Chương trình
huấn luyện chủng sinh tại Việt Nam
đáp ứng nhu cầu của Giáo Hội và Xã Hội

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Chương trình huấn luyện chủng sinh tại Việt Nam đáp ứng nhu cầu của Giáo Hội và Xã Hội.

Tin NHA TRANG, Việt Nam (UCAN) -- Ðức Giám Mục giáo phận Nha Trang đã nói với những người đảm trách huấn luyện ở đại chủng viện ở miền trung Việt Nam rằng người huấn luyện ở chủng viện phải quan tâm đến các thực tại của Giáo Hội và xã hội, khi chuẩn bị các ứng viên làm linh mục. Ðức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa nói với ban giảng huấn của Ðại Chủng Viện Sao Biển: "Là nhà huấn luyện, anh em cần tham khảo ý kiến của các cha xứ và lắng nghe giáo dân phản ánh để có những thay đổi cần thiết trong chương trình huấn luyện." Vị giám mục 67 tuổi, giám đốc chủng viện của giáo phận ở miền nam trung bộ, nói rằng: được như thế chương trình huấn luyện linh mục sẽ thực sự đáp ứng các nhu cầu của người dân.

Chủng viện chuyên đào tạo linh mục cho nhiều giáo phận miền trung và tây nguyên đã khai giảng năm học mới hôm ngày 1-10. Một giáo sư chủng viện cho biết: do không có giai đoạn huấn luyện tiền-chủng viện, nên năm 1997 chủng viện đã quyết định kéo dài chương trình học từ 6 năm lên 9 năm. Chương trình ba năm bổ túc này nhấn mạnh đến huấn luyện nhân bản, tiếng Việt và ngoại ngữ, phụng vụ, huấn giáo và giao tế nhân sự. Chương trình 6 năm trước đây bao gồm 2 năm triết học và 4 năm thần học. Ðể chuẩn bị cho các chủng sinh biết hội nhập văn hóa và các sứ vụ tương lai trong bối cảnh địa phương, các khóa học về triết học Ðông Phương, văn hóa Việt Nam, các truyền thống tôn giáo và tín ngưỡng dân gian hiện nay là một phần của chương trình học. Một số môn này hiện là chương trình dẫn nhập trong hai năm đầu, trong khi các môn khác đã được đưa thêm vào trong giai đoạn thần học.

Một chủng sinh phó tế nói với hãng tin Công Giáo Á Châu như sau: "Chúng tôi đã học những khóa học khác nhau về các nền văn hóa địa phương, nhưng những môn này phải được nhấn mạnh nhiều hơn và có thêm giờ để giúp chúng tôi học hỏi cách diễn tả niềm tin Kitô giáo của mình với đồng bào."

Ðức Giám Mục phó Phêrô Nguyễn Văn Nho, giáo phận Nha Trang, nói rằng mỗi môn học đều phải dạy với phương pháp khác nhau và cần được tăng cường các phương pháp giáo dục chủ động như hội thảo và làm báo cáo theo nhóm. Ðức cha Nho, giám đốc chủng viện, nói tại một cuộc họp chuẩn bị cho năm học mới rằng: các huấn cụ này có thể giúp chủng sinh phát triển khả năng tự học và giúp họ truyền đạt ý tưởng của họ trước một cử tọa đông hơn. Ðể giúp phát huy khả năng làm việc theo nhóm và tinh thần tập thể, chủng viện tổ chức chủng sinh thành các nhóm, tùy theo từng lớp học hay từng giáo phận, để lo việc phụng vụ và các hoạt động văn hóa-xã hội. Chủng viện cũng yêu cầu các chủng sinh phải nộp các bài nghiên cứu theo từng nhóm. Từ năm thần học thứ ba, các chủng sinh làm công tác mục vụ ngày Chủ Nhật như dạy giáo lý, tổ chức sinh hoạt cho các đoàn thể theo lứa tuổi giáo xứ hoặc thăm viếng các gia đình. Các linh mục thường trú chịu trách nhiệm linh hướng cho chủng sinh, còn các linh mục dòng, nhất là dòng Tên, được mời giảng tĩnh tâm hàng năm hay giúp tìm hiểu ơn gọi nhằm đảm bảo đánh giá cách khách quan mức độ trưởng thành của chủng sinh.

Chủng viện Sao Biển tọa lạc tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, cách thành phố Sài Gòn khoảng 450 km về phía đông bắc. Chủng viện đã bị chính quyền đóng cửa từ năm 1979 và được mở lại từ năm 1991. Chủng viện được xây mới đang đào tạo linh mục cho giáo phận Nha Trang và các giáo phận Ban Mê Thuột và Qui Nhơn. Chủng viện có 21 giáo sư gồm các cha dòng và triều, hai giảng viên giáo dân và một giáo viên môn công dân do chính quyền địa phương bổ nhiệm. Có bảy linh mục thường trú tại đại chủng viện kể cả Ðức cha Nho. Nhà Nước Việt Nam cho phép chủng viện tuyển sinh cứ hai năm một lần. Chủng viện Sao Biển đã khai giảng năm học 1999-2000 với 88 chủng sinh. Từ khi được mở lại hồi năm 1991, 64 chủng sinh tốt nghiệp đã được thụ phong linh mục.


Back to Radio Veritas Asia Home Page