Giải Nghĩa Lời Chúa Năm A

Những Bài Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật

của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Chúa Nhật 7 Mùa Thường Niên Năm A

Hãy Yêu Thù Ðịch

(Lv 19,1-2.17-18; 1C 3,16-23; Mt 5,38-48)

 

Phúc Âm: Mt 5, 38-48

"Các con hãy yêu thương thù địch các con".

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con đã nghe bảo: 'Mắt đền mắt, răng đền răng'. Còn Thầy, Thầy bảo các con: đừng chống cự lại với kẻ hung ác; trái lại, nếu ai vả má bên phải của con, thì hãy đưa má bên kia cho nó nữa. Và ai muốn kiện con để đoạt áo trong của con, thì hãy trao cho nó cả áo choàng nữa. Và ai bắt con đi một dặm, thì con hãy đi với nó hai dặm. Ai xin, thì con hãy cho. Ai muốn vay mượn, thì con đừng khước từ.

"Các con cũng đã nghe dạy rằng: 'Hãy yêu thương tha nhân, và ghét thù địch'. Còn Thầy, Thầy bảo các con: Các con hãy yêu thương thù địch các con, hãy làm lành cho những kẻ ghét các con, và cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ và vu khống các con, để các con nên con cái Cha các con ở trên trời, là Ðấng làm cho mặt trời mọc lên trên người lành cũng như kẻ dữ, và cho mưa trên người công chính cũng như kẻ bất lương. Vì nếu các con yêu thương những kẻ yêu thương các con, thì còn có công gì? Nào những người thu thuế không làm như vậy ư? Và nếu các con chỉ chào hỏi anh em các con mà thôi, thì các con có làm gì hơn? Nào dân ngoại không làm như vậy sao? Vậy các con hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Ðấng trọn lành".

 

Suy Niệm:

Chúa Nhật VII Thường Niên A

Lv 19,1-2.17-18; 1C 3,16-23; Mt 5, 38-48

Trong các Chúa Nhật thường niên, Lời Chúa muốn giáo dục chúng ta về đời sống đạo đức hằng ngày. Hôm nay lời giáo huấn ấy quy tụ nơi các quan hệ đối với người anh em. Ðó là những bài học về đức ái huynh đệ, nhưng dưới một số khía cạnh nào trong đời sống thôi; vì đức bác ái mênh mông bát ngát, nói làm sao hết được! Những khía cạnh mà Lời Chúa hôm nay dạy bảo chúng ta có giá trị thực tế. Chúng ta nên quan tâm tìm hiểu.

A. Hãy Yêu Ðồng Loại Như Chính Mình

Bài sách Lêvi cho chúng ta có cảm tưởng như Dân Chúa bấy giờ đang sống ở thời Môsê và dưới chân núi Sinai. Nhưng đó chỉ là khung cảnh giả tạo để tăng thêm uy tín cho lời giáo huấn. Tác giả thực ra đã sống sau thời Môsê rất nhiều, có lẽ vào thời sau Lưu đày. Ông mượn khung cảnh núi Sinai để làm cho giáo huấn của ông được uy tín của Nhà Lập pháp và Lập nước Israel và trong lúc ông này được vinh quang hơn hết. Con cái Israel đã chẳng thấy khuôn mặt của Môsê đầy ánh vinh quang khi ở trên núi Sinai sao? Có lẽ chẳng bao giờ con cái Israel sẵn sàng nghe Lời Chúa bằng thời ấy. Do đó nhiều tác giả Thánh Kinh Cựu Ước đã mượn khung cảnh núi Sinai để đem ra những lời khuyên nhủ Dân Chúa. Hôm nay tác giả sách Lêvi nhờ Môsê ở núi Sinai truyền Lời Chúa cho Dân.

Ông bắt đầu bằng những lời rất ý nghĩa: "Hãy là thánh vì Ta là Thánh". Ðó là tiền đề. Có chấp nhận mới có thể đi xa hơn. Có biết ơn gọi của mình, Dân Chúa mới chấp nhận các đòi hỏi của ơn gọi ấy.

