Bộ Giáo Luật

The Code of Canon Law

Bản dịch việt ngữ của:

Ðức Ông Nguyễn Văn Phương, Linh Mục Phan Tấn Thành, Linh Mục Vũ Văn Thiện, Linh Mục Mai Ðức Vinh

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Quyển III:

Nhiệm Vụ Giáo Huấn Của Giáo Hội

Thiên 2:

Hoạt Ðộng Truyền Giáo Của Giáo Hội

 

Ðiều 781: Bởi vì toàn thể Giáo Hội có tính cách truyền giáo từ bản tính và việc truyền bá Phúc Âm là nhiệm vụ nền tảng của dân Chúa, cho nên tất cả mọi tín hữu hãy ý thức trách nhiệm ấy và phải chu toàn phần việc của mình trong công cuộc truyền giáo.

Ðiều 782: (1) Ðức Giáo Hoàng và Giám Mục đoàn có nhiệm vụ điều hành và phối hợp mọi chương trình và hoạt động liên hệ đến công cuộc truyền giáo hay hợp tác truyền giáo ở cấp tối cao.

(2) Mỗi Giám Mục, vì mang trách nhiệm đối với Giáo Hội hoàn vũ và toàn thể các Giáo Hội địa phương, phải lưu tâm cách riêng đến việc truyền giáo, nhất là thúc đẩy sáng kiến, khích lệ và nâng đỡ các chương trình truyền giáo trong Giáo Hội riêng của mình.

Ðiều 783: Các phần tử của các Hội Dòng tận hiến, xét vì sự tận hiến bao hàm việc hiến thân phục vụ Giáo Hội, nên họ có nghĩa vụ góp phần đặc biệt vào việc truyền giáo theo cách thức riêng của Dòng mình.

Ðiều 784: Các nhà thừa sai, - tức là những người được nhà chức trách có thẩm quyền của Giáo Hội sai đi làm việc truyền giáo -, có thể được tuyển chọn từ các người bản xứ hay không, hoặc giáo sĩ triều, hoặc các phần tử thuộc Hội Dòng tận hiến hay tu đoàn tông đồ, hoặc các giáo dân.

Ðiều 785: (1) Trong việc thi hành việc truyền giáo, nên xử dụng các giáo lý viên, tức là các giáo dân được huấn luyện đầy đủ và nổi bật về đời sống Kitô giáo; dưới sự hướng dẫn của vị thừa sai, họ sẽ chuyên lo trình bày giáo lý Phúc Âm, điều hành các công việc phụng vụ và hoạt động bác ái.

(2) Các giáo lý viên cần được huấn luyện trong các trường dành chuyên biệt về giáo lý, hay, nếu không có trường, thì dưới sự hướng dẫn của các thừa sai.

Ðiều 786: Việc truyền giáo chính danh nhằm thiết lập Giáo Hội giữa các dân tộc và các sắc dân, nơi Giáo Hội chưa bén rễ. Mục tiêu ấy được thực thi cách chính yếu bằng việc Giáo Hội sai những người rao giảng Phúc Âm cho đến khi các tân Giáo Hội được thiết lập toàn vẹn, nghĩa là có đủ nhân lực riêng và phương tiện để tự mình đảm nhiệm công việc truyền bá Phúc Âm.

Ðiều 787: (1) Các nhà thừa sai phải dùng chứng tá của đời sống và lời nói để tạo nên sự đối thoại chân thành với những người ngoài Kitô giáo, để mở ra những con đường dẫn họ tới việc nhìn nhận tin lành Phúc Âm, dựa theo cách thức thích ứng với tâm thức và văn hóa của họ.

(2) Các nhà thừa sai phải để tâm dạy dỗ chân lý đức Tin cho những người xét là đã sẵn sàng lãnh nhận Tin Mừng, ngõ hầu khi họ tự do yêu cầu, họ có thể được nhận lãnh bí tích Rửa Tội.

Ðiều 788: (1) Những người đã tỏ ý muốn tin nhận Chúa Kitô thì, sau thời gian tiền dự tòng, sẽ được nhận vào hàng dự tòng theo các nghi thức phụng vụ và tên của họ được ghi vào cuốn sổ riêng.

(2) Nhờ sự học hỏi và làm quen với đời sống Kitô hữu, những người dự tòng phải được khai tâm về mầu nhiệm cứu rỗi, dẫn nhập vào đời sống đức tin, phụng vụ, bác ái của dân Chúa, và hoạt động tông đồ.

(3) Các Hội Ðồng Giám Mục phải ra những quy chế về chế độ dự tòng, xác định những điều kiện và những quyền lợi của người dự tòng.

Ðiều 789: Các tân tòng phải được huấn luyện thích đáng để hiểu biết sâu xa chân lý Phúc Âm và để chu toàn những bổn phận đã lãnh nhận từ phép Rửa Tội; họ phải được thấm nhiễm tình yêu chân thành đối với Ðức Kitô và Giáo Hội của Người.

Ðiều 790: (1) Tại các xứ truyền giáo, các Giám Mục giáo phận có nghĩa vụ:

1. cổ võ, điều khiển và phối hợp các chương trình, các công việc có liên hệ đến hoạt động truyền giáo;

2. lo liệu ký kết những hợp đồng cần thiết với các Bề Trên của các Hội Dòng chuyên việc truyền giáo, ngõ hầu sự liên lạc với họ mang lại thiện ích cho miền truyền giáo.

(2) Những chỉ thị do Giám Mục giáo phận đề ra nói trong triệt 1, số 1, ràng buộc tất cả các thừa sai, kể cả các tu sĩ và những người phụ tá đang hoạt động trong lãnh thổ của Ngài.

Ðiều 791: Trong tất cả các giáo phận phải cổ võ tinh thần hợp tác truyền giáo bằng cách:

1. cổ võ ơn gọi truyền giáo;

2. đặc cử một Linh Mục để vận động hữu hiệu các chương trình truyền giáo, đặc biệt là các "Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo";

3. mỗi năm cử hành "Ngày Truyền Giáo";

4. mỗi năm chuyển về Tòa Thánh số tiền quyên giúp việc Truyền Giáo.

Ðiều 792: Các Hội Ðồng Giám Mục phải thiết lập và cổ võ các cơ sở nhằm tiếp đón trong tình anh em và giúp đỡ mục vụ xứng đáng những người đến vùng của các ngài từ các xứ truyền giáo vì lý do làm việc hay học hành.

 

(Nhóm Dịch Thuật Việt ngữ Bộ Giáo Luật)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page