Sơ lược tiểu sử

Ðức Cha Phêrô Khuất Văn Tạo

 

Sơ lược tiểu sử Ðức Cha Phêrô Khuất Văn Tạo

- Sinh ngày 1-1-1900 tại Hà Thạch, Bất Bạt, Phú Thọ, thuộc Giáo Phận Hưng Hoá

- 10-6-1933: Thụ phong linh mục

- 1954: Di cư vào Nam

- 7-5-1955: Ðược bổ nhiệm làm Giám mục hiệu toà Caralliensi Giám quản Tông toà Giáo Phận Hải Phòng và Bắc Ninh (đến 1963)

- 7-2-1956: Lễ tấn phong tại Nhà thờ Sơn Tây do Ðức Giám Mục Hưng Hoá Jean Maria Mazé Kim chủ phong

- 24-11-1960: Toà Thánh thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam, Giáo Phận Tông toà Hải Phòng được nâng lên thành Giáo Phận Chính toà Hải Phòng; Ðức cha Khuất Văn Tạo trở thành Giám mục Chính toà Giáo phận Hải Phòng

- 19-8-1977: Qua đời, thọ 75 tuổi, được an táng trong Nhà thờ Chính toà Hải Phòng

Thời gian ở Chủng Viện

Ðức Cha Phêrô Maria Khuất Văn Tạo sinh ngày 1 tháng 1 năm 1900 tại Hà Thạch, Bất Bạt (nay thuộc xã Hà Thạch, thị xã Phú Thọ), Phú Thọ thuộc giáo phận Hưng Hóa. Tài liệu sách "Chứng Từ của một Mục Tử" ghi nhận ngài quê quán tại xã Xuân Vân, huyện Phúc Thọ, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc xã Xuân Ðình, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội). Ðức Cha Phêrô Maria Khuất Văn Tạo có tên khai sinh là Phêrô Khuất Văn Ẩn, con trai đầu lòng của ông Giuse Khuất Văn Ðịnh và bà Anna Nguyễn Thị Lợi.

Năm 11 tuổi, cậu bé Khuất Văn Ẩn quyết định đi theo con đường tu trì và được linh mục Giuse Nguyễn Công Triệu thuộc giáo phận Hưng Hóa nhận làm nghĩa tử. Từ đây, cậu mang tên mới là Khuất Văn Tạo. Sáu năm sau đó, cậu được cho nhập học tại tiểu chủng viện Hà Thạch tại phủ Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Sau mười năm tu học, Khuất Văn Tạo được triệu về học triết học tại Hưng Hóa.

Thời gian làm linh mục

Sau một khoảng thời gian dài học tại Ðại Chủng Viện, ngày 10 tháng 6 năm 1933, Phó tế Phêrô Khuất Văn Tạo được truyền chức linh mục ngày 7.02.1956. Sau khi được thụ phong, tân linh mục Khuất Văn Tạo được cử làm linh mục phó, hỗ trợ linh mục Mazé Kim, sau là giám mục Hưng Hóa. Năm 1939, ngài được bổ nhiệm phụ trách trường Lý Ðoán (Chủng Viện) mới thành lập. Linh mục Tạo đã đảm nhận vai trò này đến sau năm 1945.

Giám mục Mazé và các linh mục người Pháp bị yêu cầu về Hà Nội, linh mục Khuất Văn Tạo phải đảm nhiệm mọi công tác ở Nhà chung (Tòa giám mục) Hưng Hóa với nhiều vai trò khác nhau như Quản lý Ðịa phận, linh mục chính xứ Hưng Hóa, Bề trên Trường Lý Ðoán.

Năm 1952, Ðức Giám mục bổ nhiệm ngài phụ trách Tiểu chủng viện Thánh Giuse ở Tông, đồng thời ngài tiếp tục xây dựng một trại di cư ở Kim Sơn. Trại Kim Sơn hoạt động cho đến khi giáo dân di cư vào Nam năm 1954.

