Những Ngày Cuối Ðời

Của Ðức Cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi

tại Trà Kiệu

 

Những Ngày Cuối Ðời Của Ðức Cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi tại Trà Kiệu.

Lm Antôn Nguyễn Trường Thăng

Trà Kiệu (tháng 1 năm 2009)

BBT: "...Riêng cá nhân con, con rất muốn Ðức cha về với giáo xứ Trà Kiệu".

Mùa hè năm 1984, anh em linh mục báo cho nhau biết Ðức cha Phêrô Maria sẽ về hưu dưỡng tại Phú Thượng. Không ai ngạc nhiên về quyết định trên vì vùng Tây Bắc Hòa Vang có trên 10,000 giáo dân quy tụ thành bốn giáo xứ chính An ngãi, Phú Thượng, Hòa Ninh, Hòa Khánh. Nơi có đông đảo linh mục và tu sĩ cũng như nhiều cơ sở dư thừa.

Nhưng rồi đầu tháng 7 năm 1984, linh mục quản xứ Trà Kiệu được Ðức cha Phêrô yêu cầu ra cho ngài gặp. Trong câu chuyện, ngài tỏ ý muốn về hưu dưởng tại Trà Kiệu theo lời khuyên của nhiều người.

"Cha nghĩ thế nào?"

"Thưa Ðức cha, nếu được như vậy, chúng con rất vui mừng. Bởi vì Trà Kiệu là Trung tâm Thánh Mẫu của Giáo phận. Giáo dân, linh mục, tu sĩ cũng đông. Nhà cửa cũng còn chỗ. Ngoài ra con thấy khí hậu Trà Kiệu ôn hòa hơn Phú Thượng. Con, người gốc An Ngãi, con đã nếm mùi gió Nam tức gió Lào mùa hè và sự oi bức của thung lũng Phú Thượng vào mùa hạn hán. Mùa đông bão tố thường xoay tròn trong lòng chảo cùng với những ngày mưa lê thê. Trà Kiệu năm nào cũng có lụt nhưng nhà cửa an toàn. Thực phẩm vùng Trà Kiệu dồi dào nhờ vùng quê trù phú lân cận và đường giao thông thuận lợi: xe lửa, xe hơi, ghe tàu. Thủy điện Duy Sơn 2 vừa mới khánh thành nên chúng con có điện ngày đêm. Riêng cá nhân con, con rất muốn Ðức cha về với giáo xứ Trà Kiệu".

Chỉ một tuần sau cuộc gặp gỡ nầy, giáo xứ Trà Kiệu hân hạnh đón Ðức cha Phêrô. Ngôi nhà lầu hai tầng do cha Phêrô Lê Như Hảo xây dựng tuy bị pháo kích sập mất tầng trên nhưng tầng dưới còn kiên cố, ngoài ra có nhiều phòng khác có thể làm nhà nguyện, phòng cho thầy giúp Ðức cha và bếp núc. Rồi một ngày chúng tôi thấy xuất hiện một chiếc xe vận tải lớn chuyên chở giường tủ, tủ lạnh, máy nước nóng v.v. Cuối cùng Trà Kiệu đã vượt qua Phú Thượng đón Ðức cha già về với mình. Ðức cha được hai đệ tử tháp tùng là thầy Giuse Nguyễn Văn Long (nay đã là linh mục) và nữ tu Nguyễn Thanh Kỳ.

Ngày hôm ấy, ngày hè 20 tháng 7 năm 1984, tôi nhận thấy khuôn mặt Ðức cha rất rạng rỡ. Mấy ngày kế tiếp chúng tôi đưa ngài lên nhà thờ núi, thăm viếng các cộng đồng nữ tu Mến Thánh giá, Phaolô. Ngài rất vui... Nhưng sau đó một tuần, tình hình đổi khác. Có lẽ từ nhỏ đến giờ, ngài luôn luôn có nhiều người sống vây quanh. Nay khi những người thân cận, mỗi người mỗi việc. Nỗi cô đơn khiến ngài nghĩ ngợi nhiều hơn, nhất là trong một căn phòng trống trải và một sân me tây cao vút vắng lặng của Trà Kiệu.

Trong thời gian ở Trà Kiệu, sức khỏe của ngài rất thất thường, ngày 19 tháng 10 năm 1985, ngài được đưa về Ðà Nẵng điều trị một thời gian. Sau khi bình phục ngài lại trở về Trà Kiệu.

Một vị giám mục với bao văn bằng, bao chức vụ , bao cuộc tiếp xúc với những nhân vật lịch sử, ngày nay chỉ còn Thánh Thể là bạn đường, tràng hạt Mân Côi là nguồn an ủi.

