Nhìn về
Ðại Hội Thánh Mẫu
Lavang năm 1958

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

THỜI SỰ: Nhìn về Ðại Hội Thánh Mẫu Lavang năm 1958.

Ðể mừng kỷ niệm biến cố tôn giáo lịch sử vĩ đại, 200 năm Ðức Mẹ hiện ra tại Lavang, người Công Giáo Việt Nam, tư nhân hoặc đoàn thể, tự động cá nhân hoặc do sự hướng dẫn của các vị chủ chăn, đang tiến về Ðền Thánh Lavang , để cùng nhau cầu nguyện cho Giáo Hội, cho Quê Hương và cho hòa bình thế giới. Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam với sự đồng thuận phê chuẩn của Tòa Thánh, đã tuyên bố Năm Toàn Xá Ðức Mẹ LaVang, được bắt đầu (khai mạc) từ ngày mùng 1 tháng Giêng năm 1998 và kéo dài cho đến ngày lễ trọng Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, ngày 15/8 năm 1999. Một trong những cao điểm của Năm Toàn Xá Ðức Mẹ LaVang, là Tam Nhật Mừng Lễ Mẹ Hồn Xác Lên Trời, 13,14,và 15 tháng 8 năm 1998 nầy, tại LA VANG.

Ðể bày tỏ lòng ưu ái đối với người Công Giáo Việt Nam luôn luôn trung thành với Giáo Hội, với Vị Kế Nghiệp Thánh Phêrô, với đức tin, vừa đồng thời để nói lên sự hiện diện và sự hiệp thông thiêng liêng của ngài giữa các đoàn hành hương tại Linh Ðịa Lavang , hôm thứ Bẩy 01.08.98, ÐTC Gioan Phaolô II đã cử Ðức Hồng Y Phaolô Maria Phạm Ðình Tụng, Tổng Giám Mục Hà Nội, Chủ Tịch Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam, làm đặc sứ của ngài để chủ tọa các lễ nghi kỷ niệm được tổ chức trong những ngày 13,14 và 15 tháng 8/1998 nầy.

Ðức Hồng Y Phaolô Maria Phạm Ðình Tụng là vị đặc sứ thứ hai của ÐTC, được cử đến La Vang. Vị Ðặïc Sứ thứ nhất được cử đến La Vang, cách đây 40 năm, là Ðức Hồng Y Tổng Trưởng Bộ Truyền Giáo Gregorio Pietro Agagianian, người gốc Armêni, trong lãnh thổ Nga. Ngài đã được ÐTC Gioan XXIII cử đến Việt Nam để chủ tọa Ðại Hội Thánh Mẫu, được tổ chức tại La Vang, nhân dịp kỷ niệm 160 năm (1798-1958) Ðức Mẹ hiện ra tại đây.

Theo cha Phan Phát Huồn, Dòng Chúa Cứu thế, trong tập sách "Việt Nam Giáo Sử" (Quyển II), thì trước tiên, Ðại Hội Thánh Mẫu Lavang được trù định khai mạc vào tháng 12 năm 1958. Lúc đó, ÐTC Pio XII (1939-1958) đã chấp thuận lời thỉnh cầu của các Giám Mục Việt Nam và đã quyết định cử Ðức Hồng Y Gregorio Pietro Agagianian làm đặc sứ của ngài. Nhưng bất ngờ, đêm mồng 9 sáng mồng 10 tháng 10 năm 1958, Ðức Piô XII qua đời tại Castegandolfo. Vì thế Ðại Hội Thánh Mẫu LaVang bị đình lại trong thời gian vắn.

Ngày 28.10.1958, vừa được bầu làm Giáo Hoàng , Ðức Gioan XXIII đã tái chấp nhận những quyết định của Vị Tiền Nhiệm, cử Ðức Hồng Y Gregorio Pietro Agagianian làm đặc sứ đến LaVang. Và tháng 11 năm 1958, Ðức Khâm Sứ Giuseppe Caprio, đại diện Tòa Thánh tại Việt Nam, đã loan báo tin vui mừng này cho các Giám Mục Việt Nam.

Ngày 7.12.1958, các giám mục Việt Nam cho phổ biến một thông cáo về việc tổ chức Ðại Hội Thánh Mẫu Lavang và ấn định những mục tiêu sau đây:

- Cầu xin Ðức Mẹ đem nhũng người còn ở ngoài Hội Thánh về với Thiên Chúa và Sự Thật;
- Cầu xin ơn trở lại cho cho các người tội lỗi.
- Cầu cho thế giới được hòa bình;
- Cầu cho Hội Thánh được tự do thi hành sứ mệnh đã lãnh nhận nơi Ðấng sáng lập.