Thời gian làm giám mục

Năm 1954, Giám mục đương nhiệm Giáo phận Tông Tòa Hải Phòng Giuse Trương Cao Ðại di cư vào Nam theo hiệp định Genève. Phần lớn các linh mục, giáo dân trong giáo phận cũng quyết định di cư vào Nam. Giáo phận Hải Phòng lúc đó chỉ còn lại 9 linh mục còn khả năng cử hành mục vụ trên tổng số 11 linh mục và tất cả tuổi đều đã cao.

Tháng 2 năm 1955, Giám mục Mazé Kim nhắn tin báo rằng Ðức Khâm sứ Tòa Thánh cần gặp linh mục Khuất Văn Tạo càng sớm càng tốt. Linh mục Tạo xin giấy thông hành, đạp xe đạp đến Hà Nội để thực hiện cuộc gặp. Tại cuộc gặp này, Ðức Khâm sứ Tòa Thánh loan tin Tòa Thánh bổ nhiệm linh mục Phêrô Khuất Văn Tạo làm giám mục hiệu tòa, cai quản 2 địa phận Hải Phòng và Bắc Ninh. Linh mục Phêrô Khuất Văn Tạo từ chối với lý do khó hèn bất lực. Sau khi nghe Ðức Khâm sứ xác nhận Hải Phòng đã có linh mục Tổng đại diện, linh mục Tạo bỏ về Hưng Hóa. Linh mục Khuất Văn Tạo viết trong hồi ký: Mừng thầm, tôi vội lấy xe đạp thủng thỉnh thuận gió đạp ngược đến nhà ngủ một giấc ngon, không nhớ từ bé đến hôm ấy có giấc ngủ nào ngon như thế chăng. Mừng vì dù sao giáo phận này cũng có người "đứng mũi chịu sào", mình có muốn thêm thời gian suy nghĩ về "việc trạch cử" cũng không sao. Tháng 8 năm 1955, Ðức Khâm sứ Tòa Thánh lại lặp lại đề nghị với linh mục Phêrô Khuất Văn Tạo và lần này ngài vâng lời chấp nhận đề nghị làm giám mục. Viết trong hồi ký, ngài cho biết sở dĩ nhận chức vụ là do có thể "hứng mũi chịu sào", đỡ đần các linh mục.

Trên thực tế, ngày 7 tháng 5 năm 1955, Tòa thánh đã ra sắc lệnh bổ nhiệm linh mục Phêrô Maria Khuất Văn Tạo làm Giám mục Tông Tòa Giáo phận Hải Phòng, với tước hiệu giám mục Hiệu tòa Carilla.

Sau khi chính thức bổ nhiệm, việc tấn phong bị trì hoãn nhiều lần. Ðức Khâm sứ Tòa Thánh yêu cầu tổ chức lễ tấn phong bằng bất kỳ cách nào. Tin bổ nhiệm được công bố, Ðức Giám mục Mazé Kim đến báo tin cho chính quyền tỉnh Sơn Tây và họ cho rằng việc nội bộ của Công giáo nên không liên quan đến chính quyền. Tuy vậy, người hỗ trợ mua các lễ phục giám mục bị bắt giữ tại Hà Nội cùng với các phẩm phục vừa mua trong vòng một tháng. Lễ tấn phong Giám mục cho linh mục Phêrô Maria Khuất Văn Tạo được tổ chức vào  ngày 7 tháng 2 năm 1956 tại nhà thờ Sơn Tây do Ðức Giám mục Hưng Hóa Jean-Marie Mazé Kim chủ phong. Thành phần tham gia lễ tấn phong Giám mục không có bất kỳ giáo dân nào, chỉ có các giáo sĩ: Giám mục truyền chức và thụ chức, linh mục Tổng Ðại diện tên Thi và linh mục Hiển trong vai trò trợ phong. Ngoài ra còn có linh mục Vy phụ trách lễ nghi và linh mục Huệ được phân công gác cổng.

Nhậm chức Giám mục Tông Tòa

Sau khi được tấn phong, Ðức giám mục Khuất Văn Tạo không được chính quyền địa phương cấp giấy di chuyển. Cho đến khi việc này được giải quyết nhờ trình gửi lên thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Phạm Văn Ðồng. Tuy vậy, đến ngày 23 tháng 3 năm 1956, Ðức giám mục Khuất Văn Tạo mới được cấp phép và lên đường đến Bắc Ninh vào ngày hôm sau.