Ngày 18 tháng giêng dương lịch năm 1988 bệnh tình của Ðức cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi trở nặng. Có thể vì ngày nầy nhắc nhở cho ngài bao nhiêu kỹ niệm quan trọng: ngày các cha Dòng Tên đặt chân đến Cửa Hàn (Ðà Nẵng) và Hội An 18 tháng 1 năm 1615. Ngày mà Tòa Thánh thiết lập tân Giáo phận Ðà Nẵng và đặt ngài làm Giám mục tiên khởi 18 tháng 1 năm 1963. Ngày hôm đó Giáo phận Ðà Nẵng mừng ngân khánh 25 năm 18-1-1963, 18-1-1988. Ngày mà trong quá khứ ngài đã chủ tọa bao nhiêu thánh lễ đại trào và bao nhiêu lễ hội khác. Từ khi về ở với cộng đồng Trà Kiệu, tháng 7 năm 1984, nhiều lần ngài đã lâm trọng bệnh nhưng lần nầy, ngài rơi vào tình trạng hôn mê. Vào thời điểm ấy, các vị giám mục miền Trung được giấy triệu tập tham dự một cuộc hội nghị tại Hà Nội. Thông thường, các vị ở xa như Qui Nhơn, Kon Tum dùng đường bộ, tập trung tại Ðà Nẵng để lấy vé máy bay đi Hà Nội. Ngày 21 tháng 1 năm 1988, các Ðức cha Kon Tum, Qui Nhơn, Huế đã về Tòa giám mục Ðà Nẵng. Tại Trà Kiệu, cộng đồng và bà con Ðức cha hiện diện dự đoán ngài sẽ ra đi vào buổi sáng hôm đó. Mọi người vây quanh ngài, cầu nguyện và chờ đợi giờ phút Chúa rước ngài đi. Vào khoảng 11 giờ, có một anh công an yêu cầu gặp tôi (Antôn Nguyễn Trường Thăng) lúc đó là linh mục quản xứ. Anh bảo tôi, sao không yêu cầu bệnh viện Duy Xuyên truyền oxy cho giám mục. Tôi vội lấy xe Honda xuống bệnh viện Duy Xuyên cách nhà xứ khoảng hai cây số và trình bày ý kiến trên. Bệnh viện đã đáp ứng yêu cầu. Tôi tưởng bệnh viện sẽ chở bình oxy nặng bằng kim loại như thường thấy ở bệnh viện, nhưng một y tá chỉ mang đến hai bao oxy cỡ cái gối, chất liệu cao su. Khoảng 12 giờ Ðức cha được truyền oxy qua đường mũi.

Phó mình trong tay Chúa

Ðức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Quang Sách cho người nhắn tin là khoảng một giờ chiều, các Ðức cha sẽ vào thăm Ðức cha già (lúc đó chưa có điện thoại). Sau khi dùng cơm trưa, các Ðức cha đã lên xe và đúng 13 giờ 15 các ngài có mặt bên giường Ðức cha già tại Trà Kiệu. Các Ðức cha hiện diện nói lên những tâm tình của họ đối với Ðức cha Phêrô Maria. Ðức cha già mở mắt to, mắt đảo quanh, và thỉnh thoảng rướn mình như hiểu ý, mặc dù người không nói được và trên khóe mắt ngài: những giọt nước mắt long lanh. Lúc đó tôi đứng sát đầu giường và "kêu Chúa", cha Giuse Cao Văn Cường, cha xứ Xuân Thạnh cầm thánh giá. Suốt 55 phút, 4 giám mục thuộc giáo tỉnh Miền Trung cùng Ðức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Quang Sách, là Giám mục chính tòa Ðà nẵng cùng linh mục, tu sĩ, giáo dân chăm chú theo dõi từng nhịp thở đầy khó khăn để rồi với một cái nấc nhẹ, ngài phó mình trong tay Chúa. Lúc đó đồng hồ chỉ 14 giờ 25 phút, giờ Chúa hấp hối trên thánh giá.

Sau nầy, khi xét lại các biến cố, tôi cho rằng đây là một "phép lạ" Thiên Chúa dành cho Ðức Cha già. Tại sao có cuộc triệu tập hội nghị vào ngày nầy và tại sao hoãn lại vào phút cuối, đúng thời điểm đó? Tại sao có chuyện truyền oxy? Hai sự kiện trên xem ra tình cờ nhưng đều mang ý nghĩa: không có giấy triệu tập, các Ðức giám mục miền Trung không thể có mặt bên giường hấp hối, không có mấy bình oxy đơn sơ có lẽ ngài đã ra đi trước 12 giờ. Bây giờ nhìn lại mấy tấm hình ghi lại giờ phút lâm chung của Ðức cha già, chúng ta thấy thật cảm động.

