thoát khỏi quy luật thông thường của lẽ tử sinh. Toàn bộ con người cả xác lẫn hồn được sống lại. Thân xác tuy đã tan thành tro bụi theo thời gian, nhưng sẽ được biến đổi cách kỳ diệu để chung hưởng hạnh phúc vĩnh cửu với linh hồn. Bởi vì Ðức Chúa là Thiên Chúa của Tổ phụ Áp-ra-ham, Thiên Chúa của tổ phụ I-xa-ác và Thiên Chúa của tổ phụ Gia-cóp. Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, đối với Người tất cả đều đang sống.

Qua mầu nhiệm Thương Khó và Phục Sinh sắp tới, Ðức Giê-su sẽ hoàn tất măc khải này. Ðức Giê-su đã chiến thắng sự chết bằng chính cái chết trên Thập Giá và Người đã sống lại để trao ban sự sống mới, sự sống của Ðấng Phục Sinh. Chính bởi sự yêu mến, vâng phục và dâng hiến nên cái chết của Chúa Ki-tô là một sự chiến thắng, bẻ gãy mũi nhọn của thần chết ( 1 Cr 15, 14 ). Thánh Phê-rô đã nói một cách sâu sắc: "Tội lỗi của chúng ta, chính Ðức Ki-tô đã mang vào thân thể, mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết với tội lỗi, chúng ta được sống cuộc đời công chính" ( 1 Pr 2, 24 ).

Vì Ðức Giê-su đã thắng được những xao xuyến, thắng được những tuyệt vọng, nên Người đã biến cái hố thẳm hay biển cả mênh mông ngàn trùng xa cách giữa con người và Thiên Chúa thành biển cả tình thương liên kết hiệp nhất Thiên Chúa và loài người. Ðức Ki-tô đã trở nên con đường giao hoà và Thập Giá Ðức Ki-tô đã trở thành như chiếc thang nối liền trời và đất, kết hợp Thiên Chúa và loài người. Yếu tính sự chết đã được biến đổi. Sự chết không còn là tang tóc nữa mà đã trở thành Lễ Vượt Qua để tiến tới Vinh Quang Thiên Quốc. Từ nay Ðức Giê-su không còn lệ thuộc vào thân xác vật chất nữa, những gì thuộc về thân xác vật chất đều đã chết trên Thập Giá. Chúa Ki-tô đã được Thần Khí hoá ( Rm 8, 11; 1 Pr 3, 18 ), và sự sống của Người thuộc về Thiên Chúa ( Rm 6, 10 )

Niềm tin vào Ðức Giê-su, Ðấng đã chết và sống lại là niềm tin cao cả nhất. Khi trái tim một người Ki-tô hữu ngừng đập thì chuông Nhà Thờ vang lên báo tin cho mọi người biết linh hồn một người đã được Chúa gọi về. Nghe chuông báo tử, mọi người đến tang gia để thăm viếng, phân ưu, đọc kinh cầu nguyện, tham dự nghi thức tẩm liệm, cùng đưa người chết đến Nhà Thờ. Linh cữu được đặt ngay trước Nhà Tạm của Chúa Giê-su. Cây nến Phục Sinh tượng trưng cho sự sống lại của Chúa và của những ai theo Ngài được thắp sáng lên đặt cạnh quan tài. Thánh Lễ được cử hành để hiệp thông cầu nguyện cho người chết, nói lên việc Giáo Hội trân trọng với cả xác chết. Ðại diện cho Giáo Hội là Linh Mục tiễn đưa người quá cố từ Nhà Thờ đến Ðất Thánh, làm phép huyệt để thánh hoá nơi người chết an nghỉ và nói lên niềm hy vọng tuyệt vời: "Chúng ta gởi thân xác người thân yêu ở lại đây, đợi ngày sống lại gặp nhau trên Thiên Ðàng."

Sự chết và sự sống lại của Chúa Ki-tô không những đã chuộc lại được cho con người những gì nó đã mất vì tội lỗi, nhưng còn là một cuộc sáng tạo, bởi vì nhờ sự chết và sống lại của Người không những là nhịp cầu liên kết giữa Thiên Chúa và con người được mà còn thiết lập một tương quan mới, đó là tương quan Cha Con. Nhờ cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Chúa Ki-tô, con người được tha thứ, được gội rửa sạch tội lỗi, khỏi án chết đời đời và trở nên con cái Thiên Chúa. Từ nay con người được gọi Thiên Chúa là Áp-ba, Cha ơi ( Rm 8, 15 ).

Tin và sống trong ân tình của Chúa Ki-tô chính là chiến thắng sự chết, chính là đã mang trong mình mầm sống của sự sống đời đời: "Ai sống và tin vào Thầy thì sẽ không bao giờ chết" ( Ga 11, 26; 1 Ga 3, 14 ). Không bao giờ chết chính là không bao giờ mất sự hiện hữu trong tương quan với Thiên Chúa, không bao giờ mất sự sống trong tương quan ân tình với Người.

Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa, và chúng con còn khắc khoải mãi cho đến khi được an nghỉ trong Chúa. Amen

Lm. NGUYỄN HỮU AN ( Giáo Phận Phan Thiết )

CHỨNG TỪ:

CHIẾU KHÁN VÀO THIÊN ÐÀNG

Chiều thứ hai ngày 7.1.1985, nhân viên phi trường Los Angeles mở một cái va-li không có giấy tờ và thấy trong đó có xác của một người đàn bà. Ba ngày sau, nhân viên công lực thành phố Sacramento, tiểu bang California, tìm thấy tử thi một người Iran tên là Mahmoud Ayazl. Sau khi điều tra, người ta được biết hai tử thi ấy có liên hệ với nhau, vì xác người đàn bà nằm trong va-li ở Los Angeles chính là vợ anh Ayazi.

Anh này đã cư ngụ ở Hoa Kỳ hơn 4 năm và vào cuối năm 1984 đã về Iran để cưới vợ. Sau khi đám cưới cử hành được hai tuần lễ, anh Ayazi và vợ đáp máy bay qua Frankfurt, Tây Ðức. Ðến đây anh mới biết nhờ có thẻ thường trú, anh có thể trở về Hoa Kỳ lúc nào cũng được, nhưng người vợ mới cưới của anh thì cần phải có chiếu khán nhập cảnh chính thức, và theo thủ tục, vợ anh có thể phải chờ đợi đến một năm.

Vì không muốn để vợ ở lại một mình tại Frankfurt và cũng không muốn cho vợ trở về Iran, anh Ayazi đã cho vợ vào một cái va-li lớn, định đem lậu vào Hoa Kỳ. Nhưng khi nhận được chiếc va-li ở phi trường Los Angeles, anh thấy vợ mình đã chết nên bỏ chiếc va-li lại đó, lái xe đến Sacramento và lấy súng bắn vào đầu tự sát.

Câu chuyện thật bi đát ! Trở lực của tình yêu ở đây không phải là việc phụ tình phụ nghĩa hay vì những trở lực khác mà chỉ vì giấy tờ, vì một cái chiếu khán. Nếu có chiếu khán chính thức của Hoa Kỳ, cô vợ mới của anh Ayazi đã nhập cảnh một cách đàng hoàng và câu chuyện bi thảm này đã không xảy ra.

Trong khi loài người bó tay tuyệt vọng vì không thể vào Nước Trời, thì Ðức Giê-su là Ngôi Hai Thiên Chúa đã đến đúng lúc để chết thay cho nhân loại và mở rộng cửa Nước Trời, cửa đó chính là thân xác của Chúa. Ngoài ra Kinh Thánh cũng cho biết rằng, muốn vào cửa thiên đàng chúng ta phải có chiếu khán thiên đàng, đó là được tái sinh nhờ bảo huyết vô tội của Chúa Giê-su đã rửa sạch tội lỗi. "Không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa nếu không được sinh lại bởi Ơn Trên." ( Ga 3, 3 )

Trích NỐI LỬA CHO ÐỜI tập 8

CÂU TRUYỆN:

BẠN CÓ YÊU MẾN CHÚA KHÔNG ?

Tôi quỳ xuống cầu nguyện, nhưng không được dài lâu,

Tôi còn có biết bao điều phải gánh.

Tôi phải vội vàng lên để chạy đi làm việc

Vì hóa đơn sắp phải thanh toán rồi.

Vậy tôi quỳ và đọc kinh vội vã,

Rồi đứng phắt dậy ngay.

Tôi đã thi hành xong các việc đạo của mình,

Và linh hồn tôi hẳn sẽ thanh thản.

Suốt cả ngày tôi không tìm được một phút,

Ðể gieo một câu nói vui tươi.

Không thì giờ để nói về Chúa cho bạn bè,

Vì tôi sợ họ sẽ cười vào mặt.

"Tôi bận quá, tôi bận quá, tôi phải làm nhiều chuyện quá !"

Ðấy là câu tôi rên rỉ suốt ngày.

Không có thì giờ dành cho một tâm hồn cần đến,

Ngoài giờ cuối cùng là để chết đi.

Tôi đến trước long nhan Thiên Chúa,

Tôi ở đó, gục mặt đứng trước Người

Vì tay Người dang cầm một quyển sách,

Và sách ấy là cuốn Sách Hằng Sống.

Chúa nhìn và quyển sách rồi bảo:

"Tên con đâu, sao Ta tìm không thấy.

Có một lần ta định viết tên con,

Nhưng đến giờ Ta vẫn chưa chưa tìm được... thời gian !"

Nguyên tác: Do You Love Him ?

