GOSPELNET
 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


CHÚA NHẬT 14 C THƯỜNG NIÊN

TIN MỪNG: Lc 10, 1 – 12 . 17 – 20

"NÀY THẦY SAI ANH EM RA ÐI... "

Khi ấy, Ðức Giê-su chỉ định bảy mươi hai người khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến. Người bảo các ông:

"Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về. Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. Ðừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường. Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: "Bình an cho nhà này !"

Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ đến đậu trên người ấy; bằng không, thì bình an đó sẽ quay về với anh em. Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công. Ðừng đi hết nhà nọ đến nhà kia. Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em. Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ: "Triều Ðại Thiên Chúa đã đến gần các ông".

SUY NIỆM:

TRUYỀN GIÁO TRONG HOÀN CẢNH HIỆN NAY

Bài Tin Mừng hôm nay kể lại việc Ðức Giê-su sai 72 môn đệ đi truyền đạo và Ngài đã dặn dò các ông làm thế nào cho việc truyền giáo có kết quả.

Cách đây vài ba chục năm, các từ "việc truyền giáo" ( mission ), "nhà truyền giáo" ( missionary ) còn rất quen thuộc với chúng ta. Ra đi đến những vùng đất xa lạ để truyền đạo vẫn là ước mơ, là lý tưởng của nhiều thanh niên Âu Tây. Họ muốn tiếp bước Phan-xic-ô Xa-vi-ê, Matteo Ricci, Alexandre de Rhodes ( Ðắc Lộ ) ... bỏ lại tất cả tài sản, đời sống tiện nghi, người tình xinh đẹp... đến với các dân tộc chậm tiến như Ấn Ðộ, Trung Quốc, Việt Nam... để loan báo Tin Mừng, đem ánh sáng văn minh và văn hoá phương Tây cho các dân tộc ấy.

Ngày nay các từ đó bị đổi nghĩa, lý tưởng đó bị nghi ngờ, công cuộc đó bị phản đối. Người ta nhân danh tự do tín ngưỡng, nhân danh nền văn hoá dân tộc để bài bác các nhà truyền giáo. Người ta vặn hỏi: các nhà truyền giáo là ai mà dám ép buộc người ta theo đạo của mình, dám quả quyết: "Ngoài Giáo Hội không có ơn cứu rỗi" ( "Hors de l’ Eùglise, pas de Salut" )?

Nhiều Ki-tô hữu không nghĩ gì đến bổn phận loan báo Tin Mừng nhưng khoán trắng việc truyền giáo cho các linh mục, tu sĩ, coi họ là những nhà truyền giáo chuyên nghiệp. Ki-tô hữu không ngờ rằng tất cả những ai đã lãnh nhận bí tích Rửa tội đều là những môn đệ của Ðức Giê-su, đều được Ngài sai đi như 72 người trong bài Tin Mừng hôm nay, đều có nghĩa vụ truyền giáo, vì đó là bản chất của Giáo Hội, bản chất của Ki-tô hữu ( x. Cđ. Vatican II, Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Giáo Hội Ad Gentes và Sắc lệnh về hoạt động tông đồ giáo dân Apostolicam Actuositatem ). Vì thế hôm nay chúng ta muốn dành ít phút để suy nghĩ về nhiệm vụ truyền đạo của mình trong hoàn cảnh hiện nay.

1.     Nhà truyền giáo thời nay

Năm nay là Năm Quốc Tế Ðối Thoại giữa các nền văn minh, điều đó nhắc nhở chúng ta tôn trọng sự khác biệt chính đáng của mọi người trong lĩnh vực tôn giáo. Quyền tự do để tin hay không tin theo một tôn giáo nào là quyền căn bản của con người. Chúng ta không thể nhân danh bất cứ ai, dù là Thiên Chúa, hay bất cứ điều gì, như là nền văn minh hay một ý thức hệ nào đó, để bắt ép người khác theo đường lối ( đạo ) của mình. Từ đó, chúng ta cũng cần phải tôn trọng niềm tin của anh chị em theo các tôn giáo khác như Phật giáo, Hồi giáo, Cao Ðài... như Công Ðồng Vatican II đã yêu cầu trong Tuyên Ngôn về Tự do Tôn giáo. Khi đến tham quan một ngôi chùa, một thánh thất hay một cơ sở tôn giáo nào đó, người Ki-tô hữu chúng ta cần giữ thái độ nghiêm trang, ăn mặc đứng đắn để biểu lộ lòng tôn kính Ðức Phật cũng như các bậc thần linh, thánh hiền trong các tôn giáo đó. Hơn nữa, nếu chúng ta tin rằng, Thiên Chúa là Cha chung của mọi người thì chúng ta có thể gặp các vị ấy trong Nhà Cha trên trời.

Truyền giáo ngày nay không chỉ là rao giảng những điểm giáo lý của Hội Thánh Công giáo nhằm đưa người ta đến bí tích Rửa tội để theo đạo của mình và hành đạo như mình. Nhưng, trước hết, truyền giáo là giới thiệu Ðức Giê-su và Tin Mừng của Ngài, cho người nghe tự khám phá Ðức Giê-su để yêu Ngài và con đường tình yêu của Ðức Giê-su để đi theo con đường đó. 72 môn đệ được Ðức Giê-su sai đi chính là để chuẩn bị cho Ðức Giê-su, giới thiệu Ðức Giê-su.

Hơn nữa, họ được sai đi không phải để tranh luận về sự ưu việt của đạo mới so với đạo Do Thái. Ngày nay, nhiều người trong chúng ta đã tốn giờ, tốn sức tranh cãi với tín đồ các tôn giáo khác. Nhưng càng tranh luận, người ta càng quyết tâm bảo vệ sự ưu việt của tôn giáo mình theo. Ðức Giê-su không dạy chúng ta làm như thế, dù chúng ta vẫn ý thức rằng Ngài là Ðấng Cứu Ðộ duy nhất và con đường cứu độ của Ngài là con đường ngắn nhất, an toàn nhất để đưa tất cả về trời như Ngài đã xác định: "Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Ðấng từ trời xuống" ( Ga 3, 13 ). Sự ưu việt của Ki-tô giáo được biểu lộ qua chính đời sống của các môn đệ, qua những hành động đầy quyền năng như chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ..., được các ông thực hiện nhân danh Ðức Giê-su, như những bảo chứng của Tin Mừng.

