GOSPELNET
 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


CHÚA NHẬT 29 C THƯỜNG NIÊN – CHÚA NHẬT TRUYỀN GIÁO

TIN MỪNG: Lc 18, 1 – 8

DỤ NGÔN QUAN TOÀ BẤT CHÍNH VÀ BÀ GOÁ QUẤY RẦY

Khi ấy, Ðức Giê-su kể cho các môn đệ dụ ngôn sau đây, để dạy các ông phải cầu nguyện luôn, không được nản chí. Người nói:

"Trong thành kia, có một ông quan toà. Ông ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì. Trong thành đó, cũng có một bà goá. Bà này đã nhiều lần đến thưa với ông: "Xin ngài bênh vực tôi chống lại kẻ kiện tôi". Một thời gian khá lâu, ông không chịu. Nhưng cuối cùng, ông ta nghĩ bụng: "Dầu rằng ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì, nhưng mụ goá này quấy rầy mãi, thì ta bênh vực mụ cho rồi, kẻo mụ ấy cứ đến hoài, làm ta nhức đầu nhức óc".

Rồi Ðức Giê-su nói: "Anh em nghe quan toà bất chính ấy nói đó ! Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không bênh vực những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người, dù Người có trì hoãn ! Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng bênh vực họ. Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng !"

SUY NIỆM 1:

KIÊN TRÌ TRONG CẦU NGUYỆN

Thánh Lu-ca viết đoạn Tin Mừng này với phần nhập đề trực tiếp, cho thấy tính cấp bách của bài học: PHẢI KIÊN TRÌ TRONG CẦU NGUYỆN.

Kiên trì là một đức tính tốt, nếu hành động mà nó diễn tả vươn tới mục đích thiện hảo; có thể được gọi là gan lì. Trái lại kiên trì cũng là một tính xấu cần phải khử trừ, khi hành động mà nó diễn tả nhắm tới điều bất lợi; trong trường hợp này, người ta gọi là... lì lợm.

Cần phân biệt hai sự lì : có lần Thánh Tê-rê-xa Hài Ðồng Giê-su khuyên một tập sinh tự nhận mình có lỗi thường phạm rằng: "Chị hãy sánh mình như em bé tập đi, lại đòi lên cầu thang, cứ bước lên bậc một, thì lại té xuống... Em này cố gắng mãi, cứ làm lại mãi, chắc chắc ba em đứng trên gác, sẽ bước xuống mà ẵm em lên".

Trong trường hợp này, ta không được khuyên rằng: cứ ngồi lì ở dưới đó, đừng bước lên. Nhưng trái lại ta được khuyên: hãy bước lên mãi, cho dù biết chắc phải té xuống, phải chịu khó và phải vất vả nhiều.

Kiên trì bao gồm sự cố gắng chịu khó và vượt khó, phải nhẫn nại chịu đựng những vất vả hòng làm ta ngã lòng, bỏ cuộc. Lúc tuổi mười một tôi bước vào Chủng viện, mỗi lần về quê chào thăm nội tôi, thì nội tôi luôn khuyên một vài lời này: "Hãy luôn cầu xin ơn bền đỗ". Tôi nhớ mãi và lấy làm lạ không hiểu, nhưng cũng vâng lời mà luôn cầu xin ơn bền đỗ. Mãi đến khi trải qua bao thử thách bỏ cuộc, nhất là sau năm 1975, những năm đói kém khoảng 1978..., tôi mới nghiệm ra ơn bền đỗ rất cần cho đời tu. Từ đó ta có thể nghĩ rằng để có được thành công trong cuộc sống, cần phải kiên tâm trì chí... Cũng thế để thành công trên con đường nên thánh, ta càng phải vững bền hơn nữa.

Và trong đời sống cầu nguyện, Chúa Giê-su hôm nay đã dạy ta phải kiên trì, Ngài đưa ra một câu chuyện, trong đó người kiên trì là người có lòng khiêm tốn, nhẫn nhục và chân thành. Chúng ta thử hỏi Chúa Giê-su dạy cầu nguyện phải kiên trì, để đạt được điều gì ? Có phải để được điều ta muốn không, hay chỉ để cầu nguyện... Tôi cho rằng khi Chúa dạy "phải cầu nguyện luôn, không được nản chí" ấy là để chúng ta gặp Chúa cho dù không thấy Chúa, để chúng ta làm theo ý Chúa cho dù phải nhiều hy sinh, và có thể nói để đạt được điều ta xin cho dù không thấy kết quả.

Bởi vì cầu nguyện là nâng tâm hồn lên cùng Chúa, là gặp gỡ Chúa, là sống hiệp thông sự sống của Chúa, là thưa chuyện với Chúa, là "vâng ý Cha dưới đất bằng trên trời vậy", là nếm trước hạnh phúc thiên đàng. Bởi Chúa muốn mọi người được hưởng sự sống của Chúa, được cứu độ, được thiên đàng, nên Chúa dạy phải cầu nguyện luôn, không được nản.

Trở lại với câu chuyện ông quan bạo tàn và bà góa tội nghiệp.

Chúa Giê-su đưa ra một hình ảnh để so sánh, để càng làm rõ sự đối nghịch: một đàng là Thiên Chúa vô biên, nhân từ hay thương xót, một đàng là con người hữu hạn, hẹp hòi và tàn bạo. Theo như thời phong kiến thì nói như vậy quả là phạm thượng, chúng ta dám như vậy sao, dám lấy lòng tiểu nhân mà đo quân tử sao! Chúa Giê-su dám nói như vậy, để cho chúng ta chắc chắn sẽ đạt được sự sống với Chúa khi cầu nguyện, vì Chúa nhân từ. Chúa nói: "Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không bênh vực những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người, dù Người có trì hoãn ?". Ðây là cách lý luận của nhân loại, có thể lập luận: "chẳng lẽ Thiên Chúa lại không tốt bằng người phàm sao ?". Rõ ràng rồi nhé, khi cầu nguyện thì chắc chắn được nhậm lời, Chúa nói: "Ai xin thì sẽ được…". Nên chúng ta phải cầu nguyện không ngừng, để không ngừng sống với Chúa.

Lm. Phê-rô H.

SUY NIỆM 2:

TIN TƯỞNG VÀ KIÊN TRÌ

1. Kinh nghiệm đời thường: "Có công mài sắt có ngày nên kim"

Kinh nghiệm đời thường cho chúng ta thấy: muốn làm bất cứ một việc gì, chúng ta cũng phải dày công vất vả: Người nông dân muốn có mùa gặt, phải làm đất, gieo hạt, nhổ cỏ, vun xới đất, tưới tắm chăm sóc cây miá hay cây lúa. Có như thế mới có thu hoạch. Học sinh muốn trở thành bác sĩ, kỹ sư phải vất vả học hành bao nhiêu năm trời đèn sách. Có như thế mới có thể trở thành người có chuyên môn có khả năng giúp ích cho gia đình và xã hội. Kiên trì lao động là điều kiện cần thiết cho sự thành đạt của mọi công việc. Nói cách khác kiên trì lao động chắc chắn sẽ đem lại thành công. Kinh nghiệm ấy được cha ông ta đúc kết thành câu phương châm: "Có công mài sắt, có ngày nên kim". Câu châm ngôn này không chỉ đúng ở lãnh vực tự nhiên mà còn đúng ở cả lãnh vực tâm linh, như ý nghĩa của ba bản văn Thánh Kinh hôm nay.

2. Ý chính của ba bản văn Thánh Kinh: Tin tưởng và kiên trì sẽ được toại nguyện.

Bài đọc 1: Thiên Chúa đã giao cho Oâng Mô-sê và A-a-ron sứ mệnh đưa dân riêng It-ra-en ra khỏi Ai Cập, vì ở trong đó họ bị áp bức, bóc lột trăm bề, ngày đêm khốn khổ. Trước sự ngoan cố của vua Pha-ra-on, hai ông vừa phải kiên trì đấu tranh, đấu trí vừa phải củng cố lòng tin tưởng phó thác vào Thiên Chúa Gia-vê là Ðấng đã giao sứ mạng cho hai ông. Cuối cũng họ đã thành công.

Bài đọc 2: Khi khuyên nhủ Ti-mô-thê, Thánh Phao-lô nhắc nhở môn đệ thân tín của mình một yếu tố vô cùng quan trọng trong hoạt động truyền giáo: đó là lòng kiên định trong những giáo huấn và lời hứa của Thiên Chúa đã được trình bày trong Thánh Kinh.