Rước xác vào Nhà Thờ "Hầm"

Giáo dân Trà Kiệu chưa biết tin, chỉ có các em học sinh tiểu học đúng giờ ra chơi.

Ngày nay, một số các vị có mặt hôm đó đã được Chúa gọi về như Ðức cha Phaolô Huỳnh Ðông Các, cha Gioan Baotixita Trần Ngọc Quỳnh, cha Phát, Dòng Chúa Cứu Thế, cháu ruột Ðức cha... Lúc đó là 14 giờ 25. Chuông nhà thờ Trà Kiệu ngân từng tiếng báo tin buồn cho giáo hội Việt Nam và thế giới.

Sau khi Ðức cha qua đời, các vị giám mục và cộng đoàn rước xác ngài ra nhà thờ "hầm" Trà Kiệu (ý nói tầng trệt) và sau đó thay lễ phục để giáo dân kính viếng.

Công cuộc tổ chức lễ an táng cho Ðức cha được gấp rút thực hiện. Giáo xứ Trà Kiệu cùng đại diện Tòa Giám mục sau khi bàn cải quyết định chôn cất ngài tại nghĩa trang linh mục của giáo xứ, bên cạnh nhà thờ. Sau nầy Ðức tổng giám mục Phao lô Nguyễn văn Bình, sau lễ an táng Ðức Tổng giám mục Nguyễn Kim Ðiền ở Huế, trên đường về ghé Trà Kiệu viếng mộ Ðức cha Phêrô đã nói với chúng tôi "Ở Huế, Ðức cha Ðiền được chôn trong nhà thờ. Về Trà Kiệu, Ðức cha Phêrô được chôn ngoài trời bên cạnh nhà thờ. Ở đâu cũng tốt, cũng đẹp... Tôi phân vân quá, không biết đến lượt mình, tôi chọn cách nào đây?"

Giáo phận Ðà Nẵng giao cho giáo xứ Trà Kiệu sắp đặt tang lễ. Noi gương Ðức thánh cha Phaolô 6, trước đó Ðức cha già đã yêu cầu quan tài ngài được đặt dưới đất, bên cạnh cây nến Phục sinh. Chúng tôi nhờ anh Nguyễn công Kinh ở Ðà Nẵng đóng một quan tài theo kiểu mới, nhẹ nhàng nhưng trang trọng. Các tiểu ban gấp rút tiến hành công việc kể cả việc xin phép chính quyền.

Hai ngày sau đó tuy phương tiện đi lại thời kỳ đó ít thuận lợi nhưng các phái đoàn nườm nượp đến kính viếng. Ðức cha Phaolô Huỳnh Ðông Các, nay cũng đã qua đời, làm nghi thức tẩm liệm. Chúng tôi làm đơn xin quay video, rất đắt tiền thời đó, nhưng không được chấp nhận. Máy ảnh cá nhân chưa có nhiều và không dễ được phép chụp hình. Phải giao cho hiệu ảnh có phép hoạt động. Mấy cuốn phim màu chụp xong cũng chỉ in được vài tấm. Chưa có "lab", chỉ rửa thủ công, nên may nhờ rủi chịu vì phim màu trôi nổi trên thị trường. Toàn bộ là ảnh trắng đen nhưng nhờ ưu điểm của loại hình nầy mà chúng ta lưu giữ được các nhân vật, địa điểm cho đến ngày nay.

Thánh Lễ An Táng

Sáng 23 tháng 01 năm 1988, chưa bao giờ sau năm 1975 mà giám mục linh mục, tu sĩ, giáo dân các nơi tập trung về Trà Kiệu đông như thế.