Tác giả Khuyết danh, TRẦN DUY NHIÊN dịch

THÔNG TIN:

THÔNG TIN VỀ CHUYẾN ÐI CỨU TRỠ LŨ LỤT Ở TỈNH ÐỒNG THÁP

CÁC KHOẢN THU:

DANH SÁCH

TIỀN VND

USD

GHI CHÚ

A. QUÝ ÂN NHÂN Ở HẢI NGOẠI DO CHỊ MK HUỲNH CÚC CHUYỂN:

01. MK Trần Hữu Tùng và Lam

 

100

 

02. MK Thân Văn Quang và Huỳnh Cúc

 

100

 

03. MK Nguyễn Quốc Hưng

 

20

 

04. Võ Hoàng Dũng và Thúy ( Thân hữu )

 

20

 

05. MK Nguyễn Diễm Thu

 

20

 

06. MK Trương Nguyên Hậu

 

30

 

07. MK Nguyễn Ðịnh và Nhàn

 

30

 

08. Phan Anh Tuấn ( MK Canada )

 

20

 

09. Một người bạn MK của người nghèo

 

20

 

10. MK Trương Thanh Hằng

 

50

 

11. MK La Hùng Nam và Dao ( Canada )

 

30

 

12. MK Trần Ngọc Huyền Trân

 

20

 

13. MK Trần Ðăng

 

30

 

14. MK Nguyễn Quốc Ðồng và Thanh Hải

 

30

 

15. Anh chị Tuấn Anh Hồng Nhung ( thân hữu )

 

100

 

16. Quỹ GOSPELNET ( Hải ngoại )

 

100

 

17. MK Bá Hoàng và Quỳnh Chi

 

100

 

18. Bùi An Khang ( Thân hữu )

 

100

 

19. Ngô Minh Tài và Diễm Hằng ( Tâm Ca )

 

50

 

20. Một Linh Mục ẩn danh DCCT

 

20

 

21. Ðồng Phú Cường ( Tâm Ca )

 

50

 

22. Michael và Kiều Lan ( Tâm Ca )

 

30

 

23. MK Nguyễn Thiên Nam và Khánh Mai

 

20

 

24. MK Lê đình Phong và Thanh Xuân

 

50

 

25. MK Ðỗ Trọng Khoa và Thúy Trang

 

30

 

26. MK Nguyễn Tuấn và Bích Loan

 

20

 

27. MK Vũ Quốc Hưng và Huỳnh Ðào

 

30

 

28. MK Huỳnh Cúc chuyển về nhưng chưa nhận kịp

 

30

Sẽ chuyển quỹ cho lần cứu trợ 2

TỔNG CỘNG: 1.220 USD ( MK Quốc Duy đã nhận đủ ngày 2.11.2001 )

B. QUÝ ÂN NHÂN CHUYỂN ÐẾN CHA QUANG UY, DCCT:

29. Ông bà Trần Thiện Huy ( Hoa Kỳ )

 

100

Qua Cha Nguyễn Tất Hải

30. Anh Chị Tư Thắng và Lâm Nhạn ( Hoa Kỳ )

 

300

Qua Cha Tiến Lộc

31. Ông bà Phạm Bình Thuận ( Hoa Kỳ )

 

30

 

32. Phạm Thế Ðịnh và Minh Châu ( MK - VN )

400.000

 

 

33. Huynh đoàn Ki-tô Bệnh Nhân và Người Khuyết Tật

100.000

 

 

35. Nhóm anh em MK ở Việt Nam

1.000.000

 

 

TỔNG CỘNG

1.500.000

430

Duy đã nhận đủ ngày 2.11

C. QUÝ ÂN NHÂN Ở VN CHUYỂN QUA MK QUỐC DUY:

36. Chị Hà ( Ca đoàn Dominique Savio )

2.500.000

 

 

37. Nhóm bạn của MK Quốc Duy

500.000

 

 

38. Một MK ẩn danh

200.000

 

 

39. MK Sơn Hải Mỹ Dung

100.000

 

 

40. MK Ðàm Thị Kim Thư

100.000

 

 

41. Chị Thuỳ Anh ( Dominique Savio )

200.000

300

 

42. Anh Nhựt ( Dominique Savio ) quyên góp

5.000.000

 

 

43. Phúc Dũng ( Dominique Savio ) quyên góp

2.600.000

 

 

44. Chị Trần Thiên Hương quyên góp

140.000

 

 

45. Cty của MK Quốc Duy:

 

 

 

- Chị Liễu

300.000

 

 

- Chị Hồ

50.000

 

 

- Chị Linh

50.000

 

 

- Anh Ðạt

50.000

 

 

- Phòng Retail DP

250.000

 

 

- Chi Phòng Media

300.000

 

 

TỔNG CỘNG: 12.340.000 VND và 300 USD

TỔNG CỘNG CÁC MỤC:

