Bộ Giáo Luật

The Code of Canon Law

Bản dịch việt ngữ của:

Ðức Ông Nguyễn Văn Phương, Linh Mục Phan Tấn Thành, Linh Mục Vũ Văn Thiện, Linh Mục Mai Ðức Vinh

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Quyển IV:

Nhiệm Vụ Thánh Hóa Của Giáo Hội

Phần I: Các Bí Tích

Thiên 7:

Bí Tích Hôn Phối

 

Ðiều 1055: (1) Do giao ước hôn phối, người nam và người nữ tạo nên với nhau một cuộc thông hiệp trọn cả cuộc sống. Tự bản tính, giao ước hôn phối hướng về thiện ích của đôi bạn và việc sinh sản cùng giáo dục con cái. Chúa Kitô đã nâng giao ước hôn phối giữa người đã chịu phép rửa tội lên hàng Bí Tích.

(2) Bởi vậy, giữa những người đã chịu phép rửa tội, không thể có khế ước hôn phối hữu hiệu nếu đồng thời không phải là Bí Tích.

Ðiều 1056: Những đặc tính căn bản của hôn phối là sự duy nhất và bất khả phân ly. Nhờ tính cách Bí Tích, những đặc tính ấy được kiện toàn đặc biệt trong hôn phối Kitô giáo.

Ðiều 1057: (1) Hôn phối thành tựu do sự ưng thuận của đôi bên, được phát biểu hợp lệ giữa những người có khả năng pháp luật; sự ưng thuận ấy không thể thay thế bởi bất cứ một thế lực nhân loại nào.

(2) Sự ưng thuận kết hôn là một hành vi của ý chí do đó người nam và người nữ trao thân cho nhau và chấp nhận nhau để tạo lập hôn nhân, bằng một giao ước không thể thu hồi lại.

Ðiều 1058: Mọi người không bị luật cấm đều có thể kết hôn.

Ðiều 1059: Hôn phối của các người công giáo, cho dù chỉ một bên là người công giáo, bị chi phối không những bởi luật Thiên Chúa, mà còn bởi luật Giáo Hội nữa, tuy vẫn tôn trọng thẩm quyền của luật dân sự về hiệu quả thuần túy dân sự của hôn nhân.

Ðiều 1060: Hôn phối được hưởng sự che chở của pháp luật. Bởi đó, trong trường hợp hoài nghi, giá trị của hôn nhân được nhìn nhận bao lâu chưa chứng minh ngược lại.

Ðiều 1061: (1) Hôn phối hữu hiệu giữa những người đã chịu phép rửa tội được gọi là chỉ mới thành nhận, nếu chưa có sự hoàn hợp; hôn phối là thành nhận và hoàn hợp khi đôi bạn đã giao hợp với nhau một cách hợp với nhân tính. Sự giao hợp là hành động hướng đến việc sinh con cái, tức là một mục tiêu tự nhiên của hôn nhân, và do hành động ấy, đôi bạn trở nên một xác thể.

(2) Sau khi đã cử hành hôn phối, nếu đôi bạn đã sống chung với nhau thì sự hoàn hợp được suy đoán cho đến khi chứng minh ngược lại.

(3) Hôn phối vô hiệu được gọi là giả định, nếu đã được cử hành với sự ngay tình, ít ra là của một bên, cho đến khi cả hai bên biết chắc chắn về sự vô hiệu của hôn phối.

Ðiều 1062: (1) Lời hứa hôn hoặc của một bên hoặc của cả hai bên, tục gọi là đính hôn, thì được chi phối bởi luật địa phương do Hội Ðồng Giám Mục quy định, và dựa theo phong tục và luật dân sự, nếu có.

(2) Lời hứa hôn không phát sinh tố quyền đòi phải cử hành hôn lễ; tuy nhiên, có thể phát sinh tố quyền xin bồi thường thiệt hại nếu đã bị gây ra.

 

Chương I: Sự Săn Sóc Mục Vụ Và Những Việc Phải Làm Trước Khi Cử Hành Hôn Phối

Ðiều 1063: Các Chủ Chăn có bổn phận lo liệu sao cho cộng đoàn Giáo Hội của mình biết trợ giúp các tín hữu bảo toàn bậc sống hôn nhân theo tinh thần Kitô giáo, thăng tiến bậc sống hôn nhân trên đường trọn lành. Sự trợ giúp này tiên vàn phải được thực hiện:

1. bằng việc rao giảng, huấn luyện giáo lý thích hợp cho vị thành niên, thanh niên và người lớn, kể cả qua việc xử dụng các phương tiện truyền thông xã hội, ngõ hầu các tín hữu được giáo dục về ý nghĩa của hôn nhân Kitô giáo và về nghĩa vụ của vợ chồng và của cha mẹ Công Giáo;

2. bằng việc chuẩn bị riêng cho những người sắp kết hôn để đôi bạn được sửa soạn để lãnh nhận sự thánh thiện và những bổn phận của bậc sống mới;

3. bằng việc cử hành phụng vụ hôn phối cách chu đáo, để làm sáng tỏ rằng đôi bạn trở thành dấu chỉ và tham dự vào mầu nhiệm hiệp nhất và tình yêu phong phú giữa Chúa Kitô và Giáo Hội;

4. bằng sự giúp đỡ cho đôi bạn sống trung thành với giao ước vợ chồng, đễ mỗi ngày họ thêm thánh thiện và hoàn hảo hơn trong đời sống gia đình.

Ðiều 1064: Bản Quyền sở tại phải lo liệu để sự trợ giúp nói trên được tổ chức cẩn thận và nếu thấy thuận tiện, nên bàn hỏi với những nam nữ từng trải, kinh nghiệm và chuyên môn.

Ðiều 1065: (1) Những người công giáo chưa chịu Bí Tích Thêm Sức, thì phải lãnh Bí Tích ấy trước khi được nhận kết hôn, nếu có thể được và không có khó khăn trầm trọng.

(2) Ðể việc lãnh nhận Bí Tích Hôn Phối được dồi dào công hiệu, hết sức khuyên nhủ các đôi bạn nên lãnh Bí Tích Thống Hối và Thánh Thể.

Ðiều 1066: Trước khi cử hành Bí Tích Hôn Phối, phải chắc chắn không có gì cản trở việc cử hành hữu hiệu và hợp pháp.

Ðiều 1067: Hội Ðồng Giám Mục phải ra những quy luật về việc khảo hạch đôi bạn, việc rao hôn phối, và về những phương thế tùy tiện khác để hoàn tất công việc điều tra phải có trước khi kết hôn. Sau khi tuân hành kỹ lưỡng những điều đó, Cha Sở mới có thể tiến hành việc chứng giám hôn phối.

