Giải Nghĩa Lời Chúa Năm C

Những Bài Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật

của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Áp Chúa Nhật cuối tháng 10

Chúa Nhật Lễ Truyền Giáo Năm C

Truyền Giáo Là Xây Dựng Hòa Bình

(Isaia 2,1-5; 1 Timôtê 2,1-8; Tin Mừng Luca 24,44-53)

 

Lời Chúa: (Luca 24,44-53)

(44) Rồi Người bảo: "Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Môsê, Các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm". (45) Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh và bảo: "Có lời Kinh Thánh chép rằng: Ðấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại, (47) và phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. (48) Chính anh em là chứng nhân của những điều này.

(49) "Phần Thầy, Thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa. Còn anh em, hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống".

(50) Sau đó, Người dẫn các ông tới gần Bêtania, rồi giơ tay chúc lành cho các ông. (51) Và đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được rước lên trời. (52) Bấy giờ các ông bái lạy người, rồi trở lại Giêrusalem, lòng đầy hoan hỷ, (53) và hằng ở trong Ðền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa.

 

Suy Niệm:

Chúng ta quen nghĩ đến Ngày Truyền Giáo một cách cụ thể: hoặc ra đi đến với lương dân nói với họ về Chúa, hay ít ra cũng đi khuyên bảo kẻ khô khan tội lỗi trở về thống hối ăn năn; hoặc giúp tiền của cho những nhà truyền giáo và các công cuộc mở Nước Chúa; hoặc cuối cùng, và ít nhất là khi không thể làm được hai công việc trên, chúng ta cầu nguyện cho có nhiều nhà truyền giáo và cho công cuộc truyền giáo được kết quả. Ít khi chúng ta nghĩ một cách sâu xa đặt lại vấn đề từ căn bản để xem truyền giáo đích thực là gì? Và phải khởi sự truyền giáo từ đâu, cũng như từ công việc nào? Chúng ta quen nghĩ truyền giáo theo chiều hướng rộng, và ít khi để ý đến chiều sâu. Hôm nay chúng ta thử suy nghĩ theo chiều sâu. Chúng ta theo chiều sâu dựa vào các bài Kinh Thánh vừa nghe, để biết đâu khi xây dựng cơ sở cho tốt, chúng ta sẽ mở rộng được địa bàn truyền giáo.

 

1. Truyền Giáo Là Xây Dựng Hòa Bình

Bài sách Isaia rất giống với một đoạn sách Mica (4,1-3) có lẽ cả hai nhà tiên tri đã chép lại một lời sấm có từ lâu đời. Rất có thể những Lời Chúa hứa với tổ phụ Abraham đã là nguồn gốc của lời tiên tri này.

Chúng ta biết, ngay từ đầu, lúc Chúa mới chọn Abraham, Người đã long trọng phán hứa: Nơi ngươi mọi dân nước sẽ được chúc phúc! Thật ra theo đúng nguyên văn, Chúa đã không hứa như vậy. Người chỉ bảo: "Mọi thị tộc trên trần gian sẽ lấy ngươi mà cầu phúc cho nhau" (12,3); nghĩa là người ở mọi dân nước sẽ cầu cho nhau được phúc như Abraham. Nhưng chẳng bao lâu, truyền thống Kinh Thánh đã hiểu lời hứa này theo nghĩa mọi dân trên mặt đất sẽ tuốn đến với dòng dõi Abraham mà được phúc. Và bài sách Isaia hôm nay cũng là một hình thức diễn tả niềm tin trên.

Chúng ta hãy bỏ qua vấn đề nguồn gốc để tìm hiểu ý nghĩa của lời sấm. Isaia tuyên sấm: Sẽ xảy ra vào những ngày mai sau, núi Nhà Thiên Chúa sẽ nên kiên vững trên đỉnh đầu hết các núi non... Ðông đảo các dân đổ về... Người sẽ phân xử giữa các nước... Và thiên hạ sẽ không còn luyện binh đao.

Ðó là viễn tượng về thời đại thiên sai, về Nước Thiên Chúa sau này. Người sẽ củng cố Giêrusalem, tức là xây dựng Hội thánh kiên vững, để các dân tuốn đến; họ sẽ theo nẻo đi của Chúa và thiên hạ sẽ không còn chinh chiến nữa.

Nếu thật viễn tượng mai sau là như vậy, thì rõ rệt công việc quan trọng là phải làm kiên vững Hội thánh. Lúc đó thiên hạ sẽ nghe tin mà tuốn đến; và họ sẽ được hưởng thái bình. Tuy nhiên chúng ta hãy khoan nghĩ như thế. Và trước tiên chúng ta hãy lưu ý đến nét tả cuối cùng về định mệnh sau hết của nhân loại. Lời sấm nói rõ: Bấy giờ các nước sẽ rèn gươm làm cày và giáo mác làm dao quắm; quốc gia này không còn tuốt gươm trên quốc gia nọ và thiên hạ sẽ không còn luyện binh đao.

