Giải Nghĩa Lời Chúa Năm C

Những Bài Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật

của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Ngày 9 tháng 11

Lễ Kỷ Niệm Cung Hiến Ðền Thờ Latêranô

Viên đá đỉnh góc

(Ez 47,1-2.8-9.12; 1C 3,9b-11.16-17; Yn 2,13-22)

 

Phúc Âm: Ga 2, 13-22

"Người có ý nói đền thờ là thân thể Người".

Lễ Vượt Qua của dân Do-thái gần đến, Chúa Giêsu lên Giêrusa-lem; Người thấy ở trong đền thờ có những người bán bò, chiên, chim câu và cả những người ngồi đổi tiền bạc. Người chắp dây thừng làm roi, đánh đuổi tất cả bọn cùng với chiên bò ra khỏi đền thờ, Người hất tung tiền của những người đổi bạc, xô đổ bàn ghế của họ, và bảo những người bán chim câu rằng: "Hãy đem những thứ này đi khỏi đây, và đừng làm nhà Cha Ta thành nơi buôn bán".

Môn đệ liền nhớ lại câu Kinh Thánh: "Sự nhiệt thành vì nhà Chúa sẽ thiêu đốt tôi".

Bấy giờ người Do-thái bảo Người rằng: "Ông hãy tỏ cho chúng tôi thấy dấu gì là ông có quyền làm như vậy". Chúa Giêsu trả lời: "Các ông cứ phá huỷ đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ dựng lại". Người Do-thái đáp lại: "Phải bốn muơi sáu năm mới xây được đền thờ này mà ông, ông sẽ dựng lại trong ba ngày ư?" Nhưng Người, Người có ý nói đền thờ là thân thể Người. Vì thế, khi Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại, các môn đệ mới nhớ lời đó, nên đã tin Kinh Thánh và tin lời Người đã nói.

 

Suy Niệm:

Ngày 9 Tháng 11

Lễ Kỷ Niệm Cung Hiến Ðền Thờ Latêranô

(Ez 47,1-2.8-9.12; 1C 3,9b-11.16-17; Yn 2,13-22)

Thành phố Rôma có rất nhiều đền thờ. Một số ít được gọi là Vương cung thánh đường vì kiến trúc, lịch sử và ý nghĩa đặc biệt của nó. Ðền thờ Latêranô mà chúng ta kỷ niệm ngày cung hiến hôm nay là Vương cung thánh đường xưa nhất và nhiều ý nghĩa nhất.

Nó được xây lên ngay khi Hội Thánh Rôma vừa ra khỏi các hang toại đạo, tức là ra khỏi các cơn bắt đạo dưới thời các hoàng đế La Mã. Năm 320 tự do tôn giáo được luật pháp công nhận và bảo hộ. Dân Chúa nô nức xây các đền thờ. Và dĩ nhiên mọi người đã nghĩ đến một đền thờ cho vị Giám mục thành Rôma và cũng là vị Giáo chủ của tất cả Hội Thánh. Hoàng đế Constantin xin biến nơi này đã được rửa tội cho ông ở trong điện Latêranô làm cơ sở cho ngôi thánh đường này. Rồi người ta đã khiêng cái bàn đã từng dùng cho các Giám mục Rôma tế lễ trong các năm bắt đạo và đặt trong ngôi Ðền thờ mới. Người ta dâng điện thờ này cho Chúa Cứu Thế. Nhưng về sau người ta lại gọi nó là Vương cung Thánh đường thánh Gioan Tẩy giả.

Và từ thời đại này qua thời đại khác đền thờ Latêranô là nhà thờ chính tòa của vị Giám mục thành Rôma mà tất cả Hội Thánh đều coi là Giáo hội mẹ. Chỉ từ thế kỷ thứ 16 nó mới bị một nhà thờ khác cạnh tranh, đó là đền thờ thánh Phêrô và Phaolô, bây giờ ở trong điện Vatican. Nhưng giá trị lịch sử và ý nghĩa Giáo hội của nó vẫn toàn vẹn. Hằng năm cả Hội thánh toàn cầu hướng về nó như về người mẹ muôn thuở đã sinh ra các người con đang ở đầy mặt đất.

