Ðức Tổng Giám Mục
cho rằng nghệ thuật có thể cổ vũ
cho nền văn minh tình thương
vượt qua ranh giới ý thức hệ

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Ðức Tổng Giám Mục cho rằng nghệ thuật có thể cổ vũ cho nền văn minh tình thương vượt qua ranh giới ý thức hệ.

Tin Thành Phố Sài Gòn, Việt Nam (UCAN 29/06/99) -- Ðức Tổng Giám Mục Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Tổng Giáo Phận thành phố Sài Gòn, cho rằng nghệ thuật vốn không bị ràng buộc bởi ranh giới tôn giáo hay ý thức hệ, có thể góp phần xây dựng nền văn minh tình thương. Tại buổi lễ bế giảng ngày 18-06-99 khóa mỹ thuật do Tổng Giáo Phận bảo trợ, ngài phát biểu rằng mọi người đều chịu ảnh hưởng của Chân, Thiện, Mỹ, và nghệ thuật có thể đề cao một nền văn minh như vậy.

Hai mươi chín tu sĩ nam nữ tốt nghiệp khóa học, và đây là khóa thứ ba kể từ tháng 3-1998; các học viên được dạy về điêu khắc, hội họa và nghệ thuật cắm hoa. Linh Mục Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, người tổ chức khóa học, đã phát biểu với giới báo chí Công Giáo địa phương: "Khóa học nhằm cung cấp cho người học kiến thức cơ bản và thích hợp của mỹ thuật, giúp họ khám phá vẻ đẹp và các giá trị trong nghệ thuật Kitô Giáo." Ðức Tổng Giám Mục Phạm Minh Mẫn và ông Ðào Minh Trí, phó tổng thư ký Hội Mỹ Thuật thành phố Sài Gòn, đã khánh thành phòng triển lãm trưng bày 47 tranh cắt dán giấy, 22 bức phù điêu và nhiều tượng các thánh do các học viên thực hiện. Ông Trí nói: "Tình yêu và lòng say mê nghệ thuật, nhất là niềm tin tôn giáo của các học viên đã giúp họ sáng tác được những tác phẩm tuyệt vời." Hội Mỹ Thuật đã cấp chứng chỉ tốt nghiệp cho các học viên. Ông nói: "Phương pháp dạy và học này là độc đáo tại thành phố Sài Gòn, và tôi mong có nhiều khóa học tương tự ở các nơi khác, để mỹ thuật có thể đi vào đời sống nhân dân và dẫn họ đến Thiện Mỹ."

Linh Mục Phạm Minh Ký, thủ khoa của khóa học, đã nói với UCA News: "Tôi đặc biệt quan tâm đến nghệ thuật Việt Nam, vì các tranh tượng trong các nhà thờ vẫn còn thiếu nét nghệ thuật dân tộc." Vị Linh Mục dòng Don Bosco, 51 tuổi, đã sinh sống từ 1975 đến 1982 bằng nghề bán tranh vẽ và khắc chữ kỷ niệm cho du khách tại Ðà Lạt, cách thành phố Sài Gòn khoảng 300 km về phía bắc. Khóa học là cơ hội đầu tiên để ngài được đào tạo chính thức; ngài cho biết ngài sẽ áp dụng các kỹ năng học được vào hoạt động với giới trẻ, nhất là trẻ em bị bỏ rơi.

Tu Sĩ dòng Phanxicô Antôn Trần Thế Mừng, đứng hạng nhì trong nhóm điêu khắc, nói với UCA News rằng thầy muốn giới tu sĩ có riêng một câu lạc bộ mỹ thuật để đẩy mạnh hơn nữa sở thích của họ. Tất cả các giảng viên trong khóa học đều là giảng viên của Ðại Học Kiến Trúc hay của Trường Cao Ðẳng Mỹ Thuật. Thầy Phan Ngọc Long, một giảng viên và giáo dân giáo xứ Thánh Tịnh trong thành phố, đã đề nghị thành lập một ủy ban mỹ thuật Công Giáo cho Tổng Giáo Phận, để giúp các giáo xứ thiết kế và trang trí các nhà thờ mới. Ông nói: "Mỹ thuật cần được cổ vũ trong Giáo Hội và chất lượng nghệ thuật tôn giáo đang cần được cải thiện rất nhiều." Ông nói thêm, ngoài tính chất thờ phượng, các tranh và tượng tôn giáo cần phải có giá trị nghệ thuật.

Sư huynh dòng La San Antôn Phạm Công Tuyên, đứng thứ nhất trong lớp hội họa cơ bản, cho biết thầy đã đạt nhiều tiến bộ nhờ sự hướng dẫn và động viên của giáo viên.

Nữ tu dòng Thánh Phaolô thành Chartres Nguyễn Thị Ngọc Thủy nói rằng ban đầu chị thấy điêu khắc là môn rất khó, nhưng khóa học giúp chị khám phá bản chất của điêu khắc.

Về các khóa học trong tương lai, cha Sơn cho UCA News biết sẽ có các khóa học khác mở rộng hơn nữa đến quần chúng Công Giáo và trang trí bên trong nhà thờ sẽ trở thành một môn học riêng. Ngài nói: "Trong nhà thờ, chúng ta thường thấy các tranh tượng mang tính nghiêm trang và đạo đức, nhưng ở đây các học viên đã cung cấp cho chúng ta những tranh tượng thắm đượm tình người làm như con người dễ có ấn tượng về những gì có tính nhân bản hơn." Cha Sơn cho biết thêm rằng một khóa học mới sẽ bắt đầu từ tháng 7/1999 và nhóm hội họa sẽ học thêm về tranh lụa, sơn dầu và thủy mạc.


Back to Radio Veritas Asia Home Page