Ðiều 1068: Trong trường hợp nguy tử, nếu không thể thu thập những bằng chứng khác, và miễn là không có dấu chỉ nào trái ngược, thì chỉ cần đôi bạn cam kết, với lời thề nếu thấy cần, rằng mình đã rửa tội, và không vướng mắc ngăn trở.

Ðiều 1069: Mọi tín hữu có bổn phận phải bá cáo lên Cha Sở hay Bản Quyền sở tại, trước khi cử hành hôn phối, những ngăn trở mà họ biết được.

Ðiều 1070: Nếu những người xúc tiến việc điều tra không phải là Cha Sở có thẩm quyền chứng hôn, thì họ phải thông báo cho ngài biết kết quả, càng sớm càng tốt, bằng một văn kiện công chính.

Ðiều 1071: (1) Ðừng kể trường hợp cần thiết, nếu không có phép của Bản Quyền sở tại, không ai được chứng hôn cho:

1. hôn phối của những người vô gia cư;

2. hôn phối nào không thể được nhìn nhận hay cử hành theo dân luật;

3. hôn phối của những người còn bị ràng buộc bởi những nghĩa vụ tự nhiên, phát sinh do một sự phối hợp trước đó, đối với người phối ngẫu và đối với con cái;

4. hôn phối của người đã công khai bỏ Ðức Tin Công Giáo;

5. hôn phối của người đang bị án vạ;

6. hôn phối của vị thành niên, nếu cha mẹ không hay biết hoặc đã phản đối cách hợp lý;

7. hôn phối qua đại diện nói đến ở điều 1105.

(2) Bản Quyền sở tại không được phép chứng giám hôn phối của người đã công khai bỏ Ðức Tin công giáo, nếu không giữ những quy luật nói ở điều 1125 với những thích nghi cần thiết.

Ðiều 1072: Các Chủ Chăn nên giãn việc cử hành hôn phối cho những bạn trẻ chưa tới tuổi mà phong tục địa phương đã chấp nhận cho việc kết hôn.

 

Chương II: Về Những Ngăn Trở Tiêu Hôn Nói Chung

Ðiều 1073: Ngăn trở tiêu hôn làm cho người ta mất khả năng kết hôn cách hữu hiệu.

Ðiều 1074: Ngăn trở được coi là công khai khi có thể chứng minh ở tòa ngoài; đối lại là ngăn trở kín đáo.

Ðiều 1075: (1) Chỉ duy quyền bính tối cao của Giáo Hội mới có thẩm quyền tuyên bố chính thức khi nào luật Chúa cấm đoán hay tiêu hủy hôn phối.

(2) Cũng vậy, chỉ duy quyền bính tối cao của Giáo Hội mới có thẩm quyền đặt ra các ngăn trở khác dành cho những người đã chịu phép rửa tội.

Ðiều 1076: Bất cứ một tục lệ nào du nhập một ngăn trở mới hay tục lệ trái nghịch với những ngăn trở hiện hành đều bị bài bác.

Ðiều 1077: (1) Trong một trường hợp riêng, Bản Quyền sở tại có thể cấm những người thuộc quyền mình hiện cư ngụ bất cứ ở đâu, và tất cả những người hiện đang ở trong lãnh thổ riêng của mình, không được cử hành hôn phối; nhưng sự cấm đoán chỉ có tính cách tạm thời, do một lý do quan trọng và bao lâu lý do ấy kéo dài.

(2) Chỉ có quyền bính tối cao của Giáo Hội mới có thể thêm vào điều ngăn cấm một khoản tiêu hôn.

Ðiều 1078: (1) Bản Quyền sở tại có thể chuẩn mọi ngăn trở giáo luật cho những người thuộc quyền mình cư ngụ bất cứ ở đâu và tất cả những người hiện đang ở trong lãnh thổ riêng của mình, trừ những ngăn trở mà Tòa Thánh dành quyền miễn chuẩn.

(2) Những ngăn trở Tòa Thánh dành quyền miễn chuẩn:

1. ngăn trở do chức thánh hoặc do lời khấn công khai giữ khiết tịnh trọn đời trong một dòng tu thuộc luật giáo hoàng;

2. ngăn trở do tội ác nói ở điều 1090.

(3) Không bao giờ được miễn chuẩn ngăn trở do huyết tộc trực hệ hay bàng hệ cấp thứ hai.

Ðiều 1079: (1) Trong trường hợp nguy tử, Bản Quyền sở tại có thể chuẩn cho những người thuộc quyền mình cư ngụ bất cứ ở đâu, và mọi người hiện đang ở trong lãnh thổ riêng của mình, vừa về thể thức phải giữ trong việc cử hành hôn phối, vừa về tất cả và từng ngăn trở theo luật Giáo Hội, hoặc công khai hoặc kín đáo, ngoại trừ ngăn trở do chức linh mục.

(2) Trong những hoàn cảnh nói ở triệt 1, nhưng chỉ trong trường hợp không thể đến với Bản Quyền sở tại được, thì Cha Sở hay thừa tác viên thánh được ủy quyền hợp lệ, hay linh mục hoặc phó tế chứng hôn theo điều 1116, triệt 2, có năng quyền miễn chuẩn tương tự.

(3) Trong trường hợp nguy tử, cha giải tội được hưởng quyền chuẩn miễn các ngăn trở còn kín đáo, ở tòa trong, vào lúc hay ngoài lúc ban Bí Tích Thống Hối.

(4) Trong trường hợp nói ở triệt 2, được coi là không thể đến với Bản Quyền sở tại nếu chỉ có thể liên lạc bằng điện thoại hay điện tín.

Ðiều 1080: (1) Khi nào khám phá ra ngăn trở vào lúc mọi sự đã sẵn sàng làm lễ cưới, và nếu giãn hôn lễ lại cho đến khi được phép chuẩn của nhà chức trách có thẩm quyền, thì hầu chắc sẽ có nguy cơ thiệt hại nặng nề, lúc ấy, Bản Quyền sở tại có quyền miễn chuẩn tất cả các ngăn trở, trừ những gì đã liệt kê ở điều 1078, triệt 2, số 1; và nếu ngăn trở còn kín đáo, thì tất cả những người nói ở điều 1079, các triệt 2 và 3 có quyền chuẩn, miễn là giữ những điều kiện quy định ở đó.

(2) Quyền này cũng có giá trị để hữu hiệu hóa hôn phối, mà nếu giãn lại sẽ có nguy cơ như trên, và cũng không còn thời giờ để nại đến Tòa Thánh hay Bản Quyền sở tại, khi liên can đến các ngăn trở thường vốn được miễn chuẩn.

