Bộ Giáo Luật
The Code of Canon Law
Bản dịch việt ngữ của:
Ðức Ông Nguyễn Văn Phương, Linh Mục Phan Tấn Thành, Linh Mục Vũ Văn Thiện, Linh Mục Mai Ðức Vinh
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Lời Nói Ðầu
Bản dịch Việt ngữ của Bộ Giáo Luật do các Linh Mục sau đây thực hiện: Nguyễn Văn Phương, Phan Tấn Thành, Vũ Văn Thiện, Mai Ðức Vinh. Trước khi trình bày phương pháp làm việc, chúng tôi thiết nghĩ nên có đôi lời giới thiệu Bộ Giáo Luật.
I. Bố Cục Của Bộ Giáo Luật
Bộ Giáo Luật được Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II ban hành ngày 25/1/1983, hai mươi bốn năm sau khi vị Tiền nhiệm, Ðức Gioan XXIII tuyên bố quyết định tu chính.
Nguyên bản la ngữ mở đầu với Tông Hiến "Sacrae disciplinae leges", tức văn kiện ban hành Bộ Luật. Ngoài ra, văn kiện này còn có tính cách quan trọng khác. Ðức Thánh Cha không những giải thích lý do của việc tu chính Bộ Giáo Luật, nhưng nhất là lý do hiện hữu của luật pháp trong Giáo Hội. Mục đích của luật lệ không những chỉ nhằm duy trì trật tự trong Giáo Hội xét như là một cộng đoàn, nhưng nhất là nhằm phục vụ sứ mạng mà Ðức Kitô đã trao phó: thông truyền các ân huệ cứu rỗi, đặc biệt là Lời Chúa và các Bí Tích.
Kế đến là lời tựa của ủy ban tu chính giáo luật, tóm lại diễn tiến các giai đoạn làm việc của ủy ban kể từ ngày thành lập (28/3/1963) cho đến ngày hoàn tất dự thảo cuối cùng (22/4/1982). Chúng tôi không dịch lời tựa này, nhưng chỉ tóm lại trong phần thứ hai của bài giới thiệu.
Tiếp theo là chính Bộ Giáo Luật gồm 1752 điều, và chia ra làm 7 quyển.
Quyển 1: Tổng tắc (Denormis generalibus): điều 1-203
Quyển 2: Dân Chúa (De Populo Dei): điều 204-746
Quyển 3: Nhiệm vụ giáo huấn của Giáo Hội (De Ecclesiae munere docendi): điều 747-833
Quyển 4: Nhiệm vụ thánh hóa của Giáo Hội (De Ecclesiae munere sanctificandi): điều 834-1253
Quyển 5: Tài sản của Giáo Hội (De bonis Ecclesiae temporalibus): điều 1254-1310
Quyển 6: Chế tài trong Giáo Hội (De sanctionibus in Ecclesia): điều 1311-1399
Quyển 7: Tố tụng (De processibus): điều 1400-1752
Quyển thứ nhất có tính cách kỹ thuật, bao gồm các quy tắc tổng quát liên can đến việc thiết lập, ban hành, giải thích các hành vi lập pháp và hành chánh.
Các quyển thứ hai, ba, tư nói về ba nhiệm vụ chính của Giáo Hội: cai quản, giảng dạy, thánh hóa.
Quyển thứ hai dài nhất, chia thành 3 phần. Phần thứ nhất nói về các tín hữu, tức là chung cho tất cả các giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân. Nói khác đi, trong phần này, giáo luật bàn về các điều kiện chung cho các tín hữu, những người tin theo Ðức Kitô và lĩnh phép rửa tội trong Giáo Hội công giáo. Phần thứ hai bàn về các cơ cấu, chức phận trong Dân Chúa xét dưới khía cạnh tổ chức phẩm trật, nhằm phục vụ Giáo Hội phổ quát và Giáo Hội địa phương. Phần thứ ba dành cho các Hội Dòng tận hiến và các Tu Ðoàn Tông Ðồ, tức là những tín hữu tình nguyện giữ ba lời khuyên Phúc Âm qua một dây ràng buộc thánh (lời khấn, lời hứa hay lời thề).