Bài Tin Mừng: Ðể chỉ cho các môn đệ phải biết tin tưởng, kiên trì, nhẫn nại như thế nào trong đời sống cầu nguyện Ðức Giê-su đã kể một câu chuyện khá độc đáo mà cốt chuyện là ông quan nọ chỉ vì để tránh bị quấy rày mà làm theo yêu cầu của bà goá. Nói cách khác là sự kiên trì kêu cứu của bà góa đã đem lại kết quả mong muốn, dù rằng quan chức nọ chẳng kính sợ Thiên Chúa và cũng chẳng coi ai ra gì. Kết luận câu chuyện, Ðức Giê-su lý luận với môn đệ: "Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không bênh vực những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người, dù Người có trì hoãn ? Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng bênh vực họ"

Từ ba bản văn Thánh Kinh trên chúng ta có thể rút ra được kết luận này: Tin tưởng và kiên trì trong cầu nguyện, chắc chắn chúng ta sẽ được toại nguyện. Vì chúng ta có Thiên Chúa là Cha, một người Cha vừa yêu thương con cái hết lòng, vừa giầu có và quyền năng vô biên. Kinh nghiệm của những người sống phó thác tin tưởng trọn vẹn nơi Thiên Chúa là những bằng chứng hùng hồn và sống động về chân lý này. Những người sống tính toán với Thiên Chúa thì khó mà chứng kiến được những phép mầu do bàn tay Thiên Chúa thực hiện. Những người cậy vào sức riêng mình hơn vào quyền năng của Thiên Chúa thì khó mà được tận hưởng những điều kỳ diệu do lòng quảng đại Thiên Chúa ban cho.

Vì thế điều quan trọng hàng đầu trong đời sống tâm linh là làm sao chúng ta có được lòng tin và sự kiên nhẫn trong khẩn cầu. Nhưng làm sao để có được những điều ấy ?

3. Rèn luyện lòng tin và hun đúc lòng kiên nhẫn

Kinh nghiệm đời sống Ðức Tin dạy chúng ta bài học này: rất nhiều khi chúng ta chẳng thấy Thiên Chúa đâu cả, mà chỉ thấy trơ trọi một mình mình. Bao nhiêu khó khăn, trở ngại của đời sống tâm linh cũng như của đời sống vật chất thường ngày vẫn cứ chồng chất trên hai vai và nặng chĩu trên tâm tư chúng ta. Chúng ta có thể thắc mắc: Nếu Thiên Chúa là Cha vừa yêu thương vừa quyền năng thì tại sao chúng ta không được Người đáp ứng những nhu cầu bức bách đang làm khổ chúng ta ?

Chúng ta đều biết và tin rằng Thiên Chúa luôn hiện diện và hành động trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Thế nhưng thật ra thì niềm tin ấy rất yếu ớt, không có ảnh hưởng gì đáng kể đến cách suy nghĩ và hành động của chúng ta. Muốn có lòng tin mạnh mẽ và lòng kiên nhẫn không hề lay chuyển chúng ta phải làm những việc sau đây:

§        Trước hết chúng ta cầu xin Thiên Chúa ban cho chúng ta ơn tin tưởng, phó thác và kiên định trong cầu xin.

§    Kế đến chúng ta phải học cùng Chúa Giê-su Ki-tô, cùng Ðức Ma-ri-a và cùng các vị Thánh mà chúng ta yêu mến để học bài học tin tưởng phó thác và kiên định trong chờ đợi, trong xin vâng của các ngài. Ðức Giê-su đã cho chúng ta một tấm gương tuyệt vời về cách đối xứ của ngài với Chúa Cha. Ðức Ma-ri-a đã nói lời xin vâng đối với kế hoạch "bất ngờ" của Thiên Chúa. Thánh Tê-rê-xa Hài Ðồng Giê-su đã muốn trở nên một quả banh nhỏ để Chúa Giê-su Nhỏ muốn đá vào góc nhà nào thì đá.

§    Sau cùng để có được lòng tin tưởng phó thác hoàn toàn vào Thiên Chúa chúng ta cần thực hiện những bài thực tập. Mỗi ngày chúng ta tập phó thác, tin tưởng vào Chúa hơn một chút. Mỗi ngày chúng ta tập sống quảng đại, quên mình, phục vụ hơn một chút. Mỗi ngày chúng ta tập bỏ bớt nỗi lo âu và thói quen sống tính toán của mình đi một chút. Cứ thế, sự tin tưởng, phó thác vào Chúa sẽ dần dần phát triển trong tâm tư và cách sống của chúng ta. Và chúng ta sẽ thấy ứng nghiệm lời Chúa Giê-su nói trong Phúc Âm hôm nay.

Lạy Thiên Chúa là Cha của con. Cha yêu thương con đến độ đã ban Con Một Cha cho con. Cha yêu thương con đến độ đã sai Thần Khí Cha đến trong con, để giúp con kêu lên với Cha tiếng "Abba – Lạy Cha". Cha yêu thương con đến độ sẵn sàng ban cho con mọi ơn lành phần hồn phần xác mà con cần đến để con được sống và sống dồi dào ( Ga 10, 10 ). Hơn nữa, Cha chẳng những là Cha nhân lành mà còn là Cha quyền năng. Không có gì mà Cha không làm được. Mọi sự đều trong tầm tay của Cha. Thế mà con vẫn sống trong lo âu, buồn khổ, tính hơn tính thiệt với bản thân mình. Con chưa dám lăn xả vào lòng Cha. Con chưa dám phó thác tất cả trong tay Cha. Con chưa dám tin tưởng là Cha làm mọi sự cho con. Xin Cha ban cho con ơn tin tưởng phó thác và lòng kiên nhẫn đợi chờ mà con đang rất thiếu. Xin Cha giúp con tập sống yêu thương, quảng đại, quên mình, phục vụ, cậy trông... để con cảm nghiệm được sự chân thực của Lời Con Cha là Ðức Giê-su. Amen.

Giê-rô-ni-mô NGUYỄN VĂN NỘI

SUY NIỆM 3:

KIÊN TRÌ CẦU NGUYỆN

Ngày 17.9.1789, người ta thấy một bà cụ già đi cạnh một tù nhân đang bị điệu ra pháp trường. Bà cụ hết sức cầu nguyện, an ủi, khuyến khích con can đảm chịu chết vì Ðạo Chúa. Khi đầu con bị chém rơi xuống đất, bà mẹ bình tĩnh đến trước mặt quan tòa nói: "Bẩm quan, khi con tôi còn sống thì thuộc quyền quan, nay con tôi đã chết, xin quan cho tôi được lãnh xác mang về chôn táng, hay ít nữa là được chiếc đầu." Quan truyền lệnh trao cho bà chiếc đầu. Bà cụ nhẹ nhàng lấy vạt áo bọc lấy đầu con. Ðó là chiếc đầu của thánh tử đạo Linh Mục Emmanuel Triệu.

Nhờ đâu ở thời sơ khai của đạo Công giáo Việt Nam, một bà cụ quê mùa, mù chữ đã bình tĩnh, can đảm, sáng suốt dạy dỗ con được như vậy ? Phải chăng chính là nhờ sự cầu nguyện với lòng tin sắt đá của bà đã biết dạy con mến Chúa và hiến dâng con làm linh mục cứu các linh hồn, và được ơn phúc làm thánh tử đạo.

Bà mẹThánh Triệu không nài xin quan tòa minh oan cho con, nhưng bà đã cầu nguyện với niềm tin kiên trì sắt đá hơn cả bà góa xin quan tòa xử cho bà. Ðây là điều Chúa Giê-su muốn nhấn mạnh trong Tin Mừng hôm nay.

Sự hiệu nghiệm do lời cầu nguyện với niềm tin bền vững được bày tỏ qua câu truyện giữa hai nhân vật điển hình: Bà góa với ông quan tòa. Theo đoạn Tin Mừng này, Ðức Giê-su muốn so sánh chúng ta với bà góa, và cực lắm Người phải so sánh Thiên Chúa với quan tòa.

Ông quan tòa được mô tả là người chẳng kính sợ Thiên Chúa mà cũng chẳng coi ai ra gì. Chẳng kính sợ Thiên Chúa có nghĩa là ông vô đạo, vô lương tâm, coi trời bằng không. Do đó, ông vô trách nhiệm, muốn làm gì thì làm, muốn bỏ thì bỏ. Muốn xử ai theo ý muốn thì xử. Ông chẳng coi ai ra gì, tức là ông là nhất, chẳng sợ cấp trên, chẳng nể cấp dưới. Chẳng ai bảo được ông, ông mặc sức độc tài, hoành hành, tác yêu, tác quái. Ðó là hạng quan tòa bất công, bất nhân và rất ngạo ngược.

Ông khác xa Thiên Chúa một trời một vực. Thiên Chúa là Ðấng công minh chính đại, xét xử thưởng phạt vô cùng công bằng. Thiên Chúa lại rất nhân từ, rất thương xót mọi người, luôn luôn bênh đỡ những kẻ bé mọn kêu cầu Người. Trước một Thiên Chúa công minh và từ bi nhân ái như thế, tại sao chúng ta không biết tha thiết cầu khẩn Người.