Ðiều 1081: Cha Sở hay tư tế hoặc phó tế, nói đến ở điều 1079, triệt 2, phải báo ngay cho Bản Quyền sở tại biết về ơn chuẩn đã ban ở tòa ngoài. Sự miễn chuẩn phải được ghi chú vào sổ hôn phối.

Ðiều 1082: Trừ khi phúc nghị của Tòa Ân Giải Tòa Thánh định cách khác, ơn miễn chuẩn một ngăn trở kín đáo ban ở tòa trong nhưng ngoại bí tích, cũng phải ghi vào sổ, giữ tại văn khố mật của giáo phủ. Nếu sau đó, ngăn trở thành công khai, thì không cần phải xin ơn miễn chuẩn ở tòa ngoài nữa.

 

Chương III: Những Ngăn Trở Tiêu Hôn Nói Riêng

Ðiều 1083: (1) Người nam chưa đủ 16 tuổi, người nữ chưa đủ 14 tuổi, không thể kết hôn hữu hiệu.

(2) Hội Ðồng Giám Mục có quyền ấn định tuổi lớn hơn để kết hôn hợp pháp.

Ðiều 1084: (1) Bất lực để giao hợp, có trước khi kết hôn và vĩnh viễn, hoặc về phía người nam, hoặc về phía người nữ, dù tuyệt đối, dù tương đối, tự bản tính của nó khiến cho hôn phối vô hiệu.

(2) Nếu ngăn trở bất lực có tính cách hoài nghi, dù hoài nghi về luật hay về sự kiện, thì không nên ngăn cản hôn phối hay tuyên bố vô hiệu bao lâu còn hoài nghi.

(3) Sự son sẻ không ngăn cấm cũng không tiêu hủy hôn phối, đừng kể quy định của điều 1098.

Ðiều 1085: (1) Người còn bị ràng buộc bởi một hôn nhân trước, cho dù chưa hoàn hợp, không thể kết hôn hữu hiệu.

(2) Cho dù hôn phối trước vô giá trị hay bị đoạn tiêu vì bất cứ lý do nào, nhưng không thể vì thế mà được phép kết hôn lại khi chưa biết chắc chắn và hợp lệ sự vô hiệu hoặc sự đoạn tiêu của hôn phối trước.

Ðiều 1086: (1) Hôn phối cũng vô hiệu giữa một người đã được rửa tội trong Giáo Hội công giáo hay đã được nhận vào Giáo Hội công giáo và chưa công khai bỏ Giáo Hội, với một người không rửa tội.

(2) Không được chuẩn ngăn trở này nếu chưa chu toàn những điều kiện nói đến trong các điều 1125 và 1126.

(3) Nếu vào lúc kết hôn, một bên vốn được coi là đã rửa tội hoặc có hoài nghi về sự rửa tội, thì dựa theo điều 1060, hôn phối phải được suy đoán là hữu hiệu cho đến khi nào chứng minh được cách chắc chắn là một bên đã rửa tội và một bên không được rửa tội.

Ðiều 1087: Những người đã chịu chức thánh không thể kết hôn hữu hiệu.

Ðiều 1088: Những người đã gia nhập vào một dòng tu bằng lời khấn công khai giữ khiết tịnh trọn đời cũng không thể kết hôn hữu hiệu.

Ðiều 1089: Hôn phối sẽ vô giá trị giữa người nam với người nữ bị bắt cóc hay ít ra bị giam giữ để ép buộc kết hôn, trừ khi nào sau đó, người nữ được thả ra ở một nơi an ninh và tự do, đã tự ý lựa chọn kết hôn.

Ðiều 1090: (1) Kẻ nào, với chủ ý kết hôn với một người nào đó, đã gây ra sự chết cho người phối ngẫu của người đó hay cho người phối ngẫu của mình, thì hôn phối với người đó sẽ vô hiệu.

(2) Cả những người đã cộng tác một cách thể lý hay luân lý để giết người phối ngẫu, cũng không thể kết hôn với nhau cách hữu hiệu.

Ðiều 1091: (1) Trong trực hệ, hôn phối giữa tất cả thân thuộc, dù chính thức hay tự nhiên, đều là vô hiệu.

(2) Trong bàng hệ, hôn phối vô hiệu cho đến hết cấp thứ bốn.

(3) Ngăn trở về huyết tộc không nhân cấp.

(4) Không bao giờ được cho phép kết hôn khi có hoài nghi đôi bên có cùng liên hệ huyết tộc trong bất cứ cấp nào của trực hệ hay trong cấp thứ hai của bàng hệ.

Ðiều 1092: Hôn thuộc theo trực hệ dù ở cấp bậc nào cũng tiêu hủy hôn phối.

Ðiều 1093: Ngăn trở về liêm sỉ phát sinh từ hôn phối vô hiệu sau khi đã có sự sống chung, hoặc sự tư tình công khai và hiển nhiên. Ngăn trở này tiêu hủy hôn phối trong trực hệ ở cấp thứ nhất, giữa người nam với những người có liên hệ huyết tộc với người nữ, hay ngược lại.

Ðiều 1094: Hôn phối vô hiệu giữa những người thân thuộc do dưỡng hệ đã được pháp luật nhìn nhận, trong trực hệ hay trong cấp thứ hai của bàng hệ.

 

Chương IV: Sự Ưng Thuận Kết Hôn

Ðiều 1095: Những người sau đây không có khả năng kết hôn:

1. Những người thiếu xử dụng trí khôn một cách vừa phải.

2. Những người thiếu sót trầm trọng trong sự nhận định về những quyền lợi và bổn phận thiết yếu của việc trao ban và đón nhận trong hôn nhân.

3. Những người vì lý do tâm lý, không thể đảm nhận những nghĩa vụ thiết yếu của hôn nhân.

Ðiều 1096: (1) Ðể có sự ưng thuận kết hôn, điều cần thiết là hai người kết hôn phải biết ít ra rằng: Hôn nhân là đời sống chung vĩnh viễn giữa người nam và người nữ, nhằm đến việc sinh sản con cái bằng việc giao hợp sinh lý cách nào đó.

(2) Sau tuổi dậy thì, phải suy đoán là họ đã biết những điều đó rồi.

Ðiều 1097: (1) Sự lầm lẫn về thể nhân làm cho hôn phối vô hiệu.

(2) Sự lầm lẫn về một tư cách của thể nhân, cho dù là nguyên nhân kết ước, không làm cho hôn phối vô hiệu, trừ khi tính chất này được nhằm đến cách trực tiếp và chính yếu.

