Ðề Tài Suy Niệm Tỉnh Tâm Mùa Chay

Ngày thứ ba

Giáo Dục Con Người Toàn Diện

 

Ngày thứ ba:

Giáo Dục Con Người Toàn Diện

1. Những vấn đề của thời đại

Trong chương trình Ðối thoại trẻ, chủ đề "Vì sao giới trẻ phạm tội" do VTV6 thực hiện ngày 25/6/2009.

Khởi đầu chương trình, một số vị phụ huynh cho rằng, gia đình không phải là nguyên nhân tác động trực tiếp khiến giới trẻ phạm tội. Giảng viên tâm lý Bích Ngọc đến từ Học viện Cảnh sát nhân dân đã phản bác quan điểm này. Bà cho rằng, một số gia đình có những cách xử thô bạo với con trẻ khiến chúng có nhận thức lệch lạc về nhân cách... dẫn đến phạm pháp.

Tuy không có mặt ở trường quay nhưng vẫn theo dõi truyền hình và tham dự trực tiếp qua điện thoại, diễn viên Hiệp "Gà" từng đi tù vì buôn bán ma túy cũng tỏ ý tán đồng. "Theo tôi, gia đình là nền tảng cốt lõi để hình thành nhân cách con người", anh nói.

Theo bà Ngô Thị Minh (cán bộ Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên nhi đồng Quốc hội) không chỉ những gia đình thiếu thời gian hoặc kinh tế, nhiều cặp vợ chồng có điều kiện nhưng do xã hội cũng như khoa học phát triển nhanh họ không có những kỹ năng cần thiết để giáo dục con cái. "Có đứa trẻ ngồi trên máy một tiếng chơi game nhưng bố mẹ không biết con mình chơi cái gì", vị cán bộ này dẫn chứng.

Mới đây, Phạm Ðình Cử (học lớp 8) vì muốn có tiền để chơi games đã bắt cóc em họ để tống tiền cô ruột. "Con tin" 5 tuổi sau đó đã bị anh họ cho vào bao tải, hại chết. Về vụ án này, một điều tra viên giàu kinh nghiệm của Công an Hà Nội đã thốt lên "Chúng giết người lạnh lùng như chơi games vậy".

Mới đây Tòa Án Nhân Dân Hà Nội cũng đã xét xử Nguyễn Văn Tú (14 tuổi) về tội giết người. Tại phiên tòa, bị cáo lí nhí thừa nhận do ham mê điện tử. Ðể lấy mấy chiếc xoong, thủ phạm đã dùng rìu bố thường hay bổ củi chém chết người hàng xóm.

Trước hàng loạt những vụ phạm pháp do giới trẻ gây ra, nhiều người cho rằng nguyên nhân không thể đổ lỗi hết cho gia đình và xã hội, nhà trường cũng cần nhìn nhận những bất cập hiện nay. Ông Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường Trung Học Phổ Thông Ðinh Tiên Hoàng cho rằng, ngoài dạy văn hóa nhà trường cần phải giáo dục các kỹ năng sống cho học sinh.

Nữ cán bộ đến từ Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên nhi đồng Quốc hội cũng thẳng thắn, qua nhiều lần khảo sát, môn Giáo dục công dân hiện nay ở nhiều trường học diễn ra nhạt nhẽo. Những tình huống có thật ở ngoài đời không được đưa vào bài giảng khiến học sinh không có hứng học...

Trước khi máy quay đóng, giảng viên Bích Ngọc cho rằng, để hạn chế giới trẻ phạm tội, ngoài gia đình, nhà trường và xã hội cùng nhau phối hợp, tự thân các bạn trẻ cần phải vượt qua những cám dỗ. Ðứng trước hoàn cảnh khó khăn, các bạn phải nghĩ đến trách nhiệm với với bản thân và xã hội.

Qua những trao đổi chúng ta thấy giới trẻ phạm tội có thể từ nhiều nguyên nhân. Có thể do xã hội và hoàn cảnh, nhưng nguyên nhân căn bản vẫn là từ gia đình. Vì theo tâm lý học, nhân cách của con người được hình thành ngay từ lúc lên ba. Nghĩa là nhân cách của một người hoàn toàn được gầy dựng theo khuôn mẫu từ gia đình.

