Bộ Giáo Luật

The Code of Canon Law

Bản dịch việt ngữ của:

Ðức Ông Nguyễn Văn Phương, Linh Mục Phan Tấn Thành, Linh Mục Vũ Văn Thiện, Linh Mục Mai Ðức Vinh

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Quyển IV:

Nhiệm Vụ Thánh Hóa Của Giáo Hội

Phần I: Các Bí Tích

Thiên 4:

Bí Tích Thống Hối

 

Ðiều 959: Trong Bí Tích Thống Hối, những tín hữu nào thú tội với một thừa tác viên hợp pháp, hối hận về những tội ấy và dốc lòng sửa mình, thì được Thiên Chúa tha thứ những tội đã phạm sau khi chịu Bí Tích Rửa Tội, qua sự xá giải do tác viên ấy ban, và đồng thời họ được giao hòa với Giáo Hội mà họ đã làm tổn thương khi phạm tội.

 

Chương I: Việc Cử Hành Bí Tích

Ðiều 960: Việc thú tội cá nhân và toàn vẹn cùng với việc xá giải cấu tạo nên phương cách duy nhất và thông thường, nhờ đó người tín hữu ý thức mình có tội nặng được hòa giải với Thiên Chúa và Giáo Hội. Chỉ sự bất khả kham về thể lý hay luân lý mới chuẩn khỏi cách thú tội như vậy; trường hợp ấy, người ta có thể lãnh ơn hòa giải bằng những cách khác.

Ðiều 961: (1) Không thể ban ơn xá giải chung một trật cho nhiều người khi chưa có việc xưng tội cá nhân trước. Trừ ra:

1. khi gần cơn nguy tử và một linh mục hay nhiều linh mục không đủ thời giờ nghe từng hối nhân xưng tội;

2. khi có sự khẩn thiết trầm trọng, nghĩa là, khi nào xét vì số đông hối nhân và không có đủ cha giải tội để nghe từng người xưng tội hợp lệ trong một thời gian thích đáng, đến nỗi vì vậy mà các hối nhân không phải lỗi tại họ đành thiệt mất ơn Bí Tích xá giải hay ơn rước lễ trong một thời gian lâu dài. Tuy nhiên, không được coi là có sự khẩn thiết thực sự, khi không có đủ các cha giải tội chỉ nguyên vì lý do hối nhân đông đảo, như có thể xảy ra trong một vài đại lễ hay hành hương.

(2) Giám Mục giáo phận có thẩm quyền nhận định về những điều kiện đòi hỏi ở triệt 1, số 2. Sau khi xét đến các tiêu chuẩn đã thỏa thuận với các thành viên khác của Hội Ðồng Giám Mục, ngài có thể xác định những trường hợp nào được coi là khẩn thiết.

Ðiều 962: (1) Ðể hưởng cách hữu hiệu ơn xá giải ban một trật cho nhiều người, các tín hữu không những phải có tâm tình thích đáng, nhưng còn phải dốc lòng cách riêng sẽ đi xưng vào lúc thuận tiện các tội nặng mà trong lúc này không thể xưng được.

(2) Trong tầm mức có thể, kể cả vào chính lúc ban ơn xá giải chung, phải dạy cho tín hữu bổn phận nói ở triệt 1; và trước khi ban ơn xá giải chung, cho dù là trong trường hợp nguy tử, nếu thời giờ cho phép, phải mời gọi mỗi người giục lòng thống hối.

Ðiều 963: Ðừng kể bổn phận nói ở điều 989, ai đã được tha các tội trọng nhờ việc xá giải chung phải đi xưng tội cá nhân vào dịp nào sớm nhất, trước khi lãnh nhận ơn xá giải chung lần nữa, nếu không xảy đến một lý do chính đáng khác.

Ðiều 964: (1) Nơi dành riêng để xưng tội là nhà thờ hay nhà nguyện.

(2) Hội Ðồng Giám Mục phải ra những quy luật liên hệ đến tòa giải tội, liệu sao để có tòa giải tội đặt nơi công khai và với một vách ngăn giữa hối nhân và cha giải tội, ngõ hầu các tín hữu có thể tự do đến tòa giải tội khi họ muốn.

(3) Không được nhận xưng tội ở ngoài tòa giải tội, trừ khi có lý do chính đáng.

