Giải Nghĩa Lời Chúa Năm B

Những Bài Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật

của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Chúa Nhật 12 Thường Niên Năm B

Thiên Chúa Có Quyền Trên Sóng Nước

(Yb 38,1.8-11; 2C 5,14-17; Mc 4,35-41)

 

Phúc Âm: Mc 4, 35-40

"Người là ai mà cả gió lẫn biển cũng đều vâng lệnh Người".

Ngày ấy, khi chiều đến, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Chúng ta hãy sang bên kia biển hồ". Các ông giải tán đám đông; vì Người đang ở dưới thuyền, nên các ông chở Người đi. Cũng có nhiều thuyền khác theo Người. Chợt có một cơn bão lớn và những lớp sóng ùa vào thuyền đến nỗi sắp đầy nước. Và Người thì ở đàng lái dựa gối mà ngủ. Các ông đánh thức Người và nói: "Thưa Thầy, chúng con chết mất mà Thầy không quan tâm đến sao?" Chỗi dậy, Người đe gió và phán với biển rằng: "Hãy im đi, hãy lặng đi". Tức thì gió ngừng biển lặng như tờ. Rồi Người nói với các ông: "Sao các con sợ hãi thế? Các con không có đức tin ư?" Bấy giờ các ông kinh hãi và nói với nhau rằng: "Người là ai mà cả gió lẫn biển cũng đều vâng lệnh Người?"

 

Suy Niệm:

Chúa Nhật XII Thường Niên Năm B

Yb 38,1.8-11; 2C 5,14-17; Mc 4,35-41

Văn chương thường ví đời sống con người từ khi sinh đến khi chết, như một cuộc vượt biển, đi từ bên này sang bên kia. Và mặt biển trần gian không mấy khi phẳng lặng. Không những thường có gió, có sóng, mà nhiều khi còn nổi bão và sóng cuộn. Và không chắc thời buổi khoa học kỹ thuật cao ít sóng gió hơn những thời đại bè nứa và thuyền nan. Lịch sử thế giới những thập niên gần đây xem ra nhiều biến động và con người ở thời đại chúng ta cũng rất nhiều thử thách. Cụ thể ai có thể bảo: đời sống bản thân, gia đình và xã hội mình đang sống không có những nét bất ổn làm giao động tâm hồn?

Hôm nay Lời Chúa không những tỏ ra thấu suốt các nguy hiểm của đời sống con người, mà còn muốn đem lại bình an hạnh phúc cho tất cả chúng ta đang sống trong sóng gió của cuộc đời. Chúng ta lần lượt đọc lại bài sách Yob, bài Tin Mừng và bài thư Phaolô.

 

A. Thiên Chúa Có Quyền Trên Sóng Nước

Phụng vụ chọn bài sách Yob đi trước bài Tin Mừng hôm nay. Vì sao không chọn một bài khác? Cựu Ước không thiếu những đoạn sách tương tự. Nhưng sách Yob gợi ngay đến cuộc sống của một người gặp thử thách khác thường. Không những Yob đã trở thành biểu tượng mọi con người gặp đau khổ đớn đau, sách Yob còn chứa đựng mọi suy tư của con người muốn giải thích vì sao cuộc sống lại nhiều khổ đau vô lý như vậy. Các phát biểu nhiều và dài, nhưng chẳng hoàn toàn thuyết phục được ai khác, ngoài chính người đã dựng ra những lý thuyết giải thích kia. Cuối cùng, như không thể chịu đựng được nữa, những tư tưởng ngu xuẩn của những kẻ múa mép một cách tự đại, Thiên Chúa đã nói với Yob "từ cơn giông tố".

Vì sao Người lại dùng giông tố làm bối cảnh? Văn chương Cựu Ước và ở thời của Yob không thể nào tưởng tượng được một cuộc hiển linh mà không thấy có sấm chớp, giông tố và khói lửa. Kể từ ngày mô tả Thiên Chúa ngự xuống trên núi Sinai giữa cảnh trời long đất lở, sấm chớp hãi hùng, các tác giả Cựu Ước luôn diễn tả việc Chúa hiện ra hoặc với loài người kèm theo tiếng gió, tiếng sét, trong lửa, trong khói. Ðó là những bối cảnh đã trở nên quen thuộc.