Hơn nữa 72 môn đệ hôm nay cũng không được lệnh để rửa tội như các tông đồ trong lệnh truyền sau này ( x. Mt 28, 19 – 20; Lc 24, 47 – 48 ). Quả thật, nếu chúng ta tin Ðức Giê-su là đường, là sự thật, là sự sống, là tình yêu, thì bất cứ ai tôn trọng sự thật, bảo vệ sự sống của mình hay của người khác một cách chính đáng, yêu thương một cách chân thành và trong sáng đều là những người đang đi theo con đường của Ðức Giê-su, đang theo "đạo" của Ngài, dù có thể họ chưa bao giờ được rửa tội. Chúng ta đừng quá bận tâm đến bí tích rửa tội bằng nước mà chúng ta muốn thực hiện cho họ. Chúng ta hãy để ý giúp họ gặp gỡ và đi theo Ðức Giê-su để được rửa bằng lửa khát khao Ngài trong lòng họ.

Ngoài ra, chúng ta cũng chẳng đủ sức để dạy giáo lý và rửa tội theo cách truyền giáo cổ điển, dù chúng ta vẫn cố gắng thực hiện việc ấy hằng ngày. Dân số nước ta hiện nay có hơn 80 triệu người, trong đó có khoảng 5.300.000 tín hữu Công giáo và mỗi năm có chừng 20.000 người lớn được rửa tội để theo đạo. Với cách truyền giáo cổ điển, chúng ta phải mất trên 3.500 năm để rửa hết số đồng bào còn lại. Nhưng lúc ấy, dân số nước ta có lẽ đã lên đến vài trăm triệu ! Rồi nhìn vào cánh đồng bao la Á Châu với hơn 3.500 triệu người, trong đó mới chỉ có khoảng 100 triệu người Công giáo thì công việc truyền giáo của chúng ta quả thật là khó tưởng tượng nổi ! Ðức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II mời gọi chúng ta hãy "ra khơi" thả lưới để bắt thật nhiều "cá người" về cho Chúa Giê-su chứ đừng bằng lòng ngồi yên trên bờ để thỉnh thoảng giật lên được vài con cá nhỏ ( x. Tông thư Khởi đầu thiên niên kỷ mới, ngày 6.1.2001 ). Nếu mỗi tín hữu Ki-tô chúng ta biết gắn bó với Ðức Giê-su để trở thành chứng nhân sống động của Tin Mừng, chắc chắn chúng ta sẽ đạt được nhiều kết quả truyền giáo lạ lùng như anh em Công giáo Nam Triều Tiên đang làm hiện nay.

2.     Ðể đạt hiệu quả truyền giáo

Nếu truyền giáo là loan báo Ðức Giê-su và Tin Mừng của Ngài thì hiệu quả truyền giáo cũng phát sinh từ việc Ki-tô hữu gắn bó với Ðức Giê-su và sống Tin Mừng của Ngài. Ðức Giê-su là Thiên Chúa hằng sống, hôm qua, hôm nay và mãi mãi để cứu độ chúng ta. Ngài đang sống trong tất cả để giúp cho mọi người, mọi vật nghe được sứ điệp tình yêu kỳ diệu của Thiên Chúa. Chính vì thế, Ngài nhắc nhở các môn đệ hôm nay "đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép""đừng sợ hãi như chiên ở giữa bầy sói", vì Ngài sẽ hoạt động trong các ông cũng như trong mọi người các ông gặp gỡ.

Nhiều người chúng ta hình như gắn liền việc truyền giáo với tài năng truyền giảng của riêng mình hoặc với các phương tiện vật chất như lương thực, tiền bạc, quần áo, thuốc men, việc làm, v.v... Người ta tưởng rằng cứ mở được nhiều trường học với các lớp tình thương, cứ mở các phòng khám bệnh và phát thuốc miễn phí, cứ đi thăm những trại phong và phân phát quà tặng hoặc bố thí cho người nghèo... là làm chứng cho Tin Mừng, là rao giảng Ðức Giê-su Ki-tô. Những việc ấy tuy cần thiết cho một số hoàn cảnh nào đó, nhưng tác nhân chính yếu dẫn đến thành công trong việc truyền giáo phải là Ðức Giê-su mà người truyền giáo cần gắn bó. Chính vì quên điều đó nên nhà truyền giáo không phát huy được sức mạnh kỳ diệu của Ðức Giê-su qua những hành động, có thể gọi là phi thường, để người ta cảm nghiệm được sự ưu việt của Tin Mừng.

Chẳng có mấy người dám khoe với Ðức Giê-su như 72 môn đệ xưa kia: "Thưa Thầy, nghe đến danh Thầy, cả đến ma quỷ cũng phải khuất phục chúng con" ( Lc 10,17 ). Dù Ðức Giê-su đã cho các môn đệ nhiều quyền năng phi thường và ân sủng đặc biệt để chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ, tha thứ tội lỗi, tác động đến vạn vật, v.v... nhưng rất nhiều môn đệ ngày nay không dám làm những điều đó, không tin rằng mình có những quyền năng đó, chỉ vì họ cậy dựa vào những phương tiện vật chất và tinh thần của chính mình. Họ đã không thực sự gắn bó với Ðức Giê-su để Ngài chuyển thông sự sống kỳ diệu của Ngài cho họ, và vì thế, họ không thực hiện được điều Ngài yêu cầu và cũng không minh chứng được sự ưu việt của Tin Mừng.

Tôi xin chia sẻ một cảm nghiệm về quyền năng của Ðức Giê-su. Hôm nay mùng 4 tháng 7 năm 2001, vào ngày này năm trước, tôi nhận được thư của Chị Tổng Phụ Trách Dòng Mến Thánh Giá Gò Vấp An-na Nguyễn Thị Thanh kèm theo 1 triệu đồng xin Lễ Tạ Ơn vì đã giúp cho 2 bệnh nhân đăc biệt của Dòng được khỏi bệnh cách lạ lùng. Tuy nhiên, tôi đã gửi lại số tiền vì hiểu rằng chính Ðức Giê-su mới là người thực hiện việc đó.