 

Chương II: Thừa Tác Viên Bí Tích Thống Hối

Ðiều 965: Chỉ duy tư tế mới là thừa tác viên của Bí Tích Thống Hối.

Ðiều 966: (1) Ðể việc xá giải được hữu hiệu, luật đòi hỏi thừa tác viên, ngoài quyền thánh chức, còn phải hưởng năng quyền thi hành quyền thánh chức ấy đối với các tín hữu mà ngài ban ơn xá giải.

(2) Linh mục có thể lãnh nhận năng quyền này hoặc do chính luật, hoặc do nhà chức trách có thẩm quyền cấp ban theo quy tắc của điêàu 969.

Ðiều 967: (1) Ngoài Ðức Giáo Hoàng ra, các Hồng Y được hưởng, theo luật, năng quyền giải tội đối với các tín hữu ở mọi nơi; các Giám Mục cũng được hưởng năng quyền như vậy, và được xử dụng năng quyền cách hợp pháp ở mọi nơi, trừ khi Giám Mục giáo phận phản đối trong một trường hợp cụ thể.

(2) Ai được hưởng năng quyền giải tội, hoặc do chức vụ hoặc do Bản Quyền sở tại nơi mình nhập tịch hay nơi mình cư trú, ban cấp, thì có thể xử dụng năng quyền ấy ở mọi nơi, trừ khi Bản Quyền sở tại ở một nơi nào phản đối trong một trường hợp cụ thể, miễn là tuân hành các quy định của điều 974, triệt 2 và triệt 3.

(3) Ai được hưởng năng quyền giải tội do chức vụ hay sự ban cấp của Bề Trên có thẩm quyền dựa theo các điều 968, triệt 2 và 969, triệt 2, cũng được quyền giải tội, theo luật, cho các phần tử và những người khác cư ngụ ngày đêm trong nhà của một dòng tu hay tu đoàn, và họ có thể xử dụng năng quyền ấy cách hợp pháp, trừ khi có Bề Trên cao cấp phản đối trong một trường hợp cụ thể đối với những người thuộc cấp của mình.

Ðiều 968: (1) Bản Quyền sở tại, kinh sĩ xá giải, cũng như các Cha Sở và những người khác thế Cha Sở được hưởng năng quyền giải tội do chức vụ, trong phạm vi lãnh thổ của họ.

(2) Các Bề Trên dòng tu hoặc tu đoàn tông đồ, nếu là dòng giáo sĩ thuộc luật giáo hoàng và có quyền cai trị hành pháp chiếu theo hiến pháp, thì được hưởng năng quyền giải tội, do chức vụ, trên tất cả những người thuộc quyền và những người cư ngụ ngày đêm trong nhà, tuy vẫn phải giữ quy định của điều 630, triệt 4.

Ðiều 969: (1) Duy Bản Quyền sở tại mới có thẩm quyền ban cấp cho bất cứ linh mục nào được năng quyền giải tội cho bất cứ tín hữu nào. Tuy nhiên, các linh mục thuộc dòng tu không nên xử dụng năng quyền ấy nếu không có phép của Bề Trên, ít là cách suy đoán.

(2) Bề Trên của dòng tu hoặc tu đoàn tông đồ nói ở điều 968, triệt 2, có thẩm quyền ban cho bất cứ linh mục nào được hưởng năng quyền giải tội cho những người thuộc cấp của mình và những người khác cư ngụ ngày đêm trong nhà.

Ðiều 970: Năng quyền giải tội chỉ được cấp cho những linh mục được coi là có khả năng qua việc khảo hạch hoặc đã rõ bằng cách nào khác.

Ðiều 971: Bản Quyền sở tại không được cấp năng quyền giải tội thường xuyên cho một linh mục, cho dù linh mục ấy có cư sở hay bán cư sở trong lãnh thổ của mình, trước khi tham khảo ý kiến với Bản Quyền của linh mục ấy, tùy theo tầm mức có thể.

Ðiều 972: Nhà chức trách có thẩm quyền nói ở điều 969 có thể cấp năng quyền giải tội với thời gian có hạn định hay vô hạn định.

Ðiều 973: Năng quyền giải tội thường xuyên phải được cấp bằng giấy tờ.

Ðiều 974: (1) Bản Quyền sở tại cũng như Bề Trên có thẩm quyền không nên thu hồi năng quyền giải tội thường xuyên đã cấp nếu không có lý do quan trọng.