Tại Bắc Ninh, giáo dân đi dân công nên đến chiều mới đến gặp mặt tân giám mục. Tại đây, Ðức giám mục Khuất Văn Tạo khuyên giáo dân tin cậy mến thờ Chúa, thương yêu đoàn kết và trung thành với Chúa, với Hội Thánh, với Tổ quốc. Sau đó, ngài đến chào thăm Ủy ban Hành chính tỉnh Bắc Ninh và mời họ đến dự buổi tiệc do địa phận tổ chức. Tại buổi liên hoan, Ðức giám mục Khuất Văn Tạo kêu gọi người Công giáo tích cực yêu nước Việt Nam trên hết nhưng không được thù hận các quốc gia khác, tham gia tích cực các việc ích nước lợi dân. Ngoài ra, Ðức giám mục Tạo còn kêu gọi đoàn kết Bắc Ninh, không nên phân biệt giai cấp và hỗ trợ nhà cầm quyền sáng suốt nhằm mưu ích cho đất nước. Quốc gia khác mà ngài ám chỉ là miền Nam Việt Nam (Việt Nam Cộng Hòa).

Khi Ðức giám mục Khuất Văn Tạo đến Hải Phòng, chỉ có vài linh mục và giáo dân đón Tân giám mục vì họ đang trong phong trào Cải cách ruộng đất. Ngài đến chào thăm Ủy ban Hành chính Thành phố Hải Phòng, Mặt trận Tổ Quốc và gửi lời mời họ tham dự tiệc trà do các giáo xứ ngoại thành tổ chức. Ngài chính thức nhậm chức tại Giáo phận Hải Phòng ngày 28 tháng 4 năm 1956.

Chỉ hai ngày sau chính thức nhậm chức, ngày 30 tháng 4 năm 1956, Ðức giám mục Khuất Văn Tạo tiếp đón linh mục Võ Thành Trinh và Nguyễn Hiếu Lễ đến từ Ủy ban Liên Lạc Công Giáo từ miền Nam. Cuối tháng 5 năm 1956, Ðức giám mục Khuất Văn Tạo xin giấy thông hành đến Hà Nội nhưng chính quyền thành phố Hải Phòng yêu cầu chỉ chấp thuận nếu từ Hà Nội, Ðức giám mục Khuất Văn Tạo trở về Bắc Ninh. Ðức giám mục Khuất Văn Tạo phản đối việc này và sau đó được thành phố chấp nhận cho phép trở lại Hải Phòng.

Sau chuyến thăm Hà Nội, ngài đến thăm và thực hiện các công việc mục vụ tại Bắc Ninh cho đến ngày 28 tháng 6 năm 1956 thì trở lại Hải Phòng. Một ngày sau khi trở về, đồn công an Nhà máy Nước triệu tập ngài hai lần với lý do thủ tục thông hành nhưng không có vấn đề gì quan trọng. Tại Hải Phòng, Mặt Trận Tổ Quốc khu Tả Ngạn (gồm các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Nam Ðịnh, Thái Bình ngày nay) phê phán Ðức giám mục Khuất Văn Tạo về chủ trương yêu cầu trả lại tài sản của cho địa chủ, gọi Linh Mục Vũ Xuân Kỷ - chủ tịch Ủy ban Liên lạc Công Giáo toàn quốc, là Lucifer và không đề cập đến lòng yêu nước trong các chuyến đi mục vụ. Sau khi có những chuyến thăm mục vụ tháng 6 năm 1956 tại Bắc Ninh, mãi đến ngày 23 tháng 8 năm 1956, sau nhiều vấn đề đăng ký và xin phép chính quyền, ngài mới có giấy thông hành để lên đường thăm mục vụ các giáo xứ, giáo họ thuộc địa phận Hải Phòng. Ngài đi nhiều nơi và mỗi nơi đều ghi chép về các điểm chính yếu. Vào ngày 5 tháng 11 năm 1956, ngài cử hành lễ kính các Chân phước Tử Ðạo Việt Nam tại giáo xứ Liễu Dinh. Sau đó về tổ chức cấm phòng cho các thầy cao tuổi cũng như các linh mục. Sau cuộc cấm phòng, Ðức giám mục Khuất Văn Tạo tiếp tục thăm mục vụ các giáo xứ thuộc Bắc Ninh cho tới cuối năm 1956 mới trở lại Hải Phòng. Nhiều lần các chuyến đi mục vụ gặp mưa lớn và ngài phải lội nước đến nhà thờ, có khi ngài cảm thấy đói lả sau mỗi chuyến viếng thăm mục vụ.

