Bộ Giáo Luật

The Code of Canon Law

Bản dịch việt ngữ của:

Ðức Ông Nguyễn Văn Phương, Linh Mục Phan Tấn Thành, Linh Mục Vũ Văn Thiện, Linh Mục Mai Ðức Vinh

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Quyển II: Dân Chúa

Phần II: Cơ Cấu Phẩm Trật Của Giáo Hội

Tiết 2:

Các Giáo Hội Ðịa Phương Và

Các Hợp Ðoàn Giáo Hội Ðịa Phương

Thiên 2:

Những Hợp Ðoàn Các Giáo Hội Ðịa Phương

 

Chương I: Các Giáo Tỉnh Và Các Giáo Miền

Ðiều 431: (1) Ðể cổ võ sự hoạt động mục vụ chung giữa các giáo phận lân cận, tùy theo hoàn cảnh về nhân sự và về nơi chốn, cũng như để xiết chặt hơn những sự liên lạc hỗ tương giữa các Giám Mục giáo phận, các Giáo Hội địa phương gần nhau sẽ được hợp lại thành các Giáo Tỉnh, với giới hạn lãnh thổ rõ rệt.

(2) Theo quy tắc chung, trong tương lai sẽ không còn các Giáo Phận được miễn trừ nữa; vì thế, tất cả các Giáo Phận và các Giáo Hội địa phương khác ở trong lãnh thổ của cùng một Giáo Tỉnh phải được sát nhập vào Giáo Tỉnh đó.

(3) Chỉ có Quyền Bính tối cao của Giáo Hội, sau khi đã hội ý với các Giám Mục liên hệ, mới có thẩm quyền thiết lập, bãi bỏ hoặc sửa đổi các Giáo Tỉnh.

Ðiều 432: (1) Công Ðồng Giáo Tỉnh và Tổng Giám Mục giữ quyền hành trong Giáo Tỉnh theo quy tắc luật định.

(2) Giáo Tỉnh được hưởng tính cách pháp nhân theo luật.

Ðiều 433: (1) Nếu xét thấy có lợi, nhất là trong các quốc gia có nhiều Giáo Hội địa phương, thì các Giáo Tỉnh lân cận, theo đề nghị của Hội Ðồng Giám Mục, có thể được Tòa Thánh cho liên kết với nhau thành các Giáo Miền.

(2) Giáo Miền có thể được lập thành pháp nhân.

Ðiều 434: Hội nghị các Giám Mục thuộc Giáo Miền có nhiệm vụ xiết chặt sự hợp tác và hoạt động mục vụ chung trong miền. Tuy nhiên những quyền hành mà các điều trong Bộ Giáo Luật này dành cho Hội Ðồng Giám Mục sẽ không có hiệu lực đối với Hội Nghị đó, trừ những quyền nào đã được Tòa Thánh ban cấp cách đặc biệt.

 

Chương II: Các Tổng Giám Mục

Ðiều 435: Tổng Giám Mục làm đầu Giáo Tỉnh, đồng thời là Tổng Giám Mục của giáo phận mà ngài được đặt lên quản trị. Chức vụ này gắn liền với một tòa Giám Mục nhất định được Ðức Thánh Cha ấn định hoặc phê chuẩn.

Ðiều 436: (1) Trong các Giáo Phận thuộc hạt, Tổng Giám Mục có thẩm quyền:

1. canh chừng để Ðức Tin và kỷ luật Giáo Hội được tuân hành chu đáo, và thông báo cho Ðức Thánh Cha biết về những sự lạm dụng nếu có;

2. thi hành việc kinh lược, vì một lý do được Tòa Thánh phê chuẩn trước, nếu Giám Mục thuộc hạt đã lơ đễnh việc kinh lược;

3. bổ nhiệm Giám Quản giáo phận, theo quy tắc của các điều 421 triệt 2 và 425 triệt 3.

(2) Ở đâu hoàn cảnh đòi hỏi, Tòa Thánh có thể ủy cho Tổng Giám Mục những nhiệm vụ và quyền hành đặc biệt, do luật địa phương xác định.

