Giải Nghĩa Lời Chúa Năm A

Những Bài Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật

của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Ngày 1 tháng 10

Lễ Thánh Têrêsa Hài Ðồng Yêsu

Con Ðường Nên Thánh

(Ys 66,10-14c; 1C 12,31-13,13; Mt 18,1-4)

 

Phúc Âm: Mt 18, 1-4

"Nếu không hoá nên như trẻ nhỏ, các con sẽ không được vào Nước Trời".

Khi ấy, các môn đệ đến bên Chúa Giêsu mà hỏi rằng: "Thưa Thầy, ai là kẻ lớn nhất trong Nước Trời?" Chúa Giêsu gọi một trẻ nhỏ lại, đặt nó giữa các ông mà phán rằng: "Thật, Thầy bảo các con: nếu các con không hoá nên như trẻ nhỏ, các con sẽ không được vào Nước Trời. Vậy ai hạ mình xuống như trẻ này, người ấy là kẻ lớn nhất trong Nước Trời".

 

Suy Niệm:

Ngày 1 tháng 10

Lễ Thánh Têrêsa Hài Ðồng Yêsu

(Ys 66,10-14c; 1C 12,31-13,13; Mt 18,1-4)

Hội Thánh hôm nay không những mừng một vị thánh, nhưng còn mừng một vị thánh bổn mạng của các xứ truyền giáo. Và lạ lùng thay, vị thánh ấy lại là một nữ tu dòng Kín chỉ sống ở đời này có 24 tuổi và suốt đời chẳng đặt chân đến một nơi truyền giáo nào. Người không có đức tin khó hiểu được điều đó. Nhưng khi chúng ta đã tin vào Lời Chúa, thì điều kia không còn gì khó hiểu nữa. Với những bài Kinh Thánh đọc trong Thánh lễ hôm nay, chúng ta sẽ hiểu được vì sao Têrêsa Hài Ðồng Yêsu lại là một vị thánh lớn; và tại sao người thật xứng đáng với tước hiệu Bổn mạng của các xứ truyền giáo; cuối cùng chúng ta sẽ thấy tín hữu Việt Nam chúng ta có lý để quý mến thánh Têrêsa Hài Ðồng Yêsu một cách đặc biệt.

 

A. Tiêu Chuẩn Ðể Trở Thành Một Vị Thánh Lớn

Khi nghĩ đến một bậc đại thánh, chúng ta thường quan niệm người đã phải làm được những việc kỳ diệu. Chắc chắn phải như vậy! Có điều thế nào là kỳ diệu trong Hội Thánh và trong đời một vị thánh? Phụng vụ hôm nay dùng bài sách Isaia để trả lời cho chúng ta.

Bài tiên tri nói về Yêrusalem. Nhưng Yêrusalem đích thực là Hội Thánh và là mỗi linh hồn. Isaia nói đến Yêrusalem ở trong Cựu Ước, Yêrusalem thủ đô của Dân Chúa. Nhưng qua hình ảnh Yêrusalem cụ thể và hữu hình này, chúng ta phải hiểu Lời Chúa nhằm nói tới Yêrusalem là Hội Thánh, là Nước Trời, là linh hồn mỗi tín hữu mà Thiên Chúa hằng trìu mến và muốn cư ngụ như ở đền thờ Yêrusalem của dân cũ.

Vậy Yêrusalem mà Isaia nói hôm nay là Dân Chúa sau thời Lưu đày. Trước mặt thế gian và nhất là trong thời gian Dân Chúa còn phải làm tôi mọi cho dân ngoại, Yêrusalem là đền thờ đổ nát, tan hoang và đã ra ô uế vì bao hành vi xúc phạm. Ðó là hình ảnh tiêu điều về Dân Chúa khi phạm tội và bị bỏ rơi. Êzêkiel đã ví tình cảnh bấy giờ như một bãi xương khô trông thật ghê tởm và hết hy vọng.

