Bài phỏng vấn
Ðức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Ðình Tụng
dành cho Hãng Thông Tấn Công Giáo quốc tế Fides
về tình hình Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Bài phỏng vấn Ðức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Ðình Tụng dành cho Hãng Thông Tấn Công Giáo quốc tế Fides về tình hình Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam.

Ðức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Ðình Tụng, Tổng Giám Mục Giáo Phận Hà Nội, thủ đô, vừa mừng 50 năm Kim Khánh Linh Mục và lễ Thượng Thọ 80 tuổi. Hiện nay ngài là chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam. Trong dịp lễ kỷ niệm Chức Linh Mục và Thượng Thọ, ÐTC và Ðức Hồng Y Tổng Trưởng Bộ Rao Giảng Tin Mừng cho các dân tộc đã gửi điện văn chức mừng.

Trong dịp mừng hai biến cố quan trọng này, Ðức Hồng Y đã dành cho Hãng Thông Tấn Fides cuộc phỏng vấn về một số vấn đề liên hệ đến Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam. Bài phỏng vấn này đã được nhật báo Công Giáo Ý "Tương Lai" (Avvenire), số ra ngày 28.07.1999, đăng lại và bình luận. Chúng tôi xin lược thuật bài phỏng vấn nầy.

Trả lời cho câu hỏi về những thay đổi trong xã hội và trong Giáo Hội Việt Nam, trong vòng Hai năm qua, Ðức Hồng Y đã trả lời như sau:

"Có nhiều sự thay đổi, nhất là về kinh tế; những thay đổi này cũng ảnh hưởng cách nào đó trên công việc của chúng tôi, các Giám Mục và Linh Mục. Theo nguyên tắc, những hoạt động tôn giáo "được phép" trong địa hạt thuộc quyền của mỗi người trong chúng tôi, với điều kiện là xin phép trước và được sự ưng thuận của chính phủ. Nhưng trong thực hành nhiều vấn đề bị cản trở về phía nhà cầm quyền địa phương. Sắc lệnh mới nhằm đến việc qui định các hoạt động tôn giáo tại Việt Nam không đem đến những mới lạ lớn lao sánh với các bản văn cũng về vấn đề này đã được công bố trước đây. Nhưng có một sự xác định quan trọng liên hệ đến các tài sản của Giáo Hội đã bị tịch thu hoặc "được tặng" cho Nhà Nước; những tài sản đó, nay bị coi như thuộc quyền sở hữu của Nhà Nước. Rồi, trong một số khía cạnh, việc kiểm soát của Nhà Nước được coi như tăng cường. Thí dụ, theo sắc lệnh mới, Nhà Nước cho mình có quyền chấm dứt các hoạt động của một Hội Dòng (congrégation), nếu Nhà Nước nhận định rằng hội dòng này không trung thành với lý tưởng của đời sống.

Câu hỏi thứ hai, liên quan đến "những vấn đề truyền giáo trên Quê Hương Việt Nam", đã được Ðức Hồng Y trả lời như sau:

"Vấn đề gây lo lắng cho tôi hơn cả là việc thiếu thốn nhân sự. Tổng Giáo Phận Hà Nội có 400 ngàn tín hữu Công Giáo được chia thành 130 giáo xứ, cách xa nhau từ 5 đến 20 cây số, không có đường đi nối tiếp dễ dàng các giáo xứ nầy với nhau. Và chúng tôi chỉ có 40 Linh Mục; như vậy mỗi Linh Mục phải lo cho 10 ngàn tín hữu, chưa kể đến việc các người không phải tín hữu Kitô, mà giáo xứ phải rao giảng Tin Mừng cho họ... Trong lúc đó, Lạng Sơn là một giáo phận giáp giới Trung Quốc, có 5 ngàn tín hữu, chia thành 16 giáo xứ giữa các miền núi, dân cư trong giáo phận gồm 80% thuộc các chủng tộc thiểu số. Về nhân sự, Lạng Sơn chỉ có một Linh Mục 97 tuổi và một nữ tu hơn 100 tuổi. Ðối với Hà Nội và Lạng Sơn, chúng tôi cần một số các giáo lý viên nhiệt thành và được huấn luyện chu đáo; tất cả những cái này hiện nay chúng tôi không có."

Sang câu hỏi thứ ba, liên quan đến khó khăn gặp phải trong việc đề cử người thay thế cho ngài, thì Ðức Hồng Y đã trả lời như sau:

"Theo giáo luật, tôi đã quá tuổi hồi hưu rồi; tôi đã xin từ chức và tôi đã đề nghị một ứng cử viên thay thế. Có những cuộc điều đình giữa Tòa Thánh và Chính Phủ về vấn đề này. Chúng tôi hy vọng sẽ đi đến kết quả tốt đẹp. Người ta nói nhiều về sự ước mong của người Việt Nam được mời ÐTC đến Ðền Thánh Ðức Mẹ Lavang của chúng tôi và cũng nói nhiều về việc có thể thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Vatican và Việt Nam. Người Việt Nam, là tín hữu Kitô hay không phải tín hữu Kitô, tất cả đều tha thiết ước muốn chuyến viếng thăm của ÐTC. Chuyến viếng thăm này sẽ có thể nâng cao uy tín của Việt Nam trước dư luận quốc tế. Theo sự ước mong này, Hội Ðồng Giám Mục đã xin chính phủ được phép mời Ðức Gioan Phaolô II. Sau hai tháng chờ đợi, Văn Phòng Tôn Giáo vụ đã chuyển đến cho chúng tôi phúc đáp của Thủ Tướng như sau: theo nguyên tắc, chính phủ chấp nhận sự có thể của chuyến viếng thăm, nhưng chính phủ ước muốn rằng chuyến viếng thăm liên kết với việc khởi đầu các quan hệ ngoại giao giữa Vatican và Việt Nam. Nhưng trong lúc này quan hệ ngoại giao chưa có."

Ðó là nội dung chính bài phỏng vấn Ðức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Ðình Tụng, do hãng tin Fides của bộ Truyền Giáo thực hiện. Khi đăng lại bài phỏng vấn trên, nhật báo Tương Lai có thêm vài lời bình luận như sau:

"Chúng ta đang ở vào lúc tan tuyết để tiến đến Mùa Xuân tươi sáng hay vẫn còn trong mùa đông giá lạnh? Ðối với Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam - một Giáo Hội đầy sức sống, người ta chưa thấy được lối thoát ra khỏi con đường hầm, cho dù từ 10 năm nay có những cuộc đàm phán giữa chính phủ Việt Nam và Tòa Thánh; những cuộc đàm phán này đã thực hiện được những bước tiến rất đáng kể; việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Tòa Thánh cũng được nghĩ đến. Dù vậy, Giáo Hội Việt Nam vẫn còn chịu sự kiểm soát gắt gao của Nhà Nước. Và sự kiểm soát nầy được tăng cường bởi sắc lệnh mới đây về các tôn giáo. Ðây là sắc lệnh qui định các hoạt động tôn giáo; những qui định này gây nên khó khăn cho sự tự do hoạt động của các Giám Mục; việc bổ nhiệm các ngài đã bị nhà cầm quyền đặt ra những điều kiện. Tất cả đều được tự do, miễn là không hoạt động trái nghịch với đường lối chính trị và luật pháp Nhà Nước.


Back to Radio Veritas Asia Home Page