(3) Tổng Giám Mục không có một quyền quản trị nào khác trong các giáo phận thuộc hạt; nhưng ngài có thể cử hành mọi nghi lễ thánh trong các thánh đường như là Giám Mục trong giáo phận riêng, miễn là phải báo tin cho Giám Mục giáo phận biết trước, khi nào cử hành trong một nhà thờ chính tòa.

Ðiều 437: (1) Tổng Giám Mục có nghĩa vụ phải đích thân hoặc nhờ đại diện xin Ðức Thánh Cha ban dây "Pallium" trong thời gian ba tháng kể từ ngày thụ phong Giám Mục, hoặc nếu đã thụ phong Giám Mục rồi thì kể từ lúc được bổ nhiệm. Dây "Pallium" làm dấu hiệu quyền hành mà Tổng Giám Mục được hưởng trong Giáo Tỉnh riêng, theo luật, trong sự hiệp thông với Giáo Hội Roma.

(2) Tổng Giám Mục có thể mang dây "Pallium" trong bất cứ thánh đường nào thuộc Giáo Tỉnh mà ngài đứng đầu theo quy tắc của luật phụng vụ; nhưng ngoài Giáo Tỉnh, thì không được mang, cho dù đồng ý của Giám Mục giáo phận.

(3) Tổng Giám Mục được thuyên chuyển sang một tòa khác thì cần phải xin "Pallium" mới.

Ðiều 438: Ngoại trừ những ân hàm danh dự, tước hiệu Thượng Phụ và Giáo Chủ không bao hàm quyền quản trị nào trong Giáo Hội Latinh, đừng kể khi nào đã rõ cách khác do đặc ân Tòa Thánh hoặc do thói quen đã được phê chuẩn.

 

Chương III: Các Công Ðồng Ðịa Phương

Ðiều 439: (1) Công Ðồng toàn miền, dành cho tất cả các Giáo Hội địa phương thuộc cùng một Hội Ðồng Giám Mục, sẽ được nhóm họp mỗi khi chính Hội Ðồng Giám Mục xét là cần và hữu ích, với sự phê chuẩn của Tòa Thánh.

(2) Quy tắc nói ở triệt 1 cũng được áp dụng cho việc nhóm Công Ðồng tỉnh trong một Giáo Tỉnh mà ranh giới trùng với lãnh thổ của quốc gia.

Ðiều 440: (1) Công Ðồng tỉnh, dành cho các Giáo Hội địa phương thuộc cùng một Giáo Tỉnh, sẽ được nhóm họp khi đa số Giám Mục giáo phận trong Giáo Tỉnh xét thấy là thuận lợi, đừng kể điều 439 triệt 2.

(2) Công Ðồng tỉnh sẽ không được triệu tập khi Tòa Tổng Giám Mục khuyết vị.

Ðiều 441: Hội Ðồng Giám Mục có thẩm quyền:

1. triệu tập Công Ðồng toàn miền;

2. định nơi nhóm họp Công Ðồng ở trong lãnh thổ thuộc Hội Ðồng Giám Mục;

3. bầu ra trong số các Giám Mục giáo phận vị chủ tọa Công Ðồng toàn miền; vị này phải được Tòa Thánh phê chuẩn;

4. ấn định điều lệ và các vấn đề cần được bàn thảo, tuyên bố ngày khai hội và thời gian hội, thuyên chuyển, triển hạn và bế mạc Công Ðồng.

Ðiều 442: (1) Tổng Giám Mục, với sự đồng ý của phần lớn các Giám Mục thuộc hạt, có thẩm quyền:

1. triệu tập Công Ðồng tỉnh;

2. định nơi nhóm họp Công Ðồng tỉnh trong lãnh thổ Giáo Tỉnh;

3. ấn định điều lệ và các vấn đề đem ra bàn thảo, tuyên bố ngày khai họp và thời gian họp Công Ðồng tỉnh, thuyên chuyển, triển hạn hoặc bế mạc Công Ðồng.

(2) Tổng Giám Mục chủ tọa Công Ðồng tỉnh. Nếu bị ngăn trở hợp lệ, thì một Giám Mục thuộc hạt được các Giám Mục khác bầu ra sẽ chủ tọa.