Vì thế, hôm nay chúng ta cùng nói chuyện về bổn phận giáo dục con cái theo tinh thần của Giáo hội.

2. Giáo dục là một bổn phận

Nhiều người vẫn lạc quan cho rằng "trời sinh voi, trời sinh cỏ", nhưng rồi khi việc giáo dục con cái thất bại lại đổ lỗi cho trời vì: "cha mẹ sinh con trời sinh tính". Xem ra ông trời là nguyên nhân mọi sự, tốt cũng như xấu.

Theo Kinh Thánh, Thiên Chúa đã từng mong muốn cho người sinh sản cho đầy mặt đất, nhưng chắc chắn Ngài không muốn loài người sinh ra những đứa con kém chất lượng và không có phẩm chất. Ngài càng không bằng lòng khi mà loài người sinh sản bừa bãi và thiếu trách nhiệm. Ngay cả bản thân chúng ta cũng không muốn dùng hàng kém chất lượng. Vì hàng kém chất lượng không chỉ vô ích mà còn gây nguy hiểm cho người tiêu dùng. Vì vậy, Thiên Chúa cũng không muốn để con cái loài người sinh ra và lớn lên như cây, như cỏ mà không cần quan tâm đến chất lượng. Chính Chúa Giê-su đã nhắc đến bổn phận giáo dục của người tín hữu chúng ta: "Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ... dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em" (Mt 28,19-20). Ca dạo Việt nam cũng cùng quan điểm đó và còn nhấn mạnh: "Sinh con chẳng dạy, chẳng răn - Thà răng nuôi lợn lấy lòng mà ăn". Bổn phận dạy dỗ con cái trở thành môn đệ của Chúa phải là bổn phận trước tiên của cha mẹ. Vì cha mẹ là nhà giáo đầu tiên và gia đình là trường học đầu tiên mà con trẻ được học sống làm người.

Nếu các bậc cha mẹ quan tâm giáo dục con cái biết giữ luật Chúa, biết sống theo lẽ phải, biết ăn ở theo đúng với luân thường đạo lý thì có lẽ xã hội bớt đi những tội nhân. Nếu cha mẹ biết dạy con những điều hay lẽ phải ngay từ trong lôi thì có lẽ xã hội bớt đi những chuyện bất nhân, bất nghĩa đang tràn lan.

Thực vậy, bổn phận này xem ra còn quá thiếu sót! Chất lượng những đứa trẻ tự lập, biết phải trái, biết sống cao thượng còn quá ít. Phẩm chất của những người có nhân, nghĩa, lý, trí, tín và công dung ngôn hành ngày càng thiếu trong xã hội hôm nay. Nhưng những đứa con thiếu chất lượng lại quá ê hề, bởi đường phố còn đầy rẫy những đứa trẻ ăn nói tục tĩu, sống vô độ, lười biếng, ích ỷ, gian tham,... Ðặc biệt là các cậu ấm, cô chiêu, con nhà quyền thế và giầu có thì đua đòi, chơi bời, sống thác loạn nhiều hơn là sống đoan trang đức hạnh. Những đứa trẻ thích bạo lực, dễ nổi nóng, thích hành hạ người khác phải chăng nó đã học được những bài học từ gia đình khi mà bố mẹ thiếu tôn trọng nhau, nhiều khi còn đánh đấm nhau? Những đứa trẻ thiếu lòng nhân ái, lòng bao dung phải chăng vì nó đã học được lối sống ich kỷ từ trong gia đình? Những đứa trẻ sống thiếu đoan trang, mực thước và lăng loàn phải chăng nó đã không được học những kỹ năng sống tự chủ từ những ngày còn ở trong lôi?

Nhiều khi chúng ta than phiền về xã hội, về đất nước, về những người đang điều hành xã hội này đã làm cho việc giáo dục xuống cấp. Nhưng ít khi chúng ta ý thức rằng : Gia đình của chúng ta là một "xã hội nhỏ". Hai xã hội - lớn và nhỏ - ảnh hưởng và phản ảnh lẫn nhau. Xã hội này thay đổi thì xã hội kia cũng sẽ thay đổi. Là cha mẹ, chúng ta đang làm chủ, đang điều hành cái xã hội nhỏ bé là gia đình của chúng ta. Nếu chúng ta không làm cho cái xã hội nhỏ bé mà chúng ta đang làm chủ ấy trở nên tốt đẹp hơn, nếu trong cái xã hội nhỏ bé của chúng ta vẫn còn có những điều không tốt đẹp, những điều xấu, thì liệu sẽ có cái đẹp trong xã hội rộng lớn hay không? Nếu trong xã hội nhỏ bé mà chúng ta còn chia rẽ chồng một phe, vợ một phe, con cái cũng chia phe thì liệu rằng những thành phần xã hội này có biết đi xây dựng tình hiệp nhất đại đồng, hay chúng chỉ gây thêm hận thù, hiềm khích ở bất cứ nơi đâu họ hiện diện?

