Kỷ niệm 100 năm ngày sinh

của Ðức cố Giám Mục Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi,

Giám mục tiên khởi Giáo phận Ðà Nẵng

 

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Ðức cố Giám Mục Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi, Giám mục tiên khởi Giáo phận Ðà Nẵng.

Duy Trà Phạm Cảnh Ðáng

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Ðức Cố Giám mục tiên khởi Giáo phận Ðà Nẵng Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi (14.05.1909-14.05.2009), anh em Cựu Chủng Sinh Làng Sông Quy Nhơn tại Ðà Nẵng chúng ta xin dành ít phút để tưởng nhớ đến Ngài.

Công lao của Ngài trong công cuộc xây dựng Giáo hội Việt Nam nói chung, Giáo phận Ðà Nẵng nói riêng là rất to lớn, mà chúng ta có thể tìm đọc trong tác phẩm "Một khuôn mặt lớn của Giáo hội Công giáo Việt Nam" do tác giả Phạm Ðình Khiêm biên soạn.

Ở đây, và trong lúc này, chúng ta chỉ khiêm tốn đọc lại một vài tâm tình rất thân thương, tha thiết của Ngài đối với Giáo phận, đối với chúng ta, trong những ngày cuối đời đầy đau khổ tại nơi an dưỡng Trà Kiệu. Ðồng lúc chúng ta cùng nhắc lại một vài kỷ niệm sống động của chúng ta với Ngài, để cùng tưởng nhớ đến Ngài nhân dịp sinh nhật lần thứ 100 của Ngài.

Xin quý anh em, chúng ta dành ít phút để cầu cho linh hồn của Cố Giám mục Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi được an nghỉ muôn đời trong Chúa.

Và cũng xin Ngài phù trợ cho tất cả chúng ta.

(Cựu Chủng Sinh Làng Sông Quy Nhơn tại Ðà Nẵng

Duy Trà Phạm Cảnh Ðáng)

Ðôi dòng tiểu sử của Ðức cố Giám Mục Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi

* Thời thơ ấu:

Ðức cố Giám Mục Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi sinh ngày 14-5-1909 tại Tôn Ðạo, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, thuộc Giáo phận Phát Diệm.

Năm 1920 được Cha Pléneau Kim (MEP) chính xứ Tôn Ðạo cho nhập trường Ba Làng (Thanh Hóa).

Năm 1921 về học tiểu chủng viện Phúc Nhạc, Yên Khánh, Ninh Bình. Năm 1927 mãn tiểu chủng viện và được Ðức Cha Marcou Thành chọn đi tu học tại Trường Ðại Học Truyền Giáo Rôma.

* Thời tận hiến:

Ngày 23-12-1933 thụ phong Linh Mục tại nhà thờ Thánh Gioan Laterano do Ðức Hồng Y Marcheli Selvagiani chủ phong. Sau đó Ngài vẫn tiếp tục ở nội trú tại trường cũ, và theo học tại Ðại Học Apollinaire và đã tốt nghiệp các văn bằng Tiến Sĩ Triết Học, Cử nhân Thần Học và Cử nhân Giáo Luật.

Năm 1935, Ngài tiếp tục theo học Luật (Ðạo và Ðời) tại Ðại Học đường Paris, Pháp Quốc.

Năm 1936, ngài hồi hương và nhận chức giáo sư Ðại Chủng Viện Phát Diệm.

Năm 1944, ngài được cử làm phó Giám Ðốc của Ðại Chủng Viện Phát Diệm.

Năm 1946, Ðức Cha Lê Hữu Từ đặt ngài làm Chánh Án Hôn Phối Ðịa Phận đồng thời cử ngài vào Hội Ðồng Ðịa Phận. Kể từ năm 1945 đến năm 1950, ngài là vị cố vấn tin cẩn của Ðức Cha Lê Hữu Từ.

Năm 1947, Ngài được chỉ định làm Giám Ðốc Ðại Chủng Viện Phát Diệm.

Năm 1950, Ngài được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám Mục Bùi Chu và lễ tấn phong Giám Mục được tổ chức long trọng vào ngày 4-8-1950.

Năm 1954, Ðức Khâm Sứ Dooley ủy thác Ngài thành lập Ban Hỗ trợ định cư, giúp hàng Giáo sĩ và giáo dân Bắc Việt di cư vào Nam.. Ngài đã giúp xây dựng gần 300 thánh đường, trường học, nhà thương...

Ngày 5-1-1957, sau khi đã hoàn thành công tác định cư, và do sự đề cử của Ðức Khâm Sứ G. Caprio tại Saigon, Ngài được Tòa Thánh đặt làm đặc ủy Tông tòa , Phụ trách về Công Giáo Tiến Hành Việt Nam. Thời gian nay, Ngài đã soạn thảo Hiến chương, điều lệ, và phát hành tờ Việt Tiến. Ngài cũng đã mua Trung Tâm Công giáo Việt Nam ở Sàigòn, xây dựng Trung tâm huấn luyện Công Giáo Tiến Hành ở Ðà Lạt.