(2) Một khi năng quyền giải tội bị thu hồi bởi chính Bản Quyền sở tại đã cấp theo điều 967, triệt 2, thì linh mục mất năng quyền ở mọi nơi. Còn khi năng quyền giải tội bị thu hồi bởi Bản Quyền địa phương khác, thì linh mục chỉ mất năng quyền trong lãnh thổ của Bản Quyền ấy thôi.

(3) Bất cứ Bản Quyền sở tại nào thu hồi năng quyền giải tội của một linh mục, thì phải báo cho Bản Quyền riêng nơi linh mục nhập tịch, hoặc cho Bề Trên có thẩm quyền nếu linh mục ấy là một phần tử của dòng tu.

(4) Một khi bị Bề Trên cao cấp riêng của mình thu hồi năng quyền giải tội, thì linh mục mất năng quyền giải tội ở mọi nơi đối với các phần tử của dòng tu; còn khi bị một Bề Trên khác có thẩm quyền thu hồi, thì linh mục chỉ mất năng quyền giải tội đối với các tu sĩ thuộc cấp của Bề Trên ấy.

Ðiều 975: Ngoại trừ trường hợp bị thu hồi, năng quyền giải tội nói ở điều 967 triệt 2 còn bị chấm dứt khi mãn chức vụ hay khi xuất tịch hoặc đổi cư sở.

Ðiều 976: Bất cứ tư tế nào, dù không có năng quyền giải tội, vẫn xá hết các tội và vạ cách hữu hiệu và hợp pháp cho mọi hối nhân lâm cơn nguy tử, cho dù lúc ấy có sự hiện diện của một linh mục được chuẩn nhận.

Ðiều 977: Sự xá giải cho đồng lõa về tội phạm điều răn thứ sáu thì vô hiệu, đừng kể khi nguy tử.

Ðiều 978: (1) Tư tế phải nhớ rằng: khi giải tội, ngài đóng vai thẩm phán và y sĩ, ngài được Thiên Chúa đặt làm thừa tác viên vừa của công lý và vừa của lòng từ bi của Chúa, ngõ hầu làm vinh danh Chúa và cứu rỗi các linh hồn.

(2) Khi ban bí tích, cha giải tội, vì là thừa tác viên của Giáo Hội, phải gắn bó trung thành với giáo huấn của Giáo Hội và các quy luật do nhà chức trách có thẩm quyền ban hành.

Ðiều 979: Khi đặt các câu hỏi, tư tế phải khôn ngoan và thận trọng để ý đến điều kiện và tuổi tác của hối nhân; lại phải tránh hỏi tên của đồng lõa.

Ðiều 980: Nếu không có gì hoài nghi về sự thành tâm của hối nhân và đương sự xin ơn xá giải, thì cha giải tội không được khoan giãn hay từ chối việc xá giải.

Ðiều 981: Tùy theo tính chất và số lượng của tội, và cũng tùy theo hoàn cảnh của hối nhân, cha giải tội phải ra việc đền tội hữu ích và cân xứng. Hối nhân có bổn phận đích thân thi hành việc đền tội.

Ðiều 982: Ai thú nhận đã cáo gian cho giải tội ngay lành trước giáo quyền về tội quyến dũ phạm điều răn thứ sáu, thì chỉ được xá giải sau khi đã minh thị rút lại lời cáo gian và bồi thường thiệt hại nếu có.

Ðiều 983: (1) Ấn tích giải tội là điều bất khả vi phạm; do đó, tuyệt đối cấm chỉ cha giải tội không được tiết lộ về hối nhân bằng lời nói hay bằng cách nào khác, và vì bất cứ lý do gì.

(2) Nghĩa vụ phải giữ bí mật buộc cả những người thông ngôn nếu có, và mọi người khác, vì một cách nào đó, đã nghe biết các tội khi hối nhân xưng trong tòa.

Ðiều 984: (1) Tuyệt đối cấm chỉ cha giải tội không được xử dụng những điều biết được trong tòa giải tội để làm hại hối nhân, cho dù không có nguy cơ tiết lộ.

(2) Những người cầm quyền không bao giờ được dùng vào việc cai trị ở tòa ngoài những điều nghe biết trong tòa giải tội bất cứ vào thời gian nào.