Có lẽ chúng ta đối với Thiên Chúa còn kém quá xa bà góa đối với ông quan tòa. Bà góa là hạng người thân phận hẩm hiu, xấu số, cô thế, cô thân, luôn bị kẻ khác đàn áp khốn khổ. Bà quá nghèo túng chẳng có gì đút lót cho quan tòa, nhưng bà có thái độ rất đáo để, rất kiên trì, rất cương quyết. Bà tin chắc cứ kêu nài, cứ van xin, thế nào quan tòa cũng phải chịu xét xử. Ông không xử vì thương bà, không sợ ai, nhưng ông phải sợ sự quấy rầy. Bà không để cho ông được yên lúc nào, không để ông rảnh rỗi ăn chơi. Buộc ông phải đau đầu nhức óc, ông muốn khỏi khổ với bà, ông phải xử cho xong. Xong ở chỗ cho bà phải thắng kẻ thù bất công. Vì bà không thể để cho kẻ thù ức hiếp bà. Ðó là lý do chính đáng thúc đẩy bà phải kêu nài toà xử cho bằng được.

Ðối với Thiên Chúa, thân phận của chúng ta được ưu đãi hơn nhiều thân phận của bà góa đối với quan tòa. Chúng ta không bị cô thế, cô thân như bà góa vì chúng ta có Ðấng trung gian là Ðức Giê-su cứu giúp chúng ta trước mặt Chúa Cha. Người đã thương yêu hy sinh chịu chết để cứu chuộc chúng ta. Tuyển chọn chúng ta làm con Thiên Chúa. Bà góa cần minh oan thế nào, thì chúng ta phải khẩn thiết cầu nguyện để Chúa cứu chữa chúng ta khỏi tay ba thù hơn thế. Ba thù đó là ma quỷ, thế gian, các dục vọng xấu xa, chúng luôn luôn hãm hại chúng ta rất khủng khiếp như thánh Phê-rô nói: "Ma quỷ, thù địch của anh em như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé" ( 1 Pr 5, 8 ). Chúng ta muốn sống đời đời, chúng ta phải siêng năng cầu nguyện, kiên trì với lòng tin sắt đá thì "Thiên Chúa, nguồn mọi ân sủng, là Ðấng đã kêu gọi anh em vào vinh quang đời đời của Người trong Ðức Ki-tô, sẽ cho anh em nên hoàn thiện, vững vàng, mạnh mẽ và kiên cường" ( 1 Pr 5, 10 ).

Phải kiên cường cầu nguyện như bà mẹ của Thánh Emmanuel Triệu mới giải thoát con mình khỏi sợ hãi gươm chém và anh dũng hiên ngang ra pháp trường để lãnh triều thiên vinh quang tử đạo. Phải kiên trì cầu nguyện như bà thánh Monica, Chúa mới ban cho đức con tội lỗi, lạc giáo trở về làm Thánh Giám Mục Tiến Sĩ Hội Thánh.

Một đại chủng sinh đã viết: "Con lấy làm vinh dự sống trong gia đình nghèo hèn, chỉ ăn cháo, không bao giờ biết đến bánh mì và thịt, họa may đôi ba lần trong một năm. Tuy hơn 10 đứa con lớn bé đang chờ chực đĩa cháo, nhưng nếu có người đến ăn xin, mẹ vẫn mời họ ngồi ăn với chúng con." Bà mẹ được nhắc đến ấy chính là mẹ Ðức Giáo Hoàng Gio-an 23, một vị Giáo Hoàng vĩ đại của hoà bình được cả thế giới mến phục, được thưởng giải Nobel hòa bình, và là Giáo Hoàng của Công Ðồng Vatican II vĩ đại. Nhờ đâu một bà mẹ quê mùa, nghèo khó đã biết dạy dỗ con nên người vĩ đại như vậy: Thưa, chính là nhờ lời cầu nguyện với niềm tin sắt đá. Liệu bây giờ Chúa còn thấy được lòng tin kiên trì cầu nguyện nơi chúng ta nữa không ?

Lạy Chúa ! Xin cho con mạnh bạo thưa với Chúa rằng: "Chúng con vẫn còn lòng tin kiên trì cầu nguyện đó, nhưng xin Chúa luôn luôn nâng đỡ sự yếu hèn của chúng con. Amen."

Lm. VŨ KHẮC NGHIÊM ( lấy lại từ VietCatholic 10.2001 )

SUY NIỆM 1 CHO NGÀY TRUYỀN GIÁO:

TRONG NGÀY LỄ HIỆN XUỐNG ÐẦU TIÊN

Ý cầu nguyện của tháng 10 là xin cho Giáo Hôïi tìm lại được nhiệt tình truyền giáo của Lễ Hiện Xuống đầu tiên. Vì thế ta cần nhìn lại thuở ban đầu ấy của Hội Thánh Chúa Ki-tô.

Thật là dễ dàng nhận ra điều đó khi chúng ta chăm chú đọc lại Sách Tông Ðồ Công Vụ. Sách Tông Ðồ Công Vụ được coi như Phúc Âm của Chúa Thánh Thần, và Chúa Thánh Thần là động lực của công cuộc truyền giáo. Không có Chúa Thánh Thần là không có truyền giáo. Ðức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II đã công bố một công cuộc Truyền Giáo Mới, và Tái Rao Giảng Phúc Âm cho toàn thể Giáo Hội bắt đầu từ năm 1990 với Tông Huấn ‘Sứ Vụ Ðấng Cứu Thế’ ( Missio Redemptoris, 7.12.1990, năm kỷ niệm 25 năm Sắc lệnh Công Ðồng Vatican II ‘Ad Gentes’ ).

Ðức Thánh Cha đưa ra nhiều phương cách truyền giáo. Nhưng Ngài nhấn mạnh rằng: dù với phương cách nào thì cũng cần phải hành động trong quyền năng của Chúa Thánh Thần, phải tái khám phá ra động lực thúc đẩy người ta trở về với Chúa Ki-tô và Giáo Hội của Người. Một trong những phương cách tốt nhất là hãy mở Sách Công Vụ Tông Ðồ ra và hãy nguyện xin cho gương sống của những người Ki-tô hữu đầu tiên tạo nên cảm hứng cho chúng ta, để chúng ta cũng biết chia sẻ tình yêu của Chúa Giê-su cho người khác.

Trong Sách Công Vụ Tông Ðồ, chúng ta nhận thấy những người Ki-tô hữu đầu tiên đã xây dựng Giáo Hội từ nhiều khó khăn, hỗn tạp. Mọi vấn đề xảy đến đều mới mẻ đối với họ. Họ bỡ ngỡ, họ kinh ngạc trước những thành công lớn lao vượt sức của mình. Họ thú nhận đó không phải là công lao của họ mà làø của Chúa Thánh Thần. Họ trở nên một Cộng Ðoàn Ðức Tin bởi quyền lực của Chúa Thánh Thần trong ngày lễ Hiện Xuống. Họ tạo nên một hệ thống truyền giáo vô song, và bung ra khắp các ngả đường của thế giới để rao giảng Tin Mừng về Ơn Cứu Ðộ. Họ ra đi bằng phương tiện đơn thường. Ðó là "đẹp thay bước chân rao giảng", và đi theo sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần.

Ðương nhiên cùng với con người, khả năng, nghị lực của họ, nhưng luôn tiếp chạm ngọn lửa Thánh Thần. Những con người của Tông Ðồ Công Vụ đã ca hát trong ngục tù, đã đương đầu với nghịch cảnh, đã sống vui vẻ, đã quảng đại chia sẻ những gì mình có, đã tranh luận, đã ra trước công quyền, đã gom góp của cải giúp đỡ người nghèo, đã chăm sóc và chữa lành những kẻ bệnh hoạn tật nguyền, đã cầu nguyện với lòng đơn sơ sốt sắng, đã sống hài hoà với mọi người, đã thương yêu nhau đến nỗi người người thèm muốn thốt lên: "Kìa xem họ yêu thương nhau là dường nào !"

Ðó là một cộng đoàn những con người, nhưng là những con người đầy Chúa Thánh Thần, đầy nhiệt tình rao giảng Tin Mừng Cứu Ðộ. Họ trình bày Chúa Giê-su chính là nguồn hạnh phúc và là mối hy vọng lớn lao cho mọi người phải đạt tới. Những người rao giảng này muốn biến đổi người nghe. Họ nói với tất cả tấm lòng yêu thương chân thành.. Họ dùng mọi phương cách của con người để thuyết phục, nhưng lúc nào cũng dựa vào quyền năng của Chúa Thánh Thần, nhờ vậy những gì họ nói ra đã gây tác động xoáy sâu vào tâm hồn người nghe. Họ quá biết sự hoán cải của con người luôn luôn là một phép lạ. Họ cảm nghiệm quyền năng của Chúa trong tâm hồn và họ chia sẻ Chúa Giê-su, Ðấng họ biết, cho người khác. Họ đã biến đổi hàng ngàn, hàng vạn người khác. Và chỉ trong một thời gian ngắn, Ki-tô giáo đã lan tràn đến tận hang cùng ngõ hẽm của đế quốc Rô-ma.

