Giải Nghĩa Lời Chúa Năm C

Những Bài Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật

của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Ngày 29 tháng 6

Lễ Thánh Phêrô và Phaolô Tông Ðồ

Hủy bỏ con người cũ để mặc lấy con người mới

(Cv 12,1-11; 2Tm 4,6-8.17-18; Mt 16,13-19)

 

Phúc Âm: Mt 16, 13-19

"Con là Ðá, Thầy sẽ trao cho con chìa khoá nước trời".

Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt thành Cêsarêa Philipphê, và hỏi các môn đệ rằng: "Người ta bảo Con Người là ai?" Các ông thưa: "Người thì bảo là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là Êlia, kẻ khác lại bảo là Giêrêmia hay một tiên tri nào đó". Chúa Giêsu nói với các ông: "Phần các con, các con bảo Thầy là ai?" Simon Phêrô thưa rằng: "Thầy là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống".

Chúa Giêsu trả lời rằng: "Hỡi Simon con ông Giona, con có phúc, vì chẳng phải xác thịt hay máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời. Vậy Thầy bảo cho con biết: Con là Ðá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được. Thầy sẽ trao cho con chìa khoá nước trời. Sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc; và sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở".

 

Suy Niệm:

Kinh Thánh có nhiều đoạn về hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô; nhưng phụng vụ đọc cho chúng ta nghe 3 bài này trong thánh lễ hôm nay. Chắc chắn phải có một hay nhiều ý tứ nào đó. Chúng ta được tự do tìm hiểu. Và nếu chúng ta đồng ý, chúng ta thử xếp đặt lại thứ tự 3 bài đọc như sau để có một phương hướng suy nghĩ. Trước hết bài Phúc âm gợi lên vinh dự của hai thánh Tông đồ được đặt làm rường cột cho Hội Thánh Chúa, rồi bài sách Công vụ cho chúng ta thấy các ngài được bảo hộ mạnh mẽ như thế nào khi thi hành sứ vụ; và cuối cùng bài Thánh thư kêu gọi chúng ta hết thảy hãy tin tưởng phấn đấu như các ngài đã hy sinh không mỏi mệt.

 

A. Là Những Tông Ðồ Ðược Ðặc Cách

Bài Tin Mừng chỉ nói đến vinh dự đặc biệt đã được dành cho Phêrô. Nhưng vinh dự ấy một ngày kia cũng sẽ được trao tặng Phaolô qua lời Chúa phán với Hananya: Hãy đi tìm Saulô, vì nó là lợi khí Ta chọn để mang Danh Ta ra trước mặt các dân ngoại. Và Hananya đã ra đi làm theo lệnh Chúa, vì ông hiểu Phaolô đã được đặc cách, như Phêrô và các Tông đồ trước đây.

Phêrô hôm ấy cùng đi theo Chúa với đồng bạn... Cuộc truyền giáo của Chúa ở Galilê đã sửa soạn hoàn tất. Ngài sắp phải qua Yuđê để chịu thương khó. Ngài ý thức mọi sự và mọi việc. Ðể đánh dấu khúc quanh lịch sử quan trọng này, Chúa Yêsu đột xuất qua hỏi môn đệ: Người ta nói Con Người là ai? Ngài muốn đo kết quả của 3 năm truyền giáo. Ngài muốn biết môn đệ đã hiểu Ngài đến mức nào?

Người thì bảo Ngài là Yoan Tẩy giả; kẻ lại nói Ngài là Êlya; nhiều người khác nữa thì tưởng Ngài là Yêrêmya hay một tiên tri nào đó. Như vậy chung chung thiên hạ đã lờ mờ nghĩ rằng Ngài là Thiên sai cứu thế vì dư luận Dothái thời đó cho rằng các vị tiên tri như thế sẽ trở lại trong thời Ðấng Thiên sai và có thể một trong những vị đó sẽ chính là Ðấng muôn dân trông đợi. Ở đây chúng ta chỉ chú ý điều này: một mình sách Tin Mừng Matthêô nhắc đến tên tiên tri Yêrêmya, có lẽ muốn ngầm nói rằng: Ðấng Thiên sai sẽ đau khổ và bị bắt bớ như nhà Tiên tri đã có cuộc đời gian nan khổ sở, mà Chúa nhật XII Thường niên chúng ta đã nghe nói. Dù sao phần đông người ta vẫn chưa dám khẳng định dứt khoát Ðức Yêsu Kitô là ai.