Ðiều 985: Giám tập và người phụ tá, giám đốc của chủng viện hay của một cơ sở giáo dục nào khác, không được phép giải tội cho các học sinh trọ trong cùng một nhà, trừ khi học sinh tự ý yêu cầu trong những trường hợp riêng.

Ðiều 986: (1) Tất cả những người có trách nhiệm coi sóc các linh hồn buộc phải dự liệu cho giáo dân của mình được xưng tội mỗi khi họ yêu cầu cách hợp lý; lại phải ấn định ngày và giờ thuận lợi để họ tùy tiện đến xưng tội riêng.

(2) Trong trường hợp khẩn cấp, bất cứ cha giải tội nào cũng buộc phải giải tội cho tín hữu; và trong lúc nguy tử, bất cứ tư tế nào cũng buộc phải giải tội.

 

Chương III: Hối Nhân

Ðiều 987: Ðể lãnh nhận linh dược cứu rỗi của Bí Tích Thống Hối, tín hữu phải thành tâm từ bỏ những tội đã phạm và quyết chí sửa mình, trở về với Thiên Chúa.

Ðiều 988: (1) Tín hữu buộc xưng thú, sau khi xét mình kỹ lưỡng, hết mọi tội nặng, theo từng loại và số, mà mình ý thức đã sa phạm sau khi chịu phép Rửa Tội mà chưa được trực tiếp tha thứ bởi quyền tháo gỡ của Giáo Hội hoặc chưa thú nhận trong việc xưng tội riêng.

(2) Tín hữu được khuyến khích nên xưng hết cả những tội nhẹ nữa.

Ðiều 989: Mọi tín hữu, sau khi đã đến tuổi khôn, buộc phải xưng kỹ càng các tội trọng ít là mỗi năm một lần.

Ðiều 990: Không cấm xưng tội bằng thông ngôn, miễn là phải tránh mọi lạm dụng, gương xấu, và giữ quy định của điều 983, triệt 2.

Ðiều 991: Mọi tín hữu được toàn quyền xưng tội với một cha giải tội được chuẩn nhận hợp lệ mà họ ưng ý, tuy dù vị ấy thuộc lễ điển khác.

 

Chương IV: Các Ân Xá

Ðiều 992: Ân xá là sự tháo giải trước mặt Chúa các hình phạt thế tạm vì các tội lỗi đã được xóa bỏ. Người tín hữu dọn mình xứng đáng và thi hành ít nhiều điều kiện đã chỉ định thì được hưởng ơn tha thứ ấy nhờ sự trung gian của Giáo Hội. Với tư cách thừa tác viên ơn cứu chuộc, Giáo Hội dùng quyền phân phát và áp dụng kho tàng đền tạ của Chúa Kitô và các Thánh.

Ðiều 993: Ân xá là toàn phần hay từng phần, tùy theo sự giải thoát hình phạt thế tạm vì tội lỗi là hoàn toàn hay chỉ một phần.

Ðiều 994: Mọi tín hữu đều có thể hưởng ân xá toàn phần hay từng phần, hoặc cho chính mình hoặc để chuyển cầu cho những người đã qua đời.

Ðiều 995: (1) Ngoại trừ thẩm quyền tối cao của Giáo Hội, chỉ những ai được giáo luật nhìn nhận hay được Ðức Giáo Hoàng cấp quyền riêng mới có thể ban các ân xá.

(2) Không quyền bính nào dưới Ðức Giáo Hoàng có thể cấp cho người khác quyền ban ân xá, nếu không được Tòa Thánh minh định dành cho một đặc quyền ấy.

Ðiều 996: (1) Ðể có năng cách hưởng ân xá, cần phải là người đã rửa tội, không bị vạ tuyệt thông, sống trong tình trạng ân sủng ít là vào lúc kết thúc công tác phải làm.

(2) Tuy nhiên, để đương sự có năng cách được thực thụ hưởng ân xá, cần phải có ý định muốn thủ đắc ân xá và thi hành những công tác vào thời gian và theo cách thức mà giáo quyền đã định.

Ðiều 997: Ngoài ra, để ban ân xá và hưởng dùng ân xá, còn phải tuân giữ những quy định khác trong luật riêng của Giáo Hội.

 

(Nhóm Dịch Thuật Việt ngữ Bộ Giáo Luật)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page