Năm 1957, Toà giám mục Hải Phòng mua được chiếc xe Jeep dùng để đi lại tạo thuận tiện cho các chuyến thăm mục vụ. Tuy vậy, từ năm 1957, Ðức giám mục Khuất Văn tạo bị giới hạn, không thể tiếp tục thực hiện các chuyến thăm mục vụ.

Giữa tháng 8 năm 1957, Ðức giám mục Khuất Văn Tạo ra tòa án Nhân dân Thành phố Hải Phòng để trả lời chất vấn về vấn đề in văn bằng giáo lý, bằng khen và tờ tuyên xưng đức tin mà không xin phép chính quyền. Trong ba ngày 16 đến 18 tháng 8 năm 1957, Ðức giám mục Khuất Văn Tạo bào chữa cho bản thân trước tòa, ngài cho rằng đó không phải là sách báo bán cho mọi người nên không cần xin phép. Lý do chính là vì văn bằng có in nội dung "Tôi không dám gia nhập, tán thành, ủng hộ đảng phái nào Toà Thánh Roma đã bài bác". Một tuần sau đó, ngày 24 tháng 8 năm 1957, ngài đến Tòa án để trả lời chất vấn về quyết nghị của các Bề Trên địa phận và của Khâm sứ Toà Thánh ký ngày 12 tháng 3 năm 1955 và việc Ðức giám mục Khuất Văn Tạo nhận được bản sao các thông tin này ngày 16 tháng 9 năm 1956. Nội dung các văn bản trên là nói về Ủy ban Liên lạc Công Giáo. Ngài xác nhận có nhận các văn kiện trên và cho thi hành nhưng không thể ép buộc giáo dân vì người ta có thể dễ dàng bỏ đạo mà các giáo sĩ không thể làm gì được.

Thời gian làm giám mục chính tòa

Ngày 24 tháng 11 năm 1960, Tòa thánh thành lập hàng giáo phẩm Việt Nam, Ðức Giám mục Khuất Văn Tạo được nâng lên hàng Giám mục chính tòa giáo phận Hải Phòng. Trên thực tế, các thông tin từ Giáo hội Công giáo trên thế giới vẫn đến được Hải Phòng và Ðức giám mục Khuất Văn Tạo ghi lại trong hồi ký về việc cử hành cầu nguyện. Các biến cố được ghi chép gồm: sự qua đời của Ðức giáo hoàng Piô XII và Ðức giáo hoàng Gioan XXIII, lễ đăng quang của Ðức giáo hoàng Gioan XIII và Ðức giáo hoàng Phaolô IV và biến cố Công đồng Vatican II.

Ðức giám mục Khuất Văn Tạo quan tâm đến vấn đề đào tạo giáo sĩ. Các linh mục giáo phận Hải Phòng lúc này đều đã cao tuổi, còn lo bị đấu tố nên viễn cảnh giáo phận không còn linh mục là hoàn toàn có thể xảy ra. Có những linh mục vì tránh bị phiền phức nên tham gia các tổ chức Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc, có linh mục trở thành thành viên Ủy ban Liên lạc Công giáo hoặc Ủy ban Hòa Bình. Ðức Giám mục Khuất Văn Tạo không hài lòng về việc này và nhận định tinh thần linh mục Hải Phòng. Ðức giám mục Khuất Văn Tạo chú tâm huấn luyện các ứng sinh Ðại chủng viện. Những ứng sinh này cũng gặp rất nhiều khó khăn ngăn cản con đường tu trì. Ngày 21 tháng 12 năm 1963, Ðức giám mục Khuất Văn Tạo truyền chức phó tế cho 1 chủng sinh và sau đó truyền chức linh mục cho phó tế này vào ngày 1 tháng 3 năm 1964. Ðức giám mục Khuất Văn Tạo còn truyền chức linh mục cho 5 người khác. Về chủng viện, linh mục Lôrensô Phạm Hân Quynh đảm trách chức vụ Giám đốc và giáo sư duy nhất của chủng viện. Ngoài ra, linh mục này còn đảm nhận vai trò thư ký của Ðức giám mục Khuất Văn Tạo. Cuối tháng 10 năm 1960 thì linh mục Quynh bị đưa đi quản chế. Ðức giám mục Khuất Văn Tạo phản đối bản án này.