Ở đây, "giông tố" đã là dấu báo hiệu cho việc Chúa hiện đến. Nó còn nói lên một ý nghĩa nữa. Nó muốn quét sạch mọi luân lý của loài người đã nói ra trước đây để cắt nghĩa vì sao hết sự dữ này đến tai họa khác đã ập xuống trên cuộc đời và thân thể của Yob. Chẳng lý lẽ nào có thể đứng vững trước chân lý của Chúa. Chúng đã tháo lui, rút chạy khi Người sắp mở miệng. Giông tố đã đến quét sạch mặt đất để cho Thiên Chúa xuất hiện. Và để tỏ ra Lời Người sắp nói là Chân lý, khác hẳn các suy tư của con người. Giữa tư tưởng của Người và luận lý của chúng sinh phải có một khoảng cách, một khoảng trống. Ðấng siêu việt không thể ngự đến giữa các vật tầm thường. Chân lý của Người không được xếp hạng chung với các tiếng nói của loài người.

Và quả thật, Người không phát biểu như bạn bè trước đây của Yob. Các người này đi thẳng vào những đau khổ của ông, lấy lẽ này lẽ khác ra mà giải thích. Họ và đối tượng họ giải thích cùng nằm trên một bình diện. Họ đứng cùng tầm mức với các điều họ muốn hiểu. Thiên Chúa thì không. Người siêu việt hơn hết thảy. Người đứng trên mọi sự. Người nắm đầu tất cả. Người bắt chúng phải trả lời, chứ không lờ mờ tìm hiểu chúng.

Thế nên, Người bảo Yob: "Hãy nai nịt như một dũng sĩ (để xứng đáng đứng trước nhan Người). Ta sẽ vặn hỏi ngươi và ngươi hãy cho ta hay: ai đã cài chắc then biển bằng hai cánh xếp, khi nó trào ra từ lòng mẹ; khi Ta phủ mây trên nó như áo quần và mây tối làm tã lót?"

Dĩ nhiên phải biết văn chương của thời Yob mới dễ hiểu những lời vừa nghe. Thời ấy, người ta có những quan niệm rất khác với chúng ta về vũ trụ. Ðối với họ, mọi vật đã từ "vực thẳm" đi ra. Biển cũng từ lòng sâu thẳm ngoi lên. Vực thẳm là lòng mẹ sinh ra vạn vật. Nhưng khi nước biển trào ra như vậy, làm sao nó lại đọng lại một vài nơi và không tràn ra lênh láng? Phải có người vạch ranh giới cho nó và đặt nó trong cửa kín then cài. Ai vậy, nếu không phải là tạo hóa? Người đặt định luật cho các vật để chúng không ngông cuồng và không có kỷ luật...

Viết như trên, tác giả sách Yob cũng cùng quan điểm với tác giả sách Khởi nguyên. Chúng ta quen tư tưởng của sách này từ chương đầu tiên. Ở đó, chúng ta thấy Thiên Chúa đã làm ra mọi sự, một cách thật đơn giản và quyền năng. Người phán hãy có vật nào là vật ấy xuất hiện. Người bảo nước dưới vòm trời hãy tụ lại một chỗ, để cho khô ráo lộ diện. Và đã xảy ra như vậy. Người gọi khô ráo là đất, còn khối nước tụ lại là biển.

Dĩ nhiên, một cách khoa học ngày nay không viết như thế, nhưng con người ở thời Yob không hiểu được văn khoa học thời nay. Ðàng khác sách Yob cũng như sách Khởi nguyên không muốn nói chuyện khoa học, nhưng chỉ muốn dạy đạo. Chân lý chủ yếu ở đây là biển rộng với các định luật của nó là tự Thiên Chúa sắp đặt. Tác giả thời bấy giờ phải dùng các hình ảnh vừa tầm mức của người đương thời để diễn đạt tư tưởng đạo đức. Ông phải mượn hình ảnh then cài và cửa khép hai cánh để nói lên định luật không cho nước lan rộng ra quá mức. Ðịnh luật này cũng do tạo hóa đặt định thôi. Do đó, người xưa nói đến cửa đóng then cài không cho nước thoát ra, và ngày nay chúng ta nói đến hấp lực của trái đất và mặt trăng điều hòa sức nước dâng lên dâng xuống, cũng vậy thôi xét theo quan điểm tìm hiểu: bởi vì cuối cùng vẫn phải nại đến ai làm ra cửa và ai đặt ra định luật. Người thời xưa mộc mạc và thi sĩ hơn người khoa học. Họ thấy sức mạnh của nước, nhưng đồng thời sức mạnh ấy được kiềm chế. Họ nghĩ phải có ai điều khiển đại dương. Họ suy tôn tạo hóa trong các kỳ công của Người.