Vì sao tác giả dùng những hình ảnh và lời lẽ về cảnh thái bình để mô tả hạnh phúc chung cuộc và ơn cứu độ vĩnh viễn của các dân tộc? Lịch sử sẽ chỉ đi đến chỗ hòa bình thôi ư? Nói thật ra thì tác giả cũng như chúng ta biết gì lắm về hậu vận mà nói! Ông là tác giả thánh nhưng chỉ nói tiếng nói của loài người. Những gì ông viết ra là để chúng ta hiểu. Thế mà khả năng của chúng ta chỉ hấp thụ được những gì được thế giới này gợi lên. Chúng ta chỉ tưởng tượng được thời đại mai sau từ kinh nghiệm đời này. Chúng ta đang sống trong lịch sử đầy tranh chấp và binh đao, nên chúng ta trông đợi đời sau hoàn toàn thái bình.

Ðiều này chúng ta sẽ mổ xẻ thêm. Ở đây chúng ta thành thật nói rằng vì Giêrusalem, Nhà của Thiên Chúa, có nghĩa là bình an; nên khi mọi dân nước tuốn đến để chia sẻ phúc lộc của Giêrusalem, thì tác giả Isaia nói: Họ sẽ được thái bình. Ðó là điều tất nhiên. Và điều này một lần nữa lại làm chứng: Ai có gì thì cho nấy. Chúng ta muốn các dân tộc được truyền giáo, thì trước hết chúng ta phải truyền giáo chính mình. Trước khi nghĩ đến chiều rộng của vấn đề truyền giáo, chúng ta hãy suy nghĩ về chiều sâu. Chúng ta biết mình phải có gì để đem đến cho dân ngoại? Chúng ta phải hiểu truyền giáo là gì?

Dĩ nhiên truyền giáo là đem đạo của chúng ta đến cho người khác. Nhưng tất cả vấn đề nằm ở chỗ: Có gì là đạo của chúng ta? Một mớ tín điều ư? Hay là một nếp sống? Các nhà truyền giáo ngoại quốc đã thành tâm làm cho chúng ta hai công việc này: Ðem đến cho chúng ta một hệ thống giáo lý và một nếp sống tôn giáo như họ biết và họ sống. Chúng ta cảm mến lòng chân thành quảng đại của các ngài. Tuy nhiên chúng ta vẫn được quyền tự hỏi: đạo có phải như thế không?

Chúng ta có thể trả lời: đạo chính là Ðức Giêsu Kitô; và truyền giáo là rao giảng Người, là biến người ta nên môn đệ của Người. Nhiều lời trong các sách Tân ước tán thành một câu trả lời như thế. Chúng ta cứ đào sâu thêm và diễn giải công việc cứu độ cụ thể của Ðức Giêsu Kitô. Cuối cùng chúng ta không thấy Người là chính sự bình an ư? Người hòa giải chúng ta với Thiên Chúa. Người triệt hạ bức màn thù nghịch giữa Do Thái và Hy Lạp, giữa "dân Chúa" và "dân ngoại", để biến cả hai nên một dân Thiên Chúa, một gia đình nhân loại có Thiên Chúa là Cha. Chúng ta thử nghĩ lại mà xem: Ðức Giêsu Kitô đã đến với chúng ta với Lời ca thiên thần: bình an cho mọi người Chúa yêu. Người đã chúc lành cho chúng ta khi về trời, sau khi đã khẳng định đã ban bình an và để lại bình an của Người cho chúng ta. Sự bình an này, Người nói, thế gian không có và không ban được, vì nói cho cùng sự bình an chân thật và cơ bản sinh ra mọi sự bình an khác, là ơn tha thứ tội lỗi để loài người nhận lại Thiên Chúa là Cha và đồng loại là anh em. Thế gian không có và không ban được sự bình an ấy, vì thế gian là tội lỗi và tội lỗi đem lại hận thù, chết chóc, kể từ Cain với Abel cho đến thời đại nhiều máu chảy thịt rơi chúng ta đang sống.

Do đó truyền giáo là đem lại bình an... Người truyền giáo phải có tâm hồn an bình. Họ phải học với Chúa Cứu Thế mà ở "hiền lành, khiêm nhượng thật trong lòng". Họ phải sáng tạo những công việc hòa bình và cộng tác vào những công việc ấy, để thành quả của hết thảy các nỗ lực truyền giáo từ đầu hết cho đến cuối cùng là một Giêrusalem thành trì hòa bình thiên quốc. Quan niệm ấy dẫn ta đến vấn đề thứ hai: phải truyền giáo khởi sự từ đâu?

