Tham gia giáo dục Mẫu Giáo
giúp củng cố vị trí của các Nữ Tu
trong xã hội Thành Phố Saigon

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Tham gia giáo dục Mẫu Giáo giúp củng cố vị trí của các Nữ Tu trong xã hội Thành Phố Saigon.

Tin TP. Saigon, Việt Nam (UCAN 30/04/99) -- Một cán bộ Phòng Y Tế quận cho biết các nữ tu đang củng cố vị trí của họ trong xã hội Việt Nam nhờ tác động tích cực của việc họ tham gia giáo dục mẫu giáo. Catarina Nguyễn Thị Anh Thư, trưởng bộ môn nha học đường của Phòng Y Tế quận Thủ Ðức, TP. Saigon, nói với UCA News: "Các nữ tu làm việc tại các trường mẫu giáo dân lập chăm sóc trẻ em tốt hơn và đảm bảo cho trẻ em lúc nào cũng được khỏe mạnh." Chị Thư, 37 tuổi, đã làm việc ở quận từ năm 1984 nói: "Ngoài ra, các nữ tu còn có sáng kiến trong dạy học như sáng tạo học cụ trực quan và họ thường tổ chức các cuộc thi đố giúp các em phấn đấu ngoan ngoãn và biết giữ vệ sinh nhằm kiểm tra mức độ phát triển của trẻ và kích thích óc tưởng tượng của các em." Trong khi chỉ một số trường mẫu giáo công lập có những môn phụ như "vệ sinh răng mặt" theo yêu cầu của phòng y tế, thì các nữ tu lại rất quan tâm tới lợi ích thực tiễn của các em và mau mắn tiếp thu ý kiến của nhân viên y tế cũng như của phụ huynh học sinh. Quận có 16 trường mẫu giáo dân lập, trong đó có 14 trường thuộc các dòng Ðức Bà Truyền Giáo, dòng Mến Thánh Giá, dòng nữ Ða Minh và nữ Don Bosco. Ngoài ra, còn có 9 trường mẫu giáo công lập. Các nữ tu chăm sóc cho khoảng một nửa trong số 5,500 em tại các trường mẫu giáo trong quận, cách TP. Saigon khoảng 15 km về phía đông bắc. Một nữ tu Ðaminh, xin giấu tên, nói: "Giáo dục mẫu giáo là một cách để chúng tôi phục vụ mọi người và sống ơn gọi của mình trong việc làm chứng tá cho đức tin Công Giáo, với tư cách là nữ tu." Thư, một người Công Giáo, giải thích rằng "trên nguyên tắc, các trường mẫu giáo dân lập và công lập đều có quyền lợi và nghĩa vụ như nhau." Tuy nhiên, chị nói, các trường công lập nhận được nhiều quyền lợi hơn và kịp thời ưu tiên nhận được những hướng dẫn và chỉ thị của Nhà Nước. Chị nói: "Ðiều này làm cho những ai làm việc tại trường dân lập cảm thấy mặc cảm và e dè." Chị nói thêm, tuy nhiên mặt bằng của các trường mẫu giáo dân lập rộng rãi thoáng mát hơn, nên trẻ em có thể chơi đùa suốt ngày trong một không gian rộng lớn hơn. Trong 200 em tại trung tâm Hồng Ân, do nữ tu Ðaminh Bắc Ninh điều hành, 70% là con em cán bộ hoặc công an. Một nữ tu Ðaminh nói với UCA News: "Một số cha mẹ là đảng viên hoặc công an. Tuy nhiên, họ vẫn gửi con em cho chúng tôi tới các trường của Công Giáo, vì họ biết rằng con cái họ sẽ được chăm sóc kỹ lưỡng và vì các nữ tu dạy dỗ chúng biết lễ phép, ngoan ngoãn và sạch sẽ hơn." Nữ tu nói thêm: "Hơn nữa, họ không phải lo lắng cho con cái họ trong trường hợp họ phải làm thêm giờ ở sở làm và đến đón con trễ." Một nữ tu Ðaminh khác nói: "Chúng tôi nhận các em vào buổi sáng sạch sẽ thế nào, đến chiều khi trao lại cho cha mẹ, các em cũng phải sạch sẽ như vậy. Ðó là lý do tại sao cha mẹï chúng thích trường của chúng tôi hơn." Nữ tu cho biết 95% giáo viên mẫu giáo dân lập là các tu sinh của cộng đoàn thuộc dòng tu của chị. Chị nói: "Một số em đã được đào tạo để dạy tại các trường mẫu giáo trước khi các em vào dòng. Một số em khác được nhà dòng cho đi học để về phục vụ tại trường mẫu giáo do dòng quản lý." Chị nói thêm: "Hiệu trưởng được đào tạo chính quy từ các trường của nhà nước theo như qui định." Quận Thủ Ðức có khoảng 320 nữ tu thuộc 18 dòng tu. Ðối với bốn trong số các dòng nói trên, mở và điều hành các trường mẫu giáo dân lập là một nguồn thu nhập chính.


Back to Radio Veritas Asia Home Page