3. Gia đình là một giáo hội thu nhỏ

Bên cạnh đó, là người Kitô hữu, chúng ta không chỉ có bổn phận xây dựng xã hội theo tinh thần phúc âm, mà còn có bổn phận đưa Chúa Giê-su vào trong thế gian, và để Ngài thống trị mọi tâm hồn. Ðiều này phải được bắt đầu từ chính gia đình của chúng ta. Vì gia đình chính là một "giáo hội nhỏ" mà chúng ta có bổn phận phải biến thành một "Nước Trời nhỏ", trong đó, có tình yêu ngự trị, và mọi sự đều tốt đẹp. Chúng ta phải Phúc Âm hóa gia đình của chúng ta, làm sao để mọi người trong gia đình chúng ta sống tốt đẹp, yên vui, hạnh phúc. Gia đình có những con người biết sống theo tin mừng của Chúa sẽ đóng góp cho xã hội những con người biết sống yêu thương và phục vụ mọi người.

Thực vậy, lệnh truyền của Chúa "Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ... dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em" phải được áp dụng trước tiên trong gia đình. Trước khi Phúc Âm hóa xã hội, thế giới, ta hãy Phúc Âm hóa chính mình và gia đình mình đã. Hãy biến con cái của chúng ta thành những Kitô hữu tốt. Hãy làm cho hoa trái của sự thánh thiện, yêu thương được đơn bông kết trái trong đời sống gia đình của chúng ta.

Vì thế, các bậc cha mẹ phải làm sao giúp cho con cái có một tương quan mật thiết với Chúa, có đời sống cầu nguyện, biết hy sinh bản thân cho Chúa và tha nhân. Hãy tập cho con cái ngay từ hồi còn nhỏ có thói quen đọc kinh, cầu nguyện, dự lễ hằng ngày, và bày tỏ với Chúa những tư tưởng, tâm tình có trong đầu. Tất cả những việc đó là thức ăn cần thiết cho đời sống tâm linh của chúng. Tất cả những việc đạo đức đó chính là những việc tốt được lập đi lập lại thành thói quen tốt của một đời người. Con cái có một đời sống tâm linh tốt, chắc chắn sẽ bớt đi những tật xấu và hoàn thiện mình tốt hơn.

Muốn thế, cha mẹ phải làm gương cho con cái về đời sống đức tin, về đời sống công bình và bác ái mới có thể từ khuôn mẫu tốt của cha mẹ mà hình thành những con người tốt cho xã hội. Vì cái xã hội thu nhỏ này tốt hay xấu, có biến thành thiên đàng tại thế hay không, đều tùy thuộc vào cha mẹ là những người điều khiển gia đình và nuôi dạy con cái nên người. Nếu mỗi gia đình biết xây dựng giáo hội nhỏ của mình thành một cộng đoàn yêu thương, biết phục vụ lẫn nhau, chăm sóc cho nhau thì chúng ta đã phúc âm hóa xã hội như muối men thẩm thấu vào trần gian.

Ước mong mỗi gia đình hãy sống hòa thuận yêu thương nhau để con cái học được bài học yêu thương và nhân ái từ trong gia đình. Ước mong các bậc cha mẹ biết nhịn nhục lẫn nhau, biết sống theo lẽ phải để con cái có khả năng biết phân biệt phải trái và sống tự chủ bản thân thay cho những gay cấn bạo lực. Nguyện xin Chúa Giê-su, Ðấng đã đến ở với gia đình Nagiaret, xin cũng hiện diện nâng đỡ và chúc phúc cho các gia đình trong giáo xứ chúng ta. Amen.

 

Jos Tạ duy Tuyền

(Tháng 3 năm 2010)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page