Các Giám Mục Việt Nam lúc đó cho thành lập một Ủy Ban lo việc tổ chức Ðại Hội. Ủy Ban đã xin tất cả các họ đạo, các giáo xứ, các tu viện... làm tuần tam nhật kính Ðức Mẹ trước ngày khai mạc Ðại Hội, vừa đồng thời trao cho các Hội Dòng, Các Chủng Viện ... soạn các đề tài học hỏi trong những ngày Ðại Hội.

Ngoài việc tổ chức nội bộ, Ủy Ban còn mời rất nhiều vị giáo sĩ cấp cao thuộc nhiều nước láng giềng Á Châu như: Phi Luật Tân, Thái Lan, Mã Lai, Singapor, Campuchia, Triều Tiên, Hồng Kông, Ðài Loan và từ Pháp, đến tham dự.

Ðó là những vị sau đây:
Ðức Hồng Y Paul Yu Pin, Tổng Giám Mục Nam Kinh, bị Trung Cộng trục xuất; Ðức Cha Bianchi, Giám Mục Hồng Kông, Ðức Cha Ruffino Santos, Tổng Giám Mục Manila (sau làm Hồng Y); Ðức Cha Michel Oleamendij, Tổng Giám Mục Malacca-Singapor; Ðức Cha Adriano Djajaepoetra, Tổng Giám Mục Jakarta; Ðức Cha Joseph Van Melckebeke, người Bỉ, phụ trách các người Công Giáo Trung Hoa miền Ðông Nam Á; Ðức Cha Gustave Raballand, người Pháp, giám mục Pnom Penh; Ðức Cha Paul Ro, Tổng Giám Mục Seoul; Ðức Tổng Giám Mục Vagnozzi, Sứ Thần Tòa Thánh tại Phi Luật Tân; Ðức Cha Etienne Loesdregt, người Pháp, giám mục Vientiane; Ðức Cha Policarpo Da Costa Vaz, giám mục Macao; Ðức Cha Pietro Carrelo, người Ý, giám mục Rajabury (Thái Lan); Ðức Cha Francis Chung, Giám Mục Penang; Ðức Cha Alexndre Olalia, Giám Mục Lipa (Phi Luật Tân); Ðức Cha Jean Rupp, giám mục phụ tá Paris; Ðức Cha Jean Arnaud, người Pháp, giám mục Thakkhet bên Lào Quốc; Ðức Tổng Giám Mục Gaetano Albrandi, Sứ Thần Tòa Thánh tại Indonesia; Ðức Ông John Gordon, đại diện Ðức Sứ Thần Tòa Thánh tại Thái Lan và Mã Lai; Ðức Ông Thomas Avenido (người Phi Luật Tân), đại diện Ðức Cha Epiphanie Surban.

Ngày 16.02.1959, Ðức Hồng Y Gregorio Pietro Agagianian, Ðặc Sứ của ÐTC tới phi trường Tân Sơn Nhất, Nam Việt Nam,và được đón tiếp rất long trọng.

Dĩ nhiên hoàn cảnh đón tiếp Ðức Hồng Y Ðặc Sứ ÐTC hồi Ðại Hội Thánh Mẫu 1958-1959, khác hẳn với hoàn cảnh đón tiếp Ðức Hồng Y Ðặc Sứ Phaolô Maria Phạm Ðình Tụng, trong dịp mừng kỷ niệm 200 năm Ðức Mẹ hiện ra tại La Vang. Hai hoàn cảnh khác nhau, nhưng những yếu tố tinh thần đạo đức vẫn luôn như nhau; những yếu tố đó là: đức tin vững mạnh vào Thiên Chúa; lòng sùng kính sâu xa đối Ðức Mẹ La Vang; sự trung thành và hiệp nhất với Vị Kế Nghiệp Thánh Phêrô; sự hiệp thông giáo hội phổ quát; những quyết tâm canh tân đời sống.

Sau Ðại Hội Thánh Mẫu LaVang 1958-1959 với sự hiện diện của Ðức Hồng Y Gregorio Pietro Agagianian, Ðặc Sứ của ÐTC, Tòa Thánh quyết định thành lập Hàng Giáo Phẩm của Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam, vào ngày 24 tháng 11 năm 1960. Và ngày 22 tháng 8 năm 1961, Ðền Thờ La Vang được nâng lên bậc: Tiểu Vương Cung Thánh Ðường.


Back to Radio Veritas Asia Home Page