Giải Nghĩa Lời Chúa Năm A

Những Bài Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật

của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Chúa Nhật 24 Thường Niên Năm A

Phải Tha Thứ Không Cùng

(Hc 27,30-28,7; Rm 14,7-9; Mt 18,21-35)

 

Phúc Âm: Mt 18, 21-35

"Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy".

Khi ấy, Phêrô đến thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần. Có phải đến bảy lần không?" Chúa Giêsu đáp: "Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy.

"Về vấn đề này, thì Nước Trời cũng giống như ông vua kia muốn tính sổ với các đầy tớ. Trước hết, người ta dẫn đến vua một người mắc nợ mười ngàn nén bạc. Người này không có gì trả, nên chủ ra lệnh bán y, vợ con và tất cả tài sản của y để trả hết nợ. Người đầy tớ liền sấp mình dưới chân chủ và van lơn rằng: "Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn và tôi sẽ trả cho ngài tất cả". Người chủ động lòng thương, trả tự do và tha nợ cho y.

"Khi ra về, tên đầy tớ gặp một người bạn mắc nợ y một trăm bạc: Y tóm lấy, bóp cổ mà nói rằng: "Hãy trả nợ cho ta". Bấy giờ người bạn sấp mình dưới chân và van lơn rằng: "Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn, tôi sẽ trả hết nợ cho anh". Y không nghe, bắt người bạn tống giam vào ngục, cho đến khi trả nợ xong.

"Các bạn y chứng kiến cảnh tượng đó, rất khổ tâm, họ liền đi thuật với chủ tất cả câu truyện. Bấy giờ chủ đòi y đến vào bảo rằng: "Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta; còn ngươi, sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như ta đã thương ngươi?" Chủ nổi giận, trao y cho lý hình hành hạ, cho đến khi trả hết nợ.

"Vậy Cha Ta trên trời cũng xử với các con đúng như thế, nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình".

 

Suy Niệm:

Chúa Nhật XXIV Thường Niên A

Hc 27,30-28,7; Rm 14,7-9; Mt 18,21-35

Các bài đọc hôm nay không hoàn toàn tiếp nối tư tưởng của ngày Chúa Nhật trước; nhưng cũng bàn về một vấn đề tương tự. Chúng ta đã thấy trong Chúa Nhật trước Lời Chúa dạy bảo chúng ta những thái độ phải có đối với người anh em phạm tội làm cực lòng cộng đoàn tín hữu. Hôm nay Lời Chúa muốn giáo huấn chúng ta phải xử trí thế nào đối với người anh em lỗi phạm đến mình. Chúng ta sẽ thấy sách Huấn Ca của Cựu Ước chuẩn bị để lời loan báo Tin Mừng của Chúa Cứu thế được đón nhận như thế nào? Và thánh Phaolô đã có những tư tưởng nào để giúp đỡ chúng ta thi hành huấn thị của Chúa Cứu thế?

 

A. Không Ðược Giận Anh Em

Sách Huấn ca thuộc loại sách khôn ngoan của Cựu Ước. Ðó là loại sách - có thể nói - muốn bắt chước lối văn triết học đạo đức của trào lưu văn minh thời sau Lưu đày. Người ta bàn đến những thói ăn cách ở xứng đáng với thiên chức làm người "linh ư vạn vật". Nhưng ở các dân tộc kế cận, lý tưởng khôn ngoan chỉ tà tà mặt đất và không nhìn xa hơn cuộc sống trần gian của con người. Còn nơi Dân Chúa, những lời dạy khôn ngoan thường được đưa lên tới Chúa và được coi như phát xuất từ Người. Ðoạn sách Huấn ca hôm nay là một thí dụ rõ ràng.

Quyển sách này có cái tên như vậy vì nó được dùng như là thủ bản để giáo huấn Dân Chúa. Nó được viết theo kiểu thi ca cho dễ đọc dễ nhớ. Nó đề cập tới mọi khía cạnh trong đời sống con người. Ðoạn sách đọc hôm nay bàn về vấn đề giận hờn.