Ðiều 443: (1) Cần được triệu tập đến Công Ðồng địa phương và có quyền biểu quyết:

1. các Giám Mục giáo phận;

2. các Giám Mục phó và phụ tá;

3. các Giám Mục hiệu tòa khác hiện đang thi hành chức vụ đặc biệt trong lãnh thổ đó, do ủy nhiệm của Tòa Thánh hoặc Hội Ðồng Giám Mục.

(2) Có thể được mời tới tham dự Công Ðồng địa phương tất cả các Giám Mục hiệu tòa khác, kể cả các cựu Giám Mục hiện đang cư trú trong lãnh thổ; những vị này cũng có quyền biểu quyết.

(3) Cần được triệu tập tới Công Ðồng địa phương nhưng chỉ có quyền tư vấn:

1. các Tổng Ðại Diện và các Ðại Diện Giám Mục thuộc các Giáo Hội địa phương trong lãnh thổ;

2. các Bề Trên cao cấp của các Dòng Tu và của các Tu Ðoàn Tông Ðồ, theo số lượng, cả nam lẫn nữ, được Hội Ðồng Giám Mục hoặc các Giám Mục của Giáo Tỉnh ấn định; những người ấy được chọn bởi các Bề Trên cao cấp của các Dòng Tu và của các Tu Ðoàn hiện có trụ sở trong lãnh thổ;

3. các Viện Trưởng của các Ðại Học của Giáo Hội và Ðại Học Công Giáo; cũng như các Khoa Trưởng các Phân Khoa Thần Học và Giáo Luật, hiện có trụ sở trong lãnh thổ;

4. một vài Giám Ðốc các Ðại Chủng Viện, theo số lượng được ấn định ở số 2 trên đây, được chọn bởi các Giám Ðốc Ðại Chủng Viện tọa lạc trong lãnh thổ.

(4) Có thể được mời tham dự các Công Ðồng địa phương, nhưng chỉ với quyền tư vấn mà thôi, cả các linh mục và các tín hữu khác nữa; tuy nhiên số lượng không được quá phân nửa những thành viên nói ở các triệt 1-3 trên đây.

(5) Ngoài ra, cũng phải mời dự Công Ðồng tỉnh, các kinh sĩ nhà thờ chính tòa cũng như Hội Ðồng linh mục và Hội Ðồng mục vụ của từng Giáo Hội địa phương, nhưng mỗi định chế chỉ được gửi hai đại biểu làm thành viên đã được bầu lên cách tập đoàn; những người này chỉ có quyền tư vấn mà thôi.

(6) Nếu Hội Ðồng Giám Mục, đối với Công Ðồng toàn miền, hoặc Tổng Giám Mục cùng với các Giám Mục thuộc hạt, đối với Công Ðồng tỉnh, xét thấy thuận lợi, thì có thể mời những người khác như thượng khách tới các Công Ðồng địa phương.

Ðiều 444: (1) Tất cả những ai đã được triệu tập tham dự Công Ðồng địa phương thì phải đến tham dự, trừ khi bị ngăn trở chính đáng, và phải báo cho vị Chủ Tọa Công Ðồng biết điều đó.

(2) Những ai được triệu tập tham dự các Công Ðồng địa phương với quyền biểu quyết, nếu bị ngăn trở chính đáng, có thể cử một đại diện; người đại diện chỉ có quyền tư vấn mà thôi.

Ðiều 445: Công Ðồng địa phương phải lo liệu mọi nhu cầu mục vụ cho dân Chúa trong lãnh thổ của mình: Công Ðồng có quyền quản trị, nhất là quyền lập pháp, để có thể, trong khuôn khổ của luật phổ quát của Giáo Hội, quyết định tất cả những gì thuận lợi cho sự tăng gia Ðức Tin, tổ chức hoạt đồng mục vụ chung, và điều hành mọi phong hóa và tuân hành, thiết lập hoặc bảo vệ kỷ luật chung của Giáo Hội.

Ðiều 446: Khi Công Ðồng địa phương đã bế mạc, vị chủ tọa phải lo chuyển đạt tất cả mọi văn kiện của Công Ðồng về Tòa Thánh; các nghị quyết của Công Ðồng chỉ được ban hành sau khi đã được Tòa Thánh duyệt y; chính Công Ðồng sẽ chỉ định cách thức ban hành các nghị quyết và thời gian mà các nghị quyết đã ban hành bắt đầu có hiệu lực bó buộc.