Chúa Thánh Thần, Ðấng đã hoạt động với các Tông Ðồ thuở xưa, cũng còn đang hoạt động ngày hôm nay. Nhưng Chúa Thánh Thần hoạt động trong chúng ta, vì vậy chúng ta hãy mở tâm hồn ra mời Ngài đến chiếm ngự. Xin Ngài đổ đầy ân sủng và biến chúng ta trở nên dụng cụ hữu hiệu của Ngài cho thế giời hôm nay.

Ngày nay chúng ta cần phải có sự dũng cảm và lòng can đảm như các Ngài. Không một lý do nào làm cho chúng ta phải hổ thẹn và sợ hãi khi chúng ta sống và làm chứng nhân đức tin Công giáo của chúng ta. Chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta sức mạnh và ơn can đảm, để chúng ta thể hiện đức tin mạnh mẽ như những tín hữu trong Giáo Hội thời đầu.

Lễ Hiện Xuống và công cuộc truyền giáo đan quyện lấy nhau y như là một: Lễ Hiện Xuống đầu tiên bao gồm: 120 người kiên trì cầu nguyện với Mẹ Ma-ri-a, Thánh Thần được ban xuống, Các Tông Ðồ ra khỏi căn phóng đóng kín để công bố Lời Rao Giảng Tiên Khởi ( Kerigma ) về sự chết và sống lại của Chúa Giê-su Ki-tô, và những người nghe đã ăn năn sám hối và chịu Phép Rửa nhân danh Ðức Ki-tô và đón nhận ơn huệ Chúa Thánh Thần.

Công Vụ Tông Ðồ khởi đầu từ phòng Tiệc Ly, nơi đó các môn đệ và Mẹ Ma-ri-a liên lỉ cầu nguyện chờ đợi Chúa Thánh Thần được ban xuống. Cũng vậy khi chúng ta liên lỉ cầu nguyện như hơi thở, chúng ta cũng tạo ra được khung cảnh chờ đợi Chúa Thánh Thần đến với chúng ta. Cầu nguyện cũng là hoạt động của Chúa Thánh Thần, truyền giáo cũng là hoạt động của Chúa Thánh Thần. Hãy quỳ gối xuống và bắt đầu cầu nguyện đi thôi.

Lm. NGUYỄN QUANG DUY, DCCT

SUY NIỆM 2 CHO NGÀY TRUYỀN GIÁO:

TRUYỀN GIÁO LÀ TRÁCH NHIỆM CỦA AI ?

Trong các văn kiện Tòa thánh, truyền giáo là sứ mạng của các Ki-tô-hữu. Gần đây Tông Huấn Giáo Hội Tại Á Châu nói với chúng ta một lần nữa. Ở ngưỡng cửa ngàn năm thứ ba, tiếng Ðức Giê-su Phục Sinh lại vang dội trong tâm hồn mỗi người Ki-tô hữu: "Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế" ( Mt 28, 18 – 20 ).

Ðón nhận là cộng tác vào việc truyền giáo

Với hai chữ truyền giáo, ta liền hình dung được có một điều gì đó mà người này trao cho người khác. Chúa Giê-su trước tiên chính là Người này – kế đến người này cũng là chúng ta, những Ki-tô-hữu. Nhưng chúng ta cũng chính là người khác bởi chúng ta quả thật là người lãnh nhận đức tin, lãnh nhận ơn cứu độ, lãnh nhận Tin Mừng. Ðiều gì đó, chính là Tin Mừng Cứu Ðộ, là Ðấng Cứu Thế Giê-su.

Theo Tông Huấn Giáo Hội Tại Á Châu, "Ðức Giê-su là một Quà Tặng vừa nhận được vừa để chia sẻ". Chúa Giê-su nói với các môn đệ: "Các con đã lãnh nhận nhưng không thì cũng hãy cho nhưng không".

Nếu người này trao mà không có người nhận thì làm sao gọi là truyền giáo ? Vậy đón nhận Tin Mừng chính là cộng tác vào công cuộc truyền giáo.

Kết hợp với Chúa là sống truyền giáo

Với những suy nghĩ trên đây, điều gì đó mà kẻ trao người nhận là một Quà Tặng cao trọng, quý báu, nó làm cho người nhận được hạnh phúc vô biên, ngay trên cõi đời này và mãi mãi. Có chi trên trần gian mà đáp ứng được như vậy ? Không, chỉ có thể có được trong Chúa mà thôi. Ðúng, nhưng Thiên Chúa đã làm người và cư ngụ giữa chúng ta: Ðức Giê-su Ki-tô, chính Ngài là Quà Tặng, chính Ngài ban cho chúng ta tất cả…

Ðể được Chúa Giê-su, không khó, chỉ cần chúng ta tham dự phụng vụ của Hội Thánh. Chúa Giê-su, Ðấng Lang Quân của Hội Thánh sẽ ở với chúng ta và hoạt động trong chúng ta. Tham dự phụng vụ chính là tham dự Thánh Lễ, lãnh các Bí Tích và Kinh Nguyện hằng ngày; cũng là kết hợp với Chúa Giê-su. Ðàng khác như lời Chúa nói: "Ai yêu mến Ta thì vâng giữ lời Ta, Cha Ta và Ta sẽ yêu mến người ấy và Chúng Ta sẽ đến và ở nơi người ấy".

Truyền giáo bằng cách nào ?

Ðọc sách Tông Ðồ Công Vụ, hoặc các đời sống thừa sai, như Thánh Phan-xi-cô... có người sẽ nói rằng tôi không thể truyền giáo được, vì tôi dốt, vì tôi nghèo, vì tôi thiếu phương tiện... Không đâu, bạn lầm rồi các Tông Ðồ và Môn Ðệ Chúa Giê-su có dốt không ? Thánh Phan-xi-cô có nghèo không ? Các ngài có nhiều phương tiện không ? So với bạn hôm nay, bạn được ưu đãi hơn nhiều. Bạn đang thiếu gì nào!

Ðể truyền giáo, bạn cần có Chúa và lòng hăng say nhiệt thành tông đồ. Rồi sau đó, bất cứ hoàn cảnh nào, bất cứ phương tiện nào, bất cứ ở đâu và lúc nào... bạn đều có thể truyền giáo được.

Tháng 8 vừa qua, trong họ đạo tôi có 13 người được Rửa Tội: họ thuộc nhiều hạng tuổi, và nhiều lý do theo đạo: kẻ thì mới sinh trong gia đình có đạo, kẻ thì vì hoàn cảnh mới hợp thức hóa gia đình, kẻ thì lạc con từ năm 1968, con được nuôi viện mồ côi, con theo đạo trước, nay gặp lại bố, mời bố theo đạo, kẻ khác thì vì lý do Hôn Phối…

Cũng có người cho rằng truyền giáo không khó, có thể dùng việc cầu nguyện hằng ngày, dâng vài kinh nguyện, làm vài việc hy sinh, hoặc tránh xa tội lỗi, như vậy tôi cũng là truyền giáo. Ðúng vậy, Thánh Tê-rê-xa Hài Ðồng Giê-su, một nữ tu trẻ trong Dòng Kín, đơn sơ phó thác, hy sinh, mến Chúa, thuận hòa, vâng lời... lại là gương mẫu truyền giáo, là Quan Thày các xứ truyền giáo. Có người nói còn đơn giản hơn nữa: Tôi mặc áo dài đi lễ, cũng là truyền giáo; Làm dấu Thánh Giá trước khi cầu thủ ra sân bóng đá, hoặc trước khi ăn hủ tíu, ăn phở ngoài tiệm, cũng là truyền giáo.

Người khác nói: Tôi làm công tác xã hội, đắp lộ đi, bắc cầu, phục vụ cháo trong bệnh viện.. cũng là truyền giáo vậy. Còn tôi nữa, còn trẻ, tôi không chửi thề tục tỉu, không gian xảo, không quậy phá, không dình vào các tệ nạn xã hội,... như thế tôi có truyền giáo chưa ? Nếu người ta biết bạn là Ki-tô-hữu, thì cũng là việc truyền giáo.

Thật đơn giản, nhưng cũng cần phải có những tâm hồn nhiệt thành chuyên lo việc truyền giáo trong Giáo Hội. Nhân hôm nay Khánh Nhật Truyền Giáo, chúng ta một mặt lo thực hiện sứ mạng cao quý của mình, mặt khác cũng phải góp tiền của và lời cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo của Hội Thánh.

Lm. Phê-rô H.