Quyển thứ ba tuy ngắn nhưng liên can đến một sứ mạng chính yếu của Giáo Hội. Giáo Hội được thành lập nhằm rao giảng Tin Mừng. Nhiệm vụ rao giảng bao gồm nhiều hình thức truyền giáo, huấn giáo, giáo dục, sách báo,v.v...
Phần chính của quyển thứ tư là các Bí Tích, nhờ đó Giáo Hội không những thông truyền ơn cứu rỗi cho nhân loại, nhưng còn cử hành việc tôn vinh Thiên Chúa.
Ba quyển còn lại nói về những hoạt động của Giáo Hội xét như là một đoàn thể sống trong trần thế. Giáo Hội cần có tài sản để chi dùng vào các hoạt động - quyển năm; cần có những biện pháp kỷ luật để duy trì trật tự nội bộ - quyển sáu; cần có những cơ quan để xét xử những tranh chấp về các quyền lợi giữa các cá nhân, hoặc giữa cá nhân với đoàn thể - quyển bảy.
II. Ý Nghĩa Của Bộ Giáo Luật 1983
Ngay từ đầu, Giáo Hội đã có luật lệ, không phải hoàn toàn do chính mình sáng tác, nhưng do chính Ðức Kitô đã ấn định, tỉ như về cộng đoàn các Tông Ðồ, về nhiệm vụ rao giảng, về sự cần thiết phải lĩnh Bí Tích Rửa Tội. Trong thứ thứ nhất gửi tín hữu Corintô, thánh Phaolô đã nói đến vài định chế mà ngài đã lãnh nhận từ Ðức Kitô hay từ các Tông Ðồ, chứ không phải do ngài thiết lập, tỉ như việc cử hành Thánh Thể (chương 11), sứ điệp Phục Sinh (chương 15), định chế hôn nhân bất khả ly (chương 7). Những định chế ấy quen gọi là thiên luật (ius divinum), vì do Thiên Chúa thiết định. Giáo Hội có nhiệm vụ bảo toàn và thi hành, chứ không thể thay thế hoặc hủy bỏ.
Nhưng bên cạnh những định chế nền tảng ấy, các thánh Tông Ðồ và những người kế vị còn đặt ra những kỷ luật hay biện pháp nhằm tổ chức cộng đoàn hay nhằm thi hành các mệnh lệnh mà Ðức Kitô đã ủy thác. Những biện pháp ấy được đặt ra tùy theo nhu cầu từng thời, từng nơi, và cần được sửa đổi, thích nghi hoặc hủy bỏ nếu cần.
Trong Tông Hiến "Sacrae disciplinae leges", Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh đến hai khía cạnh vừa nói, nhằm nói lên tính cách vừa cũ và vừa mới của Bộ Luật. Bộ luật này có phần cũ, bởi vì Giáo Hội không thể nào bỏ qua các cơ cấu do chính Ðức Kitô thiết lập hay do các thánh Tông Ðồ truyền lại. Tuy nhiên, bộ luật này có phần mới, bởi vì nó muốn đáp ứng lại ý thức về bản chất và sứ mạng của Giáo Hội dựa theo Công Ðồng Vatican II. Thực vậy, Ðức Gioan XXIII tuyên bố dự án tu chính Bộ Giáo Luật cùng lúc với quyết định triệu tập Công Ðồng Vatican II. Bộ Giáo Luật phải trở nên một dụng cụ hữu hiệu để thực thi những canh tân mà Công Ðồng mong mỏi.