Ngày 5-7-1957, Tòa Thánh bổ nhiệm Ngài làm Giám Quản Ðịa Phận Qui Nhơn, và sau đó, năm 1960 trở thành Giám Mục Chính Tòa Qui Nhơn. Trong những năm cai quản Ðịa Phận Qui Nhơn, Ngài đã mở rộng cánh đồng truyền giáo và thu hoạch về những thành quả ngoài sự ước đoán mong chờ. Nhà văn Phạm Ðình Khiêm (dưới bút hiệu Ðức Khiêm đã viết trong cuốn sách mang tựa đề: "Thánh Giuse," Di Cảo của Cha Chính Lý, nơi trang 101) ghi nhận: "Phong trào Tân Tòng ở Ðịa Phận Qui Nhơn hồi ấy phát triển kỳ diệu, riêng khu Ðông Mỹ, của Cha Chính Mai Học Lý, với một số linh mục Phát Diệm, mở rộng tới 40 họ đạo mới".

* Giám mục tiên khởi Giáo phận Ðà Nẵng

Ngày 18-01-1963, Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII ký sắc lệnh tách Ðà Nẵng ra khỏi Giáo Phận Qui Nhơn và đặt Ngài làm Giám Mục tiên khởi cho Ðịa Phận mới Ðà Nẵng.

Lễ tựu chức của Ðức Giám Mục tiên khởi được tổ chức long trọng vào ngày 1 tháng 5 năm 1963, dưới quyền chủ tọa của Ðức Khâm sứ Tòa Thánh Salvatore Asta. Ngày hôm đó giáo dân và các đoàn thể ở Ðà Nẵng đã lên tận phi trường Ðà Nẵng để đón rước Ngài và phái đoàn. Ðúng 17 giờ chiếc phi cơ chở phái đoàn từ Quy Nhơn đáp xuống phi trường Ðà Nẵng giữa những tiếng hoan hô vang dội. Phái đoàn rời máy bay gồm có: Ðức Khâm sứ Tòa Thánh Salvatore Asta, Ðức Giám Mục Phạm ngọc Chi, Ðức Tổng Giám Mục Ngô Ðình Thục, Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình, Ðức Giám Mục Piquet Lợi, Ðức Giám Mục Lê Hữu Từ, Ðức Giám Mục Hoàng Văn Ðoàn, Ðức Giám Mục Jacq, Ðức Giám Mục Trần Văn Thiện, Ðức Ông Nittis...

Và đúng 18 giờ lễ tuyên sắc và nhận chức được diễn ra đơn giản, nhưng trang trọng. Sau khi tuyên đọc hai sắc chỉ của Tòa Thánh về việc thiết lập tân giáo phận Ðà Nẵng và việc bổ nhiệm Ðức Giám Mục Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi làm Giám Mục tiên khởi Giáo phận Ðà Nẵng, Ðức Khâm sứ Tòa Thánh hướng dẫn Ðức Giám Mục Chi vào ngôi tòa. Ðức Cha Chi đọc một diễn từ khoảng 10 phút, trong đó Ngài cho rằng: "Sở dĩ Ðà Nẵng được thành lập một giáo khu riêng biệt vì Ðà Nẵng đã có một lịch sử vẻ vang đối với Giáo Hội Việt Nam và có một tương lai rất hứa hẹn..."

Kết thúc buổi lễ là diễn văn chào mừng của Linh Mục Nguyễn Quang Xuyên, đại diện Giáo phận.

Ngài về với con cái Ðà Nẵng thân yêu của ngài ngày 01-5-1963 cho đến ngày tạ thế, 21-1-1988. Ngày 18-1-1988 , Giáo Phận đã cử hành Lễ Bạc Tạ Ơn Chúa mừng ngày Giáo Phận lên 25 tuổi, để rồi mấy ngày sau đó, toàn giáo phận đã bùi ngùi vĩnh biệt người cha chung. Chiếu theo Giáo Luật thì Ðức cố Giám Mục Phêrô Maria đã cai quản Giáo Phận Ðà Nẵng được 25 năm và 4 ngày.

Từ ngày về cai quản Giáo Phận Ðà Nẵng, Ngài đã xây dựng nhiều cơ sở mới cho Ðịa Phận: Tòa Giám Mục, Nhà Hưu Dưỡng cho các Linh Mục già yếu, Tiểu Chủng Viện Thánh Gioan, Bệnh Viện An Bình tại An Thượng, Ðại Chủng Viện Hòa Bình là Chủng Viện miền tại Hòa Khánh, Trung tâm Công Giáo Tiến Hành cạnh nhà thờ Chánh Tòa Ðà Nẵng. Trước năm 1963, tại Ðà Nẵng chỉ có dòng nữ Thánh Phaolô và chị em Mến Thánh Giá Quy Nhơn, nhưng sau năm 1963 trở đi, ngài đã cho phép hoặc mời thêm nhiều Hội Dòng khác nhau đến hoạt động truyền giáo trong Ðịa Phận như Dòng Mến Thánh Giá Huế, Dòng Kim Ðôi Huế, Tu Hội Tận Hiến Saigon, Tu Hội Nhà Chúa Saigon và Dòng Thánh Gioan Thiên Chúa Biên Hòa ra Ðà Nẵng trông coi bệnh viện An Bình.