Theo chương trình, vào lúc 11 giờ, nghi lễ bắt đầu. Dẩn đường là cha Giuse Nguyễn Trí Dũng cầm bình hương, vị linh mục đầu tiên của giáo phận được thụ phong sau năm 1975, chỉ cách đó 11 ngày tức ngày 10 tháng 1 năm 1988. Kế tiếp là ông Câu Vui rất cao tuổi của nhà thờ chính tòa Ðà Nẵng cầm thánh giá với hai đèn hầu cùng quý chức nhà thờ chính tòa với áo thụng xanh. Sau đó là linh mục đoàn Ðà Nẵng. Bốn Ðức cha đi tiếp theo vây quanh Ðức Tổng Giám mục Philipphê đi giữa. Chủ tế đi sau là Ðức cha Phanxicô Xaviê cùng hai cha tháp tùng: cha Phát đại diện thân quyến và cha Antôn quản xứ Trà Kiệu. Ðoàn lễ sinh đi đoạn hậu. Ông tổng Lưu văn Thế hướng dẫn đoàn âm công 12 thanh niên mặc áo trắng, quần sẩm màu, mười em khiêng quan tài bước đều chân, đầu quấn khăn tang. Hai bên thêm 10 vị chức việc Trà Kiệu theo hầu. Cuối đoàn rước là thân quyến của Ðức cha Phêrô. Tại sân nhà thờ, các thầy mặc áo surplis nghiêm trang, phía bên đối diện là các nữ tu. Tất cả đều mang khăn tang. Ghế nhà thờ được khiêng ra để ấn định lối đi và giữ giáo dân trong vòng trật tự. Sau khi quan tài an vị. Thánh lễ an táng bắt đầu dưới ánh nắng êm dịu lọc qua tàng me cao. Chủ đề là lời Chúa "Phần con hãy theo thầy" Ga 21,22. Bên trên là huy hiệu giám mục Vâng Lời Thầy con thả lưới, được đặt dưới chân hình ảnh Chúa Giêsu Phục Sinh. Vây quanh là những vòng hoa tang trang trí trên hai con rồng cầu thang. Quang cảnh tuy đơn sơ nhưng trang trọng. Trên bàn thờ năm vị giám mục đồng tế là Ðức Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Quang Sách, Giám Mục Ðà Nẵng, Ðức Cha Huỳnh Ðông Các, Giám Mục Qui Nhơn, Ðức Cha Nguyễn Như Thể, Ðức Cha Phạm văn Lộc, Ðức Cha Trần Thành Chung và sự hiện diện của người bạn tâm giao là Ðức Tổng Giám mục Nguyễn Kim Ðiền hiện diện cạnh bàn thờ.

Cuối thánh lễ là những lời phó dâng từ biệt: ông An, giáo xứ chính tòa Ðà Nẵng thay mặt giáo dân, Mẹ giám tỉnh Dòng Thánh Phaolô Marie Rose Kim Nguyệt đại diện tu sĩ nam nữ, cha Phaolô Nguyễn Bình Tĩnh đại diện linh mục đoàn giáo phận, ông cố Ngọc đại diện thân quyến và Ðức cha Phanxicô Xaviê thay mặt toàn giáo phận bái biệt Ðức cha.

Ðoàn rước lại tiếp tục đưa quan tài đến nguyệt mộ và những nghi thức cuối cùng đưa linh cửu đặt xuống kim tỉnh trong đau buồn nhưng cũng tràn đầy hy vọng.

Sau khi ôn lại những giờ phút cuối đời của Ðức Cha, chúng ta hãy lắng nghe vài tâm tình của ngài trước lúc ra đi trong tâm thư viết ngày lễ Giáng sinh 1985 tại Trà Kiệu.

"Tôi hằng tha thiết tạ ơn Chúa, vì Ngài đã chọn và đỡ nâng tôi từ thân phận mọn hèn, để tôi phục vụ Giáo Hội của Ngài giữa lòng đất Việt dấu yêu. Tôi được sinh ra và lớn lên dưới cánh tay đầy quyền năng nhưng cũng đầy tình ưu ái của Ngài. Lòng tin của tôi hằng gắn chặt vào Chúa không hề xao lãng.

Ðối với trọng trách mà tôi đã lãnh nhận, tôi luôn cố gắng làm tròn với hết sức mình. Lòng trung tín và sự tận tình đối với Giáo Hội Chúa là quyết tâm của cả đời tôi...

Tôi cũng thành tâm yêu mến những người hiểu lầm tôi, không hài lòng về tôi, hoặc cả những người chống đối tôi vì vô tình hay cố ý. Tôi ước mong mọi sự dị đồng được hàn gắn bằng tình thương, để hận thù không còn, và mọi tâm hồn vươn lên đến cùng đích của chân lý là Thiên Chúa...

Giờ đây, dù không xứng đáng, tôi cũng xin mượn lời thánh Phaolô để thưa cùng anh chị em:

"Tôi Ðã Già Yếu, Giờ Ra Ði Của Tôi Ðã Gần Kề,

Tôi Ðã Chiến Ðấu Trong Cuộc Chiến Chính Nghĩa,

Ðã Chạy Ðến Cùng Ðường..."

Xin tất cả mọi người cầu nguyện cho tôi được giữ vững lòng tín trung cùng Chúa cho đến giờ sau hết".

Nay Anh, Mai Tôi.

Ai Còn Và Ai Mất?

 

Lm Antôn Nguyễn Trường Thăng, tháng 01 năm 2009

Bài viết vào dịp kỷ niệm 100 năm sinh nhật Ðức cha Phêrô Maria 1909-2009

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page