LỜI NGUYỆN TÍN HỮU:

Anh chị em, các bạn trẻ thân mến, trong Tông Huấn Giáo Hội Tại Á Châu, Ðức Thánh Cha nhắc nhở mọi kitô-hữu đều có bổn phận truyền giáo theo mệnh lệnh của Chúa Cứu Thế. Ðức Thánh Cha còn hướng dẫn từng thành phần, từng giới – trong đó có cả giới trẻ – cách thức truyền giáo cho người Á Châu trong thiên niên kỷ thứ ba này. Theo lời của vị Cha chung, chúng ta hãy mau thực hiện sứ mạng truyền giáo. Nhưng trước hết và giờ đây, chúng ta hãy cùng nhau dâng lời cầu xin Chúa:

-          Trước hết chúng ta cám ơn Chúa vì đã soi dẫn Ðức Giáo Hoàng chỉ dạy cộng đồng dân Chúa trên khắp năm châu phải thực hiện việc truyền giáo cho các dân tộc hôm nay; Xin Chúa thêm ơn thúc giục mọi thành phần dân Chúa và nhất là chính chúng con, mau liệu truyền giáo ngay trong hoàn cảnh sống của mình.

-     Chúng ta hãy cầu nguyện cho những công việc và những con người dấn thân truyền giáo trong Giáo Hội; Xin Chúa kêu gọi nhiều người nhiệt thành, ban cho họ được nhiều khả năng, nhiều sáng kiến hữu hiệu, và giúp họ sử dụng nhiều phương tiện thuận lợi... để thực hiện việc truyền giáo cho các dân tộc.

-          Chúng ta hãy cầu nguyện cho các dân tộc, mọi thành phần nhân loại, có được mọi điều kiện để nhận biết thờ phượng Chúa; Xin Chúa tỏ hiện rõ hơn, để cho các thành phần nhân loại, dù là sang hèn, hay giàu nghèo, dù là dân tộc thiểu số hay chưa tin Chúa... biết dùng lý trí và đức tin sáng suốt Chúa ban, mà nhận biết và tôn thờ Chúa.

-     Chúng ta hãy cầu nguyện cho chính chúng ta và hết mọi người trong họ Ðạo; Xin Chúa cho chúng ta luôn nhớ bên tai Lời Chúa dạy: "Hãy đi rao giảng Tin Mừng", để chúng ta biết dùng mọi hoàn cảnh, mọi thời giờ và mọi nơi mà giới thiệu Ðạo Chúa cho những người xung quanh.

Lạy Chúa Giê-su, chúng con đã biết Chúa bảo chúng con phải rao giảng Tin Mừng, và Chúa còn ban ơn Thánh Thần – giúp phương tiện, cho chúng con hoàn thành sứ mạng; chúng con nài xin Thánh Thần Chúa biến đổi sự hiểu biết của chúng con thành hành động loan báo Tin Mừng khắp nơi. Chúa là Ðấng hằng sống hằng trị muôn đời. Amen.

Lm. Phê-rô H.

CÁC CHỨNG TỪ:

TIN TƯỞNG VÀ KIÊN TRÌ

Thời đệ nhị thế chiến, tại Peckham, một thị trấn nằm ở phía đông nam thủ đô Luân-đôn nước Anh, có một ngôi thánh đường bị bom đạn phá hủy một phần nóc và mái. Những năm sau đó, kẻ trộm lẻn vào tháo gỡ cả gạch lát nền, khiêng các dãy ghế và bàn quỳ đi, và nhất là không quên tháo mất tất cả những tấm kính cửa sổ nguyên vẹn còn sót lại. Hàng giáo phẩm đành ra quyết định cho phá hủy ngôi thánh đường và bán khu đất ấy lại cho tư nhân trong vùng.

Thế nhưng, có một Linh Mục tên là Symons đã đứng ra xin phép được chuyển toàn bộ Nhà Thờ sang xây dựng lại tại đồi Biggin cách đó 27 cây số. Bề Trên hỏi ngài sẽ dùng phương tiện nào thì ngài trả lời: "Thưa, tự tay con sẽ làm lấy tất cả !" Ai cũng cho ngài là liều mạng điên khùng, bởi Nhà Thờ cao tới 28m, dài 40m và rộng 13m. Vậy mà, chính bản thân cha Symons đã làm được tất cả với sự giúp đỡ về vật chất và nhân lực hết sức ít ỏi của những người thiện chí quanh vùng. Chúng ta hãy lưu ý đến những con số chi tiết kỷ lục sau đây:

§    Thời gian tháo gỡ Nhà Thờ cũ: 3 năm 4 tháng.

§    Thời gian dựng lại Nhà Thờ mới: cũng tròn 3 năm 4 tháng.

§    Ðoạn đường đi lại giữa hai nơi tổng cộng là 48.000 cây số.

§        Số lượng chuyên chở: 125.000 viên gạch, 70.000 viên ngói, 400 tấn đá, 40 tấn sườn nhà bằng thép, 2 tấn rưỡi chì và cả một núi xà bần khổng lồ.

§        Ðồ dùng lao động cá nhân bị hư hỏng: 10 đôi giày và 30 đôi găng.

§    Phương tiện trợ lực: 1 xe vận tải nhỏ, 1 cây cuốc, 1 bộ khóa ( clés ) và kềm, 1 máy cắt kính, 1 máy bốc giỡn nhỏ, một số dây cáp bằng thép và một số ống sắt dùng làm giàn giá.

§    Cha Symons đã trải qua học hỏi và thực hành các nghề: thợ làm gạch, thợ hồ, thợ nề, thợ mộc, thợ bạc, thợ nấu chì, thợ điện, thợ chạm trổ, thợ sơn phết, thợ lợp mái, thợ cắt và lắp đặt kính, thợ tháo gỡ, thợ chuyên chở và thợ giàn dựng.

Ngày 25.4.1959, ngôi Thánh Ðường kính thánh Mác-cô hoàn tất sau thời gian 6 năm 8 tháng miệt mài lao động của cha Symons. Các quả chuông ngân vang rộn rã loan tin vui đi khắp vùng. Thánh Lễ cung hiến được Ðức Giám Mục cử hành long trọng với bộ chén thánh, với bàn thờ, với tượng Thánh Giá cẩn ngọc quý do chính tay cha Symons làm ra. Toàn thể 350 giáo dân đến dự lễ đã cất tiếng hát hòa theo tiếng đàn đại phong cầm vừa được cha tu bổ. Ánh nắng ban mai rực rỡ xuyên qua 57 cánh cửa sổ Nhà Thờ được gắn kính màu ( vitraux ) mua từ nước Bỉ mà chính tay cha đã phác họa những hình ảnh mô phỏng theo một cuốn Kinh Thánh cổ từ thế kỷ thứ 15.

Trong phần cuối của bài giảng, để giải thích biến cố kỳ lạ đến không thể tin nổi này, cha Symons đã tiếp nối lời Ðức Giám Mục, khiêm tốn chia sẻ như sau: "Kính thưa Ðức Cha, thưa tất cả anh chị em, người ta vẫn cứ ngỡ bản thân con đã lầm lũi một mình xây dựng ngôi Nhà Thờ này. Thế nhưng, con lại đã làm chung với một Ông Chủ rất mực nhân hậu, Ngài luôn ở bên con mọi ngày, mọi nơi và trong mọi việc..."

Lm. LÊ QUANG UY sưu tầm, trích NỐI LỬA CHO ÐỜI số 4

CHỨNG TỪ CỦA MỘT GIÁO DÂN TRUYỀN GIÁO

Cha Alexis thuộc Dòng Don Bosco có thuật lại một chứng từ sống động sau đây:

Vào năm 1934, cha Alexis được Bề Trên sai đến truyền giáo ở vùng Ðông Bắc xứ Lybia. Tại đây, cha được sự cộng tác nhiệt thành của một bạn trẻ giáo dân tên là Joan Cardina, cùng nhau phụ trách cả một vùng rộng lớn, nơi người dân chưa hề được nghe nói về Chúa.

Ít lâu sau, cha Alexis lại được chuyển sang Châu Á để thành lập một cộng đoàn Nhà Dòng tại nước Myanmar. 18 năm sau, tức năm 1952, cha có dịp quay trở lại thăm xứ Lybia với tư cách một Bề Trên Giám Tỉnh. Khi đến vùng mà trước kia cha đã ủy thác lại cho anh Cardina, cha hết sức ngạc nhiên thấy hầu hết dân ở đây đã theo đạo Công giáo và sống đạo rất tốt. Còn người Giáo Lý Viên nhiệt thành năm xưa thì không thấy đâu...

Cha Alexis cố công tìm hỏi những người già cả và đã được nghe họ kể lại đầu đuôi mọi sự: Khi anh Cardina được cử đến đây, dân làng còn theo đạo thờ các vật linh nên họ tỏ rõ thái độ thù nghịch đối với anh, nhiều lần các thầy phù thủy đã kiếm cớ chửi rủa và đe dọa sẽ giết anh. Thế nhưng Cardina vẫn nhẹ nhàng tỏ bày với họ thiện chí của mình: "Tôi không thể bỏ nơi này vì cha Alexis đã sai tôi đến để giúp các bạn biết và yêu mến Thiên Chúa duy nhất và chân thật là Cha của tất cả chúng ta. Thiên Chúa sẽ giải thoát các bạn khỏi mọi sự sợ hãi đối với các thần linh..."