Ðiều 1098: Ai kết hôn do một sự lường gạt được bày ra vì mưu chước để cho mình ưng thuận, nếu sự lường gạt ấy liên hệ đến một tư cách của người bạn, mà tự nó, tư cách này có thể làm phiền nhiễu nặng nề cuộc sống chung của vợ chồng, thì sự kết hôn vô hiệu.

Ðiều 1099: Sự lầm lẫn về đặc tính duy nhất hay bất khả phân ly hoặc về tính cách bí tích của hôn nhân, sẽ không làm sự ưng thuận hôn nhân bị hà tì, miễn là sự lầm lẫn ấy không chi phối vào ý muốn.

Ðiều 1100: Việc biết hay tưởng rằng hôn phối bị vô hiệu, không nhất thiết loại trừ sự ưng thuận hôn nhân.

Ðiều 1101: (1) Sự ưng thuận bên trong của tâm hồn được suy đoán là tương hợp với những lời lẽ và cử chỉ bộc lộ lúc kết hôn.

(2) Tuy nhiên, nếu một bên hay cả hai bên, do một hành vi tích cực của ý chí, loại bỏ chính hôn phối hay một yếu tố chính yếu nào, hoặc một đặc tính chính yếu nào của hôn phối, thì việc kết hôn vô hiệu.

Ðiều 1102: (1) Sự kết hôn với điều kiện về tương lai thì không thể hữu hiệu.

(2) Sự kết hôn với điều kiện về quá khứ hay về hiện tại thì hữu hiệu hay không tùy theo đối tượng của điều kiện đã xảy ra hay không.

(3) Tuy nhiên, điều kiện nói ở triệt 2, không thể được đặt ra cách hợp pháp, nếu không được Bản Quyền sở tại cho phép bằng giấy tờ.

Ðiều 1103: Hôn phối sẽ vô hiệu nếu được kết lập vì bạo lực hay sợ hãi trầm trọng do một duyên cớ ngoại tại, cho dù không chủ ý trực tiếp gây ra, nhưng để thoát nó, người ta bị bó buộc đành phải lựa chọn kết hôn.

Ðiều 1104: (1) Ðể kết hôn hữu hiệu, cần hai người kết ước phải hiện diện đồng thời hoặc đích thân hoặc qua một người đại diện.

(2) Ðôi bạn phải phát biểu sự ưng thuận kết hôn bằng lời nói; nếu không thể nói được, thì bằng những dấu hiệu tương đương.

Ðiều 1105: (1) Ðể có thể kết hôn hữu hiệu bằng đại diện, luật đòi buộc:

1. Phải có một ủy nhiệm thư đặc biệt để kết hôn với một người nhất định;

2. Người đại diện phải được chỉ định bởi chính người ủy nhiệm, và chính họ phải đích thân chu toàn nhiệm vụ.

(2) Ðể được hữu hiệu, ủy nhiệm thư phải được ký nhận bởi chính người ủy nhiệm, và hơn nữa, bởi Cha Sở hay bởi Bản Quyền sở tại của nơi cấp ủy nhiệm thư, hoặc bởi ít là hai nhân chứng, hoặc phải được thảo ra bằng hình thức văn kiện công chính theo luật dân sự.

(3) Nếu người ủy nhiệm không thể viết, thì phải nói rõ điều đó trong ủy nhiệm thư, và phải có thêm một người chứng nữa và người này cũng ký vào thư. Nếu không, ủy nhiệm thư sẽ vô giá trị.

(4) Nếu trước khi người đại diện kết lập hôn phối nhân danh người ủy nhiệm mà chính người này thu hồi ủy nhiệm thư hoặc trở nên mất trí, thì hôn phối sẽ vô hiệu, cho dù người đại diện hoặc người kết ước kia không hay biết gì.

Ðiều 1106: Hôn phối có thể kết lập bằng thông ngôn, nhưng Cha Sở không được chứng hôn nếu không biết chắc chắn về sự trung thành của người thông ngôn.

Ðiều 1107: Cho dù hôn phối đã cử hành cách vô hiệu vì lý do ngăn trở hay thiếu thể thức, sự ưng thuận đã cam kết phải được suy đoán là vẫn tồn tại bao lâu chưa chắc chắn về sự thu hồi.

 

Chương V: Thể Thức Cử Hành Hôn Phối

Ðiều 1108: (1) Hôn phối chỉ hữu hiệu nếu được kết lập trước mặt Bản Quyền sở tại hoặc Cha Sở, hoặc một tư tế hay phó tế được các vị ấy ủy nhiệm chứng hôn, và trước mặt hai người làm chứng; tuy nhiên, phải theo các quy luật trong các điều nói dưới đây, và tôn trọng các biệt lệ nói ở các điều 144, 1112 triệt 1, 1116 và 1127 các triệt 2 và 3.

(2) Người chứng hôn chỉ được hiểu là người hiện diện để đòi hỏi hai bên kết ước bày tỏ sự ưng thuận và, nhân danh Giáo Hội, đón nhận sự bày tỏ ấy.

Ðiều 1109: Bản Quyền sở tại và Cha Sở, nếu không bị một án lệnh hay nghị định tuyên phạt hay tuyên bố tuyệt thông, hay cấm chế, hay huyền chức, thì chiếu theo chức vụ, được chứng hôn cách hữu hiệu, trong lãnh thổ của mình, các hôn phối không những của những người thuộc quyền mà cả những người không thuộc quyền, miễn là một trong hai người kết hôn thuộc lễ điển Latinh.

Ðiều 1110: Bản Quyền sở tại và Cha Sở tòng nhân, chiếu theo chức vụ, chứng hôn cách hữu hiệu hôn phối của đôi nào mà ít ra một người là thuộc quyền mình, trong giới hạn lãnh thổ của mình.

Ðiều 1111: (1) Bản Quyền sở tại và Cha Sở, bau lâu còn hành sử chức vụ cách hữu hiệu, có thể ủy cho các tư tế và phó tế, năng quyền, kể cả năng quyền tổng quát, để chứng hôn trong phạm vi lãnh thổ của mình.

(2) Ðể việc thừa ủy năng quyền chứng hôn được hữu hiệu, cần phải xác định minh thị danh tánh những người được ủy; nếu là sự thừa ủy đặc định, thì phải xác định cụ thể hôn phối nào; nếu là sự thừa ủy tổng quát, thì phải cấp bằng giấy tờ.

Ðiều 1112: (1) Nơi nào thiếu tư tế và phó tế, Giám Mục giáo phận, sau khi được Hội Ðồng Giám Mục chấp thuận và Tòa Thánh ban phép, có thể thừa ủy cho các giáo dân được chứng hôn.

