Bộ Giáo Luật
The Code of Canon Law
Bản dịch việt ngữ của:
Ðức Ông Nguyễn Văn Phương, Linh Mục Phan Tấn Thành, Linh Mục Vũ Văn Thiện, Linh Mục Mai Ðức Vinh
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Quyển III:
Nhiệm Vụ Giáo Huấn Của Giáo Hội
Thiên 4:
Các Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội
Và Ðặc Biệt Về Sách Báo
Ðiều 822: (1) Trong khi hành sử một quyền lợi riêng của Giáo Hội để chu toàn phận vụ, các vị Chủ Chăn trong Giáo Hội hãy cố gắng xử dụng các phương tiện truyền thông xã hội.
(2) Chính các vị Chủ Chăn phải giải thích cho các tín hữu về bổn phận phải cộng tác để việc xử dụng các phương tiện truyền thông được hướng dẫn theo tinh thần nhân bản và Kitô Giáo.
(3) Hết mọi tín hữu, nhất là những ai, bằng cách nào đó, tham gia vào việc tổ chức hay xử dụng các phương tiện ấy, phải lưu tâm cộng tác vào sinh hoạt mục vụ, để nhờ đó, Giáo Hội chu toàn sứ mạng của mình cách đắc lực hơn.
Ðiều 823: (1) Ðể bảo vệ sự nguyên tuyền của các chân lý Ðức Tin và của phong hóa, các vị Chủ Chăn trong Giáo Hội có quyền lợi và nhiệm vụ kiểm soát để các sách báo hay việc xử dụng các phương tiện truyền thông xã hội không phương hại đến Ðức Tin và phong hóa của các tín hữu. Do đó, các chủ chăn có quyền đòi kiểm duyệt các sách báo do các tín hữu sẽ xuất bản có liên quan đến Ðức Tin và phong hóa. Cũng vậy, các ngài có quyền lên án những sách báo làm tổn hại đến Ðức Tin chân chính và phong hóa lành mạnh.
(2) Bổn phận và quyền lợi nói ở triệt 1 thuộc các Giám Mục, xét riêng rẽ hay hội lại thành Công Ðồng địa phương hoặc Hội Ðồng Giám Mục, đối với các tín hữu được trao phó cho các ngài chăm lo. Bổn phận và quyền lợi ấy thuộc về quyền bính tối cao của Giáo Hội đối với toàn thể dân Chúa.
Ðiều 824: (1) Nếu không được dự liệu cách khác, Bản Quyền sở tại cho phép hay chuẩn y những sách báo xuất bản theo các điều luật trong thiên này, là Bản Quyền sở tại riêng của tác giả hoặc Bản Quyền sở tại ở nơi xuất bản những sách báo ấy.
(2) Những điều quy định về sách báo trong các điều luật của thiên này, cũng phải được áp dụng cho tất cả các tài liệu nhắm phổ biến công cộng, trừ khi đã rõ cách nào khác.
Ðiều 825: (1) Cần phải có sự phê chuẩn của Tòa Thánh hay của Hội Ðồng Giám Mục mới được ấn hành các sách Thánh Kinh. Ðể ấn hành các bản dịch Thánh Kinh ra tiếng địa phương, cần phải được sự phê chuẩn như trên, và đồng thời phải có những chú giải đầy đủ và cần thiết.
(2) Với phép của Hội Ðồng Giám Mục, các tín hữu công giáo cũng có thể hợp tác và xuất bản các bản dịch Thánh Kinh, với những chú giải xứng hợp, chung với anh em ly khai.
Ðiều 826: (1) Những điều liên hệ đến các sách phụng vụ, phải theo điều luật 838.
(2) Muốn in lại các sách phụng vụ, hay một phần các sách phụng vụ, cũng như bản dịch ra tiếng địa phương, cần phải được Bản Quyền sở tại nơi xuất bản chứng nhận là phù hợp với bản chính.