Thực vậy, chúng ta không nên nhìn Bộ Giáo Luật 1983 chỉ như là một ấn bản mới của Bộ Giáo Luật 1917, nhằm loại bỏ những gì đã lỗi thời, hoặc nhằm sửa đổi giọng văn cho gọn gàng hơn. Ðành rằng những gì đã do Thiên Chúa thiết lập thì bộ luật sau không có gì khác bộ luật trước, thí dụ như bảy Bí Tích, các chưc vụ Giáo Hoàng, Giám Mục, Linh Mục, v.v... Tuy nhiên, giữa hai bộ luật, có sự tiến triển thần học về các Bí Tích, về các chức vụ trong Giáo Hội do Công Ðồng Vatican II mang lại. Chúng tôi không thể trình bày ở đây tất cả quan điểm Giáo Hội học của Công Ðồng. Nhưng chúng tôi thấy cần ghi lại đây những nguyên tắc chỉ đạo công cuộc duyệt chính Bộ Giáo Luật, do ủy ban tu chính đề ra và được Thượng Hội Nghị các Giám Mục năm 1967 phê chuẩn. Những nguyên tắc này không những giúp chúng ta hiểu phương pháp làm việc của ủy ban, nhưng nhất là giúp chúng ta áp dụng đúng đắn bộ luật theo tinh thần mới mà nhà lập pháp đã mong đợi. Chúng tôi xin tóm lược sáu nguyên tắc chính như sau:
1) Nguyên tắc thứ nhất: Tính cách pháp lý của Bộ Giáo Luật. Thoạt tiên, xem ra nguyên tắc này thừa thãi, bởi vì nếu bộ luật không có tính cách pháp lý thì còn gì là luật nữa! Dẫu vậy, ủy ban tu chính thấy cần ghi nhận nguyên tắc này lên hàng đầu để nhấn mạnh rằng bộ luật không phải là một cuốn tóm lược các nguyên tắc thần học, hoặc chỉ gồm một mớ lời khuyên lơn nhắn nhủ. Nói rằng Bộ Giáo Luật có tính cách pháp lý có nghĩa là nó đặt ra một số nghĩa vụ và quyền lợi giữa các phần tử của Giáo Hội với nhau, cũng như giữa các phần tử với Giáo Hội. Những quyền lợi và nghĩa vụ ấy ràng buộc theo công bình, chứ không để mặc cho lòng hảo tâm thiến chí của từng người. Ðành rằng Chúa Thánh Thần thổi đâu tùy ý, nhưng tính cách xã hội của Giáo Hội đòi hỏi một chiều hướng pháp lý tối thiểu: nếu thiếu nó, bản chất của Giáo Hội sẽ bị thương tổn không nhỏ.
2) Nguyên tắc thứ hai: Tính cách mục vụ của bộ luật. Giáo Hội có bộ mặt xã hội, nhưng không giống các xã hội trần thế khác. Mục tiêu của Giáo Hội vượt lên trên các mục tiêu trần thế. Do đó Giáo Hội không thể chỉ giới hạn vào việc duy trì trật tự nội bộ qua việc áp dụng nghiêm chỉnh luật lệ. Giáo luật chỉ là một dụng cụ chứ không phải là cứu cánh của các hoạt động của Giáo Hội. Luật lệ của Giáo Hội phải nhằm tới phần rỗi của các linh hồn (Salus animarum suprema lex). Do đó, một đàng, giáo luật phải linh động mềm dẻo để có thể được áp dụng vào những hoàn cảnh khác nhau; đàng khác, giáo luật phải biết nhìn nhận giới hạn của mình: giáo luật không thể mang lại ơn cứu rỗi được, bởi vì ơn cứu rỗi là kết quả của ơn thánh và sự hợp tác của lương tâm mỗi người. Giáo luật phải biết nhìn nhận và tôn trọng lương tâm. Pháp luật của các quốc gia không đếm xỉa gì đến lương tâm mà chỉ để ý đến hoạt động và trật tự bên ngoài. Trái lại, truyền thống giáo luật phân biệt giữa "tòa trong" và "tòa ngoài" (forum internum - forum externum), giữa tương quan nội tại giữa con người với Thiên Chúa và tương quan hữu hình trong lòng cộng đoàn. Ngoài ra, tính cách mục vụ đòi hỏi sự dung hòa giữa công lý và nhân ái. Vì thế, trong đời sống của Giáo Hội, những lời khuyên lơn, thúc giục, răn dạy cũng quan trọng không kém những quy tắc luật lệ. Những biện pháp chế tài chỉ cần được xử dụng đến khi công ích và kỷ luật chung đòi hỏi, sau khi những biện pháp khác đã tỏ ra ít hiệu lực.
