Giải Nghĩa Lời Chúa Năm A

Những Bài Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật

của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Chúa Nhật 12 Thường Niên Năm A

Hãy ca tụng Chúa; hãy ngợi khen Người

(Yr 20,10-13; Rm 5,12-15; Mt 10,26-33)

 

Phúc Âm: Mt 10, 26-33

"Các con đừng sợ những kẻ giết được thân xác".

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: "Các con đừng sợ những người đó, vì không có gì che giấu mà không bị thố lộ; và không có gì kín nhiệm mà không hề hay biết. Ðiều Thầy nói với các con trong bóng tối, hãy nói nơi ánh sáng; và điều các con nghe rỉ tai, hãy rao giảng trên mái nhà.

"Các con đừng sợ những kẻ giết được thân xác, nhưng không thể giết được linh hồn: Các con hãy sợ Ðấng có thể ném cả xác lẫn hồn xuống địa ngục. Nào người ta không bán hai chim sẻ với một đồng tiền đó sao? Thế mà không con nào rơi xuống đất mà Cha các con không biết đến. Phần các con, tóc trên đầu các con đã được đếm cả rồi. Vậy các con đừng sợ: các con còn đáng giá hơn chim sẻ bội phần.

"Vậy ai tuyên xưng Thầy trước mặt người đời, thì Thầy sẽ tuyên xưng nó trước mặt Cha Thầy, là Ðấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt người đời, thì Thầy sẽ chối nó trước mặt Cha Thầy, là Ðấng ngự trên trời".

 

Suy Niệm:

Chúa Nhật XII Thường Niên A

Yr 20,10-13; Rm 5,12-15; Mt 10,26-33

Chúa nhật trước chúng ta đã thấy quá khứ, hiện tại, tương lai của Dân Chúa cũng như của từng người trong chúng ta được bao trùm trong lòng nhân nghĩa của Chúa. Người thương chúng ta vô vàn, đã giải thoát chúng ta trong quá khứ, đang phù trợ chúng ta trong hiện tại và sẽ làm cho tương lai chúng ta được hạnh phúc.

Nhưng đó là cái nhìn đức tin. Còn con mắt nông cạn và xác thịt có lẽ chỉ thấy đời nhiều đắng cay. Lời Chúa hôm nay muốn soi sáng chúng ta về phương diện này, để chúng ta thấy lòng nhân nghĩa Chúa bao trùm cả những nét buồn thảm bi đát trong cuộc đời chúng ta.

 

A. Trước Hết, Lời Chúa Chẳng Bao Giờ Che Giấu Các Ðau Khổ

Cựu Ước cũng như Tân Ước không những mô tả mà còn tìm hiểu khía cạnh cam go trong đời sống con người một cách sâu sắc.

Bài sách tiên tri Yêrêmya hôm nay tuy vắn tắt nhưng gợi lên hình ảnh của một đời người nhiều nước mắt. Vị ngôn sứ ấy đã được chọn ngay từ trước khi thành hình trong lòng mẹ để đảm nhiệm một sứ vụ gay go bạc bẽo. Yêrêmya đã muốn chối nhưng không được. Ông phải ra đi tiên báo những hoạn nạn sẽ xảy tới. Nghe ông nói nhiều, người ta đã dần dần đồng hóa ông với kẻ mang tai ương vạ gió. Người ta tránh ông như tránh dịch, Nhưng đâu được phép rút lui, ông phải theo lệnh Chúa đến phản đối thái độ bất trung của nhà cầm quyền đối với giao ước. Người ta bắt ông, nhốt ông, kết án ông là tên phản bội, bán nước. Ngay họ hàng thân thích cũng khử trừ ông. Vì ông thuộc dòng tư tế, mà muốn cải cách theo Yosyas, chủ trương hủy bỏ hết các nơi tế tự bất xứng ở địa phương để tập trung tất cả phụng vụ trang nghiêm về Yêrusalem.