Vậy ngay từ đầu, Thiên Chúa đã cho con cái Israel hiểu: Người là Thánh và Dân của Người phải nên thánh để xứng đáng với Người. Nhưng thánh là gì? Ðối với những con người thực tế như con cái Israel, Thiên Chúa không nói những từ trừu tượng. Người diễn tả và biểu lộ ý nghĩ của Người một cách rất cụ thể. Ngay với Môsê, khi gặp ông lần đầu tiên ở Sinai, Người đã dùng ngôn ngữ thực tế và trao đổi với ông, Người gọi ông từ trong bụi gai cháy. Người bảo ông đứng lại, cởi dép ra, không được lại gần; vì Người là Ðấng Thánh, không người nào có thể đến gần. Như vậy Người là Ðấng xa cách với mọi loài khác, là Ðấng khác hẳn mọi thọ tạo, là Ðấng chẳng có gì chung với tất cả những gì chúng ta thường thấy. Người là Ðấng khác hẳn mọi loài. Nhất là sánh với các thần tượng mà loài người vẫn tôn thờ, Người là Ðấng khác hẳn. Người là Thánh theo nghĩa đó. Không được dùng các quan niệm thông thường để nói về Người. Muốn hiểu Người, cứ xem việc Người làm. Người toàn năng tuyệt đối khi đưa Dân ra khỏi Aicập. Bao nhiêu thần tượng Aicập chỉ là hư vô trước quyền năng của Người. Sóng nước biển khơi vâng lệnh Người răm rắp. Chẳng bao giờ thấy như vậy. Thiên Chúa thật là Thánh, nghĩa là thật khác hẳn mọi quan niệm của loài người. Chỉ biết Người toàn năng...

Ðang khi đó Người lại ở gần, ở sát con cái Israel. Người bộc lộ tâm sự của Người với họ. Người ký kết với họ một Giao ước, để xây dựng những tương quan mật thiết với Dân Người. Ðấng Thánh vì thế vừa thật xa vừa thật gần, vừa khác hẳn lại vừa mật thiết. Có thể nói theo bản chất thì Người khác lạ, nhưng vì chiếu cố và chạnh thương, Người trở nên thân mật với Dân Người.

Và Người cũng đòi Dân Người phải như vậy. Họ phải nên thánh vì Người là Ðấng Thánh. Họ phải khác hẳn với mọi dân khác để mật thiết gắn bó với Người. Ðó là ý nghĩa cụ thể của lệnh truyền. Nó bao hàm rất nhiều đòi hỏi, nhưng tất cả đều phát xuất từ yêu cầu làm sao để Israel xứng đáng với ơn gọi là Dân được tuyển chọn, được tách khỏi mọi dân khác để trở thành Dân Riêng của Chúa và chia sẻ sự sống thánh của Người.

Hôm nay, sau khi tuyên bố họ phải thánh vì Thiên Chúa là Ðấng Thánh, bài sách Lêvi đưa ra một đòi hỏi cụ thể: họ không được thù ghét anh em trong lòng.

Chúng ta quá quen với những từ ngữ này. Chúng ta đọc câu trên với những quan niệm của chúng ta. Nhưng tư tưởng của Kinh Thánh không như vậy. "Thù ghét" ở đây là cắt đứt mọi liên lạc đồng bào với người anh em. Và chữ "trong lòng" nói lên ý nghĩa tự ý mình, chứ không căn cứ vào các điều kiện khách quan. Do đó lệnh truyền trên có nghĩa là: người trong Dân Chúa không được tự tiện cắt đứt tình đồng bào ruột thịt với người anh em. Họ không được bắt đầu coi anh em như "kẻ ngoại" và như người ngoại. Họ phải giữ anh em như ở lại trong cùng một bọc với mình để thật sự người ấy là đồng bào của mình.

Hiểu như vậy, lệnh truyền mới sâu xa và mới có tính cách Thánh Kinh. Thiên Chúa đã không lựa chọn một cá nhân, nhưng một Dân tộc. Người ký kết giao ước với cả Dân tộc ấy; và người ta chỉ có thể được tham gia các ân huệ của Người khi ở trong Dân tộc ấy. Do đó muốn là người ở trong Dân Chúa, người ta phải ở trong cùng bọc với anh em; phải mật thiết liên kết với anh em; không được hất anh em ra khỏi lòng mình.

