Giáo Hội Hoa Kỳ quyết tâm
cổ vũ hoà giải với Việt Nam

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Giáo Hội Hoa Kỳ quyết tâm cổ vũ hoà giải với Việt Nam.

Tin Thành phố Sài Gòn, Việt Nam (UCAN 7/09/99) Ðức Cha Joseph Anthony Fiorenza, giáo phận Galveston, chủ tịch Hội Ðồng Công Giáo Hoa Kỳ (USCC), và là trưởng phái đoàn Giáo Hội Hoa Kỳ, đã phát biểu với khoảng 200 linh mục, tu sĩ và giáo dân tại tòa Tổng Giám Mục thành phố Sài Gòn ngày 1-09-99 rằng Giáo Hội Hoa Kỳ quyết tâm cổ võ hòa giải và liên đới giữa nhân dân và Giáo Hội Việt Nam và Hoa Kỳ và rằng "chúng tôi hối tiếc sâu sắc về cuộc chiến tàn khốc đã gây tổn thương nặng nề cho nhân dân Việt Nam." Ngài nói: "Chúng tôi đã tự cảm nghiệm được đời sống của Giáo Hội Việt Nam."

Như chúng ta đã biết, Ðức Cha Fiorenza dẫn đầu phái đoàn Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ (USCC) gồm tám thành viên đến thăm Việt Nam từ ngày 26-08-99 đến ngày 2-09-99. Ghi nhận tất cả các thành viên trong phái đoàn đều ý thức về những đau khổ của nhân dân Việt Nam trong nhiều năm, Ðức Cha Fiorenza nhấn mạnh rằng Giáo Hội Hoa Kỳ cam kết cổ vũ sự hòa giải và tình đoàn kết giữa nhân dân hai nước và tình liên đới giữa hai Giáo Hội. Ngài giải thích: "Chúng ta đều là anh chị em trong Chúa Giêsu Kitô. Do đó khi đến thăm một Giáo Hội anh em, chúng tôi cảm thấy như mình đi thăm chính gia đình của mình và rất vui khi được hiểu biết nhiều hơn nữa về anh chị em của chính mình."

Khi đoàn viếng thăm Hà Nội ngày 29-08-99, Ðức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Ðình Tụng, tổng giáo phận Hà Nội, đã gợi ý hai Giáo Hội nên lấy ngày Chủ Nhật thứ 22 trong mùa thường niên làm một ngày đặc biệt để hai Giáo Hội cầu nguyện cho nhau.

Về tương lai của Giáo Hội Việt Nam, nhà lãnh đạo Giáo Hội Hoa Kỳ cho rằng mặc dù còn những hạn chế do Nhà Nước áp đặt về số lượng ứng sinh chủng viện và số ứng viên được thụ phong linh mục, các chủng sinh tại các đại chủng viện Huế, Hà Nội và thành phố Sài Gòn là một dấu chỉ hy vọng lớn lao. Ghi nhận sự bền đỗ và kiên trì của các linh mục và các nữ tu cao tuổi cũng như con số tu sĩ trẻ ngày càng gia tăng trong các dòng tu, Ðức Cha Fiorenza nói: "Nay lòng kiên trì của anh chị em đã sinh hoa kết trái cho tương lai của Giáo Hội Việt Nam." Trong số những dấu chỉ hy vọng khác, ngài kể ra số các tân giám mục mới được bổ nhiệm, triển vọng quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Tòa Thánh và việc các tín hữu giáo dân đang được chuẩn bị để tham gia tích cực hơn và thực chất hơn vào đời sống Giáo Hội. Ngài nói: "Tôi cũng muốn nhiệt liệt cảm ơn Nhà Nước Việt Nam đã chấp thuận chuyến viếng thăm này." Phái đoàn đã được Phó Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp ngày 28-08-99 tại Hà Nội. Phái đoàn cũng đã gặp Ban Tôn Giáo của Nhà Nước và Ủy Ban Nhân Dân của ba thành phố nơi phái đoàn đến thăm.

Ðức cha Fiorenza nói với UCA News rằng kết quả các chuyến thăm tại các tổng giáo Hà Nội, Huế, thành phố Sài Gòn, theo lời mời của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam, là "rất tích cực."

Một vị lãnh đạo của Giáo Hội Việt Nam đã nói với UCA News ngày 1-09-99: "Chuyến thăm của phái đoàn Giáo Hội Hoa Kỳ tại Việt Nam là rất thành công, mặc dù vì lý do thời gian đoàn đã không thể đến thăm các vùng nông thôn là nơi dễ nhận ra tình trạng nghèo đói."

