Nói Với Giới Trẻ

(Những Loạt Bài Nói Chuyện Với Giới Trẻ

của Nữ Tu Mai An thực hiện

trong chương trình Phát Thanh

của Ðài Chân Lý Á Châu năm 1995)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 32 -

Tuổi Trẻ, Sứ Giả Của Chân Giá Trị

 

Truyện kể rằng, Oracolo Di Defri, một nhà triết gia thông thái người Hy lạp rất nổi tiếng, một hôm đã lên tiếng quả quyết trong một bài thuyết trình trước công chúng rằng Socrate là người khôn ngoan nhất chưa từng có trong toàn đế quốc Hy Lạp. Mấy môn đệ của Socrate nghe vậy vui mừng quá chạy vội về trình với thầy;

- Thưa thầy, đại danh nhân Oracolo đã tuyên bố với dân chúng rằng thầy là người khôn ngoan nhất đó.

Nghe vậy, Socrate mỉm cười trả lời:

- Giả như con tới sớm hơn chút nữa, bây giờ thì đã muộn quá rồi. Con hãy trở lại với Oracolo và trình bày với ông ấy rằng Socrate là người khờ dại nhất trần gian này. Trước đây, hồi thầy còn trẻ, cũng là người rất tự cao tự đắc, nên cũng đã nghĩ như Oracolo vậy. Lúc đó cái tôi của thầy còn dày đặc và thầy không thể nghĩ rằng mình là người khờ dại. Thầy muốn hiểu thấu cả những điều bí nhiệm nhất và mọi sự hiện hữu trên trần gian này. Nhưng với thời gian càng tiến tới trên con đường hiểu biết, thầy càng xác tín rằng mình thực là người khờ dại. Con hãy đi nói với Oracolo rằng cả Socrate cũng tự nhận mình là người khờ dại, dốt nát, không hiểu biết gì.

Mấy môn đệ bèn đến với Oracolo và tường thuật mọi điều Socrate đã nói. Oracolo cũng mỉm cười đáp:

- Chính vì vậy mà tôi đã quả quyết rằng Socrate là người khôn ngoan nhất. Vì chỉ có người khôn ngoan thông thái thật mới nhận biết sự khờ dại của chính mình. (Jesus, vol. 50, N.11).

Các bạn trẻ thân mến, ai là người khôn ngoan thật đối với bạn? Ðâu là quan niệm về sự khôn ngoan chân thật đối với những người trong xã hội chung quanh bạn? Nếu người khôn ngoan chân chính là sống theo chân giá trị, thì đâu là những giá trị chân thật, đâu là những giá trị giả tạo?

Tuổi trẻ là tuổi lý tưởng, thích sống vì lý tưởng cao đẹp đòi hỏi lòng can đảm anh dũng. Vì thế các bạn được kêu gọi để khám phá ra các chân giá trị, cởi bỏ chúng khỏi lớp áo cũ kỹ và mặc cho chúng một dung mạo mới. Không nói chúng là giá trị mới vì chưa ai biết tới, nhưng có lẽ vì đã bị lãng quên, bị chôn vùi, hoặc gạt sang một bên, hoặc bị thay thế bằng những giá trị khác của xã hội tân tiến ngày nay. Chẳng hạn như: việc làm, khoa học, kỹ thuật, tiện nghi, đời sống thoải mái vật chất, chính trị, sành thạo v.v...

Các bạn trẻ cũng có những giá trị xã hội riêng của họ, chẳng hạn như, tự do, hòa bình, công bằng xã hội, quyền bình đẳng, liêm chính, văn hóa, v.v... Cái nhìn của tuổi trẻ thường dễ hướng về nhân phẩm hơn là sự vật. Và vì thế cái mà giới trưởng thành coi trọng lại có thể là giá trị phụ thuộc đối với giới trẻ và ngược lại. Cũng vì lý do đó mà nhiều bạn trẻ không sợ đi ngược lại quan niệm chung của xã hội để đi tìm những giá trị chân thật hơn. Ðó là những bạn trẻ tỏ ra bén nhạy trước lời mời gọi, và những đề nghị của Chúa Giêsu, và họ sẵn sàng chạy theo mẫu người lý tưởng mà Chúa Giêsu muốn nêu cao trước mắt họ.

Thật vậy, các môn đệ Chúa Giêsu là những người biết khám phá ra sự cao cả của Thầy chí thánh, biết tìm thấy viên ngọc quý giá, đã gặp được kho tàng quý báu dấu trong ruộng và sẵn sàng bán tất cả gia tài để đổi mua lấy nó. Nơi Chúa Kitô, họ đã tìm thấy mô phạm hoàn hảo nhất, của Ðấng đã biết can đảm đương đầu với thất bại và mưu mô bách hại của thù địch, cho đến thất bại sau cùng trên thập giá.