Mở đầu, sách Huấn ca nói luôn: oán hận giận hờn thảy là quái gở, tội nhân thường nổi tiếng cả hai. Ðó là một nhận xét thông thường. Kẻ tội lỗi vẫn có lòng hờn giận. Và kẻ khôn ngoan phải thấy đó là điều quái gở. Nhưng lập tức tác giả sách Huấn ca đã đem ánh sáng mạc khải chiếu trên hiện tượng ấy trong đời sống con người. Ông thấy ngay điều ấy không đẹp lòng Chúa và Người sẽ xử cứng với kẻ giận hờn. Thế nên ông khuyên người ta phải biết tha thứ cho anh em để được Chúa thứ tha tội lỗi. Ông không biết diễn tả hơn thế nào. Ông chỉ thấy người giận hờn sẽ không được tha thứ. Và ông khuyên người ta hãy nghĩ đến ngày chung thẩm, ngày đến trước mặt Chúa mà tha thứ cho anh em. Vì không thể nào Chúa có thể rộng rãi với người không biết tha thứ. Và lúc ấy có ai cầu bầu cho kẻ nhẫn tâm như thế? Do đó tác giả sách Huấn ca khuyên người ta hãy vâng lệnh Chúa và giữ giao ước của Người mà biết tha thứ và bỏ qua các xúc phạm của anh em.

Lời khuyên ấy vượt xa mọi lý lẽ thế gian và rõ ràng đã chuẩn bị cho người ta đón nhận giáo lý của Chúa Cứu thế. Nó làm nổi bật tính cách đạo đức của sách khôn ngoan trong Cựu Ước và còn đáng dùng để giáo huấn Dân Mới của Chúa. Nó khiến chúng ta liên tưởng tới câu kinh Lạy Cha: "Xin Cha tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con", để khi gặp cơn bực tức giận hờn, chúng ta biết suy nghĩ đạo đức hầu việc nhớ đến Chúa sẽ làm cho chúng ta nguôi giận và tha thứ.

 

B. Phải Tha Thứ Không Cùng

Tông đồ Phêrô có phải là người nóng tính nhất không? Có lẽ ông hăm hở muốn thi hành Lời Chúa hơn hết mọi người. Cũng có thể vì địa vị ông năng gặp người xúc phạm và ông phải tha thứ. Nên sách Tin Mừng viết ông đã đến bên Ðức Yêsu và thưa: Thưa Thầy khi anh em xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Ðến 7 lần chăng?

Ðức Yêsu đã không ngần ngại đáp: Ta không nói đến 7 lần, nhưng đến 70 lần 7. Có thể Người đã muốn lấy lại một lời trong sách Khởi nguyên (4,24), Lamek tuyên bố "luật rừng" thời bấy giờ: phải báo thù đến 70 lần 7. Về sau Thập giới đã thu hẹp lại và chỉ cho phép người ta lấy mắt trả mắt, răng đền răng. Nhưng đến Ðức Yêsu, Người tuyên bố phải tha thứ và yêu thương cả kẻ thù địch. Và câu Người khẳng định trên kia, phải tha thứ đến 70 lần 7, chỉ có ý dạy phải tha thứ mãi mãi, tha không bao giờ cùng.

Tại sao như vậy, thì Người đã kể một dụ ngôn. Có tên "bầy tôi" kia mắc nợ hoàng đế một vạn nén vàng. Một số tiền khổng lồ không thể trả nổi. Hoàng đế ra lệnh không những bán của cải anh ta mà còn bán cả anh ta cùng vợ con. Chắc chắn sẽ chẳng được bao nhiêu. Nhưng đó là biện pháp cuối cùng, biện pháp chỉ có dân ngoại mới làm. Và như vậy để nói lên tính cách khắt khe của hình phạt vì món nợ thật lớn lao.

Nhưng tên bầy tôi đã vội quỳ mọp xuống xin nhà vua thư thả cho, để anh sẽ trả hết nợ. Hoàng đế làm quá điều anh xin. Ông tha trắng cho anh. Lẽ ra anh phải sung sướng vì ân huệ lớn lao vừa được. Nhưng lòng anh không tốt! Ơn bất ngờ kia không cảm hóa được anh tý nào. Anh đã túm cổ họng người bạn đồng liêu chỉ nợ anh có 100 đồng bạc. Số tiền này là gì sánh với một vạn nén vàng? Thế mà anh đã bỏ tù bạn cho đến khi lấy lại được một trăm đồng bạc.

Thái độ của anh thật ghê tởm! Và ai ai cũng thấy phải phạt anh ta mới được. Vậy Cha trên trời cũng sẽ xử với chúng ta như thế. Bởi vì chúng ta cũng là tội nhân ở trước mặt Người. Và tội chúng ta nhiều và nặng vô cùng. Thế mà Người vẫn tha thứ. Trông khi đó chúng ta lại không biết bỏ qua một vài xúc phạm nhỏ bé của anh em!

