Nói Với Giới Trẻ

(Những Loạt Bài Nói Chuyện Với Giới Trẻ

của Nữ Tu Mai An thực hiện

trong chương trình Phát Thanh

của Ðài Chân Lý Á Châu năm 1995)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 07 -

Hạnh Phúc Là Trung Tín

 

Hồi cha Atilano Alaiz là giáo sư tại trường đại học bên Chilê, Nam Mỹ Latinh, cha có nuôi một con chim phượng hoàng...

Vào một buổi sáng đẹp trời đang lúc đi bách bộ trong vườn cha gặp thấy nó nằm quỵ trên bãi cỏ. Cha đến gần nâng nó lên. Thương thay, chân nó bị thương, bước đi lảo đảo vì đói và vì đau. Cha Atilano đem nó về phòng, băng bó vết thương trên chân nó, cắt bớt lông cánh và đặt tên cho nó là "Andi" bởi vì nó đến lạc từ miền núi Ande. Dần dần chim Andi trở nên quen thuộc với nhiều sinh viên trong trường. Nó đến đậu trên vai cha, mổ từng miếng ăn trên tay cha và chấp nhận chung sống với mấy con gà mẹ, gà trống và 2 con công nữa. Thỉnh thoảng nó mạo hiểm khắp vườn kiếm ăn, nhưng tối đến nó lại trở về chuồng.

Rồi cũng vào một buổi sáng đẹp trời, cha ra cửa đứng đợi nó đến ăn như thường lệ, nhưng không thấy bóng dáng nó đâu. Cha đi khắp vườn tìm kiếm và gọi tên nó, nhưng Andi đã ra đi và không trở lại nữa. Lúc đó cha mới sực nhớ lại là chiều hôm trước cha thấy có một con chim phượng hoàng khác đã bay ngang qua trên bầu trời của trường. Và cha đã hiểu, chắc hẳn bóng dáng của con phượng hoàng ấy đã làm thức tỉnh dậy trong tiềm thức của Andi khát vọng bẩm sinh bay bổng lên cao trong đời nó. Từ ngày đó không ai trong trường còn thấy bóng dáng của Andi nữa.

Bạn thân mến, chim phượng hoàng Andi tượng trưng cho mỗi người trong chúng ta, được tạo dựng và được chào đời vì một lý tưởng cao thượng. Con người không phải như loài gà bị ghì chặt trên mặt đất, nhưng còn có tâm hồn thánh thiêng luôn hướng thẳng lên cao. Ðịnh mệnh của con người không thể nào bị giới hạn bởi những thứ ty tiện, những thỏa mãn mau qua như loài vật, nhưng là đạt tới hạnh phúc bất diệt.

Bạn cũng như tôi, chúng ta không được tạo dựng để lang thang đó đây như loài vật chỉ lo tìm kiếm miếng ăn qua ngày cho đỡ đói, bằng lòng với của dư thừa hoặc những mảnh vụn từ trên bàn của chủ rơi xuống, hoặc với bát cám heo như lòng đứa con hoang đường mơ ước trong lúc sa đọa. Không, con người được tạo dựng với địa vị làm con cái, để ngồi cùng bàn ăn với Cha là Thiên Chúa và với tha nhân như anh em trong đại gia đình. Nếu là con cái, làm sao chúng ta có thể hài lòng với bánh vụn cơm thừa trong khi có sẵn trên bàn cơm bánh thơm ngon của tình thương. Thật vậy sứ mệnh của con người không phải là bò lê trên mặt đất, nhưng là bay bổng lên cao.

Paul Claudel, một văn sĩ nổi tiếng người Pháp đã viết: "Tuổi trẻ không được tạo dựng để hưởng thụ, nhưng để sống với lý tưởng cao đẹp". Không chỉ tuổi trẻ mà thôi, nhưng đó phải là hướng đi của tất cả mỗi người. Chúng ta không thể sống vất vưởng qua ngày, nhưng phải sống với một kế hoạch đầy hy vọng. Con người được kêu gọi để tìm ra lẽ sống cho đời mình, để vạch chỉ cho mình mục tiêu rõ ràng, bõ công tranh đấu hầu đạt tới mục tiêu đó. Sống mà không có viễn tượng hy vọng, thì cuộc sống đó thật quá hẹp hòi, khác nào người đi vào con đường cụt.

