Bộ Giáo Luật
The Code of Canon Law
Bản dịch việt ngữ của:
Ðức Ông Nguyễn Văn Phương, Linh Mục Phan Tấn Thành, Linh Mục Vũ Văn Thiện, Linh Mục Mai Ðức Vinh
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Quyển II: Dân Chúa
Phần I: Các Tín Hữu
Thiên 5:
Các Hiệp Hội Của Các Tín Hữu
Chương I: Tổng Tắc
Ðiều 298: (1) Trong Giáo Hội có nhiều Hiệp Hội khác nhau với các Hội Dòng Tận Hiến và các Tu Ðoàn Tông Ðồ, trong đó gồm những tín hữu, giáo sĩ hay giáo dân, hoặc gồm cả giáo sĩ và giáo dân chung nhau hoạt động, tìm cách cố gắng sống đời hoàn thiện hơn, hoặc cổ động phụng tự công cộng hay đạo lý Kitô giáo, hoặc lo thực hành các việc tông đồ khác như là truyền bá Phúc Âm, công tác đạo đức hoặc bác ái, thấm nhuần tinh thần Kitô giáo vào trật tự trần gian.
(2) Các tín hữu nên ghi tên vào những Hiệp Hội nào đã được nhà chức trách có thẩm quyền trong Giáo Hội thành lập, ban khen hoặc giới thiệu.
Ðiều 299: (1) Các tín hữu đều có quyền thành lập các Hiệp Hội, qua một sự hợp đồng tư riêng giữa họ với nhau nhằm những mục tiêu nói ở điều 298 triệt 1, tuy vẫn tôn trọng điều 301, triệt 1.
(2) Các Hiệp Hội như vậy, dù đã được giáo quyền khen thưởng hoặc giới thiệu, được gọi là Hiệp Hội tư.
(3) Không một Hiệp Hội tư nào của tín hữu được thừa nhận trong Giáo Hội, nếu nội quy của Hiệp Hội không được duyệt y do nhà chức trách có thẩm quyền.
Ðiều 300: Không một Hiệp Hội nào được mang danh là công giáo nếu không được sự đồng ý của nhà chức trách có thẩm quyền của Giáo Hội, chiếu theo điều 312.
Ðiều 301: (1) Chỉ duy nhà chức trách có thẩm quyền của Giáo Hội mới được thành lập các Hiệp Hội tín hữu nhằm dạy đạo lý Kitô giáo nhân danh Giáo Hội, hoặc nhằm cổ động việc phụng tự công cộng, hay nhằm theo đuổi các mục tiêu khác tự bản tính thuộc quyền của Giáo Hội.
(2) Nếu thấy thuận lợi, nhà chức trách có thẩm quyền trong Giáo Hội cũng có thể thành lập các Hiệp Hội nhằm các mục tiêu thiêng liêng khác, cách trực tiếp hoặc gián tiếp, mà các sáng kiến tư nhân không đáp ứng đủ.
(3) Các Hiệp Hội tín hữu do nhà chức trách có thẩm quyền của Giáo Hội thành lập được gọi là các Hiệp Hội "công".
Ðiều 302: Các Hiệp Hội tín hữu được gọi là "giáo sĩ", nếu trực tiếp do các giáo sĩ điều hành, đảm nhận việc thi hành thánh chức, và đã được nhà chức trách có thẩm quyền nhìn nhận như vậy.
Ðiều 303: Ðược gọi là Dòng Ba hay với tên nào khác tương tự các Hiệp Hội gồm các thành viên sống giữa đời, nhưng dự phần vào tinh thần thiêng liêng với một Dòng tu, làm việc tông đồ và tiến tới sự hoàn thiện dưới sự điều hành tối cao của Dòng tu đó.
Ðiều 304: (1) Tất cả các Hiệp Hội, dù công hay tư, mang danh hiệu hay tên gọi gì đi nữa, đều phải có nội quy định nghĩa rõ mục đích hoặc tôn chỉ, trụ sở, ban chấp hành và các điều kiện gia nhập, cũng như đường lối hoạt động xét theo nhu cầu hoặc lợi ích của thời đại và địa phương.
(2) Nên chọn một danh hiệu hay tên gọi nào đáp ứng với tâm thức của thời đại và địa phương, nhất là tương xứng với mục đích theo đuổi.
Ðiều 305: (1) Mọi Hiệp Hội tín hữu đều ở dưới quyền giám sát của nhà chức trách có thẩm quyền của Giáo Hội. Nhà chức trách có nghĩa vụ trông coi để các Hiệp Hội duy trì được sự toàn vẹn về đức tin và phong hóa, và đề phòng những lạm dụng kỷ luật của Giáo Hội. Vì thế, nhà chức trách có quyền và nghĩa vụ, chiếu theo pháp luật và nội quy, thanh tra các Hiệp Hội. Các Hiệp Hội còn ở dưới quyền quản trị của nhà chức trách nói trên dựa theo những điều luật kế tiếp sau đây.