(3) Muốn in các sách kinh nguyện giáo dân, dùng chung hay riêng, phải có phép của Bản Quyền sở tại.
Ðiều 827: (1) Ðừng kể những quy định của điều 775 triệt 2, muốn in các sách giáo lý, những tài liệu liên quan đến việc dạy giáo lý, kể cả những bản dịch của các sách và các tài liệu nói trên, cần phải có phép của Bản Quyền sở tại.
(2) Nếu không được nhà chức trách có thẩm quyền phê chuẩn trước hay sau khi xuất bản, thì không được dùng làm tài liệu giáo huấn trong các trường tiểu, trung và đại học, các sách viết về Thánh Kinh, Thần Học, Giáo Luật, lịch sử Giáo Hội, và về tôn giáo hay luân lý.
(3) Nên đưa cho Bản Quyền địa phương xét những sách viết về những vấn đề nói ở triệt 2, cho dù không được xếp vào các tài liệu giáo huấn, và cả những văn kiện có điều gì liên quan cách riêng đến tôn giáo và phong hóa.
(4) Không được cho trình bày, bán hay phân phát các sách vở hay tài liệu nói về các vấn đề tôn giáo hay phong hóa trong các nhà thờ và nhà nguyện, nếu những ấn phẩm ấy không được nhà chức trách có thẩm quyền cho phép in hay sau đó đã phê chuẩn.
Ðiều 828: Không được in lại những tài liệu về sắc lệnh và văn kiện do một Giáo Quyền ấn hành, nếu không được Giáo Quyền ấy cho phép trước, và phải giữ những điều kiện mà Giáo Quyền ấy quy định.
Ðiều 829: Việc phê chuẩn hay cho phép ấn hành một tác phẩm chỉ có giá trị đối với nguyên bản, chứ không đối với những bản phiên dịch hay những lần tái bản.
Ðiều 830: (1) Mỗi Bản Quyền sở tại có toàn quyền ủy thác việc kiểm duyệt sách báo cho người mà mình tín nhiệm. Tuy nhiên Hội Ðồng Giám Mục có thể thiết lập một danh sách các kiểm duyệt viên, nổi tiếng về học thức, đạo lý chân chính và khôn ngoan, đặt dưới sự điều động của các giáo phủ giáo phận; hoặc thiết lập một ủy ban kiểm duyệt để các Bản Quyền sở tại có thể thỉnh ý.
(2) Trong khi thi hành phận vụ, kiểm duyệt viên phải bỏ qua mọi thiện cảm cá nhân để nhằm đến đạo lý của Giáo Hội về Ðức Tin và phong hóa theo như quyền giáo huấn của Giáo Hội đã trình bày.
(3) Kiểm duyệt viên phải bày tỏ ý kiến bằng giấy tờ. Nếu là ý kiến thuận, Bản Quyền sẽ theo sự phán đoán khôn ngoan cho phép ấn hành, trong đó ghi rõ danh tánh Bản Quyền, ngày tháng và nơi cho phép; nếu không cho phép, thì Bản Quyền phải thông tri cho tác giả biết lý do từ chối.
Ðiều 831: (1) Trừ khi có lý do chính đáng và hợp lý, các tín hữu không được viết bài cho các nhật báo, tạp chí hay tập san thường hay công khai bài xích đạo Công Giáo và phong hóa. Riêng các giáo sĩ và tu sĩ chỉ được viết khi có phép của Bản Quyền sở tại.
(2) Hội Ðồng Giám Mục phải ra những quy luật cần thiết để các giáo sĩ và tu sĩ được phép tham dự vào các buổi phát thanh và truyền hình về những vấn đề liên hệ đến giáo lý công giáo và phong hóa.
Ðiều 832: Ðể có thể ấn hành sách báo bàn về các vấn đề tôn giáo và phong hóa, tu sĩ các Dòng Tu còn phải có phép của Bề Trên cao cấp, chiếu theo hiến pháp.
(Nhóm Dịch Thuật Việt ngữ Bộ Giáo Luật)