Có người lầm nghĩ rằng hạnh phúc đến từ bên ngoài, như mưa thuận gió hòa, nắng ấm làm cho cây cối đâm chồi, nở hoa kết trái. Nhưng làm sao có thể bảo đảm được những sự bên ngoài ấy? Trái lại nếu chúng ta biết vun trồng mảnh vườn hạnh phúc bằng suối nước ngầm từ lòng đất, mảnh vườn ấy sẽ xanh tươi luôn, không sợ tàn héo trong những ngày hè nắng gắt. Không thiếu chi những lần chúng ta nghĩ mình là người bất hạnh vì thiếu thốn cái này vật kia, vì những điều trái ý, vì nghịch cảnh đến từ bên ngoài, vì hoàn cảnh xã hội bất ưng, vì người này kẻ khác. Nhưng có lẽ phải thú nhận rằng căn nguyên của sự bất hạnh là vì thiếu lý tưởng cao đẹp cho đời mình. Ðó là đám mây u ám đè nặng tâm hồn và làm cản trở không cho chúng ta sống thoải mái hạnh phúc.

Các nhà tâm lý học còn ví khát vọng hạnh phúc của con người như tiếng khóc của đứa bé trong cơn đói. Ngậm nút vú giả không có sữa chỉ làm nó quên đi cơn đói trong chốc lát, nhưng khi cơn đói vẫn tiếp tục giày vò, nó sẽ nhả vú giả ra và lại gào théo cho tới khi được thỏa mãn cơn đói. Hạnh phúc thay cho những người biết nhận ra sự giày vò của khát vọng hạnh phúc, biết khước từ những thứ thỏa mãn giả tạo để đi tìm kiếm hạnh phúc chân thật và lâu bền hơn. Hiện tượng tương tự đó xảy đến với con người khi không sống đúng theo mục đích cao thượng của đời mình, khi thất trung với bản năng bẩm sinh của mình. Nếu lương tâm của họ còn sáng suốt và tỉnh thức, họ sẽ chỉ tìm thấy an bình và hạnh phúc khi tâm hồn họ được nuôi dưỡng bằng chân lý và tình yêu, ngược lại, họ sẽ mãi mãi băn khoăn thao thức đi tìm kiếm cho kỳ được...

Nói tóm lại, trung thành với bản thân, với sứ mệnh riêng của đời người, với những khắc khoải sâu xa, với khát vọng siêu nhiên, đó là giá cả phải trả để đổi lấy hạnh phúc. Nhìn vào đời sống Mẹ Têrêsa Calcutta, sống giữa bao thảm cảnh nghèo khổ, bệnh tật, bất công và chết chóc, mẹ có đủ lý do để thất vọng, để buông xuôi. Thế nhưng, bất chấp tất cả những hy sinh khó nhọc của cuộc sống và của sứ mệnh tông đồ của mẹ, trên gương mặt của mẹ luôn được trang điểm bởi một nét hy vọng, an bình và hạnh phúc. Tại sao vậy? Bởi vì mẹ sống với một lý tưởng cao đẹp, tức là sự sống và ơn cứu độ của tha nhân. Lý tưởng đó là động lực thúc đẩy mẹ luôn tiến bước, đồng thời cũng là như ngọn lửa tiêu hao dần sinh lực và sức sống của mẹ.

Hầu như tất cả các nhà tâm lý đều chấp nhận chân lý này: để đạt tới hạnh phúc cần phải có một lý tưởng cao đẹp, cần phải có một yếu tố căn bản là tâm điểm quy tụ tất cả sinh lực của mình. Hạnh phúc là cuộc hành trình không ngừng hướng thẳng tới lý tưởng mặc dù có những lúc phải chậm bước hoặc phải dừng chân để lấy sức và để nhắm hướng đi. Chỉ cần quan sát và trao đổi tư tưởng với những người sống chung quanh bạn, những người hạnh phúc và những người chán chường. Ðâu là điểm khác biệt giữa những người ấy? Họ sẽ trả lời bạn rằng: họ đã tìm thấy ý nghĩa đời mình, một lý tưởng để chiến đấu, để tận hiến tất cả sinh lực của đời họ.

Bạn thân mến, ngay từ khi tạo dựng con người Thiên Chúa đã phán: "Ta hãy tạo dựng loài người giống hình ảnh Ta". Căn cước tính của con người phát sinh từ Thiên Chúa. Chính vì Thiên Chúa là nguồn hạnh phúc tuyệt đối, không bao giờ tận, cho nên càng trở nên giống hình ảnh của Chúa, con người càng đạt tới sự sung mãn của hạnh phúc thật.

 

Mai An

Thứ Tư, ngày 14/06/1995

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page