3) Nguyên tắc thứ ba: Ý thức mới về Giáo Hội học. Bộ luật năm 1917 ra đời với một nền tảng Giáo Hội học nặng tính cách hộ giáo, chống lại các chủ nghĩa bài đạo của các thế kỷ trước muốn phủ nhận tính cách công pháp của Giáo Hội công giáo. Vì vậy, Bộ Giáo Luật cũ nhấn mạnh đến cơ cấu pháp lý của Giáo Hội, với sự chỉ huy chặt chẽ, quy củ. Giáo Hội được quan niệm như một kim tự tháp: ở dưới đáy là các giáo dân, lên dần dần đến các giáo sĩ, rồi tới các Giám Mục với Giáo Hoàng ở chóp đỉnh tập trung mọi quyền hành. Mọi hoạt động đều bắt đầu từ lệnh ở trên ban xuống, cấp dưới chỉ lo răm rắp thi hành. Công Ðồng Vatican II đã muốn trình bày hình ảnh Giáo Hội với Kinh Thánh hơn. Ðành rằng Giáo Hội là một tổ chức có phẩm trật, nhưng trước đó Giáo Hội là một mầu nhiệm và một mối thông hiệp. Trong Giáo Hội, mỗi người tín hữu, dù ở địa vị nào, cũng đều có một số quyền lợi và nghĩa vụ nhằm hoạt động để xây dựng Nước Chúa. Do đó, giáo luật, ngoài những bản tuyên ngôn về quyền lợi và nghĩa vụ của các tín hữu, còn cần phải tạo ra những định chế để cổ võ sự tham gia tích cực của mọi thành phần Dân Chúa vào đời sống của Giáo Hội, tỉ như các hiệp hội, các hội đồng mục vụ, các công nghị miền, v.v... Giáo dân có thể đảm nhận một số chức vụ trong Giáo Hội. Một điểm khá quan trọng nữa trong Hiến Chế về Giáo Hội của Công Ðồng Vatican II là tương quan giữa các Giám Mục với Ðức Thánh Cha. Các Giám Mục không phải là nhân viên của Tòa Thánh, theo kiểu các tỉnh trưởng trong tương quan với chủ tịch nhà nước. Không phải thế, các Giám Mục lãnh đạo các Giáo Hội địa phương với quyền hành lãnh nhận từ Ðức Kitô qua Bí Tích Truyền Chức, chứ không phải từ Tòa Thánh. Do đó, Bộ Giáo Luật 1983 dành nhiều quyền hạn (và dĩ nhiên là nhiều trách nhiệm hơn) cho các Giám Mục trong việc điều hành giáo đoàn của mình. Ngoài ra, Bộ Giáo Luật mới cũng lưu ý đến Giám Mục Ðoàn, một thực thể không được lưu ý lắm trong Bộ Giáo Luật trước đây.
4 Nguyên tắc thứ tư: nguyên lý hỗ trợ (subsidiarietas). Theo nguyên tắc này, cấp trên không nên can thiệp và quyết định trong một lãnh vực mà cấp dưới có thể làm được. Cấp trên chỉ "hỗ trợ" cho cấp dưới trong những gì vượt quá khả năng của họ, chứ không dành quyền định đoạt tất cả, không dành cho cấp dưới sáng kiến nào hết. Áp dụng vào tổ chức Giáo Hội, Bộ Giáo Luật sẽ giới hạn vào những lãnh vực phổ quát nhằm duy trì sự thống nhất căn bản trong toàn thể Giáo Hội. Còn những chi tiết thì để cho các địa phương định liệu, tùy theo nhu cầu, tập quán của từng nơi. Xét rằng Bộ Giáo Luật có giá trị cho các Giáo Hội thuộc nhiều nền văn hóa, hoàn cảnh nhân bản, lãnh thổ khác nhau, nhà lập pháp trung ương không thể nghĩ ra một giải pháp tỉ mỉ có thể áp dụng bất biến khắp nơi được. Vì vậy, với bộ luật này, trách nhiệm lập pháp của các Giám Mục và Hội Ðồng Giám Mục sẽ nặng hơn, bởi vì họ phải tìm ra những biện pháp thích ứng với địa phương của họ, không thể mong chờ những giải đáp tiền chế từ Rôma nữa.
