Các Giáo Hội địa phương tại Châu Á
nỗ lực sống đời sống đức tin
giữa nghịch cảnh

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Các Giáo Hội địa phương tại Châu Á nỗ lực sống đời sống đức tin giữa nghịch cảnh.

Tin BANGKOK (UCAN 6/08/99) - Tại nhiều vùng ở Châu Á, Giáo Hội đã tồn tại mặc dù có sự đàn áp của chính phủ hay những hình thức bách hại khác, Giáo Hội thường đáp trả nghịch cảnh này bằng cách cổ vũ đối thoại, hòa hợp và khoan dung. Giáo Hội chọn con đường hòa bình và đối thoại tại Ấn Ðộ là nơi có hơn 100 vụ bạo động chống lại Kitô Hữu từ khi Ðảng Bharatiya Janata (Ðảng Nhân Dân Ấn Ðộ) thân Ấn Giáo lên cầm quyền từ tháng 3/1998, và tại Pakixtan, nơi mà thiểu số Kitô là mục tiêu của chính sách phân biệt đối xử.

Tại Hoa Lục, nơi mà Giáo Hội bí mật thường xuyên bị đàn áp nặng nề, tại Việt Nam và Lào, nơi mà các hoạt động của Giáo Hội bị hạn chế, và tại Campuchia, nơi mà hàng giáo sĩ địa phương bị thanh trừng trong thời kỳ bách hại, các lãnh đạo Giáo Hội cho biết tín hữu tiếp tục sống cuộc sống đức tin của mình.

Vào tháng 4/1999, ban thường vụ của Hội Ðồng Giám Mục Ấn Ðộ nói rằng những hành vi tàn ác gần đây chống lại Kitô Hữu đã giúp cho Kitô Giáo được biết đến nhiều hơn ở trong nước và củng cố đức tin của Kitô hữu. Tuy nhiên, Hội Ðồng Giám Mục Ấn Ðộ đã đề ra một kế hoạch hành động để chống lại chiến dịch đàn áp Kitô hữu bằng cách đề nghị 140 giáo phận của Ấn Ðộ thiết lập các tiểu ban đối thoại giữa các tôn giáo, nhằm giúp cổ vũ hòa bình và hiệp nhất. Kế hoạch này kêu gọi tăng cường tu đức, cải thiện thông tin liên lạc, tham gia hoạt động xã hội và xây dựng tình đoàn kết giữa các tôn giáo; kế hoạch nói rõ rằng những hành động tàn bạo liên tục "không được ngăn cản chúng ta thực hiện sứ mệnh loan truyền Tin Mừng và phục vụ người nghèo."

Tương tự như thế, các lãnh đạo Giáo Hội tại Pakixtan đã thúc đẩy cuộc đối thoại Hồi Giáo - Kitô giáo đề cập tới những luật chống phạm thượng, nhất là luật qui định hình phạt tử hình cho bất cứ sự xúc phạm nào - cho dù là lời nói bóng gió - đến Tiên Tri Mohammet. Các ngài cho rằng luật này được sử dụng như một vũ khí chống lại Kitô Hữu nhằm giải quyết các tranh chấp cá nhân. Linh Mục dòng Ðaminh James Channan thuộc ủy ban quan hệ giữa các tôn giáo của Hội Ðồng Giám Mục Pakixtan, nói: "Tôi xác tín rằng cách thức tốt nhất, và có lẽ là cách duy nhất, cho con đường công lý là sự đối thoại. Làm như thế, Kitô hữu có thể làm cho anh chị em Hồi Giáo nhận ra những khó khăn mà họ gặp phải."

Ở Việt Nam, mặc dù những hạn chế của chính phủ đã ngăn trở Giáo Hội địa phương thực hiện một số hoạt động, nhưng trong một lá thư mục vụ hồi năm ngoái Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam vẫn khuyến khích giáo dân, tu sĩ và giáo sĩ hãy tiếp tục xây dựng Giáo Hội và xã hội, và hoạt động vì sự đoàn kết trong nhân dân. Các Giám Mục Việt Nam nói: "Việc anh chị em tích cực dấn thân với đồng bào trong nước, là cơ sở thực tế cho đối thoại có khả năng mang lại sự hiểu biết lẫn nhau, tôn trọng và yêu thương giữa người Việt Nam với nhau."