(2) Phải lựa chọn một người giáo dân xứng hợp, có khả năng huấn luyện các người sắp kết hôn, và đủ tư cách cử hành phụng vụ hôn phối cách hợp thức.

Ðiều 1113: Trước khi cấp thừa ủy đặc định, phải chu toàn tất cả những gì luật đã quy định để xác nhận tình trạng thong dong.

Ðiều 1114: Người chứng hôn sẽ hành động bất hợp pháp, nếu chính họ không chắc chắn về tình trạng thong dong của hai người kết hôn theo quy định của Giáo Luật, và nếu không có phép của Cha Sở khi có thể xin phép, trong trường hợp sự thừa ủy là tổng quát.

Ðiều 1115: Hôn phối phải được cử hành tại giáo xứ mà một trong hai người kết hôn có cư sở, bán cư sở hay nơi cư trú được một tháng; nếu là những người vô gia cư, thì tại giáo xứ mà đương sự đang ở. Hôn phối có thể cử hành ở nơi khác, khi có phép của Bản Quyền riêng hay Cha Sở riêng.

Ðiều 1116: (1) Nếu không có ai có thẩm quyền theo Giáo Luật để chứng hôn, hoặc phải gặp khó khăn lớn để đến với họ, thì những người thành tâm muốn kết hôn có thể kết ước hữu hiệu và hợp pháp trước mặt hai người làm chứng:

1. trong trường hợp nguy tử;

2. ngoài trường hợp nguy tử, miễn là tiên đoán theo sự khôn ngoan rằng tình trạng khó khăn sẽ kéo dài một tháng;

(2) Trong cả hai trường hợp ấy, nếu hiện có một tư tế hay phó tế khác có thể đến được, thì phải mời các vị đến chứng kiến việc cử hành hôn phối cùng với hai người làm chứng, tuy dù hôn phối vẫn hữu hiệu nếu chỉ cử hành trước hai người làm chứng.

Ðiều 1117: Phải giữ thể thức quy định ở trên, nếu ít là một trong hai người kết hôn đã được rửa tội trong Giáo Hội công giáo, hay đã được nhận vào Giáo Hội công giáo và chưa công khai bỏ Giáo Hội; đừng kể quy định của điều 1127, triệt 2.

Ðiều 1118: (1) Hôn phối giữa những người công giáo, hay giữa một bên là công giáo với một bên đã được rửa tội ngoài công giáo, phải được cử hành tại nhà thờ giáo xứ; nếu có phép của Bản Quyền sở tại hay Cha Sở, thì cũng có thể được cử hành trong nhà thờ hoặc nhà nguyện khác.

(2) Bản Quyền sở tại có thể có phép cử hành hôn phối tại một nơi khác xứng đáng.

(3) Hôn phối giữa một bên công giáo và một bên không rửa tội có thể được cử hành trong nhà thờ hay tại một nơi khác xứng đáng.

Ðiều 1119: Ngoài trường hợp khẩn thiết, khi cử hành hôn phối phải giữ các nghi thức đã được quy định trong các sách phụng vụ do Giáo Hội chuẩn y, hoặc được du nhập bởi các tập tục hợp lệ.

Ðiều 1120: Với sự duyệt y của Tòa Thánh, Hội Ðồng Giám Mục có thể soạn thảo nghi thức riêng về hôn phối thích ứng với các tập tục thấm nhuần tinh thần công giáo của dân chúng và địa phương. Tuy nhiên, phải bảo vệ quy luật về sự hiện diện của người chứng hôn để đòi hỏi hai người kết hôn bày tỏ sự ưng thuận và đón nhận sự bày tỏ ấy.

Ðiều 1121: (1) Sau khi cử hành hôn phối, Cha Sở ở nơi cử hành hay người thay thế Cha Sở, cho dù cả hai đã không chứng hôn, phải sớm ghi vào sổ hôn phối tên của đôi bạn, của người chứng hôn, và các nhân chứng, nơi và ngày cử hành hôn phối, theo cách thức mà Hội Ðồng Giám Mục hoặc Giám Mục giáo phận đã ban hành.

(2) Khi hôn phối được kết lập theo điều 1116, thì tư tế hay vị phó tế nếu hiện diện trong lễ cử hành, hoặc nếu không, thì các nhân chứng, có nghĩa vụ liên đới với đôi tân hôn phải báo cho Cha Sở hoặc Bản Quyền sở tại biết sớm hết sức về hôn phối đã cử hành.

(3) Ðối với hôn phối đã kết ước với phép chuẩn khỏi giữ thể thức theo giáo luật, Bản Quyền sở tại đã ban phép chuẩn phải liệu ghi chú phép chuẩn và lễ cử hành vào sổ hôn phối của phủ giáo phận và của giáo xứ riêng của phía người công giáo, tại nơi mà Cha Sở đã điều tra về tình trạng thong dong. Người phối ngẫu công giáo buộc phải trình cho Bản Quyền và Cha Sở biết sớm hết sức về hôn phối đã cử hành, cũng như về nơi cử hành và cả thể thức công khai đã giữ.

Ðiều 1122: (1) Việc kết hôn cũng phải được ghi chú vào sổ rửa tội trong đó đã ghi việc rửa tội của những người tân hôn.

(2) Nếu một người phối ngẫu đã kết hôn ở ngoài giáo xứ nơi họ rửa tội, thì Cha Sở nơi cử hành hôn phối phải thông báo sớm hết sức cho Cha Sở nơi họ đã chịu phép rửa tội.

Ðiều 1123: Mỗi lần hôn phối, hoặc được hữu hiệu hóa ở tòa ngoài, hoặc được tuyên bố vô hiệu, hoặc được tháo gỡ hợp pháp vì một lý do nào khác ngoài sự chết, thì Cha Sở nơi cử hành hôn phối phải được thông báo để ghi chú hợp lệ vào sổ hôn phối và sổ rửa tội.

 

Chương VI: Hôn Phối Hỗn Hợp

Ðiều 1124: Nếu không có phép minh thị của nhà chức trách có thẩm quyền, hôn phối bị cấm chỉ giữa hai người đã rửa tội, mà một người đã được rửa tội trong Giáo Hội công giáo, hoặc đã được nhận vào Giáo Hội công giáo sau khi rửa tội và chưa công khai bỏ Giáo Hội công giáo, với một người thuộc về một Giáo Hội hay giáo đoàn không hiệp thông hoàn toàn với Giáo Hội công giáo.