Bị trục xuất, Cardina liền cất một cái chòi ở rìa làng để ở. Những người có thiện cảm nhất đối với anh cũng không ai dám ghé thăm và giúp đỡ thực phẩm. Thế nhưng anh vẫn can đảm tự mình làm lụng vất vả, kiên trì cầu nguyện, đồng thời sẵn sàng chia sẻ phần thu hoạch ít ỏi với những người dân làng nghèo đói, cứu giúp họ thoát khỏi những cơn bệnh nguy tử bằng vốn liếng ít ỏi của anh về các loại lá thuốc.

Có lần, ông già làng được cử đến thăm dò Cardina đã hỏi: "Tại sao anh không chịu đi nơi khác, anh coi đấy, chẳng ai ưa anh, cũng chẳng ai nghe anh dạy thứ tôn giáo của anh !" Cardina ôn tồn và hiền hòa trả lời: "Thiên Chúa đã sai tôi đến đây, Ngài đã hy sinh mạng sống để cứu chuộc mọi người chúng ta. Vì thế, tôi cũng sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình để các ông được ơn nhận biết Ngài. Tôi sẽ không rời bỏ nơi này bao lâu chưa có ai trở thành Ki-tô hữu..."

Thế rồi dân làng cũng đành chịu cho anh ở lại, dần dần thành quen vì cũng không thấy anh làm điều gì tai hại cho họ, ngược lại là khác. Mấy năm sau, Cardina nhiễm phải căn bệnh sốt tê liệt, anh đã có thể ra đi để được chữa trị, nhưng anh đã trụ lại đến cùng. Sau khi anh qua đời, dân làng cảm phục trước Lòng Tin kiên trì của anh, đã tự ý tìm đến một Giáo Ðiểm khác xin học đạo. Những Giáo Lý Viên khác đã được cử đến, và không lâu sau đó, hầu hết cả làng đã theo Công giáo.

Giờ đây, cha Alexis được dẫn tới trước phần mộ của người Giáo Lý Viên quả cảm trong âm thầm này bên rìa ngôi làng, ngay nơi Cardina đã sống và đã chết như một nhà truyền giáo anh hùng. Ngài chỉ còn biết cầu nguyện cảm tạ Thiên Chúa, trong khi những người tân tòng vây quanh cùng hát lên bài Thánh Ca mới được tập cách nay không lâu: "Hạt lúa gieo vào lòng đất mà không mục nát đi, thì sẽ chẳng sinh được nhiều bông hạt..." ( Ga 12, 24 )

Theo nội san THÁNH THỂ số 7

TÔNG ÐỒ TRUYỀN GIÁO BẰNG INTERNET

Trên đất nước Hoa-kỳ, tại một thị trấn nhỏ mang tên Abiquiu, nằm lọt thỏm giữa một vùng sa mạc hoang vu, cách thành phố Santa Fe là thủ phủ của bang New Mexico khoảng 2 giờ lái xe, có một đan viện của Dòng Biển-đức ( Bénédictins ) mang tên Ðan Viện "Chúa Ki-tô Trong Sa Mạc".

Năm 1964, Alfred Wald đã thành lập Ðan Viện này, khởi đầu bằng một ngôi nhà không có điện, cũng chẳng có đường dây điện thoại. Thế rồi, các tu sĩ Biển-đức, vốn được mệnh danh là những nhà bác học ẩn tu đã thiết kế những tấm bảng thu được năng lượng mặt trời, đồng thời mở một máy phát sóng để sử dụng điện thoại di động. Và đến tháng 4 năm 1995, nơi đây đã trở thành Ðan Viện chiêm niệm đầu tiên trên thế giới nối vào mạng Internet.

Ngày nay, mỗi ngày, Ðan Viện "Chúa Ki-tô Trong Sa Mạc" tiếp đón khoảng 25.000 lượt người du hành trên Internet đã dừng lại thăm viếng. Qua máy vi tính, họ có thể nghe được những bài Thánh Ca, các bài giảng Thánh Lễ, các lời Kinh Nguyện, và đọc những tin tức về sinh hoạt của Ðan Viện, những lời chì dẫn để tìm đến các nguồn thông tin tinh thần khác, và cả những lời khuyên cho đời sống thực hành cụ thể.

Có hai đan sĩ đặc trách việc hồi âm những lời xin cầu nguyện của các tín hữu từ khắp nơi trên thế giới gửi tới địa chỉ E-mail của Ðan Viện. Một đan sĩ khác, vốn là người chịu trách nhiệm phục chế tôn tạo các thủ bản cổ trong Ðan Viện, đã truyền lên mạng Internet những hình ảnh đặc biệt được vẽ theo nghệ thuật truyền thống miền Tây Nam Hoa-kỳ. Người ta ghi nhận, chỉ có một số nhỏ du khách viếng thăm Ðan Viện qua mạng thông tin Internet là các tín hữu Công giáo, tuyệt đại đa số còn lại đều thuộc các tôn giáo khác, hoặc là người không có tín ngưỡng.

Sở dĩ Ðan Viện ở Abiquiu đã quyết định dấn thân vào lãnh vực hoạt động tông đồ đặc biệt này, là vì hồi đầu những năm 90, khi không đủ tiền để xây dựng thêm các khu nhà và phòng ốc cho các tân tập sinh, Ðan Viện đang bó tay không biết tìm đâu nguồn tài trợ, thì một thầy tập sinh mới là Aquinas Woodward đã mạnh dạn đề nghị một kế hoạch táo bạo về Internet.

Trước đây, thầy Aquinas vốn là một chuyên viên nổi tiếng về lập trình tin học, tuy đã bỏ mọi sự để xin theo đạo và đi tu, nhưng thầy vẫn nuôi lòng say mê đến viễn tượng dùng mạng Internet để cung cấp hình ảnh và lời nói. Vậy là, thầy đã đề nghị Bề Trên cho phép Ðan Viện được nối mạng, đồng thời thầy sẽ nhận dịch vụ lập trang chủ Internet cho các Ðan Viện khác, cũng như cho nhiều tư nhân trong vùng. Thật không ngờ, chỉ trong một thời gian ngắn, tiền dịch vụ thu được hóa ra đủ để trang trải kinh phí mở rộng Ðan Viện.

Năm 1998, tại một hội nghị về truyền thông đại chúng do Giáo Hội Cải Cách Luther tổ chức tại thành phố Wittenberg nước Ðức, thầy Aquinas đã phát biểu rằng: thầy không hề thấy có sự mâu thuẫn giữa đời sống đan tu và các kỹ thuật tân kỳ trong lãnh vực truyền thông. Thầy nói:

"Nếu có vấn đề trong lãnh vực này, thì đó chính là việc chúng ta phải bỏ đi cái quan niệm rằng các Ðan Viện phải trở thành một món đồ cổ. Chúng ta không nên quên rằng trong quá khứ, các đan sĩ chính là những người đi tiên phong trong lãnh vực văn hóa, khoa học và kỹ thuật."

Thầy Aquinas còn khẳng định: hiện diện trên mạng Internet là một loại công việc thích hợp với các đan sĩ, giống như ngày xưa họ đã đảm nhận việc trang trí các sách Kinh Thánh, không hề ảnh hưởng tới việc cầu nguyện và học hỏi trong Dòng. Việc sử dụng các kỹ thuật tân kỳ không phải là điều đi ngược với ơn gọi chiêm niệm.

Nếu Ðức Tin phải được biểu lộ rõ ràng thì Ðức Tin ấy phải có sức thu hút sự chú ý và thời giờ của thiên hạ, phải có khả năng thi đua một cách trong sáng với các công ty lớn trong lãnh vực truyền thông để thực hiện được nghĩa vụ Tông Ðồ truyền giáo đặc thù của mình.

Theo Ðài Phát Thanh VATICAN

CÂU TRUYỆN:

16 NĂM CẦU NGUYỆN KIÊN TRÌ

Trong cuộc chiến tranh ác liệt giữa nước Pháp và nước Ðức năm 1870, tại một bệnh viện Pháp, có một thương binh vốn là một sĩ quan người Ðức đang bị bắt làm tù binh, một hôm bác sĩ báo tin buồn cho ông ta biết: có lẽ ông sẽ không còn sống được bao lâu nữa vì vết thương ngày càng trầm trọng. Viên sĩ quan tỏ ra bất cần một cách ngạo nghễ và can đảm chờ đợi cái chết.

Thế rồi, có một chị nữ tu y tá Dòng Nữ Tử Bác Ái Vinh-sơn vốn chăm sóc anh ta đã lâu, ân cần ngỏ ý khuyên anh ta nên xin gặp một linh mục để dọn mình trước khi chết. Anh thú nhận mình là người Công giáo nhưng đã bỏ đạo từ lâu nên một mực từ chối lời đề nghị chân thành này.

