Nói Với Giới Trẻ

(Những Loạt Bài Nói Chuyện Với Giới Trẻ

của Nữ Tu Mai An thực hiện

trong chương trình Phát Thanh

của Ðài Chân Lý Á Châu năm 1995)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 05 -

Hạnh Phúc Là Tìm Thấy Ý Nghĩa Ðời Mình

 

Trong tập sách "sống đời sống" nói về hiện tình chung của giới trẻ ngày nay, cha Atilano Alaiz thuật lại trường hợp của một thanh niên chủ trương đi tìm hạnh phúc qua việc chiếm hữu như sau:

Cậu là người con trai độc nhất của một gia đình rất giàu sang. Có lần cậu nói:

- Ước chi tôi có được cái đàn ghi-tar.

Thế rồi khi được cha mẹ tặng cho cái đàn ghi-tar, cậu lại than thở:

- Thay vì cái đàn ghi-tar tầm thường này, giả như tôi có cái đàn ghi-tar điện, để rồi cùng với bạn bè tổ chức những đêm hội nhạc.

Vừa được cái ghi-tar điện như lòng ước nguyện, ít hôm sau cậu lại chán với các điệu nhạc, và bắt đầu để mắt nhìn đến những loại xe cúp mới mẻ nhất. Cậu lẩm bẩm càu nhàu:

- Các bạn bè tôi đều có xe cúp cả.

Sau xe cúp, cậu lại được tặng thêm cho một chiếc xe hơi, tuy không phải là chiếc xe mới ra lò. Nên cậu lại than phiền:

- Tôi cảm thấy hổ ngươi mỗi lần lái chiếc xe cũ này. Các bạn tôi nhạo cười vì như cha mẹ tôi không có đủ tiền mua được chiếc xe tốt đẹp hơn hay sao!

Ðến ngày sinh nhật, cậu lại có thêm một cái TV màu và máy quay phim Video. Cứ như thế, hết cái này đến cái khác, cậu không thiếu một thứ quà xa xỉ nào. Sau cùng, cậu lập gia đình nhưng vẫn tiếp tục ước muốn chiếm đoạt và hưởng thụ. Hết nhà trên núi, tới nhà nghỉ mát gần bãi biển và du lịch khắp thế giới. Ngoài ước muốn hưởng thụ, cậu lại còn bị nung nấu bởi mối lo lắng để khỏi bỏ mất bất cứ một thứ vui chơi nào. Thế nhưng bất chấp mọi thứ vui thú, cậu vẫn là người bất hạnh, không hề biết mỉm cười và lúc nào cũng khó khỉnh áy náy, bất an.

Bạn thân mến, chàng thanh niên trên đây chỉ là một trong số hàng ngàn thanh niên thiếu nữ ngày nay trên thế giới, tuy có tất cả mọi sự và được mọi cái dư thừa, nhưng họ đã đánh mất niềm vui sống và lòng yêu thích sự sống.

Chúng tôi cảm thấy nhàm chán, ngán đời! Ðó là lời than phiền được lặp đi lặp lại trên môi miệng của một số bạn trẻ, tại nhiều nơi và thuộc mọi thời đại. Biết bao lần trong các buổi họp mặt các phụ huynh, nhiều cha mẹ đã bày tỏ mối lo lắng không biết làm gì hơn để mua vui cho con cái, bởi vì chúng có mọi thứ và nhàm chán mọi sự.

Thành phố New York bên Hoa Kỳ có lẽ là thành phố phong phú bậc nhất thế giới về các môn giải trí và các trò tiêu khiển, thế mà sau khi nếm thử mọi thú vui đó, một thanh niên đã phải thú nhận rằng: "Tất cả mọi thứ ăn chơi dọc theo đại lộ Broadway cũng không đủ đem lại cho tôi một chút nghỉ ngơi và bình an của tâm hồn. Trái lại, chúng chỉ đem lại cho tôi thêm bực bội, bất an. Tôi cảm thấy mệt mỏi, chán chường. Tuy nhiên tôi vẫn chưa sẵn sàng đành chịu chết".

Một giáo sư xã hội học người Hòa Lan, sau khi đã đích thân sống hòa mình giữa một số thanh niên thuộc các băng đảng để dễ bề hiểu biết và phân tích tâm lý và thái độ chống xã hội, ông đã phải xác nhận rằng nguyên do chính yếu cũng chỉ vì cảnh nhàm chán và sự bất an tâm thần. Ðáng thương thay những người con của xã hội hưởng thụ, là những người bất hạnh tận trong thâm tâm. Xã hội ban tặng cho tuổi trẻ mọi thứ hưởng thụ, nhưng đã không biết cống hiến họ lý do để sống và ý nghĩa sâu xa của cuộc sống. Mọi hình thức hưởng thụ chẳng khác gì liều thuốc giảm đau, làm quên đi trong chốc lát nỗi đau đớn, nhưng không phải là liều thuốc chữa trị căn bệnh. Những tế bào ung thư vẫn còn đó, sự trống rỗng vẫn còn đó. Cái trống rỗng đó là khát vọng của tinh thần, của những gì siêu nhiên, của những giá trị tuyệt đối, vì thế không thể nào được lấp đầy hoặc thay thế bằng những sự vật chất tạm bợ.