Ðiều 1125: Nếu có lý do chính đáng và hợp lý, Bản Quyền sở tại có thể ban phép ấy; tuy nhiên, đừng nên ban phép khi chưa hội đủ những điều kiện sau đây:

1. Bên công giáo phải tuyên bố sẵn sàng xa tránh mọi nguy cơ làm tổn thất Ðức Tin, và hứa thành thật sẽ làm hết mọi sự có thể để con cái được rửa tội và giáo dục trong Giáo Hội công giáo.

2. Vào lúc thuận lợi, phải cho bên kia biết những lời hứa mà người công giáo phải giữ, để chính họ được thực sự ý thức về lời hứa và bổn phận của bên công giáo.

3. Cả hai bên phải được giáo huấn về các mục đích và đặc tính cốt yếu của hôn phối, và không bên nào được loại bỏ các điều ấy.

Ðiều 1126: Hội Ðồng Giám Mục có nhiệm vụ quy định cả về cách thức làm tờ công bố và tuyên hứa mà luật đòi hỏi, lẫn về thể thức để những lời công bố và tuyên hứa ấy được bảo đảm ở tòa ngoài, và được thông báo cho bên không công giáo.

Ðiều 1127: (1) Về thể thức phải áp dụng trong hôn phối hỗn hợp, cần giữ những điều đã quy định trong điều 1108. Tuy nhiên, nếu bên công giáo kết hôn với bên không công giáo thuộc lễ điển đông phương, thì thể thức cử hành theo giáo luật chỉ buộc với tính cách hợp pháp mà thôi; còn để được hữu hiệu, cần phải có sự chứng giám của một thừa tác viên thánh, sau khi đã tuân hành những điều khác luật định.

(2) Nếu có những khó khăn trầm trọng cản trở việc tuân giữ thể thức giáo luật, thì Bản Quyền sở tại của bên công giáo có quyền chuẩn thể thức giáo luật cho từng trường hợp; tuy nhiên, ngài phải tham khảo Bản Quyền sở tại nơi cử hành hôn phối, và để hôn phối hữu hiệu, phải giữ một hình thức cử hành công khai nào đó. Hội Ðồng Giám Mục có thẩm quyền ấn định các quy luật để việc miễn chuẩn nói trên được ban cấp theo một tiêu chuẩn đồng nhất.

(3) Trước hay sau khi cử hành theo thể thức giáo luật nói ở số 1 trên, cấm không được có một cử hành tôn giáo khác, trong đó, người chứng hôn công giáo và thừa tác viên không công giáo cùng hiện diện và mỗi người tra hỏi về sự ưng thuận của đôi bạn theo nghi thức riêng của mình.

Ðiều 1128: Các Bản Quyền sở tại và các Chủ Chăn phải lo liệu cho người phối ngẫu công giáo và con cái sinh ra do hôn phối hỗn hợp được giúp đỡ về tinh thần hầu chu toàn mọi nghĩa vụ, đồng thời giúp đôi bạn bảo trì sự hiệp nhất của đời sống vợ chồng và đời sống gia đình.

Ðiều 1129: Những quy định trong các điều 1127 và 1128 cũng phải được áp dụng cho các hôn phối vướng ngăn trở dị giáo, nói đến ở điều 1086, triệt 1.

 

Chương VII: Hôn Phối Cử Hành Kín Ðáo

Ðiều 1130: Vì lý do trầm trọng và khẩn cấp, Bản Quyền sở tại có thể cho phép cử hành hôn phối cách kín đáo.

Ðiều 1131: Phép được cử hành hôn phối kín đáo bao hàm rằng:

1. Mọi cuộc điều tra phải làm trước hôn lễ đều phải diễn tiến cách kín đáo;

2. Bản Quyền sở tại, người chứng hôn, người làm chứng và những người phối ngẫu phải giữ bí mật về hôn phối đã cử hành.

Ðiều 1132: Bổn phận giữ bí mật nói đến trong điều 1131, triệt 2, không còn ràng buộc Bản Quyền sở tại nữa, nếu việc giữ bí mật sinh ra gương xấu trầm trọng hay thiệt hại nặng nề cho sự thánh thiện của hôn phối. Phải thông báo điều đó cho đôi bạn trước khi cử hành hôn phối.

Ðiều 1133: Hôn phối được cử hành kín đáo phải được ghi vào sổ riêng, lưu trữ trong văn khố mật của giáo phủ.

 

Chương VIII: Những Hiệu Quả Của Hôn Nhân

Ðiều 1134: Do hôn phối hữu hiệu, giữa vợ chồng phát sinh một mối dây ràng buộc vĩnh viễn và độc nhất tự bản chất. Ngoài ra trong hôn phối Kitô giáo, do một bí tích riêng biệt, vợ chồng được củng cố và như thể được thánh hiến nhằm tới thiên chức và những trách nhiệm của bậc sống.

Ðiều 1135: Cả hai vợ chồng đều có nhiệm vụ và quyền lợi bằng nhau trong tất cả những gì liên hệ đến đời sống chung của vợ chồng.

Ðiều 1136: Cha mẹ có trách nhiệm rất nặng nề và quyền lợi nguyên ủy phải hết sức chăm lo việc giáo dục con cái về thể lý, xã hội và văn hóa, về luân lý và tôn giáo.

Ðiều 1137: Những con cái được thụ thai hoặc sinh ra do hôn phối hữu hiệu hay giả định đều là con cái hợp thức.

Ðiều 1138: (1) Người cha là kẻ được hôn nhân chính đáng chỉ định, trừ khi có những lý chứng hiển nhiên chứng minh ngược lại.

(2) Ðược suy đoán là con hợp thức, những đứa con sinh ra tối thiểu 180 ngày sau lễ thành hôn, hay trong vòng 300 ngày sau khi đời sống vợ chồng tan rã.

Ðiều 1139: Các con bất hợp thức được hợp thức hóa do hôn phối của cha mẹ được kết lập sau đó, dù là hữu hiệu hay giả định, hoặc do một phúc nghị của Tòa Thánh.

Ðiều 1140: Các con cái được hợp thức hóa được đồng hóa với các con cái hợp thức về mọi công hiệu giáo luật, trừ khi luật minh thị dự liệu cách khác.

 

Chương IX: Sự Phân Ly Vợ Chồng

Mục 1: Việc Tháo Gỡ Dây Hôn Phối

Ðiều 1141: Hôn phối thành nhận và hoàn hợp không thể bị tháo gỡ bởi một quyền bính nhân loại hay một nguyên do nào, ngoài sự chết.

Ðiều 1142: Hôn phối bất hoàn hợp giữa những người đã lĩnh bí tích rửa tội, hay giữa một người đã được rửa tội với một người không được rửa tội, có thể được tháo gỡ bởi Ðức Giáo Hoàng khi có lý do chính đáng, do lời thỉnh cầu của cả hai bên hay của một bên, dù bên kia phản đối.