Xã hội bắt bớ, họ hàng tẩy chay, ông một thân một mình chịu bao đau khổ. Những tiên tri khác còn được hạnh phúc có vợ có con, Yêrêmya được lệnh Chúa sống độc thân để tuyên sấm cho toàn dân biết: tai họa sắp giáng xuống, đừng dại gì mà dựng vợ gả chồng kẻo vợ con sẽ chết đói, chết chém và chẳng được chôn cất. Dân chưa bị chiến tranh và đi đày lê thê... nhưng vì là tiên tri của những biến cố đó, Yêrêmya đã phải sống trước ở nơi bản thân tất cả số phận cay đắng của dân bội bạc. Ông là vị ngôn sứ khổ sở, là hình ảnh của Ðấng sẽ đến gánh tội thiên hạ, là người được chọn để đi vào con đường hẹp. Ông là người đi trước chúng ta về phương diện đau khổ ở đời.

Vì đời chúng ta không phải chỉ mang theo những khổ đau như mọi người, nhưng còn có những gánh nặng khác mà ta có thể gọi chung là thánh giá. Ðó là những đau đớn vì Danh Chúa, dành cho chúng ta là những người được chọn. Ðức Kitô đã nói với các môn đệ của Người: vì Danh Thầy, thế gian sẽ ghét bỏ các con và người ta sẽ giải các con đến các tòa án. Thánh Phaolô trong bài thư hôm nay còn gợi lên cả nỗi lo sợ quằn quại không ngừng: tội lỗi chúng ta hằng phạm có khiến chúng ta mất tin tưởng vào hạnh phúc đời sau không? Ðây là lo sợ cuối cùng, lo sợ ở trước mặt Chúa, đang khi những tai họa và bất hạnh nói trên nằm trong tương quan đối với người khác, với gia đình và xã hội.

Thật, mọi vấn đề đau khổ ở đời đã được Sách Thánh liệt kê và nghiên cứu. Yêremya đã sống giữa cảnh thù nghịch. Ông tiên báo về con người đau khổ của Ðức Kitô; rồi Ðức Kitô lại báo trước cho chúng ta biết thân phận khổ sở của những người theo Chúa. Cuối cùng thánh Phaolô nói lên nỗi lo sợ phập phồng dày vò tâm trí những kẻ biết mình tội lỗi.

 

B. Nhưng Ðồng Thời Lời Chúa Cũng Dọi Sáng Trên Các Ðau Khổ

Yêrêmya bị ghét bỏ và tấn công tứ phía, nhưng không nao núng, vì như lời ông nói hôm nay: Chúa luôn luôn ở với ông như người chiến sĩ vô địch. Ông sống ở thời Cựu Ước, nên lối diễn tả niềm tin của ông chưa được tế nhị. Ông tin rằng kẻ thù của ông sẽ lao đao, thất bại; sẽ hổ ngươi và nhục nhã. Và niềm tin ấy đã biến thành lời cầu nguyện: xin cho con được thấy kẻ thù của con bị báo thù.

Ngày nay chúng ta không được cầu nguyện như thế vì Chúa Yêsu đã dạy chúng ta phải yêu mến kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ghét bỏ mình. Nhưng chúng ta phải có niềm tin chắc chắn như Yêrêmya. Giữa bao nghịch cảnh và mọi khổ đau, Chúa vẫn ở với chúng ta, không những như người chiến sĩ vô địch, nhưng hơn nữa như một người cha săn sóc đếm từng sợi tóc trên đầu người con, để không một cái tóc nào rụng xuống mà không có ý của Người. Hai con chim sẻ chỉ đáng giá một đồng xu thôi, thế mà Cha trên trời vẫn săn sóc đến chúng. Còn chúng con, chúng con đáng giá ngàn ngàn lần hơn tất cả loài chim sẻ. Nói một cách đơn sơ hơn, những đau khổ rủi ro ở đời không bao giờ được làm chúng ta quên lòng nhân nghĩa Chúa. Chúng ta phải nắm vững niềm tin đã trình bày Chúa nhật trước: quá khứ, hiện tại và tương lai chúng ta được bao bọc trong tình yêu trung tín của Cha trên trời. Yêrêmya đã thâm tín như vậy. Chúa Yêsu nhắc lại cho chúng ta nhớ. Và chân lý là ánh sáng chiếu soi vào các khổ đau mà chúng ta gặp để hiểu rõ chúng là gì.