Một trong hai bệnh nhân là chị Tuyết Nhung, 45 tuổi. Dù tuổi đời chưa cao, nhưng vì bệnh tật, đã sống như một người tàn phế. Chị bước đi rất khó khăn vì bị bệnh viêm tắc động mạch chân và mỗi ngày phải hút máu bầm. Chị còn bị ung thư ở ngực với những khối u nổi rõ. Chúng tôi đã cùng suy niệm về việc "Sống mầu nhiệm Nhập Thể với Chúa Giê-su Thánh Thể" trong suốt tuần tĩnh tâm của Dòng.

Sáng 18.6.2000, chị tới xin tôi cầu nguyện cho chị. Tôi cũng chẳng biết đọc kinh gì ngoài một kinh Lạy Ơn Ðức Chúa Thánh Thần, Kinh Lạy Cha, Kính Mừng, Sáng Danh và nhắc chị hãy chú ý đến Ðức Giê-su đang sống động trong chị. Chị cảm thấy một sức nóng kỳ diệu tác động trong con người chị.

Hai ngày sau, khi tôi trở về nhà, chị gọi điện thoại báo tin cho tôi rằng những khối u trên ngực đã biến mất, đôi chân nặng nề phải mất vài giờ xoa bóp mỗi ngày, bây giờ thật nhẹ nhàng. Chị không những đi lại bình thường mà còn có thể lên xuống cầu thang nhanh nhẹn. Chị em trong Dòng hết sức ngạc nhiên.

Sau đó, chị chia sẻ kinh nghiệm gắn bó với Ðức Giê-su cho một chị lớn tuổi khác sắp đi mổ bướu cổ ở Trung Tâm Ung Bướu vì bác sĩ đã lên chương trình mổ. Chị này cũng được Ðức Giê-su chữa lành đến nỗi bác sĩ phải quyết định hủy cuộc giải phẫu đó. Hai chị em vui mừng chạy như bay xuống những bậc cầu thang ở Trung Tâm Ung Bướu để trở về Nhà Dòng và đã chia sẻ kinh nghiệm sống động về quyền năng của Ðức Giê-su cho rất nhiều người khác và họ đã tin vào Ngài.

Ðể kết luận, tôi muốn xin các bạn cùng cầu nguyện với Chúa Giê-su:

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa Giê-su, xin sai chúng con lên đường, nhẹ nhàng và thanh thoát,

không chút cậy dựa vào khả năng bản thân hay vào những phương tiện trần thế.

Xin cho chúng con làm được những gì Chúa đã làm: rao giảng Tin Mừng, xua trừ ma quỷ, chữa lành bệnh nhân.

Xin cho chúng con nói về Chúa như nói về một người yêu với tất cả lòng say mê.

Xin cho chúng con nói về Chúa như một Ðấng giải thoát để giúp anh em đẩy lui bóng tối của sự dữ, bất công và sa đọa.

Xin cho chúng con nói về Chúa như Thiên Chúa toàn năng để giúp anh em cảm nghiệm được những điều phi thường trong cuộc sống hàng ngày.

Xin cho chúng con nói về Chúa với tất cả niềm vui vì tin rằng tên mình đã được ghi trên trời. Amen.

    Lm. An-tôn NGUYỄN NGỌC SƠN

CHỨNG TỪ:

MỘT ÐỜI PHỤC VỤ HY SINH

Cha Maurice Bertain sinh năm 1869, vốn là con trai một gia đình giàu có tại thủ đô Paris nước Pháp. Sau khi tốt nghiệp trường Bách Khoa, chàng trai hăng hái gia nhập binh chủng hải quân, đi thực tập trên một chiếc tàu chiến với quân hàm trung úy. Khi cập bến Nagazaki của Nhật-bản, anh tò mò tìm đường vào viếng thăm một ngôi Nhà Thờ của Dòng Phan-xi-cô, trong đó có lưu giữ một số hài cốt của các thánh tử đạo Dòng Phan-xi-cô khi sang truyền giáo tại Nhật-bản. Tâm hồn nhạy cảm của chàng trai đã bị đánh động, chàng cứ bần thần suy tư nghĩ ngợi mãi.

Sau đó, khi quay trở về Pháp, mãn hạn nghĩa vụ, thay vì xin tiếp tục theo binh nghiệp, chàng lại xin xuất ngũ và đến tìm hiểu Ơn Gọi tại một tu viện Dòng Phan-xi-cô ngay tại Paris. Cứ thế, thầy Maurice Bertin đã vượt qua được giai đoạn Nhà Tập, khấn Dòng và theo đuổi các môn Thần Học. Sau khi chịu chức Linh Mục, cha lập tức xin Bề Trên cho đi phục vụ nhiều nơi như Canada, Nhật-bản, Maroc...

Thế rồi, vào năm 1929, cha đã được cử sang Việt Nam để thành lập Dòng Phan-xi-cô khi vừa tròn 60 tuổi. Mặc dù gặp biết bao khó khăn do chiến tranh và tình trạng nghèo nàn lạc hậu, cha đã tận tụy đi khắp đất nước Việt Nam để gây dựng, để hình thành các gia đình Anh Em Hèn Mọn ( Les Frères Mineurs ). Cha là một nhà tu hành thánh thiện, đồng thời còn là một kiến trúc sư tài ba, một nhà hoạt động xã hội xuất sắc. Các công trình vật chất cũng như tinh thần của cha ở Vinh, Thanh Hóa, Nha Trang lần lượt được gầy dựng trong suốt 30 năm dấn thân phục vụ không ngơi nghỉ đang lúc tuổi cha ngày một cao, sức tàn lực kiệt.

Cha đã tạ thế ngày 8.7.1968 tại tu viện Phan-xi-cô Nha Trang, hưởng thọ 99 tuổi, sau 71 năm khấn Dòng, trong đó đã có đến 39 năm phục vụ và hy sinh tại Việt Nam, quê hương yêu quý thứ hai của cha.

Theo báo TIN VUI số 60, tháng 8 năm 1968.

TÔNG ÐỒ TRUYỀN GIÁO BẰNG INTERNET

Trên đất nước Hoa Kỳ, tại một thị trấn nhỏ mang tên Abiquiu, nằm lọt thỏm giữa một vùng sa mạc hoang vu, cách thành phố Santa Fe là thủ phủ của bang New Mexico khoảng 2 giờ lái xe, có một đan viện của Dòng Biển-đức mang tên Ðan Viện "Chúa Ki-tô Trong Sa Mạc".