Nhưng Chúa chẳng khi nào bỏ Dân. Cảnh tiêu điều hiện nay do tội Dân mang lại. Nhưng lòng trung tín của Chúa muôn năm vững bền. Và lòng thương xót mạnh hơn lỗi phạm vô vàn của Dân. Chúa sẽ cứu độ mặc dầu Dân không đáng. Người sai Êzêkiel đến tuyên sấm rồi đây cánh đồng đầy xương khô kia sẽ ráp lại, có máu thịt và được thổi sinh khí. Người bảo Isaia hãy tuyên bố những lời chúng ta vừa nghe đọc. Yêrusalem tiêu điều sẽ trở thành người mẹ nhiều sữa. Dân Chúa sẽ được bồng bế và nuôi dưỡng trên gối của người mẹ ấy. Hơn nữa, hòa bình của Chúa sẽ chảy ra từ lòng Yêrusalem mới và muôn dân sẽ được hạnh phúc vui hưởng vinh hiển tràn ra từ đó. Hãy nhảy mừng. Hãy uống cho no say mọi ân huệ của nó...

Lời Isaia chỉ ứng nghiệm nơi Yêrusalem đích thực là Hội Thánh Chúa Kitô. Nhưng hôm nay Phụng vụ mượn lời ấy để nói về Têrêsa Hài Ðồng Yêsu. Người nữ tu thành Lisieux ngày trước sống trong dòng Kín; chẳng có hành động ngoạn mục nào theo nghĩa lớn lao kiểu loài người; thân xác người lại còn ốm yếu tật bệnh. Ðó là Yêrusalem trong cảnh tiêu điều, khi đang còn sống thời gian lưu đày. Nhưng sau đó mọi sự đã được đổi mới. Cái chết đã biến người tu sĩ dòng Kín âm thầm nên vị thánh lớn ở trong Giáo Hội. Và Hội Thánh tin rằng người đang xin được Thiên Chúa trao cho vô vàn bông hồng để làm mưa xuống. Cách sống đạo của người bây giờ trở nên phong phú nuôi dưỡng được rất nhiều linh hồn. Và Hội Thánh khuyên chúng ta chạy đến với người để học biết đàng nên thánh. Người đã trở thành thánh lớn ở trong Giáo hội vì cuộc đời của người thật kỳ diệu. Không kỳ diệu vì có những hành động phi thường, nhưng kỳ diệu vì có ảnh hưởng phong phú làm cho nhiều người nên thánh.

Thế nên tiêu chuẩn để trở thành một vị thánh lớn vẫn là phải làm được những việc kỳ diệu. Nhưng trong Hội Thánh và trong vấn đề thánh thiện, kỳ diệu không phải là làm được những việc phi thường mà là gây được một ảnh hưởng thánh thiện phong phú. Ðó là trường hợp của Têrêsa Hài Ðồng Yêsu. Hội Thánh khẳng định người đã lôi kéo được rất nhiều nên thánh. Con đường nên thánh của người đầy thắng lợi và hứa hẹn. Hội Thánh khuyến khích chúng ta chạy đến với người để học biết đường lối trường sinh.

Nhưng vì là Têrêsa Hài Ðồng Yêsu, người sẽ chẳng có nhiều ý kiến riêng để nói. Người sẽ chỉ làm sống lại lời của chính Chúa Cứu thế. Những lời ấy chúng ta đã nghe trong bài Tin Mừng; nhưng phải được người giải thích thì mới trở nên động lực cho chúng ta.

 

B. Bí Quyết Ðể Trở Thành Một Vị Thánh Lớn

Thật vậy khi trở thành tập sư ở trong dòng, Têrêsa đã nói với học trò: ở địa vị dẫn dắt người khác, lẽ ra người phải có nhiều ý tưởng để chuyển đạt. Nhưng người chẳng có gì cả; vậy người đã xin Chúa Yêsu nếu muốn ban cho các linh hồn lời hằng sống nào, thì xin ban qua tay người để rồi người đưa lại cho môn sinh. Tức là mọi quan niệm nên thánh của người đều rút từ Phúc Âm, quyển sách yêu quý nhất của người. Thế mà trong Phúc Âm, Chúa Yêsu dạy như chúng ta vừa nghe đọc, phải kể mình hèn mọn như trẻ nhỏ thì mới có thể là kẻ lớn nhất trong Nước Trời.