Ðó chính là con đường và cũng là thách đố Ngài vẫn tiếp tục vạch chỉ cho các bạn trẻ qua mọi thời đại. Ngài tuyên bố rõ ràng:

Ai đã tra tay cầm cày mà còn trông lại đằng sau thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa (Lc 9:62).

Qua những lời đó, Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh ý chí cương quyết và tính dứt khoát trong việc chọn lựa và sống theo giá trị chân thật. Người do dự, nay có mai không sẽ rất khó mà đạt tới đích điểm.

Lần khác Ngài lại còn nói với giọng thách đố tinh thần mạo hiểm thiêng liêng các thính giả của Ngài. Ngài nói:

Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình vác thập giá mình mà theo (Mt 16:24).

Ðó là lời thách đố và mời gọi không phải cho những người có tính khí nhu nhược, nhưng cho những người có tâm hồn trẻ, ý chí mạnh mẽ và đầy nhiệt huyết.

Tuy nhiên, cũng có nhiều bạn trẻ, mặc dù tuổi còn trẻ, nhưng tâm hồn họ đã sớm già. Ðó là những bạn trẻ đã để cho căn bệnh dửng dưng xâm nhập tâm hồn, và làm băng hoại sinh lực. Triết lý của họ là an nhàn và cố gắng tới mức tối thiểu. Nhiệt độ tinh thần của họ là nhiệt độ vừa âm ấm, không lạnh mà cũng chẳng nồng nàn nhiệt thành chi hết. Tình trạng âm ấm đó được biểu lộ dưới nhiều hình thức. Trong phạm vi học đường, họ chỉ an phận được đủ điểm trung bình, chứ không bận tâm cố gắng nhiều hơn để trau dồi kiến thức hoặc phát triển tài năng tới mức tối đa. Trong lãnh vực nghề nghiệp, họ chỉ lo có mặt đủ giờ để khỏi bị trừ lương, và làm thế nào để khỏi vị sa thải, khỏi mất công ăn việc làm là được. Những người thích an phận như vậy chỉ lo thích nghi với những đòi hỏi của môi trường bên ngoài và nhu cầu của cuộc sống, hơn là được thúc đẩy vì động lực bên trong hoặc vì một lý tưởng cao thượng vượt lên trên bản năng họ, hoặc vì một lý tưởng cao thượng vượt trên bản năng họ, hoặc vì ước nguyện đạt tới sự hoàn hảo hơn về mọi phương diện.

Charles Péguy, một danh nhân người Pháp đã kịch liệt phê bình thái độ lười biếng tinh thần này và gọi những người như vậy là những người "quen thói" hoặc sống vì "thói quen". Ông còn nói thêm "Người có lương tâm xấu đã là điều ác, nhưng người sống vì thói quen còn tệ hại hơn nữa. Bởi vì họ không thực sự sống như con người với lương tri, nhưng chỉ sống cho qua ngày, chỉ tồn tại như cỏ cây.

Thái độ âm ấm tinh thần là dấu chỉ một đời sống vô ý nghĩa. Người sống thực sự là người ham sống, yêu đời và sẵn sàng chiến đấu vì một người nào đó, hoặc vì một lý tưởng nào đó, cho dù người ấy hoặc lý tưởng ấy đòi hỏi nhiều hy sinh và cố gắng tới mức tối đa.

Qua dụ ngôn những nén bạc trong phúc âm thánh Matthêu 25:14-30, Chúa Giêsu muốn đề cao tầm quan trọng về tinh thần trách nhiệm của mỗi người đối với những tài năng Chúa ban tặng cho họ. Ngài khen ngợi người đầy tớ trung tín đã lãnh nhận 5 nén bạc và đã gắng công chịu khó làm lời thêm 5 nén nữa. Ngài cũng không bớt lời ban khen người đầy tớ tuy chỉ nhận được 2 nén, nhưng cũng đã biết tận dụng mọi khả năng làm lời thêm 2 nén nữa. Chúa Giêsu chỉ nặng lời khiển trách người đầy tớ bất lương, đã không biết tín nhiệm chủ mình, khinh thường nén bạc chủ trao cho, nên đào lỗ đem chôn dưới đất, rồi sống lười biếng an nhàn cho tới khi chủ trở về, không làm lời thêm được một xu nào. Ðối với Chúa Giêsu, điều quan trọng không phải là nhận được nhiều tài năng hay ít, nhưng là ở tinh thần trách nhiệm và sự chịu khó chuyên cần phát triển những tài năng đó để phục vụ lý tưởng cao đẹp, để chu toàn sứ mệnh mà Chúa muốn ủy thác cho mỗi người. Ai muốn là môn đệ của Chúa Kitô không thể an phận trong cảnh an nhàn, ỷ lại và lười biếng, nhưng phải nhắm cao, phải nhìn xa. Nói theo ngôn ngữ của Chúa Kitô, tức là "phải kính mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn... và phải thương yêu anh em như chính mình vậy" (Mt 22:37-39).

 

Mai An

Thứ Tư, ngày 6/12/1995

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page