Thế nên chúng ta sung sướng được nghe những lời Kinh thánh vừa đọc trong thánh lễ hôm nay. Bài sách Ezekiel không gợi lên hình ảnh đền thờ Latêranô đối với tất cả Hội thánh sao?

Bài Tin Mừng cho chúng ta thấy rõ giá trị điện thờ này nằm ở chỗ nào? Và bài thư Phaolô nói lên hạnh phúc của chúng ta được từ người mẹ muôn thuở ấy. Chúng ta hãy đọc kỹ lại những bản văn Kinh thánh này.

 

1. Ðền Thờ Mẹ

Muốn hiểu bài sách Ezekiel, chúng ta phải ngó lại lịch sử. Dân Do Thái bấy giờ đang trong cảnh lưu đày. Ðất nước bị xâm chiếm, đền thờ bị tàn phá, dân chúng đa số bị đày sang Babylon. Còn đâu Ðất Hứa! Còn đâu Ðiện Thờ! Còn đâu các cuộc đại lễ. Tình cảnh sẽ mãi mãi như thế này sao? Chúa có ghé mắt lại thương dân nữa không? Bao giờ lại thấy có Ðiện thờ và các cuộc lễ để hiểu rằng Chúa đã tập hợp dân về và ở với dân?

Chính trong lúc bi thảm đó, Ezekiel và nhiều tiên tri lên tiếng an ủi con cái Chúa. Họ rao truyền lòng tin và niềm cậy. Họ giục dân cứ mến Chúa và Người sẽ xót thương dân. Người không bỏ dân mãi mãi đâu. Ðiện thờ Người sẽ được xây lại. Con cái Người sẽ lại tựu về; và đời sống sau này sẽ sung mãn.

Ðể cụ thể hóa lời rao giảng niềm tin vững vàng ấy, hôm nay Ezekiel kể lại cho dân nghe một thị kiến, tức là một mạc khải của Chúa... Người sai một nhân vật kỳ diệu đến dắt Ezekiel đi xem điện thờ mới trong tương lai. Từ bên dưới thềm của đền thờ có nước phun ra hướng về phía đông. Nước chảy xuống vùng hoang vu rồi ra biển và làm cho nước ở đây hóa lành. Sẽ có rất nhiều cá vì nước biển đã lành rồi.

Cũng như khi đi qua nơi nào, thì nước ở đền thờ chảy ra cũng đã làm cho mọi vật được sống. Nước ấy chảy thành khe và hai bên bờ cỏ mọc lên một thứ cây ăn được. Lá của chúng thì dùng làm thuốc...

Người Do Thái khi nghe kể như vậy đã hết sức phấn khởi và tin tưởng. Quê hương họ toàn sa mạc nóng bỏng. Thế mà điện thờ mới đã mọc lên, có nước phun ra từ dưới thềm... Nước đó chảy qua sa mạc đi đến đâu cũng làm tạo vật mọc lên sinh hoa kết quả. Nước còn chảy ra tới "biển chết" mặn đắng làm nước của nó hóa lành và sinh ra nhiều thứ cá. Nếu vậy thì quê hương họ sẽ là chốn bồng lai tiên cảnh. Không ai còn đói khát; bệnh tật cũng bị tiêu diệt vì lá cây hai bên bờ nước có sức chữa lành tất cả.

Cảnh tượng thay đổi làm chứng vận mạng dân Chúa sẽ được đổi mới hoàn toàn. Không những sẽ có cuộc hồi sinh mà còn có sự sống mới phát sinh từ điện thờ, và sự sống này còn sum suê tốt gấp mấy thuở xưa. Nguyên cảnh thay đổi ở Biển Chết cũng đủ để nói lên một tương lai lạ lùng. Biển ấy bây giờ mặn đắng, không cho một sinh vật nào sống được.

Thế mà nước điện thờ sẽ chảy đến làm cho nước mặn hóa lành và mọi thứ cá có thể sinh sản và lớn lên.

Chẳng ai thời bấy giờ dám bảo Ezekiel nói khoác. Nhưng chẳng ai hiểu nổi lời nhà tiên tri theo nghĩa đen. Họ thấy niềm tin vững vàng của ông trong lời ông vừa kể. Họ hiểu ông muốn nói rằng Chúa sẽ khôi phục dân đang chết dở này và cho họ được sống lại. Họ sẽ được trở về quê quán. Họ sẽ xây lại được đền thờ; và ngự nơi đền thờ, Chúa sẽ ban sự sống và mọi ơn lành cho dân.