Một nhóm giáo sư chuyên môn thuộc khoa phân tích tâm lý học về hiện tượng chán đời của giới trẻ đã khám phá ra lý do chán đời của tuổi trẻ qua chính những lời tự thú của họ: "Tôi tin rằng điều thiếu thốn trầm trọng nhất đối với tuổi trẻ là không có lý tưởng để sống. Các bạn trẻ chúng tôi đều biết rằng thật là điều uổng công vô ích chịu vất vả khó nhọc ngày này qua ngày khác nếu không phải vì một lý tưởng cao đẹp đáng giá nào đó".

Một lần khác, cha Atilano Alaiz được mời đến cử hành thánh lễ nửa đêm vào dịp Giáng Sinh tại một nhà nguyện lớn của các nữ tu được mở cửa đón nhận các tín hữu tại một khu phố sang trọng ở Madrid bên Tây Ban Nha. Tham dự thánh lễ cũng có một nhóm đông thanh niên thiếu nữ. Buổi lễ hôm đó thật buồn thảm không khác chi một thánh lễ an táng. Bầu khí nặng nề, gương mặt các bạn trẻ đượm vẻ chán chường. Họ tham dự thánh lễ như bị ai cưỡng ép. Cha cố gắng làm cho buổi lễ thêm sống động và giúp các tín hữu tham dự thánh lễ một cách chủ động hơn. Cha xướng lên những bài hát quen thuộc, nhưng chỉ có mấy giọng yếu ớt phụ theo một cách dè đặt. Sau thánh lễ, cha bày tỏ cảm tưởng của cha với các nữ tu có trách nhiệm coi nhà nguyện. Các chị mỉm cười đáp lại:

- Thưa cha, xin cha đừng ngạc nhiên, đó là bầu khí thường ngày tại đây, lúc nào cũng vậy thôi. Các thanh niên thiếu nữ của những gia đình trưởng giả tại đây không còn biết mình muốn gì nữa. Họ chán ngấy mọi sự, và cả đến gia đình của họ cũng không còn biết làm gì hơn để họ được hài lòng. Thực sự họ là những người bất hạnh thật đáng thương.

Thật vậy, hạnh phúc chỉ là một giấc mơ hão huyền, dễ tan biến như mây khói nếu không có một lý tưởng để sống, để chiến đấu và để hy vọng. Cũng như tình yêu, hạnh phúc là một kho tàng vô giá, không thể bán cho ai, cũng không có thể mua ở đâu được. Hạnh phúc nảy sinh từ trong thâm tâm mỗi người, nếu không, sẽ không là hạnh phúc lâu bền, chân thật được.

Bạn có thể xác nhận được điều đó ngay trong đời sống bạn, chỉ cần đưa mắt quan sát những người sống chung quanh bạn. Biết bao người có đủ "lý do vật chất" để được thỏa mãn, thế mà họ vẫn buồn chán, lo âu. Trong khi đó cũng có những người khác có đủ "lý do vật chất" để thất vọng, nhưng trái lại, họ là những người hạnh phúc và an vui hơn cả, Ðó là trường hợp của một thiếu nữ người Uruguay thuộc châu Mỹ Latinh. Cô bị bệnh sụn xương hồi lên 13 tuổi và và ngồi liệt trên chiếc xe lăn tay. Kế đó cô lại bị mồ côi cả cha lẫn mẹ, và bệnh hoạn trong gia đình không thiếu gì. Thế mà có lần cô đã viết trong thư gửi cho cha Atilano Alaiz:

Thưa cha, con vẫn tiếp tục làm việc với tất cả niềm hy vọng và an bình của tâm hồn. Nếu như con nói với cha là con ao ước được có một ngày dài hơn, có lẽ cha sẽ nghĩ là con phóng đại tô màu. Nhưng thật vậy, sao con cảm thấy thời giờ đi mau quá, không đủ để con làm những gì con muốn làm và có thể làm được. Tuy chỉ là những việc rất nhỏ nhặt, nhưng nó tiêu hao rất nhiều thì giờ. Có những người tưởng nghĩ là con sống qua ngày cách nhàm chán, là ngày giờ của con kéo dài lê thê, nhưng nói thực, con không biết nhìn đến nhàm chán là gì.

Chứng từ của cô bé tàn tật và bất toại trên đây là chứng tá hùng hồn về bí quyết hạnh phúc. Hạnh phúc như bông hoa đẹp nảy sinh từ lòng đất tốt, phì nhiêu, mặc dù chung quanh chỉ là những sự khô cằn, nắng cháy, hoặc đá sỏi. Hạnh phúc không dựa trên những gì mình có bên ngoài, nhưng triển nở từ những gì con người là tận bên trong. Nhưng hạnh phúc là gì? Mời các bạn đón nghe tiếp trong những bài tiếp theo.

 

Mai An

Thứ Tư, ngày 31/05/1995

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page