Con số linh mục địa phận chưa đầy 40 vị lúc Giáo Phận mới thành lập, đã tăng lên 117 vị vào năm 1975. Sau năm 1975, vì lý do mục vụ và thời cuộc, nên trong Ðịa Phận còn khoảng 50 linh mục. Ðức cố Giám Mục đã gởi rất nhiều linh mục đi du học nước ngoài. Ngài vẫn chủ trương mỗi phân ngành chuyên biệt như Giáo Luật, Luân Lý, Xã Hội, Thần Học, vân vân...  ít nhất phải có 3 cha trong Ðịa Phận có cùng một loại bằng cấp, vừa để giúp nhau làm việc, vừa có người kế tục công việc, nếu chẳng may vị này qua đời đột ngột. Trong một dịp cấm phòng năm cho toàn thể linh mục địa phận, Ngài đã khuyến khích các cha dưới 40 tuổi, nên cố gắng xuất ngoại. Ngài nói: Nếu cha nào không có khả năng lấy thêm bằng cấp Ðạo, Ðời, thì ít ra có dịp quan sát tận mắt những tiến bộ của các nước Âu Mỹ, để có thêm kiến thức mà về phục vụ tốt cho Cộng đoàn dân Chúa và đồng bào trong nước. Chủ trương này của ngài đang tiến hành tốt đẹp thì biến cố năm 1975 xảy đến, nên chương trình này đành đình hoãn vô hạn định. Hiện nay có khoảng 15 linh mục Ðà Nẵng đang phục vụ ở nước ngoài, mà phần lớn là các Linh mục đi du học bị kẹt lại, sau biến cố 1975.

Sau năm 1975, Ngài vẫn tiếp tục cai quản Giáo phận trong hoàn cảnh mới cho đến ngày 11/7/1984 Ngài được đưa đi tạm cư tại Trà Kiệu cho đến ngày từ trần.

Ngoài những nhiệm vụ nặng nề, Ðức Cố Giám Mục Phêrô Maria còn viết nhiều cuốn sách giá trị về Pháp Luật và Kinh Thánh, trong đó có cuốn Phúc Âm Dẫn Giải bằng Việt ngữ dành cho những người muốn học hỏi và nghiên cứu Thánh Kinh. Hiện nay Dòng Ðồng Công tại Hoa Kỳ có cho tái bản cuốn sách giá trị này.

Ðiểm nổi bật nhất trong đời sống mục vụ của Ngài khiến những ai gần gũi Ngài đều rất dễ dàng nhận thấy, đó là luôn luôn đúng giờ và cố gắng trả lời mọi thư từ dù vắn dù dài của bất cứ ai gởi cho Ngài. Ngài hay nhắc vị quản lý của ngài rằng phải cố gắng trả lời mọi thư từ, giữ mọi liên lạc không phải chỉ vì phép lịch sự mà thôi, nhưng là để giao tế với nhau. Với 79 năm hiện hữu ở đời; Với 55 năm phục vụ Chúa và anh chị em, trong thiên chức linh mục; Với 38 năm trong chức vụ Giám Mục tại các Giáo Phận Bùi Chu, Qui Nhơn và Ðà Nẵng, trong đó có 4 năm an dưỡng tại Trà Kiệu, Ðức cố Giám Mục đã có quá nhiều công nghiệp trước mặt Chúa... Và cùng biết bao nhiêu ray rứt khổ đau Ngài đã phải chịu đựng, hy sinh, suốt hằng mấy chục năm trời trong thiên chức linh mục hiến tế và trong chức vụ giám mục chủ chăn. Công nghiệp của ngài thật lớn lao! Nhưng không phải vì vậy mà ngài không cần những lời cầu, những kinh nguyện, những Thánh lễ của con cái Ngài, để xin Chúa thương sớm đưa linh hồn Ngài về hưởng Nhan Thánh Chúa, bởi vì: "Con người muôn thuở" vốn đầy dẫy những yếu đuối, bất toàn...

"Cây càng cao thì gió càng lay,

Càng cao danh vọng càng dày gian lao."

Xin vì công nghiệp của Chúa Kitô trên Khổ Giá,

Xin vì những khổ đau, hy sinh, và trung tín của Ngài

Xin vì những hy sinh và lời cầu nguyện của những ai yêu mến Ngài

Chúa sớm đưa linh hồn Ðức cố Giám Mục Phêrô Maria về nơi Vĩnh Phúc Muôn Ðời.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page