Cũng như họ thấy mặt biển thường có mây. Họ nghĩ đến ngày sinh của con người phải có tã lót và con người không thể phô bày thân thể mà không mang quần áo. Họ suy biển cũng phải như vậy. Nên ở đây tác giả viết: Tạo hóa phủ mây trên nó như áo quần vá mây tối làm tã lót.

Chúng ta chia sẻ cái nhìn chân thực của tác giả. Chúng ta cùng tác giả nhìn nhận Thiên Chúa, Ðấng tạo thành vạn vật, có quyền trên hết thảy. Người có quyền trên biển rộng. Nhưng điều này ăn nhằm gì với điều Yob đang muốn biết. Ông đang điên đầu vì chẳng hiểu sao mình khổ sở quá như thế này. Bạn bè của ông đã đưa ra những lời giải thích không thể chấp nhận được. Thiên Chúa muốn trả lời thế nào cho ông đây, khi nói đến quyền của Người trên sóng nước?

Sự thật Yob đã hiểu ngay Thiên Chúa muốn nói gì rồi. Ông và đồng bào của ông quá biết sức mạnh của nước, nhất là khi nó phá phách như trong truyện Ðại hồng thủy và truyện binh lính Pharaô chết hết khi nước vùi dập họ nơi Biển Ðỏ. Trong bão táp, sóng nước thật hung dữ. Biển trở thành biểu tượng cho nhiều sức mạnh nguy hiểm. Thế nên không phải chỉ ở Dothái, mà còn ở nhiều nơi, loài người vẫn ví cuộc sống nguy hiểm của họ ở đời này như cuộc vượt biển trăm bề hiểm nguy.

Vậy khi khẳng định uy quyền của Thiên Chúa trên sóng nước, tác giả sách Yob chẳng qua có ý quả quyết: sự dữ cũng dưới quyền của Chúa. Và kẻ gặp sự dữ hãy đến đặt niềm tin tưởng nơi Người.

Nhưng khốn nỗi nhiều khi Người lại như Ðức Yêsu cứ ngủ yên trong khi môn đệ gặp sóng gió dữ dằn. Thái độ của chúng ta như thế nào trong những trường hợp như thế?

 

B. Các Ngươi Chưa Có Lòng Tin Sao?

Marcô không phải là tác giả không biết kể chuyện. Lời văn của ông vắn tắt nhưng ngụ nhiều ý. Ông biết quá mặt nước mà các môn đệ của Ðức Yêsu sắp bơi thuyền sang, không phải là một đại dương hoặc một mặt biển rộng. Ðây chỉ là một cái hồ, tuy không rộng như chưa thể gọi là biển. Thế mà Marcô làm cho chúng ta thấy thuyền của các Tông đồ như đang vượt biển sóng to gió lớn. Tác giả muốn dùng câu truyện hôm nay để nói đến con đường gian nan nguy hiểm mà các Tông đồ sắp đi vào, và để báo trước cuộc đời của Hội Thánh sẽ phải lênh đênh sóng gió, và đời sống đức tin của mỗi người chúng ta phải lao khổ, hiểm nguy. Bài sách Marcô hôm nay vì thế cũng nằm trong viễn tượng chúng ta vừa trình bày khi nói về bài sách Yob. Cả hai đều muốn gợi lên cuộc đời đầy thử thách gian lao của con người.

Marcô lại khéo dùng vài từ ngữ để làm cho bối cảnh thêm đe dọa, bi đát hơn. Ông viết: "Ngày hôm ấy". Từ ngữ này rơi vào tai những người am hiểu Kinh Thánh, lập tức có thể gợi lên viễn tượng về ngày chung thẩm, khi Thiên Chúa đến phán xét lành dữ trong hãi hùng và thẳng nhặt. Không có gì đáng sợ hơn những gì sẽ xảy ra trong ngày ấy. Thế nên, khi đặt cuộc vượt biển của các tông đồ trong khung cảnh của "ngày hôm ấy", Marcô đã mở ra một chân trời đe dọa. Không những thế, ông còn viết: "Lúc chiều đến". Nghĩa là tối tăm sắp sửa ập xuống. Và ai biết trong bóng tối có những hung thần và nguy hiểm nào?

