Một Linh Mục giúp người khuyết tật
nhận ra ý nghĩa của cuộc sống

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Một Linh Mục giúp người khuyết tật nhận ra ý nghĩa của cuộc sống.

Tin Thành phố Sài Gòn, Việt Nam (UCAN 26/08/99) -- Các thành viên của một nhóm tương trợ do một linh mục lập ra để giúp đỡ người tàn tật và người vô gia cư tại thành phố Sài Gòn cho biết tình thân hữu trong nhóm đã giúp họ tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống.

Maria Vũ Thị Thanh Thủy, một phụ nữ tàn tật, nói với UCA News: "Tôi cảm thấy hạnh phúc được làm thành viên trong nhóm. Trước đây, tôi cảm thấy xấu hổ khi đi ra ngoài và không biết những gì đã diễn ra bên ngoài nhà mình. Từ khi tham gia nhóm, tôi đã học biết được nhiều điều mới mẻ và cuộc sống tôi đã được đổi mới."

Nhóm gồm 47 người tàn tật và người vô gia cư bất phân tôn giáo trên địa bàn hạt Xóm Mới ở thành phố Sài Gòn. Chị Thủy cho biết nhóm là nơi tạo ra bầu khí tương trợ, trong đó mỗi người có thể tìm lại ý nghĩa của cuộc sống. Linh mục Gioan Baotixita Nguyễn Văn Luyến, người thành lập nhóm vào tháng 10-1994 đã chủ trương như thế. Ngài nói: "Ðời sống của người tàn tật được cải thiện dần dần. Họ cảm thấy họ không còn là gánh nặng cho gia đình và xã hội nữa."

Chị Thủy nói: "Ðiều quan trọng với tôi bây giờ là ở chỗ tôi không còn là gánh nặng cho cha mẹ tôi, vì tôi kiếm được khoảng 350,000 đồng (25 Mỹ kim) một tháng. Ðây không phải là số tiền lớn, nhưng nó rất có ý nghĩa."

Ðoàn Nguyễn Văn Thắng, một người khuyết tật khác, nói rằng cha Luyến "đã giúp chúng tôi, không chỉ như một vị linh hướng, nhưng còn hướng dẫn chúng tôi cách kiếm sống và biết sống tự lập."

Cha Luyến, 53 tuổi, cha xứ giáo xứ Lạng Sơn, quận Gò Vấp, nói với UCA News rằng các thành viên của nhóm, hầu hết là tàn tật, đã tự quản lý công việc của họ. Ngài nói: "Hầu hết các thành viên sống với gia đình, nhưng mỗi tối thứ ba, họ đến nhà xứ để dự buổi chia sẻ Kinh Thánh và chia sẻ kinh nghiệm cuộc sống với nhau." Cha Luyến thụ phong linh mục năm 1974. Khi nhóm mới được khởi sự, ngài đã ứng ra một số tiền làm vốn ban đầu để kinh doanh, vì ngài muốn tạo công ăn việc làm cho các thành viên của nhóm.

Theo anh Thắng, nhóm đã mở ba cửa hàng và các thành viên bán sản phẩm tiêu dùng, Kinh Thánh và sách tôn giáo, ảnh tượng mà một số do các thành viên tự làm ra. Anh nói: "Nhưng trong môi trường kinh tế thị trường, chúng tôi khó mà cạnh tranh được với các nhà sản xuất lớn, vì thế hiện nay chúng tôi chỉ còn hai cửa hàng cũng là nơi một số thành viên, nhất là những người vô gia cư, tạm trú và trông nom tài sản." Một cửa hàng nhờ vào mặt bằng của giáo xứ, và còn cửa hàng thứ hai phải thuê mặt bằng.

Cha Luyến cho biết một số thành viên cũng đi bán vé số hoặc thuốc lá hoặc may vá ở nhà. Ngài nói thêm: "Công việc làm ăn cũng có cơ may nếu họ có xe để mang hàng hóa đi bán tại các giáo xứ."

Một giáo lý viên ở xứ Bình Thái, nơi cha Luyến đã phục vụ cho đến năm 1992, nói với UCA News rằng ngài là một cha xứ tích cực luôn kuyến khích các giáo lý viên chăm sóc cho người nghèo, người già bị con cái bỏ rơi. Cha Luyến là một trong những người Công giáo được chính quyền quận Gò Vấp tuyên dương là gương điển hình trong phong trào "Người tốt, việc tốt", một phong trào được chính quyền thành phố Sài Gòn phát động cách nay 5 năm. Phong trào công nhận những gương điển hình trong công tác xóa đói giảm nghèo, cổ vũ đoàn kết, tương trợ và dân chủ ở cơ sở, thăng tiến nền giáo dục căn bản và chăm sóc sức khoẻ, phòng chống tội phạm, lạm dụng ma túy và nạn mại dâm.

Theo Ủy Ban Ðoàn Kết Công Giáo thành phố Sài Gòn được nhà nước công nhận, 39 người Công Giáo cấp thành phố, 257 người Công Giáo và ba khu phố đông người Công Giáo cấp quận đã được tuyên dương là người điển hình trong phong trào "Người tốt, việc tốt." Khoảng 500,000 người trong năm triệu người dân trên địa bàn tổng giáo phận thành phố Sài Gòn là người Công Giáo.


Back to Radio Veritas Asia Home Page