Nhưng nhỡ xảy ra truyện xích mích với anh em thì phải thế nào? Bài sách Lêvi hôm nay dường như chú trọng đến vấn đề đó. Tác giả nhấn mạnh không được để "lòng" mình tự tiện xử tệ với anh em. Hãy cứ theo công bình để khỏi mắc tội, tức là hãy chờ đợi công lý xét xử. Do đó không được trả thù vì trả thù là không công nhận có công lý; và cũng không được cưu thù vì cưu thù là muốn đi quá công lý, khi công lý đã làm xong phận sự của mình. Như vậy chẳng lúc nào người ta được hất anh em ra khỏi lòng mình, nhưng luôn phải yêu mến đồng loại như chính mình. Lý do của lệnh truyền này, một lần nữa, là chính Thiên Chúa. Người là Thánh; Người muốn chọn một Dân thánh. Người khác hẳn mọi loài; và Người muốn Dân Người cũng sống khác mọi dân khác. Khác ở chỗ nào, nếu chẳng phải là ở chỗ không dân nào có Chúa mình ở gần như Dân Chúa và vì thế cũng không người dân nước nào sống gần gũi đồng bào của mình như người dân trong Nước Chúa. Họ vừa sống mật thiết với Thiên Chúa vừa sống thân cận với nhau. Họ là Dân có lòng mến Chúa yêu Người.

Giáo lý của Cựu Ước đã sâu xa như vậy, thì Tân Ước sẽ thêm điều gì?

B. Hãy Yêu Thù Ðịch

Mở đầu bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Yêsu lập tức đã cho chúng ta thấy uy tín của Người. "Các ngươi đã nghe bảo: mắt thế mắt, răng thay răng. Còn Ta, Ta bảo các ngươi: đừng cự lại người ác". Rõ ràng Người đã tự đặt mình đứng đối diện với tất cả Luật pháp và các Tiên tri. Không những Người có uy quyền như tất cả họ gộp lại, mà tiếng nói của Người còn giá trị hơn tất cả tiếng nói của họ. Xưa họ bảo thế này, nay Người dạy như sau... Người không dạy gì đối lập đâu, vì Người đến không phải để bãi bỏ nhưng để làm nên trọn.

Xưa, Luật pháp dạy: mắt thế mắt, răng thay răng, tức là ăn miếng trả miếng. Cắt nghĩa tốt ra, thì đó là công bình. Và sánh với thời Cain và Lamek, thì đó đã là tiến bộ rõ ràng vì Cain có được báo thù gấp bảy thì Lamek gấp bảy với bảy mươi (Kn 4,24). Nhưng nay Chúa Yêsu dạy: đừng cự lại người ác; tức là không những không được báo thù mà còn phải nhịn nhục.

Chính điều này làm cho giáo lý của Chúa trổi hơn lời dạy của tiền nhân. Nhưng cũng chính điều này là một vấp phạm cho nhiều người. Và người ta đã thử tìm nhiều cách để hiểu Lời Chúa theo ý riêng mình. Ðang khi đó, những thí dụ Chúa đưa ra tiếp theo, không cho phép ai có thể xuyên tạc được ý của Người.

Người bảo hãy giơ má nữa cho kẻ đã vả mình một má. Chúng ta chỉ có thể hiểu đúng ý của Người khi giải thích đây là một thí dụ về sự nhẫn nhục. Và gương nhẫn nhục lớn nhất vẫn là thái độ của Người Tôi tớ trong sách Isaia đã tiên báo về Ðấng Cứu chuộc loài người trong mầu nhiệm Tử nạn. Người Tôi tớ nói: Tôi đã giơ lưng cho người đánh đập và chìa má cho kẻ nhổ râu. Tôi đã không giấu mặt tránh nhục nhằn và khạc nhổ (Ys 50,5-6). Lời Chúa nói hôm nay cũng chỉ muốn gợi lại hình ảnh này, và mời gọi các tín hữu nhớ lại Gương Ðức Kitô trong mầu nhiệm Thánh giá. Người đã có thái độ nào đối với những người hung ác? Gặp những trường hợp như vậy, các môn đệ của Chúa nếu muốn nên giống Thầy mình không thể còn muốn giữ luật của người xưa!

