Sơ lược tiểu sử

Ðức Cha Phaolô Trần Ðình Nhiên

 

Sơ lược tiểu sử Ðức Cha Phaolô Trần Ðình Nhiên

1) Thiếu thời và học vấn

Ðức cha Phaolô Nguyễn Ðình Nhiên sinh ngày 10-10-1891 tại Tân Lập trong một gia đình nho phong xứ Thổ Hoàng, Hà Tĩnh. Năm 14 tuổi dâng mình cho Chúa, làm nghĩa tử thừa sai Masson Nghiêm, theo học Tiểu Chủng viện Xã Ðoài cùng lớp với Ðức cha Gioan Baotixita Trần Hữu Ðức. Suốt 8 năm tại Chủng viện, hai chú Ðức, Nhiên đã là ngôi sao sáng của lớp, cả về đường học vấn lẫn hạnh kiểm, nên sau khi xong Tiểu Chủng viện, được bổ nhiệm làm giáo sư tại đó.

Tháng 6-1922, hai thầy Ðức, Nhiên lên đường du học tại Chủng viện Penang, một Ðại Chủng viện danh tiếng nhất Ðông Nam Á vào thời ấy. Tại đây hai thầy Ðức, Nhiên cũng chiếm được ưu hạng trong số các sinh viên ưu tú đồng lớp của các nước Ðông Nam Á tựu học tại đây. Năm 1927, cả hai được thụ phong linh mục tại Xã Ðoài.

Cha Phaolô Nguyễn Ðình Nhiên lần lượt giữ các chức vụ: Phó xứ, Chánh xứ, Quản lý Giáo phận, Giám đốc Ðại Chủng viện và Tổng Ðại diện giáo phận.

2) Thăng quyền Giám mục

Năm 1963, do đề nghị của Hàng Giáo phẩm, Ðức cha Trần Hữu Ðức đã chọn người bạn cố tri của mình là Cha Phaolô Nguyễn Ðình Nhiên làm Giám mục phó.

Bảy năm làm Giám mục của ngài là một chuỗi ngày triền miên gian khổ qua các cuộc đấu tố, đói khát, bom đạn... Ðức Giám mục phó đã chia sẻ chén đắng với Ðức Cha chính trước cảnh hàng loạt giáo sĩ và giáo dân bị bắt bớ, tù đày, tài sản nhà chung bị tịch thu, các nhà trường bị đóng cửa, các nhà thờ bị tàn phá vì bom đạn. Tử khí tang tóc bao quanh miền đất Giáo phận. Ngay Ðức Giám mục phó cũng bị gãy tay trong cuộc "không kích" khu nhà chung Xã Ðoài vào đầu năm 1969.

Cái khổ về vật chất và tinh thần càng ngày càng đè nặng trên tuổi già của Ðức Cha và làm cho ngài mắc thêm chứng bệnh đau dạ dày, nên phải xin phép về dưỡng bệnh tại họ Bùi Ngoã.

Ít lâu sau, mặc dầu già cả và bệnh tật, Ðức Cha lại phải trở về làm Giám đốc Ðại Chủng viện vì trường thiếu linh mục coi sóc. Tại đây, vào ngày 24-3-1969, Chúa đã rước linh hồn ngài về, để lại cho con cái Giáo phận Vinh một tấm gương lành thánh, một hình ảnh hiền hoà và một nhân đức khôn ngoan chịu đựng gian khổ.

(Nguồn: Giáo phận Vinh)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page