Còn chính các môn đệ?

Chúa đã hỏi thẳng các ông. Chưa ai dám lên tiếng thưa, thì Phêrô đã nói: "Thầy là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống". Chắc chắn mọi người đã phải giật mình. Chính Chúa Yêsu cũng thấy rõ không phải xác thịt đã nói lên được điều đó. Con người tự nhiên không thể biết được như vậy. Quả là Cha trên trời đã mạc khải cho Phêrô, đã nói qua miệng lưỡi người Tông đồ này. Vì lời tuyên xưng kia thật là chính xác, là chính sự thật, vượt quá mọi hiểu biết và suy tư của con người. Chỉ có Cha trên trời biết Con, thế mà cho đến nay Người chưa mạc khải ra. Ðúng hơn, Người đã có lần công bố Yêsu Kitô là Con Chí Ái, nhưng Thánh Thần chưa được ban xuống cho loài người thì làm sao ai hiểu được điều đó. Thế mà miệng lưỡi của Phêrô vừa nói lên niềm tin chính xác mà chỉ sau này, khi đã được tràn đầy Thánh Thần, Hội Thánh mới có thể tuyên xưng.

Như vậy Phêrô đã được ơn mạc khải đặc biệt. Chúa Cha đã tỏ ra đặc cách Phêrô. Thế thì luôn luôn thi hành Thánh ý Người, Ðức Yêsu liền tuyên bố sẽ chọn Phêrô làm nền tảng để xây Hội Thánh của Người. Và quả thật tên của Phêrô như đã được tiền định vì Phêrô trong tiếng Dothái có nghĩa là Ðá. Vậy Phêrô sẽ là đá tảng xây nên Hội Thánh. Và Ðá này sẽ được củng cố để ngay sức mạnh hỏa ngục dấy lên cũng không lung lay nổi. Nhưng không phải để Phêrô đè đầu thiên hạ; Hội Thánh của Ðức Kitô là để cứu thế. Và cứu thế, trước hết là tha tội. Thế nên Ðức Kitô lại tiếp: Ta sẽ ban cho con chìa khóa Nước Trời để con đóng mở cho người ta ra vào.

Chúng ta mừng cho Phêrô đã được những vinh dự như vậy. Ðó là những ơn hoàn toàn nhưng không mà Thiên Chúa đã ban cho người, vì hạnh phúc của tất cả chúng ta. Sự lựa chọn hoàn toàn chỉ vì tình thương. Cũng như sau này, đang khi Phaolô hung hăng phi ngựa trên con đường Ðama để bắt đạo, Ðức Kitô đã từ trời cao phán gọi người, khiến người tức khắc ngã quỵ để rồi khi ngẩng lên, đã trở thành vị Tông đồ dân ngoại.

Nhiều người đã muốn thử giải thích vì những lý do tâm lý, xã hội và tôn giáo nào đã khiến hai thánh Tông đồ được lựa chọn một cách đột xuất, và được trao phó những sứ mạng cao cả như vậy? Nhưng chẳng có câu trả lời nào thỏa đáng, ngoại trừ công nhận chính mạc khải của lòng nhân nghĩa Chúa.

Do đó, ngày lễ hai thánh Tông đồ, trước hết chúng ta phải tuyên xưng điều ấy: chính Thiên Chúa đã đặc cách hai ngài. Và việc này khiến chúng ta phải hân hoan tạ ơn, bởi vì Hội Thánh chúng ta được xây trên nền tảng của hai ngài, mà hai ngài được Chúa đặc cách như vậy, thì tòa nhà Hội Thánh của chúng ta tốt đẹp, vinh dự và bảo đảm biết bao? Ngôi nhà của chúng ta không những vững bền mà còn đầy phúc, vì nền tảng của nó là hai vị Tông đồ đã được tuyển chọn một cách tuyệt diệu. Chúa Cha và Chúa Yêsu Kitô đã tỏ ra vô vàn ưu ái và rộng rãi, quyền năng đối với nền tảng của tòa nhà Hội Thánh chúng ta. Chúng ta phải hân hoan cảm mến. Và phải tiếp tục xem hai vị Tông đồ ưu tú đó đã thi hành sứ mệnh thế nào.