 

2. Hòa Bình Từ Giêrusalem

Chính Ðức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay đã dạy các môn đệ trước khi Người về Trời: phải rao giảng cho các dân tộc việc hối cải để được tha thứ tội lỗi khởi từ Giêrusalem. Ðó là khởi điểm cụ thể. Và tác giả Luca đã áp dụng lệnh truyền này khi viết sách Tin Mừng khởi đầu từ một sự kiện đã xảy ra ở Giêrusalem, trong Ðền Thờ. Hôm ấy Zacaria đã được sứ thần báo tin về việc Gioan ra đời (1,5-25)... Người cũng sẽ viết Công vụ các tông đồ khởi từ Giêrusalem (1,8).

Tuy nhiên đối với người, và nhất là Chúa Giêsu, Giêrusalem không phải chỉ là khởi điểm địa lý cho việc truyền giáo, hơn nữa nó còn là một khởi điểm lịch sử ơn cứu chuộc. Sách Tin Mừng Luca nhấn mạnh đặc biệt việc Chúa Giêsu lên Giêrusalem để thi hành và hoàn tất mầu nhiệm cứu thế (9,51). Chính tại Giêrusalem, Ðức Kitô phải chịu khổ nạn và ngày thứ ba thì sống lại từ cõi chết... để nhân danh Ngài phải được rao giảng cho mọi dân tộc việc tha thứ tội lỗi.

Hiểu theo ý nghĩa lịch sử này, thì chỉ có ơn cứu độ khởi từ các diễn biến đã xảy ra ở Giêrusalem. Và vì thế luôn luôn Hội thánh phải khởi sự truyền giáo từ các diễn biến ấy. Chúng ta chỉ bắt đầu truyền giáo thật sự khi làm cho người khác biết và đón nhận Mầu nhiệm Thánh giá. Và đây là vấn đề lớn.

Thánh Phaolô có lần thú nhận: thánh giá là sự điên rồ đối với lương dân và là cớ vấp phạm cho người Do thái (11,23). Nhưng ngài vẫn quyết định là nơi mọi người, ngài không muốn biết gì ngoài Ðức Kitô Giêsu và là Ðức Kitô Giêsu bị đóng đinh thập giá (1C 2,2). Và lời nói của ngài, việc ngài rao giảng, ngay từ đầu đã không cốt nơi lời lẽ có sức thuyết phục của sự khôn ngoan thế gian, nhưng bằng vào quyền phép của Thiên Chúa và nói lên sự khôn ngoan của Người trong Mầu nhiệm Thánh giá.

Ðó chính là khởi sự truyền giáo từ Giêrusalem, lấy ơn cứu độ từ thánh giá Chúa Giêsu mà làm cho người ta được ơn tha thứ tội lỗi. Những nhà truyền giáo phải là những nhà đầu tiên thâm tín như vậy.

Bài Tin Mừng hôm nay nói rõ: trước khi lên trời, và như để tóm tắt mọi bài học mà Người đã vất vả dạy các môn đệ, Chúa Giêsu đã mở trí cho họ hiểu Thánh Kinh, trong luật Môsê và các tiên tri và thánh vịnh, về việc con người phải chịu khổ nạn và ngày thứ ba thì sống lại từ cõi chết để ban ơn tha thứ tội lỗi. Người cho chúng ta thấy việc suy niệm Thánh kinh theo đề tài mầu nhiệm thánh quan trọng như thế nào trong cuộc đời nhà truyền giáo và làm tông đồ. Người ta phải thấu hiểu Mầu nhiệm này mới được rao giảng cho các dân tộc việc hối cải để được tha tội. Hơn nữa, Chúa Giêsu còn buộc các môn đệ phải là các chứng nhân về các điều ấy nữa, tức là phải có kinh nghiệm thực về mầu nhiệm thánh giá.

Do đó chúng ta được phép kết luận rằng lời giảng đạo phải khởi sự từ tâm hồn và đời sống của con người sống Mầu nhiệm thánh giá Chúa Giêsu Kitô. Ðó là truyền giáo khởi từ Giêrusalem, vì Giêrusalem đích thực là gì nếu chẳng phải là nơi Chúa Giêsu Kitô đã chịu chết đóng đinh thập giá và sống lại cho người ta được sống? Vậy, mỗi khi ở bất cứ nơi nào chúng ta sống mầu nhiệm thánh giá thì ơn cứu độ loài người lại tái hiện và lại có một Giêrusalem mới làm khởi điểm cho việc truyền giáo. Chúng ta sẽ giảng đạo bằng chính nếp sống của chúng ta, mỗi khi đóng đinh xác thịt và thế gian vào thánh giá Chúa Giêsu để sống theo ơn gọi Kitô hữu đầy ân sủng và thánh thiện. Nhất là chúng ta phải góp công xây dựng cộng đồng Dân Chúa thành những Giêrusalem mới, để như lời bài sách Isaia, Nhà của Thiên Chúa mà kiên vững trên đỉnh các núi non thì Hội thánh sẽ là dấu hiệu cho muôn dân tuốn lại mà được ơn cứu độ.

