Giải Nghĩa Lời Chúa Năm C

Những Bài Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật

của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu Năm C

Chúng ta được giải hòa với Thiên Chúa

nhờ Máu của Chúa Giêsu

(Êzêkien 34, 11-16; Thư Rôma 5, 5-11; Tin Mừng Luca 15, 3-7)

 

Phúc Âm: Lc 15, 3-7

"Anh em hãy chia vui với tôi, vì tôi đã tìm thấy con chiên lạc".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các người biệt phái và luật sĩ dụ ngôn này rằng: "Ai trong các ông có một trăm con chiên, và nếu mất một con, lại không để chín mươi chín con khác trong hoang địa mà đi tìm con chiên lạc, cho đến khi tìm được sao? Và khi đã tìm thấy, người đó vui mừng vác chiên trên vai, trở về nhà, kêu bạn hữu và những người lân cận mà nói rằng: 'Anh em hãy chia vui với tôi, vì tôi đã tìm thấy con chiên lạc!' Cũng vậy, Tôi bảo các ông: Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần hối cải".

 

Suy Niệm:

Ngay khi Chúa Giêsu đang còn ở trên thánh giá, người môn đệ Chúa yêu, tức là người tín hữu lý tưởng, đã đứng mà chiêm ngưỡng cạnh sườn Chúa đã mở ra. Nước và Máu chảy ra từ vết thương cạnh sườn ấy đã khiến người môn đệ ấy thấy rằng Chúa đang yêu thương nhân loại. Người đổ máu hy sinh của Người ra để Nước Thánh Thần tẩy rửa tâm hồn các tín hữu và đổi mới đời sống của họ nên thánh thiện và bác ái yêu thương. Từ ngày ấy Hội Thánh không ngừng nhìn lên Ðấng chịu đóng đinh trên thập giá để cảm mến, đón nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa.

Nhưng ở thời đại ta, khi thấy thế giới nói nhiều đến tình yêu mà lại để diễn tả ra quá nhiều cảnh thương tâm, Hội Thánh lại thúc giục con cái chăm chú hơn nữa để nhìn vào cạnh sườn Chúa chịu đóng đinh mà học với Người bài học yêu thương cứu thế. Lễ Thánh Tâm hôm nay có mục đích ấy. Và Phụng vụ muốn dùng các bài đọc để giúp chúng ta hiểu về tình yêu vô cùng của Chúa mà uốn nắn lại trái tim của mình.

 

1. Lòng Chúa Thương Dân

Bài sách Êzêkien là một mạc khải đặc biệt. Nó nói với lòng con người chứ không luận lý với sự khôn ngoan của thế gian.

Dân Chúa bấy giờ đang ở trong hoàn cảnh tuyệt vọng. Nhìn lại quá khứ, con cái Israel cảm thấy ê chề. Từ ngày Chúa ra tay hùng mạnh cứu dân ra khỏi Ai Cập, Người không ngớt tỏ lòng thương yêu khiến các dân tộc chung quanh đều phải kinh ngạc. Không những con cái Israel đi đến đâu, các bộ lạc trên đường đều phải giãn ra hai bên để cho họ tiến vào Hứa địa. Rồi không dân tộc nào có Chúa ở gần như con cái Môsê: Họ có luật pháp cao cả khác thường. Thêm vào đó, họ không ngừng được các tiên tri đến dạy dỗ, và sự khôn ngoan của Salomon đã trở thành bia miệng giữa các dân tộc.

Thế mà Israel đã phí phạm ơn Chúa. Họ đã bỏ nguồn suối trong sạch để đi tìm những giếng nước khô cạn. Họ bỏ Thiên Chúa để đi thờ tà thần. Mà đầu mối sự dữ là vua quan cai trị dân và hàng tư tế. Nói theo kiểu thời bấy giờ, họ được làm mục tử để chăn dắt chiên; nhưng thay vì săn sóc dưỡng nuôi, họ đã đánh đập và bỏ mặc chiên bơ vơ, gầy đói. Bấy giờ dân như chiên bị giải tán và xiêu lạc khắp nơi. Người ta dẫn họ đi đày, mỗi nơi một ít.