12.340.000                            

1.500.000 nhận từ cha Quang Uy

13.840.000 VND ( I )

1.220 USD nhận từ MK Huỳnh Cúc

430 USD nhận từ cha Quang Uy

300 USD nhận từ MK Quốc Duy

1.950 USD X 15.030 VND

= 29.308.000 VND ( II )

13.840.000 VND ( I )

 

43.148.000 VND

CÁC KHOẢN CHI:

HẠNG MỤC MUA SẮM

ÐƠN GIÁ

SỐ LƯỠNG

SỐ PHẦN

THÀNH TIỀN

Gạo

2.700 VND / Kg

6.600 Kg ( 20 Kg / phần )

330 phần

17.820.000 VND

Áo thun

3.000 VND / áo

500 áo + 200 áo tặng

330 phần

1.500.000 VND

Mì gói

500,50 VND / gói

3.800 gói

330 phần

1.910.000 VND

Bánh mì

800 VND / chiếc

400 chiếc

 

320.000 VND

Bao xốp Phong bì

 

 

 

180.000 VND

Phim chụp ảnh

48.000 VND / cuộn

1 cuộn

 

48.000 VND

Chuyên chở các mặt

 

 

 

230.000 VND

Tiền mặt bỏ phong bì

50.000 VND / phần

 

300 phần

15.000.000 VND

Tiền gửi tặng riêng các trường hợp đặc biệt

 

 

2.040.000 VND

TỔNG CỘNG: 39.048.000 VND

Như vậy, 330 phần quà cứu trợ, mỗi phần gồm: 20 Kg gạo, 10 gói mì, 2 áo thun và 50.000 VND. Khoảng 50 gia đình khác nhận thêm các gói quần áo cũ. Ngoài ra các điểm giữ trẻ trong thời gian lũ lụt cũng nhận được 500 gói mì, 5 thùng gồm 400 chiếc bánh mì và một số quần áo trẻ em do cô Trần Thị Sa tặng ( Ðược biết cô Sa đã bán số 700 áo thun với giá thấp hơn giá vốn rất nhiều, và bạn MK Tuyết đã đề nghị công ty Miliket bán 38 thùng mì gói với giá ủng hộ ).

Tiền hợp đồng xe và chi phí ăn uống của đoàn với 12 thành viên trong 2 ngày thứ bảy 3.11 và Chúa Nhật 4.11.2001 là 1.900.000 VND, đều do tiền túi anh em tự bỏ ra, không tính vào số tiền chi của quỹ cứu trợ.

Riêng số tiền 2.040.000 VND đã gửi riêng cho các trường hợp đặc biệt được trình bày như sau:

Trường hợp gia đình của chị Thanh bị Ung Thư Vú vào giai đoạn cuối: gửi giúp 500.000 VND và 60 Kg gạo.

Trường hợp gia đình ông bà Năm, cả hai đều bị bại liệt nằm một chỗ, nhà bị tốc mái: gửi giúp 8 tấm tôn x 32.000 VND / tấm = 256.000 VND, cộng với 100.000 VND tiền mặt và 40 Kg.

Ngoài ra, 24 trường hợp các gia đình quá nghèo khác, mỗi gia đình được gửi giúp thêm 50.000 VND.

Ðoàn cứu trợ gồm 12 bạn trong ca đoàn Dominique Savio và nhóm Mai Khôi, khởi hành từ Sài-gòn rạng sáng thứ bảy 3.11 đi tỉnh Ðồng Tháp. Sau khi hoàn tất công việc cứu trợ, chiều Chúa Nhật 4.11, đoàn vòng qua Cao Lãnh để đi Sa-đéc, bị trễ phà nên khi đến được Giáo Xứ Cái Tàu Hạ thì không kịp dự Thánh Lễ do cha JB. Nguyễn Minh Sang, DCCT, cử hành. Ðoàn nghỉ ngơi một chút rồi vào Nhà Thờ tự tổ chức đọc Tin Mừng Chúa Nhật, cầu nguyện, hát Thánh Ca tạ ơn, rồi lên đường về lại Sài-gòn qua ngả cầu Mỹ Thuận. Ðoàn chia tay nhau tại Sài-gòn lúc 21g cùng ngày.

Tổng thu: 43.148.000 VND

            Tổng chi: 39.048.000 VND

Tồn quỹ: 4.100.000 VND, cộng với 30 USD bạn MK Huỳnh Cúc gửi về sau ( chưa kịp nhận )

Chuyển vào Quỹ GOSPELNET cho cứu trợ lũ lụt đợt 2: 4.100.000 VND và 30 USD.