Thế nhưng chị nữ tu vẫn dịu dàng nói: "Nếu vậy, tôi sẽ cầu nguyện xin Chúa cho ông mau hồi tâm trở về với Chúa." Viên sĩ quan tỏ vẻ thương hại mỉa mai: "Tôi nghĩ là chị sẽ chỉ cực nhọc vô ích mà thôi..." Chị nữ tu vẫn kiên nhẫn thuyết phục: "Tại sao ông lại hoài nghi về lời cầu nguyện ? Tôi xin thú thật với ông rằng: đã 16 năm nay, các chị em trong Dòng chúng tôi vẫn đang cầu nguyện cho một người được ơn trở lại cùng Chúa..."

Viên sĩ quan ngạc nhiên hỏi lại chị: "16 năm rồi cơ à ? Thế người được các chị cầu nguyện cho ấy có lẽ là một ân nhân của Nhà Dòng hoặc là một người thân của chị ?"

Chị nữ tu trả lời: "Không ông ạ ! Cho đến nay chúng tôi vẫn chưa hề gặp mặt người ấy bao giờ. Trước đây rất lâu, mẹ tôi là người hầu cho một nữ nam tước người Ðức. Trong một lần tôi tới thăm mẹ tôi, bà nam tước biết tôi là nữ tu nên đã khẩn khoản nhờ tôi cầu nguyện cho con trai của bà ấy. Anh ta đã mất lòng tin vào Chúa, sống một cuộc đời vô tín ngưỡng, phóng túng, đam mê danh vọng và quyền lực... Ðã 16 năm trôi qua, tôi và cả Nhà Dòng vẫn kiên trì tin vào sự quan phòng yêu thương của Chúa mà cầu nguyện cho anh ta không ngừng. Mới đây, tôi nhận được tin của nữ nam tước cho biết anh ta hiện đang tham gia vào cuộc chiến phi nghĩa và man rợ này..."

Người sĩ quan nghe chuyện, cúi gục đầu thinh lặng. Rồi bất giác, anh ngửng lên gặng hỏi chị nữ tu: "Chị ơi, thế mẹ của chị có phải là bà Béate không ?" Chị nữ tu vô cùng ngạc nhiên: "Nhưng tại sao ông lại biết tên mẹ tôi ?"

Ðến đây thì viên sĩ quan nghẹn ngào thú nhận tất cả: "Thưa chị, tôi chính là nam tước Charles, con trai của nữ nam tước mà mẹ chị đã tận tụy hầu hạ bấy lâu nay. Và như thế, tôi cũng chính là người mà chị và cả Nhà Dòng đã cầu nguyện cho trong suốt 16 năm nay mà không biết. Khi tôi lên đường ra trận, biết tôi có tham vọng sẽ trở thành một viên tướng lừng danh, mẹ tôi đã tỏ ra thương xót tôi và thiết tha mong tôi sẽ thay đổi cuộc sống ảo tưởng mà quay trở về với Chúa như mẹ tôi đã từng khuyên nhủ bao lần. Lúc đó, tôi đã cười lớn mà chế nhạo sự ngu ngơ của mẹ tôi, cho đó chỉ là một sự mê tín dị đoan ấu trĩ. Nhưng... bây giờ thì tôi thật sự muốn khóc, khóc vì ân hận dầy vò..."

Và quả thật, viên sĩ quan đã khóc như một đứa trẻ, để rồi sau đó là những ngày cuối cùng thật hạnh phúc. Người con hoang đàng ấy đã trở về với Thiên Chúa là Cha nhân từ giàu lòng xót thương...

QUANG UY sưu tầm, trích NỐI LỬA CHO ÐỜI số 2

MỘT CÁCH LOAN BÁO TIN MỪNG

Tom là một tài xế chạy Taxi, suốt ngày anh bận bịu với tay lái trên các nẻo đường của thành phố. Anh rất muốn tham gia các sinh hoạt của Giáo Xứ để góp một phần nhỏ vào việc truyền giáo theo lời mời gọi của Cha Sở, thế nhưng, công việc đã chiếm thời gian của anh. Anh tự nhủ: khi nào cuộc sống khấm khá hơn, anh sẽ dành bớt thời giờ cho Chúa, còn bây giờ phải lo nuôi sống gia đình trước đã...

Thế rồi một hôm, thật bất ngờ, có một hành khách đi Taxi một đoạn đường dài đã tò mò hỏi mượn anh quyển Kinh Thánh anh để ở trong hộc xe bên cạnh tay lái, và ông ta đã mở ra đọc một cách say sưa. Thế là sau đó anh và ông ta đã có một cuộc trò chuyện trao đổi lý thú...

Từ đó, trên xe của Tom luôn để sẵn một cuốn Kinh Thánh. Quả nhiên, anh càng ngày càng có nhiều cơ hội chia sẻ với các hành khách về những gì Thiên Chúa đã làm cho anh, và phần nhiều trong số họ đã cảm nhận được sự có mặt của Thiên Chúa trong cuộc đời họ.

Sau này, Tom còn tạt qua các phòng đợi ở bệnh viện và phi trường để lặng lẽ đặt ở đó một vài cuốn sách Kinh Thánh nho nhỏ hoặc những tập sách thiêng liêng trong tủ sách của anh. Anh thấy lòng trào dâng một niềm vui khiêm tốn mỗi khi làm được một việc như thế, anh biết rõ anh đang âm thầm tham gia vào công cuộc truyền giáo...

Theo LỜI HẰNG SỐNG 7.2000

CHIA SẺ:

TRÁI TIM

Nói với các cháu Tường Vy, Minh Ngọc, Mỹ Tiên, Xuân Mai và những cháu khác...

Hôm nay đọc lại bản tin tức Gospelnet, bác bỗng muốn nói lên một lời cám với các cháu là những người được xem là 'bất hạnh'.

Khi tin tức về các cháu được đưa vào Gospelnet, thì đồng thời những lời kêu gọi vang lên khắp nơi, và những món quà to nhỏ tuôn đến từ những người mà suốt đời các cháu sẽ không bao giờ biết mặt biết tên... Và những người ấy cũng không biết các cháu có vượt được căn bệnh của mình thông qua giải phẩu hay không.

Ðã nhiều người thay các cháu mà cám ơn các ân nhân ấy. Hôm nay, bác thay họ để cám ơn các cháu.

Nhờ các cháu có một con tim cần phải mổ, mà trái tim của bao nhiêu người đã có dịp mở ra. Ngoài những ân nhân được ghi đính kèm với một số tiền bên cạnh, còn bao nhiêu người khác từng chạy đôn chạy đáo, dùng mọi phương tiện có thể để cho các cháu có được một trái tim khỏe mạnh. Và ngay những người được nêu danh, họ cũng không bao giờ vênh vang vì đã đóng góp phần mình; đấy là vì vấn đề thông tin và quản lý ngân quỹ nên những người có trách nhiệm phải ghi ra... Chỉ có thế thôi.

Vì các cháu có một trái tim bất bình thường mà làm cho bao nhiêu con tim cũng trở thành bất bình thường, và rất nhiều người vui mừng nhìn thấy bao nhiêu người khác cũng có con tim bất bình thường như mình.

Vì các cháu có một trái tim đau, mà làm cho nhiều người cũng thấy nhói đau trong tim và cảm động khi thấy trên thế giới này còn nhiều trái tim biết đau đến như thế...

Vì các cháu có một trái tim sắp bị dao mổ đâm vào mà nhiều người có dịp nhìn lại một trái tim từng bị lưỡi đòng xuyên thâu...

Nhiều người thương cho các cháu, và bác cũng vậy, nhưng các cháu hãy tự hào. Nếu sự hiện hữu của các cháu ở trên đời chỉ có làm được mỗi một việc, ấy là chịu để cho người ta mổ tim mình hầu cho bao con tim khác được mở ra và tràn đầy, thì cuộc đời các cháu đã có một giá trị rất lớn rồi.

Và với chỉ mỗi một việc đó thôi, thì các cháu rất xứng đáng với lòng biết ơn. Hôm nay, bác thay mặt cho những người còn một trái tim bình thường nói lên lời cám ơn đó.

Cám ơn vì sự bất lực, sự bệnh hoạn, sự thinh lặng của các cháu đã đem lại sinh lực, sức khỏe và tiếng nói cho nhiều người, và nhắc nhở cho họ thấy một sự liên đới giữa con người với nhau.

Cám ơn vì nỗi đau thương trong trái tìm bằng thịt của các cháu đã làm cho bác khẳng định lại niềm xác tín của mình: Thế giới này sẽ được cứu độ nhờ một Trái Tim, nghĩa là nhờ Tình Yêu.

Bác thừa biết rằng các cháu sẽ không bao giờ đọc và hiểu những lời này, nhưng có sao đâu: các cháu chưa đến tuổi để cắt sợi tóc làm tư, nhưng tình yêu thì ai lại đem cân đo đong đếm, các cháu nhỉ ?