Ða số dân chúng đã chán nản và tuyệt vọng. Một số người có lòng yêu luật pháp và quê hương lại chỉ có ý nghĩ rất trần tục. Họ nghĩ rằng chỉ có một Môsê mới, một lãnh tụ mới, mới có thể gỡ dân ra khỏi cảnh huống lầm than bi đát này. Họ chờ một biến động chính trị, một mặt tướng oai phong. Họ không ngờ Thiên Chúa lại nghĩ khác. Người sai Êzêkien đến. Và nhà tiên tri không nói giọng chính trị quân sự. Ông tuyên bố lời Chúa, những lời chỉ đầy tình thương.

Chính Chúa sẽ đến làm mục tử cho dân. Người không khiến bọn đầu mục làm việc nữa. Người đưa chiên lưu lạc của Người từ khắp nơi về núi đồi Sion. Dân sẽ có cỏ ngon ở đó... Và đây là cách thức Chúa sẽ săn sóc dân khác với trước kia. Không những Người sẽ đưa cả đàn chiên đến những đồng cỏ xanh tốt tươi và lo cho chúng ăn, chúng ngủ; nhưng lòng yêu thương săn sóc của Người còn dành cho từng con chiên theo yêu cầu của nó. Con nào đi lạc, Người sẽ đưa về. Con nào gẫy cẳng, Người sẽ băng bó; Người cũng chẳng để cho con khỏe bắt nạt con yếu.

Thái độ của Người thật là thái độ của một mục tử tốt. Người sẽ làm y như một mục tử chứ không chỉ ví mình như mục tử. Nói cách khác, Người không đặt người "cai trị" dân nữa, nhưng sẽ chỉ sai đến cho dân những mục tử để chăn dắt chiên của Người. Người muốn ở trong dân Người chỉ có yêu thương: Yêu thương của Người dành cho dân và cho từng Người; và yêu thương của mọi người dành cho nhau. Dân nhìn lên sẽ thấy lòng của một mục tử tốt và nhìn ra chung quanh sẽ thấy không ai bắt nạt ai. Ðó là ý nguyện của Chúa, là chương trình Cứu độ của Người. Chúa đã thực hiện lòng yêu thương đó thế nào, thì chúng ta hãy nhìn nơi Ðức Kitô, Ðấng Người đã sai đến.

 

2. Lòng Ðức Kitô Ðối Với Chúng Ta

Bài Tin Mừng theo thánh Luca hôm nay cho chúng ta thấy thái độ và việc làm của Chúa Giêsu. Ðấng mà Thiên Chúa đã sai đến trần gian để thi hành kế hoạch cứu độ của Người. Rõ ràng Ðức Giêsu đã không muốn đóng vai trò một người đến để cai trị. Người không mảy may tỏ dấu muốn đi vào lãnh vực hoạt động chuyên môn về chính trị và quân sự. Người luôn bày tỏ lòng nhân ái và tình thương với mọi người. Có lần, người ta ngăn cản trẻ em đến với Người vì tưởng Người là người lớn chỉ tiếp xúc với người lớn. Nhiều lần khác người ta lại muốn bịt miệng những kẻ tàn tật ốm đau không cho phép họ được cất tiếng xin Người để ý đến họ. Nhưng lần nào Người cũng có những thái độ lạ thường. Người cho gọi kẻ mù tới đang khi người ta muốn bịt miệng anh. Người sờ vào kẻ phong cùi đang khi mọi người xa tránh anh ta. Người ôm trẻ em vào lòng, chúc phúc cho chúng và bảo người lớn hãy biết rằng Nước Trời dành cho những ai bé nhỏ...

Những thái độ ấy làm cho hàng đầu mục trong dân thất vọng về "viễn tượng cứu thế" của người tự xưng là "được Chúa Cha sai đến". Họ còn bất mãn nữa khi thấy Người để cho phường thu thuế và tội lỗi lui tới và mời mọc ăn uống. Chính lúc ấy Người đã lên tiếng để mở mắt cho họ và nhắc nhở họ nhìn cho đúng kế hoạch cứu thế của Thiên Chúa.