 

Chương IV: Các Hội Ðồng Giám Mục

Ðiều 447: Hội Ðồng Giám Mục, một định chế có tính cách thường trực, là một đoàn thể của các Giám Mục thuộc một quốc gia hoặc một lãnh thổ nhất định, đồng thi hành một vài nhiệm vụ mục vụ đối với các tín hữu thuộc lãnh thổ đó, nhằm cổ võ thiện ích lớn lao hơn cả mà Giáo Hội cống hiến cho mọi người, nhất là qua các hình thức và phương thế làm tông đồ được thích ứng vào những hoàn cảnh của từng thời và từng nơi, theo quy tắc luật định.

Ðiều 448: (1) Hội Ðồng Giám Mục, theo luật chung, gồm tất cả các Giám Mục của các Giáo Hội địa phương thuộc cùng một quốc gia, theo quy tắc điều 450.

(2) Tuy nhiên, nếu Tòa Thánh, sau khi đã bàn hỏi với các Giám Mục giáo phận liên hệ, xét rằng các hoàn cảnh nhân sự hoặc sự việc đòi hỏi, thì Hội Ðồng Giám Mục có thể được thành lập cho một lãnh thổ nhỏ bé hoặc rộng lớn hơn; như vậy, hoặc chỉ bao gồm các Giám Mục của một vài Giáo Hội địa phương nằm trong một lãnh thổ nhất định, hoặc gồm các Giám Mục của các Giáo Hội địa phương hiện thuộc nhiều quốc gia khác biệt. Tòa Thánh có thẩm quyền ấn định các quy tắc đặc biệt cho mỗi Hội Ðồng ấy.

Ðiều 449: (1) Chỉ duy Quyền Bính tối cao của Giáo Hội, sau khi đã tham khảo ý kiến với các Giám Mục liên hệ, mới có quyền thành lập, bãi bỏ hoặc thay đổi các Hội Ðồng Giám Mục.

(2) Hội Ðồng Giám Mục, một khi đã được thành lập hợp lệ, đương nhiên theo luật được hưởng tư cách pháp nhân.

Ðiều 450: (1) Ðương nhiên theo luật làm thành viên của Hội Ðồng Giám Mục: tất cả các Giám Mục giáo phận trong lãnh thổ và các vị được luật đồng hóa với các ngài, cũng như các Giám Mục phó, các Giám Mục phụ tá và các Giám Mục hiệu tòa khác hiện đang thi hành một chức vụ đặc biệt do Tòa Thánh hoặc do Hội Ðồng Giám Mục ủy thác trong chính lãnh thổ đó; cũng có thể được mời tham dự: các Bản Quyền thuộc lễ điển khác, nhưng chỉ với quyền tư vấn, trừ khi nào nội quy của Hội Ðồng Giám Mục định thể khác.

(2) Các Giám Mục hiệu tòa khác và phái viên của Ðức Thánh Cha không phải là những thành viên của Hội Ðồng Giám Mục do luật chung.

Ðiều 451: Mỗi Hội Ðồng Giám Mục phải thảo nội quy riêng, và cần được Tòa Thánh duyệt y, trong đó, đừng kể các vấn đề khác, cần ấn định các phiên họp khoáng đại của Hội Ðồng, ủy ban thường vụ và văn phòng tổng thư ký của Hội Ðồng, và việc thành lập các chức vụ và các ủy ban khác mà Hội Ðồng xét thấy có thể góp phần đắc lực để đạt tới các mục tiêu.

Ðiều 452: (1) Chiếu theo nội quy, mỗi Hội Ðồng Giám Mục sẽ bầu một chủ tịch; ấn định người nào, trong lúc chủ tịch bị ngăn trở hợp lệ, sẽ giữ chức vụ phó chủ tịch; và chỉ định một vị tổng thư ký.

(2) Chủ Tịch của Hội Ðồng, và khi vị này bị ngăn trở hợp lệ thì phó chủ tịch, chủ tọa không những các phiên họp khoáng đại của Hội Ðồng Giám Mục mà cả ủy ban thường vụ nữa.

Ðiều 453: Các phiên họp khoáng đại của Hội Ðồng Giám Mục ít nhất phải họp mỗi năm một lần và mỗi khi các hoàn cảnh đặc biệt đòi hỏi, theo quy định của nội quy.