THÔNG TIN VỀ EM NGUYỄN PHƯƠNG TOÀN BỊ BỆNH TRÀN DỊCH BUỒNG PHỔI

Cha Uy kính mến, hôm trước con có ghé thăm gia đình của em NGUYỄN PHƯƠNG TOÀN và sáng nay con có đem Mình Thánh Chúa cho em Toàn bị bệnh tràn dịch buồng phổi, hiện đang nằm ỏ bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Quận 5 và được biết tình trạng của em Toàn như sau:

Em Toàn 21 tuổi, là con thứ hai trong gia đình 4 người con. Gia đình của em đang ở thuê một ngôi nhà ổ chuột tại đường Nguyễn Khoái, Quận 4. Ba mẹ em Toàn đều đi bán vé số. Người anh lớn của Toàn khoảng 23 tuổi làm công nhân. Hai đứa em nhỏ còn lại ở nhà lo cơm nuớc. Nhà chỉ ăn mỗi ngày một lần hoặc là buổi sáng hoặc là buổi tối. Tuy gia đình nghèo dạng nhất nhì thành phố này, ba Toàn luôn căn dặn con cái phải cố gắng sống "nghèo cho sạch, rách cho thơm". Nhờ vậy, gia đình Toàn không có ai bị nghiện ngập hay trộm cắp dù đang sống ở một Quận đầy dẫy những tệ nạn.

Ngày em Toàn nằm viện gia đình em chỉ có trong tay 100.000 đồng. May mà qua mấy lần mổ bệnh viện An Bình đã không lấy tiền. Song vì bệnh tình của em quá nặng nên phải chuyển đến Trung Tâm Lao Phổi Phạm Ngọc Thạch. Hiện nay em chỉ còn da bọc xương và thiếu thốn tư bề. Con chỉ có thể giúp đỡ một số tiền và quà cáp ít ỏi cho em Toàn. Nếu có một máy chụp hình con sẽ ghi lại hình ảnh của gia đình em Toàn thật thương tâm đến dường nào. Mẹ Toàn có tâm sự không biết em có qua khỏi hay không mà cứ trối chết để không làm khổ ba má nữa và sẽ phù hộ cho ba mẹ. Thật là một mẫu gương có hiếu.

Hy vọng qua những giòng chữ này, con muốn cha Uy và những người hảo tâm giúp đỡ cho em Toàn và gia đình trong cơn hiểm nghèo này.

          Tu sĩ An-tôn TRẦN XUÂN SANG, SVD

GOSPELNET xin nhờ thầy Trần Xuân Sang chuyển ngay đến gia đình em NGUYỄN PHƯƠNG TOÀN số tiền 1.000.000 VND để lo liệu thuốc men cho em. Nguyện xin Thiên Chúa Quan Phòng tỏ bày ý định yêu thương của Người trên em Toàn và gia đình gương mẫu của em. Xin quý độc giả đọc được thông tin này, dừng lại dâng cho em Toàn một Kinh Lạy Cha.

THÔNG TIN VỀ CÁC TRƯỜNG HỠP GIÀ YẾU NEO ÐƠN

Cha Mai Văn Hiền, DCCT, vừa gửi một thư và hình ảnh kèm theo đến cho GOSPELNET, trình bày về các trường hợp hết sức ngặt nghèo hoặc quá neo đơn già yếu, rất mong được trợ giúp cấp thời như sau:

TRƯỜNG HỠP MỘT:

Cụ ông Phê-rô HUỲNH VĂN QUÝ, sinh năm 1917 ( 84 tuổi ) và cụ bà là Ma-ri-a NGUYỄN THỊ ÐẨU, sinh năm 1921 ( 80 tuổi ), hai cụ sống neo đơn, không con cái, chỉ biết sống nhờ sự đỡ đần của hàng xóm láng giềng. Ðịa chỉ: Số 5 M 37 ấp 5, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, khu Kinh Tế Mới Lê Minh Xuân, ngoại thành Sài-gòn. Rất cần được trợ giúp để sinh sống đắp đổi qua những ngày cuối đời.

TRƯỜNG HỠP HAI:

Anh Gio-an Bao-ti-xi-ta NGUYỄN THANH TÂN, sinh năm 1962 ( 39 tuổi ), không có nghề, chỉ biết đi làm mướn nhưng rất thất thường. Vợ là chị Ma-ri-a TRƯƠNG THỊ KIM TƯỜNG, sinh năm 1962, ( 39 tuổi ) không có nghề, lo nội trợ. Các con: Trần Quốc Dương, sinh năm 1992 ( 9 tuổi ) Nguyễn Minh Nhật, sinh năm 1994 ( 7 tuổi ), Nguyễn Hoàng Thiên, sinh năm 1996 ( 5 tuổi ), Nguyễn Minh Hiếu, sinh năm 2000 ( 1 tuổi )

Gia cảnh của anh chị Thanh Tân và Kim Tường đã quá nghèo, lại đông con, căn nhà đang ở hết sức tàn tạ, không biết xập lúc nào. các con lớn không được đi học. Ðịa chỉ: Lô B, ấp 5, xã Phạm Văn Hai, khu Kinh Tế Mới Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, ngoại thành Sài-gòn. Rất cần được trợ giúp để sửa chữa tạm căn nhà và lo liệu cho các con ăn học.

