Bộ Giáo Luật

The Code of Canon Law

Bản dịch việt ngữ của:

Ðức Ông Nguyễn Văn Phương, Linh Mục Phan Tấn Thành, Linh Mục Vũ Văn Thiện, Linh Mục Mai Ðức Vinh

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Quyển I:

Tổng Tắc

Thiên 6:

Các Thể Nhân Và Pháp Nhân

 

Chương I: Ðiều Kiện Giáo Luật Của Các Thể Nhân

Ðiều 96: Do bí tích rửa tội, con người được sát nhập vào Giáo Hội của Ðức Kitô và thủ đắc nhân cách trong Giáo Hội, với những nghĩa vụ và quyền lợi riêng của các tín hữu Kitô, chiếu theo điều kiện của mỗi người, miễn là họ duy trì sự hiệp thông Giáo Hội và không bị ngăn trở bởi một chế tài đã được tuyên một cách hợp lệ.

Ðiều 97: (1) Người đã được mười tám tuổi trọn là kẻ trưởng thành; trước tuổi ấy là vị thành niên.

(2) Vị thành niên, trước khi được bảy tuổi trọn được gọi là nhi đồng, và được coi như không tự chủ; một khi đã được bảy tuổi trọn thì được suy đoán là biết xử dụng trí khôn.

Ðiều 98: (1) Người trưởng thành được xử dụng đầy đủ các quyền lợi của mình.

(2) Trong việc xử dụng quyền lợi, vị thành niên lệ thuộc quyền hành của cha mẹ hay giám hội, trừ những phương diện nào mà các vị thành niên đã thoát quyền của những người ấy do luật của Thiên Chúa hay luật của Giáo Hội. Về việc thiết lập và quyền hành giám hộ, phải tuân giữ dân luật, trừ khi giáo luật định cách khác, hoặc Giám Mục giáo phận vì lý do chính đáng, trong những trường hợp nhất định, xét thấy phải chỉ định một giám hộ khác.

Ðiều 99: Ai thường xuyên thiếu xử dụng trí khôn cũng coi như thiếu tự chủ và được đồng hóa với các nhi đồng.

Ðiều 100: Một người được coi là thường trú nhân tại nơi mà họ có cư-sở; khách trú nhân tại nơi có bán-cư-sở; lữ khách nếu họ ở ngoài cư-sở và bán-cư-sở tuy vẫn còn duy trì chúng; vô gia cư nếu không có cư-sở và bán-cư-sở ở nơi nào hết.

Ðiều 101: (1) Nguyên quán của người con, dầu là con của người tân tòng, là nơi mà, khi đứa trẻ sinh ra, cha mẹ có cư-sở hay bán-cư-sở, nếu không có cư-sở; nếu cha mẹ không có chung cư-sở và bán-cư-sở, thì lấy nơi của người mẹ.

(2) Nếu là con của người vô gia cư, thì nguyên quán là chính nơi đã sinh; nếu đứa trẻ bị bỏ rơi, thì nguyên quán là nơi nó đã được tìm thấy.

Ðiều 102: (1) Cư-sở được thủ đắc do việc trú ngụ trong lãnh thổ của một giáo xứ, hay ít là trong lãnh thổ của một giáo phận, kèm theo ý định ở lại đó vĩnh viễn nếu không có gì ngăn trở, hoặc việc trú ngụ đã kéo dài trên năm năm tròn.

(2) Bán-cư-sở được thủ đắc do việc trú ngụ trong lãnh thổ của một giáo xứ, hay ít là trong lãnh thổ của một giáo phận, kèm theo ý định ở lại đó ba tháng nếu không có gì ngăn trở, hoặc việc trú ngụ đã thực sự kéo dài trong ba tháng.

(3) Cư-sở hay bán-cư-sở trong lãnh thổ của một giáo xứ được gọi là "thuộc giáo xứ"; trong lãnh thổ một giáo phận, tuy không ở trong một giáo xứ, được gọi là "thuộc giáo phận".

Ðiều 103: Các phần tử của các dòng tu và tu đoàn tông đồ thủ đắc cư-sở tại nơi tọa lạc của nhà mà họ trực thuộc. Họ thủ đắc bán-cư-sở tại nhà mà họ cư ngụ theo quy tắc của điều 102, triệt 2.