(2) Các Hiệp Hội, bất cứ thuộc hình thức nào, đều được đặt dưới sự giám sát của Tòa Thánh; các Hiệp Hội giáo phận và các Hiệp Hội khác đang hoạt động trong giáo phận được đặt dưới sự giám sát của Bản Quyền sở tại.
Ðiều 306: Ðể được hưởng những quyền lợi, đặc ân và ân xá và các ơn ích thiêng liêng khác đã ban cho hội, thì điều kiện cần và đủ là đương sự được nhận vào Hiệp Hội cách hữu hiệu và đã không bị sa thải khỏi Hiệp Hội một cách hợp lệ, chiếu theo các qui định của pháp luật và nội quy riêng của Hiệp Hội.
Ðiều 307: (1) Việc thâu nhận các hội viên phải được tiến hành hợp theo pháp luật và nội quy của mỗi Hiệp Hội.
(2) Một người có thể ghi danh gia nhập nhiều Hiệp Hội khác nhau.
(3) Các phần tử của các dòng tu có thể ghi danh vào các Hiệp Hội với sự ưng thuận của các Bề Trên mình, phù hợp với luật riêng của Dòng.
Ðiều 308: Một khi đã được thâu nhận hợp lệ, không một ai có thể bị trục xuất khỏi Hiệp Hội nếu không có lý do chính đáng chiếu theo quy định của pháp luật và nội quy.
Ðiều 309: Các Hiệp Hội đã được thành lập hợp lệ, có quyền ban hành những quy tắc riêng biệt, chiếu theo luật và nội quy, nhằm điều hành Hiệp Hội, các buổi họp, việc chỉ định những người lãnh đạo, đặt các chức vụ, các nhân viên và những người lo việc quản lý tài sản.
Ðiều 310: Hiệp Hội tư nào không được cấp tư cách pháp nhân thì sẽ không thể làm chủ thể của những nghĩa vụ và quyền lợi của pháp nhân. Tuy nhiên các tín hữu hội viên có thể đồng ký kết các nghĩa vụ, có thể thủ đắc và chấp hữu mọi tài sản như là những công chủ và cộng đồng sở hữu chủ; họ có thể hành sử mọi quyền lợi và mọi nghĩa vụ ấy nhờ một thừa ủy viên hoặc một đại diện.
Ðiều 311: Các phần tử Dòng tu chỉ huy hoặc làm cố vấn cho những Hiệp Hội được liên kết bằng cách nào đó với Dòng mình, phải lo sao cho các Hiệp Hội đó sẵn sàng cộng tác vào công cuộc tông đồ hiện đang có trong giáo phận, nhất là hợp tác, dưới sự hướng dẫn của Bản Quyền sở tại, với các Hiệp Hội nhằm mục tiêu làm việc tông đồ trong giáo phận.
Chương II: Các Hiệp Hội Công Của Tín Hữu
Ðiều 312: (1) Nhà chức trách có thẩm quyền để thành lập các Hiệp Hội công là:
1. Toà Thánh đối với các Hiệp Hội hoàn vũ và quốc tế;
2. Hội Ðồng Giám Mục, trong lãnh thổ của mình, đối với các Hiệp Hội Quốc Gia, tức là các Hiệp Hội được thành lập để hoạt động trong toàn quốc;
3. Giám Mục giáo phận, trong lãnh thổ của mình, đối với các Hiệp Hội thuộc giáo phận; tuy nhiên, Giám Quản giáo phận, không có thẩm quyền này; đừng kể những Hiệp Hội mà quyền thành lập đã được dành cho những người khác do đặc ân Tòa Thánh.
(2) Ðể thành lập hữu hiệu một Hiệp Hội hoặc chi nhánh của Hiệp Hội trong giáo phận, cần phải có sự đồng ý bằng giấy tờ của Giám Mục giáo phận, dù trong trường hợp sự thành lập được cấp do đặc ân Tòa Thánh. Tuy nhiên, sự đồng ý của Giám Mục giáo phận cho phép lập một tu viện cũng có giá trị cho việc thành lập, ở trong chính tu viện hay ở nhà thờ kế cận, một Hiệp Hội riêng của dòng ấy.
Ðiều 313: Một Hiệp Hội công, cũng như Liên đoàn các Hiệp Hội công, được hưởng tư cách pháp nhân do chính nghị định thành lập của nhà chức trách có thẩm quyền trong Giáo Hội nói ở điều 312, và nhận lãnh sứ mệnh, tùy theo tầm mức cần thiết, để đạt được những mục tiêu mà mình đã chủ tâm theo đuổi.
