Bộ Giáo Luật

The Code of Canon Law

Bản dịch việt ngữ của:

Ðức Ông Nguyễn Văn Phương, Linh Mục Phan Tấn Thành, Linh Mục Vũ Văn Thiện, Linh Mục Mai Ðức Vinh

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Quyển VII: Tố Tụng

Phần II: Tố Tụng Hộ Sự

Tiết I: Tố Tụng Hộ Sự Thông Thường

Thiên 5:

Những Vụ Kiện Phụ Ðới

 

Ðiều 1587: Vụ kiện phụ đới xảy ra khi nào, sau khi đã có lệnh triệu hoán, một vấn đề được đặt ra, tuy dù không được trình bày minh thị trong đơn khởi tố, nhưng rất liên hệ đến vụ kiện đến nỗi thường thường phải giải quyết vấn đề đó trước vấn đề chính.

Ðiều 1588: Vụ kiện phụ đới được nêu lên bằng giấy tờ hay bằng miệng trước mặt thẩm phán có thẩm quyền xử vụ kiện chính, và phải vạch rõ mối liên hệ giữa nó và vụ kiện chính.

Ðiều 1589: (1) Sau khi nhận được thỉnh cầu và nghe ý kiến của các đương sự, thẩm phán phải quyết định thật nhanh chóng xem vấn đề phụ đới được đặt ra có nền tảng và liên hệ đến vụ kiện chính hay không, hay phải bác bỏ nó ngay từ đầu. Nếu vấn đề phụ đới được chấp nhận, thẩm phán phải xét vấn đề can hệ đến mức độ cần phải giải quyết bằng án trung phán hay bằng án lệnh.

(2) Nếu xét rằng vấn đề phụ đới không cần được giải quyết trước án chung quyết, thẩm phán phải ấn định là sẽ lưu ý đến nó trong khi xét xử vụ kiện chính.

Ðiều 1590: (1) Nếu vấn đề phụ đới phải được giải quyết bằng một bản án, thì phải tuân giữ các quy tắc nói về thủ tục hộ sự khẩu biện, trừ khi sự hệ trọng của vấn đề đòi thẩm phán phải làm cách khác.

(2) Nếu vấn đề phụ đới phải được giải quyết bằng án lệnh, tòa án có thể ủy thác vấn đề cho dự thẩm hay chánh án.

Ðiều 1591: Bao lâu vụ kiện chính chưa kết thúc, thẩm phán hay tòa án, vì một lý do chính đáng, có thể thu hồi hay sửa đổi án lệnh hay án trung phán, hoặc do lời yêu cầu của một đương sự, hoặc chiểu chức vụ, sau khi nghe ý kiến của các đương sự.

 

Chương I: Ðương Sự Không Ra Trình Diện

Ðiều 1592: (1) Nếu bị đơn được đòi ra tòa mà không ra trình diện, cũng không cáo lỗi cách hợp thức về sự vắng mặt của mình, hoặc không trả lời theo như quy tắc của điều 1507, triệt 1, thì thẩm phán phải tuyên bố bị đơn khuyết tịch, và phải quyết định tiến hành thủ tục cho đến án chung quyết và thi hành án văn, miễn là tuân hành những điều luật định.

(2) Trước khi ban hành án lệnh dự liệu ở triệt 1, thẩm phán phải biết chắc rằng lệnh triệu hoán đã được thi hành hợp lệ và đã tới tay bị đơn trong thời gian hữu ích; nếu cần thì ra lệnh triệu hoán một lần nữa.

Ðiều 1593: (1) Nếu sau đó, bị đơn ra trình diện hay gởi câu trả lời trước khi phán xử vụ kiện, bị đơn có thể trưng dẫn các kết luận và bằng chứng, miễn là phải tôn trọng quy định của điều 1600; tuy nhiên, thẩm phán phải tránh chủ tâm kéo dài vụ kiện quá lâu và vô ích.

(2) Mặc dù đã không xuất đình, cũng không trả lời trước khi phán xử vụ kiện, bị đơn vẫn có thể kháng nghị án văn. Nếu chứng minh được rằng mình bị ngăn trở hợp lệ và đã không trình diện không phải do lỗi của mình, bị đơn có thể xử dụng đến đới tranh vô hiệu.

Ðiều 1594: Nếu nguyên đơn không trình diện vào ngày và giờ ấn định cho cuộc đối tụng và cũng không cáo lỗi thích đáng:

1. thẩm phán cho đòi nguyên đơn một lần nữa;

2. nếu nguyên đơn không tuân hành lệnh triệu hoán mới, nguyên đơn được suy đoán là bãi nại, chiếu theo quy tắc của các điều 1524-1525;

3. nếu sau đó nguyên đơn muốn can dự vào vụ kiện thì phải giữ điều 1593.

Ðiều 1595: (1) Ðương sự nào khuyết tịch, dù là nguyên đơn hay bị đơn, mà không minh chứng được là mình bị ngăn trở chính đáng, phải buộc trả phí tổn đã gây ra vì chính sự khuyết tịch của mình, cũng như, nếu cần, phải bồi thường thiệt hại cho đương sự đối phương.

(2) Nếu cả nguyên đơn lẫn bị đơn đều khuyết tịch, họ phải liên đới trả tất cả án phí.

 

Chương II: Sự Can Thiệp Của Ðệ Tam Nhân Vào Vụ Kiện

Ðiều 1596: (1) Người nào có lợi ích trong một vụ kiện thì được phép can dự vào vụ kiện, ở bất cứ giai đoạn nào của cuộc kiện tụng, hoặc với tư cách là đương sự bênh vực quyền lợi của mình, hoặc là phụ trợ để giúp đỡ một đương sự đang tranh tụng.

(2) Tuy nhiên, để được chấp nhập, người ấy phải đệ đơn lên thẩm phán trước khi kết thúc sự thẩm cứu; trong đơn phải trình bày vắn tắt quyền của mình được phép can dự.

(3) Người nào can dự vào vụ kiện sẽ được chấp nhận ở tình trạng hiện hành của vụ kiện; người ấy được cấp một hạn kỳ ngắn và thất hiệu để trưng các bằng chứng, nếu vụ kiện đã đến giai đoạn dẫn chứng.

Ðiều 1597: Nếu nhận thấy sự can thiệp của một đệ tam nhân là cần thiết, thẩm phán phải gọi người đó ra tòa, sau khi nghe ý kiến các đương sự.

 

(Nhóm Dịch Thuật Việt ngữ Bộ Giáo Luật)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page