TRƯỜNG HỠP BA:

Cụ bà Ma-ri-a Ðinh Thị Tửu, sinh năm 1924 ( 77 tuổi ) không còn con trai, hiện phải ở chung với người con dâu và cháu nội, bị con dâu đối xử rất tàn tệ. Ðịa chỉ: Số 5 M 29, ấp 5, xã Phạm Văn Hai, khu Kinh Tế Mới Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, ngoại thành Sài-gòn. Rất cần được trợ giúp để không bị hoàn toàn phụ thuộc vào người con dâu bất hiếu.

TRƯỜNG HỠP BỐN:

Lê Thị Kim Quỳ, sinh năm 1937 ( 64 tuổi ). Người con trai lớn là Phạm Quang Quốc, sinh năm 1967, bị tâm thần nặng, phải nhốt quanh năm trong cũi, và người con trai kế là Phạm Quang Tuấn, sinh năm 1970, cũng bị tâm thần nhưng dạng nhẹ hơn, phải thxuyên coi sóc giữ gìn.

Gia cảnh bà Kim Quỳ hết sức ngặt nghèo vì bà đã lớn tuổi, rất ốm yếu, không làm việc nặng được, lại phải nuôi hai người bệnh tâm thần suốt bao nhiêu năm qua. Ðịa chỉ: Số 7 A 44, ấp 7, xã Phạm Văn Hai, khu Kinh Tế Mới Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, ngoại thành Sài-gòn. Rất cần được trợ giúp để lo liệu thuốc thang chăm sóc cho hai con.

TRƯỜNG HỠP NĂM:

Cụ An-phong ÐINH TRỌNG THỊNH, sinh năm 1922 ( 79 tuổi ), không vợ không con, có duy nhất một người thân nhưng gia đình ấy lại quá nghèo, không thể chăm sóc nuôi dưỡng cụ, nên phải nhờ gia đình anh chị Nguyễn Văn Cự giúp đỡ. Cụ Thịnh đã lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy và Bí Tích Thêm Sức vào tháng 5 năm 2001.

Cũng xin nói thêm là gia đình anh chị Cự vừa nêu cũng rất nghèo, chỉ giàu lòng nhân ái. Hiện nay gia đình này đang cưu mang 2 cụ già ( trong đó có cụ Thịnh ) và sắp tới sẽ thêm một cụ già nữa. Ðịa chỉ: xã Phạm Văn Hai, khu Kinh Tế Mới Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, ngoại thành Sài-gòn. Gia đình anh chị Cự rất cần được trợ cấp để họ có khả năng chăm sóc các cụ già một cách chu đáo hơn nữa.

TRƯỜNG HỠP SÁU:

Cụ bà Trần Thị Phấn, sinh năm 1918 ( 83 tuổi ) sống với người con nuôi: chị Ngô Thị Sang, sinh năm 1965 ( 36 tuổi ). Cụ Phấn không chồng không con, hiện sống với người con nuôi, buôn bán kẹo bánh lặt vặt ngay tại nhà, thu nhập quá ít và thất thường, không đủ sống, thường xuyên phải nhờ vào sự đỡ đàn chia sẻ của những người hàng xóm tuy cũng nghèo những tốt bụng. Căn nhà đang ở hiện nay bị dột nát toàn bộ, nền nhà luôn bị ngập úng mỗi khi con nước lên. Ðịa chỉ: Tổ 12, ấp 5, xã Phạm Văn Hai, khu Kinh Tế Mới Lê Minh Xuân, ngoại thành Sài-gòn. Rất cần được trợ giúp để sửa chữa tạm nơi ăn ở và lo liệu sinh kế qua ngày. Thêm một tin vui là sau một thời gian học hỏi Giáo Lý, cụ bà Trần Thị Phấn sẽ được cha Mai Văn Hiền, DCCT, cử hành Bí Tích Thánh Tẩy vào ngày thứ ba 6.11.2001 ngay tại nhà một giáo dân vùng Kinh Tế Mới Lê Minh Xuân. Xin quý độc giả cầu nguyện thêm cho bà cụ.

GOSPELNET đã quyết định trợ giúp chung trước mắt tất cả 6 trường hợp ngặt nghèo nói trên số tiền là 2.300.000 VND để cha Mai Văn Hiền phân phối ngay cho từng gia đình.