Ðiều 1143: (1) Hôn phối kết ước giữa hai người không được rửa tội được tháo gỡ bởi đặc ân Thánh Phaolô nhằm ích lợi Ðức Tin của bên đã lĩnh Bí Tích Rửa Tội, do chính sự kiện là người đã được rửa tội kết lập hôn phối mới, miễn là người không rửa tội đã đoạn tuyệt với họ.

(2) Hiểu là đoạn tuyệt khi người không rửa tội không muốn chung sống với người đã lĩnh Bí Tích Rửa Tội, hay không muốn chung sống thuận hòa mà không xúc phạm tới Ðấng Tạo Hóa; đừng kể khi nào người đã được rửa tội, sau khi lãnh nhận bí tích, đã gây cho bên kia một duyên cớ chính đáng để đoạn tuyệt.

Ðiều 1144: (1) Ðể người đã được rửa tội có thể tái hôn cách hữu hiệu, luôn luôn cần phải chất vấn người không rửa tội, xem rằng:

1. họ có muốn lĩnh phép rửa tội không;

2. họ có muốn ít ra chung sống thuận hòa với người đã được rửa tội và không xúc phạm tới Ðấng Tạo Hóa không.

(2) Sự chất vấn như vậy được thực hiện sau khi rửa tội. Vì lý do quan trọng, Bản Quyền sở tại có thể cho phép thực hiện sự chất vấn trước khi rửa tội, hay kể cả miễn chuẩn việc chất vấn hoặc trước hoặc sau khi rửa tội, miễn là ngài thấy rõ ràng, ít là sau một thủ tục đơn giản ngoại tố tụng, rằng việc chất vấn không thể thực hiện được, hay sẽ vô ích.

Ðiều 1145: (1) Thường lệ, việc chất vấn được thực hiện do quyền hành của Bản Quyền sở tại của người đã trở lại đạo. Nếu bên kia xin, ngài có thể cho khoan giãn một thời hạn để trả lời; nhưng phải nói cho họ biết, nếu thời hạn trôi qua vô ích thì sự yên lặng của họ được coi như trả lời tiêu cực.

(2) Nếu không thể giữ được thể thức truyền buộc như trên, thì việc chất vấn được thực hiện cách riêng tư do chính bên đã trở lại cũng hữu hiệu và hợp pháp nữa.

(3) Trong cả hai trường hợp, việc chất vấn và phúc đáp phải được minh xác hợp lệ ở tòa ngoài.

Ðiều 1146: Người đã chịu phép rửa tội có quyền tái hôn với một người công giáo:

1. nếu bên kia trả lời sự chất vấn cách tiêu cực, hay sự chất vấn đã được bỏ qua cách hợp pháp;

2. nếu bên không rửa tội, dù đã được chất vấn hay không, lúc đầu tiếp tục chung sống thuận hòa không xúc phạm tới Ðấng Tạo Hóa; nhưng sau đó, lại đoạn tuyệt khi không có lý do chính đáng; tuy nhiên, phải giữ các quy định của các điều 1144 và 1145.

Ðiều 1147: Tuy nhiên, khi có lý do quan trọng, Bản Quyền sở tại có thể ban cho người đã được rửa tội và hưởng đặc ân Phaolô, được phép kết hôn với một người ngoài công giáo, dù đã được rửa tội hay không, nhưng phải giữ những điều truyền luật định về hôn phối hỗn hợp.

Ðiều 1148: (1) Một người nam chưa được rửa tội có nhiều vợ cũng không được rửa tội, sau khi lãnh Bí Tích Rửa Tội trong Giáo Hội công giáo, nếu khó sống mãn đời với người vợ thứ nhất, thì ông có thể chọn sống với một trong các bà vợ và bỏ những bà khác. Ðiều này cũng có giá trị cho một người nữ chưa được rửa tội mà có một lúc nhiều chồng không được rửa tội.

(2) Trong những trường hợp nói ở triệt 1, sau khi đã lĩnh Bí Tích Rửa Tội, hôn phối phải được kết lập theo thể thức hợp lệ, và nếu cần, còn phải giữ những quy định về hôn phối hỗn hợp và những điều khác theo luật.

(3) Sau khi đã thẩm định về điều kiện luân lý, xã hội, kinh tế của địa phương và nhân sự, Bản Quyền sở tại phải lo liệu đêå người vợ cả và những người vợ khác bị rẫy, được chu cấp theo lẽ phải bác ái Kitô giáo, và sự công bình tự nhiên.

Ðiều 1149: Một người chưa rửa tội, sau khi đã lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội trong Giáo Hội công giáo và không có thể lặp lại đời sống chung với người phối ngẫu không rửa tội vì lý do tù đày hay bắt bớ, thì có thể kết lập một hôn phối khác, cho dù trong thời gian ấy người phối ngẫu kia cũng đã lĩnh Bí Tích Rửa Tội, miễn là giữa điều 1141.

Ðiều 1150: Trong trường hợp hồ nghi, pháp luật suy đoán thuận lợi cho đặc ân Ðức Tin.

 

Mục 2: Sự Ly Thân

Ðiều 1151: Ðôi bạn có bổn phận và quyền lợi duy trì đời sống chung vợ chồng, trừ khi được miễn chước vì một lý do hợp lệ.

Ðiều 1152: (1) Mặc dù phải thiết tha khuyên nhủ người phối ngẫu, vì bác ái Kitô giáo thúc đẩy và vì lợi ích gia đình đòi hỏi, không nên khước từ việc tha thứ cho người bạn ngoại tình và đừng để tan vỡ đời sống vợ chồng, tuy nhiên, nếu họ không minh thị hay mặc nhiên tha thứ lỗi lầm ấy, thì họ có quyền tháo gỡ đời sống chung vợ chồng, trừ khi chính họ đã chấp nhận việc ngoại tình, hay đã gây nguyên cớ ngoại tình, hay cũng đã phạm tội ngoại tình.

(2) Sự tha thứ mặc nhiên xảy ra khi người phối ngẫu vô tội, sau khi biết rõ bên kia ngoại tình, vẫn tự nguyện sống thân mật với người đó. Sự tha thứ được suy đoán nếu trong vòng sáu tháng, họ vẫn giữ đời sống chung vợ chồng và không khiếu nại với quyền bính Giáo Hội hay dân sự.

(3) Nếu người phối ngẫu vô tội đã tự ý tháo gỡ đời sống chung vợ chồng, thì trong vòng sáu tháng, phải trình nguyên cớ ly thân lên nhà chức trách Giáo Hội có thẩm quyền. Sau khi đã cân nhắc mọi hoàn cảnh, Giáo Quyền phải liệu xem có thể thuyết phục người phối ngẫu vô tội tha thứ lỗi lầm và đừng kéo dài việc ly thân vĩnh viễn.