Bài dạy của Chúa Yêsu rõ ràng sáng sủa. Tuy như muốn nối dài và kiện toàn giáo lý của sách Huấn ca, nhưng không thiếu điều khác biệt. Nhất là rõ ràng Chúa Yêsu không nại đến ngày chung thẩm và đời sau. Việc Thiên Chúa tha thứ cho người ta không đi sau và tùy như việc người ta tha thứ cho anh em. Thiên Chúa đã tha thứ cho chúng ta trước. Và Người muốn chúng ta thấm ơn Người và theo gương Người mà tha thứ cho anh em.

Thế thì tại sao Kinh Lạy Cha không làm nổi bật tư tưởng này, mà lại như muốn kéo dài giáo lý của sách Huấn ca? Kinh ấy dạy: Xin Cha tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Chúng ta tưởng ở đây như có một so sánh hoặc như có một đòi hỏi bó buộc Thiên Chúa phải tha nợ cho chúng ta như chúng ta đã tha thứ cho anh em. Nhưng không, đây chỉ là một điều kiện, một thái độ chuẩn bị, chứng tỏ lòng chúng ta khi tha thứ cho anh em cũng ao ước được Chúa tha thứ rộng rãi cho mình. Người có tha thứ mới thật lòng muốn được tha thứ và mới đáng nhận được ơn tha thứ. Ơn này Thiên Chúa đã ban sẵn cho mọi người nơi Ðức Yêsu Kitô. Người ta sẽ nhận được khi đến với tâm hồn biết tha thứ. Và người ta phải nhìn vào lòng thương xót tha thứ của Chúa để biết tha thứ cho anh em.

Ðiều này cũng được thánh Matthêô nhấn mạnh trong câu vị hoàng đế nói với kẻ bầy tôi bất nhân bất nghĩa: "Ngươi không phải thương xót bạn đồng liêu với ngươi như chính Ta đã thương xót ngươi sao?" Và như vậy rõ ràng giáo lý của Chúa Yêsu là người ta phải nhìn vào lòng Chúa thương xót đã tha thứ rộng rãi quảng đại cho người ta để người ta cũng phải thương xót tha thứ cho anh em trong mọi xúc phạm thực ra quá nhỏ mọn sánh với các xúc phạm của người ta đối với Chúa.

Và cũng một tư tưởng nữa trong giáo lý của Ðức Kitô: Người ta chỉ là "đồng liêu" với nhau, hoặc như lời sách Huấn ca, người ta hết thảy đều là xác thịt. Tha thứ có là việc đáng kể gì sánh với việc Thiên Chúa tha thứ cho ta, vì Người là Ðấng Thánh khác hẳn với chúng ta và trổi vượt trên chúng ta bội phần? So sánh Người với chúng ta như vị hoàng đế với kẻ bầy tôi chỉ là một kiểu nói theo ngôn ngữ loài người. Khó tìm được lối so sánh nào mạnh hơn. Nhất là nếu còn muốn gợi lên hình ảnh xử án nữa!

Như vậy bài sách Tin Mừng quả thật đã không bỏ mất một yếu tố nào trong bài sách Huấn ca. Hơn nữa thay vì đưa chúng ta nghĩ về phiên tòa xét xử sau này trong ngày chung thẩm, thánh Matthêô cho chúng ta thấy việc phân xử đó đang thi hành trước mắt chúng ta, kể từ ngày Thiên Chúa đã tha thứ tội lỗi cho mọi người nơi Ðức Yêsu Kitô Cứu Thế.

Thánh Phaolô trong bài thư hôm nay cũng có một quan niệm tương tự khi khuyên chúng ta phải biết rộng rãi tha thứ cho anh em. Và phải biết tha thứ đến độ không còn dám đoán xét anh em nữa. Chúng ta hãy tìm hiểu ý người.

 

C. Không Ðược Ðoán Xét

Người nói: chúng ta là gì mà lại đoán xét anh em, mà lại coi anh em là đắc tội? Chúng ta hết thảy chỉ là tôi tớ. Thật vậy, là tín hữu, chúng ta tin Ðức Yêsu Kitô. Chúng ta tuyên xưng Người là Chúa nhờ cuộc khổ nạn-phục sinh của Người. Người đã được đặt làm Chúa kẻ sống và kẻ chết, tức là Chúa của các thế hệ đi trước chúng ta và của chúng ta cũng như của những kẻ đến sau chúng ta. Ðối với Người, chúng ta chỉ là bầy tôi hay là tôi tớ theo nghĩa rất mạnh là vận mạng của chúng ta hết thảy bây giờ ở trong tay Người. Có thể nói, chúng ta ngày nay không còn tự do gì nữa. Từ ngày cùng chết và sống lại với Người trong Bí tích Rửa tội để trở thành Kitô hữu, chúng ta đã tự bán mình cho Người, trở nên nô lệ của Người để được sự tự do của con cái Thiên Chúa.