Năm 1964, Alfred Wald đã thành lập Ðan Viện này, khởi đầu bằng một ngôi nhà không có điện, cũng chẳng có đường dây điện thoại. Thế rồi, các tu sĩ Biển-đức, vốn được mệnh danh là những nhà bác học ẩn tu đã thiết kế những tấm bảng thu được năng lượng mặt trời, đồng thời mở một máy phát sóng để sử dụng điện thoại di động. Và đến tháng 4 năm 1995, nơi đây đã trở thành  Ðan Viện chiêm niệm đầu tiên trên thế giới nối vào mạng Internet.

Ngày nay, mỗi ngày, Ðan Viện "Chúa Ki-tô Trong Sa Mạc" tiếp đón khoảng 25.000 lượt người du hành trên Internet đã dừng lại thăm viếng. Qua máy vi tính, họ có thể nghe được những bài Thánh Ca, các bài giảng Thánh Lễ, các lời Kinh Nguyện, và đọc những tin tức về sinh hoạt của Ðan Viện, những lời chì dẫn để tìm đến các nguồn thông tin tinh thần khác, và cả những lời khuyên cho đời sống thực hành cụ thể.

Có hai đan sĩ đặc trách việc hồi âm những lời xin cầu nguyện của các tín hữu từ khắp nơi trên thế giới gửi tới địa chỉ E-mail của Ðan Viện. Một đan sĩ khác, vốn là người chịu trách nhiệm phục chế tôn tạo các thủ bản cổ trong Ðan Viện, đã truyền lên mạng Internet những hình ảnh đặc biệt được vẽ theo nghệ thuật truyền thống miền Tây Nam Hoa Kỳ.

Người ta ghi nhận, chỉ có một số nhỏ du khách viếng thăm Ðan Viện qua mạng thông tin Internet là các tín hữu Công Giáo, tuyệt đại đa số còn lại đều thuộc các tôn giáo khác, hoặc là người không có tín ngưỡng.

Sở dĩ Ðan Viện ở Abiquiu đã quyết định dấn thân vào lãnh vực hoạt động tông đồ đặc biệt này, là vì hồi đầu những năm 90, khi không đủ tiền để xây dựng thêm các khu nhà và phòng ốc cho các tân tập sinh, Ðan Viện đang bó tay không biết tìm đâu nguồn tài trợ, thì một thầy tập sinh mới là Aquinas Woodward đã mạnh dạn đề nghị một kế hoạch táo bạo về Internet.

Trước đây, thầy Aquinas vốn là một chuyên viên nổi tiếng về lập trình tin học, tuy đã bỏ mọi sự để xin theo đạo và đi tu, nhưng thầy vẫn nuôi lòng say mê đến viễn tượng dùng mạng Internet để cung cấp hình ảnh và lời nói. Vậy là, thầy đã đề nghị Bề Trên cho phép Ðan Viện được nối mạng, đồng thời thầy sẽ nhận dịch vụ lập trang chủ Internet cho các Ðan Viện khác, cũng như cho nhiều tư nhân trong vùng. Thật không ngờ, chỉ trong một thời gian ngắn, tiền dịch vụ thu được hóa ra đủ để trang trải kinh phí mở rộng Ðan Viện.

Năm 1998, tại một hội nghị về truyền thông đại chúng do Giáo Hội Cải Cách Luther tổ chức tại thành phố Wittenberg nước Ðức, thầy Aquinas đã phát biểu rằng: thầy không hề thấy có sự mâu thuẫn giữa đời sống đan tu và các kỹ thuật tân kỳ trong lãnh vực truyền thông. Thầy nói: "Nếu có vấn đề trong lãnh vực này, thì đó chính là việc chúng ta phải bỏ đi cái quan niệm rằng các Ðan Viện phải trở thành một món đồ cổ. Chúng ta không nên quên rằng trong quá khứ, các đan sĩ chính là những người đi tiên phong trong lãnh vực văn hóa, khoa học và kỹ thuật."

Thầy Aquinas còn khẳng định: hiện diện trên mạng Internet là một loại công việc thích hợp với các đan sĩ, giống như ngày xưa họ đã đảm nhận việc trang trí các sách Kinh Thánh, không hề ảnh hưởng tới việc cầu nguyện và học hỏi trong Dòng. Việc sử dụng các kỹ thuật tân kỳ không phải là điều đi ngược với ơn gọi chiêm niệm.

Nếu Ðức Tin phải được biểu lộ rõ ràng thì Ðức Tin ấy phải có sức thu hút sự chú ý và thời giờ của thiên hạ, phải có khả năng thi đua một cách trong sáng với các công ty lớn trong lãnh vực truyền thông để thực hiện được nghĩa vụ Tông Ðồ Truyền Giáo đặc thù của mình.

Theo Ðài Phát Thanh VATICAN

CÂU TRUYỆN:

CHUYỆN MỘT XÓM ÐẠO

Boong ! Boong ! Boong ! Tiếng chuông Nhà Thờ lan xa trên ruộng lúa, trên bờ kênh, trên các mái nhà, lan xa trong không gian u tịch của chiều quê. Tiếng chuông ngân lên rồi tỏa vào hư vô, như nhắc nhở cái hữu hạn của người đời. Bao giờ cũng vậy, nghe tiếng chuông là nước mắt tôi giàn giụa trên má. Tôi lớn lên trong một gia đình Phật giáo lâu đời, lớn lên giữa thành phố đông đúc ồn ào và rực rỡ ánh đèn. 20 tuổi, vì tình yêu, tôi vượt qua bao trở ngại của gia đình để theo đạo rồi kết hôn với anh và về đây làm dâu.

Quê chồng tôi là một xóm đạo heo hút, thuộc diện "chó ăn đá, gà ăn muối", một làng quê chưa có ánh điện, 6 tháng nước ngập trắng đồng, chung quanh tôi là những người đã từng bảo chồng tôi là: "Lấy kẻ ngoại đạo thì dễ lạt lòng mến Chúa lắm đấy con ạ !" và còn ngụ ý nói về tôi: "Con gái dân Nam nó chỉ biết ăn diện mà không biết làm, biết nay mà không biết mai đâu đấy !" Nhưng đó là chuyện của 4 năm về trước, khi mà...