5) Nguyên tắc thứ năm: bảo vệ quyền lợi tín hữu. Luật pháp không thể chỉ nhằm cổ võ trật tự công cộng, nhưng còn phải để ý đến việc thăng tiến con người xét như là nhân vị nữa. Trong Giáo Hội, giá trị của nhân vị càng được đặt cao hơn, xét vì Giáo Hội thâm tín rằng con người được tạo dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa và được dành đến sự hưởng kiến nhan Chúa. Hoạt động của Giáo Hội nhằm đến phần rỗi con người, con người xét theo cá thể chứ không phải như những con số của một tập thể. Việc bảo vệ quyền lợi của các tín hữu, ngoài đặc tính mục vụ đã nói ở nguyên tắc thứ hai, còn đòi hỏi phải có những định chế hữu hiệu khác nữa. Một vài chế tài hay hạn chế cổ truyền đã được duyệt lại, ngõ hầu giảm bớt sự cưỡng bách bên ngoài và cổ võ tinh thần trách nhiệm cá nhân. Ngoài ra Bộ Giáo Luật 1983 còn đặt ra vài quy tắc điều hành hoạt động của các cơ quan hành chánh trong Giáo Hội: các cơ quan ấy phải hoạt động hợp với luật lệ; những hành vi bất hợp pháp của các cơ quan ấy sẽ bị chế tài.
6) Sau cùng, trong việc tu chính Bộ Giáo Luật, ủy ban không thể làm ngơ đến phong trào đại kết. Ðành rằng công cuộc hợp nhất các người Kitô không thể chỉ nhờ giáo luật mà thành tựu, tuy nhiên, giáo luật có thể đóng góp vào công cuộc ấy bằng cách loại bỏ những bức tường ngăn cách không cần thiết. Bộ Giáo Luật 1983 dành nhiều khoản quy định việc cử hành phụng tự chung với các anh em Kitô khác. Ngoài ra, Giáo Hội công giáo cũng nhìn nhận thẩm quyền của các Giáo Hội khác trong việc ban hành kỷ luật nội bộ.
Chính vì phải sửa đổi quan niệm về vai trò của giáo luật trong Giáo Hội chứ không phải chỉ thay đổi vài khoản luật, nên công cuộc tu chính đã mất hai mươi bốn năm, nghĩa là non một phần tư thế kỷ. Nói đúng ra, sau khi Ðức Thánh Cha Gioan XXIII tuyên bố ý định tu chính Bộ Giáo Luật, không có gì động đậy trong vòng bốn năm, tức là cho đến ngày 28/3/1963, khi ủy ban tu chính được thành lập với Hồng Y Pietro Ciriaci làm chủ tịch. Tuy nhiên, vừa mới họp phiên đầu tiên vào tháng 11 năm 1963, ủy ban đã quyết định ngưng hoạt động cho đến khi Công Ðồng Vatican II bế mạc. Hai năm sau, ủy ban mới chính thức bắt tay vào việc. Các chuyên viên được phân phối thành 14 tiểu ban, với nhiệm vụ soạn thảo một lược đồ cho từng mục.
Sau khi hoàn thành lược đồ, mỗi tiểu ban sẽ trao lại cho ủy ban trung ương, để ủy ban này trình lên Ðức Thánh Cha, và sau khi đã được ngài chấp thuận, gửi đi các Hội Ðồng Giám Mục, các Thánh Bộ Giáo Triều, các Ðại Học công giáo, và Hội Ðồng các Bề Trên Tổng Quyền các Dòng Tu, để tham khảo ý kiến. Giai đoạn tham khảo ý kiến kéo dài từ 1972 đến 1977.
Sau khi nhận được các nhận xét, mỗi tiểu ban họp lại để điều chỉnh lược đồ của mình. Kế đó, ủy ban trung ương sắp xếp các lược đồ thành dự thảo được trình lên phiên họp khoáng đại do Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II triệu tập vào cuối tháng 10 năm 1981, với sự tham dự của 37 Hồng Y, 31 Tổng Giám Mục và Giám Mục, khoảng 50 Linh Mục và 9 Giáo Dân. Dự án được biểu quyết chấp thuận với những sửa đổi cần thiết và được đệ trình Ðức Thánh Cha vào đầu năm 1982. Ðức Thánh Cha dã dành gần một năm để cân nhắc từng khoản luật, với sự cộng tác của một tiểu ban chuyên môn, trước khi ban hành.