THÔNG TIN VỀ EM LÊ DUY KHANH BỊ BẠI LIỆT

GOSPELNET vừa nhận được Mail của Sr. Ma-ri-a Phan Thị Hồng, Dòng Saint Paul Ðà Nẵng giới thiệu một trường hợp:

Em LÊ DUY KHANH sinh năm 1985, con anh Lê Văn Thế, chạy xe ôm, và chị Hoàng Thị Anh, lo nội trợ và chăm sóc cho con. Em Khanh còn có một em trai là Lê Hoàng Long, đang học lớp 7. Ðịa chỉ: H17 / 23 K96 Ðường Hải Hồ Phường Thanh Bình Thành phố Ðà Nẵng. Em Khanh bắt đầu bị bệnh vào cuối năm lớp 3 ( 1994 ) cho đến nay. Tình trạng sức khỏe ngày càng yếu. Ðến năm lớp 6 thì bệnh trở nặng, không thể đi học được nữa. Chân và tay đều bị teo rút. Hiện tại em chỉ nằm một chỗ. Tất cả các sinh hoạt cá nhân đều phải có cha mẹ làm giúp trong suốt 4 năm qua. Em là người Công giáo, rất hồn nhiên vui vẻ, đạo đức và sốt sắng.

GOSPELNET xin trích quỹ gửi đến em số tiền 1.000.000 VND thông qua cha Phan Ðức Hiệp, DCCT, để chuyển ra Ðà Nẵng. Rất mong được quý độc giả chia sẻ trợ giúp thêm cho gia đình em.

THÔNG TIN VỀ GIA ÐÌNH CỤ BÀ HỒ THỊ SẮT

Sr. Phan Thị Hồng cũng giới thiệu trường hợp: Cụ bà HỒ THỊ SẮT, 82 tuổi, bị mù 14 năm qua. Cụ hiện ở tại H 5/1 Khu 76 Hoàng Hoa Thám, tổ 32, khối phố Chính Trạch, Ðà Nẵng, cùng với người con gái có 2 con, chồng đã bỏ đi, nên chị phải đi làm thuê vừa nuôi mẹ, nuôi con. Ðứa con gái nhỏ Phan Nguyễn Hồng Ðức, sinh năm 1987 ( lớp 8 ) bị bệnh viêm cầu thận. Gia đình rất nghèo không có tiền chạy thuốc thang lo liệu cho con. Ðứa con gái lớn là Phan Nguyễn Ngọc Ánh sinh năm 1978.

GOSPELNET xin trợ giúp cấp thời số tiền 500.000 VND, kính nhờ cha Phan Ðức Hiệp chuyển ra Ðà Nẵng cho Sr. Hồng để gửi tận tay cụ bà. Xin quý độc giả tại Ðà Nẵng mở lòng giúp đỡ thêm.

 

THÔNG TIN VỀ GIA ÐÌNH ANH ÐINH VĂN BÍCH THUẬN

Anh Nguyễn Văn Sang, Nhóm Ðồng Hành ( thăm viếng, nâng đỡ và cầu nguyện với những người muốn cai nghiện Ma Túy ) giới thiệu hoàn cảnh gia đình anh ÐINH VĂN BÍCH THUẬN. Anh Thuận, người Công giáo, sinh năm 1954, cư ngụ tại tại số 59 / 2 Nguyễn Du, phường Bến Nghé, quận 1, Giáo Xứ Hòa Bình. Cha mẹ anh và người vợ anh đều đã qua đời. Anh có một người chị và 2 người em, riêng anh có 2 con còn nhỏ. Anh Thuận đang trong tình trạng thất nghiệp, đã quyết tâm cai nghiện bằng phương pháp cầu nguyện ( Tâm Linh Trị Liệu ) sau khi chơi Ma Túy trên 20 năm qua. Hiện tại, nhờ Lòng Tin, anh Thuận đã cắt được cơn nghiện, nhưng vẫn còn bị những vật vã đau đớn vẫn hành hạ, chưa thể tìm kế sinh nhai nuôi con ăn học.

GOSPELNET đã quyết định trợ giúp cho anh Ðinh Văn Bích Thuận số tiền 400.000 VND, trao cho anh Nguyễn Văn Sang quản lý mọi mặt chi tiêu trong gia đình thay cho anh Thuận.

THÔNG TIN VỀ CHÁU NGUYỄN THỊ HẢO SẮP MỔ TIM

Chiều thứ tư 8.11.2001, Sr. Thu Lan thuộc Tu Hội Ma-ri-a Thăm Viếng ( điện thoại: 08.8.493.258 ) đến trình bày hoàn cảnh cháu bé NGUYỄN THỊ HẢO, sinh ngày 2.10.2000, con anh nguyễn Như Hiền và chị Ðỗ Thị Kim Diệp, cư ngụ tại Lộc Thanh, Bảo Lộc, Lâm Ðồng. Cháu bị bệnh Tim bẩm sinh, phải mổ cấp kỳ với chi phí 1.850 USD. Gia đình hết sức nghèo nên Viện Tim đã xét duyệt miễn giảm một nửa chi phí, phần còn lại thì các soeurs ở Tu Hội đã nỗ lực đi vay mượn giúp cho. Nay chỉ còn phải lo khoản chi phí hậu phẫu.