Một thành viên của phái đoàn, Ðức Cha John. H. Ricard, giáo phận Pensacola-Tallahassee, chủ tịch của CRS phát biểu với khoảng 200 linh mục, tu sĩ và giáo dân tại tòa Tổng Giám Mục thành phố Sài Gòn ngày 1-09-99 rằng "từ nay trở đi, sự giúp đỡ của CRS dành cho Việt Nam sẽ được tiến hành theo những nguyên tắc hướng dẫn mới." Ðức Cha Ricard giải thích tiếp như sau: "Trước tiên, do bối cảnh chính trị-xã hội đặc biệt của Việt Nam và quy chế hiện nay của mối quan hệ giữa CRS với Nhà Nước Việt Nam, các chương trình sẽ được tiến hành một cách chậm rãi và có tính toán kỹ lưỡng." Ngài cho biết trong quá khứ phần lớn viện trợ của CRS là nhận từ chính phủ Hoa Kỳ, nhưng ngày nay "CRS phải trông cậy vào lòng hảo tâm của nhân dân Mỹ, trong đó có người Công Giáo, thành phần ủng hộ chính cho chúng tôi." Ðức Cha Ricard nói rằng trong bối cảnh mối quan hệ gần đây được cải thiện hơn giữa hai quốc gia, "CRS có khả năng mở rộng hoạt động và viện trợ vượt ra khỏi phạm vi Hà Nội ra các tỉnh khác." Ngài cho biết thêm CRS sẽ triển khai một kế hoạch chiến lược "liên quan tới các vấn đề công lý và hòa bình" dựa trên sự hiểu biết và viễn cảnh những thực tế tại Việt Nam. Ðức cha cũng giải thích rằng CRS đã có thể tái lập văn phòng tại Việt Nam cách nay vài năm trong khuôn khổ luật pháp của Nhà Nước Việt Nam. Ngài cũng nói rằng Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vẫn luôn nhắc nhở người Công Giáo tại Hoa Kỳ về bổn phận giúp đỡ người nghèo trên khắp thế giới. Ngài dẫn lời Ðức Giáo Hoàng nói: "Người Công Giáo Hoa Kỳ được Thiên Chúa chúc phúc rất nhiều. Nếu anh chị em nhận được nhiều hơn, anh chị em phải cho đi nhiều hơn."

Kenneth Hackett, giám đốc điều hành của CRS, nói rằng ngoài việc cứu trợ, CRS còn giúp cổ vũ sự hòa giải và tình liên đới giữa người dân của hai nước. Ông nói rằng một động thái như thế làm nhằm giúp công chúng Hoa Kỳ hiểu rõ hơn về các thực tại của Việt Nam ngày nay. Ông giải thích: "Nói một cách cụ thể hơn, sẽ có những trao đổi về nhân sự và kinh nghiệm giữa hai bên." Ông nói với UCA News rằng một trong các chương trình lớn hiện nay của CRS tại Việt Nam là cổ vũ lối làm ăn nhỏ, phỏng theo mô hình Ngân Hàng Grameen của Bangladesh qua đó người nghèo ở nông thôn được cấp những khoản tín dụng nhỏ. Ông nói: "Ðây là một trong những cách tốt nhất để giúp người nghèo tự lực cánh sinh." Ông nói thêm cần phải có thay đổi về thái độ, vì "Giáo Hội phần nào vẫn còn thái độ ban ơn khi giúp đỡ người nghèo." Ông nói: "Nếu người Công Giáo được tự do hơn trong việc tham gia vào xã hội, tôi tin chắc rằng Giáo Hội sẽ đóng góp được nhiều hơn nữa." Theo Danh Bạ niên khóa 1998-1999 của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (NGO) tại Việt Nam, CRS đã hỗ trợ các sáng kiến phát triển và cứu trợ khẩn cấp của các đối tác địa phương ở cấp xã và cấp huyện. Những ưu tiên hiện nay trong chương trình của CRS là tín dụng nông thôn và tiết kiệm, an sinh xã hội, đối phó và cứu trợ trong trường hợp có thiên tai, với ngân sách hàng năm trung bình khoảng 800,000 Mỹ kim. Theo quy định ba cấp của Nhà Nước Việt Nam về các tổ chức phi chính phủ, những tổ chức có quy chế cao nhất có thể mở văn phòng đại diện, trong khi các tổ chức có quy chế thấp hơn có thể mở văn phòng dự án, hoặc thấp hơn nữa chỉ được phép thăm dò khả năng hoạt động tại Việt Nam.