Người kể dụ ngôn về một người có đàn chiên 100 con mà lạc mất một con. Chắc chắn người ấy sẽ đi tìm; và tìm thấy sẽ mừng rỡ đem nó về. Một chuyện hết sức thông thường, tự nhiên. Nhưng cách thức Chúa Giêsu kể chứng tỏ Người có nhiều ẩn ý. Người nói rằng chủ chiên sẽ bỏ 99 con chiên kia nơi hoang vắng để ruổi theo con chiên lạc. Chúng ta đừng bỡ ngỡ về từ ngữ "nơi hoang vắng". Ở thánh địa, đó là nơi chiên gặm cỏ. Người chủ chiên sẽ để yên 99 con kia ở đó để ruổi theo con chiên lạc, chính công việc chạy theo này mới đáng chú ý; vì ở đất thánh ruổi theo như thế là phải chạy trên các núi đồi lởm chởm, gai góc hoặc băng qua những nơi sa mạc nóng bỏng. Những vất vả ấy không làm cho chủ chiên bực mình khó chịu. Ngược lại tìm được chiên lạc, người ấy mừng rỡ, quàng nó trên vai mình mà đem về. Ðiều này đã khởi hứng cho nhiều danh họa vẽ. Người ta ưa vẽ lại cảnh này để diễn tả tình thương chân thật, mặn mà của Chúa.

Nhưng chưa hết, chủ chiên về nhà còn gọi bạn bè hàng xóm mà phân phô: "Bà con hãy chia vui với tôi vì nay tôi đã tìm được con chiên lạc". Thái độ này trong thực tế hơi quá đáng. Có thể người nào, tìm thấy chiên lạc cũng khoe. Nhưng việc xin bà con hãy vui mừng quả là hơi quá. Tuy nhiên Ðức Giêsu đã cố ý dùng một số nét quá đáng này để làm chú ý đến điều Người muốn nói. Người bảo: "Cũng vậy, trên trời sẽ có vui mừng vì một người tội lỗi hối cải hơn là 99 người công chính không cần ăn năn".

Ðiều này chắc chắn sẽ làm cho nhiều người giật mình, nhất là các biệt phái. Họ vẫn tự đắc là công chính và không nghĩ rằng mình phải ăn năn, hối cải. Họ là 99 con chiên không lạc. Còn các tội nhân ăn năn hối cải, như có kẻ trong số thu thuế kia, là con chiên lạc. Họ làm vui lòng Thiên Chúa hơn hạng biệt phái tự coi mình là công chính.

Nhưng đối với chúng ta và theo ý tác giả Luca, bài dụ ngôn này còn có ý nghĩa xa hơn nữa. Rõ ràng nó cho ta thấy Ðức Giêsu đang đi làm công việc của Thiên Chúa. Người là tình thương của Thiên Chúa đang đi ruổi theo con chiên lạc. Trong Êzêkien, Thiên Chúa đã trở thành mục tử, thì đây lòng của Thiên Chúa đang hoạt động nơi con người và công việc của Ðức Giêsu, Thiên Chúa là mục tử ở nơi Người. Người là Thiên Chúa mục tử. Nơi Êzêkien Thiên Chúa hứa sẽ đi tìm chiên lạc về, tức là đưa dân lưu lạc về lại Ðất Hứa. Ở đây Ðức Giêsu đi tìm tội nhân hối cải. Thái độ này đã biến bài sách Êzêkien thành lời tiên tri, không còn nói về những việc trần gian nữa, nhưng phải hiểu về bình diện Nước Trời. Dân Chúa đừng chờ đợi ơn cứu độ trần tục nữa, nhưng hãy mong ước thay đổi lòng dạ để trở nên công chính. Ơn này sẽ làm cho trên trời mừng rỡ, tức là làm cho lòng Thiên Chúa được mãn nguyện.