Ðiều đáng để ý là trong quan niệm người dân Chúa thời bấy giờ, điện thờ có một tầm mức rất quan trọng. Ðó là nhà Chúa ngự. Dân không có điện thờ, sẽ không có Chúa ở với mình. Và điện thờ không có nước chảy, Chúa ở đó sẽ không ban ơn. Thế nên không những dân phải có điện thờ, mà còn phải xây điện thờ chỗ có suối nước. Tức là không những phải có Chúa, mà Chúa còn phải ban ơn nhiều; nếu không, sự sống con người sẽ héo hắt và chết khô.

Với những quan niệm và hình ảnh cụ thể ấy người xưa diễn tả tương quan mật thiết giữa Thiên Chúa và con người. Hình ảnh và quan niệm có thể cũ, nhưng thực tại vẫn không thay đổi. Con người vẫn cần Thiên Chúa và các ơn của Người. Họ cần Người hiện diện và ban ơn. Họ xây các đền thờ là vì thế. Và khi mừng lễ cung hiến các đền thờ, chúng ta cảm mến nhớ đến lòng thương của Thiên Chúa. Người muốn dùng ngôi nhà hữu hình để đảm bảo sự hiện diện của mình ở giữa dân Chúa. Người đã ban muôn nghìn suối nước ơn thiêng cho cả Hội Thánh từ khi có Vương cung Thánh đường Latêranô.

Ðây thật là nhà thờ mẹ của chúng ta, ban thêm ý nghĩa cho các ngôi thánh đường ở khắp mặt đất. Và ca tụng mẹ, chúng ta phải nghĩ đến các con. Chúng ta phải ý thức hơn nữa về ý nghĩa của các nhà thờ mà chúng ta quen gặp. Nhất là chúng ta phải quý hóa điện thờ của xứ chúng ta. Ðây là Nhà Chúa ở giữa con cái các loài người, là nơi có các dòng suối bí tích chảy ra ban ơn thiêng cho các linh hồn.

Nhưng nhà thờ vẫn chỉ là biểu tượng. Nó nói lên sự hiện diện của Chúa nhưng không phải là chính sự hiện diện ấy. Nó là hình ảnh đưa chúng ta nghĩ đến thực tại mầu nhiệm mà chính Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta trong bài Tin Mừng hôm nay.

 

2. Ðền Thờ Chính

Tác giả Gioan kể, hôm ấy vào dịp lễ Vượt Qua, Ðức Giêsu vào đền thờ Giêrusalem và đã xua đuổi phường buôn bán ra khỏi nơi Thánh. Những tác giả khác viết sách Tin Mừng cũng kể lại chuyện này nhưng đặt nó vào ngay trước cuộc tử nạn phục sinh của Chúa. Tác giả Gioan đặt nó ngay ở đầu cuộc đời công khai của Người. Ai viết đúng sự thật hơn? Hay là đã có hai lần thanh tẩy đền thờ? Thiết tưởng điều cốt yếu ở đây là tìm hiểu tác giả Gioan có ý nghĩ gì không khi đặt câu chuyện này vào đầu cuộc đời truyền giáo của Ðức Giêsu Kitô?

Chúng ta biết tác phẩm của Gioan hay dùng những ngày lễ lớn của người Do Thái làm khung cảnh cho Ðức Giêsu tỏ mình ra và tuyên bố giáo lý của Người. Nếu thế thì rất nên kể việc Người thanh tẩy đền thờ vào ngay buổi đầu cuộc đời hoạt động, nếu giả sử chỉ có một lần như vậy đã xảy ra trong cuộc đời của Người mà thôi. Thanh tẩy đền thờ rồi, các lần tỏ mình ra và công bố Tin Mừng cứu độ của Người sẽ dễ dàng sáng tỏ.

Nhưng sâu xa hơn nữa, chúng ta cần nhớ lại Lời Tựa của sách Tin Mừng theo Gioan.