Chúng ta thấy những việc này khó thực hiện ư? Công cuộc truyền giáo đòi hỏi chúng ta nhiều lắm: không phải những việc phải đi xa để làm hoặc ít khi làm được, nhưng toàn những công việc thuộc về đời sống hàng ngày. Bởi vì nào phải ăn ở hiền lành và gieo rắc bình an, nào phải nhờ Thánh kinh soi dẫn để thực hiện mầu nhiệm thánh giá Chúa Giêsu ở nơi mình. Những công việc này không dễ làm được, nếu không có ơn trên trợ giúp. Chính vì vậy mà Chúa dạy các môn đệ: Trước khi đi truyền giáo, hãy cầu nguyện...

 

3. Mặc Lấy Mãnh Lực Trên Ban

Vâng lời Chúa Giêsu, các môn đệ đã ngụ lại ở Giêrusalem cùng nhau cầu nguyện, đợi nhận được điều Chúa Cha đã hứa là Thánh Thần... Ðấng phù trợ đến, họ đã đi truyền giáo.

Từ ngày đó, bất cứ ai muốn làm việc tông đồ cũng phải cầu nguyện. Hơn nữa, họ còn phải để Thánh Thần dẫn dắt mình. Nỗ lực của họ là trở thành khí cụ bén nhậy trong tay Thánh Thần.

Những người khác không trực tiếp truyền giáo, cũng hãy cầu nguyện và cầu nguyện theo lời khuyên nhủ của bài thư Phaolô hôm nay. Nói đúng hơn, thánh tông đồ truyền cho chúng ta phải dâng lời cầu nguyện cho hết thảy mọi người. Ðây không phải là việc phải làm sau hết trong vấn đề truyền giáo. Càng không phải là việc làm khi không làm được những việc khác. Thánh Phaolô nói rõ, đây là việc phải làm tiên vàn mọi sự.

Lý do là vì trong lãnh vực ơn cứu độ, con người và sức con người chỉ là không không. Chính Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu thoát. Chính Người ban cho chúng ta có Ðấng trung gian là Ðức Giêsu Kitô, Ðấng đã thí mạng mình làm giá chuộc thay cho mọi người. Chính Người phải sai Thánh Thần đến thì người ta mới kêu lên được: Abba, Lạy Cha... Toàn bộ công cuộc truyền giáo là việc của Thiên Chúa Ba Ngôi mà chúng ta được vinh dự tham gia. Và cách thức tham dự đắc lực nhất là xin cho hành động của Ba Ngôi Thiên Chúa được thể hiện tức cũng là cầu xin cho mọi người có khả năng đón nhận hoạt động của Thiên Chúa Ba Ngôi. Và những hoạt động này đem lại bình an như trên đã nói, nên điều kiện thuận lợi để đón nhận là "một đời yên hàn ổn định trong đạo đức vẹn toàn và nghiêm chỉnh". Ở thời thánh Phaolô và cũng còn khá đúng ở thời ta, điều này tùy thuộc nhiều nơi vua chúa và các người quyền cao chức trọng, nên chúng ta phải cầu nguyện cho họ, cũng như cho hết mọi người... Chúng ta hãy tin lời thánh Phaolô vì ngài là tiến sĩ dân ngoại. Ngài có kinh nghiệm về việc truyền giáo. Ngài nói thật chứ không nói dối: Chúa muốn cho mọi người được cứu thoát và nhìn biết sự thật; nên chúng ta phải cầu nguyện cho mọi người, để ý Cha được thể hiện ở dưới đất cũng như trên trời. Và càng cầu nguyện sốt sắng, chúng ta càng phải hành động theo lời nguyện xin. Chúng ta xin cho mọi người được ơn bình an tha thứ tội lỗi thì chúng ta hãy sống hòa thuận và đóng đinh xác thịt mình vào thánh giá Chúa Giêsu.

Những bài Kinh Thánh hôm nay đã dạy chúng ta như thế. Ngay thánh lễ này cũng muốn huấn luyện chúng ta như vậy. Ðức Giêsu Kitô trong mầu nhiệm tử nạn kêu gọi chúng ta thông hiệp vào cuộc thương khó của Người, để nhận được sự sống mới, chúng ta muốn đem bác ái bình an của Chúa để chia sẻ với mọi người để dần dần mọi người nhận biết chỉ có một Thiên Chúa và một Ðấng trung gian đang muốn hết thảy làm thành một gia đình nhân loại có sự bình an thánh thiện như hình ảnh về một Giêrusalem, thành trì hòa bình thiên quốc.

 

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa

của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page