Do đó lòng Thiên Chúa thương dân và hứa cứu độ dân nơi sách Êzêkien đã trở thành tình thương cứu vớt kẻ tội lỗi nơi thái độ và công việc của Chúa Giêsu. Tác giả Luca đã đọc thấy điều ấy nơi dụ ngôn con chiên lạc. Nhưng thánh Phaolô còn thấy rõ hơn nữa nơi việc Chúa Giêsu chịu chết vì chúng ta. Chúng ta hãy nghe những lời thư của Ngài.

 

3. Thánh Thần Ðã Ðược Ban Cho Ta

Thánh Tông đồ gợi nên cho chúng ta một số tư tưởng cần suy nghĩ: Hồ dễ có ai chết vì một người công chính! Có lẽ vì điều nghĩa có chết cũng cam! Nhưng chết vì tội nhân, thì không thể tưởng tượng được. Thế mà Thiên Chúa đã làm điều ấy cho chúng ta. Bởi lẽ đang khi chúng ta còn là tội nhân, Thiên Chúa đã sai Con của Người đến chịu chết để lấy máu Ngài mà làm cho chúng ta nên công chính.

Êzêkien khi diễn tả lòng Chúa thương dân đã không thể nghĩ đến một chuyện như thế. Và bài dụ ngôn về con chiên lạc trong sách của Luca đã gợi lên lao nhọc của chủ chiên trên đường ruổi theo con chiên tội lỗi, nhưng cũng không và chưa nói đến việc người mục tử tốt thí mạng mình vì chiên. Ở đây thánh Phaolô nói rằng mình đã nhìn thấy Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa đã chịu chết và đổ máu ra vì tội lỗi chúng ta để công chính hóa kẻ có tội.

Ðó là điều không thể tưởng tượng được. Và điều ấy rõ ràng là vì chúng ta, bởi lẽ nhờ đó bây giờ chúng ta được đầy ơn Thánh Thần ở trong lòng. Chúng ta được giải hòa với Thiên Chúa nhờ Máu của Chúa Giêsu. Chúng ta phải thấy lòng thương yêu lạ lùng của Thiên Chúa. Chúng ta phải hiểu trái tim Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta đến mức độ nào?

Và như vậy, chúng ta phải vững vàng nhìn về tương lai. Viễn ảnh ngày lôi đình phán xét của Thiên Chúa cũng không làm chúng ta nao núng vì khi chúng ta còn là tội nhân mà Ðức Kitô còn thương chịu chết cho chúng ta thì huống hồ là bây giờ chúng ta đã được nên công chính, Người lại không thương yêu chúng ta hơn sao? Chắc chắn chúng ta phải kiêu hãnh vì được Thiên Chúa yêu thương như vậy nhờ sự chết cứu độ của Ðức Giêsu Kitô Chúa chúng ta.

Giờ đây, các điều này lại diễn ra trên bàn thờ. Chúa Giêsu lại tự hiến thánh vì chúng ta để chúng ta được thánh hiến. Người dâng sự chết và sống lại của Người cho chúng ta được giao hòa với Thiên Chúa và lãnh được Thánh Thần yêu mến. Chúng ta không phải chỉ là chiên nhưng là con của Người. Chúng ta được đưa vào cung lòng yêu thương của Thiên Chúa, để trong ngày lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu hôm nay chúng ta nhớ lại tình yêu lao khổ của Người vì chúng ta. Chúng ta phải ăn năn, trở về với Ngài. Chúng ta phải thay lòng đổi dạ để trái tim chúng ta nên giống với trái tim của Ngài.

Ðó là trái tim mang đầy tình yêu của Thiên Chúa xuống thế gian, chấp nhận bị đâm thâu để chảy máu ra rửa sạch chúng ta, để gọi chúng ta lạc lõng trở về tình yêu của Ngài, dạy bảo chúng ta hãy sống hòa hợp yêu thương làm nên đàn chiên duy nhất của Người, thực hiện mọi điều Thánh Kinh viết hôm nay. Ước gì được như vậy. Amen!

 

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa

của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page