 

B. Các Ngài Tiếp Tục Ðược Chúa Bảo Hộ

Bài sách Công vụ cho thấy Lời Chúa nói với Phêrô khi đặt người làm nền tảng Hội Thánh, luôn luôn thực hiện. Phêrô quả thật là Ðá vững vàng trong mọi sóng gió. Hêrôđê bấy giờ bắt đạo. Hành động và thái độ của nhà vua rất đẹp lòng người Dothái. Hêrôđê liền mạnh tay, truyền bắt giam chính Phêrô, thủ lãnh của Hội Thánh mới. Sức mạnh của hỏa ngục rõ ràng mạnh mẽ. Nhưng bài sách nghe đọc hôm nay cho thấy Phêrô bình tĩnh lạ thường. Dường như ông không nhúc nhích. Mặc cho người ta cùm tay trói chân, và đặt lính gác trong ngoài cửa ngục, ông như chìm đắm trong suy nghĩ nhớ đến giáo đoàn và hiệp ý cầu nguyện với tất cả nhiệm thể. Bỗng dưng xiềng xích ở tay chân mở ra. Có người bảo Phêrô mặc áo, thắt lưng và xỏ giầy vào. Rồi bảo ông đi theo. Ông không ngần ngại khoan thai cất bước, chẳng cần tìm hiểu. Hai người tiến bước dễ dàng; đi đến đâu, người vật dường như đều nhường bước. Kể cả cửa sắt có lính canh gác, cũng tự động mở ra mời hai người ra phố. Ðến lúc thần Chúa biến đi, Phêrô mới nhận ra: quả thật Chúa đã giải cứu mình.

Và về sau, khi suy nghĩ lại sự việc, ông mới thấy câu chuyện thật là mầu nhiệm. Ông đã bị bắt vào dịp lễ Bánh không men và cũng đã được giải thoát trong dịp ấy. Chúa Yêsu cũng đã bị nộp, bị giết và được Thiên Chúa cho sống lại vào dịp lễ Bánh không men. Phải chăng sự việc đã chẳng có ngụ ý rằng: đầy tớ không trọng hơn Thầy và đường Thầy đi thì tớ cũng sẽ phải theo. Phêrô phải đi theo đường của Chúa và sẽ đưa Hội Thánh Chúa đi vào. Ðó là con đường bị bắt, bị nộp, bị giết... nhưng sẽ dẫn tới phục sinh vinh quang. Và những người đi trên con đường ấy đều như thể chiên cừu bị đưa đi xén lông mà không hề kêu la. Phêrô trong câu truyện bị bắt hôm nay đã bắt chước Chúa Yêsu, hoàn toàn vâng theo Thánh ý Thiên Chúa. Và nếu chúng ta có đọc lại cuộc đời của Phaolô, chúng ta cũng thấy như vậy.

Những lời đầu tiên trong bài thư hôm nay xác định điều đó. Phaolô thấy mình là "tửu tế đã tiến", tức là cuộc đời mình đã trở thành lễ tế. Ðó là thứ rượu người ta dâng khi thuyền rời bến... Và chính Chúa Yêsu cũng đã nói với Hananya khi sai ông đi gặp Saulô. Ta sẽ tỏ cho nó biết tất cả những gì nó sẽ phải chịu vì Danh Ta. Nên tất cả cuộc đời của Phaolô là chiến đấu trong cuộc chiến chính nghĩa. Người đã chạy đến cùng đường... Và nhìn lại người có thể đếm trên con đường ấy: bao nhiêu lần đắm tàu, nhịn đói, chịu khát, bị đánh, bị tù. Sức mạnh của hỏa ngục cũng tung ra mạnh mẽ, nhưng Ơn Chúa vẫn đủ cho Phaolô cũng như cho Phêrô. Ðến nỗi ngày hôm nay, nhắc lại việc tử đạo của hai ngài Hội Thánh hân hoan cử hành một ngày vinh quang.

Quả thật hôm nay chúng ta kính nhớ cuộc chiến vẻ vang của hai thánh Tông đồ. Gian khổ các ngài đã chịu thật là sức mạnh của hỏa ngục. Nhưng Chúa đã bảo hộ các ngài. Các ngài đã đưa con thuyền Giáo hội vượt xa qua bao sóng gió... Con thuyền ấy cứ mỗi ngày một lớn. Và nhìn khắp mặt biển trần gian, không chỗ nào mà ta không thấy nó. Có chỗ nó đang ung dung rẽ sóng. Chỗ khác, nó lại như thuyền của các Tông đồ gặp bão trên mặt hồ Tibêria. Chính trong những trường hợp khó khăn này, khuôn mặt của Phêrô và Phaolô như lại nổi lên, nhắc lại Lời Chúa hứa sẽ ở cùng Hội Thánh mãi mãi và sức mạnh của hỏa ngục sẽ chẳng làm gì được.