Chúng ta bảo: Các tông đồ không biết chọn thời điểm. Nhưng họ đâu có quyền lựa chọn. Khi đã nhận làm môn đệ Chúa Yêsu và hấp thụ mầu nhiệm Nước Trời như Người đã mạc khải qua các dụ ngôn hạt giống và hạt cải (đọc trong Chúa nhật trước), họ phải băng "qua bên kia", tức là phải bỏ đời sống cũ, đi vào đời sống mới. Và đây là nếp sống môn đệ từ nay họ phải đi theo.

Nó không yên hàn. Chưa chi đã xảy đến một trận gió táp thổi mạnh, và sóng ập tràn vào thuyền, làm thuyền đã hòng đầy ngập. Marcô đã không tả dài hơn. Vì đây ông không có ý kể chuyện. Mọi người có thể tưởng tượng được hoàn cảnh của một thuyền nhỏ bỗng dưng gặp gió táp sóng cồn. Nó không chìm là may. Ai ai cũng có thể biết như thế. Ai ai cũng đã kinh nghiệm cuộc đời mình nhiều khi tròng trành trong gian truân. Không cần nói, ai cũng biết; nên Marcô tả bấy nhiêu cũng đủ rồi. Ông nói ngay sang việc cốt yếu.

Thuyền đã hòng ngập, mà Ðức Yêsu bây giời đang ở đàng lái, dựa trên ván véo mà ngủ. Người ở chỗ quan trọng vì số phận con thuyền tùy ở tay lái. Thế mà đang lúc khó khăn nguy hiểm tột độ, Người lại nằm ngủ. Ðây không phải chỗ chúng ta khen Người có nếp sống bình dị, nằm đâu cũng ngủ được.

Ðối với Marcô, Người nằm ngủ như thế là hình ảnh về Thiên Chúa như nhắm mắt làm ngơ và ngủ say quên mất rằng loài người chúng ta sắp chết rồi, con thuyền Hội Thánh đã sắp chìm và bản thân chúng ta sắp bị vùi giập trong hiểm nguy. Thái độ lạ lùng, khiến loài người phải đặt ra nhiều câu hỏi về vấn đề đau khổ và sự dữ: có Thiên Chúa hay không? Người không biết chúng ta đang khổ sao? Người bất lực hay là đa đoan như người ta thường nói về "Con Tạo"? Sự dữ này bởi đâu?

Không phải chỉ có thế. Marcô có những nét tả trong câu truyện này khiến chúng ta không thể không nhớ đến câu truyện Yona. Ông này cũng lấy tàu vượt biển. Tàu cũng bị sóng gió. Mọi người trên tàu đều thất kinh tìm cách chống cự. Duy mình Yona tìm chỗ vắng nhất đặt mình xuống ngủ. Và ngủ say ngon giấc nữa. Người ta cũng đến lay ông dậy, cũng nói với ông tương tự như các môn đệ hôm nay thưa với Ðức Yêsu. Nếu vậy thì dưới con mắt của Marcô, Ðức Yêsu đang ngủ không phải chỉ gợi lên hình ảnh về sự vắng mặt của Thiên Chúa trong lúc loài người khổ sở. Nhưng vì truyện Yona đã được chính Ðức Yêsu dùng để ám chỉ việc Người tử nạn-phục sinh, nên các nét tả của Marcô hôm nay hẳn cũng muốn báo trước những việc sẽ xảy ra sau này: Ðức Yêsu sẽ nằm chết trên thánh giá. Người nằm ngủ trong đau thương. Nhưng rồi Người sẽ chỗi dậy và trở thành "Chúa" trong mầu nhiệm Phục sinh. Cũng như hôm nay, tỉnh dậy Người quát bảo gió và biển: Nín đi, im đi! Và gió tắt biển lặng như tờ.