Thế rồi, giờ đây, nếu phải xa lâu cái xóm ấy, tôi lại nhớ da diết, nhớ bố, nhớ em, nhớ xóm giềng, nhớ sân phơi lúa, nhớ bờ tre, nhớ tiếng chuông ngân, nhớ giòng kênh nhỏ... Ở nơi đây tôi đã thật sự lớn lên, sự lớn lên của tâm hồn. Ở nơi đây người ta sống có tình có nghĩa, có trước có sau, gắn bó và trung thực. Xóm tôi không có trộm cướp, đi ruộng đi rẫy cửa nhà cứ mở toang cũng không hề mất thứ gì !

Từ ngày mẹ chồng tôi mất, bố chồng tôi bị bệnh tim, hay ngất. Mỗi lần như thế là bà con xóm giềng lại xúm đến đổ thuốc thang cho ba tỉnh dậy. Sau đó, người thì mang đến con cá, người thì đem tới miếng thịt, đưa ra sau bếp bảo tôi: "Con nấu cho bố con ăn nhé !" Tôi biết có khi hôm nay nhà họ chỉ có rau luộc chấm mắm, vậy mà họ vẫn sẵn sàng chia sẻ.

Một lần nửa đêm tôi lên cơn sốt, chồng tôi sang gọi cửa nhà hàng xóm, bà con liền lấy xuồng chở tôi đi suốt 12 cây số trong đêm đen rét buốt để đến trạm xá... Nhà bác Tông ở cuối xóm có con gái đi lấy chồng xa, con trai lại bị tai nạn bất ngờ, cả xóm kéo tới giúp đỡ từ lúc gieo mạ đến lúc cất lúa vào bồ... Nhà cô Lài trong một đêm gió bão thổi mất cả mái nhà, sáng ra, không ai bảo ai, mỗi người đem đến tấm tôn, cây tre, và mái nhà đã được lợp lại chắc chắn... Người già yếu neo đơn không ai phải đói cơm thiếu thuốc...

Cả xóm cứ như là anh em ruột thịt. Không hề có cảnh con mắng cha, vợ chửi chồng, thậm chí, không bao giờ có chuyện ly hôn. Nhà nào vợ chồng "cơm không lành, canh không ngọt" thì cha Hoàn đến để mang lại sự hòa giải và bình an. Mọi người ai cũng yêu kính cha sở, không chỉ vì ông là Linh Mục, mà còn vì ông đầy lòng nhân ái. Ông đã gắn bó với miền đất heo hút này suốt mấy mươi năm rồi. Với chiếc áo chùng đen sờn cũ, với lối sống thanh bạch giản dị, ông là một phần linh hồn của nơi đây.

Dân xóm tôi biết trọng chữ hiếu, trọng chữ nghĩa và trọng cả việc học. Một năm 6 tháng nước ngập, trẻ em vẫn đến trường đều đặn. Những đứa bé, từ 3 giờ sáng đã cơm nắm, lặn lội 12 cây số đường trơn trượt đến trường. Có những đoạn ngập sâu, người dân xóm cắt phiên nhau đứng trực, ẵm từng đứa qua vũng nước.

Nhà ông giáo Chúc trong xóm đã mấy thế hệ làm nghề giáo, không có ruộng rẫy nên cuộc sống khó khăn. Những em học sinh đêm đêm vai mang túi gạo, túi khoai, lựa lúc tối trời lẻn vào chái bếp nhà thầy, len lén đặt xuống rồi lại len lén chạy về. Sáng ra, ông giáo thấy một lô những bao bị có đính kèm mẩu giấy "Kính biếu thầy" được viết nắn nót trang trọng nhưng không bao giờ ghi tên người tặng.

Những món quà giản dị ấy khiến cả ông giáo, lẫn con trai con gái của thầy luôn đứng vững trên bục giảng qua những ngày tháng khó khăn nhất. Hai người con của thầy học sư phạm ra trường là về ngay ngôi trường của quê hương, dù họ có đủ cơ hội và khả năng chuyên môn để ở lại thành phố. Những người già trong xóm hễ ra ngõ mà gặp cô Nữ, thầy Nhơn con ông giáo Chúc là lại trìu mến "chào cô giáo, chào thầy giáo".

Năm ngoái, xóm tôi có điện về. Những nhà tương đối khá giả cố mua cho được cái ti-vi. Gia đình nhà chồng tôi chỉ mua được cái ti-vi "nghĩa địa", thế mà người trong xóm vẫn cứ hay sang xem nhờ. Các người lớn tuổi vừa chờ chương trình thời sự vừa uống trà, bàn chuyện lúa má, chuyện cưới gả và thời tiết nắng mưa. Ðiếu thuốc lào chuyền nhau đi vòng quanh cứ reo vo vo. Ngoài sân, cô út nhà tôi đang tập họp bọn trẻ lại dạy múa hát...

Xóm tôi vui lắm. Một lần, chồng tôi mời được hai thầy giáo của anh về quê ăn lễ Noël xóm đạo. Một thầy là nhà văn, một thầy là nhạc sĩ. Cái nét đằm thắm, chân thật và sự ấm áp tình người ở đây đã níu giữ hai thầy lưu lại cả tuần không muốn trở về thành phố.

Sân nhà tôi cứ mỗi tối lại trở thành nơi tụ hội các thiếu nữ trong xóm, họ quây quần bên cây đàn ghi-ta hát say sưa. Ông thầy nhạc sĩ lấy làm ngạc nhiên sao họ lại hát hay và đúng nhạc lý đến thế. Còn ông thầy nhà văn thì cảm động về tấm lòng mến khách và cởi mở của người dân xóm Ðạo. Tuy là miền quê heo hút ngập mặn, nhưng họ nhận xét là ở đây không hề có sự u mê và nghèo đói. Ngày phải chia tay, hai người đi mà bàn tay vẫy, mà ánh mắt cứ lưu luyến mãi...