Ðiều 1153: (1) Nếu một trong hai người phối ngẫu gây nguy hiểm nặng nề, hoặc về phần hồn, hoặc về phần xác cho người kia hoặc cho con cái, hay nếu làm cho đời sống chung trở nên quá cơ cực, thì người kia có lý do hợp lệ để xin Bản Quyền sở tại cho phép ly thân. Nếu thấy sự khoan giãn sẽ có nguy hiểm, thì chính Bản Quyền có thể tự tiện cho phép ấy.

(2) Trong mọi trường hợp, khi nguyên cớ ly thân đã chấm dứt, thì phải tái lập đời sống vợ chồng, trừ khi giáo quyền ấn định thể khác.

Ðiều 1154: Một khi đã thực hiện việc ly thân, phải luôn luôn dự liệu một cách thích hợp về việc chu cấp và giáo dục con cái theo lẽ phải.

Ðiều 1155: Người phối ngẫu vô tội có thể đón nhận người kia trở về đời sống vợ chồng, và là điều rất tán thưởng. Trong trường hợp đó, họ khước từ quyền ly thân.

 

Chương X: Sự Hữu Hiệu Hóa Hôn Phối

Mục 1: Sự Hữu Hiệu Hóa Ðơn Thường

Ðiều 1156: (1) Ðể hữu hiệu hóa hôn nhân vô hiệu do một ngăn trở tiêu hôn, thì cần là ngăn trở đã chấm dứt hay được miễn chuẩn và phải lặp lại sự ưng thuận ít ra về phía người biết có ngăn trở.

(2) Việc lặp lại ấy được luật Giáo Hội yêu sách như điều kiện hữu hiệu cho sự hữu hiệu hóa, cho dù lúc ban đầu hai người đã bày tỏ sự ưng thuận và sau đó không rút lại.

Ðiều 1157: Việc lặp lại sự ưng thuận phải là một hành vi mới của ý muốn kết hôn, do người biết chắc hoặc tưởng nghĩ rằng hôn phối đã vô hiệu ngay từ đầu.

Ðiều 1158: (1) Nếu sự ngăn trở là công khai, thì đôi bên phải lặp lại sự ưng thuận theo thể thức giáo luật, tuy vẫn bảo toàn giá trị của quy định ở điều 1127, triệt 2.

(2) Nếu ngăn trở không thể chứng minh được, thì chỉ cần lặp lại sự ưng thuận cách riêng tư và kín đáo bởi người bạn nào biết có sự ngăn trở, miễn là người bạn kia còn giữ vững sự ưng thuận đã bày tỏ; hoặc bởi cả hai người, nếu cả hai người đều biết có sự ngăn trở.

Ðiều 1159: (1) Hôn phối vô hiệu vì thiếu sự ưng thuận được hữu hiệu hóa nếu người bạn trước đây không ưng thuận đã tỏ dấu ưng thuận, miễn là người bạn kia còn giữ vững sự ưng thuận đã bày tỏ.

(2) Nếu sự thiếu ưng thuận không thể chứng minh được, thì chỉ cần người bạn đã không ưng thuận bày tỏ sự ưng thuận cách riêng tư và kín đáo.

(3) Nếu sự thiếu ưng thuận có thể chứng minh được, thì việc bày tỏ sự ưng thuận phải được thực hiện theo thể thức giáo luật.

Ðiều 1160: Hôn phối vô hiệu vì thiếu thể thức, để được hữu hiệu, cần phải kết lập lại theo thể thức giáo luật, tuy vẫn duy trì giá trị của quy định ở điều 1127, triệt 2.

 

Mục 2: Sự Ðiều Trị Tại Căn

Ðiều 1161: (1) Sự điều trị tại căn một hôn phối là việc hữu hiệu hóa hôn phối ấy mà không phải lặp lại sự ưng thuận, do nhà chức trách có thẩm quyền ban cấp; nó bao hàm việc chuẩn ngăn trở, nếu có, chuẩn thể thức giáo luật, nếu đã không giữ; cũng như hồi tố các hiệu quả giáo luật của hôn phối về quá khứ.

(2) Việc hữu hiệu hóa có hiệu lực kể từ lúc ban đặc ân. Sự hồi tố được hiểu là bao trùm cho đến lúc cử hành hôn phối, đừng kể khi đã minh thị dự liệu cách khác.

(3) Chỉ được ban sự trị liệu tại căn khi có hy vọng đôi bạn muốn duy trì đời sống vợ chồng.

Ðiều 1162: (1) Hôn phối không thể được điều trị tại căn, nếu cả hai hay một trong hai người bạn đã thiếu sự ưng thuận ngay tự ban đầu, hoặc lúc đầu đã bày tỏ nhưng về sau đã rút lại.

(2) Nếu quả thật sự ưng thuận đã thiếu ngay từ đầu nhưng về sau đã bày tỏ, thì có thể cho trị liệu kể từ lúc bày tỏ sự ưng thuận.

Ðiều 1163: (1) Hôn phối bị vô hiệu vì ngăn trở hay vì thiếu thể thức hợp lệ có thể được trị liệu, miễn là đôi bạn còn giữ vững sự ưng thuận.

(2) Hôn phối bị vô hiệu vì một ngăn trở theo luật tự nhiên hay luật Thiên Chúa thiết định, chỉ có thể được điều trị khi ngăn trở đã chấm dứt.

Ðiều 1164: Việc điều trị có thể được ban cách hữu hiệu cả khi một trong hai, hay cả đôi bạn không hay biết; nhưng chỉ nên ban khi có lý do quan trọng.

Ðiều 1165: (1) Việc điều trị tại căn có thể được ban do Tòa Thánh.

(2) Việc điều trị tại căn có thể được ban do Giám Mục giáo phận trong từng trường hợp, cho dù khi có nhiều lý do vô hiệu quy tụ trong cùng một hôn phối. Việc điều trị hôn phối hỗn hợp chỉ được ban khi đã hội đủ những điều kiện nói đến trong điều 1125. Tuy nhiên, Giám Mục giáo phận không thể ban điều trị tại căn, nếu hôn phối mắc một ngăn trở mà Tòa Thánh dành riêng việc miễn chuẩn theo điều 1078, triệt 2; hoặc một ngăn trở theo luật tự nhiên hay luật Thiên Chúa thiết định, dù ngăn trở đã chấm dứt.

 

(Nhóm Dịch Thuật Việt ngữ Bộ Giáo Luật)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page