Nhưng thế nào là kể mình hèn mọn như trẻ nhỏ? Têrêsa đã giải thích như sau: trẻ nhỏ thì không làm được những công việc nặng nhọc của người lớn. Và ở trong Giáo hội thì việc đi giảng đạo, việc đổ máu tuyên xưng đức tin, việc làm các phép lạ, việc ăn chay hãm mình kinh khủng... đều là những việc lớn, phận nhi nữ như Têrêsa không làm được. Nhưng không sao, như trong một gia đình: anh chị làm được việc nặng, còn em bé thì sao? Chỉ cần em ngoan, em ở bên má, em làm vui lòng ba má, em yêu ba má thật nhiều và kể những câu chuyện dí dỏm, làm những hành vi yêu mến thơ ngây. Như vậy em đã đóng vai trò của em, em làm ba má phấn khởi, em làm anh chị em thêm tinh thần; và như vậy em tham gia cộng tác vào mọi công việc lớn lao nặng nhọc của ba má và anh chị; em trở nên lớn nhờ kể mình như trẻ nhỏ.

Têrêsa còn đưa ra nhiều thí dụ khác. Người muốn lên với Chúa ở trên trời. Nhưng cái thang từ đất đến trời cao quá và khó trèo hết sức! Những người lớn và khỏe có lẽ sẽ leo lên được. Nhưng trẻ nhỏ thì làm sao? Nó cạy cựa hì hục lên được bước nào là ngã bước ấy. Têrêsa ý thức rõ điều này. Người kinh nghiệm rất khó mà chừa được nét xấu và tập được nhân đức. Người sẽ bắt chước các em nhỏ. Không tự trèo lên được các bậc thang cao dốc, em sẽ òa lên khóc và nếu cần sẽ khóc to khóc mãi cho tới khi nào Cha ở trên trời nghe thấy tiếng đứa con nhỏ khóc vì muốn lên với cha nó mà không lên được, thì nhất định cha nó sẽ chạy xuống bồng nó lên. Và như vậy dễ dàng và sung sướng biết bao!

Thế nên Têrêsa hiểu rằng thay vì dùng sức mình mà lên với Cha trên trời – việc mà trẻ nhỏ không làm được, hãy làm sao cho Người xuống bồng mình lên. Và cho được như vậy phải kể mình như trẻ nhỏ, phải yêu cha thật nhiều, phải khóc nói lên lời yêu đó. Và Têrêsa ví tình yêu là thang máy. Ðứng vào đó là lên dễ dàng, đang khi leo trèo các bậc thang dốc và cao cần phải có nhiều sức và chưa chắc đã đi đến nơi.

Vậy, kể mình như trẻ nhỏ là biết mình yếu đuối, hèn mọn không thể tự sức làm được gì; và phải yêu mến thật nhiều để dùng tình yêu mà đạt được mọi điều mình ao ước. Ðó là quan niệm nên thánh của Ðức Mẹ trong kinh Magnificat; đó là đường lối của Thiên Chúa ở trong Thánh Kinh. Chúa Yêsu đã nhắc lại trong bài Tin Mừng hôm nay. Têrêsa đã hiểu được tựa vào kinh nghiệm của cuộc sống hàng ngày: bí quyết để trở nên người lớn nhất là phải kể mình hèn mọn như trẻ nhỏ. Và Têrêsa đã trung thành áp dụng bí quyết ấy.

 

C. Con Ðường Ðể Làm Thánh Lớn

Người vững vàng tiến bước nhờ một lần kia gặp được đoạn thư Phaolô phụng vụ đọc hôm nay. Ðã từ lâu người mến Chúa và muốn đi giảng đạo không phải ở một nơi nhưng ở mọi nơi cùng một lúc; và không phải chỉ từng lúc nhưng vĩnh viễn từ đầu chí cuối thời gian. Người muốn chịu tử đạo không phải bằng một thứ khổ hình nhưng bằng mọi thứ ở mọi nơi và trong mọi thời. Người muốn được như các tổ phụ, các tiên tri, các tông đồ, các giám mục, các linh mục và hết thảy những ai mến Chúa và làm việc cho Chúa... Nhưng làm thế nào được? Ðiên rồ và ảo tưởng ư? Không, đang lúc điên lên vì nhiệt tình như vậy, Têrêsa gặp đoạn thư Phaolô hôm nay. Người thấy rằng tình yêu làm được tất cả; và thiếu tình yêu sẽ không còn ai đi giảng đạo, nói tiên tri, làm linh mục hay tuyên xưng đức tin. Tình yêu nằm trong mọi công việc ấy. Thế thì người sẽ là tình yêu để hun nóng lòng các tông đồ, các tiên tri, các tử đạo, các linh mục... Người dâng mình cho tình yêu. Người yêu Chúa khi các người kia làm việc. Người là động lực cho công việc của họ. Và do đó người đã mật thiết kết hợp với họ đến nỗi đã được tôn làm Bổn mạng các xứ truyền giáo sau khi đã lên trời.