Ở đó, tác giả đã khẳng định: Ngài (là Ðức Giêsu Kitô, Ngôi Lời Nhập Thể) đã đến nơi nhà của Ngài... Và Lời đã lưu trú nơi chúng tôi... (1,11-14). Không lẽ Ngài cứ để đền thờ như trước mãi sao? Ngài phải vào và thanh tẩy nó để làm dấu và báo hiệu cho người ta biết Thiên Chúa đã đến thay đổi sự hiện diện của Người ở giữa trần gian. Chúng ta có thể nói, qua việc thanh tẩy này, Ðức Giêsu vừa công nhận đền thờ là Nhà Chúa vừa phủ nhận cách người ta sử dụng nơi này.

Người đã lấy dây thừng làm roi mà xua đuổi phường buôn bán ra khỏi đền thờ, xô nhào bàn ghế của bọn đổi tiền, và làm tung tiền của quân đổi bạc. Ðiều đáng để ý là Người nhẹ nhàng hơn với những kẻ bán bồ câu. Dù sao hạng người này cũng liên hệ với dân nghèo... Người dùng chính họ để tỏ ý định của Người. Người bảo họ: Hãy cất khỏi đây các vật ấy, đừng biến nhà Cha thành một cái chợ.

Nếu chỉ có vậy thì người ta cũng chỉ mới thấy "lòng nhiệt thành của Người đối với Nhà Chúa" mà thôi. Nhưng đó mới là đoạn đầu của câu chuyện. Nó đã đưa đến một phản đề. Người Do Thái nói với Ðức Giêsu: "Ông có dấu nào không để tỏ ra cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế". Chắc chắn họ đã phải cầm mình hết sức. Họ đã thấy một người đến phá đổ hết cơ cấu xã hội và tôn giáo của họ. Người này không tỏ ra được dấu lạ điềm thiêng nào chứng tỏ hơn cả đền thờ, thì nhất định người ấy phải chết. Và Ðức Giêsu đã trả lời cho họ: "Phá đền thờ này đi, và trong ba ngày ta sẽ dựng lại".

Người Do Thái chỉ biết càm ràm mà chịu thôi, Ðức Giêsu đã đưa ra một thách đố mà chẳng ai dám nhận. Ai có can đảm phá đền thờ Giêrusalem đi để xem trong ba ngày Người có dựng lại được không? Thực ra, Ðức Giêsu đã không muốn thách đố. Ý nghĩa đích thực của Lời Người nói, phải đợi sau Phục sinh các môn đồ mới hiểu được. Nhưng ai đã đọc tác phẩm của Gioan từ đầu cho đến câu chuyện này tất phải hiểu tức khắc.

Chúng ta đã nói rằng trong Lời Tựa, Gioan đã viết: Lời đã thành xác phàm và lưu trú nơi chúng tôi... Ngài đã đến nơi nhà của Ngài tức là Thiên Chúa đã đến trong thân xác Ðức Giêsu và nhà của Thiên Chúa nơi trần gian bây giờ, chính là con người nhà tiên tri thành Nazareth, đền thờ Giêrusalem đã lỗi thời rồi. Ðền thờ mới bây giờ chính là Ðức Giêsu Kitô.

Người Do Thái đã tức mình với Người ư? Họ cứ giết Người đi, ba ngày sau Người sẽ sống lại. Bấy giờ họ sẽ rõ Người lớn hơn đền thờ và Người sẽ thay thế hẳn đền thờ cũ.

Ðiều này, Người cũng đã nói với Nathanael trước đây... Người hứa cho ông và đồng bạn sẽ được thấy "trời mở ra và các thiên thần lên xuống trên Con Người". Người đã gợi lại câu chuyện Giacob chiêm bao thấy một cái thang bắc từ đất lên trời và có thiên thần lên xuống trên thang ấy. Tỉnh dậy Giacob đã gọi nơi ông nằm chiêm bao là Ðất Thánh và ông dựng một bàn thờ ở đó. Ðức Giêsu dùng câu chuyện của ông để mạc khải điều sẽ xảy đến cho Người: Người sẽ là đền thờ của Thiên Chúa. Người ta sẽ không phải lên Giêrusalem hay núi Garazim mà thờ phượng nữa. Nhưng kẻ tôn thờ chân thật phải đến gặp Thiên Chúa nơi chính thân thể phục sinh của Ðức Giêsu Kitô. Người là điện thờ chính của đạo mới, mà những kẻ tin Người được vinh dự là các đền thờ phục, nếu chúng ta có thể nói được như vậy theo bài thư sau đây của thánh Phaolô.