Vậy thân phận chúng ta đã là những tên nô bộc sống hoàn toàn dưới quyền của Chúa thì chúng ta không còn quyền đoán xét và xét xử nhau nữa. Mọi xích mích giữa chúng ta bây giờ phải được đệ lên trước mặt Chúa để tùy Người phân xử. Chúng ta chỉ còn phận sự chu toàn trách nhiệm của mình và sẽ phải trả lẽ về chính mình ở trước mặt Thiên Chúa.

Bài học của thánh Phaolô như vậy có vẻ dứt khoát và quyết liệt hơn Lời Chúa dạy trong bài Tin Mừng. Không những không được giận hờn mà còn không được đoán xét. Không còn khuyên bảo theo gương Chúa nữa nhưng trắng trợn chỉ tay vào thân phận của mỗi người mà bảo im đi. Nghĩ như vậy là không hiểu tý gì về tư tưởng của thánh Phaolô. Ðối với người, không có vinh dự và hạnh phúc nào sánh được với ơn gọi Kitô hữu. Và người ta càng sống đúng với ơn gọi này khi chỉ còn sống chết cho Chúa Kitô. Sống như vậy là trở nên nô lệ của Người, nhưng đó là thứ nô lệ đem đến thống trị với Người, như chính Người đã tự hư vô hóa mình để được đưa lên trên hết mọi danh hiệu và làm Chúa của kẻ chết và kẻ sống. Người Kitô hữu đã thuộc về Chúa, trở nên sản nghiệp của Người, thì không còn ở dưới quyền ai nữa, một chỉ ở dưới quyền Thiên Chúa mà thôi. Ðó là sự tự do của họ. Thánh Phaolô bênh vực sự tự do này cho mọi tín hữu vì nó đã được mua chuộc bằng Máu của Ðức Kitô. Thế nên thánh nhân không cho ai có quyền đoán xét anh em. Và như vậy người bênh vực mọi Kitô hữu chứ không phản đối ai.

Bài học của người hiểu như vậy thật tích cực và đề cao mọi người. Có thể nói người đã làm cho mọi người được quyền bất khả bị xâm phạm nhân danh Kitô hữu, tức là nhân danh Ðức Kitô. Nói đúng hơn, người nhắc nhở hết thảy chúng ta trở nên thân phận của mình. Là đồng phận, đồng liêu với nhau ở trước mặt Chúa, chúng ta hãy sống hòa hợp với nhau như anh em. Và như vậy không còn được đoán xét giận hờn nhau nữa.

Tư tưởng của Người đã có trong bài sách Huấn ca và trong bài Tin Mừng. Ðọc lại cả ba bài Kinh Thánh hôm nay, chúng ta thấy rõ Lời Chúa vẫn là một: người ta không được đoán xét oán giận nhau vì là những thái độ không tốt; hết thảy chúng ta đều như nhau trước mặt Chúa. Người đã thương xót tha tội vô vàn cho chúng ta thì lẽ nào chúng ta bất nhân đến nỗi còn muốn hạch tội anh em? Người đã đổ máu ra để chuộc anh em, thì làm sao chúng ta còn có thể kết tội anh em? Người sẽ phán xét mọi người thì chúng ta phải tỏ ra thương xót để sẽ được thương xót.

Tất cả những điều ấy đang thật sự xảy ra ở giữa cộng đoàn chúng ta trong giờ phụng vụ này. Ai có thể nói mình hơn ai ở trước mặt Chúa? Người không tỏ ra xót thương chúng ta vô vàn trong hành vi lễ tế này sao? Và Người hy sinh đến như vậy để muốn chuộc hết mọi người và nâng lên bậc làm con Chúa. Có thể nào chúng ta còn dám đoán xét anh em?

Và cuối cùng, mầu nhiệm Thánh Thể này đảm bảo việc Chúa Kitô sẽ trở lại phán xét, đưa tất cả về thiên quốc làm thành Thân thể sáng láng của Người. Ai có tâm nào muốn loại trừ anh em, đi trước quyền phân xử của Chúa và khiến Người sẽ không dung thứ cho chính mình? Không, để tham dự Thánh lễ này cho hữu hiệu, chúng ta hãy thi hành Lời Chúa: trước khi đem lễ vậy dâng trên bàn thờ phải làm hòa với anh em. Và khi đã dâng của lễ hòa giải này nơi bàn thờ, chúng ta lại càng phải duy nhất yêu thương phục vụ anh em hơn nữa. Vì có như vậy chúng ta mới thật sự là một đoàn chiên với một Chúa chiên.

 

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa

của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page