Cũng như "có kẻ muốn kiện ngươi để đoạt áo lót, thì hãy bỏ cả áo choàng cho nó". Luật xưa không cho phép người ta giữ áo choàng của người đem nó đi cầm nó qua đêm, kẻo họ không có gì đắp cho khỏi lạnh (Tl 24,13). Họ mà kêu đến Chúa thì Người sẽ xót thương và xử thẳng với kẻ bất nhân kia. Nay gợi lên những tư tưởng này, Chúa Yêsu muốn cho các môn đệ khi gặp hoàn cảnh mất mát của cải, biết trở thành con người "đáng thương xót" để được lòng Chúa xót thương.

Cũng như "ai bắt ngươi làm phu đi một dặm thì hãy đi với nó hai dặm". Chúng ta cũng chỉ hiểu được lời này khi nhớ tới câu truyện ông Ximon vác đỡ Thánh giá Chúa Yêsu. Hôm ấy ông ở ngoài đồng về. Mấy người lính bắt ông cúi xuống đỡ cây Thập giá cho Chúa. Còn bao nhiêu truyện bắt phu như vậy? Và có rất nhiều truyện tương tự. Ở trong những hoàn cảnh như thế, các môn đệ của Chúa phải làm như ông Ximon, chia sẻ Thánh giá với Chúa, tham gia vào cuộc Tử nạn của Người.

Do đó các lời dạy trong bài Tin Mừng hôm nay đều quy chiếu vào mầu nhiệm cứu thế. Luân lý của Kitô giáo lấy mầu nhiệm Chúa Kitô làm căn bản. Giáo huấn của Người chỉ dễ hiểu khi người ta đã tin mầu nhiệm Tử nạn - Phục sinh của Người. Chúa nhật trước chúng ta đã thấy như vậy. Và hôm nay chúng ta càng thâm tín hơn. Có như thế, chúng ta mới hiểu được lệnh truyền cuối cùng và cũng là giáo huấn cao điểm của bài Tin Mừng hôm nay: hãy yêu mến thù địch, và khẩn cầu cho những kẻ bắt bớ.

Chắc chắn khi viết những lời này tác giả Matthêo đã nhìn ngắm Chúa trong mầu nhiệm Thánh giá. Ông còn nhớ cả hình ảnh của một Stêphanô lúc tử đạo đã cầu nguyện cho kẻ ném đá mình. Ðó là những thái độ Kitô giáo nhất để diễn tả lòng bác ái huynh đệ.

Bài sách Lêvi dạy con cái Israel phải yêu thương gắn bó với đồng bào. Bài Tin Mừng Matthêô đi xa hơn đề ra những thái độ phải có đối với người ác và làm khổ mình. Từ thái độ nhẫn nhục bắt chước Người Tôi tớ Thiên Chúa trong mầu nhiệm Khổ nạn, đến thái độ từ bỏ tất cả để được lòng thương xót của Thiên Chúa, lúc nào người môn đệ cũng chấp nhận đồng hành với kẻ ác với tâm trạng của một Ximon vác đỡ Thập giá và một Stêphanô biết cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ mình. Nhờ vậy họ mật thiết kết hợp với Ðức Kitô trong mầu nhiệm cứu thế và họ mới nên trọn lành như Cha trên trời là Ðấng trọn lành.

Với một giáo lý như vậy, lẽ ra đời sống của các cộng đoàn Kitô giáo phải rất tốt đẹp. Thế mà ngay ở thời thánh Phaolô, cộng đoàn Côrinthô cũng đã tỏ ra có nhiều thiếu sót. Những lời thư của Thánh Tông đồ gửi cho họ giúp chúng ta hiểu thêm việc thi hành luật bác ái yêu người.

C. Hãy Nên Ðiên Rồ Ðể Ðược Thành Khôn Ngoan

Giáo dân Côrinthô thời ấy thiếu sự hiệp nhất. Một đàng họ không còn nhận thấy tính cách khác biệt của Tin Mừng cứu độ; và đàng khác họ chia rẽ nhau vì tự phụ bám vào Tông đồ này, Tông đồ kia. Họ thiếu sót tư cách để là Dân Thiên Chúa.

