Nghiên cứu Thần Học
từ các nguồn văn hóa bản địa
sẽ giúp cho Kitô Giáo có ý nghĩa hơn

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Nghiên cứu Thần Học từ các nguồn văn hóa bản địa sẽ giúp cho Kitô Giáo có ý nghĩa hơn.

(VT3134.1035 Ngày 7-7-1999) - Thành Phố Sài Gòn, Việt Nam (UCAN) -- Người phụ trách một nhóm nghiên cứu văn hóa dân tộc nói rằng việc nghiên cứu thần học từ viễn cảnh tôn giáo và văn hóa Việt Nam sẽ làm cho Kitô Giáo có ý nghĩa hơn đối với người Việt Nam.

Nữ tu Mai Thành, 71 tuổi, dòng Ðức Bà, mới đây nói với UCA News rằng nghiên cứu thần học từ các nguồn Á Châu không hề kém ý nghĩa hơn việc tư duy thần học từ một chiều kích lấy phương Tây làm trung tâm. Chị cho biết thêm rằng ở Việt Nam hầu hết các sách thần học đều dịch từ các tác giả phương Tây: "Nếu có ai đã viết cái gì đó về thần học, thì người ấy thường viết từ những viễn cảnh phương Tây." Nữ tu Mai Thành là người đã cổ vũ các nền thần học Á Châu qua một số dự án nghiên cứu và dịch thuật và là người điều hành một nhóm nghiên cứu về các đề tài liên quan đến văn hóa dân tộc và tín ngưỡng dân gian, nhất là Phật Giáo, Khổng Giáo và Lão Giáo, và việc hội nhập đức tin Kitô Giáo.

Ông Nguyễn Khắc Dương, 74 tuổi, một giảng viên Công Giáo về triết học Ðông Phương, nhận xét rằng nữ tu Mai Thành mới chỉ bước đầu khai tâm về các nền văn hóa và tôn giáo Á Ðông, nên còn phải đào sâu thêm tư tưởng Ðông Phương. Theo ông Trần Tuấn Mẫn, 59 tuổi, một thành viên của Hội đồng Trị Sự trung ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, "nền văn hóa dân tộc của Việt Nam chủ yếu là nền văn hóa Phật Giáo. Do đó, để có thể nói chuyện với người Phật Giáo, người ta phải hiểu biết về Phật Giáo." Ông Mẫn là giảng viên về môn văn học Phật Giáo tại Viện Nghiên cứu Phật Học ở thành phố Sài Gòn. Ông ghi nhận những nỗ lực nghiên cứu Phật Giáo của chị nữ tu Công Giáo và nói: "Nữ tu Mai Thành đã thể hiện được hình ảnh một người Công Giáo có niềm tin vững chắc, khiêm tốn và cởi mở." Nữ tu Mai Thành cho biết việc gia đình chị trở lại đạo đã giúp chị ý thức về tầm quan trọng của văn hóa Việt Nam khi nghiên cứu thần học. Chị cho biết thêm chị đã trở lại đạo Công Giáo hồi 18 tuổi. Năm người khác trong gia đình chị cũng đã trở lại đạo. Chị kể lại: "Sau khi Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI cho phép người Công Giáo thờ cúng tổ tiên, bố tôi, một Nho Gia lão thành, đã chấp nhận rửa tội." Chị cho biết nhóm nghiên cứu sẽ tổ chức một cuộc hội thảo vào tháng 10 tại Huế về "Chữ Hiếu" trong Tin Mừng và trong nền văn hóa dân tộc Việt Nam. Chị cho biết thêm cuộc hội thảo sẽ được Ðức Tổng Giám Mục Stêphanô Nguyễn Như Thể, Tổng Giáo Phận Huế, một thành viên của Hội Ðồng Giáo Hoàng phụ trách việc đối thoại giữa các tôn giáo, bảo trợ. Chị giải thích: "Lòng hiếu thảo, một chủ đề thích hợp cho năm Thiên Chúa Cha, là khái niệm nền tảng trong tâm thức tôn giáo của các dân tộc Á Ðông, và nó có thể được khai triển từ chính Tin Mừng." Chị cho biết chị đã học hỏi về các nền thần học Á Châu khi chị phụ trách chương trình thường huấn tại trụ sở trung ương dòng ở Rôma.

Nữ tu Mai Thành đã làm giám tỉnh dòng Ðức Bà (Kinh sĩ Thánh Augustin) tại Việt Nam từ năm 1972 đến 1981 và làm tổng cố vấn của trung ương dòng tại Rôma từ năm 1990 đến 1996. Chị nói: "Tôi đã mang về Việt Nam nhiều băng ghi hình về các khóa hội thảo thần học để bạn hữu xem như một cách giúp họ làm quen với các nền thần học Á Châu." Chị cho biết thêm chị cũng phụ trách một nhóm dịch thuật qui tụ những ai quan tâm đến các tác phẩm của nhà thần học Á Châu. Chị giải thích: "Ðây cũng là một cách nữa để cổ vũ các nền thần học Á Châu."


Back to Radio Veritas Asia Home Page