Như vậy có thể nói được là Bộ Giáo Luật 1983 là kết quả của sự hợp tác chặt chẽ giữa Ðức Thánh Cha với cộng đoàn Giám Mục, với sự cố vấn chuyên môn của nhiều thành phần khác nhau của Dân Chúa (Trong khoảng 19 năm làm việc, ủy ban tu chính đã kết nạp làm thành viên 105 Hồng Y, 77 Tổng Giám Mục và Giám Mục, 73 Linh Mục triều, 47 Linh Mục dòng, 3 nữ tu và 12 giáo dân nam nữ). Không kể những người đã góp phần vào việc tham khảo ý kiến.
III. Vài Nét Về Công Việc Dịch Thuật
Chúng tôi đã phân công tác dịch thuật như sau:
- Quyển I: Linh Mục Phan Tấn Thành.
- Quyển II, Phần 1 và 2 (điều 204-572): Linh Mục Vũ Văn Thiện; Phần 3 (điều 573-746): Linh Mục Phan Tấn Thành.
- Quyển III và IV: Linh Mục Mai Ðức Vinh.
- Quyển V: Linh Mục Phan Tấn Thành.
- Quyển VI và VII: Ðức Ông Nguyễn Văn Phương.
Trong giai đoạn 2, Linh Mục Phan Tấn Thành được giao nhiệm vụ kiểm lại bản dịch và đồng nhất hóa các danh từ chuyên môn.
A. Trong việc kiểm lại bản dịch, chúng tôi đã xử dụng các bản dịch bằng tiếng Ý, Anh, Tây Ban Nha, Pháp, để soát lại những chỗ hoài nghi trong nguyên bản Latinh, cũng như xem cách chuyển văn thể từ tiếng Latinh sang các sinh ngữ; chúng tôi cố gắng dịch sát nguyên bản, chỉ trừ đôi khi việc ngắt câu phải cắt ngắn hầu tránh cho câu văn khỏi nặng.
B. Trong việc thống nhất từ ngữ chuyên môn, chúng tôi căn cứ vào những từ ngữ đã thông dụng trong Giáo Hội Việt Nam và trong giới luật gia.
1) nói chung, chúng tôi tôn trọng cách xử dụng đã có trong các sách báo công giáo khi dịch những định chế của Giáo Hội, tuy không chỉnh lắm, thí dụ:
- Summus Pontifex, Romanus Pontifex: Ðức Thánh Cha, Ðức Giáo Hoàng.
- S.R.E. Cardinals: Hồng Y (có nghĩa là áo đỏ, chỉ sắc phục, nhưng không diễn tả chức vụ).
- Consistorium: Mật hội (tuy không phải lúc nào cũng bí mật).
- Clerus saecularis: giáo sĩ triều (đối lại với giáo sĩ dòng).
- Canonicus: Kinh sĩ (tuy nhiệm vụ không phải chỉ là đọc kinh).
Vì lý do ấy, đôi khi một danh từ Latinh được dịch ra nhiều từ ngữ khác nhau, vì muốn tôn trọng lối nói thông dụng, thí dụ:
- Curia Romana: giáo triều, curia diocesana: giáo phủ (giáo phận).
- Synodus Episcoporum: Thượng Hội nghị Giám Mục; synodus diocesana: công nghị giáo phận.
2) Về từ ngữ pháp luật, cách riêng ở quyển I, V, VI, VII, chúng tôi dựa theo các bộ luật cũ của Việt Nam Cộng Hòa (Hình luật, Dân luật, và hai bộ luật tố tụng kèm theo) ban hành ở Saigòn năm 1972, tuy phải thích nghi khi cần thiết.
Thí dụ: tiếng decretum, được dịch là:
- sắc luật, khi do cơ quan có thẩm quyền lập pháp ban hành (điều 29);
- nghị quyết, khi nói về các hội nghị và hội đồng (điều 446, 466);
- nghị định, khi là một hành vi hành chánh (điều 48);
- án lệnh, khi do thẩm phán ban hành (điều 1617 và quyển VII).
Ngược lại, tiếng notarius có thể là: chưởng khế, hộ lại, lục sự; nhưng chúng tôi dùng tiếng "lục sự", vì trong Bộ Giáo Luật, chức vụ ấy có tính cách "thư ký" ở giáo phủ và tòa án.