Ở đây thánh Phaolô không nhắc lại giáo huấn của sách Lêvi. Người đi xa hơn. Người không trình bày chân lý cộng đoàn tín hữu là Dân của Thiên Chúa. Người nói đến cái quý nhất trong Dân Chúa ngày xưa là Ðền thờ. Và người bảo tín hữu: anh em là Ðền thờ của Thiên Chúa.

Thật vậy, Chúa Yêsu đã để cho thân xác Người bị đập đánh và đóng đinh trên Thập giá. Người để nó bị huỷ hoại để ba ngày sau sẽ dựng nó lại nên Ðền thờ đầy Thánh Thần không còn bao giờ huỷ hoại nữa. Tất cả những ai tin Người nơi mầu nhiệm Tử nạn - Phục Sinh đều được Người đem vào làm chi thể của Thân thể Người. Và đó là Ðền thờ mới của Thiên Chúa để ai tôn thờ sẽ tôn thờ trong chân thật. Do đó Hội Thánh, cộng đoàn tín hữu là Ðền thờ của Thiên Chúa; và Ðền thờ Thiên Chúa là vật thánh; ai huỷ hoại Ðền thờ ấy, Thiên Chúa cũng sẽ huỷ hoại kẻ ấy. Thế nên, người ta không được chia rẽ nhau ở trong Hội Thánh; họ không được làm xáo trộn Ðền thờ của Thiên Chúa. Họ phải mật thiết kết hợp với nhau như những viên đá sống động gắn bó với nhau trong toà nhà Thiên Chúa.

Hai yếu tố đã gây nên cảnh bất hoà trong giáo đoàn Côrinthô thì có hai chân lý giáo dân ở đây phải nắm giữ để sửa chữa lỗi lầm. Họ đã thèm sự khôn ngoan của thế gian, không còn nhận ra tính cách ưu việt của Tin Mừng. Thế thì họ hãy nên điên rồ đi, thứ điên rồ của Thánh giá Chúa Yêsu, để được nên khôn ngoan thật sự, vì sự khôn ngoan của thế gian chỉ là sự điên rồ trước mắt Thiên Chúa; còn chính sự điên rồ của Thánh giá mới là sự khôn ngoan cứu độ.

Còn việc người ta tự phụ là môn đệ của Phaolô, Apollô hay Kêpha, thì quả là do thiếu hiểu biết. Người Kitô hữu đã không được đưa vào Nước Trời sao? Tất cả mọi sự đã không được ban cho họ khi họ trở thành chi thể của Chúa Yêsu phục sinh sao? Mọi người, mọi sự đã thuộc về họ ở trong Chúa Yêsu Kitô. Họ chỉ còn phải luôn thuộc về Người để họ mãi mãi thuộc về Thiên Chúa. Trong một viễn tượng như thế, làm sao còn có thể tưởng tượng được những quang cảnh chia rẽ và thiếu bác ái?

Cộng đoàn chúng ta có hơn giáo đoàn Côrinthô ngày trước không? Ðức bác ái huynh đệ và tình hiệp thông duy nhất giữa chúng ta thế nào? Nếu chúng ta muốn tỏ ra thật sự là cộng đoàn môn đệ của Chúa, chúng ta phải thương yêu nhau. Lời sách Lêvi nhắc nhở chúng ta nhớ lại tình đồng bào của những người con Chúa. Bài Tin Mừng Matthêô dạy chúng ta thái độ khi ở với những người chưa tốt theo gương Chúa Yêsu trong mầu nhiệm cứu thế. Thánh Phaolô trong thư Côrinthô khuyên chúng ta gắn bó với Chúa Yêsu như chi thể trong một thân thể và lúc đó chúng ta sẽ nhận ra và kính trọng nhau như Ðền thờ của Thiên Chúa.

Giờ đây chúng ta được phúc vây quanh bàn tiệc Thánh Thể để được hiệp nhất với Chúa Yêsu và với nhau. Chúng ta tham dự vào Bí tích này là để có tinh thần của Chúa trong mầu nhiệm cứu thế. Chính ơn Thánh Thể sẽ thêm sức cho chúng ta lướt thắng mọi khó khăn để duy trì và phát triển tình đồng bào với mọi người. Chúng ta hãy tham dự sốt sắng mầu nhiệm Tình yêu để gia tăng tình yêu trong đời sống hằng ngày.

 

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa

của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page