Ðiều 104: Vợ chồng có chung cư-sở và bán-cư-sở. Vì lý do ly thân hợp pháp hay vì lý do chính đáng nào khác, mỗi người có thể có một cư-sở và bán-cư-sở riêng.

Ðiều 105: (1) Vị thành niên bắt buộc lấy cư-sở và bán-cư-sở của người mà họ phải phục quyền. Vị thành niên quá tuổi nhi đồng có thể thủ đắc bán-cư-sở riêng; và kể cả cư-sở riêng, nếu đã được thoát quyền cách hợp lệ theo dân luật.

(2) Kẻ nào được giao cho người khác quản tài hay giám hộ cách hợp lệ ngoài lý do vị thành niên, thì lấy cư-sở hay bán-cư-sở của người quản tài hay giám hộ.

Ðiều 106: Cư-sở và bán-cư-sở bị mất do việc đi khỏi nơi ấy với ý định không trở về, đừng kể khi phải giữ qui định của điều 105.

Ðiều 107: (1) Do cư sở và bán cư sở mà mỗi người có cha sở và Bản Quyền riêng.

(2) Cha sở và Bản Quyền riêng của người vô gia cư là cha sở và Bản Quyền tại nơi mà người ấy hiện đang trú ngụ.

(3) Cha sở riêng của người nào chỉ có cư-sở và bán-cư-sở thuộc giáo phận là cha sở tại nơi mà người ấy hiện đang trú ngụ.

Ðiều 108: (1) Huyết tộc được tính theo hành và cấp.

(2) Trong hàng dọc (trực hệ), có bao nhiêu đời người thì có bấy nhiêu cấp, nghĩa là tính theo số người sinh bởi gốc chung nhưng không tính chính gốc ấy.

(3) Trong hàng ngang (bàng hệ), các cấp được tính theo bao nhiêu người trong cả hai hàng cùng bởi gốc chung, nhưng không tính chính gốc.

Ðiều 109: (1) Hôn thuộc phát sinh do hôn nhân hữu hiệu, dù không hoàn hợp, giữa người chồng với huyết tộc của người vợ, và giữa người vợ với huyết tộc của người chồng.

(2) Hôn thuộc được tính theo cách này: huyết tộc của người chồng có cùng hàng và cấp như của người vợ và ngược lại.

Ðiều 110: Con cái được nuôi hợp với dân luật được coi như con của người hay của những người đứng nuôi.

Ðiều 111: (1) Qua bí tích rửa tội, đứa trẻ trở thành phần tử của Giáo Hội La-tinh nếu cha mẹ thuộc về Giáo Hội ấy; nếu một trong hai người không thuộc Giáo Hội La-tinh, thì đôi bên có thể đồng ý cho đứa trẻ thuộc Giáo Hội này; nếu không có sự nhất trí, thì đứa trẻ sẽ trở thành phần tử thuộc lễ điển Giáo Hội của người cha.

(2) Người xin rửa tội, đã đủ mười bốn tuổi trọn, có thể tự do chọn xin rửa tội, theo Giáo Hội La-tinh hay lễ điển Giáo Hội khác; trong trường hợp này, người đó thuộc về Giáo Hội mình đã chọn.

Ðiều 112: (1) Sau khi đã được rửa tội, những người sau đầy trở thành phần tử thuộc lễ điển Giáo Hội khác:

1. Kẻ đã được phép của Tòa Thánh;

2. Người phối ngẫu, khi kết hôn hay trong thời gian giá thú tuyên bố mình chuyển sang lễ điển Giáo Hội của bạn mình; tuy nhiên, nếu giá thú bị đoạn tiêu, thì người nói trên có thể tự do trở về Giáo Hội La-tinh.

3. Con cái của những người nói ở số 1 và 2 chưa đủ mười bốn tuổi; hoặc trong trường hợp một đôi hôn nhân hỗn hợp, con của người Công Giáo đã được chuyển sang lễ điển Giáo Hội khác cách hợp lệ. Tuy nhiên, khi đã đủ mười bốn tuổi, người con có thể trở lại Giáo Hội La-tinh.