Hôm nay, vợ chồng tôi có việc phải đi xa khỏi khu xóm nhỏ thân thương của mình. Nhớ lắm làn khói lam chiều, nhớ lắm con kênh xanh nước chảy hiền hòa, nhớ lắm mái nhà, ruộng lúa và tiếng chuông ngân... Ừ, chỉ một tiếng chuông thôi mà tôi nghe nay đã khác. Bố chồng tôi có lần bảo: "Lòng người là hương hoa trái, con ạ".

Hôm qua, trong câu chuyện qua điện thoại, bố cho biết mọi người trong xóm đã bàn nhau gom góp tiền cứu trợ miền Trung đang lũ lụt. Tôi bỗng nhớ lại người dân xóm tôi, những mái tóc cháy nắng, những gương mặt đen sạm nhọc nhằn và những bàn chân nứt nẻ. Họ làm ra đồng tiền trên miền đất 6 tháng nước ngập ấy đâu phải dễ. Thế mà, họ vẫn sẵn lòng san sẻ cho người khác, và họ cảm nhận niềm hạnh phúc vì sự san sẻ ấy. Bố ơi, bố nói đúng, lòng người chính là hương hoa, nhưng là hương thơm kỳ diệu nhất bay ngược gió.

LÊ THÚY BẢO NHI, khu xóm kênh B2, Thốt-nốt, Cần-thơ. Báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật, 10.1.1999.

THÔNG TIN:

THÔNG TIN VỀ NHÓM "VE CHAI"

Nhóm Bác Ái Truyền Giáo Vũng Tàu do cha Phao-lô Nguyễn Văn Châu, Dòng Chúa Cứu Thế ( lúc ấy còn là Thầy Phó Tế ), thành lập đầu năm 1998, quy tụ hơn 40 bạn trẻ, tuổi từ 17 đến 33, gồm nhiều thành phần: học sinh, sinh viên, công nhân, làm mướn và chủ tiệm... không chỉ là những bạn trẻ Công Giáo thuộc một số Giáo Xứ trong hạt Vũng Tàu, Giáo Phận Xuân Lộc ( Trung Ðồng, Nam Ðồng, Ðông Xuyên, Hải Xuân, Thủy Giang... ) mà còn có cả một số bạn bên lương tham gia nữa.

Nhóm nhắm tới mục đích hướng dẫn, huấn luyện cho các bạn trẻ trở thành những con người hữu ích cho xã hội và Giáo Hội, có đời sống trưởng thành về mặt nhân bản, tâm linh, cũng như kinh nghiệm sống của một người trẻ cần phải có ngày hôm nay. Song song với việc giáo dục này, cha Châu còn hướng các bạn trẻ đến việc thể hiện tinh thần bác ái truyền giáo bằng hành động cụ thể: đó là giúp đỡ phục vụ những người nghèo khổ, cô thân tất bạt, bị bỏ rơi.

Nhóm quy tụ vào Chúa Nhật hàng tuần, buổi sáng từ 8 giờ 30 đến 12 giờ 30. Các bạn cùng với cha Châu đẩy xe ba-gác đi đến từng gia đình trong Giáo Xứ cũng như ngoài Giáo Xứ xin và lượm ve chai như: các loại lon Bia, lon Coca, chai nước tương, dép đứt, chậu xô bằng mủ đã bể..., nói chung là tất cả những gì mà người ta đã bỏ thùng rác hoặc vứt bừa bãi khắp nơi. Sau khi lượm về, các bạn lựa ra đem đi bán và lấy số tiền đó giúp cho người nghèo. Tối từ 19 giờ 30 đến 21 giờ, các bạn tiếp tục họp lại để sinh hoạt và học hỏi về kinh nghiệm sống của người trẻ.

Ngoài việc đi lượm ve chai Chúa Nhật hàng tuần, các bạn còn quy tụ vào một ngày thường trong tháng để cùng nhau đi ra Bãi Dâu, cách nhà ở của các bạn khoảng 14 cây số, để xin thêm đồ ve chai. Với số tiền khiêm tốn có được từ việc thu gom ve chai, Nhóm đã cung cấp hàng tháng từ 50kg đến 100kg gạo cho Nhà Dưỡng Lão của hai xứ Nam Ðồng và Trung Ðồng với khoảng 30 ông bà già neo đơn, bệnh tật; giúp học bổng cho một số học sinh nghèo trong xứ cũng như ngoài xứ, phụ một số chi phí học nghề cho một số bạn trẻ muốn học nghề mà không có tiền đóng học phí và thỉnh thoảng trợ giúp thêm cho một số gia đình gặp khó khăn bi đát. Ngoài ra, nhóm còn chia sẻ một số xe đạp và một ít học bổng cho miền truyền giáo An Thới Ðông ( Cần Giờ ) mà Dòng Chúa Cứu Thế đang phụ trách.

Ngoài việc hy sinh thời gian đi lượm ve chai, Nhóm được cha Châu hướng dẫn đến trung tâm cai nghiện ma túy ở thành phố Vũng Tàu, để sinh hoạt hòa nhập với các bạn đang cai nghiện, góp một phần nhỏ giúp họ xóa bỏ mặc cảm, vươn lên với hy vọng tiến tới một cuộc sống lành mạnh. Ngoài những công việc ấy, hiện tại nhóm còn nuôi thêm một đàn bò 6 con: một bạn trong nhóm tình nguyện đi chăn bò, còn các bạn khác thay phiên nhau đi cắt cỏ nuôi bò. Tất cả chỉ vì mục đích duy nhất là phục vụ người nghèo, không phân biệt tôn giáo...

Trên đây là một vài nét sơ lược về hoạt động Tông Ðồ của Nhóm Giới Trẻ Bác Aùi Truyền Giáo Vũng Tàu. Xin quý vị sau khi đã dừng lại đọc vài giòng thô thiển này, xin hãy dành cho Nhóm một lời nguyện ngắn hay một Kinh Lạy Cha để xin cho Nhóm luôn được tồn tại và lớn mạnh trong tình yêu của Thiên Chúa và Mẹ Hằng Cứu Giúp. Mọi liên hệ hoặc trợ giúp, xin gửi Mail về cho Lm. NGUYỄN VĂN CHÂU ntquy@bdvn.vnd.net hoặc gọi điện thoại cho Tuấn "ve chai" số 064.590.328. Xin chân thành cảm tạ.