Trong bộ hình luật, chúng tôi dùng tiếng tội phạm để dịch tiếng delictum, tuy biết rằng có thể gây hiểu lầm với các "tội" (peccatum) theo nghĩa luân lý.
C. Dầu vậy, đôi khi chúng tôi phải đặt ra một vài từ ngữ mới, khi sự chính xác đòi hỏi:
- valide: hữu hiệu (có giá trị pháp lý); đối lại là "vô hiệu" (invalide).
- licite: hợp pháp; đối lại là "bất hợp pháp" (illicite).
- legitimus: hợp thức, hợp lệ.
- ritus được dịch là "nghi thức" khi nói về cách thức cử hành phụng vụ, và "lễ điển" khi nói về truyền thống kỷ luật (đông phương, latinh...).
- Ius Particulare: luật địa phương (hiểu về lãnh thổ), đối lại là luật "phổ quát" (universale).
- Ius proprium, peculiare: luật riêng (hiểu về nhóm người), đối lại với luật "chung" (commune).
- Christifidelis, fidelis: tín hữu, bao gồm cả giáo sĩ lẫn giáo dân. Laicus: giáo dân.
- Sacerdos: tư tế, bao gồm cả Giám Mục và Linh Mục. Presbyter: Linh Mục.
- Riêng về các dòng tu, Bộ Giáo Luật phân biệt:
Institutum vitae consecratae (Hội dòng tận hiến), bao gồm Institutum religiosum (Dòng tu) và Institutum saeculare (Tu hội đời), khác với Societas vitae apostolicae (tu đoàn tông đồ).
- Collegium: tập đoàn; communitas: cộng đoàn (hay cộng đồng).
D. Sau cùng, chúng tôi muốn đơn giản vài từ ngữ, cốt diễn tả nội dung hơn là dịch sát chữ. Thí dụ:
- Auctoritas competens: nhà chức trách có thẩm quyền. (Lẽ ra có thể dịch là "quyền hành có thẩm quyền". Nhưng để tránh dùng hai tiếng "quyền", chúng tôi thay thế bằng chữ "chức trách", ngụ ý nhấn mạnh là quyền bính trong Giáo Hội mang theo một trách nhiệm).
- Legati Romani Pontificis: phái viên của Ðức Thánh Cha. (Người được "phái" đi với một công tác).
- Possessio canonica: tựu chức, nhậm chức. Tuy nhiên khi nói về quyền lợi và tài sản, thì possessio được dịch là "chấp hữu".
- Status: hàng ngũ (giáo sĩ, tu sĩ).
- Abrogatio: bãi bỏ; derogatio: sửa đổi.
- in scripto: bằng giấy tờ. Khi "viết", thì hiểu là viết ra giấy tờ, khác với khi nói.
Trong bảng mục lục phân tích ở phần cuối, quý vị sẽ thấy bảng đối chiếu từ ngữ tiếng Việt dùng trong bản dịch với các từ bằng tiếng Latinh, Pháp, Anh.
Chúng tôi xin cám ơn Sở Quản trị Tài Sản của Tòa Thánh (Amministrazione del Patrimonio della Santa Sede) đã dành mọi sự dễ dãi trong việc cho xuất bản bản dịch Bộ Giáo Luật. Chúng tôi cũng xin cám ơn Chi Dòng Ðồng Công, quan Nguyệt San Trái Tim Ðức Mẹ, đã nhận ấn loát và phát hành bản dịch này.
Chắc chắn bản dịch nầy sẽ có nhiều khuyết điểm, nhiều từ ngữ không chính xác hay sai lệch. Vì thế chúng tôi thành thật xin Quí Cha, Quí Tu Sĩ nam nữ, giáo dân và đặc biệt giới luật gia cho nhận xét và phê bình xây dựng, để chúng tôi có thể sửa chữa và hoàn hảo nó cho lần tái bản sau nầy.
Rôma, ngày 24 tháng 11 năm 1985
Kỷ niệm 25 năm thành lập Hàng Giáo Phẩm ở Việt Nam.
Nhóm Dịch Thuật Việt ngữ Bộ Giáo Luật