Thánh Giuse

(Những Chia Sẻ Mục Vụ và Những Câu Chuyện Gợi Ý

Suy Tư Và Cầu Nguyện hằng ngày)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 194 -

Thánh Simon Tông đồ

và Thánh Giuđa Tađêô Tông đồ

 

Thánh Simon Tông đồ[1] - Lòng nhiệt thành của người trẻ.

Nt. Maria Thérèse Bùi Thị Minh Thùy, O.P

(RVA News 28/10/2021) - Trong Tông huấn Ðức Kitô đang sống (Christus Vivit) Ðức Thánh cha Phanxicô đã nói với các bạn trẻ rằng: Giáo hội của Ðức Kitô luôn luôn có nguy cơ nhượng bộ cho cám dỗ đánh mất lòng nhiệt thành, vì không còn nghe tiếng Chúa gọi mình chấp nhận sự mạo hiểm của đức tin và trao hiến tất cả mà không ngại nguy hiểm# Người trẻ có thể giúp giữ cho Giáo hội trẻ trung... Người trẻ có thể cống hiến cho Giáo hội vẻ đẹp của tuổi trẻ bằng cách canh tân khả năng của Giáo hội để "hoan hỉ với những sự bắt đầu mới, để hoàn toàn trao hiến chính mình, để được đổi mới và để luôn lên đường hướng đến những thành quả lớn hơn nữa."[2] Nhận định này dẫn đưa chúng ta đến vị tông đồ mà Giáo hội kính nhớ ngài hôm nay, ngài có tên gọi Simon nhiệt thành. Giờ đây, chúng ta cùng chiêm ngắm ngài, mừng kính ngài và cùng xin ngài phù trợ để chúng ta đáp lại lời mời gọi của Ðức Thánh cha có được lòng nhiệt thành với Chúa như ngài, hầu có thể đem lại nét trẻ trung cho Giáo hội hôm nay.

Trong danh sách 12 Tông đồ, thánh Simon ở vị trí thứ mười (Mt 10,3-4; Mc 3,18; Lc 6,14-16; Cv 1,13). Thánh Simon Tông đồ được Matthêu và Marcô miêu tả là "người Canaan," còn Luca lại miêu tả ngài là "người nhiệt thành." Thực tế, hai cách miêu tả này tương đương nhau, bởi chúng có cùng một ý nghĩa. Theo truyền thống phương tây, có thể ngài đã đi rao giảng ở Ai Cập và Lưỡng Hà Ðịa, nhưng ta không biết đích xác về cuộc đời ngài. Các sách Tin Mừng cũng chẳng ghi chú một lời nào của vị tông đồ nhiệt thành này.

Cũng trong danh sách 12 vị tông đồ ấy, có đến hai vị tên Simon: một vị là tông đồ trưởng "Simon Phêrô," và vị tông đồ chúng ta kính nhớ ngài hôm nay là "Simon nhiệt thành." Hình ảnh của vị tông đồ nhiệt thành này dường như bị lu mờ trước hình ảnh của tông đồ trưởng, nhưng chúng ta lại cảm thấy yêu mến và quý trọng ngài biết bao với danh hiệu "nhiệt thành" được gắn cho ngài.

Nhiệt thành có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau. Nhiệt thành dẫn đến quá khích thì e rằng sự nhiệt thành ấy tai hại. Tuy nhiên, nếu sự nhiệt thành được thăng hoa thì sự nhiệt thành ấy thật hữu ích. Khi chọn "Simon nhiệt thành" Chúa Giêsu quả cũng mang theo sự liều lĩnh, một sự liều lĩnh hữu ích cho chương trình của Người. Có lẽ, Chúa Giêsu cũng thấy trước Giáo hội của Người có nguy cơ bị cám dỗ đánh mất lòng nhiệt thành, nên Chúa chọn một người nhiệt thành cho dẫu sự nhiệt thành ấy mang dáng vẻ quá khích, để rồi Người chỉnh đốn và cảm hóa con người nhiệt thành ấy phục vụ cho chương trình của Người.

Theo Chúa Giêsu, Simon đã đổi mới định hướng nhiệt thành của mình. Ông trở nên người nhiệt thành với Thầy, nhiệt thành với sứ mạng Tin Mừng cứu rỗi của Thầy, sứ mạng của Nước Vĩnh Cửu.