GOSPELNET đã trích quỹ trợ giúp cho gia đình cháu bé số tiền 3.000.000 VND và giới thiệu với bạn MK Thanh Dung, y tá hậu phẫu của Viện Tim Sài-gòn, để cháu bé được quan tâm chu đáo hơn. Xin quý độc giả gần xa chia sẻ thêm trực tiếp với các soeurs theo số điện thoại đã nêu, và đặc biệt cầu nguyện cho ca giải phẫu được thành công tốt đẹp.

THÔNG TIN VỀ VIỆC LÀM THÊM CHO CÁC BẠN SINH VIÊN

GOSPELNET vừa nhận được một E-Mail của bạn Hoa Xuân Vinh muốn chia sẻ một thông tin mới về việc làm cho các bạn sinh viên, xin đăng tải nguyên văn như sau:                                                    

Quý độc giả GOSPELNET kính mến,

Xin tạ ơn Chúa vì Ngài đã ban cho trang báo GOSPELNET cũng như EPHATA VIỆT NAM ABBA, CHA ƠI, rất nhiều ý nghĩa cho đời sống thường ngày của mọi người, nhất là cho đời sống tâm linh của anh em sinh viên Ðại Học. Các trang báo luôn được các anh chị cựu sinh viên photo ra và trao cho các trưởng nhóm sinh viên của các trường trong vùng Thủ Ðức đọc, các em sinh viên thấy rất bổ ích. Không những các em Công giáo đọc mà còn chuyền tay cho những bạn sinh viên chưa từng biết Thiên Chúa là ai ? Với những công việc giúp ích cho những người thiếu may mắn, những người neo đơn không nơi nương tựa. Và có những bài chia sẻ từ những bệnh nhân SIDA, hay những công việc truyền giáo của những chứng nhân mà Chúa đang gởi gắm. Chính nhờ trang báo này mà các thông tin về các trường hợp bệnh nhân ngặt nghèo neo đơn và các nạn nhân của lũ lụt, các chuyến đi cứu trợ, các kỳ sinh hoạt giao lưu và phục vụ tại các vùng sâu vùng xa, các Trại Phong và Nhà Tình Thương, các cơ hội tìm việc làm cho Sinh Viên, đã được gửi đến cho mọi người gần xa. Xin tạ ơn Chúa và cám ơn nhau thật lòng.

Nhân đây, cũng xin chia sẻ với các bạn sinh viên gần xa một thông tin mới về việc làm: Nhóm Cựu sinh viên Công giáo Thủ Ðức lâu nay vẫn không ngừng tìm kiếm các việc làm bán thời gian cho các bạn sinh viên và cũng cùng nhau đóng tiền quỹ hàng tháng để có được một ít kinh phí lo thêm cho các bạn sinh viên nghèo hiếu học. Mới đây, anh em đã quyên tiền thành lập một xưởng cơ khí mang tên "KỸ NGHỆ SẮT HOA THÀNH VINH" Ðịa chỉ xưởng: 43 / 16 khu phố 3, phường Hiệp Bình Phước, quốc lộ 13, quận Thủ Ðức, Sài-gòn.

Xưởng này nhằm tạo việc làm cho các anh em sinh viên Công giáo chưa có việc làm thêm để có chút ít kinh phí trang trải việc học tập và trong sinh hoạt hằng ngày, chính vì vậy mà chúng tôi xin quý ân nhân quan tâm và gúp đỡ giới thiệu gia công những mặt hàng như: Làm cửa sắt, cửa nhôm, cửa inox, cầu thang cuốn, lan can, nhà vòm, lưới rào và các công trình khác. Giá cả bình dân, ưu tiên cho những công trình của Nhà Dòng, Nhà Xứ, và các công trình khác trong khu vực từ Biên Hòa, Long Thành, Long Khánh, Bình Dương và khu vực Sài-gòn. Mọi liên lạc xin vui lòng liên hệ số điện thoại ở cơ sở 08.8.971.032 gặp anh Tân, hoặc liên hệ số điện thoại di động 0913.160.822 gặp Vinh. Xin chân thành ghi ơn.

HOA XUÂN VINH, Cựu SVCG cụm Thủ Ðức

THÔNG TIN VỀ CÁC KHOẢN TIỀN CÁC ÂN NHÂN MỚI GIÚP

Quỹ GOSPELNET cứu trợ lũ lụt Miền Tây còn lại cho chuyến đi sau:                          4.100.000 VND và 30 USD

Các ân nhân ở Giáo Xứ Xây Dựng, Sài-gòn giúp quỹ học sinh nghèo:                          200.000 VND

Chị Trần Thị Ðào, Phòng Tán Sỏi, Ðại Học Y Dược cơ sở 2:                                            100.000 VND