Giáo sư TRẦN DUY NHIÊN

THÔNG TIN:

THÔNG TIN VỀ QUỸ MỔ TIM CHO CÁC CHÁU BÉ

Quỹ Mổ Tim cho cháu bé HÀ LÊ MỸ TIÊN                                                                :             870 USD + 3.500.000 VND

Quỹ Mổ Tim cho cháu bé HOÀNG ÐÀO XUÂN MAI                                                :          3.700.000 VND

THÔNG TIN VỀ CÁC KHOẢN TIỀN ÂN NHÂN MỚI HỨA GIÚP HOẶC MỚI GỬI VỀ

Ông Bà Trần Thiện Huy ( California ) qua cha Nguyễn Tất Hải, DCCT            : 100 USD cứu trợ lũ lụt miền Tây.

Giáo Lý Viên và học viên ở Los Angeles qua cha Tiến Lộc, DCCT                 : 300 USD cứu trợ lũ lụt miền Tây.

Vợ chồng MK Tùng – Lam ( Hoa Kỳ ) qua bạn MK Huỳnh Cúc                         : 100 USD cứu trợ lũ lụt miền Tây.

Vợ chồng MK Quang – Cúc ( Hoa Kỳ ) qua bạn MK Huỳnh Cúc                       : 100 USD cứu trợ lũ lụt miền Tây.

Bạn MK Nguyễn Quốc Hưng ( Hoa Kỳ ) qua bạn MK Huỳnh Cúc                     :   20 USD cứu trợ lũ lụt miền Tây.

Vợ chồng MK Thế Ðịnh – Minh Châu ( Sài-gòn )                                                  : 200.000 VND cứu trợ lũ lụt miền Tây.

 


Sơ kết về cứu trợ lũ lụt miền Tây, tính tới ngày 19.10.2001                              : 620 USD và 200.000 VND.

 

Bà Trần Thị So ( Giáo Xứ Xây Dựng, Sài-gòn )                                                       : 200.000 VND giúp các em nghèo.

Cô Vũ Thị Vân ( Na Uy )                                                                                               : 500.000 VND giúp các em nghèo.

 


Giúp các em học sinh nghèo ở miền Bắc                                                                 : 700.000 VND.

 

Ông Phạm Chiêu ( Sài-gòn )                                                                                        : 500.000 VND giúp người nghèo.

Một Linh Mục ẩn danh ( Sài-gòn )                                                                             : 200.000 VND giúp người nghèo.

Một ân nhân ẩn danh qua thầy Lâm Phước Hùng, Ða-minh                                 : 300.000 VND giúp người nghèo.

 


Trợ giúp các hoàn cảnh ngặt nghèo                                                                          : 1.000.000 VND.

 

THÔNG TIN VỀ TRƯỜNG HỠP ÔNG NGUYỄN VĂN TÂN CẦN XE LĂN

Sr. Vũ Thị Tuyết Trinh, Dòng Ða-minh Rosa Lima, giới thiệu trường hợp ông NGUYỄN VĂN TÂN, sinh năm 1940, cư ngụ tại Giáo Xứ Thái Xuân, ấp Bảo Ðịnh, xã Xuân Ðịnh, huyện Xuân Lộc, tỉnh Ðồng Nai. Ông Tân bị thoái hóa cột sống đã 3 năm nay, bây giờ hai chân bị teo cơ không đi lại được. Gia đình có đến 8 người con, người con cả lại bị bệnh "Ðao" chỉ mới có hai người con lớn là lập gia đình. Thu nhập chung dựa vào vườn trái cây, một năm tất cả chỉ được khoảng 3.000.000 VND. Ông Tân chỉ mong ước được có một chiếc xe lăn để có thể phụ giúp gia đình những việc trong nhà và tự lo cho chính mình.

GOSPELNET đã trích quỹ 650.000VND từ số tiền do Hội Help The Poor trợ giúp và mua tặng ông Nguyễn Văn Tân một chiếc xe lăn còn mới ( giá ủng hộ của Trung Tâm Phục Hồi Chức Năng Sài-gòn ), và xin gửi thêm 100.000 VND để phụ trợ kinh tế gia đình, tổng cộng là 750.000 VND ( = 50 USD ). Giấy tờ biên nhận, Sr. Tuyết Trinh và Dòng Ða-minh sẽ gửi cho Hội Help The Poor qua Lm. Lê Quang Uy và chị Thiên Hương.

THÔNG TIN VỀ TRƯỜNG HỠP BÉ BÙI CÔNG TÂN BỊ BỆNH BƯỚU MÁU CỘT SỐNG

Sr. Vũ Thị Tuyết Trinh, Dòng Ða-minh Rosa Lima, giới thiệu trường hợp chị Nguyễn Thị Hoa, 46 tuổi, cư ngụ tại Giáo Xứ Suối Nho, huyện Xuân Lộc, tỉnh Ðồng Nai, chồng đã qua đời, làm nghề mua bán ve chai để nuôi 4 người con, con út là cháu bé BÙI CÔNG TÂN, 8 tuổi đang bị bệnh Bướu Máu Cột Sống, em đã đi phẫu thuật một lần hết sức tốn kém, nhưng hiện tại bệnh tái phát, gia đình hoàn toàn kiệt quệ, không còn khả năng để lo liệu điều trị cho cháu. Hiện giờ cháu bé đang uống thuốc Nam, 3 tuần thì chi phí đã hết 100.000 VND.

GOSPELNET đã trích quỹ 750.000 VND ( = 50 USD ) từ số tiền do Hội Help The Poor trợ giúp để gia đình có thể lo thuốc thang cho cháu bé. Giấy tờ biên nhận, Sr. Tuyết Trinh và Dòng Ða-minh sẽ gửi cho Hội Help The Poor qua Lm. Lê Quang Uy và chị Thiên Hương.

THÔNG TIN VỀ 3 GIA ÐÌNH CẦN ÐƯỠC TRỠ GIÚP ÐỂ  SỬA CHỮA NHÀ GIỘT NÁT

Nhận được thư trình bày của soeur Lê Thị Hiến, Dòng Nữ Tỳ Thánh Thể, địa chỉ số 23 / 470 B, đường Lê Ðức Thọ, phường 16 tổ 30, Xóm Mới, Gò Vấp, điện thoại: 8.947.961, GOSPELNET xin trợ giúp 3 trường hợp ngặt nghèo sau đây nằm trên địa bàn Giáo Xứ Lai Oån ( Linh Mục Nguyễn Trọng Quý ) tại Hố Nai, nơi các soeurs Dòng Nữ Tỳ Thánh Thể đang phục vụ.

1.    Gia đình chị NGUYỄN THỊ TÂN, cư ngụ tại số 570 Ngũ Phúc, Hố Nai 3, huyện Thống Nhất, tỉnh Ðồng Nai, hoàn cảnh rất nghèo, đi làm mướn, thu nhập ngày có ngày không, căn nhà đang ở đã được cất lên từ hơn 40 năm lợp tôn fibro-cément, nay đã bị nứt vỡ tường, nhất là bị ảnh hưởng nặng khi nổ kho đạn ở Long Bình, mưa thì bị giột ướt, gió lớn thì chỉ sợ xập. 

2.    Gia đình chị TRẦN THỊ TÁM, cư ngụï tại ấp Tân Cang, xã Phước Tân, huyện Long Thành, tỉnh Ðồng Nai, hoàn cảnh gia đình gồm 5 người, rất nghèo, đi làm mướn, bữa đói bữa no, căn nhà đang ở vách đất lợp lá, nhiều chỗ đã mục nát xiêu vẹo, mưa to gió lớn thì bị giột ướt khắp nơi, lại rất sợ bị xập.

3.    Gia đình anh LÝ A MÙI, cư ngụ tại khu Sông Luông, gia đình gồm 4 người, hoàn cảnh rất nghèo, căn nhà đang ở lợp lá, tường ghép bằng cót, mục nát và giột ướt nhiều chỗ, mưa to không còn chỗ trú nào khô ráo.

GOSPELNET xin trợ giúp số tiền tổng cộng 3.000.000 VND cho 3 gia đình ( mỗi gia đình nhận 1.000.000 VND ) để tạm tu sửa lại 3 căn nhà đã quá xuống cấp.

 

THÔNG TIN VỀ MỘT TÂN LINH MỤC NGƯỜI DÂN TỘC XÊ-ÐĂNG

Sau loạt bài nhật ký của cha Phan Văn Bình về công việc phục vụ đồng bào nghèo người dân tộc Xê-đăng tại Giáo Phận Kontum, GOSPELNET vừa nhận được Tin Vui: thầy Calisto BÁ NĂNG LÝ, sinh ngày 19.1.1962 tại Konđâu Yôp, Ðaktô vừa được nhận sứ vụ Linh Mục ngày thứ năm 18.10.2001 tại Nhà Thờ Chính Tòa Kontum. Ðược biết, đây là Linh Mục người dân tộc Xê-đăng đầu tiên của Giáo Hội Việt Nam.

Chúng tôi sẽ có bài chi tiết về cha Calisto Bá Năng Lý trên báo Ephata Việt Nam số ra Chúa Nhật 21.10.2001 để hiệp thông niềm vui với Giáo Phận Kontum và với cộng đồng anh em dân tộc Xê-đăng.