Quả thật, không gì đáng lo ngại cho Giáo hội của Chúa nếu ở đó các thành viên đã cằn cỗi, đã thiếu, và đã đánh mất lòng nhiệt thành. Lòng nhiệt thành là một cỗ máy chạy bằng tình yêu đối với những điều chúng ta làm. Nó cho chúng ta sức mạnh để đến bất cứ nơi nào chúng ta muốn và đưa chúng ta đến những nơi chúng ta sẽ không bao giờ tới được nếu thiếu nó. Vì thế, Ðức Thánh cha Phanxicô mời gọi các bạn trẻ cống hiến cho Giáo hội vẻ đẹp của tuổi trẻ bằng sự nóng bỏng của lòng nhiệt thành này. Ngài mời gọi họ tham dự vào những cánh đồng sứ mạng mới trong các khung cảnh đa dạng nhất. Chẳng hạn, với các trang mạng xã hội, người trẻ được khuyến khích để đưa Thiên Chúa, đưa tình huynh đệ và đưa nhiệt tâm dấn thân vào tràn ngập các mạng ấy.[3]

Thánh Simon đã theo Chúa Giêsu để trở thành Tông đồ tốt lành với sự nhiệt thành nóng bỏng dám nghĩ dám làm, dám phó mạng vì Chúa Giêsu. Còn người trẻ chúng ta thì sao? Chúng ta có để Chúa Giêsu lay chuyển chúng ta như Simon nhiệt thành không? Hãy sống một cuộc sống phục vụ, hãy trở nên một người trẻ "làm bất cứ việc gì cũng hãy làm tận tâm như thể làm cho Chúa" (Cl 3,23). Thánh Phanxicô Salêsiô đã nói, chỉ "làm theo Thánh ý Chúa thôi thì chưa đủ, mà còn phải làm một cách vui vẻ và nhiệt thành."

Lạy Chúa, "lòng nhiệt thành nhà Chúa đêm ngày thôi thúc con." Xin nâng đỡ và thêm ơn sức mạnh cho con để con có được lòng nhiệt thành phục vụ Chúa và Giáo hội như thánh Simon. Xin cho con lòng nhiệt thành khiêm tốn để con truyền thông Tin Mừng của Chúa đến với mọi người. Amen.

 

Thánh Giuđa Tông đồ[4] - Người trẻ nhận ra cách Thiên Chúa tỏ mình

Thánh Giuđa Tông đồ còn được gọi là Giuđa Tađêô (Mt 10,3; Mc 3,18), Tađêô tiếng Aram nghĩa là "hào hiệp, cao thượng." Ngài cũng là con ông Giacôbê (Lc 6,16; Cv 1,13). Thánh Giuđa Tađêô đi rao giảng Tin Mừng tại Mêsôpôtamia. Ngài đã gặt hái được rất nhiều kết quả trong việc rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa, đã đem được nhiều người quay trở về với Chúa Giêsu và với Giáo hội. Theo Thánh Truyền, thánh Giuđa đã cương quyết chống lại những nhà thông thái, trí thức chống báng Tin Mừng của Chúa Kitô. Ngài không hề sợ đau khổ, không hề sợ chết. Với ơn Chúa ban, Ngài đã chiến thắng các người trí thức luôn khích bác Tin Mừng và Giáo hội Chúa Kitô. Ðược thúc đẩy bởi Chúa Thánh Thần, với lòng nhiệt tâm truyền giáo, Ngài đã đổ máu mình ra như mọi tông đồ khác để làm chứng cho Chúa Kitô và tô điểm Giáo hội.

Dọc suốt Tin Mừng ta chỉ thấy Giuđa Tađêô nói có một câu duy nhất. Tin Mừng theo thánh Gioan kể lại, trong bữa tiệc ly, Giuđa Tađêô đã hỏi Chúa Giêsu: "Lạy Thầy, tại sao thầy phải tỏ mình ra cho chúng con, mà không cho thế gian?" (Ga 14, 22). Về câu hỏi này, Ðức Thánh cha Bênêđictô XVI giải thích, đây là vấn đề mang tính thời sự, là vấn đề chúng ta cũng sẽ nói với Chúa: tại sao Chúa Phục Sinh không mặc khải chính mình cho các kẻ thù của Người trong vinh quang trọn vẹn, để chứng tỏ rằng Thiên Chúa là Ðấng chiến thắng? Tại sao Người chỉ tỏ mình ra cho các môn đệ? Câu trả lời của Chúa Giêsu rất mầu nhiệm và sâu sắc. Chúa Giêsu không trả lời trực tiếp, nhưng câu trả lời chứa đựng mạc khải về một trong những mầu nhiệm cao siêu nhất của đức tin chúng ta: "Nếu ai yêu mến thầy, thì sẽ giữ lời thầy; Cha thầy sẽ yêu mến người ấy, và chúng ta sẽ đến và ở lại với người ấy" (Ga 14, 23). Câu trả lời này có nghĩa là Chúa tỏ mình cho những người yêu mến Chúa - Ðấng Phục sinh phải được xem thấy và phải được đón nhận bằng tâm hồn, và chỉ như thế Thiên Chúa mới tiếp tục ở lại với chúng ta.