Ðiều 314: Nội qui của bất cứ Hiệp Hội nào, cũng như sự xét lại hay sửa đổi chúng, đều cần được sự phê chuẩn của nhà chức trách có thẩm quyền của Giáo Hội đã cho phép thành lập chiếu theo điều 312, triệt 1.
Ðiều 315: Các Hiệp Hội công có thể tự do thu nhập những đường hướng phù hợp với bản chất riêng, và được điều hành chiếu theo nội qui, dưới sự hướng dẫn tối cao của giáo quyền nói ở điều 312, triệt 1.
Ðiều 316: (1) Ai đã công khai từ bỏ Ðức Tin Công Giáo hoặc đã lìa khỏi sự hiệp thông với Giáo Hội, hoặc đã bị án tuyệt thông đã tuyên bố hay tuyên kết, thì không thể được thâu nhận vào các Hiệp Hội công cách hữu hiệu.
(2) Những ai đã trở thành hội viên hợp lệ, mà mắc vào trường hợp của triệt 1 nói trên, sau khi đã cảnh cáo, sẽ bị sa thải khỏi Hiệp Hội, chiếu theo nội quy; tuy nhiên đương sự có quyền thượng tố lên Giáo Quyền nói ở điều 312, triệt 1.
Ðiều 317: (1) Nếu trong nội quy không dự liệu cách khác, thì Giáo Quyền nói ở điều 312, triệt 1, có thẩm quyền phê chuẩn vị chủ tịch của một Hiệp Hội công đã được chính họ bầu lên, hoặc bổ nhiệm một người đã được đề cử hoặc chỉ định theo luật riêng; cũng chính giáo quyền ấy bổ nhiệm một Tuyên úy hoặc Linh giám, sau khi đã tham khảo ý kiến với các nhân viên cao cấp của Hiệp Hội khi thuận tiện.
(2) Qui luật ở triệt 1 trên đây cũng được áp dụng cho các Hiệp Hội đã được thành lập do các phần tử của các Dòng tu nhờ đặc ân của Tòa Thánh, ở ngoài các nhà thờ riêng hay nhà riêng của Dòng. Tuy nhiên, đối với các Hiệp Hội được thành lập do các phần tử của Dòng tu tại nhà thờ riêng hay tại nhà riêng của Dòng, thì việc bổ nhiệm hay phê chuẩn vị chủ tịch và tuyên úy thuộc quyền của Bề Trên Dòng, chiếu theo qui tắc của nội qui.
(3) Trong các Hiệp Hội không giáo sĩ, các giáo dân có thể giữ chức vụ chủ tịch. Tuyên úy hoặc Linh giám không nên lãnh trách nhiệm chủ tịch, trừ khi nào nội qui đã định cách khác.
(4) Trong các Hiệp Hội công của tín hữu được tổ chức để thi hành việc tông đồ cách trực tiếp, những người đang giữ trách vụ lãnh đạo trong các đảng phái chính trị không được làm chủ tịch.
Ðiều 318: (1) Trong những hoàn cảnh đặc biệt, khi có lý do hệ trọng đòi hỏi, Giáo Quyền nói ở điều 312, triệt 1, có thể chỉ định một ủy viên, tạm thời nhân danh mình điều khiển Hiệp Hội.
(2) Chủ tịch Hiệp Hội công có thể bị truất chức vì lý do chính đáng, bởi người đã bổ hoặc đã phê chuẩn sau khi đã tham khảo ý kiến của chính chủ tịch và các nhân viên cấp cao của Hiệp Hội, chiếu theo quy tắc của nội qui. Tuyên úy cũng có thể bị thải hồi, chiếu theo quy tắc của các điều 192-195, bởi chính người đã bổ nhiệm.
Ðiều 319: (1) Nếu không định liệu thể khác, một Hiệp Hội công đã thành lập hợp pháp sẽ quản lý mọi tài sản đang có, chiếu theo qui tắc của nội qui và dưới sự chỉ đạo tối cao của Giáo Quyền nói ở điều 312, triệt 1; hằng năm phải tường trình việc quản lý với Giáo Quyền ấy.
(2) Việc xử dụng các đồ dâng cúng hay bố thí đã nhận được cũng phải tường trình chính xác với Giáo Quyền ấy.
Ðiều 320: (1) Các Hiệp Hội đã do Tòa Thánh thành lập, thì chỉ có Tòa Thánh mới có thể giải tán.
