Nói Với Giới Trẻ

(Những Loạt Bài Nói Chuyện Với Giới Trẻ

của Nữ Tu Mai An thực hiện

trong chương trình Phát Thanh

của Ðài Chân Lý Á Châu năm 1995)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 18 -

Một Ðời Sống Tràn Ðầy

 

Vào những ngày cuối tuần tại các thành phố lớn, tai nạn xe cộ trở thành chuyện thường như cơm bữa. Và có lẽ vì quá thương nên không còn được lưu ý nữa. Nhất là các bạn trẻ hầu như không còn biết tiếp nhận nó như bài học khôn cho mình nữa. Hôm ấy là ngày thứ Bảy, sau một đêm ăn chơi trong một hộp đêm với những điệu nhạc kích động quay cuồng và những ly rượu nồng mê mệt, vào lúc 4 giờ sáng, một thanh niên khoảng 22 tuổi lái xe trở về nhà. Trên đường xa lộ anh ta xả ga phóng nhanh hết tốc độ. Ðến một khúc quanh, gặp chỗ cấm qua mặt, nhưng quá muộn, thắng không kịp nữa nên cả xe lẫn người lao xuống hố sâu. Chỉ trong mấy giây phút anh ta đã mất cả cuộc đời, mất cả tuổi xuân tràn đầy hy vọng trước mắt anh.

Bạn thân mến, cái chết thình lình, đánh mất đời sống của mình trong giây lát, làm ta rùng mình khiếp sợ. Thế nhưng đánh mất đời sống mình, từ giây phút này sang giây phút khác lại không còn làm ta giật mình lo sợ gì nữa. Ðó mới là cái chết đáng sợ hơn cả, bởi vì không còn nhận ra là mình đang chết dần, đang tiến đến sự chết.

Khi vừa mới chào đời, mỗi người được ban tặng một món quà, tức là thời gian sống của mình. Có thể là một ngày, và cũng có thể là 100 năm, không ai biết chắc được. Thời gian sống của mình có thể ví như những cái bị trống rỗng được giao phó cho mỗi người, và mỗi người có bổn phận đổ đầy những cái bị đó. Vấn đề quan trọng không hẳn là được bao nhiêu cái bị trống, cho bằng việc biết làm đầy các bị đó hay không và đổ đầy bằng những gì. Ðiều quan trọng không phải là kéo dài đời sống, cho bằng một đời sống tràn đầy những gì đáng giá, những gì có giá trị vĩnh viễn.

Triết gia Seneca nói: "Ðời sống con người có thể ví như một câu chuyện. Cái hay của nó không hệ tại ở chỗ dài hay ngắn, nhưng là căn cứ trên ý nghĩa sâu xa của nó". Mấy thế kỷ sau đó, triết gia Montaigne tái khẳng định điều đó khi ông viết: "Giá trị và công nghiệp của đời người không căn cứ trên số ngày đã sống, nhưng là trên phẩm chất của những ngày đó, và những ngày đó được dùng vào việc gì. Một người có thể đã sống rất lâu tính theo con số ngày, nhưng thực sự lại sống rất ít nếu tính theo số phẩm chất của những ngày đó".

Erik Fromm, nhà tâm lý người Ðức thường nói với các học trò của ông: "Chết là điều đáng lo sợ, nhưng tư tưởng phải chết mà chưa kịp sống xứng đáng lại càng là điều khủng khiếp hơn nữa". Không thiếu chi những người chỉ ham sống hơn là yêu chuộng đời sống. Dĩ nhiên thà chết vì một lý tưởng còn hơn là sống cho qua ngày, sống trống rỗng.

Ðời sống con người không chỉ là một dịp may hiếm có, hoặc cơ hội tốt đẹp; nhưng chính là cơ hội duy nhất, là thời cơ độc nhất vô nhị. Bạn bực tức và tiếc xót khi bị thi rớt, nhưng bạn có thể tự an ủi khi biết là có thể ở lại lớp, rán học thêm rồi thi kỳ sau. Bạn đau buồn khi bị lỡ mất cơ hội có được việc làm theo sở thích và như lòng mong muốn. Nhưng bạn vẫn còn có thể ăn ngon ngủ yên với niềm hy vọng một dịp may mắn khác sẽ tới. Ðời sống con người lại khác hẳn. Mỗi người chúng ta chỉ sống và chết có một lần duy nhất mà thôi. Thật là điều đáng sợ và khủng khiếp biết bao, khi đến cuối đời mới khám phá ra rằng đời sống mình quả là một thất bại hoàn toàn, đã đánh mất một cơ hội tốt đẹp duy nhất. Lúc đó ta sẽ nhận ra rằng thất bại đó không chỉ có liên quan đến những cái vật chất, đến nghề nghiệp, đến địa vị mà thôi, nhưng là đến chính bản thân ta, và những người có liên hệ với ta nữa.

Vận mệnh tương lai của chúng ta sau này tùy thuộc vào giây phút hiện tại. Giả như chúng ta có nhiều đời sống, chúng ta có thể phí phạm đời sống này và bù lại trong đời sống khác. Ðó là điểm sai lầm lớn lao và không thể chấp nhận được của thuyết luân hồi. Bởi vì thực sự mỗi người chỉ sống có một lần duy nhất mà thôi. Bao lâu còn sống trên trần gian này chúng ta còn cơ hội để điều chỉnh những điều sai lầm, để định lại hướng đi, để đền bù, để làm lại những gì hư hỏng. Một khi đã nhắm mắt tạ thế là mất hết mọi cơ hội. Những gì đã không làm khi còn sống để lại mãi mãi là chỗ trống. Những cơ hội yêu thương mà chúng ta không biết yêu thương, những dịp tốt để xây dựng mà chúng ta không xây dựng sẽ mãi mãi là sự mất mát.