Khi được hỏi liệu Giáo Hội Hoa Kỳ sẽ làm gì để giúp đỡ các nạn nhân chất độc màu da cam, ông Thomas Quigley, cố vấn chính sách về Châu Á vụ của Hội Ðồng Công Giáo Hoa Kỳ (USCC), nói với UCA News ngày 1-09-99 rằng Giáo Hội Hoa Kỳ không chủ trương theo lập trường về một chính sách bồi thường trực tiếp. Chất độc màu da cam là chất khai quang đã được quân đội Hoa Kỳ rải trên nhiều vùng ở Việt Nam trong cuộc chiến tranh Mỹ-Việt Nam, mà hậu quả là những hài nhi quái thai. Ông Quigley cho biết Giáo Hội Hoa Kỳ sẽ biện hộ và vận động cho những vấn đề hậu hòa giải giữa chính phủ hai nước cũng như với nhân dân Hoa Kỳ, nhất là để thế hệ trẻ biết cởi mở hơn với vấn đề hòa giải và liên đới thực sự.

Ðức Tổng Giám mục Theodore E. McCarrick, tổng giáo phận Newark, phát biểu tại Tòa Tổng Giám Mục thành phố Sài Gòn ngày 1-09-99 rằng giới trẻ tại Việt Nam thời hậu chiến cũng gặp phài những thách đố như giới trẻ tại Hoa Kỳ, đó là tiền bạc và danh vọng. Ngài nói với khoảng 200 linh mục, tu sĩ và giáo dân: "Nhiều người trẻ ngày nay nghĩ rằng họ sẽ không phải làm gì để có mọi thứ mà họ muốn có, và họ không có một khái niệm gì lòng quảng đại, nhân ái và trách nhiệm." Ngài ghi nhận nhận thức xã hội nơi giới trẻ Hoa Kỳ là thấp và họ ngại dấn thân. Ngài cho biết thêm kết cục của 50% các cặp vợ chồng ở Hoa Kỳ là ly dị. Ngài nói rõ rằng "giơí trẻ không có lỗi trong việc này... mà là do tác động tiêu cực của của nền văn hóa quá dung túng và của các phương tiện truyền thông vô trách nhiệm."

Ðức Cha Joseph Anthony Fiorenza, giáo phận Galveston-Houston, chủ tịch Hội Ðồng Công Giáo Hoa Kỳ (USCC) và là trưởng phái đoàn, nói rằng 1/3 trong số 60,000 người Việt trong giáo phận của ngài là người Công Giáo. Ngài nói đùa: "Có 44 linh mục gốc Việt Nam và 1/3 số chủng sinh của giáo phận là người Việt... Nếu không có những linh mục người Việt như vậy, tôi không biết làm thế nào để quản trị giáo phận một cách hữu hiệu được." Ghi nhận con số đông đảo các nữ tu Công Giáo tại tổng giáo phận thành phố Sài Gòn do Ðức Tổng Giám Mục Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn trưng dẫn, vị lãnh đạo Giáo Hội Hoa Kỳ nói với cử tọa Việt Nam: "Anh chị em được chúc phúc rất nhiều." Ngài giải thích: "Giáo phận của tôi có 1,3 triệu người Công Giáo, 400 linh mục và 600 nữ tu, nhưng tại tổng giáo phận này, anh chị em chỉ có 500,000 tín hữu, nhưng có gần bằng số linh mục tại giáo phận của tôi." Ðức cha Fiorenza nói với UCA News ngày 1-09-99 rằng: kết quả chuyến thăm được Nhà Nước Việt Nam chấp thuận và giúp đỡ là "rất tích cực."

Một nguồn tin Giáo Hội địa phương cho biết mặc dù phái đoàn Giáo Hội Hoa Kỳ đánh giá cao thái độ hỗ trợ của Nhà Nước Việt Nam đối với chuyến viếng thăm, nhưng phái đoàn mong muốn Giáo Hội Việt Nam sẽ được tự do hơn trong việc thu nhận ứng sinh chủng viện, phong chức linh mục và tham gia hoạt động xã hội hơn. Phái đoàn cũng ước mong Tòa Thánh sẽ được tự do hơn trong việc bổ nhiệm các giám mục cho Giáo Hội địa phương và sớm lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, cũng như Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II có thể viếng thăm "một đất nước xinh đẹp mà chúng tôi may mắn được viếng thăm."

Ðức Cha Batôlômêô Nguyễn Sơn Lâm, giáo phận Thanh Hóa, tổng thư ký Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam, cho biết: "Ðây là lần đầu tiên mà một phái đoàn chính thức của Hội Ðồng Giám Mục Hoa Kỳ đến thăm Việt Nam." Các nguồn tin của Giáo Hội cho biết một phái đoàn chính thức của Hội Ðồng Giám Mục Pháp đã thăm Việt Nam cách nay vài năm, và dự kiến một phái đoàn của Hội Ðồng Giám Mục Italia sẽ đến thăm Việt Nam trong một tương lai gần.


Back to Radio Veritas Asia Home Page