Bộ Giáo Luật
The Code of Canon Law
Bản dịch việt ngữ của:
Ðức Ông Nguyễn Văn Phương, Linh Mục Phan Tấn Thành, Linh Mục Vũ Văn Thiện, Linh Mục Mai Ðức Vinh
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Quyển VII: Tố Tụng
Phần II: Tố Tụng Hộ Sự
Tiết I: Tố Tụng Hộ Sự Thông Thường
Thiên 3:
Sự Tiến Hành Vụ Kiện
Ðiều 1517: Vụ kiện bắt đầu bằng sự triệu hoán; và kết thúc không những chỉ bằng phán quyết chung thẩm, nhưng còn bằng những cách thức khác do luật pháp ấn định.
Ðiều 1518: Nếu đương sự đối tranh mệnh một, hay thay đổi trạng thái, hay chấm dứt chức vụ mà vì lý do đó đương sự khởi kiện:
1. nếu sự thẩm vấn chưa kết thúc, vụ kiện phải được đình chỉ cho đến khi người thừa kế của người quá cố, hay kẻ kế vị, hay người có lợi ích, tiếp nối cuộc kiện tụng;
2. nếu sự thẩm vấn đã kết thúc, thẩm phán phải tiếp tục tiến hành thủ tục bằng việc triệu hoán người thụ ủy nếu có, hoặc người thừa kế hay người kế vị của người quá cố.
Ðiều 1519: (1) Nếu người giám hộ hay người quản tài hay người thụ ủy buộc phải đặt chiếu theo điều 1481, các triệt 1 và 3, ngưng chức vụ, thì vụ kiện tạm thời đình chỉ.
(2) Tuy nhiên, thẩm phán phải đặt sớm hết sức một người giám hộ hay quản tài khác; thẩm phán cũng có thể đặt một người thụ ủy cho cuộc tranh tụng nếu đương sự không lo chọn trong hạn kỳ ngắn do chính thẩm phán ấn định.
Ðiều 1520: Nếu trong vòng sáu tháng mà không hành vi tố tụng nào được các đương sự thi hành, mặc dù họ không bị ngăn trở, thì vụ kiện bị thất hiệu. Luật địa phương có thể ấn định hạn kỳ thất hiệu khác.
Ðiều 1521: Sự thất hiệu phát sinh hiệu lực do chính pháp luật, và đối với mọi người, kể cả với các vị thành niên và những người bị đồng hóa với vị thành niên; sự thất hiệu phải được tuyên bố chiểu chức vụ; tuy vẫn duy trì quyền đòi bồi thường chống lại những người giám hộ, quản tài, quản nhiệm, thụ ủy nào không chứng minh được mình không có lỗi.
Ðiều 1522: Sự thất hiệu sẽ tiêu hủy các án từ tố tụng, nhưng không tiêu hủy các án tử của vụ kiện. Hơn nữa, án từ của vụ kiện có thể có giá trị ở thẩm cấp khác, miễn là vụ kiện nhằm đến cùng những người ấy hoặc cùng một đối tượng tương tự. Nhưng đối với những người ngoại cuộc, các án từ này chỉ có hiệu lực như là tài liệu mà thôi.
Ðiều 1523: Phí tổn của một vụ kiện bị thất hiệu phải do những người đương tranh tụng trang trải, mỗi người tương ứng với phần của mình.
Ðiều 1524: (1) Nguyên đơn có thể bãi nại ở bất cứ giai đoạn hay cấp bực phán xử nào; cũng thế, nguyên đơn cũng như bị đơn có thể từ bỏ tất cả hoặc một vài án từ tố tụng.
(2) Ðể có thể bãi nại, người giám hộ và người quản nhiệm của các pháp nhân phải hỏi ý kiến hay được sự thỏa thuận của những người mà luật đòi hỏi để thi hành những hành vi vượt quá giới hạn sự quản trị thông thường.
(3) Ðể có hiệu lực, sự bãi nại phải được viết ra giấy tờ và do đương sự hay người thụ ủy của đương sự ký tên; người thụ ủy phải có ủy nhiệm đặc biệt. Sự bãi nại phải được thông báo cho bên kia biết để chấp nhận hay ít là không bị phản đối, và phải được thẩm phán thừa nhận.
Ðiều 1525: Một khi được thẩm phán thừa nhận, sự bãi nại sẽ có những hiệu quả như sự thất hiệu của vụ kiện đối với những án từ mà mình từ bỏ. Ai bãi nại thì phải trả những phí tổn về các án từ mà họ từ bỏ.
(Nhóm Dịch Thuật Việt ngữ Bộ Giáo Luật)