Hồi ký của Ðức giám mục Khuất Văn Tạo kết thúc năm 1964. Phần hồi ký chương 18 nói về biến cố ngài bị bắt đến đồn bốt tại Tu Vũ, được xuất bản thành chương cuối cùng của cuốn sách "Chứng từ của một Mục Tử". Ngoài ra, rất có thể ngài còn tiếp tục viết hồi ký nhưng đã bị thất lạc.

Những năm cuối đời

Năm 1974, Ðức giám mục Khuất Văn Tạo viết di chúc dài hơn 3 trang khổ A5, trong đó nội dung nói về hoặc nói với vị giám mục mà ngài mong muốn đặt làm Giám quản Tông Tòa giáo phận Hải Phòng là Ðức giám mục Phaolô Giuse Phạm Ðình Tụng, giám mục chính tòa giáo phận Bắc Ninh. Từ sau khi viết di chúc, sức khỏe Ðức giám mục Khuất Văn Tạo hồi phục và ổn hơn, nhưng ngài trở nên kém minh mẫn và thường tự ý ra ngoài nhưng không có mục đích gì. Ðến đầu năm 1977, ông bị tai biến, méo miệng.

Nhằm chữa bệnh cho Ðức giám mục Khuất Văn Tạo, giáo phận tìm các phương thuốc chữa Ðông và Tây y nhưng vì thể trạng ngài lúc này quá yếu và suy kiệt nên khó có thể hồi phục. Cân nặng lúc này của ngài chỉ còn khoảng 40 kg. Tháng 7 năm 1977, Ðức giám mục Khuất Văn Tạo nhập viện tại bệnh viện Việt - Tiệp. Sau mấy ngày nằm viện tại đây, các linh mục họp và thống nhất đưa ngài về Toà giám mục Hải Phòng để chăm sóc. Ðức giám mục Khuất Văn Tạo xuất viện trong tình trạng hôn mê, thở gấp và mạnh bằng miệng. Về tới tòa giám mục, ngài được đặt nằm trên chiếc giường mây và không thể ăn uống. Các linh mục quyết định đổ nước cho ngài để làm dịu cổ họng.

Ðức Giám mục Phêrô Maria Khuất Văn Tạo qua đời sau vài ngày nằm bất động và thở dồn, ngày 18 tháng 8 năm 1977, thọ 77 tuổi, được an táng trong nhà thờ chính tòa Hải Phòng.

Nhiều giáo dân hay tin Ðức giám mục Khuất Văn Tạo qua đời đã đi bộ đến Hải Phòng để tham gia lễ viếng và cầu nguyện cho Ðức cố giám mục. Nghi thức viếng và cầu nguyện tổ chức liên tiếp trong ba ngày và thi hài của ngài được quàn trong Nhà thờ chính tòa Hải phòng. Trong ba ngày này, Tòa giám mục luôn có giáo dân đông nghịt với khăn tang trắng. Chính quyền không chấp nhận đề nghị rước quan tài của Ðức giám mục Khuất Văn Tạo từ Tòa giám mục đến nhà thờ chính tòa với lộ trình khoảng 180 mét, do đó, quan tài của ngài được đặt sẵn trên huyệt mộ để an táng ngay sau lễ tang. Ðức giám mục Khuất Văn Tạo là giám mục đầu tiên được an táng trong lòng Nhà thờ Chính tòa Hải Phòng.

(Trích lược từ tác phẩm "Chứng từ của một Mục Tử")

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page