Chúng ta hãy lưu ý tỉ mỉ hơn đến điều nhắn nhủ của các ngài.

 

C. Các Ngài Kêu Gọi Chúng Ta Tin Tưởng

Ðối với chúng ta, các ngài có một tình yêu thương đặc biệt. Bài thư Phaolô gửi cho Timôthê làm chứng điều ấy. Phêrô chắc chắn cũng đồng ý khuyên nhủ chúng ta như vậy. Vì hôm nay là lễ của hai ngài, Giáo hội nhắc nhớ lại cuộc đời phấn đấu kiên trung và thành quả của các ngài. Sự kiện này nào muốn nói lên gì khác hơn việc kêu gọi chúng ta hãy bắt chước các ngài.

Phaolô nói với Timôthê, tức là với tất cả chúng ta. Chúa đã phù hộ và ban sức mạnh cho người. Chúa sẽ cứu và độ người vào Nước trên trời. Và hoàn lại cho người triều thiên công chính, không phải cho người mà thôi, nhưng còn cho hết mọi người đầy lòng mến yêu trông đợi cuộc hiển linh của Chúa. Nói tắt, hai thánh Tông đồ đã muốn cho chúng ta cũng mến Chúa và tin tưởng phấn đấu cho Chúa.

Vì thế chúng ta phải nhìn lại đời sống các ngài để thấy từ đầu các ngài đã đón nhận ơn Chúa thế nào và đã tiếp tục làm sao để đi đến vinh quang ngày nay. Các ngài đã được Chúa chiếu cố một cách đặc biệt và đã được Người tiếp tục bảo hộ. Có thể nói các ngài chẳng có công trạng nào hết: Phêrô rõ ràng là người không có gì cả; còn Phaolô đã có lần khẳng định mọi điều người có theo xác thịt, thì người đã bỏ đi hết và coi như phân bón để được tình yêu nhưng không của Ðức Yêsu Kitô.

Ðó là thái độ căn bản của Kitô giáo. Người ta phải hủy bỏ con người cũ và mọi sự thuộc về nó để mặc lấy con người mới là Thần trí của Ðức Yêsu Kitô hầu chỉ còn sống cho Thiên Chúa. Khi đó người ta mới là người của Chúa và là lợi khí để Người dùng vào việc xây dựng Nước Trời. Và triều thiên công chính mới để dành cho người ấy.

Chúng ta có nên sợ trở thành những con người như vậy không? Có lẽ nhiều người ngại ngùng khi nghe nói đến thái độ từ bỏ. Nhưng ai có gì lắm mà sợ phải bỏ? Ðàng khác điều quan trọng là từ bỏ con người cũ; chứ từ bỏ những sự vật chất đâu đã là điều khó lắm. Và con người cũ là tinh thần không muốn đón nhận mạc khải của Chúa, không để cho Lời Chúa đi vào tâm hồn và sinh động ở trong đó để dần dần đổi mới chúng ta từ bên trong. Cả Phêrô và Phaolô đều đã bắt đầu đi vào đường lối của Chúa khi đón nhận lời mạc khải. Phêrô đã để Chúa Cha nói lên ở trong mình. Phaolô đã để lời Chúa Yêsu lọt vào tai khiến mình quỵ xuống và trở nên con người mới. Chúng ta phải bắt đầu nên thánh từ thái độ đầu tiên ấy: tức là đón nhận lời mạc khải, đón nhận ơn Chúa vào mình và để cho chính ơn Chúa từ đó làm việc nơi chúng ta.

Giờ đây Chúa cũng đến với chúng ta trong thánh lễ. Mình Máu Thánh Chúa đến tăng cường cho Lời Chúa chúng ta vừa nghe. Ai đón nhận Lời Chúa và Mình Thánh Chúa thật sự, sẽ để Người tiếp tục sống trong mình. Chính Người sẽ hoàn thành công việc của Người nơi chúng ta như nơi hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô. Chúng ta hãy cầu xin hai thánh cho chúng ta biết bắt chước các ngài.

 

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa

của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page