Chúc thư thiêng liêng của Martin Luther King ghi lại những nét sâu sắc về vấn đề sống là gì và làm thế nào để có thể nói được là đã sống một đời sống tràn đầy. Ông viết:

Ước chi, khi tôi nhắm mắt tạ thế sẽ có người nói lên rằng, Martin Luther King đã tìm cách sống và đã yêu thương một người nào đó. Ngày đó tôi mong ước rằng các người có thể nói là tôi đã cố gắng sống theo con đường chính trực, và chọn đồng hành với những người thực thi công bằng. Tôi đã đem hết nghị lực tìm kiếm lương thực cho người đói khát, cung cấp manh áo che thân cho người rách nát. Ước chi ngày đó các người có thể nói được là tôi đã dành thời giờ thăm viếng các tù nhân, những người rên xiết vì đau đớn trên các gường bệnh, là tôi đã yêu thích phục vụ tha nhân hơn là được phục vụ. Nếu có thể các người nói thêm rằng tôi cũng đã là sứ giả của hòa bình, của công bằng xã hội; tất cả mọi điều khác chỉ là phụ thuộc, ngay cả đến giải thưởng Nobel mà tôi đã được trao tặng hồi năm 1964 cũng không đáng kể gì.

Tôi không có tiền bạc để lại cho hậu thế. Ngày tạ thế tôi sẽ không phải tiếc xót vì phải từ giã những tiện nghi và xa hoa của cuộc sống. Chỉ một điều duy nhất tôi muốn để lại cho hậu thế là cả một đời sống tận tụy hiến thân của tôi. Ðây là điều tôi tha thiết và muốn nói với các người. Nếu tôi đã có thể giúp ai tôi gặp trên đường đời, nếu tôi đã có thể chỉ cho ai biết rằng họ đã lầm lẫn, đã chọn con đường bất lương, bất chính, lúc đó tôi có thể bình an nói với lương tâm tôi rằng đời sống tôi đã không là hư vô, những ngày của đời tôi đã không qua đi vô ích. Nếu tôi đã chu toàn bổn phận của tôi như một tín hữu Kitô chân chính và đã truyền bá Tin Mừng Phúc Âm của Thầy Chí Thánh, tức là tôi đã không sống một cách vô ích.

Các bạn trẻ thân mến, những lời ước nguyện chân thành trong chúc thư thiêng liêng của Martin Luther King trên đây nói lên một cách cụ thể thế nào là một đời sống tràn đầy và thế nào là một đời sống trống rỗng vô ích. Ðời sống tràn đầy tức là một đời sống theo con đường của Chúa Kitô đã vạch chỉ, và được hun đúc, nuôi dưỡng bằng các giá trị phúc âm.

Vậy sao chúng ta không thử dấn thân vào con đường sống tràn đầy này? Chúng ta còn chần chừ chi nữa? Sao không ước ao những điều cao đẹp này, thứ tự do nội tâm sâu xa, thứ tình yêu chân thật có thể làm cho đời ta trở nên đáng sống và sống hạnh phúc?

Ước chi không ai trong chúng ta sẽ dại dột lý luận như người phú hộ kia ruộng đất phì nhiêu, số thu hoạch rất cao nên ông ta tự nghĩ:

- Ta làm cách nào đây, vì không đủ chỗ chứa hết huê lợi? À ta nghĩ ra rồi, ta sẽ phá cái lẫm cũ đi và làm kho khác rộng lớn hơn, rồi đem trữ tất cả sản vật cùng của cải ta vào đó. Lúc đó ta sẽ sung sướng bảo mình rằng, hồn ta ơi, mình đã có sẵn nhiều của cải dự phòng lâu năm rồi, đâu cần chi phải vất vả làm lụng nữa. Thôi từ nay cứ nghỉ ngơi, ăn uống no thỏa đi.

Nhưng ông ta không ngờ đó lại là ngày cuối cùng của đời ông, là lúc Thiên Chúa phán bảo ông:

- Ngươi thật là khờ dại! Chính đêm nay linh hồn ngươi bị đòi lại, vậy tất cả của cải ngươi đã sắm sẵn kia sẽ thuộc về ai? (Lc 12:16-21).

Thật vậy, người chỉ lo thu tích của cải vật chất mau qua cho mình ở đời này mà không lo làm giàu trước nhan Thiên Chúa bằng sự phong phú của tinh thần, của những giá trị bất diệt, cũng giống như người phú hộ khờ dại trên đây vậy.

Chúng ta đều công nhận rằng lầm lẫn, dại dột trong việc lựa chọn người bạn trăm năm cho đời mình quả là điều tai hại. Thế nhưng lầm lẫn, dại dột chọn trở nên người mình phải là trong suốt cuộc sống mãi mãi sau này thật không còn gì tai hại cho bằng.

Ðời sống mỗi người quả là một cơ may duy nhất, không bao giờ trở lại. Thế mà sao chúng ta thường hay lãng quên quá dễ dàng?!...

 

Mai An

Thứ Tư, ngày 30/08/1995

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page