Bộ Giáo Luật

The Code of Canon Law

Bản dịch việt ngữ của:

Ðức Ông Nguyễn Văn Phương, Linh Mục Phan Tấn Thành, Linh Mục Vũ Văn Thiện, Linh Mục Mai Ðức Vinh

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Quyển VI:

Chế Tài Trong Giáo Hội

Phần I: Tội Phạm Và Hình Phạt Nói Chung

Thiên 6:

Sự Chấm Dứt Hình Phạt

 

Ðiều 1354: (1) Ngoài những người được kê khai ở các điều 1355-1356, tất cả những ai có quyền chuẩn miễn một luật có kèm theo hình phạt hoặc giải miễn một mệnh lệnh ngăm đe một hình phạt, đều có quyền tha hình phạt ấy.

(2) Ngoài ra, luật pháp hay mệnh lệnh thiết lập một hình phạt cũng có thể cấp cho những người khác quyền tha hình phạt ấy.

(3) Nếu Tòa Thánh dành riêng cho mình hay dành cho người khác quyền tha hình phạt, sự dành riêng phải được giải thích theo nghĩa hẹp.

Ðiều 1355: (1) Những người sau đây có thể tha hình phạt do luật pháp thiết lập, sau khi hình phạt đã được tuyên kết hay tuyên bố, miễn là hình phạt không được dành cho Tòa Thánh:

1. Bản Quyền đã phát động thủ tục tư pháp để tuyên kết hay tuyên bố hình phạt, hay đã đích thân hoặc nhờ người khác tuyên kết hay tuyên bố hình phạt bằng nghị định;

2. Bản Quyền sở tại ở nơi can phạm đang ở, sau khi đã tham khảo Bản Quyền nói ở số 1, trừ khi vì trường hợp ngoại thường không thể tham khảo được.

(2) Hình phạt tiền kết do luật ấn định nhưng chưa được tuyên bố, nếu không dành riêng cho Tòa Thánh, thì có thể được Bản Quyền tha cho những người thuộc quyền mình và cho những người đang ở trong lãnh thổ mình hay đã phạm tội tại đó; tất cả các Giám Mục đều có thể tha chúng, nhưng chỉ trong chính lúc ban bí tích giải tội.

Ðiều 1356: (1) Những người sau đây có thể tha hình phạt hậu kết hay tiền kết được thiết lập bởi một mệnh lệnh không phải do Tòa Thánh ban hành:

1. Bản Quyền sở tại ở nơi can phạm đang ở;

2. nếu hình phạt đã bị tuyên kết hay tuyên bố, thì cả Bản Quyền đã phát động thủ tục tư pháp để tuyên kết hay tuyên bố hình phạt, hay đã đích thân hoặc nhờ người khác tuyên kết hay tuyên bố hình phạt bằng nghị định.

(2) Trước khi tha hình phạt, cần phải tham khảo tác giả của mệnh lệnh, trừ khi vì trường hợp ngoại thường không thể tham khảo được.

Ðiều 1357: (1) Ðừng kể những gì đã quy định ở các điều 508 và 976, cha giải tội có quyền tha ở tòa trong, lúc ban bí tích, vạ tuyệt thông tiền kết hay cấm chế chưa tuyên bố, nếu hối nhân khổ sở vì phải thường xuyên ở trong tình trạng tội nặng suốt thời gian cần thiết để Bề Trên có thẩm quyền định liệu.

(2) Khi ban sự xá giải, cha giải tội phải buộc hối nhân, nếu không tuân thì sẽ mắc vạ lại, phải thượng cầu trong vòng một tháng lên Bề Trên có thẩm quyền hay một linh mục có năng quyền, và phải theo quyết định của Ngài; tạm thời, cha giải tội phải ra việc đền tội tương xứng và, nếu cần, đòi sửa chữa gương xấu và thiệt hại. Sự thượng cầu có thể được thực hiện qua cha giải tội, những không nói tên của hối nhân.

(3) Những người đã được giải vạ đã tuyên kết hay tuyên bố hay dành cho Tòa Thánh dựa theo quy tắc của điều 976, thì cũng bị buộc nặng phải thượng cầu sau khi họ đã được bình phục.

Ðiều 1358: (1) Vạ sẽ không được tha nếu can phạm không từ bỏ sự cố chấp, chiếu theo quy tắc của điều 1347, triệt 2; nhưng khi đương sự đã từ bỏ sự cố chấp thì không được khước từ việc tha vạ.

(2) Kẻ đã tha vạ, có thể áp dụng những biện pháp nói ở điều 1348, hay cũng có thể bắt làm một việc sám hối.

Ðiều 1359: Nếu một người bị mắc nhiều hình phạt, sự tha chỉ có giá trị đối với những hình phạt nào được nói tới rõ ràng. Tuy nhiên, một sự tha tổng quát sẽ hủy bỏ tất cả các hình phạt, trừ ra những hình phạt nào phạm nhân vì gian ý đã làm thinh không kể ra trong đơn thỉnh nguyện.

Ðiều 1360: Sự tha hình phạt sẽ vô hiệu nếu bị thúc ép do sợ hãi trầm trọng.

Ðiều 1361: (1) Sự tha hình phạt có thể thực hiện kể cả đối với một người vắng mặt, hay với điều kiện.

(2) Sự tha ở tòa ngoài phải được làm bằng giấy tờ, trừ khi có lý do hệ trọng khuyên làm cách khác.

(3) Phải liệu sao cho đơn xin tha hình phạt hay chính việc tha không bị tiết lộ, trừ khi điều ấy có ích lợi để bảo vệ thanh danh cho phạm nhân, hoặc cần thiết để sửa chữa gương xấu.

Ðiều 1362: (1) Tố quyền hình sự bị thời tiêu sau ba năm, trừ khi liên can đến:

1. những tội phạm dành cho Bộ Ðạo Lý Ðức Tin;

2. tố quyền đối với các tội phạm nói ở các điều 1394, 1395, 1397, 1398; đối với các tội ấy, thời hiệu là năm năm;

3. những tội phạm không bị luật chung trừng phạt, nếu luật địa phương đã ấn định một hạn kỳ khác cho thời hiệu.

(2) Thời hiệu khởi lưu kể từ ngày phạm tội, hoặc kể từ ngày tội phạm chấm dứt, nếu là tội phạm liên tục hay thường xuyên.

Ðiều 1363: (1) Tố quyền chấp hành án hình sẽ bị thời tiêu, nếu trong thời hạn nói ở điều 1362, tính từ ngày án văn kết án trở thành vấn đề quyết tụng, án lệnh chấp hành của thẩm phán nói ở điều 1651, không được cáo tri cho phạm nhân.

(2) Luật này cũng được áp dụng, với những điều chỉnh cần thiết, trong trường hợp hình phạt được tuyên kết bằng nghị định ngoại tư pháp.

 

(Nhóm Dịch Thuật Việt ngữ Bộ Giáo Luật)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page