Nhưng từ ngày chọn đi vào con đường ấy cho đến ngày đạt được mục đích, Têrêsa đã phải thi hành hết mọi đòi hỏi của tình yêu mà chung quy là phải khổ vì như người ta thường nói yêu là đau khổ. Người muốn chia sẻ đau khổ của người yêu. Thế mà Chúa Yêsu có quá nhiều đau khổ không phải chỉ trong quá khứ, nhưng nhất là hiện nay, nơi các chi thể của Ngài trong Hội Thánh và nơi các linh hồn tội lỗi mà Ngài muốn cứu chuộc. Têrêsa đã dâng mình cho tình yêu, thì người cũng dâng mình cho đau khổ. Chính tình yêu và đau khổ đã biến người trinh nữ nên của lễ toàn thiêu từ giã cõi đời vào tuổi 24.

Một câu chuyện chứng tỏ người vừa yêu vừa đau khổ như thế nào. Trong dòng có một chị em làm người khó chịu ghê gớm. Thế mà người trấn áp cảm tình tự nhiên cố gắng niềm nở với người ấy đến nổi người này tưởng không ai yêu mình bằng người. Những phấn đấu như vậy đã làm chảy nhiều máu của trái tim rất nhạy cảm. Nhưng Têrêsa muốn có nhiều dòng máu như thế để góp phần vào Máu của ơn cứu độ hằng chảy trong Hội Thánh, khiến người đã đồng lao cộng tác với việc cứu thế bằng tình yêu và đau khổ.

Thái độ của người phải làm cho người tín hữu Việt Nam chúng ta cảm mến một cách đặc biệt. Bởi vì người đã yêu mến và đau khổ muốn sang Việt Nam mà không đi được. Người đã yêu thương đất nước chúng ta rất nhiều, muốn sang làm lễ vật tình yêu ở đây... Không đi được, người càng yêu và đau khổ cho Việt Nam hơn nữa. Chúng ta không thể quên ơn người.

Chúng ta hãy nghe lời Hội Thánh mà chạy đến với người. Người vẫn yêu chúng ta và muốn mưa hoa hồng xuống trên đất nước này. Người muốn có nhiều linh hồn ở đây nên thánh và giới thiệu với chúng ta hết thảy con đường thơ ấu thiêng liêng.

Ði vào con đường ấy là đến đứng ở giữa trái tim của Hội Thánh để muốn làm mọi sự ở trong Giáo Hội Chúa. Và cho được như thế hãy dâng mình yêu Chúa, hãy chấp nhận đau khổ hy sinh vì Chúa, hãy chia sẻ tâm tình của Chúa Cứu thế đang đau đớn trong các chi thể nơi Giáo hội để cứu độ trần gian. Và thái độ đó phải biểu lộ trong những khi chịu đau khổ thiệt thòi để yêu thương phục vụ anh em.

Thánh Têrêsa đang kêu gọi chúng ta đi vào con đường ấy. Ai hèn mọn cũng sẽ làm lớn vì chính Ðức Yêsu trong thánh lễ cũng làm đi làm lại việc ấy cho ta. Ðúng hơn, mỗi khi cử hành thánh lễ, Chúa kêu gọi chúng ta làm việc ấy với Người, tức là dâng mình chịu khổ để cứu rỗi các linh hồn với Người. Và Người ban sức mạnh qua thánh lễ để chúng ta thi hành việc ấy trong đời sống hầu làm thánh lớn, thánh truyền giáo như Têrêsa Hài Ðồng Yêsu.

 

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa

của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page