Nhận ra cách Thiên Chúa tỏ mình cho mỗi người chúng ta, nhận ra Ðức Giêsu là một người trẻ luôn mãi hiện diện thật quan trọng biết bao cho việc sống chứng tá đức tin của chúng ta.

Ðây là cách Chúa Giêsu tỏ mình khi người là một người trẻ mà Ðức Thánh cha Phanxicô đã diễn tả: Người trao mạng sống khi Người ở độ tuổi mà ngày nay gọi là 'giai đoạn đầu của tuổi trưởng thành.' Người bắt đầu sứ mạng công khai ở giai đoạn tràn đầy sinh lực nhất, và xuất hiện như 'một ánh sáng huy hoàng' (Mt 4,16), ánh sáng này sẽ chiếu soi rực rỡ nhất khi cuối cùng Người hiến trao mạng sống. Sự kết thúc ấy không phải là một cái gì ngẫu nhiên xảy ra; đúng hơn, tất cả tuổi trẻ của Người, trong mọi khoảnh khắc, đã là một sự chuẩn bị quý giá cho hồi kết cục ấy. 'Mọi sự trong đời sống của Ðức Giêsu đều là một dấu chỉ mầu nhiệm của Người'..."[5]

Quả vậy, chẳng ai đã từng gặp Ðức Giêsu trong tư cách được Người tỏ mình lại không được biến đổi và hoán cải; chẳng ai đã từng gặp Ðức Giêsu trong tư cách được Người tỏ mình lại không trở thành môn đệ dám hiến dâng mạng sống cho Người; chẳng ai đã từng gặp Ðức Giêsu trong tư cách được Người tỏ mình lại chống đối và đi ngược lại con đường Người đã đi. Hơn nữa, nhận ra cách Thiên Chúa tỏ mình trong cung cách của một người trẻ nên gương mẫu cho người trẻ điều đó lại càng làm cho chúng ta - những người trẻ khao khát nên giống Chúa nhiều hơn.

[6]Nếu trong cuộc đời, người trẻ chưa nhận ra cách Thiên Chúa tỏ mình, thì hãy cầu xin sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần và tin tưởng vào Ngài. Hãy tìm kiếm sự tỏ mình của Thiên Chúa qua Lời của Ngài: có khi Ngài tỏ mình như một người cha (Hs 11,4), có khi như một người mẹ (Is 49,15), hay có khi như một người tình (Is 49,16), hoặc như một tình yêu muôn thuở bền vững (Gr 31,3)... Vì đối với Thiên Chúa chúng ta thật có giá trị, thật quan trọng vì chúng ta là công trình do tay Ngài làm ra. Hãy cố gắng trầm lắng một khoảnh khắc và cho phép mình cảm nhận tình yêu của Ngài. Hãy cố gắng xua tan mọi tiếng ồn bên trong, và dành một tích tắc buông mình trong vòng tay yêu thương của Ngài để tạ ơn Ngài đã tỏ mình ra cho chúng ta.

Xin Thiên Chúa là Ðấng có quyền phép gìn giữ chúng ta khỏi lung lạc đức tin, khỏi nghi ngờ sự tỏ mình của Thiên Chúa. Xin thánh Giuđa Tađêô giúp chúng ta nhận ra cách Thiên Chúa tỏ mình cho chúng ta, để chúng ta sống đức tin một cách mạnh mẽ, dám làm chứng cho Chúa cho dẫu gặp phải gian nguy. Amen.

Nt. Maria Thérèse Bùi Thị Minh Thùy, O.P

- - - - - - - - - - -

[1] x. Ðức Thánh cha Bênêđictô XVI, "Giáo hội các thánh Tông đồ," buổi tiếp kiến chung ngày 11/10/2006, Hv Ða Minh, Nxb Văn hóa - Văn nghệ, tr 169-176.

x. Trích bài chú giải của thánh Syrilô Alêxanria, Giám mục, về Tin Mừng theo thánh Gioan. Bài đọc 2, Bài đọc Kinh Sách ngày 28/10.

[2]x. ÐTC Phanxicô "Tông huấn Ðức Kitô đang sống" số 37.

[3] x. ÐTC Phanxicô "Tông huấn Ðức Kitô đang sống" số 241.

[4] x. Ðức Thánh cha Bênêđictô XVI, "Giáo hội các thánh Tông đồ," buổi tiếp kiến chung ngày 11/10/2006, Hv Ða Minh, Nxb Văn hóa - Văn nghệ, tr 169-176.

x. Trích bài chú giải của thánh Syrilô Alêxanria, Giám mục, về Tin Mừng theo thánh Gioan. Bài đọc 2, Bài đọc Kinh Sách ngày 28/10.

[5] x. ÐTC Phanxicô "Tông huấn Ðức Kitô đang sống" số 23.

[6] x. ÐTC Phanxicô "Tông huấn Ðức Kitô đang sống" số 114-115.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page