 

THÔNG TIN VỀ KHOẢN TIỀN CHIA SẺ TỪ CALIFORNIA, HOA KỲ

Ngày Chúa Nhật 1.7.2001, GOSPELNET nhận được số tiền 700 USD từ một gia đình ân nhân ( muốn ẩn danh ) trước đây từng là Giáo Lý Viên Giáo Xứ Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp Sài-gòn, hiện nay đang làm việc tại Hoa Kỳ. Anh chị cho biết trong số tiền này có 600 USD là cùng anh chị em học viên Giáo Lý Dự Tòng thuộc cộng đoàn Ðức Mẹ La Vang tại Canoga Park, California,100 USD của anh chị Bách và Mai Ðinh tại Placentia, California, tất cả đều để giúp đỡ cho người nghèo lâm cảnh hoạn nạn.

Ngay sau đó, chúng tôi nhận được lời cầu cứu của gia đình em ÐOÀN THỊ BÍCH LIÊN ( bệnh nhân đã được nêu lên trong GOSPELNET số 5 và 6 hồi tháng 4.2001. Em Liên điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy, đã thuyên giảm căn bệnh sốt do hở van tim, đã sắp được xuất viện về nhà để ôn thi Tốt Nghiệp Phổ Thông, không ngờ nay lại tái phát trầm trọng hơn, mà gia cảnh thì đã quá kiệt quệ. Chúng tôi đã quyết định trợ giúp ngay 100 USD cho gia đình em Liên, đồng thời cũng đang "gửi gấm" thêm với các bác sĩ quen biết.

Ngày 1.7.2001, chúng tôi trợ giúp cho chị Võ Thị Mỹ ( một bệnh nhân do cha Vũ Khởi Phụng giới thiệu, ở trọ tại số 89 / 3 Hương Lộ 3, Quận Tân Bình ) số tiền 300.000 VND để vào bệnh viện Bình Dân, sau khi được cha Phạm Cao Thanh Sơn giúp các Bí Tích Hòa Giải và Xức Dầu Bệnh Nhân tại DCCT.

Ngày 2.7.2001, chúng tôi nhờ các bạn Nhóm MK chuyển đến cho bà LÝ NGỌC MAI ( một bệnh nhân do cha Vũ Khởi Phụng giới thiệu ) số tiền 300.000 VND bồi dưỡng thêm sau khi mổ thận tại bệnh viện 115.

Ngày 3.7.2001, cha Ða-minh Ðỗ Văn Thừa, DCCT, tuy đã về Nhà Hưu Dưỡng, nhưng vẫn còn cố gắng lo liệu cho giáo dân nghèo tại Giáo Xứ Tân Châu, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận do ngài phụ trách tại Giáo Phận Phan Thiết, ngài xin GOSPELNET trợ giúp tập vở cho con cái của hơn 50 gia đình nghèo ( mỗi gia đình khoảng 3 – 5 con ) chuẩn bị cho năm học mới. Chúng tôi đã quyết định trợ giúp 100 USD, mua được 740 cuốn vở 100 trang.

Ngày 4.7.2001, chị Ma-ri-a TRẦN THỊ TUYẾT, một tân tòng chúng tôi cùng với các soeurs Ðức Bà Truyền Giáo vừa trao các Bí Tích Thánh Tẩy, Xức Dầu và Rước Lễ ngày 23.5.2001 ngay tại Trại 1 Khoa Huyết Học, bệnh viện Chợ Rẫy, sau một thời gian thuyên giảm, nay lại tái phát, bị xuất huyết não trầm trọng, cần phải giải phẫu ngay. Người chồng đã cầm cố nhà ở quê vẫn không đủ tiền. Chúng tôi đã quyết định trợ giúp cho anh 200 USD và 200.000 VND (khoảng 3 triệu VND ) để đóng tiền giải phẫu ngay.

Ngày 4.7.2991, chúng tôi nhận được một lá thư của cha Phê-rô Vũ Văn Hài, Nhà Thờ Sóc Trăng ( điện thoại: 079. 823.239 ) xin trợ giúp cho em VÕ HỒNG DIỄM CHÂU, gia đình ở tại Sóc Trăng, hiện đang theo học Khoa Kinh Tế tại Ðại học TPHCM, vừa hết năm thứ nhất. Hoàn cảnh gia đình của em thật khó khăn: bố chết từ lâu, ba chị em đều còn đi học. Người chị của Châu cũng ở Sài-gòn, vừa học vừa làm để nuôi hai đứa em đi học nữa. Còn bà mẹ vẫn còn ở Sóc Trăng nhưng cũng chẳng làm gì ra tiền. Hiện em Diễm Châu đang ở trọ tại số 31 / 2 đường Nguyễn Văn Lạc, P. 21, Quận Bình Thạnh. Trước mắt, chúng tôi chưa giới thiệu được một việc làm thêm cho em, nên xin trợ giúp tạm 100.000 VND. Bạn MK Phan Tấn Hiển, một cộng tác viên của GOSPELNET sẽ trao tận tay em số tiền này và cố gắng liên hệ tìm việc làm cho em.

Ngày 4.7.2001, chúng tôi trợ giúp cho bà NGUYỄN THỊ LỆ HỒNG ở Bình Lợi, số tiền 100.000 VND để vào Bệnh Viện Mắt Ðiện Biên Phủ chữa trị bệnh lòa. Bà đã được bác sĩ Chi Lan tận tình khám và giúp đỡ.

Ngày 5.7.2001, chúng tôi nhận được E-Mail của Sr. Mỹ Thu, Dòng Ða-minh Bắc Ninh, xin trợ giúp cho anh TRẦN PHI KHANH, 41 tuổi, làm nghề đạp xe ba gác, vợ phải đi làm mướn và 3 con còn nhỏ. Anh Khanh bị bệnh sỏi thận. Năm 1998, anh đã mổ thận ở bệnh viện Bình Dân. Năm 1999 lại phải điều trị bệnh lao tại Trung Tâm Phạm Ngọc Thạch. Và bây giờ thì trái thận còn lại đang bị ứ nước ở độ 3, cần phải mổ gấp nhưng không đủ khả năng trả viện phí. Căn nhà đã phải bán sau 2 lần nhập viện trước, nay phải ở nhờ họ hàng. GOSPELNET đã quyết định trợ giúp ngay 100 USD để anh có thể được giải phẫu ngay.

