Thánh Giuse
(Những Chia Sẻ Mục Vụ và Những Câu Chuyện Gợi Ý
Suy Tư Và Cầu Nguyện hằng ngày)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
- 74 -
Bí Tích Hòa Giải
Bình An Nhờ Ðược Tha Thứ
Bí Tích Hòa Giải - Bình An Nhờ Ðược Tha Thứ.
Nt. Rosa Lê Ngọc Thùy Trang, MTGCQ
(RVA News 20-06-2021)
Quý vị và các bạn thân mến,
Người ta kể lại rằng: Sau thời cách mạng Pháp, trước cửa một nhà thờ tại Balê, người ta thường thấy một người hành khất ăn mặc rách rưới, nhưng trên vòng cổ của ông ta lại có một cây thánh giá nhỏ bằng vàng. Người hành khất ấy thường được vị linh mục trẻ đến dâng thánh lễ tại nhà thờ này hỏi han và giúp đỡ.
Một ngày nọ, vị linh mục trẻ không nhìn thấy người ăn xin lảng vảng trước cửa nhà thờ nữa. Ngài hỏi thăm nhiều người và đã tìm đến một khu nhà tồi tàn để thăm người hành khất đang trong cơn hấp hối. Cảm động trước nghĩa cử của vị linh mục, trong những giây phút cuối đời, người hành khất đã kể lại cuộc đời của mình như sau:
- "Khi cách mạng vừa bùng nổ, tôi làm quản gia cho một gia đình giàu có. Hai vợ chồng chủ tôi là những người đạo đức, giàu lòng thương người. Thế nhưng tôi đã phản bội họ và gia đình họ đã bị quân cách mạng bắt giữ. Hai vợ chồng và hai đứa con lớn của họ đã bị kết án tử hình, chỉ còn người con trai út là thoát khỏi".
Nghe đến đây, vị linh mục hết sức bàng hoàng, nhưng ngài đã cố gắng giữ bình tĩnh để nghe tiếp câu chuyện của người hành khất:
- "Tôi đã nhìn thấy cảnh gia đình ấy bị đưa lên đoạn đầu đài và bị chém đầu. Từ đó, tâm hồn tôi không khi nào được bình an. Tôi đi lang thang khắp các ngả đường xin ăn để quên tội ác của mình. Tôi vẫn còn giữ tấm ảnh của gia đình họ trong túi áo này đây, và chiếc thánh giá bằng vàng tôi đeo trên cổ đây là của người vợ... Xin Chúa tha thứ cho tôi".
Vừa nghe xong những lời tâm sự và cũng là lời tự thú của người hành khất, vị linh mục trẻ quỳ xuống bên cạnh người hấp hối và thay cho một công thức giải tội, ngài nghẹn ngào nói:
- "Tôi chính là người con trai còn sống sót của gia đình ấy. Ðại diện cho gia đình và với tư cách là một linh mục, tôi tha thứ cho ông nhân danh Cha và Con và Thánh Thần".
Người hành khất vừa nghe xong lời tha tội của vị linh mục trẻ thì những dòng lệ rơi ra từ khóe mắt của ông. Ông khẽ mỉm cười và trút hơi thở cuối cùng với nét mặt bình an.
Quý vị và các bạn thân mến,
Không ai trên đời này dám tự hào nói rằng mình không có tội và không hề phạm tội. Tội lỗi gắn liền với thân phận con người như lời tác giả thánh vịnh 50 đã tự thú: "lúc chào đời con đã vương lầm lỗi, đã mang tội khi mẹ mới hoài thai" (Tv 50, 7). Và theo năm tháng sống lâu với cuộc đời, mỗi người chúng ta cũng nhận thấy rằng khó mà kể hết những tội lỗi mình đã phạm đối với Chúa, với chính mình và tha nhân. Theo hiểu biết thông thường thì khi có những lời nói và hành vi làm tổn thương chính mình và người khác tùy theo mức độ nghiêm trọng thì con người đã mắc tội lỗi. Ðối với người Công giáo chúng ta, sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 1849 dạy rằng: "Tội là hành vi nghịch với lý trí, chân lý, lương tâm ngay chính và thiếu tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân do quyến luyến lệch lạc với thụ tạo". Trong ý nghĩa đó, tội lỗi làm tổn thương bản tính con người và vi phạm đến tình liên đới nhân loại. Do đó, bất cứ ai ý thức được tội lỗi của mình thì tâm hồn họ không thể nào được bình yên. Niềm khao khát được giải phóng khỏi gánh nặng tội lỗi đó vẫn luôn khắc khoải nơi sâu kín tâm hồn họ.
Nếu như tội lỗi trở nên xiềng xích trói buộc tâm hồn con người vào không gian của những hoang mang, cắn rứt và mặc cảm, thì sự tha thứ chính là chìa khóa cởi bỏ xiềng xích ấy để tội nhân tìm lại được sự thanh thản và bình an. Người hành khất trong câu chuyện bên trên đã phạm phải một tội ác nghiêm trọng và tội lỗi ấy đã đè nặng tâm hồn và cuộc sống của ông trong suốt quãng đời còn lại. Chỉ đến khi thành khẩn xưng thú tội lỗi đó và nhận được lời tha thứ của vị linh mục - đại diện của gia đình nạn nhân và nhân danh Chúa, ông mới được giải thoát khỏi gánh nặng tội lỗi đó, được làm hòa với gia đình của nạn nhân và bình an đi vào vòng tay yêu thương của Thiên Chúa. Ước gì mỗi người chúng ta rèn luyện cho mình thói quen thường xuyên xét mình, giục lòng thống hối mỗi khi nhận ra mình đã phạm tội và siêng năng đến với linh mục - vị đại diện Chúa Kitô để lãnh nhận Bí tích Hòa Giải. Nhờ đó, chúng ta sẽ lãnh nhận được ơn tha thứ của Chúa và cảm nghiệm được sự bình an, thanh thản trong tâm hồn.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con cảm tạ Chúa đã lập nên Bí tích Hòa Giải để tha thứ tội lỗi cho chúng con và giao hòa chúng con lại với Chúa, với Hội thánh và anh chị em. Xin Chúa cho chúng con biết siêng năng lãnh nhận Bí tích Hòa Giải với lòng thống hối chân thành, để chúng con luôn được sống trong ơn nghĩa và tình thương của Chúa. Amen.
Nt. Rosa Lê Ngọc Thùy Trang, MTGCQ