Chúa Yêsu trong bài Tin Mừng hôm nay nói: chúng không có gì đáng sợ. Thử thách và khổ đau ở đời thoạt nhìn vào thì thấy sợ, thấy ghê. Nhưng chiếu ánh sáng của Chúa vào, và nhìn chúng bằng con mắt đức tin, chúng ta dường như sẽ thấy chúng đang dần dần tan biến. Bản chất của chúng đâu có vững bền? Cuối cùng, tức là chung cuộc thử thách chỉ là những mây mù phải tan để làm tỏ hiện bộ mặt thật của thực tại. Có gì che giấu mà không bị bại lộ; có gì thầm kín mà lại không được công bố ra? Rồi đây Ðức Kitô sẽ ở trên Thánh giá, Người sẽ chiến thắng tử thần, dọi ánh sáng phục sinh vào việc làm của mọi kẻ thù địch Ngài; thế gian sẽ bẽ bàng trong tội lỗi và kẻ tin Ngài sẽ hân hoan. Rồi đây Ðức Kitô cũng sẽ lại xuống trong vinh quang. Ánh sáng vinh hiển Người sẽ phán xét hành động và ý nghĩ thâm sâu của mọi người; thử thách và đau khổ của những kẻ được Người chọn sẽ biến mất như đêm tối tan biến trước ánh sáng mặt trời. Thế nên, nếu con cái Chúa không có gì phải sợ khi đã tin ở sự săn sóc của Cha trên trời, thì các môn đệ của Người cũng chẳng có gì phải hãi khi bị bắt bớ vì tòa án loài người cũng sẽ qua đi khi ngày chung thẩm của Chúa đến. Người ta có thể giết các môn đệ của Chúa, nhưng có nên sợ những kẻ chỉ giết được xác mà không giết được hồn không? Dĩ nhiên người môn đệ muốn được sự bình tĩnh chắc chắn trong mọi thử thách, thì phải có sự tự tin ở trong hồn mình, tức là có thể tin vào giá trị đạo đức của mình ở trước tòa Chúa sau này và bây giờ nơi lương tâm của chính mình.

Nhưng ai dám tự hào thâm tín như vậy? Thánh Phaolô trong bài thư hôm nay đoán được tâm trạng của chúng ta. Người sợ chúng ta nao núng khi nghĩ đến tội lỗi của mình. Và nguời chiếu ánh sáng tin tưởng vào lương tâm lo lắng ấy khi đề ra chân lý sau đây:

Phải, tất cả chúng ta đều đã phạm tội. Từ Ađam cho tới nay, tội lỗi đã thống trị và tràn ngập. Nhưng chính sự kiện phổ quát của chế độ tội lỗi khiến chúng ta suy đến thời đại phổ quát của ân sủng. Một người đã du nhập tội lỗi vào thế gian để đến nỗi không ai không tội lỗi; thì Thiên Chúa là Ðấng nhân nghĩa và trung tín đã mở màn thời đại ân sủng phổ quát khi ban Con Một Người đến chịu chết vì tội lỗi chúng ta.

Và không thể Ðức Yêsu chỉ giống như Ađam. Người phải trổi vượt ông vô vàn. Thế thì chế độ ân sủng mà Người đã khai mạc cho thời sau hết này phải vượt xa thời kỳ tội lỗi xưa đã bắt đầu với Ađam. Chúng ta có kinh nghiệm về thời đại tội lỗi xấu xa này, thì chúng ta càng phải có lòng tin sâu xa hơn nữa về thời kỳ ân sủng do Ðức Kitô sáng lập.

Tin như vậy, không ai còn có thể nghĩ mình không được chan chứa ân sủng. Và đời sống tuy nhiều khổ đau và tội lỗi, tuy nhiên nước mắt như đại dương và đầy bất công bất hạnh, đức tin bảo chúng ta phải quả quyết ân sủng của Ðức Kitô còn mênh mông dư đầy bội phần. Và những gì chúng ta đã nói về lòng nhân nghĩa của Chúa đối với con người, vẫn còn đúng mãi, mặc dầu đời người có thể là bể khổ.