(2) Thói quen, dù dài hạn, lĩnh nhận bí tích theo nghi thức của một lễ điển Giáo Hội, không kèm theo sự trở thành phần tử của Giáo Hội đó.

 

Chương II: Pháp Nhân

Ðiều 113: (1) Giáo Hội Công Giáo và Tòa Thánh có tư cách pháp nhân do luật thiên định.

(2) Trong Giáo Hội, ngoài các thể nhân, còn có các pháp nhân, nghĩa là, đối với giáo luật, các chủ thể của những nghĩa vụ và quyền lợi tương hợp với bản chất riêng của họ.

Ðiều 114: (1) Các tập hợp nhân sự hay sự vật nhằm một mục tiêu hợp với sứ mạng Giáo Hội và vượt quá mục tiêu của các cá nhân, có thể được thiết lập thành pháp nhân, hoặc do chính qui định của pháp luật hay do sự cấp phát của nhà chức trách có thẩm quyền bằng một nghị định.

(2) Các mục tiêu nói trong triệt 1 được hiểu là những gì liên can đến công việc phụng tự, tông đồ hay bác ái, về tinh thần hay trần thế.

(3) Nhà chức trách Giáo Hội có thẩm quyền chỉ nên cấp tư cách pháp nhân cho những tập hợp nhân sự hay sự vật theo đuổi một mục tiêu thực sự là ích lợi, và, sau khi đã cân nhắc các hoàn cảnh, thấy rằng họ có các phương tiện dự tính là đầy đủ để đạt được mục tiêu đã định.

Ðiều 115: (1) Các pháp nhân trong Giáo Hội có thể là tập hợp nhân sự hay tập hợp sự vật.

(2) Một tập hợp nhân sự chỉ có thể được thiết lập khi có ít nhất là ba người; được gọi là "tập đoàn" nếu các hội viên ấn định hoạt động bằng cách đồng tham gia vào việc quyết định chung, dù bình quyền hay không, chiếu theo pháp luật và quy chế; đối lại là "phi tập đoàn".

(3) Một tập hợp sự vật, còn gọi là một thiện quỹ tự trị, được gồm bởi những tài sản hay sự vật, thiêng liêng hay vật chất, và được điều khiển do một hay nhiều thể nhân hoặc do một tập đoàn, chiếu theo pháp luật và quy chế.

Ðiều 116: (1) Các pháp nhân công là những tập hợp nhân sự hay sự vật được thiết lập do nhà chức trách của Giáo Hội có thẩm quyền, ngõ hầu trong khuôn khổ ấn định, họ nhân danh Giáo Hội để chu toàn nhiệm vụ riêng đã được ủy thác nhằm tới công ích, chiếu theo các quy tắc luật định. Các pháp nhân khác đều là tư.

(2) Các pháp nhân công thủ đắc tư cách ấy hoặc do chính luật, hoặc do một nghị định đặc biệt minh thị ban cấp tư cách ấy bởi nhà chức trách có thẩm quyền. Các pháp nhân tư chỉ thủ đắc tư cách ấy do một nghị định đặc biệt minh thị ban cấp bởi nhà chức trách có thẩm quyền.

Ðiều 117: Không một tập hợp nhân sự hay sự vật nào xin tư cách pháp nhân có thể thủ đắc nó khi quy chế của họ chưa được phê chuẩn do nhà chức trách có thẩm quyền.

Ðiều 118: Pháp nhân công được thay mặt và hành động nhân danh mình bởi những người được luật phổ quát hay luật địa phương hay quy chế riêng nhìn nhận thẩm quyền ấy. Pháp nhân tư bởi những người được quy chế trao thẩm quyền cho.

Ðiều 119: Ðối với những hành vi tập đoàn, nếu luật pháp hay quy chế không dự liệu cách khác thì:

1. Khi bầu cử, điều gì được quyết định với đa số tuyệt đối của những người có mặt thì có giá trị pháp lý, miễn là có sự hiện diện của quá phân nữa những người được triệu tập. Nếu sau hai lần bỏ phiếu không kết quả, thì sẽ lựa chọn giữa hai ứng viên được nhiều phiếu nhất, hoặc nếu có quá hai người, thì lấy hai người lớn tuổi nhất. Sau lần bỏ phiếu thứ ba, nếu số phiếu ngang nhau, thì người lớn tuổi hơn đắc cử.