 

3. Ðền Thờ Phụ

Thánh tông đồ đang nói đến sứ vụ của những người rao giảng Tin Mừng. Họ phải làm gì nếu không phải là xây dựng Hội Thánh và xây dựng các tâm hồn và con người mới? Thế mà nền móng thì đã có rồi.

Ðó chính là Ðức Giêsu Kitô mà Phêrô đã tuyên bố là viên đá đã bị thợ xây loại bỏ khinh màng nhưng Thiên Chúa đã chọn làm đỉnh góc (Cv 4,11). Sự thực Phêrô chỉ nhắc lại Lời Chúa. Người đã áp dụng vào cho mình lời Sách Thánh đã biết từ nhiều thế kỷ trước (Mt 21,42; Tv 118; Ys 28,16). Và công nhận điều này rồi, các tông đồ Tin Mừng "phải coi chừng mình xây làm sao"?

Kết quả, các tín hữu được xây dựng lên phải là đền thờ của Thiên Chúa. Họ có Thần Trí của Thiên Chúa ngự trong mình. Họ không được hủy hoại một vinh dự như vậy, vì nếu phạm tội để mất đi sự hiện diện của Thiên Chúa ở nơi mình, không những họ làm thiệt mất mình mà còn xúc phạm đến chính Thiên Chúa, bởi đã hủy hoại đền thờ của Người.

Tuy nhiên họ đừng ngộ nhận tưởng mình là một đền thờ đầy đủ và tự lực. Họ có ở trong Ðức Giêsu Kitô thì mới chia sẻ được Thần Trí của Người và mới có được sự sống Thiên Chúa để trở nên đền thờ của Người. Và xét theo tương quan ấy, nói đúng ra họ là những "viên đá" sống của một đền thờ duy nhất chính là Ðức Kitô tử nạn phục sinh... Tính cách lệ thuộc này cho phép chúng ta ví họ như những đền thờ phụ phải gắn liền với đền thờ chính là thân thể mầu nhiệm của Ðức Giêsu Kitô. Và điều này cho họ thấy phải luôn luôn mật thiết với Người như thế nào?

Mỗi lần hội họp để cử hành phụng vụ, chúng ta lại muốn sẽ mối tương quan này lại cho xoắn xuýt hơn. Chẳng khi nào chúng ta làm thành với Chúa Giêsu một điện thờ như trong những giây phút này. Chính lời của Người và Bí tích Thánh Thể của Người, kết nạp chúng ta chặt chẽ hơn vào "viên đá đỉnh góc". Thần Trí của Người và sự sống Thiên Chúa của Người thông đến chúng ta như nước từ điện thờ Giêrusalem lan ra đến đâu thì làm ra một tạo dựng mới ở những nơi đó. Chúng ta được ơn mầu nhiệm phục sinh giết chết những gì không xứng đáng ở nơi mình như ngày xưa Chúa Giêsu đã xua đuổi phường buôn bán ra khỏi đền thờ.

Chúng ta được thánh thiện hơn nên trở thành vật thánh và đền thánh. Chúng ta phải bảo toàn đền thờ của Thiên Chúa... và đồng thời phải nhớ "thành xây trên núi không thể khuất được" thì đền thờ của Chúa là thân mình chúng ta cũng phải có những hành động tốt chiếu sáng ra chung quanh cho mọi người biết có sự hiện diện của Thiên Chúa.

Hôm nay mừng lễ Cung hiến Ðền thờ, chúng ta phải nghĩ về đền thờ thiêng liêng; nhưng cũng phải quí đền thờ hữu hình của giáo xứ chúng ta và quyết tâm làm cho đền thờ này cũng đẹp đẽ sốt sắng như đền thờ trong tâm hồn.

Chúng ta cũng phải nhớ đến đền thờ rộng lớn bao quát tất cả mặt đất là Hội Thánh Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta phải yêu mến và làm vẻ vang cho đền thờ này vì nhờ Hội Thánh chúng ta mới liên kết được với Chúa Giêsu và trở nên đền thờ Thiên Chúa.

 

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa

của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page