Bộ Giáo Luật

The Code of Canon Law

Bản dịch việt ngữ của:

Ðức Ông Nguyễn Văn Phương, Linh Mục Phan Tấn Thành, Linh Mục Vũ Văn Thiện, Linh Mục Mai Ðức Vinh

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Quyển VII: Tố Tụng

Phần II: Tố Tụng Hộ Sự

Tiết I: Tố Tụng Hộ Sự Thông Thường

Thiên 8:

Sự Kháng Nghị Án Văn

 

Chương I: Ðới Tranh Về Sự Vô Hiệu Của Án Văn

Ðiều 1619: Tuy vẫn tôn trọng quy định của các điều 1622 và 1623, sự vô hiệu của các án từ do luật thực tại ấn định, nếu được đương sự đề khởi đới tranh biết mà không nêu lên cho thẩm phán trước khi tuyên án, thì phải kể là được bao yểm do chính án văn, miễn là vụ kiện chỉ liên hệ đến ích lợi các tư nhân.

Ðiều 1620: Án văn sẽ bị vô hiệu bất khả bao yểm nếu:

1. được ban hành do một thẩm phán vô thẩm quyền tuyệt đối;

2. được ban hành do một người không có quyền tài thẩm trong tòa án đã xử vụ kiện;

3. thẩm phán ban hành án văn do ảnh hưởng của bạo lực hay sợ hãi trầm trọng;

4. sự tố tụng tiến hành mà không có đơn thỉnh nguyện tư pháp, như nói ở điều 1501, hoặc không chống lại một bị đơn nào hết;

5. được ban hành giữa các đương sự mà ít là một bên trong các đương sự ấy không có năng cách ra trước tòa án;

6. một người đã hành động nhân danh một người khác nhưng không được ủy nhiệm hợp lệ;

7. quyền biện hộ đã bị từ chối đối với bên này hay bên kia của các đương sự;

8. sự tranh tụng không được phân giải, dù chỉ là một phần.

Ðiều 1621: Ðới tranh về sự vô hiệu, nói ở điều 1620, có thể được nêu lên như khước biện không bị giới hạn thời gian, hoặc như tố quyền trước thẩm phán đã tuyên án, trong hạn mười năm từ ngày công bố án văn.

Ðiều 1622: Án văn bị vô hiệu có thể bao yểm nếu:

1. được ban hành do một số không hợp lệ của các thẩm phán, trái với quy định của điều 1425, triệt 1;

2. không viện dẫn các lý lẽ hay lý do quyết định;

3. thiếu chữ ký theo như luật đòi hỏi;

4. không ghi năm, tháng, ngày và nơi ban hành;

5. dựa trên một án từ tư pháp vô hiệu, và sự vô hiệu không được bao yểm chiếu theo quy tắc của điều 1619;

6. được ban hành chống lại một đương sự vắng mặt hợp lệ, chiếu theo điều 1593, triệt 2.

Ðiều 1623: Ðới tranh vô hiệu trong những trường hợp nói ở điều 1622 có thể được nêu lên trong hạn ba tháng kể từ khi công bố án văn.

Ðiều 1624: Chính thẩm phán đã tuyên án phải cứu xét đới tranh về sự vô hiệu; nếu đương sự sợ rằng thẩm phán ấy, vì đã gây ra án văn không bị kháng nghị vì đới tranh về vô hieêu, sẽ có thiên kiến và đáng bị hồ nghi, thì đương sự có thể đòi hỏi để được thế bởi một thẩm phán khác chiếu theo quy tắc của điều 1450.

Ðiều 1625: Ðới tranh về sự vô hiệu có thể được đệ nộp chung với kháng cáo, trong thời hạn dự liệu cho sự kháng cáo.

Ðiều 1626: (1) Ðới tranh về sự vô hiệu có thể được nêu lên không những do các đương sự nghĩ mình bị thiệt hại, mà còn do chưởng lý hay bảo hệ mỗi khi họ có quyền can dự.

(2) Thẩm phán có thể chiểu chức vụ thâu hồi hay cải chính án văn vô hiệu do mình ban hành trong hạn kỳ pháp định nói ở điều 1623, trừ khi trong thời gian đó kháng cáo được đệ nộp chung với đới tranh về sự vô hiệu, hay sự vô hiệu đã được bao yểm do sự mãn hạn kỳ dự liệu ở điều 1623.

Ðiều 1627: Các vụ xử đới tranh về sự vô hiệu có thể được cứu xét theo các quy tắc về tố tụng hộ sự khẩu biện.

 

Chương II: Sự Kháng Cáo

Ðiều 1628: Ðương sự nào nghĩ mình bị thiệt hại bởi một án văn, cũng như chưởng lý và bảo hệ trong những vụ đòi hỏi sự có mặt của họ, đều có quyền kháng cáo lên thẩm phán thượng cấp, miễn là giữ quy định của điều 1629.

Ðiều 1629: Không được kháng cáo chống lại:

1. một án văn của chính Ðức Thánh Cha hay của Tối Cao Pháp Viện Tòa Thánh;

2. một án văn vô hiệu, trừ khi sự kháng cáo được nộp chung với đới tranh về sự vô hiệu chiếu theo quy tắc của điều 1625;

3. án văn đã trở thành vấn đề quyết tụng;

4. án lệnh của thẩm phán hay án văn trung phán mà không có hiệu lực của án chung quyết, trừ khi kháng cáo được nộp chung với kháng cáo chống lại án văn chung quyết;

5. án văn hay án lệnh trong một vụ kiện được luật pháp ấn định phải phán xử trong hạn kỳ thật khâån cấp.