(2) Vì những lý do hệ trọng, Hội Ðồng Giám Mục có thể giải tán các Hiệp Hội đã do chính Hội Ðồng thành lập; Giám Mục giáo phận có thể giải tán các Hiệp Hội do chính Ngài thành lập, cũng như những Hiệp Hội đã được các phần tử của các Dòng tu thành lập do đặc ân Tòa Thánh với sự ưng thuận của Giám Mục giáo phận.
(3) Nhà chức trách có thẩm quyền không nên giải tán một Hiệp Hội công, nếu chưa tham khảo ý kiến với chủ tịch và các nhân viên cao cấp khác của Hiệp Hội.
Chương III: Các Hiệp Hội Tư Của Tín Hữu
Ðiều 321: Các tín hữu điều khiển và quản trị các Hiệp Hội tư theo các qui định của nội quy.
Ðiều 322: (1) Một Hiệp Hội tư có thể thủ đắc tính cách pháp nhân do một nghị định minh quyết của Giáo Quyền nói ở điều 312.
(2) Không một Hiệp Hội tư nào của các tín hữu có thể thủ đắc tính cách pháp nhân, nếu nội quy của Hiệp Hội chưa được phê chuẩn bởi Giáo Quyền nói ở điều 312, triệt 1. Tuy nhiên, sự phê chuẩn nội quy không làm thay đổi tính cách "tư" của Hiệp Hội.
Ðiều 323: (1) Cho dù các Hiệp Hội tư của tín hữu được quyền tự trị chiếu theo điều 312, nhưng họ vẫn phải ở dưới sự giám sát của Giáo Quyền chiếu theo điều 305, và cũng dưới quyền quản trị của quyền bính nói trên.
(2) Tuy vẫn tôn trọng quyền tự trị của các Hiệp Hội tư, Giáo Quyền phải canh chừng và lo liệu để tránh sự phân hóa các lực lượng, và phối hợp hoạt động tông đồ của họ vào ích chung.
Ðiều 324: (1) Hiệp Hội tư của tín hữu được tự do chỉ định chủ tịch và các nhân viên, chiếu theo quy luật của nội quy.
(2) Nếu Hiệp Hội tư của tín hữu muốn chọn một cha linh hướng, thì họ có thể chọn một người trong số các Linh Mục đang thi hành tác vụ hợp lệ trong giáo phận. Tuy nhiên, người được chọn phải được Bản Quyền sở tại phê chuẩn.
Ðiều 325: (1) Hiệp Hội tư của tín hữu được tự do quản lý tài sản hiện chấp hữu, theo các điều đã định trong nội quy, miễn là tôn trọng quyền giám sát của nhà chức trách có thẩm quyền của Giáo Hội để mọi tài sản được chi dụng vào những mục đích của Hiệp Hội.
(2) Chiếu theo quy luật của điều 1301, tất cả những gì liên quan tới việc quản lý và tiêu dùng các tài sản đã tặng hay trối cho Hiệp Hội làm thiện ý thì đều phải thuộc quyền hành của Bản Quyền sở tại.
Ðiều 326: (1) Hiệp Hội tư của tín hữu tan rã chiếu theo quy luật của nội quy; cũng có thể bị giải tán bởi nhà chức trách có thẩm quyền nếu hoạt động của hội gây nên thiệt hại trầm trọng cho đạo lý hay kỷ luật của Giáo Hội hoặc sinh gương xấu cho các tín hữu.
(2) Việc thanh toán tài sản của một Hiệp Hội đã tan rã sẽ được ấn định theo đúng quy luật của nội quy, nhưng phải tôn trọng những quyền lợi đã thủ đắc và ý muốn của những người đã dâng cúng.
Chương IV: Quy Tắc Ðặc Biệt Cho Các Hiệp Hội Giáo Dân
Ðiều 327: Các giáo dân cần quý trọng các Hiệp Hội được thiết lập nhằm những mục đích thiêng liêng nói ở điều 298, đặc biệt các Hiệp Hội cố gắng thấm nhuần tinh thần Kitô giáo vào trật tự trần thế, và nhờ vậy, phát triển sự liên kết khắng khít hơn giữa Ðức Tin và đời sống.
Ðiều 328: Những ai điều khiển các Hiệp Hội giáo dân, kể cả các Hiệp Hội được thành lập do đặc ân Tòa Thánh, hãy lo để các Hiệp Hội của mình cộng tác với các Hiệp Hội khác và, ở đâu thấy thuận lợi, hãy sẵn lòng giúp đỡ các công cuộc Kitô giáo khác, nhất là các công cuộc hiện đang có trong cùng lãnh thổ.
Ðiều 329: Các chủ tịch của các Hiệp Hội giáo dân phải lo liệu sao cho các hội viên được đào tạo tương xứng để thi hành hoạt động tông đồ riêng của các giáo dân.
(Nhóm Dịch Thuật Việt ngữ Bộ Giáo Luật)