Ngày 8.7.2001, nằm trong chương trình Bác Ái Hè 2001, Nhóm Sinh Viên Luật sẽ đến sinh hoạt kể truyện và vui chơi với các em khiếm thị tại một trung tâm gần Nhà Thờ Thị Nghè. GOSPELNET xin gửi kèm theo 300.000 VND để lo liệu các phần quà cho các em. Và sau đó, các bạn sinh viên Công Giáo các Ðại Học Luật, Sư Phạm Kỹ Thuật và Nông Lâm sẽ bắt tay vào chương trình Mùa Hè Xanh, giúp văn hóa cho khoảng 300 em học sinh nghèo từ lớp Một đến lớp Chín của Giáo Xứ Mỹ Vân, xã Lạc An, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương ( ÐT: 0650.656.185 ). GOSPELNET xin hỗ trợ 100 USD để các bạn lo liệu tập vở cho các em học sinh tại đây cũng như những khoản chi phí khác. Xin Thiên Chúa chúc lành cho thiện chí dễ thương của các bạn.

Như vậy, từ số tiền trợ giúp 700 USD của anh chị em Tân Tòng cộng đoàn La Vang California và của anh chị Mai Ðinh, trong vòng một tuần lễ, GOSPELNET đã chuyển đến các địa chỉ nói trên tổng cộng là 600 USD và 1.300.000 VND. Xin thay mặt cho tất cả mọi người để ngỏ lời cám ơn quý anh chị ân nhân. Rất mong quý anh chị tiếp tục hỗ trợ GOSPELNET trong thời gian sắp tới để những bệnh nhân và học sinh nghèo ở Việt Nam được chia sẻ tình yêu thương trong lúc thiếu thốn mọi mặt.

THÔNG TIN VỀ KHOẢN TIỀN TRỠ GIÚP TỪ VANCOUVER, CANADA

Ngày 30.6.2001, GOSPELNET đã nhận được số tiền 50 CND của gia đình ông Nguyễn Tùng Thư100 CND của anh chị Nguyễn Tâm từ Vancouver, Canada. Chị Xuân ( Dung ? ) là người chuyển tiền cũng đã chia sẻ thêm 500.000 VND. Tất cả để giúp cho người nghèo tại Việt Nam. Thay mặt cho các cụ già và các em học sinh nghèo, GOSPELNET xin ngỏ lời biết ơn đến quý ân nhân, xin quý vị tiếp tục chia sẻ với chúng tôi để có thêm nhiều người được trợ giúp và các em học sinh được học bổng trong các tháng tới.

Ngày thứ hai 2.7.2001, chúng tôi đã chuyển ngay 150 CND này cho Trại Dưỡng Lão tại huyện Củ Chi ( cách Sài-gòn khoảng 50 km ), với 30 bà cụ già đang được các soeurs Teresa Calcutta chăm sóc.

Ngày thứ năm 5.7.2001, chúng tôi đã chuyển số tiền 500.000 VND nêu trên, cộng với 700.000 VND của GOSPELNET để trợ giúp học bổng do cha Hoàng Minh Ðức phân phối cho 12 em học sinh nghèo có tên trong danh sách dưới đây tại điểm truyền giáo An Thới Ðông, huyện Cần Giờ trong hai tháng 5 và 6 năm 2001.


01.    Nguyễn Thị Kim Oanh ( sinh 1983 ) lên lớp 11

02.    Nguyễn Thị Tuyết Loan ( 1985 ) lên lớp 10

03.    Trần Thị Huệ ( 1988 ) lên lớp 7

04.    Nguyễn Minh Nhật ( 1991 ) lên lớp 4

05.    Nguyễn Thị Tốt ( 1986 ) lên lớp 9

06.    Nguyễn Thị Kim Hường ( 1988 ) lên lớp 7

07.    Nguyễn Thành Phương ( 1986 ) lên lớp 9

08.    Lê Thành Tới ( 1986 ) lên lớp 8

09.    Ngô Thị Ngọc Dung ( 1988 ) lên lớp 7

10.    Trần Thị Trang ( 1985 ) lên lớp 9

11.    Nguyễn Quang Minh ( 1987 ) lên lớp 8

12.    Trần Thị Kim Bông ( 1987 ) lên lớp 8


 

THÔNG TIN VỀ VIỆC LÀM CHO SINH VIÊN

Một công ty ngoại quốc tại Khu Công Nghiệp Singapore tỉnh Bình Dương đang rất cần nhận 1 bạn nam và 1 bạn nữ, đã tốt nghiệp Ðại Học Bách Khoa hoặc Ðại Học Khoa Học Tự Nhiên ngành Hóa, làm Phòng Thí Nghiệm với lương thỏa thuận, có xe đưa rước, một tuần làm việc 5 ngày, nghỉ thứ bảy và Chúa Nhật.

Công Ty Quảng Cáo An Tiêm đường 3 tháng 2 cần tuyển 1 bạn nữ làm thư ký văn phòng, lương thử việc khởi điểm là 1 triệu VND, sau đó sẽ tăng.

Xí Nghiệp Ðóng Tàu X51 huyện Nhà Bè đang cần tuyển 3 thợ sửa chữa máy có chuyên ngành máy, không quá 30 tuổi. Một tuần làm việc 5 ngày, nghỉ thứ bảy và Chúa Nhật, lương cao, không cần có bằng đại học nhưng phải có lòng yêu nghề.

Một công ty nhà nước đang cần tuyển 5 thợ đóng boong tàu, 3 thợ làm đồng máy, 5 bảo vệ, 2 thợ hàn đồng. Ðiều kiện: bạn nam trình độ Anh Văn bằng B hoặc C. Xin liên hệ ngay số 091.3.160.822 với bạn Hoa Xuân Vinh.

Một công ty đang cần tuyển 5 bạn nam đi tiếp thị nước khoáng, lương 900.000 VND một tháng, làm việc tại Sài-gòn.

Các trường hợp nói trên xin chuẩn bị hồ sơ đầy đủ và gọi điện thoại ngay cho bạn Hoa Xuân Vinh, số: 091.3.160.822.