Giáo Phận Bảo Ðịnh, cách Bắc Kinh khoảng 140 km về phía tây nam, đã là thành trì của người Công Giáo bí mật và các vụ trấn áp đối với hoạt động của họ và bạo lực chống lại họ vẫn thường được đưa tin. Vụ đàn áp không ngăn nổi tín hữu bí mật ở làng Nanguan Machi, Bảo Ðịnh, cử hành lễ Giáng Sinh hồi năm ngoái (1998) trong một lán trồng rau, mặc dù viên chức an ninh phát hiện và bắt giữ họ về tội "tập họp bất hợp pháp." Trong dịp lễ Phục sinh vừa qua (1999), các tín hữu bí mật tại các giáo phận Phúc Châu và Wenzhou ở miền đông nam Trung Quốc có thể cử hành phụng vụ Phục Sinh, mặc dù một số người phải cử hành lễ cách bí mật. Ðức cha Andrew Tsien Tchew-choenn, giáo phận Hoa Liên, Ðài Loan, người yểm trợ cho Giáo hội bí mật tại Hoa Lục, nói với UCA News rằng các vụ đàn áp Giáo Hội bí mật còn xảy ra tại Gansu, Hà Bắc, Hà Nam và các tỉnh khác. Tuy nhiên, những vụ đàn áp liên tiếp như thế cho thấy rằng người Công Giáo bí mật vẫn hoạt động tích cực.

Một lãnh đạo Giáo Hội Lào nói với UCA News rằng hàng giáo sĩ và người Công Giáo tự hỏi liệu Giáo Hội có thể sống qua chính sách hạn chế về tôn giáo được không, sau khi cộng sản Lào nắm chính quyền năm 1975. Dù có nhiều khó khăn, các mục tử vẫn có thể chăm sóc tín hữu. Ðức Ông Tito Banchong Thopayong, mới được bổ nhiệm làm giám quản tông tòa hạt đại diện tông tòa Luang Prabang, ở miền bắc Lào, đã bắt đầu đi thăm tín hữu tại đây. Tín hữu nơi này chưa gặp Linh Mục nào trong gần 25 năm qua. Người ta hân hoan gặp gỡ Ðức Ông, và "họ vẫn mạnh mẽ trong đức tin", Ðức Ông nói như thế về các cuộc đi thăm tương tự hồi năm ngoái, và sau đó ngài đã bị bắt giữ và bị cấm hoạt động trong 5 tháng.

Ðức cha Yves Ramousse, giám mục Phnom Penh và chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Lào và Campuchia, đã kể lại những đau khổ quá khứ của cả hai Giáo Hội với Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong chuyến thăm Tòa Thánh năm nay. Ngài nói về các vụ cầm tù và cái chết của hàng giáo sĩ địa phương và lao động khổ sai của các thừa sai ngoại quốc, sau khi chế độ cộng sản lên nắm quyền tại Lào và Campuchia năm 1975. Vị thừa sai thuộc Hội Thừa sai Paris nói: "Sau 30 năm, Lào và Campuchia phải tái thiết Giáo Hội tại đất nước mình, và đất nước cũng cần được tái thiết." Tại vương quốc Bhutan vùng núi Himalaya, Phật Giáo là quốc giáo và Kitô Giáo bị cấm nhưng được bí mật khoan dung, nơi đây có rất ít tín hữu Công Giáo. Simon, một tín hữu nói: "Chúng tôi sung sướng được là Kitô Hữu và công dân của Bhutan." Người này có cửa hàng buôn bán tại Thimphu, thủ đô Bhutan. Simon nói: "Chúng tôi yêu mến Ðức Giêsu đồng thời cũng yêu nhà vua nữa. Kitô Hữu và Phật Tử sống chung với nhau. Tôn giáo không thể chia rẽ chúng tôi."


Back to Radio Veritas Asia Home Page