Ðiều 454: (1) Trong các phiên họp khoáng đại của Hội Ðồng Giám Mục, các Giám Mục giáo phận và các vị được luật đồng hóa với các ngài, cũng như các Giám Mục phó, đều có quyền biểu quyết theo luật.

(2) Các Giám Mục phụ tá và các Giám Mục hiệu tòa khác thuộc Hội Ðồng Giám Mục có quyền biểu quyết hoặc tư vấn tùy theo quy định của nội quy của Hội Ðồng. Tuy nhiên quyền biểu quyết chỉ được dành riêng cho những người nói ở triệt 1, khi bàn tới việc soạn thảo hay sửa đổi nội quy.

Ðiều 455: (1) Hội Ðồng Giám Mục chỉ có thể ra những sắc luật trong những trường hợp mà luật phổ quát đã quy định hoặc một ủy nhiệm đặc biệt của Tòa Thánh đã tự ý ấn định hoặc theo lời thỉnh cầu của chính Hội Ðồng.

(2) Ðể các sắc luật nói ở triệt 1 được hữu hiệu, thì trong phiên họp khoáng đại, cần phải hội đủ ít là hai phần ba số phiếu của các Giám Mục có quyền biểu quyết trong Hội Ðồng; và sắc luật chỉ có hiệu lực bó buộc khi được ban hành hợp lệ sau khi đã được Tòa Thánh duyệt y.

(3) Cách thức ban hành và thời gian các sắc luật bắt đầu có hiệu lực sẽ do chính Hội Ðồng Giám Mục ấn định.

(4) Trong những trường hợp không có luật phổ quát hay ủy nhiệm đặc biệt của Tòa Thánh cấp cho Hội Ðồng Giám Mục quyền nói ở triệt 1 trên đây, thì mỗi Giám Mục giáo phận có thẩm quyền nguyên vẹn; dù Hội Ðồng Giám Mục hoặc chủ tịch của Hội Ðồng cũng không thể hành động nhân danh các Giám Mục nếu không được tất cả và từng Giám Mục bày tỏ sự thỏa thuận.

Ðiều 456: Khi phiên họp khoáng đại của Hội Ðồng Giám Mục đã bế mạc, chủ tịch sẽ gửi bản phúc trình về công vụ cũng như các sắc luật của Hội Ðồng cho Tòa Thánh: một đàng để thông tri cho Tòa Thánh biết công vụ ấy, một đàng để các sắc luật, nếu có, có thể được chính Tòa Thánh duyệt y.

Ðiều 457: Ủy Ban thường vụ của các Giám Mục phải lo chuẩn bị những vấn đề sẽ đem ra bàn thảo trong phiên họp khoáng đại, và lo liệu để những biểu quyết của phiên họp khoáng đại được thi hành nghiêm chỉnh. Ngoài ra, còn phải lo thi hành những công tác khác đã được ủy thác theo quy tắc của nội quy.

Ðiều 458: Nhiệm vụ của Tổng thư ký là:

1. soạn thảo bản phúc trình về các công vụ và các sắc luật của phiên họp khoáng đại của Hội Ðồng và công vụ của ủy ban thường vụ, và gửi cho tất cả các thành viên của Hội Ðồng; cũng như ghi chép các công vụ khác do chủ tịch của Hội Ðồng hoặc ủy ban thường vụ đã ủy thác.

2. thông tri cho các Hội Ðồng Giám Mục lân cận các công vụ và văn kiện mà Hội Ðồng trong phiên họp khoáng đại hoặc ủy ban thường vụ đã quyết định phải thông chuyển.

Ðiều 459: (1) Cần duy trì các liên lạc giữa các Hội Ðồng Giám Mục với nhau, nhất là giữa các Hội Ðồng Giám Mục kế cận để cổ động và bảo vệ thiện ích lớn lao hơn.

(2) Tuy nhiên mỗi khi các hành động hay dự án do các Hội Ðồng khởi xướng có tầm mức quốc tế, thì cần phải tham khảo ý kiến Tòa Thánh trước.

 

(Nhóm Dịch Thuật Việt ngữ Bộ Giáo Luật)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page