2. Khi bàn về những vấn đề khác, điều gì đã được quyết định với đa số tuyệt đối của những người có mặt thì có giá trị pháp lý, miễn là có sự hiện diện của quá phân nữa những người phải được triệu tập. Nếu sau hai lần bỏ phiếu mà kết quả đôi bên ngang nhau, thì vị chủ tọa có thể giải quyết sự ngang nhau bằng phiếu của mình.

3. Ðiều gì liên hệ tới tất cả mọi người xét như là từng người, thì phải được tất cả chấp nhận.

Ðiều 120: (1) Tự bản chất, mọi pháp nhân đều có tính cách vĩnh viễn. Tuy nhiên pháp nhân bị tiêu diệt nếu bị giải tán hợp lệ do nhà chức trách có thẩm quyền, hoặc đã ngưng hoạt động từ một trăm năm. Ngoài ra, pháp nhân tư còn có thể bị tiêu diệt khi sự kết hội tan rã dựa theo quy chế, hoặc khi nào theo sự phán đoán của nhà chức trách có thẩm quyền, thiện quỹ đã chấm dứt hiện hữu theo quy chế.

(2) Khi chỉ còn một phần tử của pháp nhân tập đoàn tồn tại, mà theo quy chế riêng, tập hợp nhân sự chưa chấm dứt hiện hữu, thì việc xử dụng các quyền lợi của tập hợp sẽ thuộc thẩm quyền của phần tử ấy.

Ðiều 121: Nếu các tập hợp nhân sự hay sự vật đều là những pháp nhân công mà phải sát nhập lại thành một tập hợp cũng là một pháp nhân, thì pháp nhân mới sẽ được hưởng các của cải và quyền lợi về sản nghiệp của những pháp nhân trước và gánh chịu các nghĩa vụ của chúng. Tuy nhiên trong sự phân phối các tài sản và chu toàn các nghĩa vụ, cần phải tôn trọng ý định của người thành lập và dâng cúng cũng như những quyền lợi thủ đắc.

Ðiều 122: Khi tập hợp là một pháp nhân công được phân chia, theo cách là một phần được sát nhập với pháp nhân khác, hoặc một pháp nhân mới được thành lập từ phần tách ra, thì nhà chức trách của Giáo Hội có thẩm quyền phân chia tiên vàn phải tôn trọng các ý định của người thành lập và dâng cúng, cùng những quyền lợi thủ đắc và các quy chế đã được chuẩn y; kế đó phải tự mình hay nhờ người chấp hành lo liệu:

1. sao cho những của cải và quyền lợi về sản nghiệp chung có thể phân chia được, cũng như các nợ nần và gánh nặng khác, phải được san sẻ theo tỷ lệ tương xứng công bằng và hợp lý giữa các pháp nhân, chiếu theo hoàn cảnh và nhu cầu của đôi bên;

2. sao cho cả hai đều có thể xử dụng và hưởng dụng các của cải chung không thể phân chia được, và cả hai đồng gánh chịu các trách vụ gắn liền với các của cải ấy, theo tỷ lệ tương xứng công bằng và hợp lý.

Ðiều 123: Khi một pháp nhân công bị tiêu diệt, thì việc thanh toán các của cải và quyền lợi về sản nghiệp lẫn các trách vụ sẽ do luật pháp và quy chế chi phối. Nếu luật pháp và quy chế không nói gì, thì việc giải quyết thuộc về pháp nhân cấp cao trực tiếp, tuy luôn luôn phải tôn trọng ý định của những người thành lập hay dâng cúng cũng như các quyền lợi thủ đắc. Khi một pháp nhân tư bị tiêu diệt, thì việc thanh toán các của cải và trách vụ sẽ do quy chế riêng chi phối.

 

(Nhóm Dịch Thuật Việt ngữ Bộ Giáo Luật)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page