 

C. Thế Thì, Thái Ðộ Của Chúng Ta Phải Thế Nào?

Yêrêmya đã kết thúc bài nói về đau khổ mình gặp bằng một lời kêu gọi tin tưởng. Ông nói: hãy ca tụng Chúa; hãy ngợi khen Người vì Người sẽ cứu mạng sống kẻ khó nghèo khỏi tay kẻ cường bạo. Lòng tin tưởng của ông không phải vô điều kiện. Chúa sẽ cứu người nghèo khổ. Tin Mừng của Người sẽ chỉ được rao giảng cho những con người ấy. Nói đúng ra, chỉ hạng khó nghèo mới đón nhận Tin Mừng của Chúa và do đó mới được cứu độ. Mà khó nghèo hay nghèo khó Phúc Âm, trước hết là tin tưởng tín nhiệm hoàn toàn vào Chúa và chỉ cậy dựa trông cậy vào Người mà thôi, tức là phải lấy nhân nghĩa đáp trả nhân nghĩa.

Và lòng tín nghĩa chân thật ấy phải được chứng tỏ rõ ràng, đặc biệt khi bị thử thách. Chính Chúa Yêsu trong bài Tin Mừng hôm nay đã tuyên bố rõ ràng: ai xưng Ta ra trước mặt người đời thì Ta cũng xưng kẻ ấy ra trước mặt Cha Ta; còn ai chối Ta trước mặt người đời thì Ta cũng chối kẻ ấy trước mặt Cha Ta.

Ðiều kiện này có thể khiến lòng nhiều người áy náy. Thế nào là xưng Chúa ra trước mặt người đời? Ðeo ảnh, làm dấu đọc kinh trước khi ăn cơm, đi dự lễ ngày Chúa nhật, là những hành vi tuyên xưng Chúa? Bao giờ cũng phải làm? Và có khi nào được miễn không?

Ở đây, không ai có thể đưa ra một câu trả lời gãy gọn áp dụng cho hết mọi trường hợp. Muốn có câu giải đáp phổ cập này, có lẽ chúng ta phải vươn lên trên mọi vấn nạn cụ thể. Và hãy hỏi thế nào là tuyên xưng Chúa ra trước mặt người đời?

Ảnh đeo nhắc người ta nhớ đến Chúa; nhưng chưa chắc người nào đeo ảnh cũng tuyên xưng Chúa ra. Ðã có những người đeo Thánh giá vàng để trang trí và có thể có những người mang thập tự lớn để phản chứng, không phải vì Danh Chúa nhưng vì mình và vì quan niệm của riêng mình. Và chúng ta cũng có thể nói tương tự về việc làm dấu, đọc kinh, đi lễ v.v… Nói tóm, giá trị không nằm ở việc làm, nhưng ở niềm tin. Thánh Phaolô đã nói như vậy. Ðiều quan trọng là mỗi người phải tự hỏi về niềm tin của mình. Và chính niềm tin ở trong mình sẽ phán đoán các hành vi của chúng ta. Và chắc chắn người có đức tin mạnh mẽ sẽ biết cư xử đúng với sự tự do của con cái Thiên Chúa, nghĩa là luôn luôn biết phải làm gì và không cần làm gì để tuyên xưng Chúa ra trước mặt người đời.

Giờ đây cũng vậy, Thánh lễ sẽ cử hành ở giữa chúng ta. Lẽ ra mọi người sẽ tuyên xưng niềm tin một cách hết sức chân thành. Nhưng biết đâu và không ý tứ thì sẽ có những kẻ xem lễ mà không dự lễ. Vì xem lễ thì chỉ cần mắt nhìn vào, nhưng dự phần thì phải dấn thân, đem tâm hồn mình đến thông phần Mình Máu Ðức Kitô.

Ai thật sự tham dự lễ tế này mà không thấy Thiên Chúa yêu thương mình, đến nỗi ban Thịt Máu Người cho chúng ta? Và ai thật sự đáp trả tình yêu của Người lại có thể lo sợ các thử thách trong đời sống? Vì cả khi sống giữa đau khổ, người yêu Chúa vẫn cảm thấy sâu xa mình được Chúa yêu. Và với tình yêu ấy Thánh Thần đã đổ được đổ xuống trong lòng chúng ta để một sự an ủi ngọt ngào vẫn tràn ngập tâm hồn của những thân xác đang bị đau khổ. Ðó là niềm tin, là lẽ sống của chúng ta. Chúng ta hãy mạnh dạn tuyên xưng.

 

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa

của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page