Ðiều 1630: (1) Sự kháng cáo phải được nộp cho thẩm phán đã ban hành án văn trong thời hạn thất hiệu là mười lăm ngày kể từ khi án văn được công bố.

(2) Nếu sự kháng cáo được trình miệng, lục sự phải ghi ra trên giấy tờ trước mặt người kháng cáo.

Ðiều 1631: Nếu xảy ra một vấn đề quyền kháng cáo, thì tòa án kháng cáo phải cứu xét vấn đề thật khẩn cấp theo các quy tắc của tố tụng khẩu biện.

Ðiều 1632: (1) Nếu đơn kháng cáo không nói rõ muốn lên tòa án nào, thì phải suy đoán là kháng cáo đến tòa án được nói ở các điều 1438 và 1439.

(2) Nếu đương sự đối phương kháng cáo lên một tòa án kháng cáo khác, thì tòa án nào cao cấp hơn sẽ cứu xét vụ án, miễn là giữ điều 1415.

Ðiều 1633: Sự kháng cáo phải được tiếp diễn trước thẩm phán tòa kháng cáo trong hạn một tháng từ ngày nộp kháng cáo, trừ khi thẩm phán tòa sơ thẩm đã ấn định một thời hạn dài hơn cho đương sự theo đuổi kháng cáo.

Ðiều 1634: (1) Ðể tiếp diễn sự kháng cáo, điều kiện cần và đủ là đương sự kêu nài sự can thiệp của thẩm phán thượng cấp để xin sửa đổi bản án bị kháng nghị, kèm theo bản sao của án văn này và nói rõ những lý do kháng cáo.

(2) Nếu đương sự không nhận được từ tòa sơ thẩm bản sao của án văn bị kháng nghị trong thời hạn hữu ích, thì các hạn kỳ không lưu thông; sự ngăn trở phải được cho thẩm phán tòa kháng cáo biết; thẩm phán tòa kháng cáo sẽ dùng mệnh lệnh truyền thẩm phán tòa sơ thẩm phải chu toàn nghĩa vụ mau lẹ.

(3) Trong khi đó, thẩm phán tòa sơ thẩm phải gởi đến thẩm phán tòa kháng cáo các án từ chiếu theo quy tắc của điều 1474.

Ðiêàu 1635: Khi đã mãn thời hạn hữu ích để kháng cáo hoặc trước thẩm phán tòa sơ thẩm hoặc trước thẩm phán tòa kháng cáo, thì sự kháng cáo được kể là đã bị khước từ.

Ðiều 1636: (1) Người kháng cáo có thể từ bỏ sự kháng cáo, với các hiệu lực đã nói ở điều 1525.

(2) Nếu luật không định cách khác, sự kháng cáo do bảo hệ hay chưởng lý đề khởi có thể được từ bỏ do bảo hệ hay chưởng lý của tòa kháng cáo.

Ðiều 1637: (1) Kháng cáo do nguyên đơn đề khởi cũng có giá trị cho bị đơn, và ngược lại.

(2) Nếu có nhiều bị đơn hay nhiều nguyên đơn, và nếu bản án chỉ bị kháng nghị bởi một người hay chỉ chống lại một người trong số những người đó, thì sự kháng nghị được coi là được đề khởi do tất cả mọi người và chống lại tất cả mọi người khi nào vấn đề được thỉnh cầu có tính cách bất khả phân hay là một nghĩa vụ liên đới.

(3) Nếu một đương sự kháng cáo một phần nào của án văn, thì đương sự đối phương, mặc dù đã mãn kỳ kháng cáo, vẫn có thể kháng cáo phụ đới những phần khác của án văn trong thời hạn thất hiệu là mười lăm ngày kể từ ngày sự kháng cáo chính được cáo tri.

(4) Trừ khi đã rõ cách khác, sự kháng cáo được kể là chống lại tất cả các phần của án văn.

Ðiều 1638: Sự kháng cáo đình chỉ việc chấp hành án văn.

Ðiều 1639: (1) Ngoại trừ quy định ở điều 1683, ở cấp bậc kháng cáo, không được nhận thêm thỉnh cầu mới, cho dù với danh nghĩa là muốn nhập chung cho tiện. Bởi vậy, sự đối tụng chỉ có thể nhằm xác nhận hay sửa đổi tất cả hay một phần bản án trước đây mà thôi.

(2) Các bằng chứng mới chỉ được thừa nhận chiếu theo quy tắc của điều 1600.

Ðiều 1640: Thủ tục ở tòa kháng cáo cũng giống như ở tòa sơ cấp, với những thích ứng cần thiết; tuy nhiên, nếu không thể bổ túc các bằng chứng, thì được phép tranh luận vụ kiện và tuyên án ngay sau sự đối tụng dựa theo quy tắc của điều 1513, triệt 1 và điều 1639, triệt 1.

 

(Nhóm Dịch Thuật Việt ngữ Bộ Giáo Luật)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page