Như vậy chúng ta được phép nghĩ rằng, đối với Marcô không những thái độ yên lặng của Thiên Chúa trong các đau khổ của loài người, đã là điều khó hiểu cho tâm trí chúng ta; Người còn khiến chúng ta khó hiểu Người hơn nữa khi Người đã để cho Con Một Người nằm chết đau thương trên thập giá. Nhưng lại chính khi trở nên khó hiểu hơn hết, Thiên Chúa đã ban cho chúng ta được cái chìa khóa để mở mầu nhiệm đau khổ ra. Người làm cho Con Một Người sống lại: Ðức Yêsu Kitô tỉnh lại truyền lệnh cho các lực lượng đối nghịch con người; Người tỏ ra là Chúa để môn đệ hoàn toàn tin tưởng. Biết được gió và biển phải vâng phục Người, từ nay họ không còn sợ chúng nữa. Những kẻ đã tin Người tử nạn-phục sinh, không còn sợ gì đau khổ nữa. Có thể họ vẫn chưa hiểu được vì sao Thiên Chúa lại như ngủ quên khi con cái loài người đang khổ sở và lâm nguy. Nhưng biết rằng Người có toàn quyền trên mọi sự dữ, họ có thể đặt hết tin tưởng ở nơi Người.

Ðó chính là bài học mà Marcô muốn đưa ra trong câu truyện này. Và cũng vì vậy mà Ðức Yêsu đã nói với các môn đệ: Các ngươi chưa có lòng tin sao? Chúng ta có thể bảo: Phaolô muốn áp dụng bài học ấy trong đoạn thư hôm nay.

 

C. Cũ Ðã Qua Ði Và Mới Ðã Thành Sự

Thánh tông đồ nhìn ngắm Chúa Yêsu nằm ngủ trên thập giá giữa bao đau thương khổ sở. Người hiểu Chúa đã chết vì mọi người. Và lòng mến của Chúa thúc bách người, khiến người xác tín rằng: Chúa đã chết vì mọi người, thì đừng ai còn sống cho mình nữa, nhưng là cho Ðấng chết và sống lại vì họ. Và cho được như vậy mọi người phải chết, chết nơi con người cũ, chết nơi con người luôn nghĩ đến mình, để trở thành con người mới, con người sống cho Chúa Yêsu Kitô. Câu thánh Tông đồ nói: Cũ đã qua đi và này mới đã thành sự, có nghĩa là như vậy. Ai đã tin Chúa Yêsu đã chết và sống lại, thì phải chết đi con người cũ, để sống làm con người mới trong sự thánh thiện của Chúa Yêsu phục sinh. Một nền đạo đức học mới phải phát xuất từ đó. Nó có nhiều hệ luận, nhưng tất cả xây trên một niềm tin duy nhất, tin Chúa Yêsu Kitô đã chết và sống lại, đã từ bỏ con người trần gian của Người qua con đường hy sinh thánh giá để trở thành Chúa đứng trên mọi tạo vật. Nơi Người, đau khổ đã có ý nghĩa. Nó đã đưa Người đến vinh quang. Nó trở thành con đường cho những ai muốn theo Người, bước vào con đường này, người ta nhờ đau khổ sẽ dần dần giũ bỏ con người cũ, ích kỷ và xác thịt, để trở thành con người mới, bác ái và thần linh. Người ta không buồn phiền và nản lòng khi gặp đau khổ nữa; nhưng nhìn vào mầu nhiệm thập giá, người ta tin có Chúa đang ở với mình, cho dù bề ngoài xem ra Người đang ngủ, nhưng thật sự Người đã dùng chính sự yên lặng thánh giá để làm im gió và biển của thế giới đầy đau thương này.

Giờ đây chúng ta sắp cử hành mầu nhiệm Thánh giá nơi bàn thờ. Dưới hai hình thức bánh rượu, vừa đơn sơ vừa bất động, biểu tượng cho sự lặng thinh của Thiên Chúa và cho việc Chúa Yêsu nằm yên trên thập giá, chúng ta tin có sự sống của chính Thiên Chúa. Người ban cho những ai tin mà đón nhận, chính sự sống của Người, để với ơn của Người họ được sức khắc phục mọi khó khăn đau khổ ở đời, khiến con người mới được xây dựng mỗi ngày mỗi kiên vững. Chúng ta hãy sốt sắng cử hành và tiếp nhận mầu nhiệm Thánh Thể này, để khi ra về có thể nói được rằng: cũ đã qua đi và này mới đã thành sự. Và chúng ta sẽ sống giữa xã hội như những con người mới, với những tư cách mới.

 

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa

của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page